Lĩnh Nam dật sử/Hậu biên/Hồi thứ XXIV

HỒI THỨ XXIV

Quân năm dinh, hội-đồng bắt giặc.
Dân mười huyện, tàn-phá ra tro.

Quí-Nhi nghe được tin Hoàng Phùng-Ngọc vì nhà mình mà phải bôn-tẩu khổ-sở, càng lấy làm thương-cảm, ngồi hầu bà mẹ chồng khôn xiết nỗi thương đau. Kim-Liên đương khuyên giải và bàn-tính nên sai người đến núi Gia-quế để thông tin cho Phùng-Ngọc. Đương khi bàn-tính chưa xong, chợt có tin báo rằng Lam đại-vương có việc quân-tình khẩn-cấp, cho đòi Đô-đốc vào thương-nghị. Quí-Nhi cả kinh mà rằng:

— Chẳng hay có quân-tình chi mà khẩn-cấp như vậy?

Quí-Nhi liền lau nước mắt cùng với Kim-Liên cùng đi vào trong cung, hỏi ra mới biết là: Huyện Qui-thiện phủ Huệ-châu từ khi bị Lam Năng đánh phá Dũng-khẩu, thả binh ra cướp phá khói lửa đốt cháy suốt đến tận Tiền-lỗ. Quan tỉnh không dám thò một tên quân nào để chống cự, vì thế những quân gian-phi vô-lại đều nổi lên như đàn ong, nào là giết nhân-dân, đốt nhà cửa, tự-xưng danh-hiệu đi tống lấy lương-thực, xứ Lưỡng-giang bấy giờ toàn là giặc cả chớ không còn mấy người dân nữa. Gia-dĩ bọn giặc Trình-yết cũng tụ họp cả ở đó, lũ lớn và nghìn người, lũ nhỏ và trăm người, kể đến hàng mấy trăm bọn giặc; phía đông đến Hưng-ninh, Trường-lạc, Trình-hương, Yết-dương, bắc đến Hà-nguyên. Long-xuyên, phía tây đến Bác-la, phía nam đến Hải-phong, Qui-thiện, mãi cho đến các huyện về Đông-bình, không chỗ nào là không sợ giặc nó làm tàn-hại, mà ở Vĩnh-an lại càng thậm-tệ lắm. Vĩnh-an cả thẩy có 79 chòm, mỗi chòm có và thôn người ở, nhiều ra đến hàng nghìn nhà, ít ra cũng đến và mươi nóc nhà, thế mà bị tàn-phá hết cả, chỉ còn sót độ bảy tám chòm mà thôi, chòm Viên-đôn bị giết đến hàng nghìn người, chòm Tam-giốc bị giết đến bốn trăm người thôn Chương-độc bị giết chỉ còn sót có ba người, trại Nga-phụ đến và nghìn người đều phải làm-cỏ hết cả, tiếng kêu khóc ngày đêm bất-tuyệt, mà quan-tỉnh chẳng hỏi chi đến cả. Các đảng giặc khi tụ khi tan, lại cùng y-ỷ với nhau làm thanh-thế, ra vào thì-thọt không biết lúc nào. Những nhà chưa bị giặc phá, ngày đêm lo-sợ như ngồi trên tấm chiếu có mũi kim. Dân vùng ấy ngao-ngán thất-sở. Khi ấy có ông Hiếu-liêm là Diệp Xuân-Cập, tức là ông chủ-khảo cuộc thi thơ ở Phong-hồ mà lấy Phùng-Ngọc đỗ đệ-nhất khi trước. Ông vì bị lạc-chức, nên đi về ẩn ở trong am Thạch-đỗng ở La-phù, nhân trông thấy quang-cảnh dân-tình khổ-sở như thế, không lẽ cứ nhẫn tâm mà ngồi nhìn, bèn họp và mươi người hương-thân cùng lên đường vào yết-kiến quan phủ mà rằng:

— Nay quân giặc tàn-phá hại lắm, dân-gian cực-kỳ khổ-sở, cụ lớn là cha mẹ dân, nỡ nào mà ngồi đó cứ nhìn cho đành lòng được.

Nguyên quan-phủ ấy đầu đội khăn, để tóc dài, móng tay nhọn, bộ dạng coi như bà lão già, vừa nghe lời Diệp Xuân-Cập nói liền lấy tay bịt hai lỗ tai mà rằng:

— Việc đánh giặc đã có quan Đốc-phủ và Chỉ-huy-sứ, chớ như bản-chức là văn-quan sao dám đảm-đương đến việc ấy.

Diệp Xuân-Cập biết cụ lớn ấy cũng là đồ bị-thịt không làm trò gì được, nên cũng chẳng nói chi nữa, liền vái-chào lui ra, cùng với mọi người hương-thân bàn-tính, cùng rủ nhau lên tỉnh-đường, vào yết-kiến Súc Nục mà rằng:

— Nay quân giặc như ong-đồn kiến-họp càng ngày càng tệ, nhân-dân bị hại, không phải cha anh thì tất là con em; thế mà quan lớn không tiễu-trừ đi, sợ rồi nó lan mãi ra, gây thành ra đại-biến, thì không thể trừ được nữa.

Súc Nục nói:

— Ta đã cho người đi chiêu-hàng rồi.

Diệp Xuân-Cập nói:

— Những quân bất-sinh kia nó đã sinh lòng phản-nghịch, nếu không trước đem đại-binh tiễu-trừ đi, mà đã vội cho đi chiêu-phủ, thời vị-tất nó đã nghe lời chiêu-phủ; cho rằng nó có nghe lời phủ-dụ chăng nữa, nhưng cũng là bề ngoài thuận mà bề trong vẫn nghịch, cướp-bóc lại càng thậm tệ. Vậy chỉ xin quan lớn phát-binh ra đánh dẹp, giết những kẻ cừ-khôi mà tha cho những kẻ hiếp-tòng, như thế thì vừa có ân mà lại có uy, mới có thể diệt được quân giặc để yên dân được, xin quan lớn xét đến cho.

Nguyên Súc Nục là một người không có võ-nghệ gì, chỉ là đồ bị-thịt, lại bị phải quân trại Thiên-mã trại Gia-quế mấy lần đánh cho phải bỏ cả mũ khôi áo giáp mà chạy, hễ nghe nói đến tiếng giặc, chẳng khác gì như sét đánh lưng-chừng trời, mất cả hồn vía đi. Nên nay nghe Diệp Xuân-Cập nghị luận một hồi vẫn biết là chiêu-phủ vô-ích, song nghe tin quân-giặc nhiều lắm, đem quân đi đánh, sợ lại thêm chuyện lôi-thôi, chớ không phải sự chơi. Cho nên dẫu ai khuyên bảo y đem quân đi đánh giặc thế nào, y cũng nhất-định không nghe. Diệp Xuân-Cập không thể sao được phải lui ra về, đi đến trạm Thủy-thúc, trông thấy trên bãi cát có hai cái thây người đàn-bà, lõa-lồ thân-thể, bụng trướng to bằng cái chĩnh. Lại trông thấy một người tuổi-trẻ đến phủ-phục bên thây khóc-lóc một hồi rồi chạy ra bên sông, chực muốn nhẩy liều xuống sông. Xuân-Cập kíp sai người nhà chạy lên ngăn giữ lại mà hỏi rằng:

— Nhà ngươi đầu còn xanh tuổi còn trẻ, cớ sao lại muốn liều mình xuống sông làm vậy?

Người thiếu-niên ấy cả khóc mà rằng:

— Đêm hôm trước nhà tôi bị quân giặc đến cướp-phá lấy hết cả gia-tài, lại bắt cả vợ tôi và chị dâu tôi đem đến đây mà luân-lưu hiếp-chết; nó làm thảm-độc như thế, tôi chẳng chết đi thì còn sống làm gì?

Xuân-Cập nói:

— Nếu phải như vậy, sao không lên thưa cùng quan tỉnh, xin phát-binh về nã giặc có được không?

Người thiếu-niên khóc mà rằng:

— Tôi thường thấy những nhà bị cướp lên kêu quan tỉnh nã bắt, thời lại bị nha-lại nó đến sách nhiễu, nào là tiền sai tiền phòng, lại mất đèo thêm mấy trăm đồng nữa: có thế mà thôi đâu, lại còn đòi tiền lễ trát sai, tiền hành-lý, tiền lễ tạ, đến hàng trăm khoanh thứ tiền; giặc chửa thấy nã được đâu, mà ruộng vườn lại bị bán sạch hết cả. Ấy bị giặc cướp chẳng qua là bị giết người lấy của, giặc đi rồi thì thôi. Chớ như lên cáo quan thời muốn chết cũng không được; mà muốn sống cũng không được, bao nhiêu tiền của là hết nhẵn, mà đến hàng năm hàng tháng còn đà-lụy mãi ở chốn nha-môn, cực-kỳ là khổ-nhục nghĩ như thế thì thà chết đi cho rồi!

Người thiếu-niên ấy nói rồi lại khóc. Xuân-Cập nghe nói bùi ngùi rỏ nước mắt, ngảnh lại bảo người nhà lấy ra và lạng bạc. lại hướng vào các người hương-thân quyên lấy thêm vài lạng nữa, giao cho người thiếu-niên mà bảo rằng:

— Ngươi hãy mua lấy mấy cái quan-tài. liệm-táng vợ và chị dâu đi. Rồi ta sẽ vì lũ ngươi cầu các quan trong triều tâu lên xin phát-binh ra vì lũ ngươi dẹp giặc.

Thiếu-niên nghe lời vái tạ. Xuân-Cập trở về đến nhà, làm ra hai tờ phong-thư: một phong gửi cho quan Đại-học-sĩ Thời Trung-Hàng, một phong gửi cho quan Thị-lang là Lưu Đông-Hưng, sai người nhà sớm tinh-sương đem thư vào kinh để phân-tống. Thời, Lưu hai người nguyên là bạn chơi với Xuân-Cập tiếp được lai-thư, bất-giác cả kinh, liền làm tờ sớ tấu và đính theo cả cái thư của Xuân-Cập, dâng lên vua xem. Vua cả giận, xuống tờ chiếu thiết-trách các quan hữu-ti. Đại lược rằng:

Triều-đình đặt ra binh lính cốt để giữ dân, dân đã không giữ được, thì đặt binh ra làm gì? Nay các tỉnh ngoài biên-thùy cho việc giảng-võ làm không cần, cứ để cho giặc-giã mà không dẹp. Nếu cứ dung-túng cho quân-giặc mà không trừ diệt sớm đi rồi hẳn gây nên vạ lớn, Thế mà cứ ẩn-nhẫn bỏ qua, khinh-nhờn như thế thực là đáng ghét!

Sắc cho Lưỡng-Quảng Tổng-đốc Súc Nục, phải tốc-phát ngũ quân, khắc-kỳ hội-tiễu, kỳ cho bình-định mới nghe. Nếu còn trông ngóng dùng-dằng, thì trị-tội bất-xá!

Chiếu thư xuống đến nơi, làm cho Súc Nục thất-kinh luống-cuống không biết giở ra làm sao, liền họp các quan thương-nghị việc tiến binh, chia binh ra làm hai đường để tiến-phát; một đường tự Hải-phong ra Nga-phụ để tiến đến đánh Nam-lĩnh; một đường tự Hà-nguyên tiến đến đánh Phật-tử; cho Lý Ứng-Tường làm tiên-phong, ầm-ầm kéo quân đến Tam-đô. Hà Túc-Tượng nghe tin có quân kéo đến, lập-tức sai người báo tin về Sái-đầu. Lam Năng nghe tin cả kinh, liền sai người mời Quí-Nhi đến thương-nghị kế cự-địch. Quí-Nhi nói:

— Nay nên trước sai thủ-tướng ở Nguyệt-giốc là Hà Túc-Tượng ra nghênh-địch, để dò thám xem quân-tình mạnh yếu thế nào. Đại-vương thì lĩnh một toán quân tiếp-ứng theo sau.

Lam Năng nói:

— Ngươi nói có lẽ.

Liền phát văn-thư sai Từ Tử-Tân đem đến Nguyệt-lĩnh bảo Hà Túc Tượng tiến-binh ra nghênh-địch. Còn Lam Năng thì thân điểm đại-binh, đem theo lũ kiêu-tướng là Diệp Thiên lục-tục đi xuống núi. Kim-Liên hỏi lại Quí-Nhi rằng:

— Thư-thư sao không bày ra một kế sách gì vậy?

Quí-Nhi nói:

— Quan-quân xưa nay sợ giặc như cọp, mà Hà Túc-Tượng là một đứa con nhà giàu cắn hột cơm chẳng vỡ, vậy tôi muốn để cho quan-quân đánh được Túc-Tượng một trận, để cho nó hăng cái khí lên. Rồi tôi mật sai người xui bảo mưu-kế cho quan Đốc-phủ giả cách thua Lam Năng, rồi chia binh ra kíp đánh các trại Miêu-mi, Dương-giốc, Yến-vĩ, chiếm hết chốn yếu-hại, rồi sau tôi với hiền-muội thiết-kế ở trong làm nội-ứng thời Sái-đầu có thể đánh phá được.

Kim-Liên nghe nói ngậm ngùi mà rằng:

— Nếu như vậy, thời em với thư-thư đều nguy mất.

Quí-Nhi thất kinh hỏi rằng:

— Chẳng hay tại sao vậy?

Kim-Liên nói:

— Tự Sái-đầu đến đường Trảm-lịch hơn hai trăm dặm, trại giặc bày ra như bàn cờ mắc cửi, người do-thám chửa dễ đã đi tới được, đó là một điều khó. Cho rằng có thông tin được đến quan Đốc-phủ mà tin dùng mưu mẹo của thư-thư ra nữa, nhưng Lam Năng nó đem toàn-quân ra đánh, binh cường tướng mạnh, quan-quân sao hay đánh đổ được Lam Năng, đó là hai điều khó. Ba là quan-quân nếu hay đánh được quân Lam Năng, phá Dương-giốc, cự Yến-vĩ; song em với thư-thư, đều là con gái, còn tướng-sĩ thời trừ ngoài Hoàng Doãn ra, không ai là người tâm-phúc với mình, thì mình sao hay làm nội-ứng được. Bốn là quan-quân không đánh được, mà Lam Năng cũng không thua. Thư-thư từ khi đến sơn-trại đến giờ, nào là chém Thiết-Ngưu, giết Trần Hưng, phá Dũng khẩu, thư-thư đều hay bày được kỳ-mưu cả, thế mà nay có quan-quân kéo đến, thư-thư không chịu bày một kế sách gì, thua hay được cứ mặc kệ nó, thế thời Lam Năng tất nó ngờ thư-thư có dị-tâm, nó sinh ra xét nét thì làm thế nào? Ấy có bốn điều khó-khăn như thế, mà thư-thư dám làm, chẳng là nguy lắm ư?

Quí-Nhi nghe nói thất-sắc mà rằng:

— Hiền-muội nói rất phải! Thế thời bây giờ làm thế nào?

Kim-Liên nói:

— Nay không làm cho quan-quân đại-bại thì nó không tin ta, mà không làm cho Lam Năng đại-thắng thì nó cũng không tin ta; gì bằng hãy dò tin xem, rồi lại hiến một kế-sách khác, đánh phá cho quan-quân đại-bại một trận, khiến cho Lam Năng phải đành dạ tin theo hai chúng ta, rồi ta thân cầm một cánh quân ra đối-luỹ với quan-quân, giả cách hạ chiếu-thư, trong thư tàng mật-kế xin trước giết Lam Năng, sau bình các trại, thời dụng-lực có phần dễ hơn.

Quí-Nhi bái-phục mà rằng:

— Nếu không có lời hiền-muội nói, thì em tính lầm mất. Ngày mai xin mời hiền-muội cùng đến trung-quân để ta cùng làm việc.

Kim-Liên nghe lời xin vâng.

Nói về Hà Túc-Tượng từ khi tự trại Hỏa-đái tha về, sau lại bị thủ tướng trại Nguyệt-giốc bắt được, nhờ có em gái lấy người thủ-tướng ấy nên được làm cu-cậu, cứ mỗi ngày được cưỡi ngựa tuấn-mã quần chơi, đã lấy làm thích ý lắm rồi. Sau người chồng em chết, đưa tin báo-phó về Sái-đầu. Lam Năng liền phong cho Túc-Tượng làm Chỉ-huy-sứ, ấy cái dịp may-mắn giàu sang ấy, Túc-Tượng xưa nay mơ màng chưa nghĩ tới bao giờ, bỗng dưng tự trời đem lại, thực là chính gãi vào chỗ ngứa, mừng rỡ khôn xiết, vội vàng vào tạ ơn, rồi trở về sai người đến Huệ-châu, sắm sửa mũ ô-sa, đai tê giác, đôi hia gót phấn, bộ áo bố-tử đại-hồng và một bộ kèn lớn trống lớn, sắm đủ đâu đấy rồi mặc vào ra tướng-tiền để nhận lễ cho thủ hạ lạy mừng. Lại sắm cả cho mẹ và vợ cùng đủ cả mũ phụng-quan, áo bố-tử, cả nhà mừng hí-hởn. Hễ khi nào đi ra ngoài thì bày ra nào là cờ thanh-đạo, biển tĩnh-túc đàn mặt đối nhau, tiền-hô hậu-ủng, lấy làm đắc-chí lắm. Lại dặn bảo quân thủ-hạ từ rầy phải gọi bà Diêu-thị là bà Thái phu-nhân, vợ là bà phu-nhân, em gái là vị tiểu-thư. Rồi đem em gái lại gả cho Hữu Nhân-Tâm. ngày hôm cưới, Túc-Tượng cất chén mời Hữu Nhân-Tâm mà rằng:

— Nếu không được chú em chỉ-giáo cho, thì sao lại có ngày nay!

Hữu Nhân-Tâm nói:

— Đó là nhờ hồng-phúc của nhà tôn-cữu cả.

Một ngày kia. gặp ngày bà thân-mẫu Diêu-thị lên thọ bốn mươi, Túc-Tượng sai các thủ-hạ ra các làng nhỏ chợ nhỏ, cướp lấy vô số trâu rượu đem về, để mở tiệc chúc thọ cho mẹ. Chí-kỳ, đốt một đôi nến cực to ở giữa trại, rồi thổi kèn khua trống ầm lên, đón rước bà mẫu-thân ra ngồi chỉnh-chện ở trên, vợ chồng Túc-Tượng đều mặc đồ phẩm-phục vào chúc-thọ, các tướng-sĩ cũng đều đến lạy mừng, bày ra tiệc yến, kèn trống vang lừng, chỗ thì chuốc chén, chỗ thì đánh bài hoan-hô vui vẻ, đương nửa chừng cuộc rượu, Túc-Tượng nâng chén dâng lên mẫu-thân Diêu-thị mà rằng:

— Trước kia mẫu-thân ở Phong-hồ lúc phải những quân nó biển-trá, mẫu-thân vẫn tưởng là con không làm trò gì được. Khi còn đấng tiên-phụ, gia-tư giàu có thế mà đến nỗi điêu-linh cả, nay mẹ thử xem thế nào!

Diêu-thị nói:

— Mẹ già nhục-nhãn, sao biết con làm được sự-nghiệp lớn lao thế này, khiến cho mẹ già được hưởng vinh hoa, thực là đáng mừng lắm.

Túc-Tượng cả cười ha-hả, chửa rứt tiếng cười thì chợt nghe thấy báo Đại-vương sai hành-nhân-ti Từ Tử-Tân đến, không biết là việc gì. Túc-Tượng vội vàng ra trước trại nghênh-tiếp, thi-lễ mời ngồi đâu đấy, Tử-Tân đưa công-văn ra cho Túc-Tượng xem. Thư rằng:

« Nay có quan-quân đem binh lại đánh, truyền cho Chỉ-huy-sứ trại Nguyệt-giốc là Hà Túc-Tượng, phải hỏa-tốc đem binh đi đón đánh, chớ để cho lấn vào trong cõi, nếu trái lệnh thì đã có quân-phép ».

Túc-Tượng vừa nghe lời công-văn chẳng khác gì như đứa trẻ lên ba nghe thấy tiếng sét bổ ngang đầu, sợ khiếp người đi, cứng cả người đờ cả mắt. Từ Tử-Tân thúc giục mà rằng:

— Mau mau! Tướng-quân phải sắp sửa khởi hành đi, quân-tình việc lớn, không thể dùng-dằng mãi được.

Túc-Tượng vội vàng chạy vào trong trại, trông thấy Hữu Nhân-Tâm đương đánh cuộc với viên tì-tướng Nhưng viên tì-tướng thua cuộc không chịu uống rượu phạt. Hữu Nhân-Tâm toan đè xuống chực đổ rượu vào tai. Túc-Tượng liền xua tay mà bảo rằng:

— Mau mau dọn dẹp ngay đi tai-vạ đến nơi rồi đó!

Chúng đều thất-kinh mà rằng:

— Chẳng hay cái tai-vạ gì vậy?

Túc-Tượng nói:

— Nay có quan-quân kéo đến, mà đại-vương bảo tôi đem binh ra trước để đón đánh song chúng ta binh hèn tướng ít, mà tôi cũng chẳng hiểu võ-nghệ là gì, thì sao chống-cự lại được, đó chẳng phải là việc tai-vạ đấy ư!

Túc-Tượng nói rồi khóc hu-hu lên, cả nhà nghe tin ấy đều xúm quanh lại một lũ ôm đầu mà khóc. Bên ngoài thì Từ Tử-Tân thôi-thúc phải khởi-trình ngay, Túc-Tượng không nói sao được, phải điểm binh-mã vội vàng lên đường kéo đi. Khi vừa kéo đến Kiều-điền, chợt nghe một tiếng pháo nổ, thì tiên-phong Lý Ứng-Tường đã kéo quân đến, hai bên bày trận ra Lý Ứng-Tường cầm đao nhẩy ngựa tế ra trước trận thét lên mắng rằng:

— Bớ quân tặc-nô kia! Nay quan-quân đến đây mà mày không xuống ngựa đầu-hàng, ta truyền đời cho mày chết không có chỗ táng-thân đó!

Túc-Tượng khi ấy sợ chết khiếp người đi, mặt như chàm đổ, bèn sai thủ-hạ tướng-sĩ ra đánh.

Tướng-sĩ nói:

— Bẩm ngài là chủ-tướng, xin ngài phải thân-hành ra trước.

Túc-Tượng nói:

— Thôi cũng là một bọn với nhau cả.

Tướng-sĩ nói:

— Cùng là một bọn, sao ngài không ra trước đi.

Nói chưa rứt lời, Lý Ứng-Tường đã xông sang đến nơi, Túc-Tượng thất-kinh, quay đầu ngựa chạy trước. Quân-sĩ đều ùa chạy tan cả. Lý Ứng-Tường liền giơ đao lên vẫy, quân-sĩ đều xông lên đuổi theo, vung đao ra chém, làm cho quân giặc phải trèo núi qua rừng mà chạy. Túc-Tượng chạy về đến núi Nguyệt-lĩnh, vội vàng sai lấp cửa ải, thời đã nghe thấy tiếng súng nổ, Lý Ứng-Tường đem quân đã đuổi đến nơi, hò thét quân-sĩ lên đánh phá cửa ải. Từ Tử-Tân bắt hết những người đàn-bà con gái bị bắt ở trong trại ấy và cả mẹ với vợ cùng em gái Túc-Tượng đều ra trước ải khuân gạch vần đá, lăn từ trên cao xuống đánh quan-quân không thể lên được. Lý Ứng-Tường cả giận, liền nhẩy xuống ngựa, một tay cầm mộc-bài, một tay cầm đại-đao, xông vào trong đám gạch đá, nhẩy vót lên thành. Từ Tử-Tân vội vàng cầm thương lại chực đâm, liền bị phải Ứng-Tường chém cho một đao đứt phăng đầu, rồi cầm lấy đầu ở trong tay chạy vòng cửa ải gọi to lên rằng:

— Đứa nào hàng thì ta tha chết cho!

Túc-Tượng liền đem mẹ và vợ ra phục xuống đất xin hàng. Ứng-Tường sai quân-sĩ lột bỏ áo mũ phẩm-phục của Túc-Tượng ra rồi lấy dây trói lại. Ứng-Tường toan sai phóng-hỏa đốt bỏ hết trong trại, lại chợt nghe tiếng reo nổi lên, quân-sĩ báo rằng:

— Có quân giặc kéo đến vây kín cả sơn-trại!

Ứng-Tường cả kinh mà rằng:

— Ta đem cô-quân vào mãi đây, cùng với đại-quân xa cách, sợ khi hoãn-cấp không cứu-viện được nhau, ta phải kíp lui ra mới được.

Nói rồi liền đem Túc-Tượng xung-xát xuống núi. Diệp Thiên giơ gươm lên đánh trặn lại. Ứng Tường vội vàng chống đỡ, đôi bên đánh nhau độ vài mươi hiệp, tiếng reo nổi lên ầm ầm, Ứng-Tường không dám ham đánh nữa, phải xông đột mở đường, đem quân lui về, còn Túc-Tượng thì bị cướp giật lại. Lam Năng thấy Diệp Thiên thắng chận, liền thúc binh-mã xông lên yểm-sát không đề phòng gì cả. Dè đâu Súc Nục nghe tin Ứng-Tường thắng trận liền đem tám quan Chỉ-huy từ con đường tắt đánh xông lên, chẹn ngay đàng sau lưng Lam Năng. Ứng-Tường lại đem quân đánh trở lại, thành ra vây kín Lam Năng vào trong vòng vây. Lam Năng đương lúc kinh-hoàng, tự-nhiên thấy quan-quân tan chạy lả-tả sa cả xuống khe nước. Lam Năng vội vàng trông ra thì thấy một lá cờ đại đề bốn chữ « Tam-đô Đô-đốc » phất-phơ ngọn gió, ầm ầm kéo lại, một tướng đi đầu, tiếng thét như sấm, đánh giết quan-quân rối bời tan chạy. Lam Năng nhận rõ tướng ấy là Hoàng Doãn, trong bụng cả mừng, liền đem tướng-sĩ đánh xông ra, rồi tháo lui về Nghĩa-cốc. Quí Nhi ra tiếp, rước. Lam Năng nói:

— Chẳng hay người sao biết quả-nhân bị khốn mà cho đi ứng-cứu làm vậy?

Quí-Nhi nói:

— Tôi đồ rằng đại-vương khinh giặc, nên phải cùng với Hoàng Doãn ra ứng-tiếp ở đây.

Lam Năng cả mừng, nói úy-lạo xong, Quí-Nhi cáo từ lui về bản-trại, sai người điệu cả nhà Túc-Tượng đến. Quí-Nhi trách mắng mà rằng:

— Ngươi thân làm chủ-tướng, chửa ra trận đã trốn mất, khi quan-quân vào phá ải ngươi ra đầu hàng trước tiên, cái đồ nhục-nhuốc tổ-tiên như thế, không bằng loài cẩu-trệ, còn để mày làm gì nữa!

Mắng rồi liền thét điệu ra chém.

Lam Năng nghe tin Quí-Nhi trách mắng chém Túc-Tượng, cả mừng mà rằng:

— Thực là bậc chân-tướng-quân!

Sai người đem thưởng cho hai cái đùi bò. Ngày hôm sau Quí-Nhi hiến kế mà rằng:

— Nay quan-quân thắng liền hai trận, hẳn là khinh giặc mà sinh kiêu, xin đại-vương theo kế như thế... hẳn là toàn-thắng. Tôi xin cùng với tướng-quân Hoàng Doãn đóng ở Viên-đôn để chẹn quân cứu-ứng mặt nam.

Lam Năng cả mừng, liền triệu chư-tướng họp lại dặn bảo mưu kế đâu vào đấy, rồi tự đem một cánh quân loảng-choảng xốc-xếch đi lên trước khiêu-chiến. Súc Nục nghe thấy quân giặc đến khiêu-chiến, liền đốc-suất tám quan Chỉ-huy dàn trận ở Kiều-điền. Súc Nục trông thấy quân giặc hàng-ngũ xốc-xếch vỗ lưng quan Chỉ-huy là Tăng Dũng mà rằng:

— Kìa quân giặc đều là quân ô-hợp cả, đánh phá cũng chẳng khó gì, tướng-quân hôm nay cố đi là được.

Tăng Dũng nghe nói, liền múa cây đao yển-nguyệt, nhẩy xông ra trận Lam Năng liền sai viên tì-tướng ra giao-chiến, không được mươi hiệp, liền bị Tăng Dũng chém cho một đao ngã lăn xuống ngựa. Lam Năng liền quay ngựa tế chạy. Súc Nục vẫy quân-sĩ sấn lên đuổi theo, đuổi mãi đến Thiệp-khê, Lý Ứng-Tường thấy chỗ ấy đường cái gập-ghềnh, sơn-thế hiểm-ác, sợ rằng có phục binh, bèn kíp lại nói với Súc Nục rằng:

— Xin đại-nhân hãy đóng hậu-quân lại, tiểu-tướng xin cho bảo Tăng Chỉ-huy lui lại; không thì chỗ đất này hai ngọn núi chênh-vênh, đường rừng hiểm-hóc, ngộ gặp phải phục-binh, tiến-thoái đôi đường không lợi cả thì làm sao!

Súc Nục nghe lời mới tỉnh-ngộ, kíp truyền cho hậu-quân dừng lại, tùy-tiện mà đóng trại. Song địa-thế ở đấy bức-hiệp không đóng cả làm một trại được, phải đóng trại tan lìa ra mọi nơi. Chừng đến trống canh hai, chợt nghe thấy ngàn súng đều nổ, còi trống vang-lừng, tiếng hò tiếng hét ầm-ầm, làm chấn-động cả núi kêu hang ửng, không biết quân giặc nhiều ít là chừng nào. Súc Nục thấy thế bèn không đoái gì đến quân-sĩ cả, chân đi không, chạy ra nhẩy lên con ngựa không yên, vội vàng mở cửa sau cứ theo con đường cũ mà chạy, chạy mãi đến núi Nguyệt-giốc. Chư-tướng khi ấy thấy tiền-quân đã thua, tiếng trống tiếng reo nổi lên ầm-ầm, bèn bỏ cả áo giáp, vứt cả đồ binh, cùng dầy séo nhau mà chạy. Đương lúc hoảng chạy, lại nghe tiếng súng nổ, lửa đuốc sáng rực. Bỗng đâu một tướng ở trong bóng lửa sáng, múa thương nhẩy ngựa ra chặn ngang giữa đường, thét to lên rằng:

— Tần Vinh ở đây!

Lý Ứng-Tường phi ngựa lên giao-chiến, song địch sao nổi ngọn thương của Tần Vinh như thần-xuất quỉ-một. Ứng-Tường liền bị phải ngọn thương đâm sang, kêu to lên rằng:

— Thôi, tôi chết rồi!

Ứng-Tường vừa nghiêng đầu một cái thì bị chém mất bên tai, đang ngồi trên ngựa ngã nghiêng xuống, liền vứt cả mũ mà chạy trốn. Chạy đến lúc trời sáng rõ chợt nghe tiếng pháo nổ có một toán quân như cuốn bụi mà kéo lại, trên lá cờ đại đề một chữ « Lại » cực to. Quân-sĩ đều sợ khiếp, tiếng kêu khóc rầm trời. Tăng Dũng thét to lên rằng:

— Lũ chúng ta phải liều chết mà đánh, để cứu lấy quân-sĩ ra mới được!

Nói rồi liền nhẩy ngựa lên trước, chư-tướng đều theo lên bổ vây Lại Triệu-Minh lại một chỗ, gươm đao xung-sát, rìu búa tung ra Lại Triệu-Minh không sợ hãi gì cả, cứ việc che đàng trước chống đàng sau, đâm bên tả thích bên hữu, hết sức đánh một hồi lâu Lại chợt đâu súng nổ, bèn tả thì Lý Kỳ, bên hữu thì Trương Dịch ầm-ầm xung-sát đánh vào. Chư-tướng sợ hốt hoảng bèn bỏ Triệu-Minh, liều mạng mà chạy, chạy được và dặm đường, lại gặp một toán quân ra chặn đường hiệu cờ là: « Vĩnh-an Giang Vạn-Dụ » Chư-tướng khi ấy người mệt ngựa mỏi, đều bỏ chạy lạc lõng. Khi chạy ra đến cửa sông, trông thấy lửa sáng rực trời, có một toán quân bày trận ở bờ sông, một tướng trỏ đao dừng ngựa thét to lên rằng:

— Diệp Thiên ở đây! Thuyền bè của các ngươi ta đốt phá hết cả rồi!

Nói rồi, múa tung đại-đao lên xông vào đánh. Tăng Dũng cũng xông lên giao-chiến chửa được và hiệp liền bị phải Diệp Thiên chém cho một đao ngã lăn xuống ngựa. Chư-tướng hộ-vệ Súc Nục rẽ đường mà chạy. Diệp Thiên thét bảo quân-sĩ rằng:

— Không được để cho Súc Nục chạy thoát đó!

Súc Nục nghe tiếng hò thét, phải cắt bỏ cả râu ria. theo lẫn vào trong đám tướng-sĩ mà chạy, chạy về đến Lương-hóa. mới dám dừng quân lại. Điểm xét lại tướng-sĩ thì mất đến quá nửa. Bèn họp chư-tướng lại thương-nghị mà rằng:

— Chẳng hay bây giờ chư-tướng tính sao?

Chư-tướng nói:

— Xin hãy nghe tin tức trại Nam-lĩnh xem sao, rồi sẽ tính sau.

Súc Nục nghe lời bèn án-binh lại không dám động nữa. Thực là:

Thua luôn mấy trận mặt dầy,
Trận trước bỏ giáp, trận này cắt râu!

Nói về Lam Năng thắng-trận cướp được mũ khôi áo giáp, lương-thảo lừa ngựa vô-số, trong bụng cả mừng, thu binh đem tải cả về sơn-trại, đi nửa đường gặp Tô Doãn-Sơn kéo quân lại. Tiếp-kiến xong, Doãn-Sơn nói:

— Nay Súc Nục dẫu thua, nhưng còn chửa giết cho tuyệt hết được. Đại-vương nên thừa-thắng đuổi đánh, để cho nó biết quân ta không phải là vừa đâu, từ rầy nó không dám kéo đến đây nữa. Tôi nghe nó kéo quân về đóng ở Lương-hóa, tôi xin theo con đường nhỏ đem quân ra chặn mặt sau; Đại-vương thì từ đất Hoành-lịch xông đến đánh mặt trước, như thế có thể giết hết được cả.

Lam Năng cả mừng, liền quay đầu ngựa đem quân kéo thẳng đến Lương-hóa. Quan quân không ngờ quân giặc lại kéo đến, các bộ-tướng không kịp thắng yên lên ngựa, phải ra đánh bộ. Lam Năng trông thấy, bèn dùng thiết-kỵ chia ra hai cánh xông vào. Quan-quân lại đại-bại, đều tắt qua núi Bình-sơn mà chạy. Chợt đâu một tiếng pháo nổ, Tô Doãn-Sơn ra chặn ngang đường. Quân-sĩ đều đảo-qua xin hàng, các tướng phải liều chết cứu lấy Súc Nục đem ra, thâu đêm chạy về tỉnh-thành, đóng cửa thành lại cố-thủ. Còn toán quân đi về con đường huyện Hải-phong nghe tin Súc Nục đã bị thua, phải vội-vàng lui quân về, bị phải Lưu Hán-Giang đón đánh ở núi Tử-quan, cũng đại-bại mà tan chạy. Quí-Nhi nghe tin cả kinh, bèn cùng với Kim-Liên thương-nghị mà rằng:

— Không ngờ quan-quân thật là đồ vô-dụng, cứ thua chạy hoài mãi, thì nay làm thế nào?

Kim-Liên nói:

— Như thế thời phải kíp cho triệu chư-tướng trở về, chớ để cho lưu-độc làm hại đến bách-tính.

Quí-Nhi liền lên trướng, cho gọi và mươi tên tì-tướng, mỗi tên cầm một lịnh-tiến làm hiệu-lịnh kíp đi triệu chư-tướng trở về sơn-trại. Ngờ đâu các tướng đã thừa-thắng, khi nào lại nghe lịnh-tiến mà trở về ngay, kể hàng mấy mươi vạn quân chia đường ra các nơi cướp bóc, lan khắp đến ngoài nghìn dặm, đến thành-trấn nào thì đóng ở thành-trấn ấy, qua hương-thôn nào thì đóng ở hương-thôn ấy, gian-dâm hiếp-chóc hết cả mọi người và súc-vật, rồi mới kéo đi làng khác, thôi thì đốt-phá cửa nhà, đào quật mồ mả, làm lắm điều cực tàn-nhẫn, tiếng dân-chúng kêu khóc khắp cả làng xóm mọi nơi. Giám-quân Cố Dưỡng-Khiêm bèn đem tình-trạng ấy dâng sớ về tâu vua. Thần-tôn xem sớ cả giận, lập tức sai quân phi-kỵ ra bắt đem gông Súc Nục điệu vào Kinh để xử-trảm. Và giáng chỉ-dụ giao cho Lục-bộ hội-nghị cử lấy người ra thay Súc Nục. Lục-bộ tâu cử Ngô Quế-Phương. Thần-tôn chuẩn theo lời tâu, lại cho Ngô Quế-Phương làm Lưỡng-Quảng Tổng-đốc, trách-cứ phải bình giặc cho xong. Quế-Phương vâng mệnh phải kíp đi phó-nhiệm, khi đến tỉnh-thành, đốc-sức tướng-sĩ chia đóng đồn các nơi yếu-hại, đuổi bắt quân du-tặc, chiêu an kẻ lưu-dân, chẩn tuất cho kẻ bị thương phải dấu, đắp-điếm cho kẻ nát thịt phơi xương; chỉnh quân sắp ngũ, để từ-đồ mưu tiến-thủ, dân-tình mới hơi yên ổn. Thực là:

Chín lần trời xuống phúc-tinh,
Muôn dân mới thỏa chút tình yên-vui.