Hoàng Lê nhất thống chí/XVIII
XVIII
Tham-tri chính-sự Lê Duy-Đản và phó-đô ngự-sử Trần Danh-Án theo đường núi đến châu Hòa-lạc thì gặp du-binh của tướng Tây-sơn là Đô-đốc Nguyễn Văn Điếm đi tuần, xét hỏi rất ngặt, người nào không có « văn bằng » đều bị bắt giữ.
Hai người bèn ăn mặc giả làm lái buôn, theo bọn Khách-trú men núi đi tắt sang Tàu, rồi nhờ tên lính và viên quan giữ ải đưa đến dinh phủ Thái-bình. Bọn Đản lạy rạp dưới sân và nói:
— Kinh-thành nước tôi tự năm Bính-ngọ bị giặc Tây-sơn là Nguyễn-Huệ đánh phá, rồi vua nước tôi mất đi, người cháu nối giòng lấy cớ là người phái trưởng phải lên làm chủ công việc tế-tự. Mùa đông năm ngoái tức năm Đinh-vị, Huệ lại sai tướng ra đánh, Tự quân chúng tôi phải trốn. Bề tôi lớn nhỏ, người nào lẩn núp ở vùng núi bể, đều bị hắn sai tầm-nã, người nào muốn đi ra ngoài, cũng đều bị hắn đón đường ngăn-cản, bắt được là giết. Tự-quân chúng tôi trước đã chạy về Sơn-nam, cùng một, hai người bề tôi họp tập dân quân tính việc khôi-phục, nhưng lại bị hắn đánh cho phải chạy vào trấn Thanh-hoa. Nay vì bọn dân chuộng nghĩa quí-mến chúa cũ, đều muốn Tự-quân chúng tôi lẻn về phía bắc sông Nhị; đem hết các việc tâu với Thiên-triều, mong rằng Thiên-triều thương đến hạ-phiên, đem quân cứu-viện, thì sẽ có thể khởi sự ngay ở trong nước để nhờ oai trời dồn đuổi các tay nghĩa-sĩ, thế mới có cơ lấy lại nước cũ. Bây giờ Tự-quân chúng tôi hiện đóng ở huyện Phượng-nhỡn, có sai chúng tôi cất lẻn sang đây. Đường đi đến ải, tính ra chỉ có bốn ngày, chúng tôi vì sợ quân giặc đón bắt, phải đi vòng ra lối khác. Trèo đèo vượt suối đến hơn một tháng mới tới được đây. Cúi xin nghĩ lại: nước tôi làm tôi Thiên-triều hơn ba trăm năm, công việc cống-hiến không hề dám để đứt quãng, chẳng may một chốc bị kẻ khác chiếm cứ, xã-tắc hóa ra gò bãi. Người ta hễ đến lúc cùng thì đều quay về chỗ « gốc », không thể không gọi ông trời mà kêu. Đức hoàng đế là vua của hạ quốc, các vị đại-hiến là người giúp việc nhà trời, muôn mong các ngài thương xét lấy chốn xa-xôi hoang-rậm, dấy lại nước đã mất, nối lại giòng đã tuyệt, khiến kẻ cống-thần họ Lê được đội hồng-phúc của trời.
Bọn Đản nói rất thiết-tha, và đem hết các tờ biểu, tờ bẩm đưa lên.
Viên phân-phủ họ Vương ngờ rằng quân giặc giảo quyệt giả làm sứ-giả họ Lê để dò Trung-quốc, bèn vờ gắt rằng:
— Vua trước của nước An-nam mất đi đã hai năm nay. Nếu như trong nước có biến, người cháu nối giòng đáng lập mà không được lập, sao không sang gõ cửa ải, bày tỏ sự-tình ngay từ năm ấy? Vả lại trước đây, có tiếp một bức « di văn » đệ sang, trong đó chẳng qua chỉ nói bị mất quốc-ấn, xin đúc chiếc khác mà thôi. Còn như cái cớ tại sao không được lập, tại sao mà lại bị đuổi, không hề nói tới chữ nào. Nay việc đã trải hai năm, người cháu nối giòng trọ-đậu ở đâu, quân giặc làm ăn ra sao, người nước quay về quay đi thế nào? những tình-hình ấy đều chưa biết đích. Huống-chi trong biểu đứng tên Tự-tôn họ Lê, mà chưa có sớ cáo-ai, cầu-phong, chưa được đúc lại ấn triện, thì sao đã dám soạn ra biểu-văn, sai cắt sứ-giả? Xét ra như thế, đều chưa hợp với thể-lệ. Vậy phải cần có Tự-tôn họ Lê tự mình đến đây khai cung, để hỏi cho rõ tình-do. Không thể « bằng » ở miệng người khác. Ta là bề tôi giữ đất, việc biên-cương lại là việc lớn, không thể khinh-suất mà tin các ngươi. Nhưng, các ngươi đã vì sự cáo-cấp mà đến đây, nghĩ tình, ta cũng không nỡ đuổi đi. Vậy cho các ngươi hãy ở tại đây, để ta bẩm rõ quan lớn Đốc-bộ, chờ ngài cho người ra ngoài biên-thùy, dò-xét đích-xác, thì mới có thể đem các công việc làm biêu tâu dâng, để xin thánh-chỉ định đoạt.
Đản, Án nghe vậy, không biết nói sao. Cả hai đều chỉ gục đầu dưới sân kêu khóc. Viên phân-phủ họ Vương xét thấy thật tình, bèn bảo hai người:
— Xem ra các ngươi trung thật đáng khen, tình-cảnh cũng đáng thương. Thiên-triều sẽ phải có cách xử phân, không nên xin mãi cho nhàm. Các ngươi hãy ra nhà trọ để chờ mệnh-lệnh.
Hai người mừng-rỡ, bái từ trở ra. Bấy giờ là tháng 9, năm Mậu-thân, tức năm thứ 53 hiệu Kiền-long nhà Thanh.
Đản, Án ở đó ít lâu, thấy viên phân-phủ họ Vương đòi vào và bảo:
— Cái việc bên ấy xin cứu đã được thấu đến triều-đình. Hoàng-đế thương các vua trước họ Lê nhiều đời vẫn làm bề-tôi tiến-cống, ngài đã hạ chỉ cho quan Tổng-đốc Lưỡng-Quảng là Tôn đại-nhân hiệp đồng với quan Tổng-đốc Vân Quí là Phú đại-nhân, đem năm chục vạn dũng-binh Điền-châu ra ngoài biên-thùy tìm kiếm Tự-tôn họ Lê, đưa về quốc thành. Bao nhiêu tình-do, từ khoảng mùa đông năm Đinh-vị, quốc-mẫu bên ấy và viên trấn-mục Cao bằng là Nguyễn Huy-Túc đã có qua ải Đẩu-ao, sang kêu rõ ràng. Nhưng vẫn chưa biết cả hai anh em Tự-tôn hiện nay ở đâu. Sau khi Tự-tôn đi trốn, mẹ con cách trở, Tự-tôn không rõ sự trạng bên này, cho nên lại sai các ngươi trèo đèo vượt suối đến đây. Các ngươi đã là « hành giới » của Lê Tự-tôn, mà Lê Tự-tôn hiện đương ở huyện Phượng-nhỡn, thế thì tình-hình ra sao, các ngươi làm giấy bẩm lên hành-viện của Đốc-bộ-đường, chờ khi đại-quân trẩy đi, ta sẽ cho đưa các ngươi lên đó và khai các việc.
Đản, Án được tin ấy, mừng lắm, bèn xin cho một người ở đó chờ hầu, một người về trước phi báo cho Lê Tự-tôn biết trước, để Lê Tự-tôn hội-họp đồng-chí, hò gọi người nước, khiến cho xa gần đều biết, tự-nhiên các nơi đồng-thời nổi dậy, chờ để họp với thiên-binh. Nhờ oai-linh của thiên-triều, các toán đều theo những nơi hiểm-yếu của sông núi mà đóng đồn trại, để ngăn đường của quân giặc. Đó thật là một cơ-hội rất tốt.
Viên phân-phủ họ Vương ưng cho.
Hai người bàn nhau để Án ở lại, còn Đản thì theo đường cũ về nước.
⁂
Từ khi kinh-thành thất thủ, Hoàng-thượng phải lên xứ Bắc, Hoàng-thái hậu và mấy người tôn-thất chạy trước lên trấn Cao bằng. Viên Đốc-đồng ở đó là Nguyễn Huy-Túc nghe tin, liền đem phiên-binh đón lên, và để ở tại nhà dân bên ải Đẩu-ao để tính công việc sang Tàu cầu-cứu.
Khi Túc mới đến Cao-bằng, có người Bắc-Khách hiệu là Ngô-sơn tiều ẩn, quen Nguyễn Đình Tố, thường hay đi lại dinh trấn. Túc mới được gặp một lần, nói chuyện ít câu, cho là một người rất lạ. Đến lúc Đình-Tố tạ thế, người Khách đến viếng. Túc đãi vào bậc thượng-tân và giữ ở lại đến hơn 10 ngày. Các việc tang ma xong rồi, người khách cáo từ ra về, lúc sắp chia tay, người Khách bảo riêng với Túc:
— Quí quốc từ nay trở đi, sẽ có nhiều việc, quan Đốc-thần trước đã biết như thế, không rõ trong khi lâm-chung, ngài có nói với quan lớn không?
Túc đáp:
— Nước tôi, ngoài có cường-địch, sau này sẽ không có thể « ngủ yên ». Đó là cái việc mà cả người nước cùng biết. Có điều về sau kết cục thế nào, thì tôi không thể biết trước. Quan Đốc-thần trước và tôi cũng đã lo tới chỗ đó. Tôi nay, thẹn là bề tôi ở ngoài, không được vào chỗ khu-yếu trong triều, dù cho có chút ý-kiến nông-nổi, cũng không làm gì được cả!
Người khách nói:
— Vì là bề tôi bên ngoài, cho nên mới phải vì nước gánh vác công việc. Cứ như tài ông, há chẳng có thể làm được một phen kinh trời động đất? Nay người cả nước thi nhau bôn-tẩu lật-đật, song chẳng qua chỉ là một giấc chiêm bao. Cái đó chính là khí số nhân-sự quan hệ với nhau. Đáng buồn cười cũng đáng tiếc vậy.
Túc không hiểu ý ra sao lại cố hỏi gặng, người Khách nhất-định không chịu nói rõ, rồi đi.
Cho đến hồi ấy, Túc đưa Thái-hậu sang Tàu, khi tới Long-châu, lại gặp người Khách ấy ở giữa đường. Túc đem hết cả quốc-tình kể với người ấy và thêm:
— Việc gấp lắm rồi! Ông có cách gì dạy tôi hay không?
Người Khách nói:
— Khi ông ở trấn Cao-bằng, nghe tin có biến, nên cùng với quan Đốc-thần Lạng-sơn giốc lòng hợp sức giữ lấy hai trấn, họp các tướng phiên chống nhau với giặc, làm người hùng-bá một phương, rồi đưa bức thư sang vùng Long-Bằng hẹn khi có việc nguy-cấp cứu giúp lẫn nhau, để nhờ về sức viện-trợ của họ. Ngày xưa họ Mạc cũng dùng kế đó, và đã giữ được năm mươi sáu năm. Nếu ông cũng làm như thế, há chẳng được hết đời ông? Sao lại tự bỏ chỗ đó để cho người ta? Cách ấy đã lỡ mất rồi, bây giờ chỉ còn một kế thông với Long-Bằng xin với quan Đốc-bộ đem việc của mình tâu lên triều-đình, trông về sự may trời cho, để cầu cứu-viện mà thôi. Sau khi lấy lại nước nhà, ông nên cố gắng, ví như « đào giếng » « đắp núi » tự mình phải cố theo-đuổi, chớ để người sau chê-cười.
Túc nói:
— Đó là cái ý to lớn xa-xôi, tôi xin kính vâng lời dạy, không bao giờ quên. Nay tôi đưa quốc mẫu tôi sang đây, cũng định như thế, chỉ sợ tình của kẻ dưới không thể thấu đến người trên mà thôi. Nếu ngài chỉ bảo đường lối, tìm lấy một nơi « kê đệm » trước đã thì tôi đội ơn vô cùng!
Người khách nói:
— Khác nước quen nhau, tôi há dám không hết sức?
Rồi thì người ấy liền đi với Túc. Viên Đô-ty ở Long-Bằng bấy giờ là Trần Hồng-Thuận, người khách vốn có quen biết bèn đưa Túc vào nói là mẹ, vợ họ hàng của Tự-tôn nước An-Nam bị giặc Quảng-nam đuổi giết, trốn đến cửa ải, cúi đầu đợi mệnh v. v.
Hồng-Thuận tức thì hội-đồng với viên coi quân Long-châu đi đến tận nơi tra-kiểm. Tất cả đàn ông, đàn bà sáu mươi tư người, Hồng-Thuận cho ở một khu trong ải, rồi làm tờ đạt đưa viên quản-đạo Quảng-tây Giang-tả là Dương Hùng Nghiệp, xin đem việc đó bẩm qua Tổng đốc Lưỡng-Quảng là Tôn-Sỹ-Nghị.
Hồng-Thuận lại cho sao lại đơn khiếu của nước ta, nói rằng: Quốc-thành bị giặc đánh phá, quân giặc cướp bóc tàn bạo, không thể kêu xin với ai. Bởi vậy, ai cũng căm thù, thề không cùng sống với chúng. Lắm người nấp náu trong núi, kết thành đồ-đảng, chỉ vì chưa có người nào chủ-trương, cho nên vẫn còn linh-tinh. Nếu được thiên-binh sang cứu, các xứ đồng-thời nổi lên, thì chắc có thể hẹn ngày lấy lại quốc-thành...
Sỹ-Nghị thấy tờ khiếu đó, liền bảo với bọn liêu-thuộc:
— Nước An-Nam ở đời nhà Hán, nhà Đường, là đất nội thuộc, đến đời nhà Tống, họ Đinh vùng dậy, mới là Cống-thần. Lần lượt theo nhau cho đến ngày nay, lại không thể giữ được nước. Hoặc giả trời khiến nước ấy lại làm quận huyện của Trung-quốc chăng!
Lập-tức Nghị cho một mặt chạy giấy đến phủ Long Bằng sai phái dò xét tình-hình biên-thùy; một mặt họp viên Tuần-phủ Vĩnh-Thanh cùng bàn. Vĩnh-Thanh nói:
— Mở mang bờ-cõi là một việc lớn, lợi-hại không nhỏ. Nếu quả như lời họ nói, thì nước ấy kể cũng đáng thương. Nhưng chắc nước giặc chưa đến nỗi thế. Nó ở bên bể nổi lên, đi theo việc quân từ thủa vấn tóc, đánh một trận mà lấy ngay được cái nước đã ba trăm năm, thì nhất định là nó không yếu, không khi nào lại bị người ta dọa dẫm, mới nghe thấy tin đã phải trốn đi ban đêm. Nếu không bị một vài phen sứt mẻ, sao nó chịu lui? Trung-quốc thái-bình hai trăm năm nay, nhân-dân không hề biết đến việc binh. Nay bỗng dồn họ tới chỗ nóng-nực lam-trướng, dù có thắng được, cũng không là mạnh, huống-chi chưa chắc, vạn nhất mà bị vấp-váp, thì tổn-hại rất nhiều... Thượng-hiến là vị đại-thần nhà nước, dựng cờ tiết ở chốn biên-thùy, cần nên giữ vững bờ cõi, há nên nghe họ kêu nài, mà vội gây ra biên-hấn? Cái gương Hoàng-Phúc, Trương-Phụ không xa, mới ở trong đời Vĩnh-lạc, Tuyên-đức đó thôi, xin ngài hãy nghĩ cho kỹ!
Nghị nói:
— Nước An-Nam là nước được phong, đời đời vẫn giữ chức-cống; nước Tây-sơn là loạn giặc cỏ, dám diệt nước ấy... Nạn của cống-thần, không thể không cứu; tội của cường-tặc, không thể không trị. Quân đi có nghĩa, ai dám không theo? Nếu lấy cớ là hoang rậm cách trở, ngồi nhìn bọn họ hại nhau mà không thèm cứu, thì những Cửu-di, Bát-man làm tôi Trung-quốc, còn được trông cậy gì nữa?
Rồi Nghị gọi bọn Nguyễn Huy-Túc. Lê-Quýnh, Hoàng Ích-Hiểu, Nguyễn Đình-Quân, Nguyên Quốc-Luyện, Nguyễn Đình-Mai, tất cả sáu người đến trước cửa viên để xét tình-trạng.
Trước hết Nghị hỏi Tự-tôn có mấy em, sau khi chạy trốn, hiện vẫn ở đâu. Bọn Túc khai rằng:
— Tự-tôn có ba anh em, rất yêu mến nhau. trên nhất là Lê Duy-Kỳ, tứ người đáng được nối ngôi, thứ hai là Tự-quận-công Duy-Tụ, thứ ba là Lan-quận-công Duy-Chỉ. Hiện nay Duy-Chỉ chạy xuống Sơn-nam, hiệu-tập nghĩa-binh. Duy-Tụ ở vùng Tuyên quang Hưng-hóa, cũng đang họp-tập đồng-chí, người nọ nương tựa người kia, thần dân đều theo, quyết không đến nỗi tản-tác rời-rạc. Có điều từ đó trở đi, có thể phấn-phát được không? Sự thể thay đổi, có còn giữ được chỗ ấy nữa không? Chúng tôi đều không được rõ.
Rồi Nghị hỏi đến mẹ con Tự-tôn tin tức ra sao?
Túc nói:
— Chúng tôi trước ở Cao-bằng, rước đấng quốc-mẫu chạy sang nội địa. Tự-tôn vẫn ở nước tôi, non ải cách trở, âm-tín chưa thể thông nhau. Nay nếu được phép lẻn về thông báo để Tự tôn biết tin tức của mẹ và gia-quyến thì tôi xin cử ba người chia làm hai đường. Đình-Mai đi đường cửa núi Mông-tự, Quýnh và Giản đi đường cửa biển Long-môn, xin cho phái viên đưa hết địa-giới. chúng tôi gấp đường mà về, chừng trong một tháng, dò xem tiêu-hao thế nào, sẽ sang trình-bẩm.
Nghị lại hỏi đến mấy năm gần đây mùa màng ra sao. Túc thưa:
— Nước tôi, mấy năm vừa rồi luôn luôn mất mùa, giá gạo rất cao, một thưng gạo đến sáu trăm đồng. Trấn Sơn-nam-hạ vẫn gọi là nơi giàu có, bây giờ dân-gian cũng không còn có thóc lúa để dành, các nhà đều trống như chiếc khánh treo, Tự-tôn trước đóng ở đó, chỉ vì lương quân không đủ, thành ra không làm gì được. Chúng tôi khi ở nước nhà, tình-thế như thế. Đó là thật tình.
Nghị lại hỏi Quýnh. Quýnh nói:
— Họ Lê có nước hơn ba trăm năm, dùng ân-huệ buộc chặt dân-tâm, dùng lễ-nghĩa vun-trồng sỹ khí, cho nên, dù có những kẻ bạn-nghịch tiếm-thiết, mà lòng người mến cũ thì vẫn như xưa. Chỉ vì họ Trịnh lấn bức, người ta ai cũng căm giận Tây-sơn thừa cơ, mượn tiếng « phò Lê diệt Trịnh » kéo ra, cho nên người nước không ai chống cự. Hắn nhân đắc-chí, lại càng làm càn, tự đặt niên-hiệu, chiếm giữ quốc-thành, khiến cho Tự-tôn siêu-bạt ra ngoài. Vì vậy, những đám « bừa gai cầy cỏ » nổi lên khắp nơi, không ai hẹn ai, nhưng ai cũng xưng là dân nhà Lê. Nếu như thượng-quốc nghĩ đến nước nhỏ, thương tới kẻ cùng, sai một đạo quân tiến ra áp cõi để làm thanh-viện, người nước nghe tin, ai không hăng-hái thề cùng phục-thù, chắc cũng không phí binh-lực Thiên-triều nhiều lắm.
Nghị được cung-trạng rõ-ràng, lại đem một bức địa-đồ An-Nam đưa cho bọn Quýnh xem lại rồi nói:
— Có đúng hay sai?
Quýnh bẩm:
— Bộ-vị, phương-diện nhiều chỗ sai lầm. Đại-để mười phần sai đến bốn năm.
Nghị nói:
— Cho phép các ngươi cứ thật cải-chính.
Rồi Nghị sai gọi một người thợ vẽ đến đó, bắt theo cho Quýnh thay-đổi, vẽ một bức khác. Đoạn, Nghị bảo Quýnh nhận trong địa-đồ, chỗ nào đã theo giặc, chỗ nào chưa theo giặc, anh em quốc-quân hiện trốn ở đâu, đều phải chua thật minh-bạch. Nhân thể, Nghị đòi bọn Túc vào bảo:
— Đợi ta tâu về triều-đình khi nào được chỉ, sẽ chiếu các điều lũ ngươi đã xin, làm cho xong xuôi hết thảy. Các ngươi chuyến này về nước, phải tìm cho được đích-xác chỗ ở của Tự-tôn, và phải dò xem quân giặc cử-động những gì, người nước có thể phấn-phát được nữa hay không, rồi thì mau mau phi bẩm cho ta, để ta phúc tâu về triều, xin cho kéo quân ra ải, thì việc mới chóng.
Bọn Túc mừng lắm, cùng nhau ngảnh mặt về Bắc, vừa lạy vừa reo vạn tuế!
Nghị bèn sai Dương Hùng-Nghiệp hộ-vệ quốc mẫu An-Nam và các quyến-thuộc đến đồn Nam-đốn, tư-cấp các thứ rương hòm, chăn áo, khiến cho ai nấy đều được yên ổn.
Luôn đó, Nghị tự thảo một tờ biểu, đại-để nói rằng: « Châu-mục An-Nam là Nguyễn Huy-Túc chạy sang nội-địa, kêu rằng: « Tháng sáu, mùa hạ, năm thứ mười một hiệu Kiền-long, giặc Tây sơn là Nguyễn Văn-Huệ, em Nguyễn Văn-Nhạc, đem quân phạm vào quốc-thành. Rồi đến tháng tám, Văn-Nhạc theo ra. Vừa gặp các trấn đều kéo binh tướng đến cứu. Anh em Văn-Nhạc sợ không dám ở, dẫn quân đương đêm trốn đi. Bấy giờ quốc-vương là Lê Duy-Diêu lỡ mất quốc-ấn, tiếp lại bị bệnh qua đời. Vì người con cả mất sớm, Tự-tôn là Lê Duy Kỳ theo lệ đáng được nối ngôi, đã thảo văn-thư đệ sang, xin đúc ấn khác. Kế đó nhận được hịch của Đốc-bộ đưa sang, nói rằng: như thế không hợp thể-lệ phải sai bộ-thần dâng biểu « cáo ai » « cầu phong » mới được Không ngờ mùa đông năm sau, Văn-Huệ lại sai bộ-tướng là Vũ Văn-Nhậm lừa khi nguy-biến đánh người giữa lúc có tang, đến nỗi Tự-quân vì phải chạy trốn không kịp sai sứ đi nữa. Bọn Túc vội đưa quốc-mẫu đến hạt Bắc-sơn thuộc huyện Võ nhai, quốc-quân thì phải về hạt Thiên-trường. Quân giặc chiếm đóng quốc-thành, sai người đi khắp tứ phía tầm-nã. Lúc ấy lại có thổ dân Lạng-sơn tên là Quyên-Chầm, phiên-mục Cao bằng tên là Nguyễn Trù cũng muốn hàng giặc, dẫn quân định cướp quốc-mẫu để làm con tin. Bọn Túc phải đưa quốc-mẫu chạy lên Cao-bằng. Tháng 5 năm nay, đi tới đầu xứ Bác-nẫm, thì bị quân giặc đuổi kịp. Bọn Túc phải đứng cách sông kêu xin Thiên-triều cứu giúp. Rồi họ liều chết đem được quốc-mẫu và ít quyến-thuộc lội nước lên bờ. Người nào không kịp sang sông, đều bị giặc giết. Nay Túc rập đầu kêu cầu, xin đợi ân của Thiên-triều ban cho, không chịu để tay quân giặc làm nhơ v. v... Lại cứ lời Túc đã nói, thì: « Hiện nay quốc-thành bị giặc chiếm đóng, các xứ cũng đều trông bóng mà tự lướt ngả. Những hạt Lạng-sơn, là nơi gần với nội-địa, cũng đều theo giặc. Chỉ còn hai hạt Hoan châu, Diễn-châu ở Nghệ-an và hai hạt Kinh-môn, Nam-sách ở Hải dương, còn có thổ hào ứng-nghĩa, ra vào các nơi hang núi, lừa dịp đánh giết, quân giặc cũng chưa lấy được cả nước. Vả lại, tụi giặc từ khi chiếm được Tây-sơn trở đi, chỉ biết một điều hung-tợn, chuyên giết người làm bậy. Bởi vậy có xứ vẫn không chịu hàng. Nơi của Tự-tôn ẩn-nấp chắc chỉ ở mấy xứ đó. Trong bọn lại có vài tên « bộ-thần » cũng khá thạo việc, tự xin về nước tìm kiếm Tự-tôn, để cùng gắng sức lần nữa, mưu toan lấy cuộc khôi-phục. Nếu như « lực bất tòng tâm », thì xin theo cách « tồn cổ », mong được Thiên-triều thương-xót v.v. Tình-do trên đây, đều do tri-phủ Nguyễn Hữu-Nhân tự viết câu hỏi, đầu-mục nước ấy lần-lượt trả lời. Xét ra họ quả thật tình, và cũng có vẻ hăng-hái, hiểu biết đại-nghĩa. Thần tưởng Tự-tôn của kẻ cống-thần họ Lê, theo lệ, đáng được nối ngôi, chẳng may nước ấy bị phá-diệt, cả mẹ và vợ đều phải đến trước cửa ải mà kêu, có thể châm-chước ban sự tồn-tuất, cho họ yên sở, đợi khi xét rõ âm-tín nước họ, hãy nên quyết định để họ ở hay bắt họ về. Chỉ nghĩ bọn họ khi đã chạy đến ven sông, tức là thuộc về địa-giới Thiên triều, tụi giặc trông thấy binh trời đóng đồn ở đó, còn dám giết hại nhiều người, thói giặc hiểm-độc, như vậy không phải là không có ý dòm-dỏ. Thần đã mật-trát cho viên đề-thần Tam-Đức dự-bị chiến-binh, chia đi đóng các cửa ải ở khắp sáu xứ chung quanh Long-châu. Nếu như nó dám qua sông, thì phải bốn mặt đón đánh, không cho chạy thoát. Và cũng để nó được biết binh-uy của Thiên-triều thì nó mới sợ. Thần lại mật-trát cho các viên quan giữ đất ở vùng Trào châu, Long-châu bắt phải mau gấp đi tuần các nơi biên-thùy, hết sức dò-xét tình-hình, nếu có sự gì thì phải soạn thành tờ tâu, đợi chỉ thi-hành. »
Vua Thanh xem rồi, liền bảo với Đại học-sĩ Ba-Hòa:
— Lê Duy-Kỳ ở nước An-Nam, tuy chưa được phong, nhưng hắn là kẻ đáng được nối ngôi, cũng không khác gì quốc-vương. Nay mẹ và vợ cùng các quyến-thuộc của y đã chạy sang đây, chắc là nước ấy mất cả. Cái việc « dựng lại một nước đã diệt, nối lại một giòng đã tuyệt », cần phải tính toán và cũng phí nhiều binh-lực. Nay xét Duy-Kỳ còn ở trong nước tự lo lấy việc hưng-phục, mà dân nước ấy, kẻ đi theo giặc, chẳng qua chỉ có mấy xứ Mục mã, Lạng-sơn, còn như các vùng đông-bắc, tây-nam, lòng người vẫn mến chủ cũ để trông cậy, tưởng nhờ sức đó mà tính công việc nối lại mối nước, cũng có thể được. Vậy truyền cho Tôn Sỹ Nghị biết rằng: Họ Lê thờ-phụng Thiên-triều rất là cung-thuận. Duy-Kỳ lẽ đáng nối ngôi, bởi mất quốc-ấn, phải dùng triện son. Ngày trước đã có dâng thư xin cấp ấn triện, vì chưa sai sứ cáo-ai, chưa hợp thể-lệ, cho nên việc đó phải hoãn, đã có hịch dụ rõ ràng. Nay hắn lại sai sứ cố xin, thì nên chuẩn y cho việc sắc phong cấp ấn. Và xét Duy Kỳ bị giặc đánh cũng do hắn không chịu nhức nhổ mà ra. Hiện giờ nước y đã bị giặc chiếm, nhưng nhiều tôi dân còn biết suy đới, Duy-Kỳ nhờ dịp ấy họp-tập nghĩa-binh lấy lại quốc-thành thì rồi sẽ được nương theo nghiệp cũ, không bị đổ mất. Mẹ và vợ hắn chạy vào nội-địa đã được an-sáp ổn-thỏa, áo mặc lương ăn không thiếu, thủy-thổ cũng lành, Tự-tôn không phải lo nghĩ, chỉ nên chuyên ý về việc trong nước. Đợi khi lấy lại kinh-thành, thì sẽ cho quân đưa về bản-quốc. Và lúc sai sứ phải sai những kẻ đã đi thông tin lần này để làm chứng-nghiệm thì mới khỏi bị kẻ gian lừa dối mưu hại. Đến như Nguyễn Huệ cậy mạnh cướp nước, phép không thể tha, đã dâng chỉ điều-vát đại-binh Quảng-tây, dự-bị khi phải gọi đến. Nếu giặc cứ hung-tợn như trước, Tự-tôn không thể nhức dậy, gánh-vác công việc, tôi dân nước ấy cũng đều cam lòng theo giặc, thì đem đại-quân bốn mặt hợp lại mà đánh, cho tỏ tội-trạng của y. Như thế, trước phải đưa hịch phi-báo cho các thần-thứ nước ấy, khiến họ đều biết, để làm mạnh thêm thế của họ Lê và cướp bớt vía của bọn Tây-sơn, về việc giúp cho thanh viện cũng là có ích, phải nên theo đó thi-hành. Bọn Nguyễn Huy Túc tình-nguyện về nước, tìm kiếm chỗ ở của kẻ Tự tôn để cùng giúp việc khôi-phục. Chí ấy đáng khen, lẽ nên cho hắn về ngay, sớm một ngày thì kẻ Tự-tôn kia đỡ lo một ngày, và sau này trẫm cũng được nghe tin tức nước ấy mau hơn một ngày. Sỹ-Nghị có tiếng là kẻ mẫn-đạt, sao không tính trước chỗ đó? Mà còn lo trẫm không ưng, chưa kịp chuẩn-hành, để phải phúc tấu đi lại, không khỏi quá ư câu-nệ. Nên phải sớm tới Long-châu gọi bọn sứ-thần đến tận trước mặt mà bảo, sai họ lập-tức lên đường, đem ý của trẫm chỉ bảo, truyền cho hắn biết, để hắn về nước báo với anh em Duy-Kỳ. Và phải đem tờ hịch dụ, sao ra nhiều bản, cho hắn đem về truyền-bá trong nước. Lại nữa, bọn đó ra đi trèo đèo vượt suối cực khổ, hành-lý xác-xơ, vậy ở đường thủy, đường lục, phải cấp truyền phu, hộ-tống cho họ gấp đường mà đi. Mỗi người nên phát cho mười lạng bạc, để họ dùng làm lương ăn. Tóm lại, việc này: nếu như cả nước An-Nam bị mất, Duy-Kỳ lại bị tàn-ngược, thì nghĩ tình của kẻ cống-thần, không thể bỏ đó không hỏi tới. Bằng như bờ cõi chưa bị mất hết, kẻ Tự-tôn kia chỉ phải chạy trốn, tôi-dân còn biết mến-đội, thì nên chỉ làm thanh-viện cho y, để y mưu lấy công việc, chẳng cần dấy quân, tự đem binh lực Trung-quốc bỏ phí ở nơi nóng nực hoang-rậm. Như vậy, lại càng tốt hơn. Tôn Sỹ Nghị phải theo đạo chỉ dụ trước mà tính cho kỹ. Đốc-thần là người hiểu việc, chắc là thể được ý đó của trẫm. Ở đó, về sự kinh-lý việc biên, cho phép được cùng Phủ-thần Tôn Vĩnh-Thanh bàn bạc ổn-thỏa, tùy-tiện mà làm... »
Quan-lại hai hạt Trào châu, Long-châu từ khi nhận được mật-trát của Nghị, lập-tức đem quân ra miền biên-thùy tra xét dò hỏi và cho người sang Thái nguyên đưa hịch dụ bảo nhân-dân.
Bấy giờ trong hạt Trào châu có hai hộ Trương, Cát, chuyên nghề khai mỏ, lấy bạc, vẫn ở tại làng Tụ-tinh? trong trấn Thái-nguyên đã được mọi người bầu làm trùm trưởng, đồ-đảng có hơn một vạn, đều là dân Tàu, nhận được hịch đó, liền đến « hành thứ » của kẻ đưa hịch trình rằng:
— Chúng tôi chuyên sống về nghề đào mỏ, đúc quặng, đời đời vẫn ở cõi Nam. Trước đây nghe tin kinh-thành An-Nam thất-thủ, trong nước cả loạn, sợ rằng cháy thành vạ lây, chúng tôi phải cùng thổ-nhân luyện-tập cung nỏ, cốt để giữ mình. Có lần mấy trăm quân giặc đến cướp, chúng tôi chỉ đánh một trận, giết được tất cả. Vì lo chúng tức ắt lại đến nữa, chúng tôi mới chia ra làm mười đoàn, mỗi đoàn nghìn người, thề phải tử-chiến chống giặc. Nay tiếp hịch-văn, ai cũng nhảy múa, nô-nức, xin làm tiên-phong. Vả lại chúng tôi vốn là dân ở Trào-châu, muốn được cùng quân nghĩa dũng Điền-châu cùng ra sức.
Phái-nhân nghe nói như vậy, liền lấy cung-trạng về bẩm với quan bản-hạt.