XVII

Theo lời Trần-Quang-Châu, hoàng-thượng thân hành đến núi Vạn-kiếp duyệt binh, ngài ngự tại đền thờ Trần Hưng Đạo, và cho vời Châu vào hỏi có được bao nhiêu quân-sỹ, Châu thưa:

— Trừ số mới phụ, thủ-hạ tinh-luyện của thần, chỉ có trăm người mà thôi.

Hoàng thượng nói:

— Tiếc rằng ít quá

Châu thưa:

— Quân cần tinh-luyện, không cần nhiều. Có được trăm người cảm-tử, xông lên trước trận múa đao chém bừa, gì cũng phải tan.

Hoàng-thượng nói:

— Thật đúng như lời ngươi nói, nhưng mà đánh bất-thình-lình thì được, đối trận giao-chiến thì không được. Nay đương khi tan nát, lòng người dễ loạn, làm việc cần phải vạn toàn thì mới có thể đứng vững để tính công việc khôi-phục. Vạn-nhất mà bị vấp ngã, thì không thể nào họp lại được nữa. Vì thế mà khi « đậu » ở Cối-kê, Câu-Tiễn phải cố nhịn nhục cho được tự-toàn, không dám làm liều để rước lấy sự thất-bại. Ngày nay, cái nguy của nước nhà cũng giống như thế, nên phải hò-gọi lấy quân cần-vương, cho mạnh thanh-thế trước đã, không nên nhô mặt ra vội. Trẫm trước đã có sai các quan chia ngả đi mộ binh-lính, ở Kinh-bắc có Phạm Đĩnh-Dư, Chu Doãn-Lệ, ở Sơn-nam có Trương Đăng-Quỹ, Phạm Đình-Lập, bất nhật họ sẽ trở về báo tin. Ngươi nên chờ đợi bọn đó, nay hãy đóng quân trong núi, luyện-tập số quân mới theo, cho thật tinh-nhuệ cái đã.

Hoàng-thượng lại sai Đình Giản lên vùng thượng-du của trấn Sơn-nam, chiêu gọi nghĩa-binh của vùng Tuyên-quang, Hưng-hóa, hẹn ngày cùng đến. Rồi ngài tự ra Hải-dương đưa hịch chiêu-dụ.

Lúc ngài ở huyện Chí-linh, văn-thần, đi theo có Trần Danh-Án, Vũ-Chinh, Ngô Thì-Chí, tất cả ba người mà thôi. Chí có dâng vua bài sách « Trung hưng » như sau:

« Trộm nghĩ » Dẹp loạn phải xem cơ, dùng võ phải có đất. Ông Thiếu-Khang có được Luân-ấp, mới nhức-nhổ được cuộc trung-hưng; vua Tiên-chủ lấy được Ích châu, mới chống lại được kẻ ngoại-vũ Thế đất trào ta, Cao-bằng, Lạng-sơn ở phía Đông-bắc, giáp với đất Tàu, hai xứ ấy núi sông hiểm-trở, có thể giữ vững; binh-mã hùng-cường, có thể tiến đánh. Nếu bệ-hạ ngự-giá lên đó, rồi sai một người sang nói với nhà Thanh, xin họ đem quân đóng áp biên-thùy để làm thanh-viện cho mình, và đưa mật-chỉ cho các hào-kiệt tứ trấn, bảo họ nổi lên hưởng-ứng, lòng người đương lúc kích-thích, ai dám không theo? Trong đám bách-quan kẻ nào chưa tới, há dám không theo? Ngoài thì tựa thế thượng-quốc, trong thì dấy quân cần-vương, có thể làm cho thế giặc mỗi ngày một trơ-trọi, thế ta mỗi ngày một lớn thêm. Lúc ấy, ta sẽ xếp đặt phương-lược, tiến về lấy lại kinh thành, cái công trung-hưng có thể hẹn ngày. mà làm nên được. »

Hoàng-thượng xem rồi, gọi Chí vào bảo:

— Ngươi nói rất hợp ý ta. Mùa đông năm ngoái, ta sai hoàng-đệ thân thần hầu thái-hậu lên Cao bằng, có đưa mật-chỉ cho viên Đốc đồng Nguyễn-Huy-Túc dặn y dùng lời nghĩa khí nói cho mọi người cảm-khích để kết-hợp lấy bọn tướng phiên, quân phiên cũng là dự bị chỗ đó. Nhưng còn Lạng-sơn thì ta chưa có ai đi.

Chí thưa:

— Ngày xưa trong năm Đinh-dậu hiệu Cảnh-hưng, cha thần vâng chiếu lên coi xứ Lạng, đã có tuyên-bố oai-đức của triều-đình và chiêu-tập những dân siêu-bạt. Ngày nay nhân-dân bảy châu xứ ấy hãy còn mến tiếc, Thần xin vâng chỉ lên đó hiểu-dụ, nhân thể báo tin cho Túc, bảo Túc tâu với Thái-hậu hẹn ngày đem quân đi đón xa-giá, cũng là một công hai việc.

Hoàng-thượng khen phải, bèn cho Chí đi, Chí lên đến huyện Phượng-nhỡn, chẳng may phát bệnh, không thể đi được, liền gửi biểu về xin nghỉ ít ngày điều-trị, Hoàng-thượng gửi lên cho Chí mười lạng bạc để chi về việc thuốc thang.

Chí nhận số bạc, lại gửi biểu về tạ ơn. Trong biểu có nói: « Cơn hiểm-nghèo, chí hợp lời theo, vua tôi nghìn thủa khôn được vậy; trong luân-lý, phận ưa, tình nặng, cha con một nhà không khác chi. Nay nhà nước đương lúc lâm nàn, kẻ tôi con không nên tiếc mạng. Há dám bận lòng tự-ái, vậy xin theo bệnh cố đi ».

Hoàng-thượng coi biểu, rất là cảm-động.

Tình-cờ lúc ấy có người của bọn Đình-Dư, Doãn Lệ sai đem biểu về, nói rằng: « Các vùng Đông-ngàn, Kim-hoa[1] Võ-giang, Quế-dương lòng người thẩy đều cảm-khích. Bọn thần vâng chiếu dụ các hào-mục, họ đều tình-nguyện dấy quân cần-vương. Cúi xin xa giá trở về Kinh-bắc, để cho bọn đó được vào yết-kiến. Nếu được vài lời phủ-dụ giữa mặt, khiến họ về bảo với nhau, thì ai không theo? Khi đã phò giá về đóng ở đấy chắc là thiên-hạ sẽ cùng trông bóng thiên-nhan, thế thì Đình-Giản khi trước lên Sơn-tây, Văn-Lân khi trước xuống Sơn-nam, cũng được xa nhờ oai-thanh đem quân về họp. Hà-tất phải lên Lạng-sơn là nơi bờ cõi cách-trở? Chỉ e nấn-ná ngày tháng, ngồi đó để lỡ cơ-hội, bỏ chỗ gần mà tính chỗ xa, không phải là một kế hay. »

Hoàng-thượng cho lời Dư và Lệ là phải.

Vũ Chinh xin ngài về làng Xuân-liên ở huyện Lang-tài. Cha Chinh là Vũ-Chiêu, xin dâng hai trăm lạng bạc để chi việc quân. Hoàng-thượng nhận số bạc đó, bèn dùng nhà Chiêu làm nhà hành-tại.

Khi Bắc bình-vương sai Vũ Văn-Nhậm kéo quân đánh Bắc, tuy do mệnh-lệnh đã định từ trước, nhưng mà trong bụng cũng hơi nghi-ngờ. Bởi vậy mới sai Ngô-Văn-Sở, Phan-Văn-Lân làm tham-tán quân-vụ để chia bớt quyền của Nhậm. Lúc họ ra đi, Bắc-bình có bảo ngầm Sở:

— Nhậm là con rể vương-huynh. Nay ta với vương-huynh có sự xích mích, lòng hắn chắc cũng không yên. Chuyến này hắn cầm trọng-binh vào nước người, sự biến không thể liệu trước được, Nay ta không lo Bắc-hà, chỉ lo về Nhậm mà thôi. Ngươi phải dò xét cho kỹ, hễ thấy cái gì khác ý, thì phải báo ngay với ta. Ví như lửa vậy, dập tắt từ khi mới bén, thì còn dễ dàng. Nhưng Nhậm vẫn không biết vậy lúc đã thừa-thắng kéo tràn ra Bắc, như vào một làng bỏ không, chẳng ai dám chống cự lại. Nhậm liền dương-dương tự đắc. Tới khi bắt được Nguyễn Hữu-Chỉnh, thì Nhậm cho rằng: oai-vũ của mình đủ khiến người ta phải phục. Cái xứ Bắc-hà cỏn-con, không có việc gì khó. Khi nghe hoàng-thượng chạy lên phía bắc, nương tựa với Nguyễn-Trọng-Linh, Nhậm liền gửi thư bắt Linh đem vua ra nộp. Rồi Nhậm cho đòi các người tôn-thất, các viên văn võ phải đến cửa quân chờ hầu, sai bằng cằm, khiến bằng ý[2] chẳng ai dám không theo. Chẳng ngờ về sau. Linh cũng không về, các quan chẳng có ai tới, lại thêm Trần Quang-Châu ở Kinh-bắc, Nguyễn Viết-Tuyển ở Sơn-nam, Đinh Tích-Nhưỡng ở Hải-dương, ai nấy cầm quân giữ đất, và nói phao rằng: Bất-nhật các đạo sẽ họp ở ngoài đô-thành, cùng Nhậm quyết-chiến. Rồi thì quân Tây. kẻ nào đi ra khỏi thành, đều bị bọn dân hào giết chết. Giặc cướp nổi lên khắp nơi, những đám khói lửa luôn luôn kéo từ làng nọ đến làng kia. Bấy giờ Nhậm mới có ý lo sợ, liền bắt hết dân Kinh sư đắp lại vòng thành Đại-la. Ngày đêm đốc-thúc, không lúc nào nghỉ. Dân phu đói khát, mệt nhọc, có kẻ đương đội thúng đất mà ngã sấp xuống. Bởi vậy, ai cũng ta-oán.

Chợt có tin nói: Người của Trần Quang-Châu đã lọt vào được trong thành để làm nội-ứng. Họ hẹn Viết-Tuyển đem binh-thuyền theo giòng Nhị-hà ngược lên để làm ngoại-ứng. Nhậm bèn hạ lệnh lùng khắp kinh sư, những người đến trọ ở các phường-phố đều phải bắt chém.

Ngô Văn-Sở can:

— Mình cứ ngồi vững, có sợ gì họ? Nếu mình tự làm rối trước, thì còn trấn-áp thế nào được người? Bất-nhược tha họ cho yên lòng dân.

Nhưng Nhậm không nghe.

Tình-cờ có người ở làng Cơ-xá xưng tên là Trần Đình-Khôi, trước có làm chức thiêm-sự của nhà Lê, xin vào ra mắt. Nhậm cho mời vào và hỏi:

— Nguyễn Chỉnh là kẻ vong-mạng, vớ được ngôi cao, làm tàn làm hại nhân-dân, thiên-hạ ai cũng căm-giận, người Bắc-hà muốn diệt hắn mà không diệt được, lại bị hắn hại. Nay ta trừ hắn đi cho, đáng lẽ ơn ta mới phải, cớ sao ta vời mà không ai đến?

Khôi đáp:

— Ông có thể quyết sự thắng trận ở ngoài nghìn dặm, lẽ nào lại không thấy rõ tình người? Bắc-hà dẫu thâm-oán Chỉnh, nhưng lòng thương-nhớ nhà Lê vẫn chưa nguôi. Ông giết được Chỉnh, người xa người gần cũng đã mừng-rỡ. Nhưng vì ông chưa bàn gì đến việc phò Lê, cho nên người ta hãy còn đứng trông-ngóng, chưa dám đến vội. Nay đấng Tự quân đã bỏ nước nhà mà đi, đành không có lẽ lại đem về được. Vậy có Sùng-nhượng-công Lê Duy-Cẩn, lúc tiên-đế còn đã ở Đông-cung, sau gặp quốc-biến năm Nhâm-dần mới bị kiêu-binh truất-bỏ. Nếu ông khôi-phục ngôi đó cho Sùng-nhượng-công để « người » ở ngôi giám-quốc, rồi đem ý đó bảo rõ kẻ trong người ngoài, và yết mảnh giấy ra cửa Đại-hưng, thì chẳng bao lâu các quan văn-võ sẽ đến họp cả Bấy giờ việc trong thiên-hạ, ai ai cũng phải nghe ông, ông muốn làm sao nên thế, như trở bàn tay vậy, lo gì không xong?

Nhậm gật đầu nói:

— Ông nói có lý, ví như mổ trâu, cắt trúng đường gân, khớp xương của nó, thì các thớ thịt sẽ phải đứt cả.

Tức thì Nhậm sai đón Sùng-nhượng-công vào phủ và tiếp bằng lễ đãi bậc thượng-tân. Nhậm bảo Sùng-nhượng-công rằng:

— Thiên-hạ vẫn là thiên-hạ của nhà Lê, Tự-hoàng bỗng bỏ mà đi, trong nước hiện không có ai làm chủ, ông vốn là đấng Thái-tử đã có chiếu-mệnh rõ-ràng. Bây giờ nối lại ngôi đó, ngoài ông ra thì còn ai nữa?

Sùng-nhượng-công nói:

— Nước tôi chẳng may mất cả giường-mối, đã nhờ chúa-thượng gây-dựng lại cho. Không ngờ trời chưa thôi sự tai-vạ, cho nên Tự-hoàng đương lúc trẻ dại bị lầm về tụi loạn-thần, tự rước lấy sự bại vong. Nay được thượng-công còn chưa nỡ bỏ, lại muốn nối lại cái giòng đã tuyệt, thật là may cho nước tôi. Chỉ hiềm tôi không có đức, nếu ở ngôi đó, thì những công-việc chỉnh đốn trong nước xin ngài cũng giúp-đỡ cho!.

Nhậm cười mà rằng:

— Ông cứ làm, không cần phải lo xa quá. Có tôi ở đây, bọn gian-hùng dù muốn làm gì đến ông, cũng phải sợ tôi không dám. Đợi khi Chúa-công ra đây tôi xin nói giúp, thì ông sẽ là vua thật.

Sùng-nhượng-công nghe nói mừng lắm, bèn sai sửa lễ cáo nhà thái-miếu, rồi vào ở trong gian nhà phía tả điện Cần-chính và cho Khôi đi tìm kiếm các quan ngày xưa để cùng bàn việc.

Đầu tiên Khôi đến nhà Phan Lê-Phiên, Phiên mắng:

— Vua phải chạy đã không đi theo lại theo người ta mà lập vua khác, thế mà cũng nói được ư? Nếu ngươi còn đến lần nữa, ta sẽ đi trốn lập-tức.

Khôi trở ra lại vào nhà Bùi Huy-Bích. Bích chối không được, phải vào ra mắt Sùng-nhượng-công và thảo tờ dụ các quan, đại-ý nói rằng: « Năm xưa đã nhường ngôi vua, vốn không tham gì nước nhà. Ngày nay tạm coi việc nước, chỉ mong giữ lấy tế-tự. Nếu ai có thể xét rõ ý đó, thì nên tới họp cả trong triều... »

Nhưng các quan cũng không ai tới. Khôi biết công việc không thành, bèn đem việc nói với một người bạn. Người ấy đáp:

— Anh là một người nộp tiền để mua lấy đường xuất-thân, triều không ngồi, yến không dự, mất nước không phải tội anh, lấy lại nước không phải trách nhiệm của anh, chẳng qua anh muốn nhân lúc loạn-lạc cầu lấy phú-quí mà thôi. Nhưng Sùng-nhượng-công không phải « của lạ » có thể buôn được, Văn-Nhậm lại là một kẻ dã-tâm, khó tin. Một khi Bắc-bình-vương đến, chưa biết tai vạ thế nào. Mà sau này nếu vua Chiêu Thống trở về, thì anh không còn chô nào mà dung thân nữa. Ngạn-ngữ có nói: « ở yên không sao, chui đầu vào chum, để mua lấy vạ » ấy là anh đó.

Khôi sợ, tức thì trốn biệt.

Sùng-nhượng-công ngồi trơ trong điện, chỉ có vài người hoàng-thân, bốn viên võ-biền, sớm-tối quanh quẩn với nhau, hết thảy các việc không ai hỏi han gì đến. Hàng ngày Sùng-nhượng-công lẽo đẽo đi bộ đến chỗ Nhậm ở, Nhậm cũng không biết xử-trí ra sao. Trong kinh gọi Sùng-nhượng-công là chức « Giám-quốc lại mục ».

Ngô Văn-Sở từ khi nhận được mật-chỉ của Bắc-bình-vương cùng Nhậm ra Bắc, lúc ở trong quân thường dùng những lời ngọt-ngào nhủ Nhậm để dò ý-tứ. Lúc ấy Sở bảo với Nhậm:

— Chúng tôi vâng mệnh theo ông đánh dẹp, giặc Chỉnh tuy đã bị giết, nhưng dư-đảng của y ở miền đông-nam vẫn chưa dẹp yên, vua Lê lại chạy ra ngoài, các người bày tôi cũng đều trốn-nấp không đến, ông dùng Sùng-nhượng-công làm giám-quốc, nhưng tôi xem ra lão già đó chỉ là cục thịt trong cái túi da, sai khiến sao được kẻ khác? Từ khi có nước Nam đến giờ, triều-đại thay-đổi không biết mấy lần, thiên-hạ không phải của riêng nhà ai, liệu có thể lấy thì cứ lấy đi, rồi thì đặt quan chia chức để dựng phên tường, cho sự trông nghe của mọi người ta đổi mới một lượt. Nếu có kẻ nào trộm cắp danh-hiệu, thì cứ gọi luôn là giặc, rồi đem quân đánh, ai dám chống lại? Can chi mà phải mượn đứa tôi mọi kẻ chợ lên làm giám-quốc, để hắn đóng vai « ông chủ tượng gỗ » trong nước, mà mình thì cứ ở mãi trong thành làm tụi quân khách trọ ở nước người?

Nhậm nói:

— Bọn Nhưỡng và Tuyển nay đã hơi tàn thoi-thóp, nắm tay kéo đến, tự-nhiên phải lại. Vả lại, coi các bề tôi nhà Lê, chẳng có mặt nào được như Điền-Đan nước Tề, Vân-Trường nhà Hán, chẳng qua chúng sợ binh uy của ta, nên còn rụt dè đó thôi. Nay mai, nếu ta treo một cái bảng, hẹn ngày cho họ phải tới cửa quân, không tới thì chém, chắc là họ sẽ làm như Liêm-Pha, bỏ trần tay áo, vác roi mà đến. Điều đó không phải là việc đáng lo, chỉ vì nhân-tâm Bắc hà, còn nhớ họ Lê, bất đắc-dĩ nay hãy theo lòng mong mỏi của dân, mượn hắn đến đây làm ông tượng gỗ để chia bớt đảng Chiêu-thống và giàng buộc lòng dân Bắc-hà đó thôi. Chỗ đó, các ông không thể biết tới. Bọn ông khỏe việc chiến-đấu, ta sẽ ủy cho các ông chia đạo đi đánh các nơi, rồi giữ lấy đất, làm bức trường-thành cho ta, há chẳng mạnh à! Tới lúc đó thiên-hạ sẽ có rất nhiều việc hay. Cái người chễm-chệ làm chủ, chẳng ta thì ai? Cớ sao lại bảo là khách?

Sở nín lặng không nói gì nữa. Khi về, Sở bảo với Phan Văn-Lân:

— Tiết-chế thật khinh người quá. Hắn có tài-đức, trí-lược gì mà dám coi ta là tụi lính tráng? Xem hắn từ khi vào thành đến giờ đã làm được những việc gì? Bắt gấp dân chúng đắp lũy và phò Duy-Cẩn lên làm giám-quốc, đều là sắp sẵn cái mưu làm phản để hòng tranh-hành với ta. Hắn không biết lấy giặc Chỉnh làm gương, lại còn định bắt chước y. Hắn không muốn sống chỉ muốn chết, thì để cho hắn đi theo thằng Chỉnh, để răn kẻ khác.

Sở bèn trích hết việc làm của Nhậm, chỉ là phản-trạng, bắt Lân làm chứng, rồi ngầm sai người về Nam, báo tin với Bắc-bình-vương.

Bắc-bình-vương nói:

— Chết thật! Thằng Vũ Văn-Nhậm! Ta vẫn biết hắn sẽ làm phản, nay quả nhiên.

Tức thì Bắc-bình-vương hạ lệnh ra Bắc và tự đốc thúc tráng-sỹ bộ kỵ ngày đêm gấp đường trẩy đi. Chừng hơn mười ngày, đến thành Thăng-long. Bấy giờ vừa đúng canh tư, Nhậm còn đương ngủ trong phủ.

Sở thấy có người vào báo, liền bảo người ấy giấu kín việc đó, không cho Nhậm hay. Rồi Sở ra thành đón Bắc-bình-vương. Tả hữu và các người nhà của Nhậm cũng đều không biết. Dây lát, Bắc-bình-vương đến, vào thẳng chỗ nằm của Nhậm. Nhậm vẫn chưa thức, Bắc-bình-vương, sai một võ-sĩ là Hoàng Văn-Lợi vào đâm chết Nhậm, rồi cho khiêng xác ra sau phủ-đường. Mờ sáng Bắc-bình-vương truyền lệnh cho Sở làm Đại-tư-mã coi cả đội quân của Nhậm, khi ấy quân-sỹ mới biết.

Luôn trong bữa đó, Bắc-bình-vương cắt đặt các quan chức, cho đô-đốc Hòa-nghĩa-hầu làm chức trấn-thủ Sơn-nam, Điện-quang-hầu làm chức trấn-thủ Sơn-tây Nguyệt-quang-hầu làm chức trấn-thủ Kinh-bắc, Hàm-hổ hầu làm chức trấn-thủ Hải-dương. hình-bộ (?) Giác-hòa-hầu, Hộ-bộ Chinh-ngôn-hầu, Lễ-bộ Ước-lễ-hầu, Hình-bộ (?) Lợi-tài-hầu đều được làm chức Hiệp-trấn Bắc-bình-vương lại bắt các người đều phải tiến-cử những kẻ mình biết, để đi coi các phủ huyện, võ thì chia ra chức « xuất », chức « nội »; văn thì chia làm chức « tri » chức « ngoại », đều phải do Sở tùy tài sắp đặt, bẩm lên xin cấp văn-bằng để cho ai nấy đem quân bản-bộ tới trấn của mình, Đoạn Bắc-bình hạ chỉ vẫn để con trai thứ tư tiên-hoàng-đế là Lê-Duy-Cẩn chủ-trương các việc tế-tự và cho đòi hết các quan văn võ đến cửa khuyết, chực ở trong nhà Lễ-bộ, rồi theo Lễ-quan Vũ Văn-Ước đưa vào yiết-kiến,

Một viên quan văn là Ngô Thì-Nhậm đến trước, Ước tưởng là Lê hoàng-tử, liền mời cùng ngồi với mình. Tiếp đó bọn Phan Lê-Phiên cùng tới và đều lạy ở dưới thềm. Thì-Nhậm ngồi đó không yên lòng, tức-thì đứng dậy trốn mất. Ước lấy làm lạ, không biết ai vào với ai, liền hỏi:

— Người vừa ngồi đây là ai?

Có người đáp rằng:

— Văn-ban Ngô-Thì-Nhậm đấy!

Ước giận và nói:

— Đây ta vâng mệnh quản-lĩnh, cớ sao hắn lại được vô lễ như vậy!

Lập tức Ước sai quân lính đuổi theo bắt Nhậm, Nhậm cũng biết trước như thế, nên đã trốn nấp một nơi. Chờ cho đến tối, Nhậm đến ra mắt viên Trung-thư-lệnh là Trần-Văn-Kỷ để nói chuyện đó.

Kỷ người Thuận-hóa, vốn có văn-học, là bậc danh sĩ ở Nam hà. Đời Cảnh-hưng, trong năm Đinh-dậu, thi hương đậu giải nguyên, đến năm Mậu-tuất, đã có tới kinh thi hội. Sĩ-phu bản-quốc, Kỷ có giao-tiếp quen biết ít người. Khoảng năm Bính-ngọ, Bắc-bình-vương chiếm giữ Phú xuân, sai người tìm Kỷ hỏi về công việc phương Nam, phương Bắc, Kỷ ưng đáp rất nhanh và rất hợp ý Bắc-bình-vương, cho nên Bắc-bình-vương coi trọng, để cho ở chốn « màn-dũng »[3], việc gì cũng bàn với Kỷ, không mấy khi mà Kỷ dời xa.

Lúc ấy Thì-Nhậm vào ra mắt Kỷ, nói rõ chuyện mình và Ước lầm nhau, sợ bị hãm hại, nên không dám lại, không phải là dám đi trốn. Rồi Nhậm nhờ Kỷ gỡ cho, Kỷ nói:

— Nghe ông là bậc kỳ-tài, chẳng may bị tiếng gièm pha, trốn tránh hơn năm, sáu năm, sự xúc-tích của ông chắc càng tinh-túy thêm nhiều. Ngày nay, chính đã đến lúc ông nên ra cho đời dùng. Tôi đã có đem tên ông trình với Chúa-công, khen là tài ông có thể dùng vào những việc to lớn. May nay chủ-thượng trông xuống, có lòng mến tiếc. Thế này là tôi tìm ông, không phải cần gì đến Ước.

Tức thì Kỷ đưa Nhậm vào ra mắt Bắc-bình-vương.

Bắc-bình-vương nói:

— Ngươi ngày trước vì bị chúa Trịnh không dong, một thân một mình bỏ nước mà đi. Nếu như ta không đến đây, bao giờ ngươi được thấy bóng « thiên nhật »! Hoặc-giả cũng là ý trời muốn dành nhân-tài để cho ta dùng. Vậy thì ngươi nên cố gắng, để lo lấy đường báo đáp.

Nhậm rập đầu tạ.

Bắc-bình-vương ngảnh lại bảo Kỷ:

— Người này do ta đã gây dựng lại, nên thảo ngay một tờ chế phong làm Lại-bộ Tả-thị-lang tước Tinh-phái-hầu.

Rồi Bắc-bình-vương cho Nhậm cùng Ước coi tất cả các ban văn võ của triều-đình nhà Lê.

Hôm sau, các quan lục-tục kéo đến, ai nấy đều được đưa vào lạy chào ở điện Chính-trung. Bắc-bình-vương đòi hết lên thềm và bảo:

— Tự-hoàng nhà Lê do ta lập lên đó. Nhưng mà ông ấy là người tối-tăm nhu-nhược, không thể gánh nổi công việc, cho nên sau khi ta đã về Nam, liền bị Nguyễn-Hữu-Chỉnh sai khiến, tự rước lấy vạ bại-vong. Ta không tham đất Bắc hà, nay mai lại sắp về Nam. Sợ nếu Tự-hoàng và giám-quốc tranh dành với nhau, ấy là ta gây ra loạn. Bởi vậy, ta phải để Đại-tư-mã Ngô-Văn-Sở ở lại, chủ-trương về việc binh. Đợi khi bốn cõi tạm yên, ta sẽ gọi về.

Trăm quan lạy tạ, rồi cùng cáo từ xin ra. Người nọ bảo với người kia:

— Bắc-bình-vương dùng những lời nói ngọt, giá ngự chúng ta đó thôi. Không phải thật bụng như thế. Văn-Sở cầm quân ở đây, Sùng-nhượng-công đâu được có nước? Động đâu bị « nắm khửu » đấy, ông ấy còn làm được việc gì nữa? Chẳng qua cũng như một cây tầm gửi, bám vào cành chánh cây khác mà sống, rễ không đến đất lâu dài sao được? Chúng ta, người nào có thể đi theo vua để lo công việc khôi-phục thì đi. Bằng không, thì nên liệu mình mà trốn cho xa, chớ để người ta mãi-lộng, mà rước lấy vạ vào mình.

Sùng-nhượng-công cũng biết như vậy, đã phải than rằng:

— Ta nay tiếng làm giám-quốc, thật ra chỉ là tên phu coi đền. Nhưng mà miếu xã ở đấy, bỏ thì đi đâu?

Bởi vậy Sùng-nhượng-công cũng đành cam lòng, không hề hối-hận.

Sau đó vài ngày, Bắc-bình-vương dẫn quân về Nam. Trước khi lên đường, Bắc-bình-vương có chọn một bọn văn-thần là Phan Huy Ích, Nguyễn-Thế-Áp, Ninh-Tốn, Nguyễn-Bá-Lan... tất cả năm người phong cho các chức tước.

Ích làm chức Hình-bộ Tả thị-lang, tước Thụy-nham-hầu được em vào Nam với Ngô-Thì-Nhậm, Còn Tốn và Lân thì được làm chức Hàn-lâm trực-học-sĩ, theo Đại-tư-mã Ngô-Văn-Sở ở lại ngoài Bắc. Bấy giờ Nguyễn-Hoàn và Phan Lê Phiên đều đã xin thôi, nhưng Bắc-bình vương cũng ban chức tước cho cả hai người và bắt bộ Lễ cấp phát văn-bằng về làng cho họ, Tham-tụng Bùi-Huy Bích và Thiêm-đô Nguyễn Huy-Trạc đều có đến kinh, nhưng đều không chịu để cho đưa vào yết kiến. Bích lừa ban đêm trốn đi, Trạc thì tự-tử ở đài Ngự-sử.

Ngoài ra, lại còn một bọn trốn nấp không ra, là Phó đô-ngự sử Nguyễn-Đình-Giản, Tham-tri chính-sự Lê-Duy Đản, Phạm-Đình-Dư, Khu-mật viện-sự Nguyễn-Duy-Hợp, Phạm-Trọng-Huyến, Thiêm-sai Công phiên Phạm-Quí-Thích, Đô-cấp sự-trung Nguyễn Đình-Tư... tất cả bẩy người.

Hoàng-thượng từ khi ở Lang-tài dời sang Chí-linh, các quan biết chỗ ngài ở, nhiều người đến theo. Trong bọn có người tên là Lê-Ban ở Giáp-sơn đem hơn trăm người nghĩa-dũng đến xin ra mắt. Hoàng-thượng mừng lắm liền phong Ban làm chức Ngự-doanh-sư, tước Trung-nhạc-hầu.

Ban nói ngầm với hoàng-thượng rằng:

— Thần trước về vùng Nghệ an, được thấy ở đó lòng người rất phẫn-khích, họ ghét Tây-sơn như cừu-thù, lắm người tụ họp ở các rừng núi, để hòng tính việc khởi nghĩa. Những bậc phụ lão nghe tin thần ở Bắc vào, lần lượt đến tận nhà thần hỏi thăm xa-giá ở đâu, để cho con em đi theo. Nhân thể thần mới cùng đi với họ. Mỗi khi qua các cửa bể, thần lấy nghĩa lý giảng bảo, nhiều người tình nguyện đem tầu và thuyền đến họp ở khơi Kinh-môn. Gần đây, thần vừa được tin báo rằng: Hiện có chừng hơn bẩy chục chiếc thuyền và hơn ba trăm thủy-thủ, khí-giới lương-thực đủ cả, bất-nhật sẽ tới. Vậy xin xa-giá ngự ra Giáp sơn, hạ chiếu cho Trần-Quang Châu đem quân bản-bộ hộ-tống. Châu coi quân bộ, thần xin coi về quân thủy. Hai đạo tiếp ứng cho nhau, Trước hãy khôi-phục lấy trấn Hải-dương để làm nơi xa-giá tạm đóng. Rồi phía bắc đánh lấy Từ-sơn, Thuận-an, phía nam thông với Thái-bình, Kiến-xương, theo đường Yên-quảng có thể thẳng tới Cao-bằng, kéo luôn sang vùng Lạng-sơn. Cái cơ trung-hưng, không còn cách nào hơn cách ấy.

Hoàng-thượng khen phải, liền cho Châu làm chức Đốc-chiến ở đạo Kinh-bắc

Quân chưa kịp tiến, thì có biểu của Đinh-Tích-Nhưỡng ở trấn Hải-dương đưa lên, xin đi tòng quân. Mọi người biết tin, nói ầm lên rằng: Nhưỡng là một kẻ chẳng ra làm sao. Bảo là có nghĩa thì hắn trước kia đã toan ôm lấy Nhà Chúa, chống lại mệnh-lệnh nhà vua, lúc đầu định theo quận Thụy, sau lại theo chúa Án-đô, khi chúa Án-đô bị hại, hắn liền bỏ luôn mà đi không thèm nhìn lại Bất-nghĩa đến thế là cùng. Bảo là có tài, thì hắn hai lần cầm quân, một lần thua ở Kim động, một lần thua ở sông Ngô-đồng, cầu chỉ chạy được thoát thân, không chết cũng là sự may mà thôi. Xem một đời hắn, hoàn-toàn không có chút nào nghĩa-khí, lại không có tài chiến-đấu. Chẳng qua hắn chỉ cậy thế là con nhà tướng, đè lấn người ta. Khi mới ra coi Hải-dương hắn thả cho bọn bộ-hạ cướp bóc khắp cả trong trấn. Người ta coi hắn là giống diều quạ, và đã gọi là giặc Nhưỡng. Hào-mục các huyện đã có đưa thư kể hết tội-ác của hắn. Họ đã họp nhau ở làng Lai-cách trong huyện Cẩm-giàng, hẹn trong sớm tối đánh phá Hàm-giang. Nhưỡng phải thu quân lui về Bình-giang. Rồi lại lừa lúc ban đêm, kéo đến đánh làng Lai-cách, giết hại không biết là bao nhiêu người, thây nằm khắp đồng. Sự tàn-nhẫn của hắn đến vậy. Nay người Hải-dương ai cũng coi hắn là thù. Nhận hắn, chẳng những vô-ích, mà còn mất lòng nhân-dân Hải-dương, không phải là một kế hay.

Hoàng-thượng cũng có nghe tin Nhưỡng bị mọi người không dong, đã gửi thư kín xin hàng Tây-sơn. Vì vậy, ngài không cho Nhưỡng tòng quân. Hào-mục Hải-dương được tin hoàng-thượng sắp sửa xuống Đông, đều có dâng biểu xin đi đánh Nhưỡng.

Nhưỡng quẫn quá, tính ra không còn chỗ nào dong mình, liền cáu và nói:

— Vua không thương ta! Ta có điều gì với vua?

Rồi Nhưỡng sai người trong bọn tên là Trần-Liên lẻn lên Thăng-long tố-giác chỗ hoàng-thượng ở và xin Văn-Sở sai quân đi bắt.

Liên mới nghe tin Hoàng-thượng lẩn núp trong một nhà dân, chỉ có chừng sáu bảy người đi theo, hắn bèn bảo hết với Sở. Sở hỏi cặn-kẽ, hắn lại vẽ rõ đường đi và chỗ Hoàng-thượng đương ở, rồi nói thêm rằng:

— Ví như vào chùa trói một lão sư lôi đi mà thôi.

Sở cười và nói:

— Nếu quả như lời ngươi nói, thì sao ngươi không lôi cổ đến đây cho ta mà còn xin quân làm gì?

Liên đáp:

— Lôi đi, chẳng qua chỉ một tên lính cũng đủ. Nhưng mà chúng tôi còn sợ danh-nghĩa nên không dám làm. Việc đó vẫn là việc dễ, chỉ khó ở chỗ đối với người nước đó thôi. Xin ngài xét rõ tình tôi.

Sở tin là thật, liền sai một trăm tên lính cùng đi với Liên.

Chẳng ngờ lúc ấy Trần Quang Châu, Lê Ban đã đến chỗ hoàng-thượng ở, binh-vệ cũng không ít lắm. Đêm ấy nghe báo có quân Tây sơn vượt núi sắp đến, hai người bèn chia hai đạo đón đường đánh úp, giết chết nhẵn-nhụi. Duy có Trần-Liên nấp trong hang núi được thoát. Sau khi sống sót, Liên lại lẻn về Thăng-long báo tin. Văn-Sở lập-tức sai đem đại-binh đi đuổi Hoàng-thượng.

Lúc đó Hoàng-thượng mới đến Giáp-sơn, các quân cần-vương tới họp chưa đủ. Chợt nghe tin quân giặc sắp đến, lại có Nhưỡng làm hướng-đạo, nhiều người nói rằng: Nếu Nhưỡng mà thông với giặc, thì xứ Hải-dương không thể ở được. Châu xin lại về Chí-linh, Ban xin chạy ra Yên-quảng. Mọi người còn đương bàn bạc phân-vân chưa quyết, vừa gặp có Trương Đăng Quĩ và người con trai là Trương Đăng-Thụ cưỡi chiếc thuyền bể từ huyện Kiến-xương đến đó ra mắt Hoàng-thượng. Khi đã nghe qua lời bàn của Châu và Ban, Quĩ nói:

— Chí-linh là chỗ đồi núi gập-ghềnh, đi tắt sang hạt Gia bình, lại là một nơi đồng bằng đất rộng, ta còn quân ít sức yếu, ở đó dù đánh dù giữ cũng đều bất tiện. Còn hạt Yên-quảng thì lại giáp với tỉnh Hải-dương, ngọn sông bến bể đều là cửa ngõ của Nhưỡng ra vào. Hắn đã nhị-tâm, thì vùng ấy cũng không phải chỗ đất lành có thể ở được. Chỉ có Sơn-nam đất tốt dân đông, đinh-tráng có thể luyện làm quân lính, thóc gạo có thể bắt làm lương-thực, giòng sông chằng-chịt giống như mạng nhện, cưỡi một chiếc thuyền bỏ chỗ nọ đến chỗ kia, chẳng ai còn biết lối nào mà tìm. Bệ Hạ nay còn đương buổi « tiềm-long », không đâu yên-ổn bằng đấy.

Hoàng-thượng cho lời Quĩ nói là phải, bèn quyết chạy sang miền Nam, Châu, Ban ngỏ ý không theo, Ngài phải úy-lạo hai người, rồi cho Châu dẫn quân về Bắc, Ban đem thuyền bể lui về Biện sơn, chờ khi nhà vua gọi đến.

Thế là các quân cần-vương tan-tác rút đi các ngả, xa-giá hoàng-thượng cũng trút sang hạt Sơn-nam.

Tới nơi, hoàng-thượng đóng ở Chân-định, dùng nhà của Quĩ làm nhà hành-tại. Quĩ đưa con em và các người họ ra mắt hoàng thượng, ngài đều phong cho quan tước, sai đi các làng các huyện chiêu-mộ những người nghĩa-dũng. Xa gần nghe tin nô-nức hưởng-ứng Ai nấy đều xin họp quân cần-vương, hẹn ngày cùng đến, thuyền bè có kể hàng nghìn, quân lính cũng đến vài vạn. Những người hào-mục xin vào yết-kiến, hoàng-thượng tự mình ra an-ủi họ.

Rồi ngài sai Quĩ chia quân ra làm năm đạo, mỗi đạo có đặt các chức Thống binh, đốc-chiến, Tham-quân, Đốc-hương, mỗi chức một viên, lập thành cơ-đội, đợi ngày tiến-phát. Nội-hàn Lê Xuân-Hợp bảo Trương Đăng-Thụ:

— Quân-lữ là một việc lớn, không nên khinh-suất. Nay nên hãy điểm số quân, kén lấy những người cường-tráng xung làm chiến-sỹ. Cứ năm chục người làm một đội, năm đội làm một cơ, năm cơ làm một đạo, giao viên Thống-đạo đốc-suất. Còn bao nhiêu nữa thì để xung việc vận tải, hay là sai khiến dọn-dẹp. Không nên chộn lẫn quân không tinh-nhuệ, hư-trương cái số cho to. Phải nên kê rõ các sổ, đưa vào hoàng-thượng, xin ngài ban cho binh-phù, trao cho quân luật. Viên Thống-đạo phải vâng mệnh-lệnh triều-đình, còn các cơ đội thì theo tiết-chế của viên Thống-đạo. Kẻ nào tuân lệnh thì trọng-thưởng. Nếu không tuân lệnh, thì bị chém giết. Sao cho quân-sỹ có lòng hăng-hái và biết cái « hướng » của họ phải đi, thì mới có thể đưa ra trận-mạc. « Binh » là việc hung, « chiến » là việc nguy, không phải là chuyện trẻ con.

Thụ nói:

— Ngày nay đương lúc phải gấp mua-chuộc lòng người, các việc đều nên giản-dị, chưa thể buộc vào luật-pháp.

Hợp nói:

— Thu được rất nhiều người mà toàn hạng người không thể dùng được, chỉ sợ khi họ thấy giặc là chạy, dầy-séo lẫn nhau, dẫu nhiều cũng chẳng làm gì! Vả lại, sao ông không nghĩ cụ lớn Các-lão hết sức tâu xin hoàng-thượng mới ngự về nam, ông là con ngài, vâng mệnh nhà vua, chủ-trương việc binh, vạn nhất mà bị vấp ngã, ấy là tội ai?

Thụ vẫn không nghe. Hết thẩy các việc, Thụ chỉ gọi bọn hào mục bảo miệng, thật ra, không có một mảnh sổ sách có thể tra cứu. Bởi vậy, đến khi có việc sai phái, Thụ đều mờ mờ, mịt mịt, không còn biết đâu vào đâu, có khi phải chạy khắp nơi mà hỏi, trong quân không có kỷ-luật nào cả. Quĩ vẫn không biết như vậy, có hôm Quĩ cho gọi Thụ hỏi về việc quân. Thụ thưa:

— Các đạo nay đã tề-tập. Số quân rất nhiều, ai cũng hăng-hái về việc đánh giặc, chỉ muốn giao chiến một trận để đền ơn trên.

Quĩ tưởng thật bèn tâu Hoàng-thượng, xin cho chọn ngày xuất sư.

Hoàng thượng có ý ngần-ngại mà rằng:

— Ta nghe những kẻ giỏi về chiến trận, trước hết phải tính sự thua cái đã, thì sau mới thắng được người. Nay ta xem ra, thuyền bè của mình đều là thuyền câu, thuyền chài, quân lính của mình đều bọn chợ búa tụ bạ, dùng thứ quân ấy mà đi đánh nhau, có giữ được khỏi thua chăng? Vả ta lại nghĩ: sau khi bại vong, phải cùng vài người bầy-tôi tính cuộc tái-tạo, nếu ta không thể khôi phục xã-tắc, thì nên chết với xã-tắc, ta đã thề phải đánh nhau với giặc, có ngại gì việc xuất sư? Nhưng ta chỉ muốn đã làm việc gì phải cho vạn toàn việc ấy, cho khỏi mang tiếng là vì khinh-suất, vội vàng mà đến táng-bại.

Quĩ quay mặt lại hỏi Thụ:

— Thánh-dụ như thế, con nghĩ thế nào?

Thụ nói:

— Cái ngày mà nay có thể nương cậy ấy là lòng người. Bây giờ người ta đều đương ngưỡng mộ thánh-đức, thâm-thù quân giặc, muốn được đại-chiến một trận giết cho kỳ hết. Lòng người như thế, đánh đâu không tan? Chế roi có thể quật được nước Sở, giơ cần câu có thể làm mất nhà Tần huống-chi những quân thuyền ấy, há chẳng đủ giết quân giặc? Nếu cứ muốn có quân lính quen tập trận-mạc, thuyền-bè phải đủ « tầu buồm », thì trước đây, quận Thạc, quận Nhưỡng đều là những tướng đã đánh kể hàng trăm trận, những quân thủy-bộ của họ thống lĩnh lại đều là quân tinh-nhuệ, kiêu-dũng, sao cũng không thể thành công và đều đến phải tan vỡ? Vậy thần xin được thả thuyền theo thẳng giòng sông, ngược lên cùng giặc quyết-chiến... Oai rồng xuống sông, quân-sỹ hăng-lên gấp trăm, chẳng quá năm ngày có thể lấy lại kinh-thành. Cơ hội này không nên bỏ lỡ! »

Giữa lúc hoàng-thượng phân-vân, thì Nguyễn Viết-Tuyển vừa đem binh-thuyền đến nơi xin đón xa giá nhà vua.

Tuyển với Nguyễn Hữu Chỉnh là người cùng huyện, từ trước đã làm bộ-tướng của Chỉnh, về sau lại có theo Chỉnh vượt biển vào với Tây-sơn. Những lúc Chỉnh phải ra nguy vào hiểm, Tuyển đều không dời bên cạnh. Lúc Chỉnh về nước đắc-chí, tức-thì tiến Tuyển với vua, khen rằng tài Tuyển có thể đương nổi một mặt. Hoàng-thượng bèn phong cho Tuyển là chức trấn-thủ Sơn-nam, thống-lĩnh năm nghìn bộ-binh, bẩy chục chiếc thuyền. Tuyển rất giỏi về thủy-chiến, nên khi Chỉnh với Tây sơn có sự bất-bình. sợ Vũ Văn-Nhậm thừa-hư đi vòng đường biển ra đánh, Chỉnh bèn sai Tuyển đặt đồn thủy-quân ở cửa Đại-hoàng, đem quân đi tuần ngoài bể, để dò quân địch. Tới khi kinh-sư tan-vỡ, Chỉnh phải hộ-giá hoàng-thượng. chạy trước sang mạn Kinh-bắc, Tuyển không nghe biết chi hết. Sau được tin báo, Tuyển mới lật-đật ở bể về trấn, tính cách cắt giữ đất đó chống nhau với giặc. Văn-Nhậm đánh không đổ. Văn Sở lên thay Văn Nhậm, muốn dỗ cho Tuyển về hàng, bèn sai người về Nghệ an bắt cả cha Tuyển, vợ Tuyển, đưa ra Thăng-long. Sở sai vợ Tuyển cầm thư của cha Tuyển viết để đi dụ Tuyển và nói: « Nếu Tuyển không hàng thì Sở sẽ giết cha Tuyển. » Tuyển thấy bức thư của cha, vừa khóc vừa nói:

— Đời người chỉ có ba đấng bề trên là: vua thày, cha. Hoàng-thượng tức là vua ta, Bằng-công tức là thày ta. Lời cha há dám không theo? nhưng thù của vua và thày không thể không trả. Giả-sử đầu hàng mà được hầu cha nuôi cha, trở về nơi quê hương họ mạc, làm kẻ nông-dân trong huyện Chân-phúc cho hết đời, thì dẫu được đằng nọ mất đằng kia, ta cũng cam lòng. Nhưng ta chỉ sợ bị bàn tay độc giết hại, ấy là trung hiếu hỏng cả, để tiếng cười về nghìn đời!... Thế là một kẻ rất ngu ở gầm trời. Điều đó rất không nên.

Rồi Tuyển dặn vợ trở về tạ cha, chứ không chịu hàng. Cha Tuyển được tin, biết rằng Tuyển không có ý cứu mình, ngửa mặt lên trời và than:

— Đã không có thể cầu sống với con, thì còn xin sống với người làm gì? Giả sử nó mà được như Vương-Lăng, thì dẫu bà mẹ anh ta có chết cũng đáng tiếc! Nhưng ta xem nó ngu như con lợn con chó, khó lòng làm nên trò gì. Sống để trông thấy nó bị thất bại, thà rằng chết trước còn hơn.

Sở biết chuyện đó, sai người canh giữ rất ngặt và nói:

— Tuyển đã nhất-định không hàng, ta cũng không thể nuôi giặc.

Rồi Sở tự đốc đại quân đánh Tuyển, chở cả cha Tuyển vợ Tuyển đi theo, sai Đại-đô-đốc Nguyễn Văn-Tuyết quản-lĩnh thủy-quân, tự mình quản-lĩnh bộ-quân, cùng Phan Văn-Lân chia làm hai cánh tả hữu, theo thẳng hai bờ sông Cái trẩy đi.

Đến bến Thanh-trì, Sở bắt được tên thám-tử của Tuyển đem về tra hỏi. Tên đó thú rằng: Tuyển chỉ có chừng tám chục chiếc thuyền, đóng cả ở Hàm-tử quan, không có quân bộ. Lương quân cũng bắt của dân, năm ngày một kỳ, nhưng cũng không được kế-tiếp luôn luôn. Quân sỹ có kẻ buộc thuyền, lên bờ vào các nhà dân cướp bóc. Người ta ai cũng chán ghét, thế tất không thể ở lâu. Hiện Tuyển đương đắp lũy đất ở sông Đại-hoàng, đốc-thúc công việc rất gấp. Chắc Tuyển sẽ lui quân về đóng đồn ở đó để giữ cho vững, đó thôi.

Nhờ vậy Sở mới biết rõ tình-hình của Tuyển, liền bảo Lân rằng:

— Quân ta chuyến này bắt Tuyển như bắt một thằng bé con, không khó gì cả.

Sở bèn hợp cả bộ-binh chia làm hai đạo, lẻn xuống phía nam, vòng ra đằng sau quân Tuyển, nấp ở hai bên bờ sông, chờ khi quân thủy đánh nhau với Tuyển, nghe thấy tiếng súng, lập-tức thúc trống hò reo xông lên, hai cánh cùng nhắm thuyền quân của Tuyển mà bắn.

Rồi đó, hai bên giao-chiến ở làng Kim-động, quân Tuyển bất lợi phải theo giòng sông chèo gấp xuống Nam. Sở liền thừa-thắng đốc quân đuổi theo. Đến sông Đại-hoàng, quân Tuyển tựa vào lũy đất để giữ thế thủ, mặt thủy mặt bộ hợp sức đánh với quân Sở.

Lúc Tuyển bị thua ở làng Kim-động, sỹ dân « hạ hạn » đều chưa ai biết. Trông thấy thuyền bè lấp sông, tinh kỳ rợp trời, cho là quân Tuyển có thế « chắc được », lại nghe hoàng-thượng ở huyện Chân-định, Tuyển đã cho thuyền đi đón, xa-giá sắp sửa tới nơi, ai cũng nô-nức mừng rỡ, tranh nhau đem các đinh tráng, mở cờ dóng trống, đi rước quân vua. Tuyển thấy nhân-tình như thế, nên mới dâng biểu tâu xin hoàng-thượng ngự ra coi quân. Bấy giờ Đăng Quỹ cũng hết sức khuyên hoàng-thượng nên đi thân chinh Hoàng-thượng bất-đắc-dĩ phải theo. Nhân dân ven sông thấy bóng tàn tán nhà vua súm sít trên bờ, kéo nhau đến xem, đông như nêm cối. Ai nấy bảo nhau vái lạy và hô vạn tuế.

Ngự-giá đến sông Ngô-đồng, chợt thấy một người tất-tả chạy về phía nam, quân lính liền bắt lại hỏi vì sao mà chạy. Người ấy miệng run cầm cập không thể nói được, chỉ giơ ngón tay chỉ ra một làng đằng xa, lâu lâu mới đáp:

— Giặc đến nơi rồi!

Mọi người cùng lên trên cao trông ra, thì thấy trong đám cây-cối um-tùm có một toán quân đương ở phía tây đi lại, cờ quạt thấp thoáng khi mờ khi rõ, ai nấy đều nói hiệu cờ của quân Tây-sơn.

Quân-sỹ lập tức xuống thuyền tâu với hoàng-thượng. Hoàng-thượng nói:

— Có quân Viết-Tuyển đóng ở trước mặt, lẽ nào quân giặc có thể vượt thuyền tới đó?

Rồi ngài sai Lê Xuân-Hợp lên bờ, dùng ống viễn-kính chiếu ra. Hợp thấy đúng quân Tây-sơn, nhưng sợ quân sỹ kinh-khủng, bèn xuống tâu rằng:

— Chưa biết là hiệu quân nào. Nhưng giặc Tây sơn xuất quỉ nhập thần rất là khó lường, « dự-bị bất ngu »[4] đó là phép của đời xưa. Vậy xin hãy dời thuyền ngự sang bờ bên đông xem sao.

Hoàng-thượng khen phải.

Thì ra lúc mới đánh nhau với Tuyển, Sở dùng thủy quân theo thẳng dòng sông xuôi xuống làm chính-binh, và lại ngầm sai Đô-đốc Nguyễn Văn-Hòa lĩnh-đạo khinh-binh do đường Bình-lục, Thiên-thủy vòng lại làm toán kỳ-kinh, đánh úp phía sau quân Tuyển.

Nhưng Tuyển không biết. Trong lúc hai bên giao-chiến mới được vài hợp. Tuyển sai tướng sỹ bầy súng Bảo long trên sông để bắn.

Chợt thấy quân Tây trói cả cha Tuyển, vợ Tuyển để ngồi đầu thuyền, và kíp chèo thuyền xông lên, Tuyển khóc và nói:

— Con bắn cha, ấy là nghịch với đạo trời! Tức thì Tuyển ngăn quân-sĩ thôi bắn và sai lui vào trong lũy cố giữ.

Thình lình nghe tiếng súng nổ ầm ầm như sấm, khói lửa bốc lên ngất trời, trong quân hoảng-hốt, kinh-sợ, nhao-nhao nói rằng: « quân giặc đã chặn mất đường về rồi ».

Bấy giờ thuyền của hoàng-thượng đóng ở bờ sông phía đông đã lâu, khi được tin báo buân Tuyển bại-trận, quân giặc xông ra tứ phía, chém giết vô kể, mọi người đều mất hồn-vía, bỏ thuyền lên bờ, cướp đường mà chạy. Hoàng-thượng cũng thuận giòng sông buông thuyền chạy xuống phía nam. Khi tới một ngã ba sông, không biết đi về ngả nào. Ngài sai gọi Trương Đăng-Quĩ để hỏi.

Nhưng Quĩ đã đi đâu mất, không thấy ở trên thuyền nữa.

Lúc ấy gió bắc nổi lên đùng đùng, Hoàng-thượng liền sai dương buồm phóng thuyền ra bể. Ngẩng đầu trông lên, chỉ thấy một trời một nước, theo gió đè sóng, lênh-đênh trong biển khơi, hoàng-thượng lúc ấy đã không nghĩ gì đến sự sống thác. Ngài bèn ngửa mặt lên trời, khấn rằng:

— Nếu trời không muốn để cho nhà Lê còn việc tế tự, thì xin theo loài ngựa bể, tới biển Nam, đến chỗ ở của vua Quảng-Lợi, không muốn sống về làm chi.

Nói chưa dứt lời, bỗng thấy có một chòm núi đột-ngột nổi trên lớp sóng, sau núi có chừng vài chục chiếc thuyền, hoàng-thượng vội hỏi chân-sào chô ấy là chỗ nào. Thì ra đó là hải-phận Biện-sơn. Dần dần gần lại, thấy có một người bận nhung-phục, đứng ở đầu thuyền, nhìn kỹ, chính là Lê-Ban. Hoàng-thượng vừa mừng vừa thẹn, chưa biết nói sao. Ban biết thuyền ngự, vội đến bái-yết. Hoàng-thượng ứa nước mắt nói:

— Ta hối không dùng kế của nhà ngươi, thành ra bị Trương Đăng Quĩ làm lỡ. Biết trước thế này, thà ở Giáp-sơn mà thua, còn hơn là về Chân-định mà thua, lại thêm một phen khổ sở, để cho người ta chê cười. Nhưng thôi, việc đã rồi, không thể lấy lại. Bây giờ nên làm thế nào?

Ban thưa:

— « Có lắm nạn mới dấy được nước », « sự lo nghĩ là sự mở rộng thánh đức », bệ-hạ chớ vì thế mà ngã lòng. Thắng bại cũng là việc thường của nhà binh. Ví như đánh cờ, thua keo này bày keo khác, cốt phải tính lấy nước cao, có thể bại được người ta. Bao giờ qui mô sắp đặt đâu đấy, bấy giờ hãy nên ra mặt. Hiện nay thế giặc mạnh quá, ta chưa chiếm được một mảnh đất nào, không thể đánh nhau với nó. Thần xin bệ hạ lên đường bộ vào Lam-sơn tức là cái đất hưng-vương của đức Thái-tổ ngày xưa Lấy chỗ đó làm nơi « bảo giá », rồi sai người dỗ bảo tù-trưởng của dân Mường-Mán chúng cũng đều là giòng-giõi bọn Phiên-thần, khuyến-khích không khó, và cho người đi thu-thập lính cũ hai xứ Thanh, Nghệ, họ đều là hạng túc-vệ thân-quân ngày trước, ai không vui lòng mà theo? Thế rồi theo đường ven núi đi lại thông nhau. Từ trên ba trấn Sơn-tây. Sơn-nam, Hưng-hóa, xuôi thẳng giòng sông đi xuống, đột nhiên hiện ở trong núi. Bất-nhật ba đạo cùng nổi, kéo thẳng về tận đô-thành. Cuộc trung-hưng của bản-triều hồi xưa, là dùng cách đó.

Hoàng-thượng khen phải. Ngài bèn lên bộ, đi về Thanh-hoa, rồi sai Ban vào Thiên-quan dụ quận Thái, Tôn-thất Lê Duy-Đoan đi Phù-sang dụ Tây-lĩnh.

Hai người tù-trưởng này vừa mới thông với Tây-sơn, chưa dám bỏ ngay, họ đều nói rằng: Chúng tôi nhờ đội ơn nặng nhà nước, há lại dám không hết lòng? Nhưng mà kinh-doanh nghiệp cả. ắt phải tích lũy lâu lắm mới được, không thể muốn làm xong ngay trong khoảng mươi hôm. Ngày xưa, Cao- nhà Hán, Thái-tôn nhà Đường, đều phải khó-nhọc đến năm sáu năm. Vậy xin lượng thánh xét kỹ hãy lấy Lam-sơn làm nơi « dưỡng hối », thư cho chúng tôi ít năm, để luyện quân mã, sắm khí-giới, sắp lương-thực, sửa đường xá, thì mới có thể vâng mệnh nhà vua. Nếu bắt làm gấp, e rằng sức-lực chúng tôi không thể làm nổi.

Đoan về nói với hoàng-thượng rằng:

— Chúng nó thật không có lòng ứng nghĩa, nên nói thái-thác để cự tuyệt ta đấy thôi. Chỗ này sơn-lam trướng-khí, không thể ở lâu. Vậy xin bệ-hạ sơm sớm định liệu, kẻo mất thì giờ vô-ích!

Hoàng-thượng nghe lời. Ngài bèn ra huyện Kim-bảng, rồi thay quần áo người thường, đi lên Kinh-bắc, tạm ở trong phủ Lạng-giang. Sau ngài lại về Từ sơn đóng tại nhà quan tham-tri Phạm Đình-Dư. Duy-Đản, Doãn-Lệ, Danh-Án, Vũ-Chinh, Lê Xuân-Hợp, luôn luôn đi lại, bàn tính với ngài. Một hôm Dư nói:

— Nay hạng bề-tôi nanh-vuốt của nhà vua chỉ có ba người là Ban, Tuyển, Châu, Tuyển từ sau khi thua ở Hoàng-giang, trốn về Nghệ-an không biết ở đâu. Châu bị Tây-sơn lùng-nã, phải lẩn-núp trong các hang rừng. Không còn mưu được việc gì. Ban thì phụng chỉ đi chiêu-dụ, còn ở Thanh-hóa, cũng không có tin tức gì. Bây giờ bệ hạ trọ-đậu ở nơi thôn-ổ, lũ thần đi lại luôn luôn, sợ nữa lâu rồi, nếu bị có kẻ dò biết, thì sẽ có sự bất-trắc. Bất nhược hãy lên với Nguyễn Huy-Túc ở Cao bằng, đức Thái-hậu hiện vẫn còn đó. Trong thì hiệp với phiên-thần, ngoài thì tựa vào Thiên-triều, may ra mới làm được việc.

Hoàng-thượng nói:

— Trước kia ta đã sai Ngô Thì-Chí lên Cao-bằng để xếp đặt sẵn. Nghe nói Chí đến giữa đường phát bệnh, không biết về sau ra sao.

Án thưa:

— Chí bị bệnh nặng, không thể đi được, phải cáng về huyện Gia-bình rồi mất. Chúng tôi nghe tin như thế, nhưng chưa kịp tâu.

Hoàng-thượng ứa nước mắt nói:

— Thế là mất một người lương-thần! Tiếc thay!

Rồi ngài tự tay làm một tờ chiếu truy-tặng cho Chí làm chức Hàn-lâm thị-chế, tước Du-trạch bá. Viết xong, ngài trao cho Án và nói:

— Nên đem đưa cho vợ con y, cho họ được biết ý trẫm.

Đản tiến lên nói:

— Hiện nay những kẻ thần-dân theo giặc, đều đem quốc-tình nói với nó, cho nên mình sắp mưu-toan việc gì, nó đã biết trước cả rồi. Thậm-chí có kẻ lại còn đưa giặc đến bức xa-giá nữa. Đó là biến từ trong ra, không phải chỉ có giặc ngoài mà thôi. Vì vậy mà ở Chí-linh và ở Giáp-sơn hai lần đều không thành, tiếp luôn đến việc Sơn-nam. Ngày nay chỉ còn một cách sai sứ sang Tàu cáo-cấp, xin họ đem quân giàn ở trên cõi, hỏi tội quân Tây gây việc binh-đao và bọn người nước theo giặc, để cho đảng giặc không thể tự yên, lũ bội-bạn cũng có chỗ sợ, thì lòng ứng-nghĩa của người ta mới được bền vững, những mưu-cơ khôi-phục mới khỏi bị chúng tiết-lộ.

Hoàng-thượng bảo phải. Ngài bèn sai thảo bức thư đưa trước cho viên tổng-đốc Lưỡng-Quảng, đại-lược nói rằng:

« Nước tôi ba trăm năm nay, nhờ đội oai-đức thiên-triều, nối đời giữ chức phiên-phong, trong nước vẫn được yên-tĩnh. Chẳng may vận nước gặp buổi trung-suy, vua cũ mất đi, Nguyễn Huệ Tây-sơn là rể nhà nước, quên ơn bội nghĩa; nhân khi nguy-biến, đánh người trong lúc có tang, và chiếm mất cả đất nước. Đến nỗi người cháu nối giòng phải chạy ra ngoài, những việc báo tang, cầu phong chưa kịp sai sứ đi nói; thể-lệ nhiều điều thiếu-thốn. Nếu không gõ cửa ải mà bày tỏ, e lại vì thế mà bị tội. Bởi vậy nay phải bẩm hết duyên-do, mong rằng Thượng-hiến xét thương tình kẻ ở xa, đề-đạt giúp cho. Tôi đã có biểu trần-tình xin giao một viên hành-giới đem đi và có chép thêm một bản thứ hai, trình ngài coi qua. Trộm nghĩ, thiên-triều ví như trời che đất chở, xa gần không sót chỗ nào. Xin xét tấm lòng kính-thuận của các đời trước nhà tôi và thương đến sự thơ-yếu lang-thang, của tôi, truyền cho đem quân áp cõi, đánh kẻ có tội, dẹp sự rối-loạn, dựng lại nước tôi, ấy là muôn lần trông mong về cái đức lớn không thể đặt tên của đức Đại-hoàng-đế và công giúp-đỡ của Thượng-hiến sẽ cùng non sông nước cùng cao xa vậy. »

Viết xong, Hoàng-thượng sai Đản và Án xung chức chánh sứ, phó-sứ.. Hai người lại đem mấy kẻ thân-tín cùng đi. Ai nấy chỉ có áo rách nón tàn, giống như kẻ hành-lữ vậy. Hoàng-thượng tiễn đến giữa núi Bảo-lộc và dặn hai người:

— « Bốn phương chuyên đối », đó là chức-sự của kẻ sứ-thần. Nhà nước còn mất, công việc nên chăng, quan-hệ ở chuyến đi này. Các ngươi nên tùy cơ ứng-biến cho khéo. Những sự uẩn-súc mọi ngày, nay đem mà thi-thố ra. Ba tấc lưỡi cũng là kinh-luân, việc từ-lệnh không thể thôi được. Các ngươi đều phải cố gắng cho vừa lòng trẫm.

Hai người lạy tạ rồi đi, Đản nói riêng với Án:

— Bọn ta tiếng là bồi-thần, thật ra cũng giống như kẻ vong-mệnh, ra đi đã không có ai đưa đón, trên đường lại bị nhiều sự ngăn-trở, đồi núi gập ghềnh, leo-trèo vất-vải. Nếu như chưa tới đất Tàu, quân giặc đã đuổi kịp rồi, thì thật là sự dở-dang, rất đáng lo-ngại. Nếu đi đã gần tới dinh của Đốc-bộ, thì ta không sợ gì nữa.

Án nói:

— Nếu như lòng trời còn giúp xã-tắc, chắc sẽ không có sự đó, việc gì mà phải lo xa? Chỉ nghĩ từ khi nước ta có nước đến giờ, vẫn thường đi lại đất Tàu, các đời sáng-nghiệp trung-hưng, gặp cảnh deo neo không biết là bao nhiêu phen, nhưng kẻ bồi-thần đi sứ, chưa ai lại như chúng ta ngày nay.

Rồi Án nhân thế tức cảnh luôn một bài thơ, trong có hai câu như vầy:

« Vạn cổ ưng truyền kỳ tuyệt sự,

« Tệ thoa tàn lạp sứ-thần trang.

Dịch rằng:

« Rồi đây chuyện lạ truyền muôn thủa,

« Sứ-thần nón rách, áo tơi tàn. »

Hai người cùng theo đường núi đi lên cửa ải Lạng-sơn.

  1. Tức huyện Kim-anh bây giờ.
  2. Nghĩa là chỉ bảo, sai khiến, không cần chỉ tay nói miệng, hất hàm đưa mắt, người ta đã phải theo rồi.
  3. Ngày xưa cho ở của các đại-tướng thường có che màn cho kín. Ở chỗ màn-dũng, tức như viên tham mưu vậy.
  4. Dự bị từ khi việc chưa xẩy ra.