36. — Nguyễn-văn-Thành

Nguyễn-văn-Thành trạng mạo khôi ngô, tính thâm trầm, cương nghị. Chăm đọc sách, giỏi võ nghệ. Tổ-tiên trước ở Thừa-thiên; cha là Hiền dời vào ở Gia-định.

Đời vua Duệ-tôn triều Nguyễn. Tây-sơn Nguyễn-văn-Nhạc khởi binh cướp Bình-thuận. Hiền mộ quân hương-dũng theo đi đánh giặc, khi ấy Thành cũng ứng mộ theo cha, đóng quân ở Cầu-giang Tống-phúc-Hợp sai Hiền đem và nghìn quân đi tải lương, Thành cũng theo đi. Lúc đang đi nửa đường, quân lính già nửa mắc đội thóc, không kịp phòng bị, thì có quân giặc đổ ra đánh chẹn ngang đường. Hiền thấy quân giặc kéo ập đến, liền vẫy Thành lui tránh đi. Thành lẻn ra đàng sau trận, sai những quân đội thóc, giơ sào lên làm giáo, treo áo lên làm cờ, vòng ra đàng trên Sa-đỗng, vừa đánh trống vừa reo mà kéo lên. Giặc ngỡ là có viện-binh kéo đến, phải tháo lui dần. Quan quân thừa cơ lại đánh được toàn thắng. Phúc-Hợp khen Thành còn trẻ tuổi mà có trí khôn, thưởng cho 10 lạng bạc, và một cập áo sa.

Đến sau, Hiền bị tử trận. Đức Duệ-tôn cho Thành làm cai đội, Thành đi chiêu tập được hơn 800 quân tráng dũng, theo Đỗ-thanh-Nhân thu phục được Sài-gon.

Năm Ất-tị, Thành theo đức Thế-tổ sang Xiêm ở thành Vọng-các, lại giúp Xiêm đánh phá được Diến-điện, khi ấy vua Xiêm muốn giúp binh, Đức Thế-tổ họp các tướng lại bàn. Thành tâu, rằng: « Quân Xiêm tàn ngược, không nên nhờ họ giúp nữa; nếu nhờ binh-lực của họ mà được thành sự, rồi tất có lo về sau. Không gì bằng hãy tĩnh để đợi thời. »

Năm Đinh-mùi, Thành phụng mệnh đi đón Hà-hỉ-Văn, bị bạt phong giạt vào Hà tiên, tuyệt lương, Thành giả làm thuyền giặc đi tuần, vào cửa bể cướp lương. Khi về đến nơi hành-tại ở Cù-lao Cổ-cốt, đức Thế tổ biết truyện cướp lương, quở trách Thành, truyền tống giam, sau cho tùng chinh. Khi quan quân thất lợi trận đánh ở Mỹ-tho, có kẻ xui Thành trốn về làng mà ở. Thành bảo rằng: « Vua, tôi nghĩa cả, dù sống, chết cũng phải giữ lấy; còn như sự thành, bại là tại giời, ta liệu trước sao được. Vả lại nhân phải khiển trách mà đi, nhân lúc bại-trận mà trốn, đó là kẻ tiểu-nhân phản phúc, ta không thèm làm. » Bèn cùng với lũ Hỷ-Văn 17 người, vượt bể đi theo đức Thế-tổ. Một hôm gặp bão to, gẫy cả cột buồm, bạt phong giạt vào cửa Bản-phố. Thành chạy vào trong làng, mượn được thuyền, nhờ được lương, lại vượt bể vào Long-xuyên, sau nghe tin đức Thế-tổ đóng ở Ba-lai, bèn theo đến nơi xin đi chiêu tập quân nghĩa-dũng để đánh giặc.

Năm Quí-sửu, đức Thế-tổ ra thân chinh Qui-nhân, cho Thành làm Khâm-sai Bình-sơn Tiền tướng quân đem bộ binh đi trước, đến đâu giặc đều tan vỡ cả. Khi ấy nghe tin Thái-úy giặc là Nguyễn-văn-Hưng đem quân tự Phú-xuân vào cứu viện Qui-nhân Thành bèn đem quân đến Thạch-tân án ngữ, năm trận đánh, quân giặc đều phải lui cả. Thành lại do đường bộ kéo đến họp với thủy-quân ở cửa Thi-nại, rồi phụng mệnh rút quân đến đóng ở Phú-an. Bấy giờ ai cũng sợ rằng quân giặc đuổi theo, Thành nói rằng: « Trong Qui-nhân, ngoài Thuận-hóa, dẫu là thân thích, mà thực là cừu thù, chẳng qua mượn tiếng vào cứu-viện, mà kỳ thực là định nuốt nhau. Nhạc còn tự cứu không xong, nữa là đi đuổi theo người. »

Sau Nhạc quả nhiên phải lũ Hưng bức tử, lời Thành nói không sai.

Năm Đinh-tị, Thành phụng mệnh trấn thủ Diên-khánh, khi ấy có bọn giặc khách tàu-ô thường làm trở ngạnh ngoài bể, Thành dụng mẹo bắt được, đường bể mới yên.

Năm Kỷ-mùi, Võ-Tính trấn thủ Qui-nhân, bị quân giặc vây, Thành phụng mệnh điều khiển các đạo bộ-binh ra cứu viện, phá tan các đồn giặc. Quân giặc phải lui giữ Chủ-sơn, Thành đánh mãi không vỡ, sau Thành dò được con đường tây, nam, có thể đánh tập hậu được, bèn vẽ hình thế dâng biểu xin thêm quân.

Đức Thế-tổ sai Tống-viết-Phúc, Lê-văn-Duyệt đem thêm quân đến Thị-dã, đều theo tiết chế Thành. Thành bèn lưu Duyệt đóng quân án ngữ ở Thị-dã, mà Thành thì đem quân qua núi Bột-khê, hơn hai trăm dặm đường, cứ rấn cơn mưa mà đi, vòng qua Đăng-trại đến sau lưng đồn giặc phóng hỏa đốt trại. Mặt trước Lê-văn-Duyệt thừa thắng đánh ập vào. Quân giặc tan chạy.

Trận này, Thành và Duyệt cùng làm đại-tướng, cưỡi voi cầm cờ, trỏ bảo các tướng. Thành tính hay rượu, lúc sắp vào trận, cầm hồ rót uống, lại rót một chén đưa cho Duyệt, bảo rằng: « Uống chén này lại càng hăng hái thêm lên. » Duyệt cười mà rằng: « Có nhát, thì mới phải mượn rượu, chớ như trong con mắt tôi chẳng cho quân giặc vào đâu, cần gì phải mượn rượu. » Thành có ý thẹn, bởi thế căm giận Duyệt.

Khi ấy, Thế-tổ sắp khởi trận hỏa-công ở cửa bể Thi-nại, bèn mật báo Thành đem bộ-binh đêm đánh trận giặc, để cho quân giặc mải chống giữ; thì mặt quân-thủy đánh xông vào. Võ-văn-Dũng phải bỏ thủy-đồn mà chạy.

Khi Thế-tổ đem thủy-quân ra đánh Phú-xuân, lưu Thành đóng quân ở Vân-sơn, để chống nhau với giặc. Lại sai đem ấn sắc đến nơi quân-thứ phong cho Thành tước Quận-công.

Thành cùng Duyệt hội quân hai mặt đánh thành Bình-định. Diệu, Dũng hết lương ăn, đương đêm bỏ thành lẻn qua đường rừng trốn chạy. Thành chiêu hàng dư-đảng được 3000 người, phụng mệnh ở lại trấn thủ.

Thành học sách vở thông thái, am hiểu chính-thể, trong hàng chư tướng, đức Thế-tổ trọng Thành hơn cả; không cứ việc nhớn, việc nhỏ, thường hỏi đến Thành để quyết định.

Tháng bảy năm Nhâm-tuất đức Thế-tổ định xong Bắc-thành, triệu Thành cho làm Tổng-trấn, cả thảy 11 trấn đều thuộc về cả.

Năm Gia-long thứ bảy, Bắc-thành bốn trấn nổi giặc, giả danh tôn Lê. Thành làm khúc hát « Điểm-mê » để hiểu dụ. Dân gian có người làm khúc « Tố-khuất », đổ tội quan-lại nhũng nhiễu, cho nên nổi giặc. Thành sức các địa-phương quan đi hiểu dụ khắp mọi nơi, và sai các tướng tiến tiễu, đều dẹp yên cả.

Năm thứ mười, Thành phụng mệnh sung chức Tổng-tài sửa lại luật lệ, định thành 20 quyển, 398 điều, tâu xin in cả để thi hành.

Năm thứ mười ba, gặp tang đức Thừa-thiên hoàng-hậu (sinh ra ông hoàng-tử Cảnh), đức Thế-tổ muốn để ông hoàng-tử đệ-tứ (đức Minh-mệnh) làm thừa tự, vào chủ tế. Thành ngại rằng lòng văn tế khó xưng hô, đức Thế-tổ bảo rằng: « Con phụng mệnh cha, để mà tế mẹ. danh chính ngôn thuận, can gì mà không nên. » Nhưng Thành vẫn có ý bất mãn. Sau có khi đương buổi triều, đức Thế-tổ hỏi Thành rằng: « Nay hoàng-tôn Đán (con ông hoàng-tử Cảnh) còn nhỏ, trong hàng các con, nên lập ai là phải? » Thành thưa rằng: « Đích-tôn thừa trọng, mới là chính lễ. Nay bệ-hạ muốn chọn người khác, biết con chẳng ai bằng cha, chúng tôi không dám dự đến việc đó, »

Từ đấy Thành vào triều kiến, thường tâu xin lập ngôi chừ-nhị[1], đức Thế-tổ nín nặng. Thành lại càng nghi sợ.

Con Thành là Thuyên đỗ Cử-nhân khoa Quí-dậu, hay làm văn thơ, giao thông tân khách, nghe thấy Nguyễn-văn-Khuê, Nguyễn-đức-Nhuận là người Thanh-hóa, hay chữ có tiếng, mới làm một bài thơ sai tên môn-hạ Nguyễn-trương-Hiệu cầm ra mời vào chơi. Hiệu đem bài thơ ấy đưa cho Hình-bộ Thiêm-sự Nguyễn-hựu-Nghi. Nghi vốn oán Thành, xui Hiệu cầm bài thơ ấy mách Lê-văn-Duyệt. Duyệt với Thành hai người vốn không hòa với nhau, mới cầm bài thơ vào triều mật tâu: « Thuyên làm thơ có ý bội nghịch[2]. » Đức Thế-tổ cũng không hỏi chi. Sau Hiệu cứ giữ bài thơ ấy làm chứng, đón Thành đi chầu về, nắm áo đòi tiền hối-lộ. Thành bất đắc dĩ phải bắt Hiệu và Thuyên tống ngục, liền vào chầu tâu vua, đức Thế-tổ cho là chứng cớ chưa rõ, tha tội cho Thuyên, mà Thành vẫn tại chức như cũ

Sau lại có kẻ hạch Thành bất pháp, Lễ-bộ bác Thành không được dự tế Nam-giao. Đức Thế-tổ lại sai Lê-văn-Duyệt xét lại án ngươi Thuyên. Thuyên phải thú phục. Thành sợ hãi xin chịu tội. Quần thần đều xin đem Thành tống ngục. Đức Thế-tổ nói rằng: « Thành dẫu có tội, nhưng cứ lễ đãi kẻ đại-thần, phải nên xử một cách riêng. » Bèn sai thu cả ấn sắc của Thành, cho về ở nhà. Quần-thần lại tâu: « Cha con Thành, cứ phép nên xử tử. » Gặp khi ấy ngoài Bắc-thành kết án Lê-duy-Hoán mưu phản, đệ vào kinh để Hình-bộ xét lại. Duy-Hoán lại chiêu xưng là tự Thuyên xui làm phản. Đình-thần xin bắt Thành và cả các con giam ở nhà Thị-trung quân-xá. Các đình-thần họp lại tra hỏi Thành có làm phản không? Thành thưa rằng: Không. Khi Thành trở ra, bảo quan Thống-chế Hoàng-công-Lý rằng: « Thế là thành án rồi, vua bắt tội chết, tôi không chết, không phải là trung-thần. » Rồi liền uống thuốc độc mà chết, thọ 60 tuổi. Khi ấy có tên lính thư-lại nhặt được tờ biểu trần-tình của Thành để lại, Hoàng-công-Lý đem dâng lên, trong tờ biểu có câu rằng: « Sớm rèn tối luyện, kết thành tội cực ác cho cha con tôi, không còn kêu oan vào đâu được nữa, chỉ có chết mà thôi. » Đức Thế-tổ xem tờ biểu, thương tình, sa hai hàng lụy, rồi phán Lễ-bộ xuất tiền kho làm ma tử tế.

Thành có tài lược kiêm cả văn, võ, lâm trận dùng binh, định mưu trước rồi mới đánh, cho nên ít khi thua, huân lao rất to. Còn như mưu mô việc miếu đường, Thành điều trần được nhiều việc, đều thứ đệ thi hành cả, thực là có mưu xa kinh lý việc nước.

Năm Minh-mệnh thứ mười bốn, nghịch Ngôi khởi loạn ở thành Phiên-an, vì có tên Hàm (con Thành) tùng ngụy, xuống chiếu bắt cả lũ con Thành giết sạch. Đến năm Tự-đức mới lại được truy phục chức tước.

   




Chú thích

  1. Là ngôi Thái-tử.
  2. Trong bài thơ có câu kết: « Thử hồi nhược đắc sơn trung Tể, tá ngã kinh luân chuyển hóa ky. » Nghĩa là: Hồi này nếu được Tể tướng trong núi, giúp ta kinh luân chuyển động cơ trời.