25. — Sự sạch-sẽ.

Người có sạch-sẽ, thì mới khỏe mạnh và ai cũng ưa, chở bẩn-thỉu[1] thì ai cũng ghê. Ăn-ở sạch-sẽ là biết tự-trọng mình và biết trọng người khác. Và sự sạch-sẽ có khó gì. Chỉ cốt ở cái thói-quen mà thôi. Vậy nên ta ở đâu phải giữ-gìn cho sạch-sẽ đấy.

Tiểu dẫn.Sạch bát, ngon cơm.

Ba mở hàng cơm, Tư cũng mở hàng cơm ở cùng một phố. Lúc trước, nhà Ba đắt hàng, khách đến ăn đông, nhưng về sau, cứ mỗi ngày thấy một vắng dần. Còn nhà Tư thì thấy mỗi ngày một thịnh-vượng hơn lên, nhiều khách nhà Ba sang đấy ăn.

Một hôm, có người khách đã mời bạn đến nhà Ba, sau lại rủ nhau sang nhà Tư. Ba lấy làm giận lắm, hỏi rằng: « Hàng tôi, đồ ăn nấu nướng ngon lành, mà giá bán có phần lại rẻ hơn bên kia, sao ông lại bỏ mà đi như thế? »


Hàng cơm bẩn thỉu. Hàng cơm sạch sẽ.

Người khách đáp rằng: « Đồ ăn bác nấu ngon lành và bán rẻ đến đâu, mà chỗ bán hàng của bác bẩn (nhớp) như thế này, thì chúng tôi cũng xin kiếu. Này bác thử xem bát đĩa[2] cáu những bẩn[3], giường ghế đầy những bụi, dưới đất ngập những rác, trên tường, nào mạng nhện (váng nhệng), nào quết (nước) trầu, nào tàn thuốc..... »

Ba nghe nói, bấy giờ mới hiểu, và tự hôm đó cố giữ cho cửa hàng sạch như lau, như chùi, trông rất vui con mắt. Quả nhiên không bao lâu, khách đến ăn lại đông như cũ.

Giải nghĩa.Tự trọng = tự mình trọng thân mình.

Câu hỏi. — Ăn-ở sạch-sẽ có lợi thế nào? — Ba với Tư mở cửa hàng gì? — Tại làm sao cửa hàng Ba lại vắng khách?

Cách-ngôn.Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon.

  1. dơ-dáy
  2. dĩa