Luân lý giáo khoa thư - Lớp Sơ đẳng/I/27
27. — Sự ăn uống có điều-độ.
Muốn cho khỏe mạnh, thì không những phải sạch-sẽ mà thôi, lại còn phải ăn uống cho có điều-độ nữa, nghĩa là phải cho có chừng mực.
Ăn uống có điều-độ thì sự tiêu-hóa mới được điều-hòa và người mới được khỏe mạnh.
Ai cũng phải ăn uống, nhưng nếu tham ăn, tham uống, thì thành ra bệnh-tật, yếu đau. Vả chăng tham ăn, tham uống là một sự xấu. Những người phàm ăn, phàm uống đều là những người thô-tục cả.
Có người cả đời chỉ lấy miếng ăn làm đầu, tưởng như cái mục-đích của người ta ở đời là chỉ để ăn uống mà thôi, chứ không còn gì cao-xa hơn nữa. Đem cái thân quí trọng làm tôi-tớ cái miệng, thì thật là đê-hạ lắm!
Tiểu dẫn. — Ăn uống có chừng mực.
Một hôm có người nói chuyện với một nhà hiền-triết, phàn-nàn rằng:
« Tôi ăn cái gì bây giờ cũng không thấy ngon nữa, không biết là tại làm sao! » Nhà hiền-triết trả lời rằng: » Tôi có một bài thuốc chữa khỏi ngay được bệnh cho ông. Từ rày ông ăn ít chứ, thì rồi ăn mới thấy ngon, mà người lại khỏe mạnh thêm lên ».
Một hôm, nhà hiền-triết ấy mời khách lại ăn. Có người hỏi: « Hôm nay ông mời những quí khách, mà sao đồ ăn lại xoàng (thường) như thế? — Ông nói rằng: Nếu khách tôi mời là người có tiết-độ, thì ăn như thế này cũng đủ, nếu là người phàm ăn, thì tôi mời đến ăn, cũng đã là quá rồi ».
Giải nghĩa. — Tiêu hóa = nói đồ ăn uống vào bụng, rồi biến ra chất khác. — Mục-đích = đích con mắt mình ngắm vào, nghĩa là chủ ý của mình định làm thế nào. — Hiền-triết = nhà học thức rộng-rãi và có đức hạnh cao.
Câu hỏi. — Muốn được khỏe mạnh, thì phải ăn uống thế nào? — Ăn uống không có điều-độ thì sinh ra thế nào? — Có người phàn-nàn gì với nhà hiền-triết? — Nhà hiền-triết đáp lại thế nào? — Một hôm nhà hiền-triết mời khách lại ăn, có người bảo thế nào? — Nhà hiền triết đáp làm sao? — Ý câu cuối cùng là thế nào?
Cách-ngôn. — Miếng ăn là miếng xấu.