Hoàng Lê nhất thống chí/XXI
XXI
Khi Tôn Sĩ-Nghị chạy trốn lên Bắc, trong lúc gấp vội, không kịp thu thập đồ-đạc. Đến khi tới huyện Phượng-nhỡn, lại nghe tướng Tây là Đắc-lộc-Hầu ở nẻo Đông-đạo kéo lên chặn đường, Nghị lại bị một phen khiếp-khủng, các vật mang theo, đều phải vất bừa giữa đường, chỉ trốn chạy lấy thoát thân. Những món của vua Thanh ban cho, như sắc-thư, cờ-bài quân-ấn, đều bị quân Tây bắt được đem về.
Mùa đông năm ngoái, khi Nghị xin đem quân sang bên ta, vua Thanh có truyền cho Nghị đề binh ra ải. Tiếp đó, lại có chỉ ra bảo Nghị thong-thả chớ vội, hãy trước làm một bài hịch rạo rạc, nhân đó, cho bọn bề tôi họ Lê về nước, họp tập nghĩa-binh, tìm Lê Tự-tôn báo phải ra mặt chọi với Nguyễn-Huệ, thử xem sự-thể ra sao. Nếu như lòng người An-Nam còn mến họ Lê, họ được thiên-binh kéo sang, ai cũng hăng-hái nổi lên, Nguyễn-Huệ ắt phải tự lui. Bấy giờ sai Lê Tự-tôn xông lên đuổi đánh, mình đem đại-binh tiếp theo, chắc không vất-vả mà được thành công. Đó là thượng-sách. Bằng như trong nước, nửa theo đằng nọ, nửa theo đằng kia, Nguyễn-Huệ ắt không chịu lui, thì hãy viết thư bảo rõ họa phúc, xem hắn đối phó thế nào. Đợi khi thủy-quân hai tỉnh Mân, Quảng của ta vượt qua đại-dương, đánh vào Thuận-hóa, Quảng-nam, bấy giờ lập tức đốc-thúc bộ-quân tiến lên, Nguyễn-Huệ đằng bụng đằng lưng đều cùng bị đánh, tất phải hàng phục. Nhân dịp, ta sẽ phong cho cả hai. Thuận Quảng về Nam cho Nguyễn-Huệ ở, Hoài-Ái ra Bắc, cho Lê-Tự ở. Rồi đóng đại binh ở tại nước ấy để mà kiềm-chế cả đôi, sau này sẽ có cách xử-trí. Sau khi Nghị đã tiến quân qua ải, nghe tin quân Tây lui chạy tức thì chỉnh-đốn đội-ngũ, kéo thẳng đến đóng giữa thành Thăng-long, không hề lo lắng gì cả. Vì thế mới thua một trận tan-tành.
Nước Thanh thái-bình đã lâu, dân-gian không biết việc binh là gì. Thấy Nghị tất-tả chạy về, dân-tình rất là nôn-nao. Kế đó lại nghe quân Tây đuổi đến Lạng-sơn, nói bắn tin rằng: Sẽ giết hết rợ Hung-nô, bên Tàu cực-kỳ khiếp sợ. Từ ải về Bắc, con trai, con gái, người già, người trẻ, dắt nhau tìm đường chạy trốn. Suốt mấy trăm dặm, không đâu còn có bóng người ở. Vua Thanh được tin, giận lắm, liền sai các hần là Phúc Long (?) An ra làm Tổng-đốc Lưỡng-Quảng, đề-đốc binh-mã chín tỉnh để sang kinh-lý việc An-Nam và đòi Sỹ Nghị về kinh đợi tội.
Nghị ở Thăng-long chạy đi, nhằm đêm mồng năm tháng giêng, đến trưa hôm ấy, vua Quang-Trung kéo quân vào thành. Sau khi dẹp yên quân Thanh, ngài bèn đóng quân tại thành Thăng-long, rồi hạ lệnh chiêu-an. Phàm những người Thanh trốn ở các nơi, đều phải theo lệnh đến thú, dân-gian không được chứa chấp. Trong khoảng mươi ngày, quân Thanh ra thú đến hơn một vạn, vua đều ban-phát lương ăn áo mặc cho cả. Nhân thấy quân-sỹ dâng bức chiếu-thư của vua Thanh đưa cho Sỹ-Nghị, khi chạy trốn, Nghị bỏ rơi giữa đường, vua Quang-Trung liền nói với Ngô Thì Nhậm:
— Ta coi tờ chiếu của vua Tàu, chẳng qua chỉ định xem ta mạnh yếu, để mà tiến lui, còn việc « dựng lại nhà Lê » không phải bản-tâm của y. Y chỉ muốn mượn việc ấy làm cớ, mà tính lợi riêng đó thôi. Nay đã bị ta đánh thua, nhịn đi thì nhục, báo thù thì khó, chắc y còn đương phân-vân. Vậy những tàn-quân bắt được, đều nên cấp lương đưa chúng lên cả cửa ải. Người vốn giỏi nghề từ-lệnh, nên thảo bức thư đưa sang cho y. Đại-khái nói rằng: « Ta là nước nhỏ, vẫn giốc một lòng kính thuận, sợ mệnh trời, thờ nước lớn, đâu dám có điều gì khác. Trước đây đã có biểu-văn đệ sang, bị Tôn-Sĩ-Nghị dìm đi, không dâng lên được. Gần đây, từ khi Sĩ-Nghị sang Nam, ta cũng đã muốn tỏ rõ chân-tâm với Nghị, không ngờ ở các đường xá nhiều tin đồn ngoa, phao cho thanh-thế lớn lên, thế rồi mọi người khiếp sợ, tự bỏ dinh quân chạy trước, chẳng may cầu phao bị gẫy khiến cho thiên-binh chết đuối, và kẻ tranh đường mà chạy, lại tự dầy séo lẫn nhau, bị thương bị hại cũng nhiều. Cái đó đều là lỗi của Sỹ-Nghị, không phải nước ta có dám đánh nhau. Nay còn hơn vạn tàn-binh, hiện đã tra rõ tên họ quê quán, cấp lương đưa lên cửa ải đem sổ dâng nộp! ».
Thì Nhậm vâng lệnh, theo ý viết một bức thư, sai người phi ngựa đưa cho đầu-mục Lạng-sơn chuyển sang viên tướng coi ải của Tàu, nhờ y đệ giúp đến dinh Tổng-đốc Lưỡng-Quảng.
Phúc Long-An, tổng đốc mới của hai tỉnh Quảng, lúc ấy vốn là người Mãn, thuộc về đội cờ « Nhương hoàng », do chân ấm-sinh làm đến đại-thần nội-các, vua Thanh vẫn rất tin dùng, nên mới giao cho kinh-lý việc Nam, thay Tôn Sỹ-Nghị.
Khi An đi trạm xuống đến mạc-phủ Quảng-tây, chính mắt đã thấy Sỹ-Nghị trơ-trụi một thân chạy về, lại nghe thanh-thế của vua Quang-Trung đương mạnh, trong bụng không khỏi rụt-rè lo sợ. Kịp khi tiếp được bức thư của vua Quang-Trung đưa sang, An quyết tự mình gánh vác công-việc miền Nam, liền cho đòi viên phân-phủ họ Vương ở phủ Thái-bình đến dinh và bảo rằng:
— Phương Nam, phương Bắc đều thôi chiến-tranh, đó là phúc của sinh-dân, mà cũng là may cho chốn biên-cương. Ta nghe từ thần nước Nam có Ngô Thì-Nhậm, bao nhiêu thư trát từ trước đến giờ, đều do tay y làm cả. Ông nên viết một bức thư, bảo y giốc lòng tán-thành việc giảng hòa và phải viết gấp một tờ tạ-biểu đệ sang, có ta ở trong nói vào, việc gì cũng xong.
Vương phân-phủ lui ra, tức thì viết trát cho Ngô Thì-Nhậm, Nhậm đem việc đó tâu vua Quang-Trung.
Bấy giờ vua Quang-Trung tuy đã dẹp yên Bắc-hà, nhưng ở biên-thùy phía Nam vẫn còn cái lo bên trong. Ngài cũng muốn gấp rút quân về Nam, bèn bảo với các tướng rằng:
— Việc binh Bắc-hà, ta giao cho Ngô Văn-Sở và Phan Văn-Lân; việc sứ-mệnh đối với nước Tàu ta giao cho Ngô Thì-Nhậm và Phan Huy-Ích, hết thẩy các sự đều cho các ngươi tùy-tiện xử-trí. Ta sắp về, nếu không phải là việc quan-hệ, không cần bẩm báo làm chi.
Rồi đó, vua Quang-Trung dẫn quân lên đường để Ngô Văn-Sở tóm coi các việc quân-quốc, cho Ngô Thì-Nhậm chủ-trương việc Tàu, trao đổi ý-kiến với viên phân-phủ họ Vương, bên ngoài có Phúc Long-An đề đạt các việc, bên trong thì có Hòa-Khôn soay-xỏa ngầm cho.
Cũng như Phúc Long-An, Hòa-Khôn cũng là người Mãn cũng thuộc về đội Cờ-vàng và cũng do ấm-sinh xuất-thân rồi vào nội-các, đã có cùng An quản-lý Phiên-viện. Vì thế, An mới viết thư cho Ngô Thì-Nhậm, bảo Nhậm nên đem vàng-bạc đút lót cho Khôn.
Tức-thì Khôn tâu vua Thanh xin bãi việc binh, phong vương cho Quang-Trung, không nên gây sự ngoài biên cho tốn trong nước. Khôn còn nói rằng: Từ xưa đến nay, chưa có đời nào đắc-chí ở xứ Nam-hoang. Nhà Tống và hai nhà Nguyên, Minh đều bị thua nhục tất cả, gương đó cũng không xa lắm.
Vua Thanh cho thế là phải, bèn giốc một lòng giảng hòa. Bọn Hòa-Khôn đưa đón ý của vua Thanh, điều nào cũng đúng, vua Thanh rất thích, ban cho tỷ-thư khen ngợi. Bấy giờ Phúc Long-An mới báo cho Ngô Thì-Nhậm theo lệnh thảo một tờ biểu tạ tội, nhân thể nói kèm thêm rằng: Bản quốc nay đã tới kỳ tiến cống, đáng lẽ được sai bồi-thần đệ dâng lễ-vật. Nhưng « tiểu phiên » còn là tạm coi việc nước, không dám tự ý làm liều, vì sợ chưa được hợp lệ. Mà nếu điềm-nhiên hoãn lại, thì không yên lòng. Các thức cống phẩm hiện đã tải lên cửa ải, cúi chờ mệnh-lệnh v. v...
Long-An được tờ biểu đó tức-khắc giao trạm chạy ngựa đệ lên Yên-kinh. Hòa-Khôn liền đem dâng trình. Vua Thanh coi xong lấy làm vừa lòng, bèn truyền cho bọn bồi-thần nước Nam là Vũ Huy-Tấn Ngô Vi-Quí, Nguyễn Đình Cử được qua cửa ải đưa tin vào thành Quế-lâm chờ đợi.
Rồi đó vua Thanh liền sai sứ-giả sang phong cho vua Quang-Trung làm vua An-Nam, và ban cho ngài rất hậu. Còn các cống-phẩm cũng đều chiểu lệ thu-nhập như cũ.
Cách đó ít lâu, vua Thanh lại có chỉ sang, bắt vua Quang-Trung phải tự mình sang chầu.
Ngô Thì-Nhậm tiếp nhận lệnh đó vừa kén được viên quân-hiệu ở làng Mộ điền huyện Nam-đường tỉnh Nghệ-an là Nguyễn Quang-Trị diện-mạo rất khôi-ngô, bèn cho giả làm quốc-vương, rồi Ngô Văn-Sở làm trọng-thần hàng võ, Phan Huy-Ích làm trọng-thần hàng văn, Đỗ Đốc-Duật làm hộ-thị, Vũ Huy-Tấn làm từ thần, cùng hầu quốc-vương sang Tàu chầu yết. Về số đồ lễ, ngoài lệ chức-phương, lại có dâng thêm đôi voi đực nữa. Trong khi đi đường, người Tàu phục dịch cực-kỳ vất-vả. Kẻ trong người ngoài, ai cũng biết là giả dối mà không ai dám nói ra. Lúc tới Yên-kinh, vua Thanh tưởng là thật vua Quang-Trung, rất lấy làm mừng. Đến lúc vào chầu, vua Thanh cho cùng ăn yến với các thân-vương, và cho đặc-ân được vào ôm gối, như thể cha con người nhà.
Đến khi lạy tạ xin về, vua Thanh lại sai thợ vẽ vẽ tượng truyền-thần ban cho, ân lễ rất trọng-hậu, xưa nay chưa từng có bao giờ.
⁂
Vua Chiêu-Thống từ khi ở trấn Nam-quan theo Tôn Sĩ-Nghị sang Tàu, trọ ở Nam-ninh, vừa gặp lúc Phúc Long-An đến làm tổng-đốc Lưỡng-Quảng, và cố tính việc giảng hòa với vua Quang-Trung. An bèn đón vua Chiêu-Thống vào trong phủ thành Quế-lâm ở tạm. Hồi ấy những người nước ta lần lượt sang Tàu theo vua là: Trung-quận công hoàng-thúc Duy-Án, đi đường Du-quan, Đinh Nhạ-Hành và Đinh Lệnh-Duận ở Hàm-giang đi đường Long-môn; Nội-hàn Trần Duy-Lâm ở Nam-châu, Xuất-nạp Lê Doãn và Quản cơ Hậu-kinh Lê-Đĩnh ở Đồng-trạch, Phan Khải-Đức ở Nghệ-An đều đi đường Trấn-nam-quan; Phụ-đạo Bế Nguyên-Doãn ở Cao-bằng đi đường cửa ải Cao bằng. Lúc vào ra mắt, Long-An tùy tiện tìm chỗ cho ở, và có cấp-phát lương ăn áo mặc tử-tế.
Rồi An cho Phan Khải-Đức làm chức đô-ty ở Liễn-châu, Đinh Nhạ Hành làm chức thủ-bị ở Toàn-châu, Bế Nguyễn-Doãn làm chức bả-tổng. Còn Trung quận-công và các người khác thì đều đưa vào phủ-thành Quế-lâm để ở với vua Chiêu-thống.
Chừng hơn một tháng, Long-An cùng ở Nam-ninh về Quế-lâm, y liền hạ-lệnh bãi hết binh-mã các tỉnh, bày tiệc ăn mừng linh-đình. Vua Lê lấy làm lạ, bèn hỏi về việc nước Nam.
Long-An nói:
— Bây giờ mùa hè nắng dữ, không lợi cho việc Nam-chinh. Đợi đến mùa thu mát mẻ, điều-bát một thể.
Lúc vào An mời vua uống rượu thật say, rồi y ung-dung bảo vua:
— Kỳ hẹn dấy quân cũng không lâu nữa, « vương » nên đem cả tả hữu liên-thuộc đi trước dẫn đường. Nhưng mà bây giờ trước hãy gọt tóc, thay đổi quần áo cho được đúng như Trung-quốc, để khi về Nam, quân giặc không thể phân-biệt, thì công lớn mới có thể thành. Rồi khi lấy lại nước nhà, sẽ lại theo như tục cũ. Việc hành-binh cần phải trí-trá, quí-vương nên nghĩ chỗ đó.
Vua Lê lấy thế làm phải, liền nói:
— Kẻ đã mất nước, may được thiên triều cứu-giúp, dẫu bắt cả nước đều phải ăn mặc như người Trung-quốc, cũng xin vâng mệnh! Cái đó có ngần-ngại gì?
Ngài và các người đi theo đều cùng gọt đầu, thay đồ mặc. Long-An thấy vậy mừng lắm, bèn cho một số tiền bạc, tiếp-đãi rất tử-tế. Thày trò vua Lê đều không biết là y đánh lừa. An liền làm một tờ mật-biểu tâu với vua Thanh đại ý nói rằng: An-Nam Quốc-vương Lê Duy-Kỳ nay không có ý xin cứu, vua tôi đều đã gọt tóc đổi đồ mặc, xin được ở lại Trung-thổ, vậy xin bãi quân Nam-chinh. Trong triều lúc ấy Hòa-Khôn cũng xin phong vương cho vua Quang-Trung. Các lời xin ấy đều được vua Thanh chuẩn-y.
Sau đó, Long-An lại mời vua Lê vào dinh, gươm mác trang-hoàng la-liệt, quân hầu đứng khắp chung quanh, cung, ngựa, nghi-trượng, rất là nghiêm-chỉnh, giữa kéo một lá cờ lớn, có thêu sáu chữ « Đề-đốc cửu tỉnh binh mã ». Tan mấy tuần trà, An lờ đi không nói câu gì, vua Lê cũng không hiểu ý ra sao. Lúc ra, đã thấy sứ-giả Tây-sơn ở cửa, vua Lê rầu-rĩ hồi lâu, rồi về nhà trọ yên nghỉ.
Trước đó, Trường-phát-hầu Lê-Quýnh vâng mệnh lưu lại trong nước, chiêu-dụ thổ-hào, để tính công-việc khôi-phục. Khi ấy Quýnh và bọn Trịnh-Hiến, Lý-Tạo, Lê-Hợp... tất cả chừng vài chục người đều sang đất Tàu, An nghe tin, liền cho trát đòi bọn Quýnh đến bàn việc nước. Lúc tới nơi, An không nói câu gì, chỉ dỗ bọn Quýnh cắt tóc đổi đồ mặc mà thôi. Quýnh biết An đánh lừa, tức-giận và nói:
— Đòi ta đến bàn công-việc, nay không nói một chuyện gì, chỉ bắt ta phải gọt tóc, đổi đồ mặc, thế là làm sao? Chúng ta đây, đầu có thể chặt, tóc không thể cắt, da có thể lột, đồ mặc không thể đổi.
An biết là không thể ép, bèn đem an-trí ở tỉnh Quảng-tây.
Bấy giờ vào cuối mùa đông năm Đinh dậu,
Vua Thanh sau khi đã cho vua Quang-Trung làm vua An-Nam, và đã nhận các cống-phẩm của vua Quang Trung, lại có chỉ đòi vua cũ An-Nam phải lên Yên-kinh.
⁂
Trong khi vua Lê phải chạy sang Bắc, hoàng-đệ thứ ba là Lan-quận-công Duy-Chỉ theo hầu Hoàng-phi ở trong thành ra. Lúc tới sông Cái, cầu phao đã gẫy, Duy-Chỉ phải đưa Hoàng-phi theo giải bờ sông trốn lên Tuyên-quang, lánh-nấp ở đó, nhân thể chiêu-dụ các tay thổ-hào gắng sức với mình để cùng lo việc khôi-phục. Cách đó ít lâu Duy-Chỉ dấy quân ở châu Bảo-lạc, đắp đồn-lũy, tích lương-thực, chống nhau với quân Tây. Được vài tháng, binh lương không đủ, quân Tây đánh thua, Duy-Chỉ và các tướng-tá đều bị bắt sống, đóng cũi đưa vào Nam, và cùng bị hại.
Quan dân cả nước, ai cũng thương-xót. Có người viếng một bài thơ, trong có hai câu như vầy:
« Phú-xuân hữu địa mai tân hận,
Bảo-lạc vô thiên báo cựu thù. »
Tạm dịch ra rằng:
« Phú-xuân có đất chôn hờn mới,
Bảo-lạc không trời báo oán xưa. »
Duy-Chỉ đã chết, hoàng phi bèn trốn về vùng Kinh-bắc, lẩn-lút ở đám dân-gian. Người Tây nghe tin đã có sai quân tầm-nã, nhưng không bắt được.
Bấy giờ vua Lê ở vùng Yên-kinh tin-tức không thông, những người hoàng-thân phần nhiều bị giết. Còn các bề tôi trung-nghĩa, như Bình-chương Nguyễn Huy-Túc, Tham-tri chính-sự Phạm Đình-Dư, Binh-bộ thượng-thư Nguyễn Đình-Giản, Thiêm-thư khu-mật sự Lê-Ban, Phó-đô Ngự-sử Trần Danh-Án, Kinh-bắc trấn-thủ Trần Quang-Châu đều phải nấp náu ở các thôn-ổ, người Tây tìm mãi không được.
Những bậc cố-gia di-tộc, phần nhiều vẫn có cảm-tình với chủ cũ. Trong các làng quê, tiếng trống tiếng súng nổi lên luôn luôn.
Lê Đình Giản, từ khi vua Lê chạy lên vùng Bắc, đi theo không kịp bèn ẩn ở huyện Lập-thạch ở trấn Sơn-tây. Vua Quang-Trung cho người đến trấn Thanh-hoa, bắt con gái yêu của Giản, đưa vào hậu-cung, rồi viết thư ra vời Giản, Giản nói:
— Con bé không chết, làm nhục môn-hộ nhà ta. Ta không vì tình nhi-nữ mà nỡ bỏ nghĩa vua tôi.
Người Tây biết rằng không thể hiếp nổi, bèn lập mưu-kế bắt sống được Giản đem về. Giản không chịu khuất rồi chết.
Lê-Ban mặt mũi khôi-ngô, tính-khí hung-tợn, sức khỏe hơn người, mỗi bữa, sức ăn gấp mấy chục người. Từ khi vua Lê bị nạn trở đi, Ban thường quanh quẩn bên cạnh, không quản đến sự hiểm nghèo. Đến lúc vua Lê phải chạy sang Tàu, Ban theo không kịp, bèn đi đường tắt về quê ở trấn Nghệ-an, cùng bọn thổ-hào họp quân đánh lại Tây-sơn. Chẳng may thua luôn mấy trận, bị quân Tây-sơn bắt sống. Ban vẫn giữ vững chí cũ, quyết không chịu lún. Vua Quang-Trung bèn tha cho về. Về sau chết ở Thăng-long.
Trần Danh-Án lưu-lạc ở miền rừng-rú thôn quê trong xứ Bắc-giang, vua Quang-Trung sai Ngô Thì-Nhậm viết thư vời đến. Án thề dù chết cũng không chịu ra, và nói nhiều câu kích-thiết. Thì-Nhậm có ý xấu-hổ, bèn xui người Tây đem quân đến bắt. Án vẫn ngồi làm thơ, thần-sắc như thường. Một bài có hai câu rằng:
« Thử sinh tuy nhuận sài-lang vẫn
Túng tử nan vi cẩu trệ tâm »
Tạm dịch ra rằng:
« Kiếp này dẫu béo mồm beo sói
Chết nữa, khôn làm bụng chó heo »
Người Tây dỗ cho quan cao. Án cũng không theo. Họ bèn thôi.
Trần Quang-Châu và bọn bộ-tướng cùng quân đánh-giặc, hoành-hành trong hai trấn Đông, Bắc, khoảng bốn, năm năm, luôn luôn đánh phá đồn-lũy quân Tây, giết được rất nhiều tướng-tá của người Tây, bên Tây cũng phải khiếp sợ. Về sau mắc mưu, bị quân Tây bắt sống. Châu cũng không chịu hàng phục mà chịu chết.
Từ đó trở đi, các trấn yên lặng không phải lo-sợ về nạn súng lửa.
Vua Quang-Trung đã nhận sắc phong của vua Thanh, bèn dùng chế-độ của các đế-vương phong cho con cả là Quang-Toản làm Thái-tử, con thứ hai là Quang-Thùy làm Khang-công, lĩnh chức tiết-chế các quân thủy-bộ phía Bắc, con thứ ba là Quang-Bàn làm Tuyên-công, lĩnh chức đốc-trấn Thanh-hoa, tóm coi các việc quân dân. Các trấn đều đặt một viên trấn-thủ, một viên hiệp-trấn. Mỗi huyện có đặt một viên phân-tri, hai viên tả hữu quản-lý để bắt binh-lương và xét các việc kiện-cáo. Phép binh thì chia ra làm đạo, cơ và đội, đạo coi cơ, cơ lại coi đội. Cơ nào đội ấy, cai-quản lẫn nhau và phải luyện-tập luôn luôn. Ngài lại hạ lệnh từ sông Linh-giang ra Bắc, phải khai sổ đinh; chiếu theo lệ cũ, bắt lính và đánh các thứ thuế dung-tiên, cước-mễ; phải dựng sổ điền, định lệ thóc thuế; chia ruộng công tư ra ba bậc, theo đó lấy thuế. Bởi thấy Nghệ an ở vào giữa nước, đường xá các nơi đến đó cũng vừa bằng nhau, ngài bèn sai bắt rất nhiều thợ-thuyền khuân vác gỗ, đá, gạch ngói để sửa cung phủ, dựng lâu đền, đắp một vòng thành đất ở ngoài, và sai quân các đạo đến đào đá ong để xây vòng thành bên trong. Trong thành dựng tòa Long-lâu ba tầng và điện Thái-hòa hai dẫy, làm nơi chầu mừng, gọi là Trung-kinh phượng-hoàng thành. Bấy giờ nước Lào vẫn chưa chịu cống, ngài bèn sai viên Đốc-trấn Nghệ-an là Nguyên Diệu làm Tổng-quân, Đô-đốc lĩnh Tượng-chính là Lê Văn-Trung làm Đại-tự-lệ phát quân tiến đánh.
Quân ta đến thẳng thành Lào, vua Lào chống-cự không nổi, dẫn quân chạy trốn. Bọn Diệu vào thành thu hết vàng bạc, châu báu, voi ngựa đem về.
Vua Quang-Trung sau khi thụ phong, có ý khinh thường nước Tàu. Vừa gặp lúc ấy giặc Tàu-Ô ở vùng Lưỡng Quảng cướp bóc các miền ven bể, vì bị quân Thanh đuổi đánh, chúng phải chạy xuống vùng Nam-hải, xin được phụ vào nước ta. Vua Quang-Trung liền cho những người cừ-khôi trong bọn đều làm Thống-binh, lại sai quay về cướp bóc, để quấy-nhiễu các nơi duyên hải của Tàu. Từ đấy các thuyền buôn bán không thể đi lại, đồ hàng đắt lên vòn-vọt. Tiếp đó lại toán giặc Tàu Ô ở vùng Tứ-xuyên gọi là Thiên-địa-hội, cũng có nhiều người chạy trốn sang đây, vua Quang-Trung cũng thu nhận tất cả. Viên đốc-thần nhà Thanh tuy có biết chuyện, nhưng sợ sức mạnh của ngài, nên không dám hỏi.
Bởi thế, ngài lại càng cho người Thanh là dễ đánh, nên đã tính việc kén quân, tích lương, đóng những tầu bè thật lớn, có thể chở nổi con voi, và cùng các quan văn võ bí-mật bàn mưu đánh Tàu Các viên tướng-tá đều nói:
— Cố dạy dân-chúng, để kén quân lính, đó là việc kíp ngày nay.
Vua Quang-Trung cho thế là phải. Ngài bèn hạ lệnh các trấn phải đốc dân xã sửa lại sổ đinh, dùng « tín-lệnh-bài » bắt dân vào sổ, sai người coi sóc xét hỏi. Tổng trưởng các huyện nhiều kẻ vì cố giấu-giếm bị chém. Nhân dân đi lại trên đường đều lấy làm khổ. Ngài lại ra lệnh các viên phân-tri các huyện phải kiểm số dân trong sổ, phát cho mỗi người một tấm thẻ, giữa thẻ in bốn chữ triện « Thiên hạ đại tín », chung quanh thì viết tên họ quán-chỉ của người có thẻ và có đánh (văn bản không rõ) một ngón tay nhỏ bên trái làm bằng. Những người có thẻ đều phải đeo luôn trong mình, gặp khi xét hỏi thì đưa ra trình. Thẻ ấy gọi là « tín bài ». Ai không có, tức là dân lậu, sẽ bị bắt đi xung quân và phạt tội các người tổng-trưởng, xã-trưởng của họ.
Sổ đinh xong rồi, lại chiếu lệ cũ, cứ ba suất đinh bắt một tên lính. Vì sợ dân đinh trốn tránh, ngài lại sai các viên phân-quản đem lính đóng ở các xã để tra số đinh và bắt những kẻ đáng phải ra lính. Dân-gian không chịu nổi sự phiền-nhiễu, lắm kẻ lánh vào các nơi rừng núi khe suối để trốn.
Bấy giờ có người ở làng Ngọ-điền, huyện Thạch-hà trấn Nghệ-an tên là Trần Phương-Bỉnh nguyên là con viên tiến-sỹ Trần Danh-Tố, nhất-định không đeo tín-bài. Trấn-thủ Nguyễn-Diêu phục là một người khí khái, tha không bắt tội.
Bỉnh vốn là bậc thông-minh nhanh-nhẹn, rất có khí-tiết, hay ngâm thơ để tỏ chí mình. Có hai câu rằng:
« Trung trường ám-tích kiền khôn hận,
Diện mục không tàm nhật nguyệt cư. »
Tạm dịch ra rằng:
« Tim gan ngầm chĩu hờn trời đất,
Mặt mũi trơ cùng bóng tháng ngày. »
Sau đó, cống-sỹ, thổ-hào trong vùng họp-tập đồ đảng ở làng Nga-khê trong huyện Thiên-lộc, định đánh lấy thành Nghệ an. Họ cùng bầu Bỉnh làm quân-sư.
Bọn Bỉnh kéo quân đến xã Bình-lãng trong dẫy Hồng-sơn, thì gặp quân Tây, hai bên giao chiến, quân Bỉnh bị thua. Bỉnh bèn lên đỉnh Hồng-sơn đề bài dưới đây vào bức tường trong một ngôi chùa ở đó:
« Báo quốc vô trường sách,
Tùy thân hữu đoản đạo.
Hồi đầu Hồng lĩnh thượng,
Cửu thập cửu phong cao ».
Tạm dịch ra rằng:
« Đền nước, không còn cách,
Theo mình có mũi dao.
Ngẩng đầu đỉnh Hồng-lĩnh,
Chín chín ngọn non cao »
Rồi Bỉnh lấy dao đâm bụng mà chết. Quân dân nghe tin, ai cũng thương xót.
Vua Quang-Trung lập xong phương-lược đánh Tàu bèn sai bề tôi là Nguyên Chiêu-Viễn sang Tàu dâng biểu cầu hôn và đòi đất hai tỉnh Quảng. Việc đó không phải bản-tâm của ngài, ý ngài muốn thử nhà Thanh đó thôi.
Chẳng ngờ sứ-giả chưa đi, ngài bỗng bị bệnh rồi mất. Bấy giờ vào khoảng tháng năm năm Nhâm-tý, ngài lên ngôi vua mới được 5 năm.
Lúc sứ nhà Thanh sang phong, vua Thanh có ban cho ngài một tấm áo đoạn, trong có bẩy chữ « xa tâm triết trục đa điền thử »[1] thêu bằng chỉ kim-tuyến, hồi ấy không ai hiểu ý ra sao, thì ra bây giờ mới nghiệm.
Sau khi vua Quang-Trung đã mất, việc cầu hôn và việc đòi đất đều bị đình-chỉ. Vua Thanh chưa kịp biết tới.
Tháng ấy, Quang-Toản theo lời của vua Quang-Trung dặn lại, lên nối ngôi vua, rồi đổi năm sau làm năm đầu hiệu Cảnh-thịnh và tôn vua Quang-Trung làm Thái-tổ Vũ-hoàng-đế. Luôn đó, Quang-Toản sai sứ sang Tàu cáo-ai, vừa tiến phương-vật và đôi voi đực theo lệ tuế-cống, vừa dâng tờ biểu tâu xin phong vương. Hai bộ sứ-giả cùng đi một lúc. Trong biểu đại-khái nói rằng: « Theo lời phụ-vương dặn rằng: « Sau khi chết rồi, không cần đưa về quê hương », nên đã an-táng ở làng Linh-đường phía ngoài quốc-thành, để tỏ lòng « mến cửa khuyết » của ngài ».
Vua Thanh có ý khen ngợi, bèn sai sứ-giả sang tế.
Quang-Toản làm ngôi mộ giả ở làng Linh-đường, để nhận cuộc thăm-viếng đó. Trong bài văn tế của vua Thanh có hai câu rằng:
« Chúc triều Nam-cực, hiệu trung đặc tưởng kỳ xu triều; an phách Tây-hồ, một thế vô vong ư luyến khuyết.
Tạm dịch ra rằng:
« Chúc ngôi Nam-cực, lòng trung đà tỏ trước sân chầu; yên phách Tây-hồ, trọn đời vẫn không quên cửa khuyết ».
Vua Thanh lại ban hai chữ « trung thuần » để làm tên thụy cho vua Quang-Trung và cho một bài thơ « tuất » khắc vào bia đá dựng ở cạnh mộ để tỏ ân-hậu. Cũng trong dịp ấy, vua Thanh lại phong Quang-Toản làm vua An-Nam.
Sau khi thụ-phong, Quang-Toản bãi lệnh « tín bài », tha cho hết thảy dân lậu bị bắt ngày trước đều về quê quán, thu lại lệnh bắt dân lậu, và cấm quan-lại không được quấy nhiễu dân-gian, rồi phong cậu ruột là Bùi Đắc-Tuyên làm chức Thái-sư, giao cho coi cả triều-chính.
Vì thấy Quang-Toản còn nhỏ, Đắc-Tuyên ra mặt chuyên-quyền, làm oai làm phúc, các quan văn võ đều phải nem-nép kiêng-sợ. Cái vạ của nhà Tây-sơn sau này do đó mà ra.
⁂
Vua Lê từ mùa xuân năm Kỷ-dậu chạy sang đất Tàu vẫn trọ ở thành Quế-lâm.
Mùa đông năm ấy vua Thanh theo lời bàn của bọn Hòa-Khôn, phong vương cho vua Quang-Trung, bèn cho chỉ đòi vua Lê phải vào Yên-kinh. Mùa xuân năm Nhâm-tuất, vua Lê bắt đầu lên đường, tháng năm năm ấy thì đến Yên-kinh. Các quan văn võ trước sau sang đó đều được lục-tục lên theo.
Tình-cờ vua Thanh nhân cuộc tuần-du gặp bọn Lê-Quýnh ở tỉnh Quảng-đông, liền cho đòi vào ra mắt và dụ rằng:
— Chủ bay đã xin ở lại Trung-quốc, lũ bay giốc lòng cùng theo, thì nên gọt tóc đổi đồ mặc, để đợi có khi cất nhắc.
Bọn Quýnh cùng tâu:
— Tiểu-thần ở nơi xa cách muôn dặm, theo chúa chạy trốn sang đây, xin cho được dùng quốc-tục ra mắt quốc-vương, rồi sau sẽ xin phụng chỉ.
Vua Thanh khen ngợi hồi lâu, rồi cho cả bọn theo lên Yên-kinh.
Bây giờ vua Lê cùng Thái-hậu và Nguyên-tử (con đầu) trọ ở cửa Tây-định trong thành Yên-kinh, cạnh nhà Quốc-tử-giám, trước cửa có biển đề chữ « Tây An-Nam-doanh » Các quan thì ở trong cửa Đông-trực, cạnh nhà Dương-phố, ngoài cửa có biển đề chữ « Đông An-Nam-doanh ». Ai nấy đều được cung-cấp lương ăn, đi lại tự do.
Hôm đó được tin vua Thanh sắp ra Nhiệt-hà lánh nắng, ngày mai thì sẽ khởi-hành, sáng sớm hôm sau, vua Lê liền cùng các quan thảo một tờ biểu xin quân, nhờ viên Đô-thống đội cờ Nhương-hoàng tên là Kim-Giản xin với vua Thanh cho vào yết-kiến.
Lúc xa-giá vua Thanh vừa ra, vua Lê và các quan đều quỳ ở phía tả đường. Xa-giá vua Thanh dừng lại giây lát, rồi thấy có viên thông-sỹ bảo rằng: « Hoàng-đế có chỉ khen-ngợi », Viên ấy lại giục vua Lê cùng các quan lậy tạ rồi cùng về dinh. Một lúc, thấy Kim Giản ra nói là vâng chỉ vua Thanh phong cho vua Lê làm chức Tả-lĩnh, được thế-tập, và lại ban cho áo mũ tam-phẩm. Vua Lê bất-đắc-dĩ phải nhận.
Cách mấy hôm sau, có quan nội-phủ phụng chỉ ra đòi vua Lê vào tận sân điện, ban cho bốn trăm lạng bạc, và sai người trong « bản cờ » sắp sửa sẵn cho các thứ đồ vặt; còn những bề tôi đi theo cũng được mỗi người năm trăm đồng tiền, các lệ ngạch khác, chuẩn theo người trong « Bát-cờ ».
Năm ấy, vua Lê thấy người Thanh không thể tin cậy, bèn cùng bọn Phạm Như-Tòng Hoàng Ích Hiểu, Lê-Hân, Nguyễn Quốc Đống, Nguyễn Viết Triệu, Lê Văn Trương, Lê Quí-Thích và Nguyễn Đỉnh-Cẩm người làng Hương-ngạnh, huyện Từ-liêm, Lê-Tòng người làng Tây-đàm, Lê-Thức người làng Đáp-cầu huyện Hoằng-hóa uống máu ăn thề, rồi cùng thảo biểu xin quân, nếu như không được, thì xin cho giữ đất cũ hai châu Hưng-hóa, Tuyên-quang để thờ tiên-tổ, hoặc là lẻn vào Gia-định tính cách khôi phục. Nhược bằng có sự bất-trắc xẩy ra thì cũng liều chết mà theo.
Biểu thảo xong rồi, cả bọn cùng đến nói với Kim Giản.
Kim-Giản không tiếp. Vua Lê và mọi người rập đầu xuống đất và kêu thật to.
Kim Giản bất-đắt-dĩ lại cho mời vào trong nhà, pha trà khoản đãi và bảo:
— Ngài hãy cứ về nhà trọ, rồi đây sẽ có thương-lượng.
Được hơn một tháng, thì thấy có viên quan Thanh tên là Khoa-Lan ra báo với vua Lê rằng: Hiện đã có chỉ cho ngài khu đất Khâm-châu, đợi đến mùa xuân hoa nở, sẽ về, cũng chưa muộn gì.
Vua tôi vua Lê bấy giờ vẫn đều không tin. Tháng ba năm Tân-hợi, Hòa-Khôn muốn đưa các người nước ta mỗi người ở riêng một nơi cho khỏi kêu-ca lôi-thôi, lại sai Khoa-Lan phi ngựa ra nói dối rằng: Hiện đã được chỉ chuẩn cho quốc-vương về ở Tuyên-quang, hết thảy bề tôi đi theo đều phải chỉnh-đốn áo mũ theo quốc-vương vào triều tạ ân.
Lúc ấy. bề tôi vua Lê ở bên Đông-doanh đều tin là thật, bèn theo Khoa-Lan đi vào ấn-phòng, Hòa-Khôn liền dùng khóa sắt khóa lại, rồi dùng xe trâu đưa đi khỏi ba trăm dặm, an-trí mỗi người mỗi nơi, Hoàng Ích-Hiểu đi Y-lê, Lê Hân đi Phụng-thiên, Như-Tòng đi Hắc-long-giang, Quốc-Đống đi Cát-lâm, bọn Viết-Triệu đi Nhiệt-hà và Trương-gia khẩu, chỉ để một mình Trần Thiện ở lại hầu hạ quốc-vương.
Vua Lê nghe tin, gan ruột bồn chồn, sáng sớm, cưỡi ngựa vào nhà Khoa Lan, để kêu cho các bề tôi. Chẳng ngờ tới nơi, Khoa-Lan đã đi vào chầu vua Thanh ở vườn Viên-minh. Vua Lê lại quay ngựa đi đến thẳng cửa vườn. Kẻ canh cửa ngăn không cho vào. Người dắt ngựa của vua Lê tên là Nguyễn Văn-Quyên quê ở Bố-vệ, liền phục xuống đất và kêu ầm ỹ. Người Thanh sợ rằng tiếng kêu đến chỗ vua Thanh, bèn giật lấy ngựa của vua Lê, rồi vực luôn ngài lên xe đưa thẳng về Thận-hình-ty nhốt lại. Văn Quyên lại gào inh-ỏi và quát thật lớn:
— Á đàn chó Ngô! lại dám làm nhục vua ta!
Tức thì Văn-Quyên nậy gạch ở sân ném bừa. Tả hữu giận lắm, xúm lại đập đánh Văn-Quyên gần chết, rồi cùng đưa đến giam ở ty Thận-hình, vừa đúng một tháng mới tha cho về.
Văn-Quyên bị bệnh rồi chết.
Trong lúc vua Lê ở ty Thận-hình, Hòa-Khôn sai người đến thẳng Tây-doanh, cố ép Thái-hậu thảo biểu nói rằng quốc-vương tình-nguyện ở lại Trung-thổ, cái tội xông vào cửa khuyết làm sự huyên-náo là tại các người bề-tôi. Biểu đương thảo dở thì viên giám-thần là Nguyễn Trọng-Đắc trông thấy, liền giằng bản giáp sé đi và nói:
— Bị người ta lừa, ấy là đưa các bề tôi tới chỗ chết. Thì làm thế nào?
Người Thanh lại bắt Trọng-Đắc phải về Tây-doanh. Rồi cấm hai dinh không được đi lại với nhau.
Một hôm, con trai vua Thanh là tước-vương thứ sáu, nhân lúc lui triều đến nhà Hòa-Khôn. Tình-cờ nhắc đến nước An-Nam, tước vương thứ sáu có bảo Hòa-Khôn:
— Vua tôi họ Lê có nạn chạy sang bên này, cầu cứu không được, cũng nên thương tình. Chắc bọn bề tôi ông ta cũng đều là hạng trung-nghĩa. Nay họ không có tội gì, mà đều bị giam ở các nơi xa, thì rồi những nước ngoại-di sẽ bảo Trung-quốc ra sao?
Khôn đáp:
— Đó là chỉ của Hoàng-thượng, không phải là việc vương-gia nên biết.
Tước-vương thứ sáu lại nói:
— Hoàng-thượng tuổi già, quyền-hành thiên-hạ đều ở trong tay quốc-lão, quốc-lão xử-trí các việc phải hay không phải, quan-hệ chẳng phải là nhỏ. Ta đây sao lại có thể không biết?
Khôn vốn cậy được vua Thanh yêu mình, liền đáp lại bằng giọng vô-lễ. Tước-vương thứ sáu giận lắm, tức thì vác chiếc bàn cờ đánh Khôn. Cả đám đều phải hết sức can ngăn mới cứu được Khôn. Tước vương thứ sáu chửi mắng một trận rồi ra.
Hôm sau, Hòa-Khôn hậm-hực vào triều kêu với vua Thanh, vua Thanh cả giận, tức-khắc cho đòi Tước vương thứ sáu vào điện và muốn tự mình đánh lấy. Các-thần tên là A-Lầm rạp đầu xuống đất cố can. Vua Thanh mới thôi, bèn bắt tước-vương thứ sáu nằm xuống sân điện, rồi cho người khác đánh thay.
Tước-vương thứ sáu khi bị đòn, tức giận thành bệnh. Cách mấy hôm sau, bệnh lại càng nặng, tước-vương thứ sáu cho gọi tước-vương thứ tám, tước-vương mười một, tước-vương mười bảy đến nhà và dặn:
— Trong ba các em, chưa biết sau này Hoàng-thượng lập ai. Nhưng mà ai được nối ngôi, cũng trừ bỏ tên gian-tướng đi, chớ có để nó, gây lấy mối lo cho xã-tắc.
Ba người nghe rồi, đều lạy hai lạy xin vâng lời.
Sau đó Tước-vương thứ sáu qua đời.
Vua Lê từ đó không dám nhắc đến chuyện xin quân, trong bụng lúc nào cũng vẫn bực tức.
Tới năm Nhâm-tý, mùa hè, Nguyên-tử lên đậu rồi mất. Vua Lê lại càng lo-nghĩ, dần dần thành bệnh, lệt-bệt không dậy được. Năm sau, bệnh lại càng nặng, các người bề tôi phải đi an-trí các nơi, nghe thấy tin đó, đều có dâng biểu hỏi thăm.
Bấy giờ gia-đồng của Lê Như-Tòng có người tên là Lê-Vượng vì có vất-vả về sự hầu-hạ, vua Lê bèn nhận làm con nuôi mình và cho tên là Duy-Khang để giữ hương-hỏa của đức Hoàng-khảo. Chẳng bao lâu, bệnh ngài đã thấy nguy-kịch, vua Lê bèn đòi các viên thị-thần vào dặn:
— Ta gặp phải lúc vận nhà không hay, không thể giữ được xã-tắc, siêu-bạt ra đất nước người, để hòng tính việc khôi-phục. Không ngờ lại bị kẻ gian lừa dối, uất-ức cho đến bây giờ mang hận mà đi, đó cũng do ở lòng trời. Sau này, các ngươi nếu có được về nước nhà, cũng nên đèo nắm xương tàn của ta cùng về, và đem chôn ở cạnh lăng liệt-thánh cho tỏ lòng ta. Các ngươi đều phải nhớ lấy lời ta nói cho các người khác cùng biết.
Mọi người đều khóc, vái lạy và xin vâng lời.
Vua Lê tắt nghỉ. Bấy giờ là ngày 16, năm Quí-sửu, tức năm thứ 58 hiệu Kiền-long nhà Thanh. Vua Lê lúc ấy mới 28 tuổi.
Vua Thanh được tin vua Lê tạ thế bèn sai dùng lễ tước công an-táng ở khu Quảng-lăng ngoài cửa Tây-trực, chỗ đất rộng chừng ba mẫu, bên ngoài cũng có tường ngăn; và sai các người đi theo đều phải theo lễ mà chế áo trở; rồi cho Duy-Khang nối chức Tả-lĩnh.
Nguyễn Viết-Triệu ở Nhiệt-hà tiếp được hung-tin vua Lê, liền đặt bài-vị lên cúng rồi mới để trở. Giữa khi gào khóc cực-kỳ thảm-thiết. Viết-Triệu tự-nhiên ngã quay xuống đất, được chừng vài ngày thì phải bệnh chết.
Đầu hiệu Gia-khánh nhà Thanh, hết trở vua Lê, Thái-hậu thấy các bề tôi đi theo, ai nấy trơ-trọi khổ-sở, mà cũng chưa biết ngày nào được về, mới dâng tờ biểu xin cho mọi người đều được lấy vợ. Vua Thanh ưng lời, bèn cho mỗi người tám lạng bạc và 35 đồng tiền lớn để làm lễ cưới; và truyền ai ở chỗ nấy, yên phận giữ chức-nghiệp của mình.
⁂
Ở bên nước nhà, từ khi vua Ngụy[2] Tây là Quang-Toản tuổi trẻ nối ngôi, Đắc-Tuyên giữ mãi chính-quyền, hình ngục phiền nặng, trong ngoài trái-lìa, Nam-hà Bắc-hà đều nhộn nhạo, lòng người không vững. Mà quân của hoàng[3] triều từ năm mậu-thân lấy lại thành Gia-định, năm canh-tuất lấy lại hai phủ Bình-thuận Diên-khánh, tự đó trở đi luôn luôn ra đánh mặt Bắc, thanh-thế rất mạnh, mười ba « tuyên » ở Bắc-hà cũng đều nghển cổ đợi quốc-triều phục hưng, sự thắng bại của người Tây, thức-giả đều trông thấy, riêng có vua tôi Quang-Toản thì vẫn không biết.
Năm Quí-sửu, đại-quân hoàng-triều cả thủy lẫn bộ, từ thành Gia-định kéo ra đánh vua Tây là Nguyễn-Văn-Nhạc ở thành Qui-nhân. Tướng-sỹ của Nhạc vì chiến-tranh nhiều mà bị mỏi-mệt hao mòn, thế dần cùng-ngặt, Nhạc mới sai người đến chỗ Quang-Toản cầu cứu. Toản bèn họp các triều-thần dụ rằng:
— Ta nghe « môi hở răng lạnh, môi còn răng ấm ». Vua bác nay đương có nạn mà sự chống-giữ của ngài thì đã yếu-đuối, không thể không cứu.
Rồi Toản cho Đô-đốc Nguyễn-Quang-Diệu làm chức Đại-tổng-quản, dẫn quân vào cứu Nhạc. Quân quan[4] lại về.
Tháng tám năm ấy Nhạc mất, con cả là Quang-Thiệu nối ngôi, Diệu nhân chia quân giữ thành, tiếng là cứu viện, thật ra thì là thôn-tính ngấm ngầm.
Năm sau tức năm giáp-thân, Quang-Toản lại sai Đắc-Tuyên làm chức Tán-nghị, đi vào Qui-nhân, cùng Thiệu đóng giữ thành ấy, mà cho Quang-Diệu làm chức Thống suất lĩnh đại-quân đuổi theo quân quan, đánh thành Nha-trang. Từ Lê Văn-Trung trở xuống tất cả bẩy tướng đều được gia phong làm tước quận-công quản-binh và theo tiết-chế của Diệu. Diệu vào xát Nha-trang, du-binh đã kéo đến vùng Bình-thuận, quân quan hết sức chống giữ, Diệu không đánh nổi. Lúc đó người Tây luôn-luôn lại lấn, hai bên giữ nhau thường đến hàng năm. Thình-lình Diệu nghe tin cha con Đắc-Tuyên và Văn Sở đều bị bọn Tư-đồ Dũng và Thái-bảo Hóa giết hại, lập-tức gấp đường rút quân trở về, hợp mưu với các tướng tá, định dùng quân-lực bắt hiếp bọn Dũng.
Nguyên là từ khi Quang-Toản mới nối ngôi vua đến nay, Đắc-Tuyên vẫn nắm quyền chính, Văn-Sở thì đóng ở thành Thăng-long, tóm coi công việc quân dân, được tiến chức Đại-đổng-lý, tước quận-công. Năm ấy lại sai Đại tư-đồ Dũng ra coi binh mã bốn trấn mặt Bắc. Dũng đến nhà trạm Hoàng-giang gặp Trung-thư-lệnh là Trần-Văn-Kỷ phải tội bị đầy ở đó. Đêm ấy Dũng ngủ với Kỷ, Kỷ bảo Dũng rằng:
— Thái-sư nay đã lên đến tột bậc kẻ bề tôi, trong tay cầm quyền làm oai làm phúc, thế mà ông lại ra ngoài, nếu có sự chẳng lợi cho nước nhà, các ông phỏng giữ được đầu cổ chăng? Bây giờ chẳng sớm liệu đi, sau này ăn-năn sao kịp?
Dũng vốn tin-trọng Văn-Kỷ, liền cho lời Kỷ là phải. Hôm sau, Dũng đem quân bản-bộ gấp đường quay về, lập mưu với Thái-bảo Hóa, bắt đảng Đắc-Tuyện bỏ ngục, và cho người vào Qui-nhân bắt nốt Đắc-Tuyên, rồi sai Đô-đốc Giai ra thành Thăng-long, lập mẹo bắt Ngô-Văn-Sở đưa về, thêu dệt cho thành phản-trạng và đem dìm cho chết đuối. Quang-Toản không thể ngăn nổi, chỉ ứa nước mắt khóc lóc mà thôi. Giết xong bọn Đắc-Tuyên, Dũng lại sai Hóa kéo vào giữ thành Qui nhân, Bấy giờ Diệu ở Nha-trang, được tin, đêm ngày lo nghĩ, chỉ sợ vạ lây đến mình, bèn bảo các tướng:
— Nhà vua không cứng, đại-thần giết lẫn nhau, sự biến-loạn không gì lớn hơn thế nữa. Nay hãy kéo về giẹp yên cuộc biến bên trong, rồi sau lại đi. Như thế phỏng có nên chăng?
Các tướng đều nói:
— Xin theo mệnh-lệnh.
Ngay bữa đó, Diệu giải vây cho thành Nha-trang, dẫn quân về thành Qui-nhân. Hóa nghe tin, tự đến tạ tội. Diệu lờ đi không hỏi. Quân tới An-cựu, Diệu đóng đồn ở bờ bên Nam, Dũng cũng cùng bọn Nội-hầu Tứ đốc quân bản-bộ đóng đồn ở bờ bên Bắc, dùng mệnh nhà vua chống lại với Diệu. Quang-Toản cả sợ, lập-tức sai viên trung-sứ, đi ra úy-dụ, hòa-giải, Diệu mới đem bọn tả hữu vào ra mắt Toản, cùng Dũng giảng-hòa, lại xin cho Lê-Văn-Trung thay Hóa đóng giữ Qui nhân mà vời Hóa về.
Khi đó những kẻ tả hữu của Toản đêm ngày gièm Diệu, nói rằng uy-quyền của Diệu lớn quá, rồi đây sẽ có mưu khác. Toản tin là thật, liền sai thu lại binh-quyền của Diệu, bắt Diệu phải giữ chức cũ, hàng ngày vào chầu Diệu với Lê Văn-Trung mọi ngày rất tương-đắc, bèn đưa mật-thư ra Qui-nhân, hẹn Trung cất quân lập Quang-Thiệu làm vua, mà bỏ Quang-Toản. Trung theo lời, tức thì kéo quân về, rồi xin Quang-Thiệu đưa thân-quân tiếp-ứng cho mình.
Quân Trung về đến Quảng-nam, trong ngoài khiếp sợ, Toản sai quần-thần bàn cách đối-phó. Mọi người đều nói: « Muốn Trung lui quân, phi Diệu không xong », Toản liền sai Diệu phải đi. Văn-Trung không báo tin với Quang-Thiệu, tự mình cưỡi ngựa theo Diệu về ra mắt Toản. Quang-Thiệu kinh sợ, liền rút quân và voi về Qui-nhân, đóng chặt cửa thành cố giữ.
Toản đã sai tướng đi đánh, mấy tuần không được, bèn tự mình làm tướng đốc quân đến vùng Lê-giang. Thái-phủ Mân bảo Toản:
— Cuộc loạn Quang-Thiệu do ở Văn-Trung gây ra Tội đó không thể tha, xin phải giết ngay, để răn kẻ khác.
Toản lấy làm phải, bèn sai vời Trung vào dinh, truyền lệnh võ-sỹ trói lại đem chém, Rồi Toản úy-lạo tướng-sỹ, truyền lệnh tiến đánh Qui-nhân, chừng mười ngày hạ được thành bắt được Quang-Thiệu, bèn để Mân ở lại giữ thành Qui-nhân, giam Quang Thiệu đem về, và dùng thuốc độc giết chết.
Nhà Tây-sơn từ khi Văn-Nhạc chiếm giữ Qui-nhân, nhằm năm mậu-tuất, tức là năm thứ 39 hiệu Cảnh-hưng, tự xưng Thiên-vương, đặt hiệu năm là Thái-đức, đến năm canh-tý lại xưng hoàng-đế, lập Quang-Thiệu làm thái-tử, tới năm quí-sửu Nhạc qua đời, Thiệu lên nối ngôi, được năm năm, đến năm mậu-ngọ thì mất, tất cả là 21 năm.
Quang-Toản đã giết Văn-Trung, rể Trung là Lê-Văn-Chất có ý nghi-sợ, bèn phản Tây-sơn, xuống Nam đi vào Gia định, đầu hàng Hoàng[5] triều, Hoàng-triều sai coi toán quân ngự lâm.
Trước kia, Chất thờ Quang-Toản, vì sự đánh giẹp mà được hiển hách, làm đến chức Đại-đô-đốc. Tới lúc Văn-Trung phải chết, Chất tự bỏ quân đi trốn. Thái-phủ Mân sợ Chất làm loạn, tầm nã rất gấp. Chất có một người đầy-tớ nghĩa-hiệp, ăn mặc giả như hình dáng của Chất, vào trong khe núi tự-tử, để Chất khỏi bị đuổi bắt. Chẳng bao lâu, Mân biết là sự lừa dối, treo thưởng tìm Chất càng ngặt, Chất bất-đắc-dĩ phải đến cửa quân của Mân xin thú. Mân sai Chất coi quân Tiền-phong, đợi lệnh sai-phái, thật ra thì muốn có dịp sẽ dùng quân-luật mà giết. Chất biết ý đó, bèn dụ tướng tá đem cả quân voi vào Nam, dâng biểu xin hàng. Sau đó, Chất vâng mệnh dẫn quân đánh nhau với Mân, Mân bị thua to, chạy vào trong rừng trốn mất, quân voi khí-giới đều bị Chất lấy hết cả. Quang-Toản nghe tin báo, lại sai Đại-tư-đồ Vũ Tuấn đem quân tới trấn, chiêu-họp quân tàn đóng giữ. Khoảng năm canh-thân, quân quan vượt bể ra đánh, sức Tuấn không thể chống nổi, bèn đem cả thành đầu hàng, Hoàng-triều bèn đổi thành Qui-nhân làm trấn Bình-định sai Chưởng hậu-quân là Tính-quận-công Nguyễn-Đình-Tính đem quân đóng giữ, có viên Lễ bộ thượng-thư Ngô-Tòng Chu làm chức hiệp-trấn giúp-đỡ các việc. Được vài tháng, Quang-Toản sai Thống-suất Diệu và Tư đồ Dũng đốc-suất các đạo thủy bộ vào đánh Diệu coi quân bộ, Dũng coi quân thủy, hai mặt hợp sức đánh lại. Quân quan hết sức chống cự, bọn Diệu không sao đánh nổi, Dũng bèn dùng ba chiếc tầu chiến lớn chắn ngang cửa biển Qui-nhân, trên tầu có lập chòi trại, bầy súng lớn, phía trong vây bằng vài trăm chiến thuyền, đốc-suất quân thủy quân bộ canh giữ, đề phòng quân ngoài đến cứu. Năm sau, bị quân quan đánh tan, chiến-hạm chiến thuyền đều bị đốt cháy. Dũng phải lên bộ, dẫn ít tàn-quân mà chạy, rồi hợp với Diệu.
Người Tây đã mất đường thủy, bèn cố đánh thành Qui-nhân, họ đắp lũy đất núi đất ở khắp bốn bể, để đứng ở trên bắn vào trong thành, và lại dựng ra rất nhiều đồn trại, chứa chất lương quân làm kế ở lâu. Bên này quân quan canh giữ cũng rất cẩn-mật.
Bọn Diệu đánh thành Qui-nhân không được, Quang-Toản rất lấy làm lo. Lúc đó lại có những người đạo-trưởng[6] của đạo Gia-tô ở Tây-dương đi khắp trong nước dụ bọn đạo-đồ làm loạn[7], các nơi nổi lên như ong, Quang-Toản sai nã các chùm-trưởng của họ đem giết, triệt các nhà giảng, hủy các tượng ảnh, và đốt sách Tây của họ. Còn những đạo-đồ, khi đã bị bắt liền sai dẫm chân lên ảnh[8] thì tha, kẻ nào không chịu, thì phải xung làm tượng-quân, cắt cỏ cho voi ăn. Bởi thế, những người oán tức, xui-giục lẫn nhau, đâu đâu cũng thấy náo-động. Lại thêm quân quan luôn năm ra đánh, thanh thế lừng lẫy. Nhân dân các trấn thấy gió Nam nổi, cùng bảo nhau rằng: « Chúa cũ ra rồi » Bấy giờ quốc-triều cho rằng: tướng mạnh quân giỏi của người Tây đều ở Qui nhân, chỉ có Quang-Toản ở lại giữ thành Phú-xuân, bèn đốc hết quân thủy và hơn nghìn chiến-thuyền, tức-khắc theo ngọn gió Nam, vượt biển ra Bắc, tinh-cờ chói nắng, chiêng trống vang trời, xông thẳng vào đánh cửa bể Thi-nại. Tướng Tây là Phụ-mã Trị đem hết quân lính chống giữ, nhưng không địch nổi, quân Tây tan vỡ. Quang-Toản nghe tin lại đốc tất cả tướng-sỹ, tự mình cầm quân kéo ra cự chiến. Gần trưa, Toản bị đại bại, quân quan tiến lên, lấy lại đô-thành, hôm đó nhằm ngày mồng ba tháng năm năm tân dậu, tức là năm thứ 24 khi vua Thế-tổ Cao-hoàng-đế bản-triều[9] nhiếp chính.
Quang-Toản đã thua, liền đổi đồ mặc, cùng vài viên quan hầu cưỡi trạm chạy ra phía Bắc. Đến Nghệ-an, chỉ ở vài ngày, rồi lại ra luôn Thăng-long hội-họp tướng-sỹ bàn cách chống giữ. Tháng sáu năm ấy, Trấn-thủ Nghệ-an Nguyễn-Thận sai người báo tin thuyền rồng ba tầng vô-cố tự đổ. Những người nghe tin đều cho là điềm chẳng lành.
Sang đầu mua thu, Hưng-quân Tường-quang hầu và Điều-bát Đoan-ngọc hầu vâng chỉ kéo quân theo hai đường Hương-sơn Chấn-ninh ra đánh, để quấy rối trấn Nghệ-an. Nguyễn-Thận sai tướng đánh lại, nhưng mà quân Tây thua luôn. Sau vài ngày, Tường-quang-hầu vì mưa dầm không thể ở lâu, bèn đem thuyền cũ cắm ở cửa sông Hương-sơn, đầu và đuôi thuyền, đặt những người kết bằng cỏ có mặc áo giáp cầm kích, trong thuyền thắp mấy đọi đèn, để cho quân nghi-ngờ, rồi lừa ban đêm đốc quân bản-bộ dùng thuyền nhỏ xuôi giòng xuống Đông, ra cửa Nam-giới (?), trông mặt khơi về Nam. Lúc người Tây biết, quân Tường-quang hầu đi đã hai ngày rồi.
Đoan-ngọc-hầu ở Chấn-ninh cũng tự thu quân theo lối thượng-đạo về kinh-sư
Tháng tám, Quang-Toản ở Thăng long hạ dụ vỗ-về quân dân các trấn, rồi đổi niên-hiệu làm năm đầu hiệu Bảo-hưng. Mùa đông, tháng mười một, Quang-Toản lại đốc quân voi bốn trấn Hải-dương, Sơn-tây, Sơn-nam, Bắc-ninh (?) và hai trấn Thanh-hoa Nghệ-an, tự mình cầm quân vào đánh. Nhưng mà bất-lợi, lại phải rút về.
Mùa xuân năm nhâm-tuất, quân quan qua sông Đại-linh tiến đánh châu Bố-chính, quân Tây đóng thú ở đồn Tam hiệu (?) bị vỡ, phải chạy về dinh Hà-trung trong hạt Kỳ-anh.
Tháng năm năm ấy, Hoàng-triều hạ chiếu đổi niên-hiệu là năm đầu hiệu Gia-long, ban dụ cho khắp quân dân Nam-hà, Bắc-hà được biết. (Từ năm thứ 49 hiệu Cảnh-hưng tức năm bính-ngọ trở đi, quốc-triều vẫn dùng niên-hiệu Cố-Lê, năm nay, lúc trước còn gọi là năm thứ 63 hiệu Cảnh-hưng, đến giờ mới đổi làm năm đầu hiệu Gia-long).
Tháng ấy, trong thành Qui-nhân hết lương, quân quan đều đói mệt. Tham-tán Ngô Tòng-Chu tự uống thuốc độc chết trước, rồi Tình-quân công cũng đốt mình chết sau, mấy vạn tướng sỹ hết thảy ra thành xin hàng. Diệu nhận cho hàng.
Sau khi vào thành, Diệu bàn với bọn tướng tá kéo quân về đánh kinh-thành. Mấy bữa sau, quân Diệu đi hết địa-giới Qui-nhân thì bị Phó-tướng Đắc-Lộc chặn lại. Nguyên tự năm ngoái, sau khi lấy lại Kinh-thành, Đắc-Lộc vâng mệnh tới đó đặt đồn cắm trại, phòng sự xung-đột của quân Tây, Lúc ấy, Diệu dẫn quân đến đó, đánh phá nửa ngày, không thể hạ được, quân Diệu bị quân quan bắn sang, xác chết người đau gối nhau mà nằm. Không thể sao được, Diệu bèn đem cả quân voi dọn núi mở đường, đi sang biên-giới Ai-lao định ra Nghệ-an. Hoàng-triều nghe tin tức thì cắt đặt các tướng lĩnh quân thủy bộ, hẹn ngày kéo ra phía Bắc. Ngày 28 tháng ấy, quân thủy đi tới cửa biển Đan-nhai ở trấn Nghệ-an, tiến vào đánh đồn Quần-mộc, phá được đồn ấy. Luôn đó, quân bộ cũng tới phía Nam sông Thanh-long, nổ ba tiếng súng, rồi vượt sang bờ phía Bắc. Hai mặt thủy bộ đều tiến, quân Tây kinh sợ tan vỡ, quân quan tiến lên, cướp được kho thóc Kỳ-lân, kéo cờ phấp-phới. Trấn-thủ Nguyễn-Thận, Hiệp-trấn Nguyễn-Chiêm và Thống-lĩnh Đại, Thiếu-úy Đằng bỏ thành chạy ra đồn Lý (?). Chiêm tự thắt cổ, Thận thì chạy ra Thanh-hoa, quân quan lấy được thành Nghệ-an.
Diệu ở Qui-hợp về đến địa-giới Hương-sơn, nghe tin Nghệ-an đã vỡ, bèn qua đò Thanh-chương sang sông Thanh-long, theo lối trên Nam-đường chạy ra Thanh-hoa, tướng sỹ đi theo, dần dần tản-mác, quân-quan đuổi theo, bắt sống được Diệu.
Tháng sáu, quân-quan tiến ra đánh thành Thanh-hoa, em Quang-Toản là Đốc-trấn Bàn và bọn Thận, Đằng đều hàng. Ngày 18, xa-giá đến thành Thăng-long, truyền lệnh các quân tiến đánh, quân Tây cả vỡ. Quang-Toản bỏ thành, cùng Quang-Thùy và Đô-đốc Tú vượt qua Nhị-hà chạy lên mạn Bắc, Thùy tự thắt cổ, Tú và vợ cũng tự thắt cổ, Quang-Toản cùng các bề tôi bị thổ-hào Bắc-ninh (?) bắt được, đóng cũi đưa đến trước quân. Quan lại các trấn hoặc trốn hoặc hàng không ai dám chống.
Giặc Tây[10] giẹp xong, xa-giá ở lại Thăng-long, hạ chiếu yên dân, chia đặt các quan văn võ các trấn, và giáng chỉ vời các văn võ cố-lão triều Lê, hỏi về công-việc Bắc-hà nên làm thế nào, tha bớt thuế dịch, bỏ sự phiền hà, chiếu sổ « thường-hành » của người Tây, cứ bẩy suất đinh lấy một tên lính, lập ra những hiệu « năm dinh » « mười cơ ». Vài tháng sau, xa-giá về kinh, sửa lễ cáo miếu dâng tù, đem Quang-Toản và các bề tôi giết cả một lượt, rồi bố-cáo khắp trong nước.
⁂
Từ khi Thái-mẫu Cố-Lê chạy sang đất Tàu, ở tại An-Nam Tây doanh, được bốn năm thì Nguyên-tôn[11] mất, năm năm thì vua Lê mất, các người tòng vong, đều bị Hòa Khôn đầy đi các nơi, chỉ có Thái-hậu và Duy Khang ở lại Yên kinh mà thôi.
Nước cũ quê người, tơ sầu muôn mối, mưa xuân sương thu, lệ thảm đòi cơn! Người với các viên thị-thần thường thường vẫn muốn dâng biểu xin về nước nhà, nhưng vì đất nước đương bị Tây-sơn chiếm cả, đành phải nuốt-hận mà thôi.
Đến năm kỷ-vị, tức năm thứ tư hiệu Gia-khánh nhà Thanh, Thái-hậu lo-nghĩ thành bệnh, mất ở An-Nam doanh. Vua Thanh giáng chỉ sai quan bộ Lễ trông coi việc tang, rồi đem quan-tài quàn tạm ở chỗ lăng của vua Lê.
Trước đó, từ năm ất-mão, tức năm thứ 60 hiệu Kiền-long, vua Kiền-long đã nhường ngôi vua cho con thứ mười một, tức vua Gia-khánh. Sau khi lên ngôi, vua Gia-khánh tôn vua Kiền long làm Thái-thượng-hoàng. Nghĩ lại lời dặn của anh thứ sáu, vua Gia-khánh có ý muốn giết Hòa Khôn, nhưng vì y là người mà Thượng-hoàng vẫn yêu, nên vua Gia-khánh chưa dám hạ lệnh làm tội. Mùa xuân năm ấy, Thượng hoàng mất, vua Gia khánh tức thì sai bắt Hòa-Khôn, cho được tự-tử và tịch biên tất cả gia-tài.
Sau khi Hòa-Khôn bị giết, một hôm, vua Gia-khánh tình-cờ cùng bọn thị-thần bàn đến việc của vua cũ An-Nam, ngài cũng có ý thương-hại, liền truyền đòi các bề tôi nhà Lê, cho về ở trong xưởng Lâm-thần, ban ơn rất hậu, đầu tóc quần áo cho được tùy tiện.
Năm thứ tám hiệu Gia-khánh nhà Thanh là năm quí-hợi, tức năm thứ hai hiệu Gia-long bên ta, nhà Tây-sơn đã bị diệt, Quốc-triều sai sứ sang Tàu dâng biểu trần-tình và xin phong vương. Các người bề tôi nhà Lê lưu-lạc ở Tàu nghe thấy tin đó, bèn vào bẩm với « các-thần », xin đem linh-cữu vua cũ và Thái-hậu về nước an-táng. Viên các-thần đem những lời ấy tâu lên. Vua Thanh ưng ý, liền hạ chiếu-chỉ cho đưa vua cũ An-Nam về nước, và cho các người bề tôi tòng-vong đều được về quê, lại bắt quan lại cấp bạc cho hết mọi người.
Viên tả-lĩnh được mười lạng, viên kiêu-kỵ được tám lạng, từ lĩnh-viên trở xuống, kể cả đàn ông đàn bà, người lớn năm lạng, trẻ con ba lạng; và bắt tỉnh-thần ở dọc đường tự-cấp giúp-đỡ, đưa ra khỏi ải.
Tháng giêng năm ấy, các người tòng-vong ra mở quan-tài vua Lê, da thịt nát hết, duy có trái tim không nát, sắc máu hãy còn hồng-hồng. Tính từ khi quàn đến bây giờ vừa mười hai năm. Mọi người trông thấy đều lấy làm lạ và đều than-thở ngậm-ngùi..!
Rồi mở đến hai quan-tài Thái-hậu và Nguyên-tử, nhặt lấy hài-cốt, Di-hài của Nguyễn Viết-Triệu và Nguyễn Văn-Quyên cũng được bốc đem về nước. Mười ba tháng tám thì về đến ải.
Hoàng-phi Nguyễn Thị Kim nghe thấy tin đó, liền từ Kinh-bắc lên ải để đón linh-cữu. Ngay từ bữa ấy, Hoàng-phi bỏ không ăn cơm, mỗi ngày chỉ húp lưng chén cháo, gục bên linh-cữu gào khóc rất thảm.
Ngày hai mươi ba tháng tám, về đến Thăng-long, các quan dựng tòa tế-cung ở nhà Diên-tự công, và đưa linh-cữu vua Lê vào đó, Hoàng phi cả ngày chỉ ăn độ vài gióng mía.
Ngày 12 tháng chạp. các quan thay hài-cốt vua Lê ở quan-tài sang một chiếc tiểu, thấy trái tim vẫn còn y-nguyên. Tế xong, Hoàng-phi đến tận trước án khóc rất thảm-thiết, rồi bảo Diên-tự-công rằng:
— Ta nhẫn-nhục ở nơi thôn-quê kể đã mười lăm, mười sáu năm trời, không phải không có ngày nào chết được. Chỉ vì Thái-hậu, vua ta, con ta vẫn ở bên Tàu, âm-tín không thông, còn mất không rõ, nên ta còn đợi. Nay Thái-hậu và vua ta đã mất, con ta cũng chết, linh-giá đã về nước nhà, thế là việc ta xong rồi, ta nên chết theo, để xuống hầu-hạ sơn-lăng mới phải.
Rồi Hoàng-phi liền uống thuốc độc tự-tử.
Xa gần nghe chuyện, ai cũng thương xót, sứ Tàu thấy nói cũng phải than-thở khen ngợi.
Qua ngày 13, các quan mới dùng quan-quách, khâm liệm thi-thể Hoàng-phi, Rồi ngày 28, đưa các linh-giá xuống thuyền. Tới ngày 24 tháng một, mới đến Thanh-hoa, các quan làm lễ ninh-lăng, an-táng vua Lê; còn Thái-hậu Hoàng-phi và Nguyên-tử thì đều phụ-táng cạnh lăng Hiển-tôn trên núi Bàn-thạch. Nguyễn Viết-Triệu và Nguyễn Văn-Quyên cũng được tùy-táng ở đó.
Từ khi linh-cữu vua Lê về đến Nam-quan, Duy-Khang bái-biệt ở trước quan-tài, rồi đi về nẻo Lạng-sơn.
Lê-Hân vào đến Thanh-hoa thì bị bệnh chết. Vợ Hân là người Tàu đưa quan-tài chồng về tại quê chồng ở làng Nộn-hồ, huyện Nam-đường, trấn Nghệ-an, tìm họ nhà chồng giao cho an-táng. Rồi nàng ở đó không về Tàu, nuôi người cháu họ của Hân làm con nuôi, thủ-tiết đến năm tám mươi mới mất.
Trong bọn tòng-vong, ai về quê nấy, duy có Trịnh-Hiến lại ra làm quan với nhà Nguyễn, rồi sau về làng, vì việc tài-sắc, bị kẻ cừu-gia giết chết.
Sau khi an-táng Hoàng-phi, cả nước và người Tàu đều khen là bậc tiết-nghĩa. Bắc-thành tổng-trấn là Thành Quận-công[12] bèn đem việc đó tâu về trong triều. Vua Gia-long có sai lập đền ở quê Hoàng-phi là làng Tùy-hà trong huyện Lang-tài trấn Kinh-bắc, để thờ Hoàng-phi, lại có ban cấp ruộng tế và tha thuế cho cả làng đó để cung về việc hương-đăng thờ cúng, và có lập bia ghi rõ tiết-hạnh của Hoàng-phi.
HẾT
Cùng bạn đọc.
Hoàng Lê Nhất thống bằng chữ Hán không có bản in. Cuốn sách mà tôi đã dùng để dịch tập này lại là bản sao, không phải bản chính của Ngô-gia văn phái. Bởi sự sao chép cẩu-thả, nên bản sao đó còn có nhiều chỗ lầm lộn. Tuy đã hết sức cân-nhắc so sánh nhưng tôi không dám chắc rằng trong bản dịch này đã khỏi sai xuyễn, nhất là những chữ thuộc về tên đất tên người.
Vậy mong các bạn đọc, nếu thấy chỗ nào sai-lộn, viết thư về nhà xuất-bản mà chỉ giáo cho, để khi tái-bản sửa lại, tôi rất cảm ơn.
- ▲ Nghĩa là « ruột xe gẫy trục nhiều chuột đồng ». Trong Hán-văn chữ « xa » với chữ « tâm » hợp lại, thì là chữ Huệ, tức là tên vua Quang-Trung, chuột thuộc về tý, tức là năm tý. Câu này ý nói năm tý vua Quang-Trung chết. Nhưng đó là sự bịa đặt của người sau, không thể tin được.
- ▲ Dịch theo nguyên-văn, các chữ « Ngụy tây » sau đây cũng vậy.
- ▲ Dịch theo nguyên-văn, tức Nguyễn-triều, các chữ hoàng-triều sau đây cũng vậy.
- ▲ Dịch theo nguyên-văn.
- ▲ Dịch theo Nguyễn-Văn.
- ▲ Tức là giáo-sỹ giám-mục, linh-mục.
- ▲ Một việc rất nên chú ý trong lịch-sử cậu-đại.
- ▲ Tức là ảnh ông Giê-xu, hay bà Ma-ri-a.
- ▲ Tức vua Gia-long.
- ▲ Dịch theo nguyên-văn.
- ▲ Tức là con trai vua Chiêu-thống
- ▲ Tức Nguyễn Văn-Thành.