Lĩnh Nam dật sử/Hậu biên/Hồi thứ XXIII

HỒI THỨ XXIII

Phá Dũng-khẩu, càng tin mưu lạ,
Phong quân-sư, ủy hết binh-quyền.

Các chủ trại khi ấy thấy Lam Năng ban cho quan tước đều chịu nhận cả, chỉ có Trần Hưng lại hăng-hái toan đem chém giết Từ Tử-Tân. Nguyên là khi trước Trần Hưng cùng với lũ Trần Thiết-Ngưu, Lại Hữu-Doãn, Giang Vạn-Dụ. Lam Năng cùng kết nghĩa khởi-binh, chia nhau đều giữ các nơi hiểm-yếu, hễ có điều gì thì cứu-viện lẫn cho nhau. Về sau Trần Hưng cậy có núi Đan-chướng-cung cao-lớn có thể thủ-hiểm giữ được. Lại cậy có bốn viên kiện-tướng đều là tay võ nghệ kinh-nhân: 1° hiệu là Trại Đinh-Sơn Tiết Siêu. 2° hiệu là Cáp-lục-lang Dương Thành, 3° hiệu là Bả-đắc-hổ Đổng Bình, 4° hiệu là Nhập-đắc-thạch Quách Bá. Lại có một vị sư tên là Tuệ-Khai, tài giỏi về yêu-thuật lắm. Trần Hưng cậy có những người ấy giúp đỡ, nên mới có ý tữ-ngữ không hợp với các chủ trại. Nguyên-lai nhà sư ấy đi khất-thực qua đến làng Viên-đôn, gặp một người đàn bà góa bố-thí cho một đấu thóc, nhà sư cảm cái ơn ấy, muốn nghĩ cách để báo ơn, nhân trông thấy nhà người quả-phụ ấy có nuôi một con lợn con, bèn bảo rằng:

— Bà, nuôi lợn sao bằng nuôi chuột!

Người quả-phụ cười mà rằng:

— Thôi xin sư ông đừng có nói đùa, xưa nay ai lại có nuôi chuột.

Nhà sư nói:

— Bà không biết đấy thôi, nuôi chuột có thể lợi bằng mấy nuôi lợn. Bà không tin, thời hãy thử sửa soạn riêng ra một cái phòng, bần-tăng này sẽ bảo bà cách nuôi, kỳ trong ba tháng thời trong tay bà tất được một món tiền lãi rất to.

Người quả-phụ ấy vẫn là sùng-tín các vị hòa-thượng, nghe thấy nhà-sư nói như thế cũng lấy làm thích-ý, quả-nhiên xin dọn riêng một gian phòng để nhờ nhà-sư bảo phép nuôi. Nhà sư bảo rằng:

— Bà cứ đóng kín một gian buồng lại, rồi khoét ra một lỗ-thủng chừng bằng cái đĩa, bắt lấy một con chuột không cứ lớn nhỏ đem chặt bỏ đuôi đi, thả vào trong buồng ấy, rồi lấp kín lại. Cứ mỗi ngày đổ vào một bát cơm, để cho chuột ăn; lúc cho ăn thời ở ngoài cứ niệm câu: « Nam-vô a-di đà-phật ». Nuôi được đủ trăm ngày rồi hãy mở ra xem.

Người quả-phụ ấy cứ y theo lời nhà-sư bảo, bắt lấy một con chuột đem bỏ vào trong buồng kín, nuôi đủ một trăm ngày, lúc toan mở ra xem, thì lại nghe trong buồng hình như có vật gì ngăn giữ lại không mở ra được. Quả-phụ lấy làm kinh-dị, bèn gọi một người đàn-ông sức khoẻ lấy một cái gậy lớn đâm vào, thời mé trong chợt nghe có tiếng kêu như trâu rống, hàng xóm láng diềng nghe tiếng đều lấy làm kinh-quái, chạy lại xem, bảo người trèo lên nóc nhà giỡ ngói ra xem, thì quả-nhiên là một con chuột già lớn-tướng to chật một buồng. Chúng cùng bàn tính đem súng bắn chết đi, rồi từ nóc nhà nhẩy xuống đem mổ nó ra, quả-nhiên cân được hàng vạn cân thịt, hàng nghìn cân mỡ. Tin ấy đồn đi đến trại Đan-chướng-cung. Trần Hưng nghe tiếng bảo rằng:

— Nhà-sư này hẳn là một vị pháp-tăng, có pháp-thuật giỏi.

Bèn sai người đi tìm đón về trại, tôn gọi làm thầy, nhà-sư động thi-phù niệm-chú làm việc gì, đều hiệu-nghiệm cả. Trần Hưng cả mưng tôn lên làm quân-sư. Định bụng muốn thôn-tính cả các trại. Chợt nghe Lam Năng tự xưng làm Vĩnh-an vương, lại sai đem phong cho mình quan-chức, trong bụng cả giận, liền thét tả hữu đem điệu sai-quan của Lam Năng ra chém. Vị sư bước ra can rằng:

— Xưa nay hai nước đánh nhau, không có chém kẻ sứ-giả xin đại-vương hãy nguôi giận, tha cho lai-sứ ấy, bần-tăng sẽ có kế đối-đãi lại được.

Từ Tử-Tân vì thế được tha, lủi-thủi lẻn ra về. Trần Hưng hỏi rằng:

— Chẳng hay quân-sư có diệu-kế gì vậy?

Nhà-sư nói:

— Nay Lam Năng mới xưng là Vĩnh-an vương đã dám sai sứ đến phong cho đại-vương, thời đại-vương sao không xưng ngay là Vĩnh-an hoàng-đế, rồi cho đòi hắn vào bệ-kiến để xem hắn đối đáp ra thế nào.

Trần Hưng vỗ tay cả cười mà rằng:

— Kế ấy rất hay!

Liền sai người chế làm mũ bình-thiên, áo long-cổn, cờ loan giáo bạc, toàn là nghi-vệ hoàng-đế, chọn ngày tốt lên ngôi, cho chư-tướng vào chầu lạy mừng. Phong nhà-sư làm Viên-thông linh-trí vô-thượng đại-pháp-sư Thái-tử thái-bảo, Nội-các đại học-sĩ, kiêm-lý lục-bộ Thượng-thư, Tổng-thống binh-mã đại nguyên-suý. Tiết Siêu làm Tiết-quốc-công Tả-kim-ngô tướng-quân. Dương Thành làm Dương-quốc-công Tả-xa-kỵ tướng-quân. Đổng Bình làm Đổng-công Hữu-kim-ngô tướng-quân. Quách Bá làm Quách-công Hữu-xa-kỵ tướng-quân. Còn các chính-tướng thì đều phong làm Tổng-binh, phó-tướng đều phong làm Tham-tướng. Còn thiên-phu-trưởng bách-phu-trưởng đều phong cho làm quan-lớn cả. Rồi làm ra một đạo sắc-thư và cho một tên lính làm Cẩm-y-vệ chỉ-huy cầm tờ sắc đến Sái-đầu triệu Vĩnh-an-vương vào bệ-kiến. Lam Năng tiếp được tờ ngụy-chỉ, cả giận mà rằng:

— Quân phản-tặc này lại dám hỗn thế à!

Liền sai điệu tên lính ấy ra cắt tai cắt mũi đuổi đi. Kíp cho người mời Quí-Nhi ra bàn kế chính-tiễu. Quí-Nhi nói:

— Nay đại-vương mới chính tôn-hiệu mà Trần Hưng dám cuồng-bội như thế không giết ngay đi thì không răn được chúng. Song núi Đan-chướng-cung cao-lớn, về mặt tây bắc thời bích-lập ngất trời. Đại-vương phải nên đem đại-binh kéo đến mặt trước, hịch sai Miêu-mi Thống-chế Tô Doãn-Sơn đem binh đánh tập-hậu, để cho đầu đuôi không ứng-cứu được nhau, thì đánh phá dễ như chơi vậy.

Lam Năng cả mừng, lập tức sai Từ Tử-Tân cầm tờ hịch đem đến Miêu-mi, và sai Diệp Thiên làm tiên-phong; Tần Vinh-Hoàng Doãn làm tả-hữu hộ-vệ; Lại Triệu-Minh làm cứu-ứng, khởi năm vạn binh kéo thẳng đến Đan-chướng-cung. Đi chưa đến mười dặm, chợt nghe một tiếng súng nổ, trông thấy Trần Hưng đầu đội mũ bình-thiên, mình mặc áo long-cổn, bên tả thời Tiết Siêu, bên hữu thời Quách Bá, dàn bày binh-mã tiệt chặn đường đi. Lam Năng vội vàng phải dừng binh đóng lại, cầm gươm lên ngựa, trông thấy bộ dạng Trần-Hưng ăn mặc như vậy, trong bụng cả giận, thét lên mà rằng:

— Chư-tướng, ra bắt thằng bạn-tặc kia cho quả-nhân.

Trần Hưng cười ha-hả mà rằng:

— Lạ thật! Thế-gian chỉ có bày tôi bạn-nghịch. chớ khi nào lại có hoàng-đế bạn-nghịch bao giờ.

Nói chưa rứt lời, Tần Vinh vác thương nhẩy ngựa xông ra trước trận. Bên kia thời một tướng múa phương-thiên họa-kích, nhẩy ngựa ra thét lên rằng:

— Bớ tặc-tướng! có Kim-ngô tướng-quân Tiết Siêu ở đây!

Hai ngựa xông vào giao-chiến lai-vãng đến năm mươi hiệp không phân thắng phụ. Làm cho Trần Hưng nóng ruột, liền chụt bỏ mũ bình-thiên, lột cả áo long-cổn, trần mình ra múa cây khai-sơn đại-phủ nhẩy xông vào xung-sát. Lam Năng vội vàng nhẩy ra nghênh-địch, đánh nhau được vài mươi hiệp, chợt nghe có người gọi to lên rằng:

— Xin bệ-hạ hãy nghỉ, để cho bần-tăng hàng-phục lấy giặc này mới nghe.

Trần Hưng nghe gọi liền quay ngựa trở về trong trận. Lam Năng kíp trông ra thời thấy đối trận bên kia có một vị sư bước ra, cổ đeo một chuỗi chàng hạt tố-châu, mình mặc một bức áo cà-sa hỏa-bố, thống-suất một lũ bốn năm trăm tăng-đồ, mỗi người đều cầm cái chũm-chọe khua đánh vang trời, như là đi đưa ma. Chúng-tướng không ai hiểu là ý gì, mắt ngây ra xem thì thấy một nhà sư tay cầm cái chuông lắc, trong mồm không biết lẩm-bẩm niệm câu gì, niệm độ một hồi, thì vung tay áo lên một cái, mấy trăm tăng-đồ đều tung cả cái não-bạt lên trên trời, thành ra như tấm gấm theo chiều gió bay lượn một hồi, rồi bay đến trong trận Lam Năng đánh loạn cả lên; lại như con chuồn-chuồn rỡn nước lúc bay lên lúc bay xuống rập-rờn; một lát thấy trong trận Lam Năng quân-sĩ đều bị đánh kêu cha kêu mẹ khóc rầm cả lên.

Trần Hưng cả mừng đem quân xung-sát đánh vào trong trận. Lam Năng đại-bại chạy đến hơn mười dặm mới dừng quân lại. Đêm hôm ấy trong quân đương lúc sắp đi ngủ, chợt thấy một trận gió bay qua ầm-ầm khắp núi như thần-kinh quỉ-khốc, làm cho quân-sĩ sợ run cả người lên đều kêu lên rằng: « kìa ma! kìa ma! » Lam Năng và chư-tướng vội vàng chạy ra xem, thì thấy đầy trại hiện ra vô-số ma, đứa cao đứa thấp, đứa có đầu, đứa không đầu, kỳ-hình quái-trạng chạy loạn cả trong trại. Lam Năng cả kinh, rút gươm chém bừa đi. Thế nào vướng phải con ma sào-trường đập cho một cái vào ống chân, chạy đổ xô cả lại một đống, không dám động đậy gì nữa. Đêm hôm ấy ồn-ào suốt sáng lại nghe thấy tiếng còi tiếng trống nổi lên, Trần Hưng đem hết binh trại kéo đến xung-sát. Lam Năng vội vàng đem quân-tướng ra nghênh-địch, trông xa thấy một vị sư hô lên một tiếng. rồi lại lắc chuông, lẩm-bẩm niệm chú. Hoàng Doãn liền dương thẳng cánh cung, ngắm vào giữa bụng vị sư, bắn ra một phát tên. Vị-sư kêu lên một tiếng liền xòa tay ra ngã lăn xuống đất. Lam Năng trông thấy vị sư chết quay ra rồi, cả mừng, liền giơ gươm lên chiêu-hô quân-sĩ đều kéo ùa lại sung-sát. Trần Hưng thấy vị-sư bị giết chết, cả giận mà rằng:

— À! Lại dám giết đại-nguyên-súy của trẫm, à!

Liền đem quân ra nghênh-địch, tướng đối tướng, binh đối binh, đánh nhau mãi từ giờ Thìn đến giờ Ngọ: Sầu-vân nghi-ngút, hắc-vụ mê-man; súng đì-đùng nổ vang như sấm, gươm lập-loè sáng quắc như sao: tướng địch tướng như quỉ đất ma trời xung-sát, binh giao binh như beo rừng thú bể xông pha. Đương lúc giáp-trận đánh nhau say mê, chợt đâu có tên bại-binh ở trại Đan-chướng-cung chạy ra báo rằng:

— Bẩm hoàng-đế, hỏng mất rồi! sơn-trại ta phải Tô đại-vương ở núi Miêu-mi đánh phá mất rồi!

Trần Hưng nghe tin báo kinh-hoảng vô-cùng, liền quay ngựa tháo chạy. Lam Năng sấn lên đuổi theo, giơ gươm lên chém phăng Trần Hưng ngã lăn xuống ngựa. Lũ Tiết Siêu nghe tin sào-huyệt đã mất rồi, Trần Hưng lại bị giết chết, không còn bụng nào ham đánh nữa, liền chạy tháo lui. Lam Năng thúc quân lên đuổi theo. Chợt đâu một tiếng pháo nổ, một toán quân xông ra chặn ngang đường không cho Tiết Siêu đi. Một tướng đứng đầu thét lên rằng:

— Tô Doãn-Sơn ở đây!

Mặt sau Lam Năng cũng đuổi kịp lên đến nơi. Lũ Tiết Siêu phải đem quân liều chết mà đánh. Tô Doãn-Sơn thét to lên rằng:

— Đứa nào hàng thì tha tội chết cho!

Lũ Tiết Siêu liệu chừng đánh cũng không chạy thoát được, phải chịu bó giáo đầu-hàng trước ngựa. Lam Năng cả mừng, thu quân kéo đến trại Đan-chướng-cung. Chúng-tướng ra bái-yết, Lam Năng liền thăng Tô Doãn-Sơn làm Phiêu-kỵ đại-tướng-quân Miêu-mi-hầu. Rồi thu nhặt lấy vàng bạc, đốt-phá bỏ đồn trại. thu quân giải lũ Tiết-Siêu đem về sơn-trại.

Khi Lam Năng kéo về đến Sái-đầu, trọng-thưởng cho tướng-sĩ, lại muốn phong quan-chức cho lũ Tiết Siêu. Quí-Nhi ngăn lại bảo rằng:

— Không nên, xưa kia Trần Hưng cùng với đại-vương kết làm anh em, tình như cốt-nhục, thế mà còn sinh cừu-địch. Huống chi lũ Tiết Siêu thế-cùng nó mới phải đầu-hàng, chớ không phải là bản-tâm. Nếu đại-vương không sớm trừ đi, vạn-nhất nó sinh-biến ra ở cạnh-nách, thì tai vạ không vừa đâu!

Lam Năng nói:

— Người nói dẫu có lẽ, song nó đã hàng mà mình lại giết nó đi, sợ nhân-tâm người ta không phục chăng?

Quí-Nhi nói:

— Đại-vương chớ lo. tôi tự có mẹo giết nó đi được

Ngày hôm sau, Quí-Nhi sai người mời lũ Tiết Siêu bốn tướng đến vườn hoa uống rượu. Bốn tướng hớn-hở cùng đi lại dự tiệc. Khi uống rượu đến nửa chừng, Quí-Nhi giả-cách đứng dậy ra đàng sau, rồi lẻn vào trong gác. Võ-sĩ ở đâu xông ra bắt cả lấy bốn tướng. Tiết Siêu cả kêu mà rằng:

— Đại-vương đã hứa lời tha cho lũ chúng tôi không chết, Phò-mã làm sao lại bắt lũ chúng tôi.

Quí-Nhi mắng mà rằng:

— Ta nghe: Trung-thần không thờ hai vua, liệt-nữ không trải qua hai đời chồng. Trần Hưng trước kia đãi các ngươi như chân tay, thế mà nhất-đán thế-cùng, các ngươi chỉ nghĩ thâu-sinh lấy một mình, nước nào lại dung những kẻ vong-ân phụ-nghĩa ấy làm gì!

Bốn tướng cứng miệng lại không đáp sao được nữa. Quí-Nhi thét quân đao-phủ điệu ra ngoài viên-môn chém phăng đi, rồi đem dâng nộp thủ-cấp. Quân-sĩ lui ra rồi, Kim-Liên nghe tin vội lại hỏi rằng:

— Chẳng hay bốn tướng đã đầu hàng rồi, sao Thư-thư lại đem giết đi?

Quí-Nhi cười mà rằng:

— Ấy chính hiền-muội bảo rằng đem cắt bỏ vũ-dực nó đi đó.

Kim-Liên nghe nói mới tỉnh-ngộ.

Lam Năng vì năng khởi đại-binh, lương-thực trừ-tích hết cả. nghĩ quanh gần đó chỉ có huyện Qui-thiện rất giàu, muốn đi cướp phá Huệ-châu, chia quân ra cướp bóc các huyện gần đó, bèn sai mời Quí-Nhi ra thương-nghị. Quí-Nhi nghe nói trong bụng nghĩ thầm rằng: Huệ-châu là nơi quê-quán cha mẹ mình, nếu quân giặc nó kéo đến, thì tàn phá ra tro, sao lại nên để thế. Song muốn nghĩ kế để ngăn chỉ đi, thì lâm-thời cấp-bách nghĩ không ra, bèn hỏi lại rằng:

— Chẳng hay đại-vương muốn đem binh đi nhiều, ít chừng nào?

Lam Năng nói:

— Ta muốn đem độ năm vạn binh. chia ra hai đạo tiến-phát, chẳng hay ý ngươi thế nào?

Quí-Nhi cười mà rằng:

— Đại-vương dẫu thân hành đi đánh, cũng tất-nhiên là vô-công.

Lam Năng nói:

— Sao ngươi lại biết trước làm vậy?

Quí-Nhi nói:

— Mấy năm nay các huyện hạt phải các tướng-súy cướp bóc tàn phá, quan-tỉnh sợ hãi, bấy lâu chỉ sợ đại-vương thừa-thế đánh úp lấy tỉnh-thành. Huệ-châu là một nơi cổ-họng ở phía đông tỉnh-thành, tất là có trọng-binh đóng giữ. Nếu đại-vương đem đại-binh đi đánh, thì họ ắt hết sức chống-cự, nên tôi biết rằng đại-vương đi đánh cũng vô-công.

Lam Năng hỏi:

— Bây giờ nên làm thế nào?

Quí-Nhi nói:

— Đại-vương nếu muốn cho thành công thì chỉ tuyển lấy ba nghìn quân khinh-kỵ, xem chỗ nào chứa nhiều tiền của lương thực, bất thình lình đến đánh úp lấy, thì hẳn là lấy được nhiều.

Lam Năng cười mà rằng:

— Ngươi bảo đem năm vạn quân đi thì sợ quan-quân chống-cự, mà đem ba nghìn quân đi thì đánh được, quả-nhân không hiểu ra làm sao?

Quí-Nhi nói:

— Nay bọn quan-tỉnh họ chỉ biết có thân mình thôi chứ họ không biết có vua; họ chỉ biết có vợ con thôi, chứ họ không biết có dân. Nếu đại-vương đem nhiều binh đi. thì họ tưởng rằng đại-vương không phải chí ở con gái vàng lụa, họ tất đem binh ra liều chết mà chống cự. Nếu đem ít binh đi thì họ biết rằng đại-vương không phải chí ở đánh thành cướp đất, tất họ chỉ đóng chặt cửa thành lại làm kế cố-thủ mà thôi, nên tôi biết rằng chỉ dùng ba nghìn quân khinh-kỵ có thể thành-công được.

Lam Năng cười mà rằng:

— Ngươi liệu đoán việc gì đều tin cả, nay quả-nhân cũng cứ theo ngươi mà làm.

Lập-tức sai tuyển lấy ba nghìn quân tinh-nhuệ, đương đêm kéo thẳng đến Đông-bình. Đi chưa được mười dặm thì trời đã rạng đông. Người Đông-bình nghe thấy động bèn đem hết quân ra chống-giữ, đánh mãi không được. Lam Năng bèn quay binh lại đánh phá Dũng-khẩu, rồi đóng quân ở gò Lộc-du, sai người đi thám-thính, biết rằng quan-binh chỉ đóng cửa thủ-thành, không dám phát một tên quân nào ra cả. Lam Năng lắc đầu mà rằng:

— Nào hay đâu phò-mã liệu-sự như thần làm vậy?

Liền chia quân cho ra bốn mặt tha-hồ mà cướp lấy. Lam Năng thì thân đem mấy viên kiện-tướng xông vào các làng để dâm-hiếp. Đóng quân ở đấy hơn mười ngày, cướp được vàng bạc lương-thực chứa đầy như núi, và bắt con gái không biết bao nhiêu mà kể. Lại sai bắt bách-tính vận-tải đem về, rồi giết trâu mổ bò. tế tạ thiên-thần, bày ra tiệc-yến ăn mừng vui vẻ.

Từ khi Lam Năng theo dùng mưu-kế của Quí-Nhi, đi đến đâu không ai địch nổi; những bọn nào cường-hãn không chế nổi xưa nay, đều phải Lam Năng chu-giệt đi cả. Vì thế mới sinh ra kiêu-dâm không coi gì đến việc binh cả. Lại kén trong bọn đàn bà con gái bắt được ở Dũng-khẩu. xem người nào đẹp hơn, xinh hơn tuyển lấy hai ba mươi người đưa vào hậu-trại, để ngày đêm vui chơi. Một hôm, Lam Năng đương ở trong trại, kéo một người con gái độ mười lăm mười sáu tuổi, nằm chéo kheo trên ghế đương tẩn-mẩn nọ kia... Chợt đâu một viên tướng thủ-trại chạy vào bẩm rằng:

— Bẩm, có Thừa-tướng Lý Kỳ xin vào yết-kiến.

Lam Năng bị viên-tướng ấy xông-đột vào, không kịp che đậy, trong bụng cả giận, liền bước ra đánh cho viên-tướng ấy gần chết, ngoảnh cổ trông lại thì thấy người con gái ấy vẫn còn nằm phơi đôi đùi non trắng hếu, trong bụng lại càng thẹn càng tức, liền rút gươm ra chém phăng viên tướng ấy làm đôi, Lý Kỳ nghe thấy thế không hiểu là việc gì, liền lẻn cút mất. Ngày hôm sau, Lam Năng ra ngự trướng-tiền. Chư-tướng vào tham-bái xong,

Lam Năng nói:

— Quả-nhân nay không thể chịu phiền được. Vậy có phò-mã đô-uý Hoàng Quí-Nhi, có cái tài kinh-thiên vĩ-địa. cái mưu xuất-quỉ nhập-thần, quả-nhân muốn phong cho làm quân-sư tổng-thống cả binh mã, chẳng hay các ngươi nghĩ sao?

Chư-tướng bây lâu vẫn phục trí mưu Hoàng Quí-Nhi, lại yêu cái nết khoan-dung hòa-khí, không cậy thế, không khoe công. Nay thấy Lam Năng muốn phong làm quân-sư, thẩy đều mừng rỡ. Lam Năng cả mừng, lập tức phong Quí-Nhi làm quân-sư tổng-đốc Tam-đô binh-mã đại-nguyên-súy, Cẩm-giang-hầu; lại ban cho một thanh gươm, một quả ấn, không cứ việc lớn việc nhỏ, đều được tiện-nghi làm việc. Quí-Nhi có ý mừng thầm, giả cách nhún-nhường một hồi, rồi mới phủ-phục tạ ơn nhận lĩnh lấy kiếm ấn đem ra, đổi nơi vườn hoa gọi là Đô-đốc-phủ. Định ngày ra công-đường trị-sự, trong ngoài chư-tướng đều đến chúc mừng. Quí-Nhi cùng Kim-Liên thương-nghị mà rằng:

— Nay ta đã giữ được binh quyền, có thể làm việc được. Song các trại đường lối ra vào hiểm-hóc, tôi còn chưa thuộc hết; tôi muốn giả danh là đi tuần-án, đem ngầm một người thợ vẽ đi mật vẽ các địa-đồ, để tiện cái mưu ngày sau tiến-binh phục-binh. Hiền-muội ở trong này đã lâu, thử nghĩ xem có ai ủy làm tâm-phúc được cho theo làm hộ-vệ cùng đi.

Kim-Liên nói:

— Nay có tướng-quân Hoàng Doãn cũng cùng họ với hiền-tỉ. Vả người ấy nguyên là chân võ-sinh ở Long-xuyên, nhân can việc giết người. quan sai nã-bắt kíp lắm, nên phải lánh nạn vào đầu-hàng ở đây; bụng người ấy vẫn thường lấy làm uất-ức. Hiền-tỉ nếu cùng y giao-kết, thì có thể ủy-dụng được.

Quí-Nhi nghe nói, liền đi kiệu đến thăm, Hoàng Doãn nghe tin có quan Đô-đốc đến thăm, lấy làm mừng lắm, vội-vàng mặc áo lễ-phục ra ngoài cửa trại nghênh-tiếp đón vào trong trại. Hoàng Doãn muốn mời Quí-Nhi lên thượng-tọa để bái-yết. Quí-Nhi không nghe, chỉ lấy lễ chủ khách cùng tiếp đãi. Hiến chè xong, Quí-Nhi nói:

— Bản-súy từ khi đến sơn-trại này, ngoài nhạc-phụ Lam đại-vương ra, không biết lấy ai làm người chí-thân nữa. Nay tướng-quân cùng với bản-súy cùng là họ đồng-tông, xin cùng nhau kết nghĩa tôn-minh, thế nào?

Hoàng Doãn cả mừng mà rằng:

— Chỉ sợ rằng tiểu-tướng họ hèn chức nhỏ, e làm nhuốc cho Đô-đốc chăng.

Quí-Nhi nói:

— Hà-tất lại nói quá-khiêm như vậy.

Nói rồi hai người bèn cùng kể thế-hệ, thời Hoàng Doãn hệ do bà Trịnh phu-nhân sinh ra, mà Tư-trai là do bà Ngô phu-nhân sinh ra, kể rõ dòng-dõi ra thì chính là anh em họ. Quí-Nhi liền xưng Hoàng Doãn làm thúc-phụ. Hoàng Doãn lấy làm mừng lắm, liền đặt tiệc yến để khoản-đãi. Xong rồi Quí-Nhi từ-biệt ra về. Ngày hôm sau, Hoàng Doãn đến phủ Đô-đốc, mời vợ chồng Tư-trai ra tiếp, Hoàng Doãn lấy lễ huynh-tẩu bái-yết. Tư-trai cũng lấy làm mừng, lưu Hoàng Doãn lại uống rượu đến đêm mới tan về. Từ bấy giờ Hoàng Doãn hằng ngày đi lại với Tư-trai, tình-thân như cốt-nhục Được ít lâu, Quí-Nhi vào yết-kiến Lam Năng mà rằng:

— Cái đất Tam-đô này bờ cõi hơn bảy trăm dặm, nhân nay các tướng đã thiếp-phục cả, phàm những nơi hiểm-yếu, phải nên vẽ thành địa-đồ, để cho dễ khống-chế, tôi không dám quản khó-nhọc, xin đi tuần xét các bộ-thuộc và khiến vẽ ra đồ bản, vậy dám xin mệnh đại-vương cho phép.

Lam Năng nói:

— Phàm việc gì nên làm, ngươi cứ việc mà làm, không phải năng hỏi quả-nhân làm gì nữa.

Quí-Nhi cáo từ lui ra, tuyển lấy 500 quân kiện-tốt, cho Hoàng Doãn làm hộ-vệ. Lại sức cho đòi các họa-sư lại nghênh-tiếp. Một hôm đi đến núi Nguyệt-giốc, thủ-tướng ở đó ra phủ-phục bên đường để nghênh-tiếp. Quí-Nhi sai cầm cái thủ-bản lên xem thấy viên thủ-tướng ấy tên là Hà Túc-Tượng. Trong bụng nghĩ thầm rằng cái tên này hình như nghe quen quen, nghĩ một hồi rồi chợt nhớ ra rằng: Khi phụ-thân ta cùng với Hoàng-lang đi chơi La-phù về, có nói chuyện ở Phong-hồ có tên Hà Túc-Tượng thi thơ bị bét, cha nó là Hà Tiếu nổi giận lên cầm cả cái trác-tử quăng đi, hay là chính nó đây chăng? nhưng nó là con nhà giàu, sao lại đi làm giặc, ta phải hỏi nó thì mới biết rõ được. Khi Quí-Nhi vào đến trong trại. Túc-Tượng vào bái-yết. Quí-Nhi hỏi rằng:

— Ngươi có phải là tên Hà Túc-Tượng ở Phong-hồ không?

Túc-Tượng rằng:

— Thưa phải.

Quí-Nhi hỏi:

— Tháng tư năm trước ở chùa Thê-thiền ngươi có dự cuộc thi thơ mà bị bét, có phải không?

Túc-Tượng thẹn-thò mà rằng:

— Chẳng hay Đô-đốc sao lại biết chuyện ấy?

— Quí-Nhi cười mà rằng:

— Tiếng hay chửa chắc đã ra khỏi cửa, thế mà tiếng xấu đồn xa nghìn dặm, ta sao lại không biết.

Túc-Tượng nghe nói ra dáng bẽn-lẽn thẹn thò. Quí-Nhi lại hỏi:

— Ta nghe nói ngươi là con nhà giàu vì làm sao mà đến đây?

Túc-Tượng thưa rằng:

— Ti-chức nguyên chỉ vì thi thơ bị bét mà đến nỗi hại thế này.

Quí-Nhi lấy làm lạ, hỏi lại rằng:

— Cái sự thi thơ bét có can-hệ gì, mà đến nỗi di-hại đến thế?

Túc-Tượng khóc mà thưa rằng:

— Nguyên phụ-thân tôi là Hà Tiếu vì xấu hổ sự thi thơ thua kém, mà uất-phẫn đến chết. Nghiệp-sư tôi là Nhiêu-Hữu bảo cái hấn-khích ấy là khởi ra tự Hoàng Phùng Ngọc, phải nên báo-thù. Song tìm Phùng-Ngọc không thấy, lại tìm thấy nhạc-phụ Phùng-Ngọc là Trương Hãn. Nhiêu-Hữu lại xui ti-chức đem vàng bạc đút lễ xin nhận Lại đại-vương chủ trại Hỏa-đái làm nghĩa-phụ, rồi dẫn y đến cướp nhà Trương Hãn. Sau con trai Trương Hãn là Trương Chí-Long cùng với Phùng-Ngọc đem việc cướp ấy lên thưa quan. Song nguyên trước kia vì Phùng-Ngọc có giao kết với người Mán Mèo làm phản, nên phải quan tỉnh bắt giữ lại, lấy nghiêm-hình khảo tấn, phải chiêu-xưng thú-nhận phản trạng, nên phải tống giam tại huyện Nam-hải. Nhiêu-Hữu nghe thấy tin tức ấy lại xui ti-chức đem bảy tám mươi người đến thôn Mai-hoa để nã bắt Trương Chí-Long. Không ngờ rằng có người học trò tự trên trại núi Gia-quế xuống, cực-kỳ cứng cổ. chúng đều bị hắn đánh tan cả, liền giết chết mất Nhiêu-Hữu rồi cứu gỡ cho Chí-Long đem đi mất.

Quí-Nhi nghe nói Phùng-Ngọc phải bị giam ở ngục huyện Nam-hải, cả kinh mà rằng:

— Ngươi có biết Phùng-Ngọc về sau này thế nào không?

Túc-Tượng nói:

— Ti-chức sau chỉ vì cái sự nhân-mệnh Nhiêu-Hữu, mắc phải những quân khi-biển rất nhiều, nên lại phải theo đầu trại Hỏa-đái Lại đại-vương khi ấy phải quân Mán Mèo lại đánh, bèn sai ti-chức đi đến Nam-lĩnh để cầu cứu, ti-chức khi trở về đến Vi-tử lại phải tướng Mán bắt được, đem giải đến trung-quân; không biết rằng Phùng-Ngọc được tha từ bao giờ, khi bấy giờ đã làm chức tướng-quân, đương cùng với một người mĩ-nữ ngồi ở trong trướng, nhận biết là ti-chức, toan điệu ti-chức ra chém ngang lưng để báo-thù. Lại chợt đâu một nàng mĩ-nữ nữa phi-mã chạy lại, nghe nói đó là nàng Mai tiểu-thư nào ấy, nói xin tha cho ti-chức, bảo ti-chức dẫn đến cửa ải để đánh phá Lại đại-vương, rồi tha ti-chức cho về làng, không ngờ đi đến Lịch-điền lại phải tướng của chủ trại đấy bắt được, thu lấy em gái của ti-chức. Khi thủ-tướng ấy chết rồi, ti-chức vẫn mông-ơn đại-vương cho đóng giữ ở đây.

Quí-Nhi lại hỏi:

— Ngươi đã đến trại Hỏa-đái, thế có biết tin-tức cả nhà Trương thái-công thế nào không?

Túc-Tượng nói:

— Ti-chức vừa mới đến trại Hỏa-đái, thì liền gặp ngay quân mán-mèo đến đánh, nên không kịp hỏi thăm được.

Quí-Nhi nghe nói, mới biết là Hoàng-lang chưa trở về, nguyên chỉ vì việc nhà mình, bất-giác buồn-bã muốn khóc, bèn quở mắng Túc-Tượng lui ra, vội-vàng trở về nói cho Tư-trai và Kim-Liên biết chuyện. Sa phu-nhân nghe tin con bị phải quan-nha nghiêm-hình khảo tấn, giọt lệ khôn cầm. Quí-Nhi cũng khóc.

Kim Liên nói:

— Xin hiền-tỉ chớ nên thương đau nay Hoàng-lang đã ở núi Gia-quế. nên mật sai người đến đó thông tin, bảo y nói với Lý công-chúa phát binh lại cứu, để giết quân nghịch tặc mà vì dân trừ hại đi.

Đương lúc bàn chuyện, chợt đâu tin báo Lam đại-vương có việc khẩn-cấp quân-tình, cho mời Đô-đốc vào ngay trong cung để thương-nghị kế chống giặc. Quí-Nhi nghe tin báo cả kinh, không biết là việc quân gì mà khẩn-cấp như vậy.