45. — Liễu-Hạnh tiên-chúa

Về thời vua Anh-tôn nhà Lê (1557) ở về thôn Vân-cát, xã Yên-thái, huyện Vụ-bản, tỉnh Nam-định, có một người gọi là Lê Thái công tiên tổ tích đức đã ba đời, đến đời Lê Thái-công cũng hay làm phúc. Ngoài 40 tuổi, sinh được một người con giai. Cách năm sau, Thái-bà có mang được vài tháng thì phải bệnh, ưa những đồ hương hoa, người nhà cho là ma làm, mời thầy phù-thủy cúng cấp mà bênh lại nặng thêm.

Đến đêm hôm trung-thu có người xin vào chữa bệnh cho Thái-bà. Thái-công mời vào, người ấy cầm cái búa ngọc, lên đàn niệm câu thần-trú, rồi ném búa xuống đất. Thái-công ngồi cạnh ngã ngay xuống mơ mơ màng màng, thấy có hai người lực-sĩ đưa đi Đường đi khuất khúc, đến một nơi nhà vàng cửa ngọc, lực-sĩ đưa đi qua chín từng cửa, rồi đến chốn cung đường, thì đứng lại ở dưới hè. Trông lên trên thấy có một vì áo mũ đường hoàng, hai bên văn võ cầm hốt đứng chầu, nghi vệ rất thịnh. Sực có một người con gái mặc áo đỏ, bâng chén ngọc dâng rượu thọ, nhỡ tay rơi chén, sứt mất một góc. Tả-ban có một viên mở ngay sổ ra biên vài chữ, rồi thấy hai người sứ-giả và vài chục người thị nữ xúm lại dắt nàng mặc áo đỏ tự cửa nam đi ra. Mé trước có một cái biển vàng, trên có hai chữ « Sắc-giáng », giữa có hai chữ « Nam nam », còn các khoản dưới thì mập mờ không rõ

Thái-công hỏi người lực sĩ rằng:

— Đó là việc gì thế?

Lực-sĩ nói:

— Đây là bà tiên-chúa thứ hai tên là Quỳnh-hoa, chuyến này chắc là phải đầy xuống trần.

Nói đoạn, lực-sĩ đưa Thái-công về đến nhà thì tỉnh dậy, mà Thái-bà đã sinh ra một người con gái, nhân thế đặt tên là Giáng-tiên.

Khi nàng Giáng-tiên nhớn lên, nhan sắc lạ thường, Thái-công cho ở tĩnh một nhà học hành. Nàng ấy thông minh, mà lại tài nghề âm-nhạc. Thường làm ra ca từ bốn mùa, lựa vào khúc đàn để chơi.

xuân từ. (điệu xuân quang hảo)

Cảnh như vẽ, khéo ai bày? Hoa đào mỉm miệng liễu giương mày. Bướm nhởn bay, oanh vàng líu lo trong bụi, én đỏ ríu rít trên cây. Buồng xuân dìu dặt mối tình ngây, đề thơ này!

hạ từ. (điệu cách phố liên)

Giời đất nhiều phần nóng nẫu. Đầu cành rức giọng ve, bãi cỏ vang tiếng chẫu; vò võ quốc kêu sầu, eo éo canh hót ngẫu, Dường bảo nhau: « Chúa xuân về rồi thôi cũng hão! » Cảnh sắc dường kia, ngao ngán cầm lòng khôn đậu. May đâu, thần Chúc dong gảy một khúc nam-huân, hương sen thoảng đáo, môt trận gió bay, sạch lòng phiền não.

thu từ. (điệu bộ bộ-thiềm)

Mặt nước trong veo non tựa ngọc, gió vàng hây hẩy khua khóm trúc. Hoa lau muôn dặm trắng phau phau, cây cối vẻ hồng pha vẻ lục. Cung thiềm sáng quắc ả Hằng ngủ, dạo bước thềm giao tình rạo rạc. Chi bằng đến thẳng dưới giậu hoa cúc thơm, thảnh thơi dạo đàn gảy một khúc.

đông-từ. (điệu nhất tiễn-mai)

Khí đen mờ mịt tỏa non sông, hồng về nam xong! nhạn về nam xong! Gió bắc căm căm tuyết mịt mùng! tựa triện ngồi trông, tựa triện đứng trông. Sưởi lò mặt vẫn giá như đồng, ngồi chẳng yên lòng, nằm chẳng yên lòng! Dậy xem phong cảnh lúc giời đông, hoa quên lạnh lùng! người quên lạnh lùng!

Một khi Thái-công dạo chơi sau vườn, nghe thấy khúc đàn ấy, trong bụng buồn rầu, nhân có ông bạn quen họ Trần ở cùng một làng, mới cho làm con nuôi ông ấy, và làm riêng một nhà lầu ở sau vườn Trần-công cho con gái ở.

Cạnh nhà Trần-công có một nhà quan, tuổi già chưa có con giai, nhân đêm giăng ra chơi vườn đào, bắt được đứa con giai ở dưới gốc đào, vì thế đặt tên là Đào-lang. Đào-lang mặt mũi tuấn tú. Trần-công thấy Giáng-tiên tư chất khác phàm và lại nết na, có ý muốn kết duyên cho Đào-lang. Hai bên cha mẹ thuận lòng, mà hai người cũng tốt duyên phải lứa, mới gả cho nhau. Tự khi cưới về, Giáng-tiên một lòng hiếu thuận. Năm sau, sinh được một mụn con giai, cửa nhà thêm vui vẻ.

Ngày tháng thấm thoắt, chợt đã ba năm. Hôm mồng ba tháng ba, Giáng tiên tự nhiên vô bệnh mà mất, bấy giờ mới hai mươi mốt tuổi. Ba nhà sầu thảm vô cùng.

Thái-bà đau xót đêm ngày khóc lóc. Một bữa đang khóc thì thấy con về ôm lấy mẹ mà nói rằng:

— Mẹ ôi! con ở đây, mẹ khóc gì thế?

Thái-bà mở choàng mắt ra trông quả là con, cả nhà xúm lại hỏi han.

Tiên-chúa nói rằng:

— Con là Đệ-nhị-tiên-cung phải đầy xuống trần, nay đã hết hạn, lại phải lên chầu Thượng-đế. Cha mẹ có âm-công, đã vào sổ tiên, mai sau cũng được đoàn tụ, không can gì phải lo sầu.

Nói đoạn thì lại biến mất.

Chàng Đào-lang tự khi uyên bay, trăm phần sầu não. Một đêm đang ngồi ngâm thơ giải phiền, sực thấy Tiên-chúa đến, chàng kia níu lấy kể lể nỗi đoạn sầu khổ. Tiên-chúa khuyên giải hết điều rồi lại biến mất.

Tự bấy giờ đi mây về gió, chơi xem phong cảnh các nơi. Một hôm, đến tỉnh Lạng-sơn, trông thấy có ngọn chùa trên núi, mới lên xem cảnh, rồi ra nghỉ mát dưới gốc cây thông, gẩy đàn ngợi hát. Xảy có Phùng-khắc-Khoan (Trạng Bùng) đi sứ về qua. hai bên đối báp với nhau.

Phùng-công đọc trước một câu rằng:

Tam mộc sâm đình; tọa chước hảo hề nữ tử.

(三 木 森 庭 坐 著 好 兮 女 子)

Tiên chúa ứng thanh đối rằng:

Trùng sơn xuất lộ; tẩu lai sứ giả lại nhân.

重 山 出 路 走 來 使 者 吏 人.

Phùng-công lại đọc rằng:

Sơn-nhân bằng nhất kỉ; mạc phi tiên nữ lâm phàm.

(山 人 憑 一 几 莫 非 仙 女 臨 凡).

Tiên-chúa lại đọc rằng:

Văn-tử đái tràng cân; tất thị học-sinh thị trướng.

(文 子 帶 長 巾 必 是 學 生 侍 帳).

Phùng-công thấy vậy, muốn hỏi lai lịch thì đã biến mất rồi, chỉ thấy gỗ nằm ngổn ngang, hình ra bốn chỗ: « Mão khẩu công chúa » (卯 口 公 主)[1], và có một cây gỗ dựng viết bốn chữ « Thủy mã dĩ tẩu » (水 馬 已 走)[2]. Phùng-công đoán ý tứ các chữ ấy, biết là Liễu-hạnh công chúa nhờ mình khởi công sửa sang chùa ấy, mới xuất tiền cho dân sửa sang.

Lại một khi Phùng-công đem bạn lên chơi hồ Tây, cũng gặp Tiên-chúa, xướng họa liên ngâm với nhau. Về sau Tiên-chúa hiển thánh ở đèo Ngang phố Cát, tỉnh Thanh-hóa, hiện ra làm con gái đẹp bán nước những kẻ đùa bỡn chết hại rất nhiều. Triều-đình nghi là yêu quái, sai thầy phù-thủy và Trịnh hoàng-thúc đem quân đi tiễu. Quan quân bắn vào trong núi, tan phá đền đài. Được vài tháng, dân xứ ấy dịch tễ, lập đàn cầu khấn, thì mới biết là Tiên-chúa hiển thánh tâu lên triều-đình, vua sai sửa sang lại đền miếu, phong làm Mã-vàng công chúa. Sau lại có công giúp nước phá giặc Mán, được phong làm Chế-thắng bảo hòa-diệu đại vương, lập đền trên núi Sùng-sơn đến giờ vẫn còn, anh linh.

   




Chú thích

  1. Gỗ ngổn ngang là hình chữ mộc . Chữ mão chữ khẩu gia thêm chữ mộc, là chữ Liễu hạnh
  2. Thủy là chữ Phùng ; Dĩ tẩu là chữ khởi , ý là bảo họ Phùng khởi công.