Mấy việc xảy ra ở Huế trước và sau thất thủ

Mấy việc xảy ra ở Huế trước và sau thất thủ  (1935) 
của Phan Trân, do Phan Khôi dịch

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 33 (21 Juin 1935), trang 3, 5. Phan Khôi dịch tập bút ký chữ Hán của cha mình là Phan Trân (1862-1935).

Tiên quân tôi lúc ngoài hai mươi tuổi chính mình gặp hai cuộc biến loạn lớn là thất thủ Hà Nội và thất thủ kinh thành Huế. Cuộc thất thủ trước xảy ra vừa khi người đương du học ở đó; cuộc thất thủ sau nhằm lúc người tới Huế đi thi hương. Hai cuộc loạn này và những việc xảy ra trước và sau khi vua Tự Đức băng, tiên quân tôi đều có chép trong một tập bút ký. Tập bút ký chép bằng giấy loại, để tại nhà bấy lâu và tôi đã đọc qua nhiều lần. Năm 1908 cho đến năm 1916, nhà tôi bị tình nghi, nhiều lúc nghe đồn sẽ có quan đến soát nhà, thành thử có nhiều sách vở bị đốt cho đến tập bút ký này cũng không khỏi. Hiện bây giờ, những đoạn chép về hai cuộc thất thủ đã bị xé đốt mất; chỉ những đoạn linh tinh nhắc lại sự nội loạn lúc bấy giờ mà không nói chạm tới người Pháp thì hãy còn. Gặp số “Tràng an” đặc biệt này, tôi tưởng là một dịp tốt cho tôi kính dịch những đoạn ấy mà đăng lên – vì chép bằng chữ Hán – ngõ hầu khỏi mất một cái di tích của tiên nhân và cũng có ích về sự kiến văn cho độc giả.

PHAN KHÔI

1/ CÁC CON NUÔI VUA TỰ ĐỨC sửa

Vua Dực Tôn kén nuôi ba người con trai, đều là con của mấy ông hoàng đệ. Một là Hoàng trưởng tử, vốn con của Kiến Thụy công Hồng Y, về sau là cha đẻ ra vua Thành Thái. Hoàng trưởng tử lập lên chưa mấy ngày, bị Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết truất bỏ; đến sau vua Thành Thái lên ngôi, tôn là Cung Huệ hoàng đế. Hai là Hoàng đệ nhị tử, vốn con của Kiên Quốc công Hồng Cai, tức là đức Đồng Khánh, được lập lên bởi ông Nguyễn Hữu Độ hiệp với nhà nước Bảo hộ, sau cơn kinh thành thất thủ; miếu hiệu là Cảnh Tôn Thuần hoàng đế. Ba là Hoàng đệ tam tử, cũng con của Kiên Quốc công, do Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lập lên, niên hiệu là Kiến Phước; miếu hiệu là Giản Tôn Nghị hoàng đế, lập chưa đầy một năm thì băng hà.

2/ SÁU THÁNG BA VUA sửa

Xưa nay những tay quyền thần làm việc phế lập, trong sử vẫn thường có; nhưng một lần đã quá lắm rồi; trong sáu tháng mà đến hai lần phế lập thì lại còn quá hơn nữa!

Số là, lúc đức Dực Tôn đau ngặt, biết mình không thể sống được nữa, bèn tự tay làm tờ di chiếu, cho Hoàng trưởng tử nối ngôi mà chọn ba ông đại thần: Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phụ chánh.

Đến chừng đem tuyên tờ di chiếu, trong có một đoạn nói rằng “Hoàng trưởng tử nay đã khôn lớn, tánh hơi ưa dâm, cũng rất chẳng tốt; nhưng nước có vua lớn là phúc của xã tắc, bỏ đi hầu lấy ai ư?” Hoàng trưởng tử nghe mấy lời ấy, lấy làm không bằng lòng, thầm xin với ba ông đại thần bỏ bớt tám chữ ấy đi (tức là tám chữ “tánh hơi ưa dâm, cũng rất chẳng tốt”, nguyên văn bằng chữ Hán là “tánh phả hiếu dâm, diệc đại bất thiện”) rồi sẽ thông lục ra các tỉnh. Trần Tiễn Thành làm thinh, không trả lời, còn Tường và Thuyết thì nhất định không nghe. Hoàng trưởng tử giận lắm, đến nỗi nói ra miệng rằng thề thế nào cũng trả thù. Tường và Thuyết nghe được điều đó, cũng giận dữ, liền xướng lên cái thuyết phế lập. Trần Tiễn Thành thấy Tường và Thuyết có thế lực lớn nên cũng phải chiều theo. Đó rồi họ lấy ba tội tâu cùng lưỡng Cung, phế Hoàng trưởng tử mà lập Lãng Quốc công Hồng Dật. Ba tội là: 1/ đòi bỏ bớt lời di chiếu; 2/ ở tang mà mặc áo lục; 3/ đem 20 người ở tiềm để vào ở trong Nội, sức thượng thiện mỗi bữa dọn cơm phải có đồ ăn cho ngon.

Đương lúc ba đại thần ngồi tại Tả vu bàn việc phế lập có đủ mặt bách quan, nhưng không có một ai dám dị nghị.

Bấy giờ ở viện Đô sát, quan Ngự sử đến hơn ba mươi người, cũng họp nhau ở viện bàn cách đối phó. Thế nhưng phần nhiều người chỉ làm thinh, hoặc thầm thì với nhau, không ai nói ra vì chi cả. Duy có Phan Đình Phùng hăng hái nói rằng: “Tiên đế gởi gắm cho ba đại thần lập tân quân lên và phụ chánh, nay ba đại thần tự ý mình phế lập như thế, bọn ta có trách nhiệm phải nói, lẽ nào ngồi yên mà ngó sao?” Khi ấy cả viện đều ngỏ ý tán đồng, chỉ nhường Phan đứng đầu làm người nói thay cho cả viện. Phan cứng cát nhận lời.

Bọn họ bèn rủ nhau đi vào triều. Vào đến trong cửa Nhật Tinh, Phan đi trước hết, ngó lại chỉ còn có mười lăm người, trong lòng đã lấy làm lạ. Khi vào đến Đại cung môn, Phan nhìn lại lần nữa, thấy không còn có một người nào, càng bao xiết nỗi ngạc nhiên! Dù thế mặc lòng, Phan Đình Phùng cứ đi thẳng tới. Đến Tả vu, cúi mình chào ba vị đại thần rồi dõng dạc nói: “Đức Đại hành gởi gắm ba ngài lập tân quân và phụ chánh, nay cung xa án giá mới ba bốn ngày mà các ngài đã toan việc thay đổi, tôi e có chỗ trái với lời di chiếu chăng. Vả việc phế lập là việc lớn, tôi xin ba ngài nghĩ lại rồi hãy làm”. Nguyễn Văn Tường vừa cười nhạt vừa nói: “Ông cả gan, chẳng sợ chết à?” Phan Đình Phùng thưa rằng: “Việc đáng nói thì nói, có chết tôi cũng chẳng dám sợ!” Nhưng Tôn Thất Thuyết nạt to lên rằng: “Chúng ta phế người ám, lập người minh, có phụ gì Tiên đế? Vả việc này là việc lớn của nhà nước, Phan Đình Phùng muốn ngăn trở, há chẳng là có tội sao?” Phan chưa kịp thưa lại thì Tôn Thất Thuyết đã kêu quan hầu mình hiệp với các lính thị vệ cảnh tất kéo Phan ra trói vào gốc cây ngô đồng ngoài Đại cung môn. Đến chiều mới thả ra. Sau Lãng Quốc công lên ngôi, có chỉ xuống cách chức Phan Đình Phùng. Phan bèn đem vợ con về Nghệ.

Phụ lời bànĐức Dực Tôn đã cho Hoàng trưởng tử nối ngôi, người sẽ ở trên thần dân, lẽ đáng trong di chiếu kiếm lời tốt mà vẽ vời cho mới phải. Sao đã chẳng có lời gì tỏ ra cái đức tốt đáng khen, lại gia cho một câu xấu, thì thần dân nghe thấy thế, còn ai chẳng ngã lòng? Cho nên Hoàng trưởng tử xin bỏ bớt tám chữ ấy đi, là tình; mà hai ông Tường, Thuyết không cho, cũng bởi ý tôn trọng tờ di chiếu, là lý. Tình lý tranh nhau, từ đó sinh ra hiềm khích mà rồi có sự biến loạn luôn luôn, thật cũng tại đức Dực Tôn không khéo vậy.[1]

Lãng Quốc công là con út vua Thiệu Trị, và em vua Tự Đức. Hoàng trưởng tử bị phế rồi, còn có Hoàng nhị tử, Hoàng tam tử, sao không lập mà lập em, sự đó thật không hiểu được. Huống chi em vua Dực Tôn còn có nhiều người. Lãng Quốc công là em út, sao lại được nối ngôi vua, sự đó càng không hiểu được hơn nữa. Hồi đó có tiếng đồn rằng Lãng Quốc công có lo lót cùng ông Tường ông Thuyết, hứa hễ làm vua được sẽ tặng cho mỗi ông một vạn nén bạc. Việc đó mờ ám không thể tin được, nhưng cũng có làm sao người ta mới đồn.

Lãng Quốc công đã lập lên, kể từ năm sau sẽ xưng là Hiệp Hòa nguyên niên. Hai ông Tường và Thuyết cậy mình có công ủng lập, mọi việc đều ôm lấy mà làm, chẳng thèm ngó đến ai. Trần Tiễn Thành tuy là phụ chánh đứng đầu triều cũng không làm gì được.

Lúc đó có hai người trong hoàng phái: Hồng Phi, Tham tri bộ Lại, con trai ngài Tùng, và Hồng Sâm, Tham biện Nội các, con trai ngài Tuy, thấy việc nước càng ngày càng trái, vua chúa không quyền, nghĩ mình lá ngọc cành vàng, lẽ đâu làm thinh ngồi ngó, bèn cùng nhau đứng chung một tờ mật sớ xin giết hai kẻ hung (Tường và Thuyết) để làm sạch chung quanh vua.

Bấy giờ Trần Tiễn Thành nhân có việc, cáo về ba ngày ở nhà riêng tại phố Gia Hội. Vua xem tờ sớ rồi, phê vào ngoài cái tráp đựng sớ rằng “Giao Trần Khanh phụng duyệt”, nghĩa là bảo đưa tờ sớ cho ông Trần Tiễn Thành xem. Rồi sai thái giám Trần Đạt đệ tráp sớ đi xuống Gia Hội.

Khi ấy đã chiều cả. Trần Đạt vừa ra đến cửa Nhật Tinh thình lình gặp Nguyễn Văn Tường vào trực. Tường hỏi Đạt cắp tráp đi đâu. – Vì lệ thường, hễ có dụ chỉ của vua ban ra, thì phải có một người bưng tráp một người che lọng. Cho nên Tường gặp thì biết ngay là có thánh chỉ. – Trần Đạt thưa rằng ngài ngự sai xuống Gia Hội, giao tráp cho ông Trần Tiễn Thành. Nguyễn Văn Tường đã có ý ngờ, dựt lấy tráp mà xem, thấy trên có chữ ngự phê, lòng càng bối rối. Tường nói ngay với Trần Đạt rằng: “Ta đây cũng là phụ chánh, sao lại không đưa cho ta xem?” Nói vậy rồi Tường mở tráp, xem tờ sớ, liền đổi sắc mặt, không nói không rằng gì hết, bảo lính hầu mình đưa Trần Đạt về giam tại bộ Binh, sức canh giờ nghiêm ngặt, không cho tẩu lậu ra ngoài một tăm hơi gì. Tráp sớ ấy liền trao cho Tôn Thất Thuyết xem, và tức thì Tường cũng tới ngay dinh Thuyết. Thuyết xem sớ xong, thét lên một tiếng. Tường ghé tai nói nhỏ, rồi Thuyết làm thinh. Liền khi đó, hai người mật định mưu kế cùng nhau, chẳng hề có ai dự biết.

Đêm đó, hai người sai vời nhóm các quan tại bộ đường bộ Binh, ông Thuyết đứng tuyên bố rằng Kim thượng mưu giết đại thần, có bằng cớ rõ ràng, không thể làm vua được nữa. Rồi có người thảo sớ, lấy ký các quan, tâu cho lưỡng Cung hay. Sang đầu canh ba, khiến Trương Văn Để đem 50 lính trấn phủ xuống Gia Hội giết Trần Tiễn Thành. Trương đến nơi, cho một người vào gõ cửa. Cửa mở, ở ngoài truyền rằng “Có chỉ ra đòi quan lớn”. Rồi họ kéo nhau vào, đồng thanh hỏi “Quan lớn đâu?” Người nhà đáp rằng “Quan lớn ở trên lầu”. Trương Văn Để ở dưới sai viên Đội dẫn lính lên lầu, thấy Trần đương nằm trong màn, viên Đội hô lên rằng “Quan lớn mưu làm loạn, tội đáng chết!” Trần chưa kịp nói lại thì chúng đã chém đầu và chặt làm ba khúc, rồi xuống lầu đi mất.[2]

Một mặt sai Trương Văn Để đi làm như vậy, còn một mặt thì sai Ông Ích Khiêm đem lính trấn phủ vào trong Nội làm cái việc mà bấy giờ họ kêu là “túc thanh cung cấm”.

Ông Ích Khiêm dẫn 50 lính trấn phủ khiêng một cái võng vào điện Càn Thành. Khi đó vua ngủ vừa thức giấc dậy, nghe tiếng xôn xao, thất kinh hỏi việc gì. Ông Ích Khiêm nói rằng: “Vâng ý chỉ lưỡng Cung và Triều mạng mời đức ông đi ra ngoài”. Vua xớ rớ chưa biết nói thế nào thì họ đã a lại lăn vua vào trong võng, khiêng ra Dục Đức đường. Ở đó đã có để sẵn trên bàn một thanh gươm, một sợi giây lụa, một bình thuốc độc, gọi là “tam ban triều điển”. Thấy vua, Ông Ích Khiêm lạy và khóc rằng: “Triều mạng có ba vật đó, xin đức ông chọn lấy một”. Vua ngập ngừng nói: “Ta có tội gì mà các người dám làm ngặt ta?...” Ông Ích Khiêm nói: “Chúng tôi chỉ biết làm theo Triều mạng, ngoài ra không biết gì nữa”. Chặp lâu, thấy vua không chịu tự xử cho rồi, Ích Khiêm bèn kêu lính truyền rằng: “Đức ông đã không chịu tự xử, thôi thì bọn mày cứ việc hạ thủ đi!” Được lệnh, bọn lính đè vua xuống, chận tay chận chân, lấy thuốc độc đổ vào tai, một lúc thì vua chết. Chết rồi, lưỡi le ra ngoài mồm dài đến hai tấc. Những điều ấy bấy giờ có quan chuyên trách ghi chép lấy, về sau đến triều Đồng Khánh, sử quán đem tâu lên, được chỉ cho biên vào sử.

Sáng hôm sau, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết suất bách quan đi rước Hoàng tam tử và tôn vương tức vị tại Tịch điền, liền đón vào ở trong Nội. Lại một hôm sau nữa, đặt lễ đại triều ở điện Cần Chánh, triều thần vào lạy mừng đăng quang, lấy sang năm làm Kiến Phước nguyên niên.

Đêm đó Hồng Phi ở bộ Lại, nghe có biến, biết mình thế nào cũng không khỏi, nhảy xuống sông mà chết. Còn Hồng Sâm, nhân không phải phiên trực mình, về nhà riêng bên kia sông. Hồng Sâm vốn không nghe biết gì hết, thình lình thấy lính trấn phủ đến nhà bắt xiềng lại đưa qua giam trong ngục. Đêm sau, Tường và Thuyết sai lính trấn phủ vào ngục giết đi. Cả anh em bà con hai Hồng đều bị an trí ra các tỉnh. Ngài Tuy Lý cũng bị an trí ở Quảng Nghĩa. Đến vua Cảnh Tôn lên ngôi, ngài Tuy mới được tha về, và hai Hồng đều được khai phục nguyên hàm.

Lúc đó có ai không biết dán một bài thơ ở ngoài cửa Đông Nam, thơ rằng:

安 南 國 運 偶 遭 殃
幾 個 奸 兇 構 亂 場
面 肉 橫 生 尊 室 說
眼 睛 多 白 阮 文 祥
鴆 君 取 爵 新 名 義
殺 相 求 官 本 姓 張
去 國 可 憐 明 哲 者
何 時 昭 雪 定 綱 常

An Nam quốc vận ngẫu tao ương
Kỷ cá gian hung cấu loạn trường
Diện nhục hoành sanh Tôn Thất Thuyết
Nhãn tình đa bạch Nguyễn Văn Tường
Chẩm quân thủ tước tân danh Nghĩa
Sát tướng cầu quan bản tánh Trương
Khứ quốc khả liên minh triết giả
Hà thời chiêu tuyết định cang thường?

  Lại có một bài họa vận chỉ nhớ được một câu: 

一 江 兩 國 誰 無 說    
六 月 三 王 兆 不 祥

Nhất giang lưỡng quốc thùy vô thuyết?
Lục nguyệt tam vương triệu bất tường

Bài trước, câu 5 là nói Ông Ích Khiêm, lúc đó đã đổi tên là Quý Nghĩa, sau việc ấy liền thăng Tham tri, phong tước Kiên trung Nam. Câu 6 là nói Trương Văn Để, Để cũng được thăng Tham tri. Câu 7 là nói ngài Tuy Lý.

3/ TRONG NGOÀI GHÉT NHAU sửa

Đương lúc phế Hoàng trưởng tử và lập Lãng Quốc công, lời dụ đưa ra các tỉnh, hàng Đốc Vũ đều tuân phụng, chẳng ai dám dị nghị một lời nào. Duy có Nguyễn Hữu Độ, Tổng đốc Hà Ninh không cho việc làm như thế là phải, tư tờ về Viện Cơ mật, gạn hỏi nhiều lần. Tường, Thuyết giận lắm mà không biết làm sao. Vì bấy giờ Bắc Kỳ đã bị quân Pháp chiếm cứ, quan ta đã bị quan Pháp bảo hộ, dù có thế lực đến đâu cũng chẳng làm gì được. Hai người bèn tính thi hành kế ám sát. Có viên suất đội lành nghề kiếm. Tường Thuyết hậu đãi cho, bảo ra Hà Nội giết Nguyễn Hữu Độ. Không ngờ khi đến Hà Nội rồi, viên suất đội trở đầu hàng với Nguyễn Hữu Độ, thổ lộ hết tình thực trong triều. Nguyễn Hữu Độ mừng lắm, liền thâu viên suất đội làm tay chân. Rồi hai đằng sanh ra hiềm khích với nhau. Kế đó quân Pháp vào đánh cửa Thuận An, rồi xin ở Mang Cá; người buổi đó nói là bởi Nguyễn xúi người Pháp làm như thế để đánh đổ Tường Thuyết đi, cho mình về Kinh lập chánh phủ mới.

4/ NGƯỜI PHÁP LẬP VUA sửa

Sau Kinh thành thất thủ các tỉnh đều dấy nghĩa binh, đâu đâu cũng xưng là “cần vương” cả. Hồi đó nước Pháp mới lập điều ước Thiên Tân với Tàu, trong có một điều rõ ràng nói rằng bảo hộ nước Việt Nam. Bây giờ dù lấy được thành trì, nhưng lấy làm thuộc địa thì trái với điều ước Thiên Tân mất. Vả lại người trong nước dậy lên như thế, cũng chẳng dễ nào một lúc dẹp cho yên. Nghĩ như thế, người Pháp bèn quyết nghị lập vua lại, để thu phục lòng người.

Lúc bấy giờ quân Pháp chiếm giữ trong thành, các quan ta đi tan tác hết cả, muốn lập vua lại thì biết bàn tính với ai? Có Nguyễn Hữu Độ, năm vừa rồi thay Trần Đình Túc làm Tổng đốc Hà Nội, có cảm tình tốt với người Pháp. Các quan Tây bèn đem Nguyễn về Kinh, nhờ Nguyễn để thâu nhóm các quan ta. Khi Nguyễn về Kinh xong, tuyên bố ý chỉ nước Bảo hộ muốn lập vua lại, và mời mấy vị cựu thần ở Huế hội nghị. Khi ấy bọn Phan Đình Bình và Nguyễn Hữu Thường bấp bén lại ra. Họ bèn tôn Kiên Giang quận công là con thứ ba đức Dực Tôn lên ngôi, ấy là vua Đồng Khánh, miếu hiệu Cảnh Tôn Thuần hoàng đế.

Phan Đình Bình là ông ngoại vua Thành Thái. Đương lúc người Pháp bàn việc lập vua, Phan có nói rằng: “Hoàng trưởng tử đã bị quyền thần phế truất, bách cho chết đi; nay con trai của ngài đã sáu bảy tuổi, nếu người ấy được lập là phải lắm”. Nhưng Nguyễn Hữu Độ thì lại nói rằng: “Ba người con đức Dực Tôn, người lớn đã bị phế và chết rồi, người thứ ba (tức là vua Kiến Phước) lại chết non, nay còn người thứ hai đã khôn lớn, lập người này lên để hiệu lệnh trong nước mới mong được việc. Đến như con trai của Hoàng trưởng tử, còn măng sữa quá, e lập không tiện chăng”. Người Pháp cho Nguyễn bàn là phải, bèn lập vua Cảnh Tôn. Nhưng lời bàn của Phan Đình Bình, vua Cảnh Tôn chưa hề biết đến, cho nên lúc đó luận công, thăng Nguyễn Hữu Độ làm Cần chánh đại học sĩ, phong tước Vĩnh Lại quận công, mà Phan Đình Bình cũng được làm Văn Minh điện đại học sĩ và phong tước Phò Nghĩa tử.

Đến năm Đồng Khánh thứ hai, Tôn Thất Phan, Thượng thơ bộ Hộ, vì có hiềm khích với Phan Đình Bình, bèn mật tâu cùng vua rằng: “Bình hồi đầu vốn không có ý lập vua đâu. Hồi đó nếu bên Bảo hộ nghe lời Bình, bệ hạ làm gì có ngày nay được?” Vua Cảnh Tôn nghe, cả giận, hạ Phan Đình Bình nơi ngục trấn phủ, không cho ăn uống mà chết. Việc ấy, Hồ Lệ và Phạm Hữu Dung đều có dâng sớ can, bị vua giáng trích ra ngoài. Đến vua Thành Thái lên ngôi, mới truy phong Phò Quốc công cho Phan Đình Bình.

   




Chú thích

  1. [Phan Khôi ghi chú: Có một thuyết nói rằng tờ di chúc ấy chính tay vua Dực Tôn viết ra. Ngài viết đến tám chữ đó rồi mệt quá, để bút xuống nằm nghỉ. Mà ý ngài viết như thế là muốn trưng tội ra để phế Hoàng trưởng tử đi mà lập người khác. Nhưng bấy giờ mấy ông đại thần lại ưng lập Hoàng trưởng tử, bèn chạy đi tin cùng đức Từ Dũ. Đức Từ Dũ liền đến nơi can ngăn, bảo chớ nên phế Hoàng trưởng tử mà lập người nhỏ tuổi, bất tiện trong lúc nước nhà nhiều việc. Vua Tự Đức nghe theo, nhưng cứ để vậy mà thêm đoạn sau nên tờ di chúc mới có sự khó nghe ấy. Vả lại từ đoạn chữ “nhưng” sắp xuống ngài không viết được nữa mà người khác viết thế cho. Việc này tôi mới nghe [……] (nguyên chú của Phan Khôi).
  2. [Phan Khôi ghi chú: Nay ở Kinh có người nói rằng: Khi lính trấn phủ đến hỏi, ông Trần Tiễn Thành ở trên lầu mặc áo rộng xuống, có nàng hầu của ông đi kèm một bên. Lính khi ấy kéo nhau lên thì vừa gặp ông ở giữa thang lầu, họ liền đâm ông tại đó và chặt làm ba khúc. Sáng ngày ra, có các quan phủ Thừa đến khám, trong án khám chỉ nói rằng bị kẻ trộm giết (đạo sát) rồi sức cho người nhà chôn, chớ không hề hỏi đến đầu đuôi bị giết thế nào.] (nguyên chú của Phan Khôi)

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia có thời hạn bảo hộ bản quyền là cuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn.


Tác phẩm không chắc chắn đã thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ nếu nó được phát hành từ năm 1929 đến 1977. Để có phiên bản dùng được cho Hoa Kỳ, xem {{PVCC-1996}}.
 
Bản dịch:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)