Năm anh hàng thịt  (1945) 
của Nam Cao
GƯƠNG CHIẾN ĐẤU

NĂM ANH
HÀNG THỊT


HỘI VĂN HÓA
CỨU QUỐC
VIỆT-NAM
HÀ-NỘI 1945

NĂM ANH
HÀNG THỊT

Bình vừa mới kéo cái then ra, hai cánh cửa đã bật tung; anh không vội tránh thì đã được gẫy một vài cái răng cửa hay bẹp mũi. Tảo xộc vào như một luồng gió mạnh.

— Trời ơi! chi mà dữ vậy? Bộ lính chà nó đuổi anh hay sao mà anh thở hung quá vậy?

Bình hỏi đùa bạn thế. Tảo vò đầu, rứt tóc, nghiến răng, dậm cẳng như một người hóa dại:

— Chà! giận quá! giận muốn trào máu họng! Anh không làm sao được thì tôi chết mất! Chết thiệt ạ! Không thể sống một ngày nào nổi.

Bình trố đôi mắt thật to, dáng khôi hài:

— Ủa! chi mà dữ vậy?

— Vẫn còn có đứa lẻn lút đem thịt bán cho bọn Pháp!

Anh rít lên như một bà vợ cả ghen, bắt được chồng đi với gái. Tính anh vẫn Trương-Phi như vậy. Muốn trêu tức bạn, Bình mỉm cười bình tĩnh:

— Ồ! tưởng là chi... Có vậy mà anh làm như chúng nó cướp vợ anh đi rồi vậy.

Tảo chém bàn tay phầm phập lên không khí, nhịp cho tiếng nói gầm lên như sấm:

— À! nó cướp vợ tôi, tôi còn nhịn được, nhưng bán thịt cho bọn Pháp! cấp lương cho giặc! nuôi sống giặc! như vậy là bán nước, như vậy là phản nước, anh có hiểu không? Quốc sỉ! Những quân khốn nạn! Việt gian! Như vậy mà anh dong túng cho chúng được!

— Nhưng tôi có dong túng cho chúng nó đâu? Anh làm như chính tôi cấp vốn cho chúng nó.

Bình cười khành khạch. Tảo bấy giờ mới kịp nhận ra rằng bạn diễu mình, ngồi phịch xuống ghế, hơi bẽn lẽn. Mặc dầu vậy, anh vẫn còn hậm hực, mặt cúi gầm, không nói. Bình rót nước, đưa cho bạn:

— Bà tiên dạy rằng: mỗi lần ta muốn giận, chỉ việc rót đầy ba chén nước, uống mỗi chén một hơi cho hết. Vậy anh hãy cạn chén nước này đi đã, rồi ta nói chuyện.

Tảo bật cười. Anh cầm lấy chén nước, nhắp một ngụm và dịu dàng trách bạn:

— Lạ cho anh quá! Lúc này mà còn đùa cười được!

— Tại sao lại không đùa cười được? Đùa cười là một việc, mà giết giặc là một việc. Người ta vẫn có thể lúc nào đùa thì cứ đùa rồi lúc nào giết giặc thì giết giặc, hay vừa đùa cười vừa giết giặc. Có cần gì cứ phải gầm lên như cọp sở thú như anh vậy?

— Nhưng tôi tức quá, không nhịn nổi. Có người báo với tôi rằng: có mấy thằng cha đốn mạt, vào tận chỗ thằng Ru-băng đóng, điều đình bán thịt cho chúng nó.

— Thế chúng nó có nhận không?

— Nhận mê đi chớ! Anh tính: đang bị khốn đốn vì lương thực mà lại có người đến xin cho được vào bán thịt! Nghe nói đến thịt, bọn Pháp đã thèm rỏ nước miếng: bọn chúng nó có phải là giống quen ăn rau như người mình đâu! Xưa nay vẫn bóc lột người mình để ăn sung sướng mãi, quen đi rồi.

Bình nghiêm nét mặt, ngồi lặng một lát, như suy nghĩ. Rồi anh gật gật đầu, nói như nói một mình, sau một tiếng cười gằn:

— Được! Chúng nó đã thèm ăn thịt thế thì chúng mình sẽ cho ăn thịt. Tôi cũng là hàng thịt đây!

Anh bỗng lại ngửng mặt lên, hỏi Tảo, giọng gần như vui vẻ:

— Anh có biết mấy anh Trinh, Lộc, Chiến hiện giờ còn ở đây hay đi chỗ khác rồi.

— Vẫn còn ở đây cả. Hôm qua tôi còn gặp. Mấy chú coi bộ lớp này túng lắm.

— Vậy hả? Chúng mình đi lại đẳng tìm chúng đi! Rủ chúng đi bán thịt cho Tây, kiếm lời xài chơi!

Bình vừa nói vậy, vừa đứng lên mặc áo, miệng cười một nụ cười bí mật. Tảo tò mò nhìn anh, cố đoán xem anh có ý cho câu nói của anh một ý nghĩa như thế nào...

Bình và Tảo được cái may mắn gặp cả bọn Trinh, Lộc, Chiến ở nhà. Ba người có vẻ đang bàn bạc một việc gì quan trọng: chỉ nhìn mặt họ là đủ biết. Bình vui vẻ hỏi ngay:

— Mấy anh có muốn có tiền không?

Lộc tươi cười chạy lại nắm lấy tay anh:

— Anh hỏi chi mà kỳ vậy? Bộ anh muốn kéo tụi tôi đi làm Việt gian đó phải không?

— Việt gian, Việt ngay gì, khoan nói vội. Tôi hãy hỏi mấy anh: mấy tháng nay, có anh nào có tiền gửi về nhà không?

— Giết ai ra?

— Vậy vợ con sống bằng gì?

— Bằng gì, thây kệ! Lúc này, hãy lo làm thế nào cho nước Việt-nam sống đã!

— Anh nói phải, nhưng nếu chúng mình có kế gì vừa làm cho nước sống, lại vừa làm cho gia dình mình sống, thì không có lý gì lại cứ phải để cho vợ con mình chết đói.

Trinh và Chiến hoan nghênh:

— Cái đó thì đã cố nhiên rồi.

Chiến lại thêm:

— Tôi thì chẳng cần đến tiền để nuôi ai, nhưng giá kiếm được độ vài ngàn bạc, mua một khẩu súng nữa để giết Tây cho đã, thì cũng sướng.

Trinh nối lời anh:

— Tôi cũng vậy. Khẩu súng của tôi xoàng quá. Tôi đang muốn mua khẩu khác.

Và Bình bảo:

— Ấy đó! Có phải chúng mình, anh nào cũng đang cần tiền không? Muốn đánh nhau, phải có tiền. Có tiền cho vợ con mình ăn tiêu thì chúng mình mới yên lòng mà để hết tâm trí vào việc giết quân thù; có tiền để mua súng tốt, đạn nhiều thì chúng mình mới giết quân thù được nhậy.

Chiến thấy anh nói dài giòng, sốt ruột, xua tay:

— Nghe được rồi! Vậy làm gì cho có tiền, nói mau! nói mau!

— Ngồi xuống đây!

Bình dìu Chiến ngồi xuống ghế. Ba người kia cùng ngồi xuống cả. Bình nghiêm nét mặt, cẩn thận nhìn trước nhìn sau. Trình bảo:

— Nhà không còn ai cả; cửa đóng rồi; cứ nói đi!

Bình chỉ vào bức tường giáp với nhà bên cạnh. Trinh hiểu ý, lắc đầu:

— Chúng mình nói nho nhỏ. Họ không nghe thấy.

Năm cái đầu cùng chụm cả vào mộ chỗ. Và tiếng Bình hạ cho thật thấp, bắt đầu:

— Anh Tảo với tôi đã bàn nhau... Có cách này làm tiền rất ngon, mà kể ra thì cũng không có hại gì cho lắm. Đã đành, chúng mình làm việc này, rủi có người biết, tất gán ngay cho chúng mình tiếng Việt gian, nhưng chúng mình chỉ có ý kiếm tiền, kiếm tiền để dùng vào những việc có ích...

Thấy Bình đón trước rào sau kỹ quá Trinh, Lộc, Chiến sinh nghi. Ba cặp lông mày cùng nhíu lại và ba cặp mắt sáng quắc chĩa cả vào Bình, nghiêm khắc đợi. Bình làm ra vẻ lúng túng, ngập ngừng một chút rồi mới nói tiếp:

— Có người bảo với tôi rằng: nếu tụi mình có cách gì, có thể đem thịt vào bán cho tên đại úy Ru-băng...

Không đợi Bình nói hết, ba người đứng phát cả lên. Ba cái miệng súng sáu cùng được dí vào sát mặt Bình và Tảo. Trinh mai mỉa:

— Một thằng đã từng làm giám đốc Quốc-gia Tự vệ cục mà lại chực tiếp tế lương thực cho giặc Pháp! Bình ạ, tao không ngờ mày đến nỗi đốn mạt như vậy.

Lộc dằn từng tiếng, bảo:

— Tôi thì tôi không tin anh Bình của chúng ta hèn đến thế. Vậy một là anh nói ngay rằng: câu nói của anh chỉ là một câu đùa; hai là anh sẽ nhận được ngay tức khắc ba viên đạn của chúng tôi vào sọ.

Tảo bật lên như một cái lò xo, ôm lấy Lộc:

— Hay lắm! hay lắm! có vậy mới thật là người Việt-nam.

Ba cái tay cầm súng cùng buông xuôi cả xuống. Chiến cười:

— Tôi biết ngay là anh Bình dỡn chơi, chứ đời nào!... Tụi mình bảo đi mua thịt tụi Ru-băng thì được, chứ bảo đi bán thịt cho chúng nó thì không bao giờ cả!

Bình có vẻ bằng lòng lắm. Anh âu yếm nhìn các bạn một lúc, cười tủm tỉm. Rồi đột nhiên, anh hỏi:

— Vậy các chú có muốn đi mua thịt bọn Ru-băng không nào?

— Muốn lắm! Muốn lắm!...

Mọi người đều kêu lên như vậy. Bình đợi họ im rồi lại hỏi:

— Nhưng anh em có biết chúng mình sẽ phải mua thịt chúng bằng giá đắt thế nào không?

— Biết lắm chớ!

Chiến đáp luôn như vậy. Trinh tiếp lời anh:

— Mua cái mạng chúng bằng mạng tất cả năm thằng chúng mình cũng còn rẻ chán. Các anh nghĩ mà coi: chúng nó là cả một bộ tham mưu.

Lộc chỉ vào ngực mình mà bảo:

— Riêng về phần tôi thì dù phải phí cái mạng này đi để chỉ giết một thằng Ru-băng thôi, tôi cũng hả lắm rồi.

Một lần nữa, Tảo lại bật lên, ôm lấy Lộc:

— Hay lắm! hay lắm! có vậy mới là người Việt-nam.

Trong lúc bồng bột quá, anh đu lấy cổ bạn, nhẩy cẫng lên, vừa nhẩy vừa rít lên những tiếng kêu sung sướng. Mọi người vừa buồn cười vừa cảm động, rưng rưng nước mắt.

Bình hỏi, dõng dạc như một viên đại tướng:

— Vậy tất cả anh em quả quyết hi sinh chớ?

— Quả quyết!

Mọi người đều đập tay vào ngực hoặc giơ nắm tay lên, đáp vậy. Bình gật đầu:

— Vậy anh em ngồi cả xuống đây. Chúng mình cần bàn nhau...

Sáng sớm hôm sau, có năm người Việt-nam tiến lại gần chỗ bản doanh của đại úy Ru-băng. Họ đi tay không, bận toàn đồ bà ba đen, trừ một anh có vẻ dẫn đầu, khoác thêm một cái áo tây ca ki cũ rách. Tên lính canh chĩa súng trường, hô: đứng lại! Họ đứng cả lại và sợ sệt chắp tay vái hắn. Anh chàng bận áo ca ki móc túi, lấy ra một tờ giấy gấp tư, nâng hai tay chia về phía hắn. Hắn ra hiệu cho phép lại...

— Tụi bay muốn chi?

— Vào ra mắt ông cặp-ten.

Anh chàng áo ca ki đáp lại bằng một thứ tiếng tây bồi bếp...

— Để làm gì?

— Chúng tôi là hàng thịt...

— À! các anh là hàng thịt! (tên lính mừng cuống quít, reo lên như vậy) tốt lắm! tốt lắm!.. Các anh đợi nhé!..

Y quay vào, gọi:

— Xô-lanh! Này! Đây là mấy người hàng thịt. Anh đưa họ vào.

Mấy phút sau, năm anh hàng thịt đã đứng cả trong phòng giấy. Đại úy Ru-băng tiếp họ niềm nở lắm:

— Các anh muốn xin giấy phép bán thịt cho quân đội Pháp, có phải không? Tốt lắm. Chúng tôi rất vui lòng. Các anh cứ cố đem thịt đến cho chúng tôi. Không những chúng tôi sẽ trả tiền một cách xứng đáng, mà sau này, sau này, — các anh có hiểu không? — khi nào chúng tôi đã lấy lại xong cả xứ Đông-dương, chúng tôi sẽ đề nghị với quan toàn quyền bổ các anh làm quan tất, các anh hiểu chứ? Các anh trung thành với nước Pháp thế là phải lắm. Đừng bắt chước những quân rồ dại. Chúng tôi sẽ giết hết chúng nó, không để một mống nào sống sót... Nhưng mà thôi!.. để tôi viết giấy phép cho các anh nhé?..

Y cúi xuống, cầm bút viết. Một anh hàng thịt bỗng rút từ trong người ra một con dao lớn. Nhanh như chớp, anh nhè cổ y mà chém xuống. Đồng thời, bốn anh kia cũng đã rút dao ra. Mỗi anh nhằm một thằng Pháp mà nhẩy tới. Bọn chúng, giở tay không kịp, có thằng chết không kịp kêu một tiếng. Những thằng khác rống lên. Một vài thằng rút súng sáu ra kháng cự. nhưng trong lúc hoảng hốt, không còn bấm nổi cò hoặc cò bấm kịp nhưng đạn cũng ra lạc chỗ. Năm người Việt cứ lăn sả vào bọn chúng mà đâm chém. Máu vọt ra. Bàn ghế đổ. Súng nổ. Tiếng vật lộn, xô đẩy nhau huỳnh huỵch. Sáu thằng Pháp bị đâm chết cả.

Một anh bỗng kêu lên:

— Đi lên lầu! Đi lên lầu, giết nốt mấy thằng ở « trển ».

Họ chạy đổ xô cả về phía cầu thang. Nhưng bọn Tây trên gác, nghe tiếng ồn ào ở dưới, đã biết rồi. Chúng đứng chặn trên đầu cầu thang, bắn xuống. Chúng nã súng liên thanh qua sàn gác, xuống. Quân du kích của ta ở ngoài cũng đánh vào. Năm anh cảm tử cùng trúng đạn cả rồi. Có anh đã chết hẳn, có anh còn giẫy giụa trong vũng máu, dưới trận mưa đạn. Một anh, — không còn trông rõ anh nào — đã sục xuống, thấy anh em đến tiếp ứng, còn cố hô to:

— Việt-nam độc lập muôn năm!

Anh em cảm động hô theo:

— Việt-nam độc lập muôn năm!

— Năm anh cảm tử muôn năm!

Mọi người liều chết đánh rất hăng. Trận đánh lan rộng mãi ra. Chỗ nào người ta cũng vừa đánh vừa thúc nhau:

— Anh em! tiến lên! tiến lên! theo gương năm anh cảm tử! theo gương năm anh cảm tử!..

Kết quả là 27 thằng Pháp chết, 17 thằng khác bị thương; bọn sĩ quan và hạ sĩ quan của Ru-băng chết hết. Chúng phải đem viện binh và tàu bay đến để giải vây cho tàn quân của chúng.

Mấy ngày hôm sau, tất cả các báo Việt-nam đều có in ở cuối trang nhất, suốt chiều ngang trang giấy, câu sau này bằng chữ lớn:

Tinh thần hy sinh anh dũng của năm liệt sĩ:

Lê-Bình, Lê-quang-Trinh, Lê-nhứt-Tảo, Cao-minh-Lộc, Trần-Chiến bất tử.

Nam-Cao

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)