38. — Công-bình và nhân-ái.

Bổn-phận người ta đối với xã-hội, thường chia làm hai mối là: công-bình và nhân-ái. « Không hại người », tức là công-bình; « làm hay cho người », tức là nhân-ái.

Câu « kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân » trong sách luận-ngữ, tức là công-bình. Còn nhân-ái thì ta có thể nói được rằng: « kỷ sở dục giả, khả thi ư nhân ».

Người ta mà không công-bình, chẳng những có tội đối với lương-tâm, mà luật-pháp lại còn trừng-trị nữa. Giết người thường phải thế mạng; trộm cắp thì phải ngồi tù, xưa nay ở đâu cũng vậy.

Còn người mà không có lòng nhân-ái, thì tuy đối với luật-pháp không có tội lỗi gì, nhưng đối với lương-tâm, thì là không phải. Gặp người đói khó, mà mình không giúp người ta, cũng không ai bắt được mình, nhưng trong bụng không đành.

Tiểu dẫn.Thu, Hạ và Xuân.

Thu, Hạ và Xuân, ba người tâm tính mỗi người một khác.

Thu, nhà làm ruộng giàu-có, cả đời không làm điều gì hại ai, nhưng cũng không hề làm phúc, làm đức cho ai bao giờ.


Phát chẩn.

Hạ vốn là người có tính nhân-từ, ai nhờ-cậy việc gì, là sẵn lòng giúp ngay, và đối với anh em, thật là một người hào-phóng, không có tiếc của. Nhưng phải cái tính hay nóng-nẩy, hễ ai làm điều gì phật ý mình, thì sinh-sự đánh đập người ta.

Còn anh Xuân thì hơn cả hai người kia, là vì anh đã công-bình lại có lòng nhân-ái. Anh buôn bán, nhà sung túc, chung thân không làm thiệt hại cho ai bao giờ, mà lại hay sẵn lòng giúp người. Một năm, trời làm đói kém, anh bỏ tiền ra mua gạo phát chẩn cho những người nghèo khổ. Cho nên thiên-hạ ai cũng ca tụng anh là người có lòng từ thiện.

Giải nghĩa.Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân = cái gì mình không muốn, chớ làm cho người — Kỷ sở dục giả, khả thi ư nhân = cái gì mình muốn, nên làm cho người.

Câu hỏi. — Bổn-phận người ta đối với xã-hội, chia làm mấy mối? — Thế nào là công-bình? — Thế nào là nhân-ái? — Thu tính nết thế nào? — Hạ tính nết thế nào? — Tại sao Xuân lại hơn Thu và Hạ?

Cách-ngôn.Dĩ đức báo đức, dĩ trực báo oán.