Lĩnh Nam dật sử/Hậu biên/Hồi thứ XXV

HỒI THỨ XXV

Báo thù cha, Hoàng Nhượng hiến kế,
Cảm ơn vua, Phùng Ngọc dấy quân.

Ngô Quế-Phương từ khi đến Lưỡng-Quảng luyện-tập binh-lính, từ-đồ lo việc dẹp giặc. Khi ấy ở quận Tam-giang xã Trung-trấn có một người hiếu-tử tên là Hoàng Nhượng, hiệu là Tốn-trai, sinh được hai người con: Trưởng là Khải-Ngu, thứ là Khải-Lỗ. Hoàng Nhượng vốn là người rất hiếu, khi 16 tuổi, cha mẹ mất liền, Hoàng Nhượng khóc lóc đến nỗi quên ăn quên uống, hình gầy như hạc; tự mình đi đội đất đắp mồ, làm túp ở tại bên mồ ba năm, hết tình thương nhớ. Ở với anh là Hoàng Khiêm thực là yêu mến hết lòng. Khi giặc ở Tam-đô nổi lên, Hoàng Khiêm phải tướng của Lam Năng là Diệp Thiên bắt được đem về sơn-trại, để đòi tiền chuộc. Hoàng Nhượng nghe tin, bèn dốc hết cả của tư-nang được hơn 300 lặng bạc, thân đem đến trại giặc chuộc anh đem về. Lam Năng thấy Hoàng Nhượng có sẵn bạc tưởng là một nhà giàu; lại nghe truyện khi trước cha mẹ Hoàng Nhượng chết, Nhượng ở ấp mồ ba năm thì hẳn là người con hiếu; nếu đem đào lấy hài-cốt cha mẹ y lên giữ làm của tin, thì chắc là y phải đem hàng đống bạc lại chuộc. Lam Năng nghĩ vậy bèn sai Diệp Thiên đem một lũ tặc-đồ đi đến đào lấy hài-cốt cha mẹ Hoàng Nhượng, sai người đưa tin bảo Hoàng Nhượng rằng:

— Phải đủ một nghìn bạc, thì mới cho chuộc.

Hoàng Nhượng vừa nghe hung-tin ấy vội vàng chạy ra trước phần-mộ, trông thấy hai cái quan-tài không, đất bùn bừa bãi. Hoàng Nhượng kêu lên một tiếng cực to, ngất ra lăn xuống đất. Hai con là Khải-Ngu, Khải-Lỗ nghe tin hài-cốt ông tổ bị mất trộm, cũng vội vàng chạy đi thăm xem, thì thấy cha ngất lăn ở trên mặt đất, vội-vàng đỡ dậy, gọi om-xòm một hồi lâu, mới thiêm-thiếp tỉnh dậy, nức nở không nói lên tiếng, hai con ôm lấy cả khóc, đỡ dắt đưa về nhà. Hoàng Nhượng suốt ngày khóc lóc, không tưởng gì đến hồ cháo ăn uống, dốc cả hòm cả tráp chỉ biện được 500 lạng bạc, sai người đưa đến trại Lam Năng để chuộc lấy hài-cốt cha về. Không ngờ đi đến núi Phụng-hoàng, bị phải Thiết-Ngưu cướp lấy mất cả. Muốn biện món tiền khác để chuộc, nhưng nhà vốn gia-tư bình-thường, đã một lần chuộc Hoàng Khiêm, lại một lần bị cướp lấy mất, là hai lần rồi, nay muốn biện lấy ba trăm bạc cũng không xong, nữa là hàng nghìn bạc. Hoàng Nhượng bất-đắc-dĩ phải nói dối vợ con đi lẻn đến trại giặc, vào yết-kiến Lam Năng mà rằng:

— Hài-cốt cha mẹ tôi chỉ có một mình tôi là đau đớn, nếu Hoàng Nhượng này mà không chuộc được, thì không có ai chịu chuộc nữa. Gì bằng cái thân Nhượng này thì cả nhà vợ con đều thương tiếc cả. đứa này không chuộc, thì đứa khác cũng phải chuộc. Nhượng này xin lấy thân thay cho hài-cốt cha mẹ, mà xin lấy hài-cốt cha mẹ đưa về.

Lam Năng nghe thấy nói có lẽ, bèn trả hài-cốt giao cho người theo hầu Nhượng đem về, rồi đem cùm Hoàng Nhượng lại giam ở trong ngục. Người hầu Hoàng Nhượng đi về đến nhà nói sự đầu đuôi cho Khải-Lỗ biết, Khải-Lỗ kêu trời thương-thảm, chạy khắp các nơi thân-bằng cố-hữu hỏi vay tiền để chuộc cha. Lạ gì trò đời hễ nói đến tiền là vô-duyên, Khải-Lỗ đi đến các nơi thân-bằng vừa cất miệng hỏi, kẻ thì nói túng, kẻ thì trối không, khắp hết mọi nơi đều nói trối là cùng-túng, chớ không ai là người có tình giúp đỡ cả. Lại có kẻ hễ nghe nói đến chuyện vay mượn, thời khi vào đến nhà chẳng thấy ông chủ đâu cả, chén nước chè cũng không được uống, ông chủ chẳng khác gì như đầu rùa rụt vào trong mu rùa, chỉ sai một bà già ở mé trong cửa nói ra rằng: « Ông chủ tôi đi chơi vắng, bác đi hỏi vay chỗ khác. » Khải-Lỗ chạy đi hão-huyền mất đến hơn mươi ngày, chẳng vay mượn được một đồng hến nào cả, khi trở về nhà thâu đêm khóc lóc, rồi nói dối mẹ với anh, đi lẻn ngay đến trại giặc, kêu rằng:

— Nhà tôi thiệt không còn có đồng tiền bạc nào cả, chỉ còn có và mẫu vườn ruộng, muốn bán vườn ruộng mà không có chữ người gia-trưởng viết văn-khế, thì người ta không mua. Vậy xin lấy thân tôi mà chuộc cho cha về, mới có thể thu xếp bán-chác đem bạc đến chuộc cho tôi được.

Lam Năng nói:

— Ngươi nói cũng có lẽ.

Liền sai đem Khải-Lỗ giam lại, tha cho Hoàng Nhượng trở về. Hoàng Nhượng về đến nửa đường, lại bị phải Hoàng Doãn bắt giữ lại. Lam Năng trông ngóng ít lâu, không thấy Hoàng Nhượng đem tiền đến chuộc, bèn lấy dây xỏ vào lỗ mũi Khảt-Lỗ và buộc đùi treo ngược lên trên sà nhà. Khải-Lỗ đã mấy lần chết đi sống lại. Diệp Thiên thét mắng rằng:

— Mày nếu không mau mau sai người về nhà biện tiền bạc đem lại chuộc, thời ngày mai đem chém bỏ vứt chân tay mày đi!

Khải-Lỗ khóc mà rằng:

— Biện lấy tiền bạc thì không thể nào biện được nữa, chỉ cốt là nhờ lũ-ngươi tha được cho cha tôi về, thời dẫu thân tôi đau đớn, tôi cũng rất yên lòng, dẫu chết tôi cũng chẳng oán gì lũ ngươi cả.

Diệp Thiên thấy người có hiếu-hạnh như thế, nên cũng khoan phóng bớt cho, không có hạch-sách nghiêm-khắc như trước nữa. Khải-Ngu nghe thấy tin cha với em bị giặc giam-hãm, chịu lắm nỗi thảm-độc, cũng oà lên khóc, muốn chạy vào trại giặc để cùng chết với cha với em Song lại nghĩ rằng chết hão như thế cũng là vô-ích. Nghĩ như thế thì chỉ có kêu trời khóc lóc ngày đêm bất-tuyệt, khóc hết nước mắt thì rỏ ra máu. Quân giặc nghe tin ấy đều cảm thương một nhà hiếu-hữu, bèn tha cho Hoàng Nhượng và Khải-Lỗ ra về.

Người sau qua xã Trung-trấn có thơ khen rằng:

Con hiếu xưa mấy kể.
Vĩnh-an có một người.
Liều thân đi chuộc cốt,
Rỏ máu khóc kêu trời.
Thịt nát đau đành chịu,
Nhà tan giận chửa nguôi.
Đến nay qua đất cũ,
Người khuất vẫn thơm rơi.

Cha con Hoàng Nhượng từ khi trở về nhà, căm giận quân Lam-tặc làm nhục đến tiền-nhân, hằng ngày mưu toan kế báo-thù, khi nghe tin Súc Nục đem quân lại đánh, bèn tán gia-tài, mộ tử-sĩ, kết làm toán quân hương-dũng chỉ đợi đại-quân kéo đến, để chực ở trong làm nội-ứng. Không ngờ Súc Nục mới đánh hai trận đã phải quân giặc đánh cho đại-bại mà chạy. Hoàng Nhượng từ đó thất-vọng, chỉ phục ở trước phần mộ cha mẹ, khóc lóc thê-thảm. Sau nghe thấy quan Ngô Đốc-phủ lại phụng-chỉ ra đáo-nhiệm, cả mừng. Nhượng bèn bái biệt trước mộ cha mẹ, đi đến yết quân-môn để hiến-sách mà rằng:

— Quân giặc ở Vĩnh-an này tội-ác đầy trời, phải kíp nên tiễu-diệt để vị dân trừ hại, cái đó thì không phải nói. Song có một điều khó tiễu-diệt được là vì quan với lính đến quá nửa phần là đảng giặc cả, đại-nhân phải nên xét điều đó mới được. Nguyên là những quân giặc đồn to đám nhỏ, đều có những đứa đại-gian-hoạt chủ-trương, nó nhờ về quân gian-hoạt, quân gian-hoạt lại nhờ về bọn tham-quan làm áo-viện; nên tai mắt nó rộng, nanh vuốt nó nhiều, trên từ quan Phiên Niết, dưới đến quan-huyện-lệnh, dưới nữa đến chức Tuần-kiểm, hết thẩy đều ăn hối-lộ của giặc, để trong ngoài thông-gian với nhau. Nếu có đem quan-binh đi chinh-tiễu, nhưng quan-binh hoặc cũng là đảng nó; muốn mộ quân-lính đi đánh nhưng quân-lính cũng hoặc là người nó cả. Tựu-trung cũng có một vài quan-binh phụng-công thủ-pháp không ăn hối-lộ, song lại đều là người khiếp-nọa sợ-dát, vừa ra đánh nhau với giặc đã theo ngọn gió mà tan chạy ngay. Tuy rằng cũng có các quan tướng-súy trung-thành nhiệm-sự, song không mộ được những quân lính đắc lực để mà dùng, sở-dĩ mấy năm nay có cho đi tiễu-bộ, mà vẫn không hay trừ-diệt được một tí gì cả. Đại-nhân có chí yên dân, phải nên kén dùng lấy những quân-tướng vô-địch có lòng trung-thành với nhà vua mà không giao-thông với giặc, thời quân giặc dẫu giạn-hoạt đến đâu cũng là trừ được hết.

Quế-Phương giơ tay lên mà rằng:

— Lời hiền-khế nói thực là rõ hết cái tệ đó. Nhưng nay những người dùng được việc thực là khó tìm được người, biết tính sao được?

Hoàng Nhượng nói:

— Nay có Lý công-chúa ở trại Gia-quế thực là trung-trinh tố-trứ, Mai Anh ở trại Thiên-mã thực là tướng-dũng binh-cường, lại có người học-sinh ở Trình-hương là Hoàng Quỳnh hai trại vốn là khâm-phục. Khi trước đã đem quân đánh giặc Hỏa-đái, binh không dây máu chỉ đánh một trận là phá tan được ngay. Chỉ vì kẻ đương-sự bấy giờ họ ghen ghét, làm cho hỏng mất mưu-kế, mà mai-một mất công-trạng đi, nên mới di-họa đến bây giờ. Đại-nhân nếu hay lấy ơn kết-nạp, chiêu-lai cho theo về, thời quân giặc có thể hẹn ngày mà bình được.

Quế-Phương nghe nói, vỗ tay cả cười mà rằng:

— Không có lời hiền-khế nói, thì ta xuýt nữa quên đi mất.

Liền sai chư-ty tra rõ công-trạng trước sau của Phùng-Ngọc đem những công hàng giặc Thiên-mã, đánh giặc Hỏa-đái đều đổ cho là công Phùng-Ngọc cả. Lại tâu rõ cái tình-trạng trung-trinh của Lý công-chúa và Mai Anh đã xin qui-thuận; xin giáng tờ sắc-chỉ sai hai trại đem quân đi tiễu-diệt quân giặc. Tờ biểu tâu lên vua cả mừng, lập tức xuống tờ chiếu thăng cho Phùng-Ngọc làm Thị-lang, cho đeo ấn Chinh-khấu tướng-quân đi đánh giặc. Khi chiếu-thư ban xuống đến nơi, quan Ngô Tổng-đốc liền cho Hoàng Nhượng làm quan Tuần-phương, đệ tờ chiếu-thư đến trại Gia-quế. Thực là:

Gia-quế vừa truyền lời ngọc-chiếu,
Sái-đầu đã trỏ ngọn kim-qua.

Nhắc lại Phùng-Ngọc từ khi đánh trại Hỏa-đái trở về, cùng với Mai, Lý hai nàng cứ mỗi ngày đến hầu ông bà Trương Thu-Cốc hai lần. Khi hầu Thu-Cốc rồi trở về Phùng-Ngọc lại rỏ nước mắt khóc thảm-thiết. Lý công-chúa khuyên ngăn mà rằng:

— Xin chàng chớ có bi-thương quá, để thiếp sai người đến thôn Mai-hoa thăm dò xem tin tức chị Quí-Nhi làm sao, hoặc-giả còn ẩn náu ở nhà bà con nào chăng cũng chửa biết chừng.

Phùng-Ngọc nghe lời Lý công-chúa lập tức sai viên tỳ-tướng cẩn-thận đi hỏi thăm. Khi thám-tử trở về bẩm rằng:

— Tiểu tướng vâng mệnh đến thôn Mai-hoa, thăm hỏi hết mọi nơi, không ai biết tin Trương thư-thư hạ-lạc chốn nào cả.

Phùng-Ngọc nghe nói lại cất tiếng khóc òa lên, bèn sai bày đặt linh-sàng để thờ Quí-Nhi và mặc áo để tang-chế, lập đàn tế-điện chiêu-hồn, mời các tăng-chúng đến tụng-kinh siêu-độ, tụng đến bảy-bảy bốn mươi chín ngày, tụng hết cả pho Đường Tam-tạng-kinh đến hàng mười bộ mới thôi. Phùng-Ngọc khi ấy mới tiệm-tiệm nguôi lòng thương nhớ Quí-Nhi. Mai, Lý hai nàng hoặc lúc thì gẩy đàn, hoặc lúc thì vịnh thơ, hoặc lúc thì đua ngựa, múa gươm, bày ra nhiều trò vui để cho Phùng-Ngọc tiêu-khiển. Khi ấy Phùng-Ngọc mới hơi khoan-khoái. Một hôm đang ở trong buồng cùng với Mai, Lý hai nàng đánh bài, chợt có tên nữ-binh chạy vào báo rằng:

— Mai đại-vương có sai Trần tướng-quân đưa nàng Ngọc-Tiêu và đồ hành-lý của Hoàng tướng-công đem lại nộp.

Nguyên là Ngọc-Tiêu nhân khi xem xét hòm áo của Mai tiểu-thư và đồ hành-lý của Hoàng Phùng-Ngọc, bất-giác động lòng thương nhớ, đương ở trong phòng hu-hu lên khóc. Dè đâu Đặng Nguyệt-Nga vừa cùng với hai chị em Tiền cô-nương vừa đi đến trước hiên xem mai, nghe thấy tiếng khóc, hỏi rằng:

— Ngươi khóc gì vậy?

Ngọc-Tiêu liền quị xuống thưa rằng:

— Tiểu-tì nhân khi động lòng nhớ đến Mai thư-thư giọt lệ khôn cầm, không nhịn khóc được, không ngờ động đến tai phu-nhân, cúi xin thứ-tội.

Nguyệt-Nga nói:

— Tưởng thế nào, chớ như thế thì ngươi cứ đứng dậy, để ta nói với đại-vương đưa ngươi đến Gia-quế ở đó hầu hạ Mai thư-thư nên chăng?

Ngọc-Tiêu khấu đầu lạy tạ. Đêm hôm ấy, Nguyệt-Nga nói với Mai Anh rằng:

— Bên thầy mẹ tôi, ít lâu nay tôi không sai người sang hỏi thăm; nay tôi muốn sai người đưa Ngọc-Tiêu sang hầu Mai thư-thư và giao trả những đồ hành-lý của Hoàng-công, rồi cho hỏi thăm thầy mẹ tôi một thể, chẳng hay ý đại-vương nghĩ sao?

Mai Anh nói:

— Phu-nhân nghĩ thế là phải lắm!

Sáng hôm sau Mai Anh liền sai người sắm năm gói đồ lễ, để đưa sang biếu Hoàng Phùng-Ngọc, Phù phu-nhân. vợ chồng Đặng Bưu, ông bà Trương Thu-Cốc, Lý công-chúa mỗi người một gói; lại sắm riêng một gói lễ-phẩm nữa đưa cho Mai Ánh-Tuyết. Tiền cô-nương và Nguyệt-Nga đều có lễ đưa để tặng riêng. Lại dự-bị một cái xe để đưa Ngọc-Tiêu đi, sai Trần Long hộ-tống đưa sang. Khi đến trại Gia-quế, nữ-binh chạy vào phòng báo tin. Phùng-Ngọc cả mừng liền cùng với Lý, Mai hai nàng dắt tay đi ra. Ngọc-Tiêu trông thấy ba người liền khấu-đầu làm lễ chào. Mai tiểu-thư cầm tay Ngọc-Tiêu mà rằng:

— Ở đây ta đương mong nhớ, nay ngươi lại đây cũng là một dịp hay!

Trần Long bước lên bái-kiến. Phùng-Ngọc hỏi thăm đâu vào đấy. Trần Long đem lễ-vật lần-lượt dâng lên. Lý công-chúa sai bày tiệc khoản-đãi. Ngày hôm sau, Trần Long xin từ về, mọi người đều không nghe, lưu lại ở chơi nửa tháng, chư-tướng đều mời đón đi chơi các trại. Một hôm Phùng-Ngọc cùng với Trần Long đi chơi núi Ngọc-Nhị trở về. trông thấy Lý công-chúa và Mai tiểu-thư đương giở xem gói hành-lý của mình xét thấy một cái khăn lụa thêu đương ở trong phòng ngắm nghía. Phùng-Ngọc hỏi:

— Chẳng hay hai nàng xem cái gì đó?

Mai tiểu-thư cười mà rằng:

— Hai chị em tôi đương xem trộm hành-lý của chàng, thấy ở trong có cái khăn-tay thêu rất đẹp, chẳng hay chàng mua được ở đâu thế?

Phùng-Ngọc bất-giác rỏ nước mắt khóc mà rằng:

— Đấy là tay mẹ tôi dệt ra đó, dặn tôi bảo đem tặng cho cô, nguyên là có hai cái kia, nhưng khi tôi ở thôn Mai-hoa có mượn tạm một cái khăn để làm đồ sính-lễ cho Trương-thị, còn một cái vẫn để ở trong hòm đó, đợi khi nào đi đến thăm cô-nương thì sẽ đạt lời mẫu-mệnh. Không ngờ rằng sinh ra đa-cố, đến nỗi ngăn-trở thế này. Tôi còn nhớ khi lâm-biệt mẹ tôi có dặn tôi rằng: « Con liệu sớm trở về, đừng để cho mẹ già mong đợi. » Khi ấy tôi có thưa lại rằng: « Con đi chầy ra là ba tháng, không thì chỉ hai tháng là về. » Dè đâu đến nay đã ba năm mà còn yêm-trệ mãi thế này, để khiến cho hai già khi lên non trông ngóng, tựa cửa đợi chờ, nghĩ đến tình cảnh ấy thì lại càng thêm cực!

Phùng-Ngọc nói rồi, đôi hàng giọt lệ chứa chan, nức nở mãi không thôi. Lý công-chúa nói:

— Trước kia có sai Bàn Vi-Liên đi đến thăm ông bà, tôi có bảo hắn rằng hễ hỏi thăm đến nơi thì hãy cứ ở hầu bên ông bà, đợi khi nào chàng đi đến núi Đại-hám trở về đó rồi cùng đón rước ông bà về sơn-trại ta cung-dưỡng. Nay Bàn Vi-Liên mãi chưa thấy trở về hẳn là hắn đã tìm đến nơi ông bà, hắn còn ở lại đó. Ông bà mà được thư chàng với thư của thiếp, thì hẳn biết chàng vẫn ở bên này, can gì đến nỗi thở than mong nhớ, xin chàng cứ nguôi lòng.

Phùng-Ngọc khóc mà rằng:

— Tôi nay thương nhớ cha mẹ, lòng đau như cắt. Ngày mai tôi xin từ biệt hiền-khanh để về thăm nhà, hiền-khanh chớ có ngăn giữ tôi nữa.

Phùng-Ngọc nói rồi, khóc nức khóc nở. Công-chúa nói:

— Tôi không phải là không muốn để cho chàng về thăm, song trước kia đã phải Súc Nục nó tác-quái, sau lại nghe tin quan-quân đại-bại, những quân giặc yêu-ma nó nổi lên bốn phía khắp vùng Lưỡng-giang chông mác như rừng, suốt dải Long-xuyên đường đi vắng ngắt. Nếu chàng đi một mình, vạn nhất lỡ ra thì hối sao kịp được. Xin chàng hãy yên lòng chớ nóng-nẩy vội đợi khi nào khói lửa tạm yên, tôi xin đưa chàng về vinh-qui lập tức.

Phùng-Ngọc nói:

— Tôi đây vẫn còn giữ được đôi kiếm, bộ những quân ô-hợp ấy, vị tất đã làm gì được tôi. Hiền-khanh cứ yên lòng không ngại.

Mai tiểu-thư nói:

— Lang-quân đã quyết-ý muốn về, để thiếp xin đưa lang-quân đi về nên chăng?

Lý công-chúa nói:

— Hiền-muội đã có bụng tiễn lang-quân cùng đi thì tôi có ngại gì. Để ngày mai tuyển lấy một toán nữ binh với vài viên nữ-tướng cùng với hiền-muội đều cải nam-trang cùng đi, thời mới là vẹn toàn.

Đương lúc bàn tính, chợt có phi-mã chạy về báo rằng:

— Ngô đại-nhân lại ra tổng-đốc Lưỡng Quảng, có sai quan phụng-chỉ đến phong chức cho tướng-công đề binh đi đánh giặc. Nay chiếu-chỉ đã đến ải Triều-thiên xin tướng-công mau mau ra nghênh-tiếp.

Ba người nghe tin cả mừng, liền sai sắp bày hương án ra để nghênh-tiếp, đón về Thuận-chính-đường đều cùng phủ-phục nghe tuyên-chiếu.

SẮC RẰNG: Hoàng Quỳnh, ngươi lấy là một kẻ thư-sinh, đã chiêu-hàng được giặc La-bàng. lại hay phá tan giặc Hỏa-đái, không phải giết gióc, mà giặc-dã sạch yên, công rất tốt thay, Trẫm khen ngươi lắm!

Nay ở Vĩnh-an, Lam Năng hãy còn tụ-họp xú-loại, tàn-ngược sinh-dân. Vậy thụ cho ngươi chức Binh-bộ Thị-lang, đeo ấn Diệt-khấu tướng-quân; ngươi phải kíp đổng-suất quân trung-dũng, hết sức đi trừ giặc, để thư bụng lo cho trẫm. Tướng-sĩ kẻ nào có công, ngươi khá tâu lên, để ta sẽ thăng-thưởng cho cả. Kính thay! Kỳ hết sức ngươi, chớ bỏ mệnh Trẫm. Nay sắc!

Tuyên-chiếu xong. Phùng Ngọc phủ-phục tạ ơn, rồi thi-lễ cùng sai-quan, bày yến để khoản-đãi. Ngày hôm sau, sai-quan Hoàng Nhượng cáo-từ Phùng-Ngọc xuống núi trở về. Phùng-Ngọc đưa tiễn rồi trở lại, liền cùng Lý, Mai hai nàng thương-nghị, đều sắm đủ lễ phẩm đáp lại, và viết trát-thư lập-tức sai Trần Long trở về Thiên-mã bảo Mai Anh phát tinh-binh năm vạn, đại-tướng và mươi viên để cùng đi trợ-chiến. Mai Anh được thư cả mừng. Nguyệt-Nga nghe tin cũng muốn đến Gia-quế để thăm cha mẹ Tiền phu-nhân nhớ Mai Ánh-Tuyết cũng muốn cùng đến Gia-quế để hỏi thăm. Mai Anh nói:

— Hai vị phu-nhân đã cùng muốn đến chơi Gia-quế, để tôi cùng đi, tôi sang chào mừng phu-quân chị Mai-thư một thể.

Hai nàng cả mừng. Ngày hôm sau, tuyển lấy năm vạn quân Dao-binh hùng tợn, sai Vạn Nhân-Địch làm tiên-phong, đưa Tiền, Đặng hai phu-nhân cùng đi. Quân-sư Gia-Cát Đồng và Tống Kim-Cương, Thạch Thung-Cữu, Trần Long cùng các tướng-tá đều đem binh theo đường tỉnh-thành tiến đi, chỉ để Đồng Miêu-Công, Văn Đại-Đao, Tiền Tử-Cán ở lại giữ trại. Quân kéo đến Hoa-huyện bèn đóng cả binh-mã lại đó. Mai Anh chỉ đem hai vị phu nhân và Gia-Cát Đồng Tống Kim-Cương đi đến trại Gia-quế. Thám-mã báo tin lên sơn-trại, Phùng-Ngọc liền đem Lý công-chúa, Mai tiểu-thư đi ra khỏi núi mười dặm để đón-rước. Lý công-chúa đón Tiền phu-nhân và Đặng Nguyệt-Nga vào trại trong, bái-kiến Phù phu-nhân. lại sai người đón hai vợ chồng Đặng Bưu, hai ông bà Trương Thu Cốc cùng đến đó, vái chào xong đâu vào đấy. Tiền phu-nhân lại hướng vào Mai tiểu-thư vái tạ mà rằng:

— Cả nhà em nhờ cô-nương cứu hộ mới được có ngày nay. chị dâu em bảo em phải sang bái-tạ cô-nương.

Mai tiểu-thư cười mà rằng:

— Em phải lạy rập trán đi mới phải!

Tiền phu-nhân tưởng thực vội vàng toan cúi xuống lạy rập đầu. Lý công-chúa đỡ lại mà rằng:

— Nàng lại tin cái con mồm liến thoắng ấy à!

Mai tiểu-thư vỗ tay cả cười. Phù phu-nhân nói:

— Tiền phu-nhân lai còn lạ gì cô ta, hễ mà lúc cô ta hứng lên, thời già này cô ta cũng nói đùa.

Nguyệt-Nga nói:

— Thưa bá-mẫu lần sau cô ấy còn dám nói đùa nói bỡn nữa, thì bá-mẫu phạt bắt cô ta hát điệu hoa-cổ một hồi!

Mọi người đều cười ầm cả lên. Một lát trong ngoài bày đặt yến tiệc, đàn sáo vang-lừng, mãn tiệc vui vẻ. Ngày hôm sau, Phùng-Ngọc điểm lấy 15 vạn tinh binh, làm lệ tế-cáo Đô-bối đại vương rồi kéo quân đi; Mai Anh và Nguyệt-Nga cũng xin đi trợ-chiến. Phùng Ngọc cả mừng, để Đặng Bưu, Phù Hùng ở lại giữ trại, còn thì đem hết chư-tướng kéo lên tỉnh-thành chiêng trống rầm trời, tinh-kỳ rợp đất. Khi kéo đến Hoa-huyện, Ngô tổng-đốc và lũ Vạn Nhân-Địch ra ngoài trại nghênh-tiếp. Phùng-Ngọc và Lý công-chúa vội vàng xuống ngựa phủ phục bên đường để bái-yết. Quế-Phương vội vàng đỡ Phùng-Ngọc dậy mà rằng:

— Lão phu không biết hiền-khế là người niên-thiếu mà anh-hùng đến thế! Nay vị nhà nước mà được người giỏi thực đáng mừng lắm.

Quế-Phương lại ngảnh lại cười nói với Lý công-chúa rằng:

— Công chúa lâu nay khang-kiện chớ?

Lý công-chúa nói lại đáp tạ cái ơn đề-tấu lên cho mình. Phùng-Ngọc lại dẫn Mai Anh đến yết-kiến. Quế-Phương cầm lấy tay Mai Anh cả cười mà rằng:

— Thế ra thiên-hạ anh-hùng về bọn thiếu-niên chiếm hết cả, lão-phu này mừng biết là chừng nào!

Chư-tướng đều đến bái-yết hết cả. Quế-Phương đều lần luợt lấy lời an-ủi, cực-kỳ ân-cần, khắp cả trong quân đều mừng rỡ, đền xát quyền xoa tay xin hết sức vì Ngô đại-nhân đi giết giặc. Quế-Phương sai đem trâu rượu ra khao quân-sĩ và sai cấp-phó cho thuyền-bè lương-thảo thức gì cũng đủ cả. Phùng-Ngọc bái biệt, Quế-Phương, sai Mã Tán, Vạn Nhân-Địch làm tiên-phong, cùng với lũ Mai Anh thống-lĩnh các tướng-sĩ, tới ra bên sông tế cờ, rồi phát hiệu súng kéo quân đi. Thực là:

Trong tay mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp trời.