35. — Võ-Tính

Võ-Tính tổ tiên thủa trước là người Phúc-an, thuộc tỉnh Biên-hòa, sau dời đến Bình-dương.

Tính là người khảng khái, trí dũng hơn người, nhà giầu, không chịu thần phục Tây-sơn; mới xin với mẹ bỏ của ra chiêu dụ hào-kiệt, khởi nghĩa-binh ở Phù-viên (thuộc Gia-định); rồi kéo đến Định-tường chiếm giữ Khổng-tước-nguyên (thuộc Tân-hòa), tụ đồ-đảng đến hàng vạn người, hiệu là đạo quân Kiến-hòa, tự xưng làm Tổng-nhung, hễ quân giặc đi qua đất ấy, thì đánh giết sạch. Quân giặc thường bảo nhau rằng: « Gia-định tam hùng[1], Võ-Tính là một, chớ có phạm vào mà chết. »

Năm Mậu-thân, Tính đem cả bộ-thuộc đến bái yết đức Thế-tổ ở dưới hành-tại[2]. Đức Thế-tổ cả mừng, cho Tính làm Tiên-phong doanh khâm-sai Tổng-nhung chưởng-cơ; rồi lại gả em là Trưởng công-chúa Ngọc-Du (con gái đức Hưng-tổ, em đức Thế-tổ) cho.

Khi ấy tướng Tây-sơn là Thái-bảo Phạm-văn-Tham giữ thành Sài-gòn, Tính đem quân vây đánh. Tham cùng quẫn xin hàng, dẹp yên được vùng Gia-định.

Năm Quí-sửu, Tính được thăng làm Khâm-sai chưởng Hậu-quân doanh Bình-sơn tham-thặng tướng-quân, theo đức Thế-tổ ra đánh thu phục được Phú-an.

Năm Giáp-dần, Tính phụng mệnh trấn thủ thành Diên-khánh (bây giờ là Khánh-hòa). Trần-quang-Diệu (tướng Tây-sơn) đem hết cả quân vào vây. Tính kiên thành cố thủ, khi ấy trong thành thiếu lương, quân-sĩ rất kham-khổ, Tính lấy lời trung nghĩa khích-khuyến, tướng sĩ đều cố sức đánh, giặc không thể nào phá được. Mùa hạ, năm Ất-mão, đức Thế-tổ đại cử quân-thủy, bộ ra cứu viện. Tính nghe tin có viện-binh đến, bèn thân đốc tướng-sĩ đương đêm mở cửa thành ra đánh, quân giặc tan chạy. Đức Thế-tổ úy lạo khen Tính rằng: « Tên Diệu là kềnh-địch, mà ngươi hay giữ vững được thành này, có gặp gió to mới biết được cỏ cứng thật! » Bèn phong cho Tính tước Quận-công.

Tính tuổi trẻ, mà lại là bậc thân-quí, lập được nhiều công chiến-trận, vậy nên có ý kiêu căng. Tiền-quân tôn-thất Hội thường chê Tính là người thiển-hiệp, và bảo rằng: « Cậy mình quí mà không xét đến kẻ sĩ, là lỗi quan Phiêu-Kỵ họ Hoắc[3], nay ngươi có bớt kiêu đi, thì mới giữ trọn được tiếng hay. » Tính nghe lời cảm tạ, từ đấy nén bớt kiêu-khí, đều được lòng tướng-sĩ.

Năm Kỷ-mùi, Tính hộ giá đức Thế-tổ ra thân chinh, hạ được thành Qui-nhân. Đức Thế-tổ vào thành úy lạo, đổi tên là thành Bình-định, lưu Tính cùng Lễ-bộ Ngô-tùng-Chu ở lại trấn thủ.

Mùa đông năm ấy, Trần-quang-Diệu, Vũ-văn-Dũng lại đem hai đạo quân vào vây Bình-định, Tính nghe tin biết thế giặc đương mạnh, chửa có thể đánh được, bèn thu quân giữ thành. Đức Thế-tổ nghe tin báo, đại cử thủy, bộ chư quân ra cứu viện.

Tính kiên thành cố thủ, tùy phương chống chế, quân lịnh nghiêm minh, khích lệ tướng-sĩ đều liều chết mà đánh, nhớn nhỏ cả thảy hơn và mươi trận, không thua trận nào.

Hoặc có kẻ khuyên Tính vượt vòng vây mà lẻn ra. Tính không nghe, bảo rằng: Ta phụng mệnh giữ thành này, thì ta nên thề cùng với thành cùng sống thác. Nếu bỏ thành mà lẩn trốn lấy một mình, thì còn mặt mũi nào trông thấy chúa-thượng nữa? »

Khi ấy quan quân đến cứu viện đã non hai năm giời, đánh mãi không tài nào giải vây được. Đức Thế-tổ sai người lặn nước từ cửa bể lẻn vào, bảo Tính bỏ thành mà ra hội với quan quân. Tính nhất định xin cố thủ, sai người cầm tờ mật-biểu ra tâu rằng: « Nay quân giặc tụ vây cả ở thành này, thì ngoài Phú-xuân hẳn không-hư, xin đem quân thừa hư ra đánh lấy Phú-xuân, chẳng khác gì đổi ngói lấy vàng; dẫu chết một mạng tôi, mà đổi lấy được Phú-xuân, cũng phải. »

Đức Thế-tổ được tờ mật-biểu, ngài mới quyết ý đem quân do đường thủy kéo ra. Đêm hôm ấy đốt lửa ở núi Độc-sơn làm hiệu, Tính thấy hỏa hiệu, lại mở cửa thành ra đánh, giết được và tên tướng giặc.

Khi ấy trong thành hết cả lương thực, quân-sĩ phải giết voi, ngựa mà ăn, mà cũng không ai có lòng phản bội gì cả. Tính sợ rằng thành hãm, thì tướng sĩ chết hại nhiều, bèn đưa thư ra bảo Diệu rằng: « Phận sự ta làm chủ-tướng, thì đành liều chết ở dưới cờ. Còn như các tướng-sĩ không có tội gì, không nên giết hại. » Lại bảo các tướng rằng: « Ta uống thuốc độc, nhảy vào lửa, đàng nào cũng chết. Nhưng ta không muốn cho giặc trông thấy mặt, ta đành chết vào lửa mà thôi. » Mới sai quân lấy củi khô chất đầy ở dưới lầu Bát-giác, và để thuốc súng vào giữa.

Một hôm buổi sớm, Hiệp-trấn Ngô-tùng-Chu sang hỏi Tính xem định kế gì? Tính trỏ lầu Bát-giác mà rằng: « Kế tôi đành chịu thác ở đó mà thôi! » Lại bảo Tùng-Chu rằng: « Tôi là võ-tướng, không lẽ cùng sống với giặc được; ông là văn-quan, giặc nó không nỡ giết nào, nên liệu mà tự toàn lấy mình. »

Tùng-Chu cười mà rằng: « Dù văn, dù võ, ai cũng một lòng trung ái cả, chớ có phân biệt chi? Tướng quân hay liều mình với nước, tôi lại không hay tận trung với vua hay sao? » Nói rồi lui về dinh, uống thuốc độc mà chết.

Tính than rằng: « Ông này lại hơn ta một chước! » Liền thân đến liệm táng cho Tùng-Chu tử tế. Cách hai hôm sau, Tính mặc triều-phục lên lầu hội các tướng bảo rằng: « Ta nhờ có các tướng đồng tâm mới giữ được thành mà chống nhau với giặc. Nhưng nay lương cạn, lực cùng, giữ cũng không được nữa, thôi thì ta liều mình chịu thác, chớ không làm khổ tướng sĩ mãi nữa. » Các tướng nghe nói, ai cũng thương xót, đứng chung quanh lầu mà khóc. Tính khoa tay bảo các tướng lui ra, rồi sai Phó-tướng Nguyễn-văn-Biện châm lửa. Biện cũng khóc mà chạy. Tính bấy giờ đang hút thuốc lá, lấy tàn ném xuống đống thuốc súng. lửa tức thì bốc lên mà thác. Thống-binh Nguyễn-tấn-Huyên ở ngoài chạy vào, cũng nhảy vào lữa mà chết theo, hôm ấy là ngày 27 tháng 5 năm Tân-dậu.

Diệu đem quân vào thành, trông thấy cũng rỏ nước mắt, sai làm lễ niệm táng tử tế. Còn các tướng-sĩ trong thành, không giết hai người nào cả. Nhưng bọn tướng-sĩ sau đều lẻn về, không có một người nào chịu ở theo giặc.

Đức Thế-tổ nghe tin Võ-Tính, Ngô-tùng-Chu tử tiết, thương khóc than rằng: « Toàn tiết như thế, dẫu Trương-Tuấn, Hứa-Viễn ngày xưa, cũng không hơn được! »

Gia-long nguyên niên, sai lập đền thờ ở nền cũ lầu Bát-giác, truy tặng Tính làm Dực-vận công-thần Thái-úy Quốc-công; Chu làm Tán-trị công-thần Thái-tử thái-sư Quận-công; Huyên được tặng làm Chưởng-cơ. Năm Minh-mệnh thứ 12, truy phong Tính làm Hoài Quốc-công; Chu làm Ninh-hòa Quận-công, đều được phối hưởng ở nhà Thái-miếu.

   




Chú thích

  1. Đỗ-thanh-Nhân, Chu-văn-Tiếp và Võ-Tính là ba kẻ hùng trong Gia-định.
  2. Là nơi vua đi đóng quân ở đó.
  3. Là võ-tướng đời nhà Hán