Luân lý giáo khoa thư - Lớp Sơ đẳng/I/26
26. — Tiết-độ.
Ta phải có tiết-độ, nghĩa là ăn, ngủ, chơi-bời, làm gì cũng phải có chừng mực. Có tiết-độ thì thân-thể mới được khỏe mạnh, tinh-thần mới được minh-mẫn. Không có tiết-độ, thì hại cho mình và lại hại cho kẻ khác. Nếu mình cứ ăn chơi cho thỏa thích đến quên cả việc lớn là việc sửa mình, thì chẳng những mất phẩm-giá mình, mà lại còn làm gương xấu cho thiên-hạ. Những kẻ giàu-có, ăn chơi quá độ, là một cái hại cho xã-hội.
Tiểu dẫn. — Phép dưỡng-sinh.
Ông Cát-Hồng là một nhà đạo-sĩ có tiếng đời xưa. Ông đã
Cát-Hồng nói chuyện.
nhiều tuổi, mà lúc nào cũng
khỏe mạnh hồng-hào, không có
bệnh-tật gì cả.
Một người học-trò thấy vậy, mới đến hỏi ông rằng: « Ông tu phép gì mà được khỏe mạnh luôn như thế? »
Ông đáp rằng: « Nào có phép gì lạ đâu? Chỉ biết dưỡng-sinh là được.
— Phép dưỡng-sinh như thế nào, xin ông dạy cho biết.
Ông nói: « Người biết dưỡng-sinh, ăn không no quá, uống không nhiều quá, đông đừng ấm quá, hè đừng mát quá, ngủ sớm, dậy sớm, có giờ có giấc, làm-lụng có chừng, nghỉ-ngơi có độ, chơi-bời vừa phải, đừng có điều gì thái quá. Ấy phép dưỡng-sinh chỉ có thế mà thôi.
Giải nghĩa. — Minh mẫn = sáng-láng, chóng hiểu, chóng biết. — Đạo-sĩ = người tu phép tiên. — Dưỡng-sinh = nuôi thân để giữ sức khỏe.
Câu hỏi. — Tiết-độ là gì? — Người không có tiết-độ thì thế nào? — Ông Cát-Hồng khỏe mạnh thế nào? — Người học-trò hỏi gì? — Ông trả lời làm sao?
Cách-ngôn. — Ăn có chừng, chơi có độ.