Hoàng Lê nhất thống chí/XX
XX
Tôn Sỹ-Nghị sau khi đề binh ra ải, luồn rừng, vượt suối như dẫm đồng bằng, ngày đi đêm nghỉ, không có sự gì ngăn-trở, kéo thẳng một mạch đến thành Thăng-long, không bị mất một mũi tên nào, như vào chỗ không có người; từ xưa các nhà dụng binh chưa có ai được dễ dàng như thế. Bởi thế Nghị càng coi thường không chịu đề-phòng và càng kiêu ngạo phóng-tứ, mặc cho quân lính các đồn tự-tiện bỏ cả đội ngũ, lang-thang ra ngoài, không còn ước-thúc gì nữa. Có kẻ đi ra khỏi thành đến hơn mười dậm để kiếm củi đun, có kẻ đi các chợ búa dân-gian buôn bán, sớm đi tối về là thường. Tướng-sĩ thì chỉ ngày ngày chơi bời ăn uống, chẳng nhìn gì đến việc quân, hễ ai nhắc đến tình-hình của giặc, thì họ đáp rằng: « Chúng nó chỉ như cá chậu chim lồng, sống sót ngày nào hay ngày ấy, không đáng nói đến. Theo quân-lệnh của quan lớn Đốc-bộ, sang xuân, mồng sáu tháng giêng, mới kéo quân đi vào thẳng sào-huyệt của Tây-sơn. Lúc đó, đảng giặc sẽ lần lượt làm tù, không còn đứa nào xổng vó. Bấy giờ người miền Nam-hà sẽ đến mà xem ».
Vì vậy, người trong cả nước, cho đến các quan đã phải trốn tránh hồi xưa, mong được thấy bóng « thiên nhật », ai nấy đều mừng về cuộc hội-hợp trước mắt, coi Tôn-Sỹ-Nghị là bức thành dài, không nghĩ gì đến cung-khuyết bị tàn, cửa ngõ có giặc, quan văn quan võ, một mực cô-tức như nhau.
Thình-lình một cung-nhân cũ ở Trường-an ra, nói với Thái-hậu rằng:
— Ngự-giá về kinh-thành đã gần một tháng. Thế mà hiệu lệnh nhà vua đưa ra, chẳng qua mới đến các vùng Ứng-hòa, Thường-tín, Từ-sơn, Thuận-thành, Quảng-oai, năm lộ mà thôi. Còn từ Trường-an về nam: Thanh-hoa là đất căn-bản, lăng-tẩm tiên-triều ở đó, Nghệ-an là quận chân tay, các quân cấm-vệ đều bắt ở đấy, thì vẫn bị mất về giặc, tin-tức không thông, đó là điều đáng lo lắm. Hiện nay, thế nước hư thực thế nào, thế giặc mạnh yếu ra sao, những kẻ đứng ngoài xem, ai cũng thấy rõ. Trước đây, Hoàng-thượng gặp nạn phải chạy, các quan trèo đèo vượt suối vất-vả, đã hơn một năm, bao nhiêu nhân-tình, chắc đã từng trải hết rồi. Sao vẫn điềm-nhiên không nghĩ đến sự gì cả? Tôn Tổng-đốc ở thượng-quốc, thế nước thế giặc, chẳng qua chỉ nghe đại-khái. Đến như những đất yếu-hại, đặt đồn nấp quân, cần có mưu-mô; những việc công thủ, theo cơ ứng biến, soay sỏa chỉ trong phút chốc, thì ngài đâu có hiểu được đích-xác? Và lại, khi trước Lê Quýnh khai cung ở Tàu, nói rằng: « Nước nhà nhiều nơi không chịu theo giặc, nhiều người còn biết chuộng nghĩa, nhân-tâm có thể trông cậy, nếu được đại-binh sang làm thanh-viện thì việc khôi-phục có thể xong được ». Đó chỉ là lời nói chuyện để Tôn Tổng-đốc không cho việc ấy là khó. Quýnh vì muốn chóng được quân sang cứu, nên mới nói hão ra thế để dối ngài. Chẳng ngờ ngài cũng tưởng thế là thật, hăng-hái kéo sang, không ngảnh cổ lại. Cứ xem những lời trong bài hịch, thì thấy ngài buộc cho ta nhiều lắm, mà ngài thì cứ lượn lờ trên sông, chỉ dùng thanh-thế dọa-nạt, không biết Nguyễn Huệ là bậc anh-hùng lão-thủ hăng-tợn và giỏi cầm quân. Coi y ra Bắc vào Nam, thật là thần xuất quỉ một, không ai có thể dò biết. Y bắt Nguyễn Hữu-Chỉnh như bắt trẻ con, giết Vũ Văn-Nhậm như giết con lợn, không một người nào còn dám trông thẳng vào mặt. Nghe lệnh của y, ai cũng mất cả hồn vía, sợ hơn sấm sét. E rằng bất nhật y sẽ lại ra, quân Tôn Tổng-đốc còn có cái lo bên trong, địch sao cho nổi? Bọn đó chẳng qua chỉ là người khách, chuyến này sang đây cũng coi sự-thế khó dễ để mà tiến lui. Nhưng còn nhà nước của ta thì sao? Thái-hậu có thể chạy sau đất Tàu chuyến nữa được chăng?
Thái-hậu tỏ vẻ bực-tức và nói:
— Đó là tâm-sự của gái già này còn đương ngày đêm lo-nghĩ, mà chưa biết làm thế nào...!
Rồi, Thái-hậu đem những lời ấy nói với Hoàng-thượng. Hoàng-thượng bấy giờ mới sợ, liền cùng bọn Quýnh đến dinh quân Nghị khẩn-khoản xin Nghị ra quân. Nghị cho gọi Quýnh vào mắng:
— Nước mày quả thật không thể trông cậy! Ngày trước mày khai cung-trạng ra sao? Dám lừa ta chăng?
Và Nghị nghảnh lại bảo Hoàng-thượng:
— Tự-vương tuổi trẻ, chưa từng trải. Trước kia, khi ra đón chào, ở Lạng-sơn, sao không nói rõ như thế? để nhân khi thắng thế đánh nó trong lúc nguy-khốn, há chẳng dễ dàng? Nay đã bỏ cơ-hội đó, khiến nó đã được thong-thả sửa sang các việc, bây giờ về cách trừ nó, cần phải tính cho vạn-toàn, không thể hấp-tấp. Vả đã định sang xuân, mồng sáu, là ngày xuất sư, cũng không lâu nữa. Nếu muốn đi gấp, thì cho thày trò nhà ngươi đem một đạo quân đi trước cũng được.
Hoàng thượng lui ra bảo Quýnh:
— Ngươi đã giốc lòng với nhà vua, các việc chắc đều nghĩ kỹ cả rồi. Vậy, nên cố gắng cho trót, chớ để người nước có chỗ nói mình, Thiên-triều có chỗ trách mình.
Quýnh quê ở làng Đại-mão, huyện Siêu-loại, vốn là một tay phong lưu công-tử, khi trẻ tuổi, chỉ biết uống rượu đánh bạc, văn-sự võ bị đều ít luyện-tập. Trước đây vì là con nhà qúy-phái, được vào làm kẻ gia-thần nhà vua. Đến hồi Tây-sơn kéo ra, kinh-thành thất-thủ. Hoàng-thượng sai Quýnh đi hầu Thái-hậu chạy lên Cao-bằng. Nhân dịp quân giặc đuổi bắt, không thể không chạy sang Tàu. Quýnh cũng hơi biết chữ nghĩa, cho nên những lúc nói chuyện với người Tàu, thốt ra nhiều câu khoác-lác. Sỹ-Nghị không xét chỗ đó, liền đem lời Quýnh đệ tâu. May được vua Thanh ưng-chuẩn, cả bọn lại được về nước nhà, Quýnh tự cho đó là công của mình. Sau khi đến thành Thăng-long, Quýnh liền ra sức báo ơn báo oán, ăn đút ăn lót, làm nhiều việc chẳng ra thế nào. Hết thảy hào-kiệt trong nước đều không thích Quýnh. Hoàng-thượng vì Quýnh có công, mới giao cho cầm binh-quyền. Nhưng Quýnh, mắt chỉ choáng về bóng cờ, tai chưa nghe tiếng chiêng trống của đám trận-mạc, xếp-đặt việc quân sao nổi? Bởi vậy, khi ấy thấy Hoàng-thượng nói, Quýnh bèn mượn cớ không muốn xa ngài, xin ngài truyền cho trấn-thủ Sơn-tây đem quân bản-đạo đóng ở Giản-khẩu, để ngăn đường ra của quân Tây. Đó là Quýnh cốt cho mình khỏi phải ra trận, còn đến đánh nhau được hay thua, nước nhà còn hay mất, không cần đếm-sỉa.
⁂
Ngô Văn-Sở sau khi đốc quân bản-bộ rút lui, tức thì một mặt sai Nguyễn Văn-Tuyết chạy trạm vào Nam cáo-cấp, một mặt chặn ngang Trường-an, sai quân thủy đóng ở hải-phận Biện-sơn, quân bộ giữ núi Tam-điệp, hai mặt thủy bộ liền nhau, ngăn hẳn phương nam với phương bắc. Bởi vậy, việc của bốn trấn đường ngoài, không thể thông vào hai xứ Thanh Nghệ. Những chuyện quân Thanh đến thành Thăng-long, Hoàng-thượng thụ-phong trong ngày 22 tháng một, từ Thanh-hoa trở vào chẳng một người nào được biết.
Sở rút về núi Tam-điệp nhằm ngày 20 tháng ấy, ngày 24, tin-tức đến Phú-xuân. Bắc-bình-vương tiếp báo, giận lắm, tức-khắc họp cả tướng-sỹ, muốn kéo quân đi ngay ngày hôm ấy. Nhưng bọn tướng-tá đều nói:
— Chúa-công với chúa Tây-sơn hiện đương có sự hiềm-khích, trong đất « thăng-tôn » lòng người chưa thật vững-chắc, nay nghe quân Thanh sang đánh, lại càng nghi-ngờ. Vậy xin hãy chính vị-hiệu, ban lệnh ân-xá, cho yên những kẻ phản-trắc và để buộc lấy nhân-tâm, rồi sẽ trẩy quân ra Bắc cũng chưa muộn.
Bắc-bình-vương cho thế là phải, bèn sai đắp đàn ở trên núi Sam, tế cáo trời đất bách-thần, tự chế áo cổn mũ miện, lên ngôi Hoàng-đế, đổi năm 11 hiệu Thái-đức của vua Tây-sơn làm năm thứ nhất hiệu Quang-trung. Xong lễ, nhà vua tức-thì truyền lệnh xuất-sự. Bữa ấy nhằm ngày 25 tháng chạp.
Vua Quang-trung tự mình đốc-suất đại-quân cả thủy lẫn bộ đồng thì ra đi. Ngày 29, đến trấn Nghệ-an, nhà vua cho vời một người cống-sỹ ở La-sơn tên là Nguyễn-Khiếp vào dinh và hỏi:
— Quân Thanh sang đánh, nay tôi sắp ra chống-cự. Về kế công thủ và số được thua tiên-sinh cho là thế nào?
Khiếp nói:
— Bây giờ trong nước trống không, lòng người lìa tan, quân Thanh ở xa lại đây, sức mạnh sức yếu không biết, thế công thế thủ không hay, Chúa-công đi ra chuyến này, chẳng qua mười ngày, giặc Thanh sẽ tan.
Vua Quang-trung mừng lắm, liền sai đại-tướng là Hám-hổ-hầu kén dân Nghệ-an làm quân, cứ ba người thì lấy một người. Chỉ trong chốc-lát, được hơn một vạn. Ngài bèn mở cuộc duyệt-binh rất lớn ở dinh trấn, đem số thân-quân Thuận-hóa; Quảng-nam chia làm bốn dinh, tả, hữu, tiền, hậu, để số mới mộ ở Nghệ-an làm đạo trung-quân. Rồi ngài tự ra trước dinh, truyền lệnh quân-sỹ hết thảy ngồi xuống và dụ:
— Quân Thanh sang lấn nước ta, hiện chúng đã đóng ở thành Thăng-long, các ngươi có biết hay không? Trong khoảng trời đất, « phận-sao » đã có chia rõ, phương Nam phương Bắc, nước nào cai-trị nước ấy. Người Tàu không phải nòi-giống nước ta, bụng họ ắt là khác hẳn. Từ đời nhà Hán đến nay, họ đã mấy phen chiếm cướp đất-cát, giết hại nhân-dân, vơ-vét của-cải của ta. Người nước không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Trong đời Hán có Trưng-Nữ-vương, trong đời Tống có Đinh Tiên-hoàng, Lê-Đại-Hành. Trong đời Nguyên có Trần-Hưng đạo, trong đời Minh có đức Thái-tổ hoàng đế nhà Lê, các ngài không nỡ ngồi mà nhìn chúng làm tàn làm bạo, phải theo lòng người mà dấy quân nghĩa, chỉ đánh một trận, liền thắng được chúng và trục được chúng về Tàu. Ở những đời ấy, Nam Bắc tự lập, bờ cõi yên-tĩnh, truyền ngôi lâu dài, từ đời nhà Đinh mà đi, ta không phải khô như hồi nội-thuộc ngày trước. Như thế là lợi hay hại, là được hay hỏng, đều là việc cũ tiên-triều hãy còn rành-rành ra đó. Ngày nay quân Thanh lại sang, định lấy nước ta đặt làm đất quận huyện của chúng, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên và Minh ngày xưa. Vì vậy, ta phải kéo quân ra đuổi. Các người đều đủ lương-tri lương-năng, nên phải giốc lòng hết sức với ta, để dựng công lớn. Chớ có quen giữ thói cũ, mang lòng « nhị-tâm ». Nếu như phát-giác, ta sẽ tức-khắc giết hết, không tha cho một người nào! Đừng trách ta không bảo trước!
Quân-sỹ răm-rắp vâng lệnh. Hôm sau, nhà vua hạ lệnh trẩy quân, đội nào đội ấy, nghiêm-chỉnh lên đường Khi ra đến núi Tam-điệp, Sở, Lân vác gươm lên vai, đến xin chịu tội. Vua Quang-Trung nói:
— Các người đem thân đi theo việc binh, đã lên đến ngôi tướng-súy. Giao cho tất cả đất mười một « tuyên » [1], lại cho tiện-nghi làm việc. Giặc đến chưa từng đánh một trận nào, mới nghe thấy tiếng đã chạy. Binh-pháp nói rằng: « Quân thua chém tướng », tội của các ngươi đều đáng chết một vạn lần. Song ta nghĩ rằng: Các ngươi đều là kiện-tướng, tự-nhiên gặp giặc là đánh, chỉ có đến lúc lâm-cơ ứng-biến, thì không đủ tài. Trước kia ta phải để Ngô Thì-Nhậm ở lại, cộng-sự với các người, chính là lo sẵn chỗ đó. Bắc-hà mới yên, lòng người chưa chịu qui-phục; Thăng-long lại là một thành trống-trải, có thể bị đánh bốn mặt, sông núi không có chỗ nào khả dĩ nương-tựa. Năm trước ta ra tới đó, Chúa Trịnh quả-nhiên không thể chống nổi. Đó là chứng-nghiệm. Các người đóng quân trơ-trọi ở đấy, quân Thanh kéo sang, người nào cũng làm nội-ứng cho chúng, thì phỏng các ngươi nhắc tay nhắc chân sao được? Chịu nhịn để tránh sức mạnh ban đầu của chúng, đành hãy chỉnh-đốn đội-ngũ, rút về giữ chỗ hiểm-yếu, trong thì khiến cho lòng quân kích-thích, ngoài thì khiến cho lòng giặc kiêu-căng, đó là một kế rất hay. Khi mới nghe nói ta đã đoán là do Ngô Thì-Nhậm chủ-trương. Lúc hỏi Văn-Tuyết, quả đúng như vậy.
Thì-Nhậm lạy tạ hai lạy, vua Quang-Trung nói:
— Nay ta tự ra coi đốc tướng-sỹ, phương-lược tiến đánh, đã tính sẵn rồi. Chẳng qua mười ngày có thể đuổi được người Thanh. Nhưng nghĩ nó là nước lớn, gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà cố báo thù. Như thế thì việc binh-đao không bao giờ dứt, thật không phải phúc cho dân. Lòng ta không nỡ làm vậy. Tới lúc đó, chỉ có một cách nói cho thật khéo, thì mới ngăn được cái ngòi chiến-tranh. Việc ấy phi Ngô Thì-Nhậm không ai làm nổi. Đợi mười năm nữa, ta đủ thì-giờ gây nuôi, nước giàu quân mạnh, thì ta có sợ gì nó?
Sở, Lân đều lạy và nói:
— Chúa-thượng thật là lo xa, chúng tôi ngu đần không thể nghĩ tới chỗ đó. Hiện nay phương-lược tiến đánh ra sao? Dám xin Chúa-thượng chỉ bảo, để cho chúng tôi tuân lệnh mà làm.
Vua Quang-Trung liền cho mở tiệc khao quân, rồi, chia đại-quân ra làm năm đạo. Hôm ấy nhằm ngày 30 tháng chạp, ngài bảo ngầm với các tướng rằng:
— Ta với các ngươi hãy tạm sửa lễ cúng tết trước đã, Đến tối trừ-tịch lên đường. Hẹn ngày mồng bẩy năm mới vào thành Thăng-long, đặt tiệc ăn mừng. Các ngươi nhớ lấy, chớ cho là ta nói hão!
Rồi ngài truyền lệnh trong quân như sau:
Thuộc Ngự-doanh sai phái Đại-tư-mã Sở và Nội-hầu Lân đốc-suất tiền quân làm tiên-phong, Hám-hổ-hầu đốc-suất hậu-quân làm đốc-chiến. Đại Đô-đốc Lộc và Đô-đốc Tuyết đốc-suất tả-quân, và đạo thủy-sư vượt bể vào sông Lục-đầu; Tuyết phải kinh-lược vùng Hải-dương làm đạo tiếp-ứng đằng đông, Lộc phải đi gấp lên thẳng các hạt Lạng-sơn, Phượng-nhỡn, Yên-thế để chặn đường về của quân Thanh. Thái-sư Bảo và Đô-đốc Long đốc-suất hữu quân và đội Tượng-mã xuyên ra Chương-đức vòng lên làng Nhân-mục trong huyện Thanh-trì đánh ngang vào đồn quân Điền-châu, Bảo lại thống-đốc voi ngựa theo đường Sơn-minh ra làng Đại-áng trong huyện Thanh-trì, làm đạo tiếp-ứng cánh hữu.
Ngũ-quân vái lạy vâng lệnh. Luôn bữa đó, ngài đốc trung-quân gióng trống ra Bắc. Khi qua sông Gián, viên tướng coi toán nghĩa-quân ở đó tan vỡ chạy trước. Lúc đến sông Thanh-quyết, quân Thanh đóng đồn ở đấy cũng đều trông bóng chạy nốt.
Vua Quang-trung thúc quân đuổi theo. Tới huyện Phú-xuyên, bắt sống được hết, không còn tên nào trốn thoát. Bởi vậy, không có tin báo, những đạo quân Thanh đóng ở Hạ-hồi và Ngọc-hồi đều không hay biết gì cả.
Mồng ba tháng giêng năm Kỷ-dậu, vào khoảng nửa đêm, vua Quang-Trung tới làng Hạ-hồi thuộc huyện Thượng-phúc, ngài bèn im lặng cho quân vây kín làng ấy, rồi sai bắc loa truyền gọi. Quân lính các mặt đều dạ răm rắp, tưởng như có mấy vạn người. Trong đồn lúc ấy mới biết. Ai nấy sợ-hãi cuống-quít tranh nhau ra hàng, lương-thực khí-giới đều bị quân Nam lấy hết. Vua Quang-Trung truyền lấy sáu-chục tấm ván, ghép liền ba tấm làm một, bức tất cả là hai chục bức, dùng rơm dấp nước bện vào, rồi kén hạng lính khỏe-tợn, giao cho mười người phải khiêng một bức, mỗi người đều vác một thanh đoản-đao; mỗi bức lại có hai chục người nữa cầm các binh-khí đi theo.
Toán quân này dàn hàng chữ « nhất » tiến thẳng lên trước, vua Quang-Trung cưỡi voi đi đốc thúc, mờ sáng ngày mồng năm xông thẳng vào đồn Ngọc-hồi.
Quân Thanh trong đồn chĩa súng bắn ra, chẳng tin một người nào hết. Nhân có gió bắc vừa nổi, chúng bèn dóng nhiều hỏa-đồng bắn tên lửa ra. Lửa cháy khói bốc mù-mịt, cách nhau gang tấc không trông thấy gì. Bản-ý quân Thanh muốn làm cho quân Nam rối loạn, chẳng ngờ chỉ trong dây-lát, trời bỗng quay sang gió Nam, ngọn lửa tạt lại thành ra quân Thanh lại tự-đốt mình.
Vua Quang-Trung tức thì sai đội khiêng ván chạy kíp vào trận, khi giáp lá cà, thì quăng tấm ván xuống đất, và dùng đoản-đao chém bừa, rồi thì những người có cầm binh-khí đi sau nhất-tề nhẩy xổ lên đánh.
Quân Thanh không thể địch nổi, luống cuống chạy trốn, dầy séo lên nhau mà chết.
Thái-thú Điền-châu là Sầm Nghi-Đống trấn thủ đồn ấy, phải thắt cổ chết. Quân Nam thừa thế đánh tràn, giết được quân Thanh thây nằm khắp đồng, máu chẩy thành suối. Những kẻ sống sót, tất tả tìm đường chạy về.
Trước đó, vua Quang-Trung đã có sai một toán quân theo đê Yên-ninh kéo lên, mở cờ đánh trống để làm nghi-binh đằng đông.
Khi ấy quân Thanh chạy qua, thấy có cờ-trống thì đều hoảng-sợ, bèn tìm lối tắt theo đường Vịnh kiều đi lên. Thình-lình lại thấy một đạo tượng-binh ở làng Đại-áng kéo sang, chúng đều không còn hồn-vía, chạy cả về xứ Đầm Mực trong làng Quỳnh-đô, quân Nam thúc voi đuổi theo, dầy chết kể hàng vạn người.
Hôm ấy Đô-đốc Long vâng mệnh vua Quang-Trung đem toán hữu-quân lên huyện Thanh-trì đã đi đến làng Nhân-mục. Khi vua Quang-Trung đánh toán quân Thanh ở làng Ngọc-hồi, thì từ sáng sớm, Long đã đánh vào đội quân của Thái-thú Chấn-châu ở trại Quảng-đức Khương-thượng. Quân Thanh thua chạy, Long bèn tiến quân vào thành Thăng-long.
Lúc ấy Tôn Sĩ Nghị và vua Chiêu-thống ở trong kinh-thành, tuyệt-nhiên không có tin tức báo đến. Vì vậy, trong mấy ngày Tết, ai nấy chỉ mải về sự ăn uống vui mừng, không lo đến việc gì cả. Nào hay cuộc vui chưa tàn, vận trời đã đổi, trong ngày mồng bốn chợt thấy bại-binh ở đồn Ngọc-hồi chạy về cáo-cấp, mọi người đều tưởng như « tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên ». Toán bại-binh đó lại nói thêm rằng: « Quan quân ở đồn Ngọc-hồi, đều bị quân Tây đánh úp bắt gọn. Đây cách Ngọc-hồi không xa, sớm chiều chắc sẽ bị đánh ». Sĩ-Nghị luống-cuống cả sợ, tức-khắc sai viên Lãnh-binh Quảng-tây là Dương Hùng-Nghiệp đốc-viên hàng-tướng Tây-sơn là Phan Khải-Đức đem các nghĩa-binh đến cứu. Lại sai 20 kỵ-sĩ bộ-hạ, cùng đi với Nghiệp, và dặn họ rằng: Trong khoảng giờ khắc phải có tin về báo luôn. Ý Nghị chỉ lo có một mặt đó, không ngờ lại có mặt khác.
Đêm ấy vào khoảng canh tư, chợt nghe phía tây-bắc thành, tiếng súng nổi lên đùng đùng. Nghị vội cưỡi ngựa ra coi. Thấy báo đồn quân Chân-châu đã vỡ, quân Tây đã kéo vào đến cửa ô, chém giết bừa-bãi, ánh lửa bốc lên rực trời, thì Nghị không còn hồn-vía nào nữa. Ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, Nghị tự đem toán lính kỵ dưới trướng cắm cổ chạy xuống cầu phao, rồi trốn sang Bắc. Quân-sĩ các dinh nghe tin, hết thảy kinh khiếp, nhốn-nháo cùng chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, người nọ xô đẩy người kia, chết ở trên cạn đã nhiều. Giây lát cầu gẫy, hàng mấy vạn người lăn cả xuống nước, nước sông không chẩy được nữa.
Vua Chiêu Thống đương ở trong điện, tiếp được tin báo, ngài kíp cùng bọn Lê-Quýnh, Trịnh-Hiến rước Thái-hậu chạy. Ra đến bến sông, thấy cầu đã gẫy, thuyền bè không có chiếc nào, cả bọn tất-tả chạy lên Nghi-tàm, thình-lình gặp được chiếc thuyền đánh cá, vội vàng cướp lấy rồi trèo sang bờ bên kia. Trưa ngày mồng sáu, vua Chiêu-Thống đến núi Tam-tầng nghe nói Sỹ-Nghị đã đi khỏi đó. Bấy giờ quân Thanh chạy ở trên đường đông như họp chợ, chúng chạy suốt ngày suốt đêm không dám nghỉ ngơi lúc nào. Vua và Thái hậu cùng đi, đến đồn Hòa-lạc, vừa gặp một người thổ hào. Hồi trước ngài chạy trốn, người ấy đã được giáp mặt, lúc đó thấy ngài, người ấy tự-nhiên giỏ lệ, bèn mời ngài và Thái-hậu vào trại trong núi nghỉ tạm.
Bấy giờ vua và mọi người luôn hai ngày không ăn uống gì, ai nấy đều thấy mệt lử. Người ấy bèn đi giết gà làm cơm, thết đãi. Vua mời Thái-hậu và bảo bọn Quýnh cùng ăn.
Ăn vừa xong, quân Tây đã vừa đuổi đến. Vua nói với người thổ-hào rằng:
— Muôn đội hậu-tình, không có gì để báo đáp, chỉ cầu hai đấng cao dầy chứng giám lòng thành của ngươi, ban phúc cho ngươi mà thôi. Bây giờ quân giặc đã sắp đến nơi, có đường nào khả-dĩ chạy gấp lên ải, thì ngươi mách giùm. Người thổ-hào tức thì sai con đưa ngài đi vào con đường trong núi. Vừa tối thì đến cửa ải. Sỹ-Nghị cũng đã đóng quân ở đó, ngài bèn vào ra mắt Nghị. Một lát, các quan lục-tục theo đến, ai nấy trông nhau, nước mắt chứa chan, Sỹ-Nghị cũng phải xấu hổ. Vua nhân tiện liền nói với Nghị:
— « Cô » đã bất-tài, đến nỗi mất cả xã-tắc. May được Thượng-hiến vâng theo thánh-chỉ sang cứu. Không ngờ lòng trời không giúp nước nhỏ, nay ngài lại bỏ mà đi. Cúi xin chúc ngài về triều được chữ vạn-phúc. « Cô » đành ở lại đất nước thu thập dân binh, để tính chuyến sau. Xa nhờ oai thanh, may được nên việc, đều là ơn của Thượng-hiến. Nếu như việc lại không thành, bấy giờ sẽ xin sang hầu Đại-hiến. Như thế cho tiện.
Nghị nói:
— Nguyễn Quang-Huệ chưa diệt, việc nay chưa thôi. Nay hãy dâng biểu về triều xin quân, chỉ trong một tháng, đại-quân sẽ lại tới đây. Chỗ này gần với đảng giặc, ở lại không tiện, nên tạm sang bên Nam-ninh yên nghỉ để đợi thánh-chỉ là phải.
Vua Chiêu-Thống theo lời.
Nghị bèn cùng bọn tướng tá thu nhặt tàn-quân rút về.
Vua cũng để bọn Quýnh ở lại, bảo họ lẻn về trong nước chiêu-dụ những người trung-nghĩa, ngài tự cùng viên đạo-phụ ở Cao-bằng là Định Quận công Hoàng-Đức-Hiểu và trấn-thủ Kinh bắc là Lê-Hân ở làng Nội-liễu huyện Nam-đường. Tứ thành đề-lĩnh là Phạm Như-Tòng ở Thư-trì, phó đề-lĩnh là Nguyễn Viết-Triệu ở làng Thanh-tuyền huyện Nam-đường, Thự-tri công-tượng-chính là Lê Văn-Trương ở làng Nghĩa-động, huyện Nam-đường, Hiệp-lý quân-vụ là Phạm Trần-Thiện ở làng Quỳnh-côi, huyện Nam-đường, họ ngoại là Nguyễn Quốc-Đống ở làng Tỳ-bà huyện Lang–tài, Chưởng-tư-bảo là Lê Quý-Thích ở làng Đồng-bảng trấn Thanh-hoa... cùng rước Thái-hậu theo Nghị sang Tàu.
- ▲ Tên gọi khu-vực cai-trị của đời Lê Thánh-tôn, tức là một trấn.