Một cái tai nạn lưu hành ở Nam Kỳ: Phan Khôi

Một cái tai nạn lưu hành ở Nam Kỳ: Phan Khôi  (1932) 
của Tản Đà

Bài đăng trên An Nam tạp chí, Hà Nội, số 26 (23. 1. 1932)

Xưa nay những con ngựa chạy rỏi, thường hay có cái chứng bất kham. Hạng ngựa ấy, nếu gặp được người cầm cương cũng thật là cứng tay, thời một xe trong cõi hồng trần, như bay như biến. Giời sinh ra tài, vẫn là để cho đời dùng. Vật có tài mà gặp vào người không đủ sức dùng, thời là không may cho tài cũng không may cho đời vậy. Con ngựa bất kham mà rỏi, nếu gặp người cầm cương không thật phải là tay thiện ngự, thời không những cái rỏi kia đáng tiếc; mà cái bất kham ấy tất có đến làm tai, làm hại, làm vạ, làm nạn cho một số nhiều người không may. Hiện nay ông Phan Khôi ở viết bài trong một tờ Tân văn ở trong Nam, mà tờ Tân văn ấy là của hai vợ chồng ông Nguyễn Đức Nhuận chủ trương, cái trạng huống không may chính như thế. Một số nhiều những người bị cái nạn không may ấy, phần nhiều chẳng là các bạn quần thoa trong Nam mà ai? vì tờ tân văn là tờ Phụ nữ tân văn vậy.

Nghĩ như ông Phan Khôi là một ông Tú tài hay chữ ở xứ Quảng Nam ở Trung kỳ, về chữ Pháp ông cũng có biết, trước kia ông từng có viết báo Nam phong ở Bắc Hà. Học vấn, duyệt lịch, văn chương, trong buổi Hán học đã tàn như nay, mà có được người như ông, thực là đáng quý. Nếu đời biết dùng tài mà chữ tài 才 có chữ ngộ[1] thời thân thế ông Khôi chỉ theo bước êm đềm mà tiến thủ, đối với xã hội hiện tại có giá trị, đối với sử sách hậu lai chưa hẳn đã là không có tên. Tiếc thay! con Tạo ghen tài, mà "hữu tài bất ngẫu"[2]; đã bất ngẫu, làm nên tai vạ, thành ra ngã vào như câu ở trong một quyển tiểu thuyết lục bát: "Chữ tài 才  liền với chữ tai  災  một vần[3]"!

Nay nghĩ về thân thế ông Phan Khôi, đáng tiếc đáng buồn; mà những người có can liên đến cái chỗ đáng tiếc đáng buồn trong thân thế ông Khôi, là ai? Một là ông Phạm Quỳnh, hai là ông Hoàng Thúc Kháng, ba là vợ chồng ông Nguyễn Đức Nhuận vậy.

Đương khi ông Phan Khôi còn viết báo Nam phong, báo Nam phong cũng đương lúc thổi mạnh; nếu ông Phạm Quỳnh mà là người có lượng, có cái lượng dung tài, thời thân thế ông Khôi cứ ở với Nam phong là đủ. Sau này Giời cho ông Quỳnh mười, ông Khôi cũng có được sáu, bảy; ít ra nữa cũng được đến ba, bốn. Vậy thời thân thế có hạnh phúc, mà đối với xã hội kể cũng là người có sự công. Tiếc thay! ông Quỳnh là người học rộng mà lượng hẹp, thực là ông không có cái lượng dung tài. Cho nên cái sự phú quý của ông Quỳnh từ gió Nam phong mà thổi lên; mà thân thế ông Khôi thời gió Nam phong kia thổi bạt đi vậy!

Ông Huỳnh Thúc Kháng là một người lão thành danh vọng ở trong xứ Trung kỳ, kết hợp bao nhiêu hằng tâm hằng sản của một xứ Trung kỳ để làm nên cái báo Tiếng dân đó. Vậy thời cái báo Tiếng dân, do ông Huỳnh Thúc Kháng đứng chủ trương, mà phàm các sĩ phu xứ Trung kỳ đều nên được có dự quyền lợi trách nhiệm. Trong các sĩ phu xứ Trung kỳ, tài học như ông Khôi tưởng thực là có ít. Ông Huỳnh Thúc Kháng nếu là người khoát đạt, có cái bụng ái tài, thời ở trong tòa soạn báo Tiếng dân nên có ông Khôi là thứ nhất. Tiếc thay! ông Kháng là người có đạo đức mà kém phần khoát đạt, cũng là ông không có cái bụng ái tài. Cho nên ông Khôi là người Quảng Nam, ông Kháng cũng là người Quảng Nam; mà ông Kháng ở Tiếng dân, mà ông Khôi ở Phụ nữ tân văn vậy!

Nghĩ về thân thế ông Phan Khôi, hữu tài bất ngẫu; ông Quỳnh và ông Kháng tránh khỏi là có lỗi được sao?

Hai vợ chồng ông Nguyễn Đức Nhuận, lấy địa vị nhà tư bản, tự đởm nhiệm công việc văn học của xã hội. Cứ sự tiến thủ của ông là biểu trước công chúng trong báo giới; trong Nam ngoài Bắc, các nhà văn học, nhà tư bản, ít có ai đã bằng. Ông Nguyễn Đức Nhuận thật là một người hữu tâm trong quốc dân ta vậy. Tuy vậy, ông Lê Công Đắc có nói: "Chủ báo mà vô học, rất hại cho xã hội"[4]. Xin cứ việc ông Phan Khôi viết bài trong Phụ nữ tân văn, chiểu theo tình lý suy cứu.

Một tờ báo công việc không ít; về phần ông chủ nhiệm nguyên đã ít có thì giờ để xem xét những bài vở trong tòa soạn viết ra. Ông Nhuận lại còn có việc buôn bán, việc các trại cao su, thời ông dẫu đủ sức để xét xem bài vở của ông Khôi mà thì giờ chắc cũng ít. Huống chi các bài của ông tú Khôi viết, phần nhiều là tính cách luận lý mà có nhiều tính chất khảo cứu, không như những các bài "ý kiến đối với thời sự..." mà dễ hiểu hết cho mọi người. Bà Nguyễn Đức Nhuận là chủ nhân thời chắc lại càng không đủ sức quan sát. Trong tòa báo lại không có chủ bút. Bởi vậy mà ông Khôi muốn viết sao thì thế, như con ngựa muốn chạy đâu thì đó. Đó là do sự lý mà ông Khôi có đủ tự do để viết ra những lời "tầm bậy" ở trong tờ Tân văn.

Cứ những lời của ông Khôi viết ở trong tờ Tân văn, có nhiều những tính chất tầm bậy (như bài Cái cười của con rồng cháu tiên); mà hại cho phụ nữ về phần nhiều (như lời bài kích Tống nho về câu ngạ tử sự thậm tiểu, thất tiết sự thậm đại)... Sự hại đó, không phải là ông Khôi có định chí làm hại; chỉ là ông quá dụng sức về nhẽ "ăn cây nào, rào cây ấy", viết bài cho Tân văn phụ nữ thời chiều theo tâm chí của phần nhiều phụ nữ đó mà thôi. Phần nhiều phụ nữ tân thời nay, muốn tự do, muốn giải phóng; ông Khôi phun giải phóng, phùn tự do. Đối với các độc giả có được lòng thời tờ Tân văn mới phát đạt; tờ Tân văn có phát đạt thời giá mua bán bài mới cao. Tờ Tân văn được lòng độc giả vì ai, thời giá bài của người ấy tất phải đắt. Huống chi chủ nhân là Mme Nguyễn Đức Nhuận tức cũng lại là một vị độc giả phụ nữ tân thời. Ngoài chiều ý người mua báo, trong chiều ý người mua bài, ông Phan Khôi mới hết sức viết những lời tầm bậy. Lời tầm bậy đã in lên báo, thời chiều ai mà tức thị hại ai. Đó là do tâm tình mà những lời viết báo của ông Khôi thành ra làm hại cho phụ nữ lưu vậy.

Xét theo sự lý của tờ Tân văn kia như kia, tâm tình của ông tú Phan Khôi ấy như thế. Song nếu ông Khôi là người không có chút giá trị về tài học, thời các bài vở của ông trên cuốn báo, dẫu có làm hại cho xã hội cũng không hại được là bao. Ác vì ông Khôi là người có tài học, cho nên về phần ông thời lấy sức tài học mà viết; về phần độc giả thời tin ở tài học của ông mà nghe, mới thành ra cái "nạn Phan Khôi" lưu hành lai láng ở xã hội ta vậy.

Hiện nay Phụ nữ tân văn không lưu hành ra đất Bắc, thời các phụ nữ xứ Bắc cũng không cùng bị cái nạn Phan Khôi. Vậy mà An Nam tạp chí, chức vụ đối với đồng bang, nghĩa phải có Trung, Nam, Bắc ba xứ như một. Bắc kỳ phụ nữ dẫu không còn bị ảnh hưởng cái nạn ấy, mà Tòa báo An Nam ở Bắc không thể thấy thế mà điềm nhiên. Vậy rồi đây An Nam tạp chí sẽ xin với chính phủ ở Bắc cho phép riêng mua tờ Phụ nữ tân văn, để xét xem hết thẩy những bài của ông Khôi, để vì chư phụ nữ Trung, Nam, bài trừ cái nạn ấy.

Thuộc về phần riêng của từng người, thời nghĩ như ông tú Khôi cùng tôi, có thể cùng kể là hạng sĩ phu về bên Hán học trong nước ta ở cái thời kỳ hiện tại; nếu ông Khôi mà có làm điều không phải với công chúng, tôi cùng các người khác trong Hán học đều không được tự bảo mình là vô can. Cho nên muốn bài trừ những lời tầm bậy của ông Khôi, tức là tôi cũng có tự vì một phần riêng, mà vì cả các anh em sĩ phu trong phái Hán học.

Nay xin hãy có lời báo cáo để Phụ nữ tân văn và các bạn phụ nữ trong Nam cùng biết trước; công việc bài trừ còn nhiều, cần phải tra xét tường bạch, và cũng không phải việc cấp bách; xin ai nấy ung dung chờ coi.

TẢN ĐÀ NGUYỄN KHẮC HIẾU

   




Chú thích

  1. Ngộ  遇  nghĩa là ngộ hợp, tức là gặp gỡ duyên may. (nguyên chú của Tản Đà).
  2. 有 才 不 偶 Hữu tài bất ngẫu. Bất ngẫu tức là không được ngộ hợp. Bốn chữ này nói người có tài mà không được có duyên may gặp gỡ. Lời của một người đàn bà ở Trung Quốc thủa xưa, tức là Võ hậu. Ông Khôi đã từng vì người đó thân oan. (nguyên chú của Tản Đà).
  3. Chữ tài liền với chữ tai một vần. Câu này ở trong truyện Kiều, thời chữ tai 災 là hại nguyên ý nói về phần mình là người có tài phải chịu, ý dẫn đây là nói về phần người khác phải chịu, tức là làm hại cho người. (nguyên chú của Tản Đà).
  4. Lời nói của ông Lê Công Đắc trong vở kịch Tiểu thư đi bộ. (nguyên chú của Tản Đà).