XVI

Trong lúc Nguyễn Hữu-Chỉnh ở Nghệ vào kinh, Án-đô-vương Trịnh Bồng phải chạy qua sông sang trấn Kinh-bắc vào ở tại làng Quế-ổ, ở đấy có viên quan võ là Nguyễn Đình-Toại vâng chỉ của Bồng, hò gọi thổ-hào trong vùng Thuận-thành, Từ-sơn, mộ quân nghĩa-dũng, mưu việc đánh Chỉnh lấy lại nghiệp cũ. Rồi Toại đưa hịch cho các phiên-thần ở vùng Cao-bằng, Lạng-sơn, khuyên cùng họp quân cần-vương.

Chỉnh đánh mấy lần không được. Bấy giờ vì còn có Dương Trọng-Tế, chiếm huyện Gia-lâm, đắp lũy chống nhau với Chỉnh, đường đi còn bị ngăn trở một quãng, nên Chỉnh không nghĩ đến Bồng. Bấy giờ Trọng-Tế đã bị giết, Chỉnh bèn hăng-hái cho việc đánh Bồng là việc cần nhất, liền xin hoàng-thượng cho mình tự dẫn binh-mã bản-bộ lên đường.

Hoàng-thượng thấy Bồng vốn vẫn có lòng kính thuận, không muốn đánh y. Vả lại bụng ngài thật vẫn ghét Chỉnh, sợ Chỉnh đắc-chí sẽ thành cái thế lấn-bức, nhưng mà khó nói ra lời, ngài bèn sai viên Nội-hàn Vũ Chinh ra bảo Chỉnh rằng:

— Họ Trịnh nhiều đời đã có công lớn nếu để họ ấy tuyệt tự như Tử-Văn nước Sở ngày xưa, thì còn lấy gì khuyến-khích người thiện? Bất-nhược hãy làm lời dụ bảo rõ cho hắn các đường họa-phúc để hắn tự-liệu. Nếu hắn cứ mê không tỉnh, sẽ kéo quân đánh. Ta cứ giữ niềm trung hậu, để cho hắn không nói vào đâu được. Như thế há chẳng hơn sao?

Chỉnh không nghe và nói:

— Nếu tôi không đề binh ra, cái việc Trọng-Tế giúp Chúa được thành xem hắn có hậu với hoàng-thượng không? Anh-hùng làm việc, há lại theo cái nhân-đức của đàn bà!

Rồi Chỉnh cố xin ra quân. Hoàng-thượng bất đắc dĩ cũng phải bằng lòng.

Chỉnh đốc đại-quân qua sông, thuyền-bè chật cả mặt sông, thanh thế thật là lẫm-liệt đáng sợ.

Bồng nghe tin báo, vội-vàng sai Toại đốc-suất người Quế-ổ làm đội tiên-phong, thổ-hào Yên dũng là Nguyễn Trọng-Linh làm tướng tả-cự, thổ-hào Gia-bình là Trần Quang-Châu làm tướng hữu cự, bày trận đợi sẵn.

Quân Chỉnh tới nơi, hai bên đối-chiến từ sáng đến tối chưa phân thắng-phụ, lại cùng giải binh nghỉ ngơi. Chỉnh bèn cho người đưa tờ chiếu-dụ của vua cho Bồng, khuyên Bồng qui-thuận không nên chống lại mệnh vua. Bồng cười và nói:

— Hữu-Chỉnh đến đây lần này, chỉ muốn bắt sống ngay ta. Nếu nuốt được trôi, chắc nó sẽ không nhả ra. Nhưng mà nuốt cũng không trôi, cho nên mới lấy những lời ngon ngọt dỗ ta. Thằng nghịch-tặc quỉ-quyệt đáng ghét! Tuy vậy nó đã mượn mệnh hoàng-thượng đưa lại, ta cũng không thể nín im không đáp.

Tức-thì Bồng tự thảo một tờ biểu trần-tình, đại-ý nói rằng: Tội-ác của Chỉnh hiện đã làm cho nhân-dân đều phải chau mày nghiến răng. Vậy xin hãy giết Chỉnh đã, rồi sẽ về triều. Lời lẽ cực kích-thiết.

Chỉnh coi tờ biểu, thấy Bồng gọi mình là giặc, khí tức nổi lên đùng-đùng, liền tuốt gươm ra và nói thật lớn:

— Nước đã mất rồi, vẫn chưa biết sợ, còn dám múa bút khua lưỡi, để lừa người nước! Ngày nay ta thề với hắn một sống một thác. Tướng-sĩ các người đều phải trông cờ nghe trống, xông thẳng vào trận, chỉ có tiến không có lui. Kẻ nào không theo mệnh-lệnh, thì đã có thanh gươm này!

Rồi Chỉnh vận nhung-phục, lên mình voi, cầm lá cờ đỏ vẫy các quân-sĩ tiến lên phía trước.

Nguyễn Như-Thái tế ngựa vào trận hò reo « giết giặc ». Súng nổ, cung bắn, tên đạn bay sang như mưa. Đội tả cự của Bồng chống lại không nổi, nhốn-nháo sắp vỡ. Bồng liền sai đội tiên-phong hợp với hai cánh tả hữu, vừa đánh nhau vừa lùi.

Khi lùi được vào trong lũy, Bồng bèn chia quân cố giữ cho vững. Chỉnh giàn quân khắp bốn mặt lũy đánh vào. Đánh suốt nửa ngày không vỡ. Đến tối, bỗng đâu mưa sa sùn-sụt, gió thổi ào-ào, trời đất tối như đổ mực, cách gang thước không trông thấy gì. Chỉnh liền hạ lệnh vây xát vào lũy của Bồng.

Bồng bèn chia quân làm ba toán. Những người dũng-cảm thì cho vào toán tiền-dực và toán hậu-dực, do Toại và Châu đốc-lĩnh. Còn kẻ già yếu thì ở trung-dực, Bồng tự thống-dẫn.

Cắt đặt đâu đấy, Bồng sai im hết chiêng trống, tắt cả đèn lửa. Ngoài lũy súng bắn liên-thanh bất-chỉ, trong lũy vẫn im lặng như tờ. Chỉnh sai mấy tên « quân hậu » lẻn đến dưới lũy nghe ngóng, cũng thấy im phắc như không có người, nhưng vẫn không biết hư thực ra sao Sang canh tư, mưa, sét lại nổi lên dữ-dội. Bồng sai mở rộng cửa lũy, bảo Toại và Châu ra trước, mỗi người đem 50 tên dũng-sĩ, đánh thẳng vào dinh của Chỉnh, Toại đánh mặt tả, Châu đánh mặt hữu, để mở lấy một con đường ở giữa. Bồng tự dồn toàn trung dực chạy thẳng về đường phía đông. Toại và Châu đều quay binh lại làm đội chặn hậu.

Đêm ấy tối quá, quân Chỉnh không thể nhận rõ người nào với người nào, bắn nhau, đâm nhau lộn bậy. Sáng ra mới biết Bồng đã chạy trốn, đuổi theo không kịp. Chỉnh đốc quân-sĩ vào thành, chỉ thấy toàn những nhà không, khí-giới lương-thực không còn một chút gì hết. Bụng Chỉnh rầu-rầu không vui, liền họp các tướng thu quân về kinh.

Bồng thoát vòng vây, liền chạy tuốt xuống Hàm giang, nương-tựa vào Đinh Tích Nhưỡng. Bao nhiêu quân-lính già-yếu, Bồng đều cho về, chỉ để hai tướng Châu, Toại và hơn một trăm thủ-hạ ở lại với mình.

Nhưỡng sai dọn riêng một trại để cho Bồng ở.

Tính Nhưỡng vốn đã nóng-nẩy, lại không tinh-thạo tướng lược, và cũng không phải là người trung-nghĩa, lời nói việc làm của Nhưỡng mọi ngày chỉ là những sự giả-thác mà thôi. Từ khi xuất-thân đến nay, Nhưỡng chỉ quen tập thủy-chiến, chưa từng coi lĩnh bộ-binh. Sau trận đại-bại ở huyện Kim-động, thuyền-bè mất hết, Nhưỡng phải bạt về xứ Đông, giữ trộm lấy trấn Hải-dương. May mà ở đó còn có quân lương đủ dùng. Nhưng Nhưỡng không khéo vỗ về trăm họ, lại thả quân-sĩ cướp-bóc khắp các làng xóm, hai phủ Thượng-hồng, Hạ-hồng đều cùng căm-oán, hào mục các nơi hùa nhau nổi lên đánh lại, Nhưỡng phải bỏ thành chạy về Hàm-giang, Khi nghe Tây sơn về Nam, Nhưỡng lại kéo quân vào kinh, muốn lập quận Thụy để chống nhà vua Chẳng may quận Thuy bị bại, Nhưỡng lại phải bám vào Bồng. Tới lúc nghe tin Chỉnh lại sắp ra, sợ Chỉnh không dong được mình, Nhưỡng bèn dẫn quân về Đông, xin lĩnh hai trấn Hải-dương, Yên quảng để tránh tai-vạ. Khi Bồng phải chạy về Quế-ổ, Nhưỡng vẫn lượn-lờ ở vùng Đông, nhưng mà chưa đến chỗ Bồng ở thăm viếng lần nào. Lúc ấy Bồng đến, Nhưỡng cũng ra vẻ nhạt-nhẽo, lễ ý rất là đơn-bạc. Trần Quang-Châu và Nguyễn Đình-Toại đêm ngày ở bên cạnh Bồng, Nhưỡng đều không ưa, với Toại thì ghét là con nhà tướng, với Châu lại chê là chân bạch-đinh. Hai người dò biết ý đó, sợ rằng có vạ bất-trắc xẩy ra, ngày ngày nằn-nì với Bồng xin đi.

Bồng tiễn hai người vừa khóc vừa nói:

— Tục-ngữ có nói « chết đuối vớ phải bọt » bám làm sao được? Chẳng bao lâu nữa ta cũng phải đi, còn giữ các ngươi làm gì?

Hai người đi khỏi, Bồng ở lại đó chừng hơn mười ngày, Nhưỡng không hề nói với Bồng câu nào về các việc quân việc nước. Thình-lình một đêm, Nhưỡng vào chỗ Bồng và nói:

— Trời thanh trăng sáng, vẻ thu rất đẹp. Thần đã đem rượu lên thuyền chờ-đợi, xin Chúa đi chơi, xem ngắm phong-cảnh một lúc, cho khuây nỗi lòng!...

Bồng cau mặt đáp:

— Phong-cảnh tuy vẫn như xưa nhưng mà non sông thì đã khác trước. Ta chưa giết được kẻ thù, không thể quên việc ngồi trên đống giáp. Bơi thuyền, uống rượu, không phải là chuyện của ta bây giờ. Tướng-quân hãy đi mà chơi.

Nhưỡng ra khỏi, Bồng vẩn-vơ ngồi tựa vào ghế và bảo kẻ hầu:

— Quan võ hết thẩy không thể nương cậy, họa chăng có bọn quan văn.

Bồng bèn thảo một bức thư ngầm sai thủ-hạ đưa về cho Trương Đăng-Quĩ. Trong thư đại-để nói rằng:

«... Kiếp này lỗi thì, gặp lúc nước nhà lắm nạn. Thẹn là giòng đích Nhà Chúa, nên phải lo việc miếu-xã. Sau khi dâng biểu giãi tình, đã được Nhà Vua rộng cho về triều. Lúc mới đến kinh chỉ mong giữ lấy công việc thờ cúng, cho trọn đạo hiếu, thật không có bụng giữ nước chuyên quyền. Chẳng ngờ sự thế sô-đẩy, lại gặp các tướng ép uổng, thành ra trái ý Nhà Vua. Lúc Chỉnh vào kinh, cung-khuyết liền bị thiêu-đốt. Con chim cháy tổ bay quanh không chỗ nương thân. Vì vậy mới phải siêu-bạt giang-hồ, không dám về nơi kinh-khuyết, sáng nay Quế ổ, ngày mai Hàm-giang. Chỉ vì tìm chỗ nương-trọ, hóa ra mang tiếng kháng-mệnh, khiến kẻ ghen-ghét lại được có cớ mà nói Tấm lòng kính-thuận từ xưa, không còn cách nào bày tỏ ra được. Ông nên tâu giúp nỗi ủy-khúc đó Lần này dù tiến dù lui, xin nhờ mệnh-lệnh nhà vua....»

Quĩ được thư ấy, liền đem tâu vua. Hoàng-thượng ngậm-ngùi mà rằng:

— Tấm lòng thật-thà của Chúa, ta đã xét rõ. Bởi không khéo xử trong lúc biến-cố, mới đến nỗi thế. Nếu như nay đã nghĩ lại, biết hối, trẫm sẽ có cách xử-đãi. Chẳng những giữ được tôn-quốc, mà cũng không mất cái ngôi giàu sang.

Luôn thể, ngài bèn sai Quĩ làm người đạo-dẫn đón Bồng về triều.

Lúc ấy Bồng ở Hàm giang, nghe Nhưỡng và Chỉnh vẫn có tin-tức ngấm-ngầm đi lại, ngờ rằng Nhưỡng đương mưu việc không hay cho mình, liền than:

— Đây cũng không phải là chỗ có thể ở được. Ta thà vượt bể vào núi còn hơn, há lại ngồi đây để chịu nhục!

Rồi Bồng bèn sai kẻ hầu thuê ngầm mấy chiếc thuyền buôn, luôn đêm, đem cả đồ đảng, thuận gió giương buồm, chạy thẳng sang vùng Sơn-nam. Sáng ra Nhưỡng mới biết chuyện, giật mình mà rằng:

— Chúa sang Nam mà không bảo ta, hay là có ý ngờ ta? Nếu không cố đi theo Chúa, lòng này ai tỏ? Thiên-hạ họ sẽ bảo ta là người thế nào?

Tức thì Nhưỡng liền lấy một chiếc binh-thuyền chèo đi theo Bồng

Bồng đi đến huyện Chân-định, có Phạm Tôn-Lân lên thuyền ra mắt.

Lân là người làng Bác-trạch, cháu nội Phạm Tôn-Nhậm. Đầu đời Cảnh-hưng, Nhậm là danh-tướng của Trịnh Doanh, lập được nhiều chiến-công, môn-phiệt khá cao, trong quận vẫn phục. Lân lại sẵn nếp hào-hiệp, trong nhà khách ăn thường có hàng trăm, khí-giới sắm sẵn cũng đủ. Trong bọn thổ-hào của trấn Sơn-nam, Lân đứng vào bậc nhất.

Lúc ấy gặp Bồng, Lân có bàn về việc binh và vẽ mưu mẹo tiến-thủ. Bồng rất khen ngợi và nói:

— Tiếc ta gặp ông muộn quá! Vậy ông nên cố giúp ta, để nối công-đức của « tổ » ngày xưa.

Lân nói:

— Thần vốn không có tài gì. May được nhờ về oai-linh của Chúa, há dám không chịu hết lòng hết sức.

Rồi Lân mời Bồng về nhà, họp các đồ-đảng hộ vệ cho Bồng.

Hôm sau, Nhưỡng vừa tới đó. Trước hết Nhưỡng sai một người đưa một tờ khải cho Bồng đại ý Nhưỡng nói:

« Nhà thần bao đời được đội ơn giầy, vẫn giốc một lòng với Nhà Chúa. Nay thần với Chỉnh, nói về tình tuy có quen thuộc, nói về thế thì không thể nào đứng đôi. Cả nước ai cũng biết vậy. Thần há dám có lòng nào... để làm nhơ nhuốc cho các tiền-nhân? Xin Chúa xét rõ chỗ đó, khiến thần được lập chút công bù lại lỗi trước... »

Bồng xem tờ khải, liền đem hỏi Lân, Lân vốn nghe tiếng của Nhưỡng, vẫn coi là tay cự-phách xứ Đông, cũng muốn cộng-sự với Nhưỡng, bèn cố khuyên Bồng đem lòng thành-thật dùng Nhưỡng vào chức trọng-yếu, để thêm thanh-thế.

Bồng ưng ý.

Lân liền ra đón ngay Nhưỡng cùng vào hầu Bồng. Hai người cực kỳ tương-đắc. Luôn đó, Lân Nhưỡng đưa hịch đi khắp các phủ Thái-bình, Kiến-xương Thiên-trường, hẹn cùng dấy quân đánh Chỉnh. Trong khoảng mươi ngày, kẻ qui-phụ có tới vài vạn. Các toán quân đúng ngày cùng tiến, thuyền bè đầy sông, thanh-thế lừng-lẫy, xa gần đều hưởng-ứng nhiều người cho rằng: nghiệp Chúa có thể hẹn ngày khôi phục.

Con em cố gia như bọn Đoàn-Nguyên-Tuấn, Phạm-Giáp, Nhữ Công-Liêu, Đào Nhữ-Toàn, cũng đều chiêu-mộ hương-binh đến họp Các xứ Đông, Tây, đồng-thời nổi lên ầm-ầm.

Bấy giờ Trương Đăng Quĩ vâng mệnh hoàng-thượng sai đi đón Bồng, đã ra đến huyện Tiên hưng, vì bị nghẽn đường lại phải trở lại.

Tình-cờ có người du-sĩ ở kinh xuống Nam vào yết-kiến Bồng và nói với Bồng những việc Nguyễn Hữu-Chỉnh chuyên-quyền, lòng người lìa bỏ, hoàng-thượng cũng ghét, rồi khuyên Bồng nên kíp tiến quân đánh Chỉnh.

Bồng nói:

— Ta có một viên tướng cũ là Bùi Thì-Nhuận hiện ở kinh-sư coi quân Kim-ngô, lĩnh chức Tứ-thanh đề-lĩnh, có thể bảo làm nội-ứng Chức-trách của Nhuận là việc tuần-phòng, chắc không còn ai nghi ngờ.

Bồng bèn sai người đưa cho Nhuận một đạo mật-chỉ nói về việc đó.

Tiếp chỉ. Nhuận liền bàn với mấy người thân-tín, đổi hết các quân canh giữ cửa ô, cho tiện làm việc.

Con Chỉnh là Bái xuyên-hầu dò biết chuyện đó, tức-thì phái quân bắt Nhuận, rồi sai trấn-thủ Sơn-nam là Nguyễn Viết-Tuyển đem quân đánh Bồng.

Hôm ấy, thủy-quân của Tuyển tới sông Ngô-đồng, nhưng bộ-binh thì chưa sang sông Đại-hoàng.

Thám-tử được tin chạy về báo Nhưỡng. Lập-tức Nhưỡng đem hai chục hải-hạm lớn nhất giàn thẳng một hàng thành trận chữ « nhất », đầu thuyền có đặt súng lớn. Đứng xa trông lại giống như một bức thành dài. Quân Tuyển tới nơi liền xông lên đánh. Vì thuyền của Tuyển nhỏ hơn, không thể chống cự, trong lúc giao-chiến, nhiều chiếc bị súng. Bảo-long của Nhưỡng bắn chìm xuống sông Tuyển có ý sợ, toan lui về giữ Hoàng-giang, để làm ỷ-giốc với bộ-binh.

Thình-lình có gió đông-nam nổi lên, Nhưỡng sai các chiếc hải-hạm chia ngả chèo vào hai bờ, Nhưỡng cùng các tướng buộc thuyền lên cạn vẫy cả quân-sĩ trên bờ, theo ngọn gió bắn xuống thuyền quân của Tuyển. Nhưng quân Nhưỡng toàn là những quân ô-hợp, đứng, ngồi, tiến, lui, chưa quen hiệu-lệnh lại đều lững-lờ, hờ-hững, không thiết chiến-đấu. Sau khi lên bộ, hàng ngũ lộn-xộn, chẳng đâu vào đâu. Tuyển ở dưới sông trông thấy, liền reo:

« Quân Nhưỡng thua rồi! »

Thế là đại-đội binh-sĩ của Nhưỡng kinh sợ nhốn-nháo, thi nhau cướp đường mà chạy, dầy séo lẫn nhau, cản không thể được. Tầu thuyền bỏ đầy bên sông, đều bị quân Tuyển bắt được tất cả.

Lân ở phía sau, trông thấy bại-binh vỡ lở chạy trốn, lại có tin nói Nhưỡng bị quân giặc giết rồi, làm cho lính tráng kinh khiếp run sợ, kìm giữ không được, đồng-thời cũng bị vỡ nốt. Lân bèn hộ vệ cho Bồng dùng một chiếc thuyền buông xuôi xuống miền Thái-bình. Chừng nửa đêm đến huyện Đông-quan, chợt có tiếng trống thùng thùng ở xa đưa lại, giống như hiệu trống trẩy quân, Có người bảo quân Tuyển đuổi kịp, có kẻ ngờ là quân cướp đón cướp.

Sau khi cho người đi dò, mới biết đó là quân của Trần Mạnh-Khuông. Thám-tử còn nói thêm rằng: Khuông là một tay hào-mục ở huyện Đông-quan, nhà rất giàu có, lại sẵn có lòng nghĩa khí. Từ khi tiếp được tờ hịch gọi quân cần-vương, Khuông liền hợp quân trong huyện, hẹn ngày hôm ấy trẩy đi, để hưởng ứng với các toán khác. Hiện đồn của Khuông đóng ở Bái-hạ, cách đó cũng không xa lắm.

Nghe nói, Bồng vội sai người đi vời. Một lát, Khuông theo sứ-giả đến nơi, Bồng nói:

— Quả nhân tài hèn, đức kém, không biết tự-lượng sức mình, động đâu liền bị vấp ngã ở đó. Bây giờ nên làm thế nào?

Khuông thưa:

— Thua được cũng là sự thường của nhà binh, dẫu những toán quân thắng-trận luôn luôn cũng phải có khi bại-trận. Cho nên, tướng giỏi đời xưa, trước hết phải xem thế đất, đắp dinh lũy, chứa lương-thực, dự-bị các thứ cần dùng trong lúc gấp vội, sao cho khi tiến có thể chiếm đất, khi lui có thể giữ mình, ấy là cái kế vạn-toàn, không đến nỗi vì thua một trận mà bẹp. Huyện thần có làng Bá-hạ, bốn mặt đều là đồng lầy, phía trước lại có sông lớn. Trong làng chỉ có một lối ra vào, nhưng lại có con ngòi nhỏ khuất-khúc, thông với con sông, có thể dùng để vận-tải lương quân. Trận loạn năm xưa, vì thấy nơi ấy ở vào giữa chỗ xung-yếu của hai xứ Đông, Nam, thần đã một phen sửa sang hào rãnh, cũng khá bền vững. Chỉ hiềm luôn mấy năm nay mất mùa, thóc lúa dành chứa chưa được nhiều lắm. Xin Chúa tạm dời xa-giá đến đó, rồi sẽ từ-từ liệu tính về sau.

Bồng theo lời, liền phong Lân làm chức quân-phủ trưởng-sử, Khuông làm chức hành-doanh-sứ, dẫn quân vào đồn Bái-hạ.

Ở đó mới được vài đêm, Khuông phái người đi tống lương, nhưng lương chưa đến, thì Chỉnh đã sai Nguyễn Như-Thái đem bộ-binh tới hợp với thủy-quân của Nguyễn Viết-Tuyển, đường thủy đường lục tiếp nhau, hai mặt trước sau cùng đánh dồn lại. Trong đồn nhờ về địa-thế hiểm-trở, giữ được đến hơn 10 ngày. Tuyển thấy đánh mãi không đổ, bèn đắp vòng lũy vây kín quanh đồn, để tuyệt đường tải lương của Bồng. Quân Bồng hết lương, đến nỗi phải đào củ chuối mà ăn, tình-thế mỗi ngày mỗi thêm cùng-quẫn. Lân và Khuông gọi các thủ hạ vào bảo:

— Ngồi đây để làm ma đói của làng Bái-hạ, sao bằng liều quyết một trận tử-chiến, giết chơi lấy vài trăm người? Các ngươi những ai có thể giốc lòng giốc sức theo ta? Ta không phụ Chúa, các ngươi không phụ ta, dù có chết nữa vẫn là con ma trung-nghĩa. May mà không chết, rồi đây công-nghiệp sẽ không biết đâu mà lường.

Mọi người nghe nói, ai cũng cảm-khích. Có chừng hơn một trăm người xin theo.

Bàn-định đâu đấy, mỗi người cưỡi chiếc thuyền nan theo đường trong ngòi chèo ra. Nhân lúc quân của Tuyển, Thái vô ý, họ liền phóng hỏa đốt luôn dinh trại. Hai người lật-đật không kịp chống-cự Lân Khuông tức thì đánh vỡ vòng vây, đem Bồng ra thoát, cướp lấy mấy chiếc thuyền chạy ra cửa bể, rồi đi về Đông

Tuyển vội dẫn quân đuổi theo, nhưng không đuổi kịp.

Thái thả quân vào làng Bái-hạ gặp ai giết nấy, đàn ông, đàn bà, kẻ già, con trẻ, không còn sót một người nào. Từ khi có nạn chiến-tranh, khắp nước không chỗ nào không bị cái vạ binh đao, nhưng chưa có đâu bị giết thảm-khốc như ở làng này.

Sau khi ra khỏi Bái-hạ, Bồng và Lân, Khuông trốn về Hải-dương, rồi cùng vượt bể ra trấn Yên-quảng, giả làm khách buôn, vào trọ trong các nhà dân ở châu Vạn-ninh. Cách ít lâu, Lân vì việc nhà cáo-từ xin về, chỉ còn mình Khuông theo Bồng. Được hơn một tháng, Khuông lại mắc bệnh rồi chết. Bấy giờ Bồng không còn ai ở cạnh, một thân nương náu ngoài biển, tình-cảnh cực kỳ tiêu-điều. Bồng tự nghĩ rằng: « Cái giàu sang của cõi phù sinh, chẳng qua chỉ là giấc mộng. Bởi vậy, ngày xưa có người đã thề đời đời kiếp kiếp, không đẻ vào nhà đế-vương, Phật nói hết thảy chúng-sinh đều là hạng chìm-đắm bể khổ? Người khoáng-đạt, ý-kiến khoáng-đạt, thật là gương của muôn đời. Khi trước, lúc ta trọ ở Chương-đức, cũng đã có tư-tưởng ấy. Bây giờ nên quay đầu lại là hơn ». Thế rồi Bồng liền bỏ hết niềm trần, tự đặt hiệu là Hải-đạt Thiền sư, lang-thang chơi khắp các chùa ở vùng Lạng-sơn, Cao-bằng.

Tình-cờ có người học-trò ở trấn Kinh-bắc tên là Vũ Kiền, tránh loạn lên ở Lạng-sơn, một hôm gặp Bồng tại chùa Tam-giáo, trong lúc đàm kinh thuyết-pháp, Kiền biết là Bồng, bèn bảo với bọn phiên-thần ở đó là Hà Quốc-Kỳ và Nguyễn Khắc-Trần.

Hai người bèn giả là lập đàn chay đón Bồng về nhà, rồi họ đuổi hết người nhà, vào nói với Bồng:

— Chúng tôi nối đời làm tường-vách ở biên thùy, vẫn mến oai-đức triều-đình. Khi nghe người ta nói đến vua Lê chúa Trịnh, tưởng như người ở trên trời. Nếu như thiên-hạ vô-sự, bọn tôi có đâu được trông thấy Chúa? Chẳng may nhà nước có nạn, Chúa phải xa lánh tới chốn biên-ải, thần dân ai không đau lòng! Lúc này chính là dịp tốt cho kẻ trung-thần nghĩa-sĩ ra tay kinh-luân. Vậy nay chúng tôi muốn rước Chúa về thành, xướng việc đại-nghĩa, để tính lấy cuộc hưng-phục. Nhờ hồng-phúc Nhà Chúa mà được thành-công, lũ tù-trưởng nhỏ mọn của xứ mọi-rợ, may được dự vào cuối hàng Vân-đài[1] ấy là sở-nguyện của lũ tôi.

Bồng chắp tay nhắm mắt và khoan thai đáp:

— Lão-tăng xuất gia theo Phật, không dự gì đến việc đời. Các ông chớ nên nhận lầm, khiến cho đương lúc yên-lặng sinh ra rất nhiều phiền-não. Gầm trời ai vua ai chúa, đã có chân mệnh, lão-tăng chỉ biết chiếc lọ, chiếc bát, chống gậy trong chốn sa môn làm đồ-đệ của đức Như-Lai mà thôi.

Kiền nói xen:

— Thần tuy chưa được vào hầu phủ Chúa, nhưng đã du-học ở kinh-sư, hàng ngày vẫn được trông uy-nhan của Chúa. Người nước đã có lòng, Chúa không nên từ-chối. Thần nghe « dựng nên vương-nghiệp cũng phải khó-nhọc », không phải ngồi yên một chỗ có thể làm được. Bởi vậy, Quang-Vũ đã phải bạc cả tóc đầu, Tiên-Chủ thì phải mòn hết thịt vế. Gần đây, những cơn nguy-hiểm ở Quế-ổ và ở Bái-hạ, chẳng qua cũng như những trận Truy-thủy[2] Ô-đà[3] ngày xưa. Hễ không nản chí ngã lòng, thế nào cũng làm được nên nghiệp cả. Thần chưa từng bao giờ thấy một vị vương-giả đường-đường lui về làm ông thày chùa! Xin Chúa nghĩ lại.

Bồng khóc và nói:

— Cái cảnh « thử-ly »[4] « mạch-tú »[5] trông đâu thấy cảm-động đó. Ta không phải là loài đá, lẽ nào lại không đau-xót? Nhưng mà dù kiệt sức ta, vẫn không tranh lại với trời, nên phải nín nhịn để giữ lấy mình, không dám mưu liều tính lĩnh, để lại lầm lỡ lần nữa.

Bồng đã nói lộ bản-sắc, liền bị mọi người vin lấy làm cớ, ép phải truyền lệnh điểm quân bắt lương.

Nhưng Kỷ và Trần đều là kẻ tài hèn, không thể nghiêm cấm thủ-hạ, để chúng làm bừa những việc phi pháp. Nhân dân không thể chịu nổi, họ bèn nổi lên làm loạn, giết Kỷ và Trần rồi đuổi Bồng đi. Bồng phải chạy về Hữu-lũng. Từ đó, Bồng liền nấp-náu trong các rừng núi, cả nước không ai biết Bồng ở đâu.

Họ Trịnh từ khi Trịnh Kiểm bắt đầu thụ-phong truyền đến Trịnh-Sâm, vừa được tám đời thì loạn. Tiếp đó, Trịnh-Khải, (tức Trịnh-Tông), Trịnh-Bồng làm Chúa vài năm nữa thì hết nghiệp Chúa. Tất cả trước sau, tính được 243 năm.

Tuy là họ Trịnh đã diệt, tình thế Chỉnh cũng vẫn không yên.

Từ khi Chỉnh đưa Tây-sơn vào nước, cả nước ai cũng oán Chỉnh đến tận xương tủy. Lúc Chỉnh lật-đật định về Nghệ-an, người trong châu đó lại càng căm Chỉnh, chỉ muốn giết Chỉnh cho hả. May được hoàng-thượng có chỉ cho vời, Chỉnh bèn nhân cớ kéo quân ra giữ kinh-thành, thoát được nạn đó.

Rồi Chỉnh lại được hoàng-thượng sẵn lòng tin dùng, giao cho tất cả việc nước, cho nên kẻ trong người ngoài, chỉ dám giận Chỉnh mà không dám nói. Các viên văn, võ chạy trốn ra ngoài, lấy tiếng đánh Chỉnh làm cớ dấy quân.

Chỉnh mượn hoàng-thượng để sai cả nước, làm oai làm phúc, dùng quân trừ bỏ những kẻ muốn làm bại mình, bắt Dương Trọng-Tế, giết Hoàng Phùng-Cơ, đem quân đuổi mãi Trịnh-Bồng, khiến cho Bồng phải siêu bạt lang-thang không dám về nước.

Công việc của Chỉnh đã làm, phần nhiều là việc càn-bậy, nhưng động đâu liền đắc-chí đấy, không ai làm gì nổi Chỉnh. Bởi vậy, sự bạo-ngược của Chỉnh càng ngày càng thêm, Chỉnh tự cho rằng người trong đời ấy không ai bằng mình. Thậm chí Chỉnh coi hoàng-thượng như đứa trẻ con, soay tả soay hữu không kiêng sợ gì. Bụng Chỉnh lúc ấy chỉ sợ có Bắc-bình-vương mà thôi, Chỉnh từng nói riêng với người thân rằng:

— Bắc-bình-vương tuy là một tay hùng-kiệt ở Nam-hà, ta cũng không thua gì hắn, Hắn quỉ quyệt hơn ta, nhưng ta khôn-ngoan hơn hắn. Năm trước ta đã cộng-sự với hắn, nay hãy nhường hắn một nước. Đợi đến khi nào trong nước tạm yên, có thể chuyên lo về việc phương Nam, khi ấy ta sẽ đi họp với hắn một trường binh-mã, lúc đó, từ giải Hoành-sơn về Nam, sẽ là bờ cõi nước nhà. Nay Trần-Bình-Chương vào Nam bàn việc cương-giới, nếu chẳng đứng được mà đất Nghệ-an phải nhường cho hắn, chẳng qua cũng như nhà Tần đem ngọc bích và ngựa tốt đút cho nước Ngu, vua Hán Cao-tổ đem đất Quan-trung nhường cho Hạng-Vũ, ấy là đúng câu của Lão-tử đã nói: « hễ sắp muốn lấy, thì hãy thả cho », điều đó người thường không thể biết được. Vì thế mà việc Nghệ-an, ta phải xử-trí bằng cách « lễ nhiều nói ngọt ». Cầu được vô-sự, cũng phải mềm mỏng một chút. Những tâm-sự ấy ta đã dặn hết cụ Trần. Cụ đi chuyến này, chắc là dịp yên được chuyện binh-đao.

Vì nghĩ như vậy, nên Chỉnh không hề để ý đến việc quân-lữ ở biên-thùy.

Thật ra Bắc-bình-vương lập tâm bắt Chỉnh đã lâu, chỉ vì cơ-mưu kín quá, nên Chỉnh không biết. Có ai nhắc nhở đến chuyện biên-cảnh, Chỉnh đều cho là kẻ hiếu-sự đoán phỏng, hay tin đường xa phao nhảm, chứ không thèm tin. Tới lúc sứ-bộ chết chìm ngoài bể, triều-sỹ có người bảo là việc ấy do Bắc-bình vương sợ hở những chuyện binh-tranh ở Nam-hà mà giết ngầm đi. Cuộc nội-biến xong rồi chắc y phải tính đến mình. Chỉnh không cho là phải.

Chẳng bao lâu, Bắc-vương hòa với vua Tây, trở về Phú xuân họp hết các tướng và bảo:

— Nguyễn Hữu-Chỉnh là kẻ đã chết, ta cứu sống, ta lại vẽ mặt vẽ mày cho. Nay hắn ở Bắc-hà, phò vua nhà Lê, sai khiến cả nước, đã không báo đền ơn ta, lại định cắn lại, muốn tranh Nghệ-an, đặt làm trọng-trấn, bắt chước việc của chúa Trịnh ngày xưa. Thằng giặc ấy thật đáng giết. Không biết hắn đã sắp sửa được bao binh-mã, có thể đánh nhau với ta một trận hay chưa!

Tức-thì Bắc-bình-vương sai bọn Ngô-Văn-Sở và Phan Văn-Lân lĩnh quân ra thẳng Nghệ an, hội-đồng với Vũ Văn-Nhậm tính việc đánh Bắc, và cho Vũ Văn Nhậm lĩnh ấn tiết chế, các tướng đều phải thuộc quyền của Nhậm cắt đặt. Bố-trí đâu đấy, Bắc-bình vương hạ lệnh giục họ trẩy quân. Bấy giờ nhằm tháng mười-một năm Đinh-vị.

Văn-Nhậm vâng lệnh, kéo quân vượt qua Thổ-sơn, trấn-thủ Thanh-hóa Lê-Duật không dám cự-chiến, thu quân lui về Trình-giang, rồi cho phi ngựa về kinh cáo-cấp. Một ngày luôn chín lần báo, làm cho kinh-thành nhao lên. Nhân-dân sợ-hãi nhốn-nháo, luống cuống dắt-díu già trẻ, mang xách đồ-đạc ra thành trốn tránh, phố phường đều phải đóng cửa thôi buôn; đường xá cũng ít có người đi lại; trong các đài sảnh, chỉ còn người có chức-sự ở lại mà thôi..

Hoàng-thượng thấy vậy lo lắm, liền sai các quan họp ở nhà Chỉnh để bàn về cách đánh giữ. Chỉnh nói:

— Đời Tấn khi quân Bồ Kiên tràn đầy bên cõi, Tạ An vẫn cười nói như thường; đời Tống, khi quân Khiết-đan vào sâu trong nước, Khấu-Chuẩn vẫn đánh cờ, uống rượu tự-nhiên. Làm người đại-thần, cần phải trấn-tĩnh, không nên tự mình bối-rối, khiến cho lòng người nôn-nao. Chức-trách Lê Duật phải giữ đất cát, thấy có giặc đến, không thể không báo. Nhưng hắn cũng là một tay tướng giỏi, Vũ Văn-Nhậm vị-tất nuốt sống được hắn. Vả sông Thanh quyết, sông sâu nước lạnh, dẫu có thiên-binh vạn mã, chưa dễ yên lành mà sang. Công việc chiến thủ đã có định-cục, làm gì mà phải luống-cuống?

Phó Đô-ngự-sử Nguyễn Đình-Giản nói:

— Thanh hóa là đất thang-mộc, lăng-tẩm mấy triều đều ở trong đó. Nay người Tây sơn vào lấn, cả vùng Tĩnh gia đã bị hãm, các vùng Thiệu-thiên, Hà-trung đều là chiến-trường, xã tắc nguy như sợi tóc. Ông làm nguyên-thần nhà nước binh quyền ở tay, định-liệu thế nào xin hãy thử nói rõ ra. Chúng tôi đều góp một chút ý kiến nông-nổi, để cùng lo-lắng với ông. Việc thiên-hạ không phải chuyện riêng một nhà, sao không nói cho mọi người biết? Ngày xưa người Nguyên cười nước Tống rằng: « Đợi khi nhà mày bàn-bạc ổn-thỏa thì ta đã sang sông rồi »! Nay nếu không lo-liệu sớm, hễ khi quân giặc đến ô Cầu-dền, thì dẫu Tạ-An, Khấu-Chuẩn sống lại... xem có trấn-tĩnh được không!

Ninh-Tốn, Nguyễn Bá-Lân đều nói:

— Quan Ngự-sử nói phải.

Chỉnh mọi ngày quen dùng mồm mép chống người, người ta vẫn sợ quyền-thế của y, cho nên không dám tranh-biện với y, Lúc ấy, tin giặc thình-lình báo đến, trong bụng rối beng, lại bị Giản bẻ, nên Chỉnh không biết trả lời ra sao. Phan Lê-Phiên nói:

— Không nên nói nhiều, hễ quân giặc đến thì chỉ có « đánh ». Bộ-hạ của ông, người nào có thể làm tướng nên tâu hoàng-thượng cho làm. Tòa Khu-mật cấp binh-bài, tòa Độ-chi cấp quân lương, ngày nay bái tướng, ngày mai lên đường, không phải bàn bạc gì cả.

Chỉnh nói:

— Ý tôi cũng vậy. Tôi nói trấn-tĩnh là nghĩa như thế.

Chỉnh bèn tâu vua cho Nguyễn Như-Thái làm Thống-lĩnh, Ninh-Tốn làm Tham-tán quân-vụ, đem quân vào Thanh cùng Duật chống đánh quân giặc.

Bấy giờ Lê-Duật đóng ở Trình-giang, một hôm, thấy người của Vũ-Văn-Nhậm sai đến báo rằng: « Ngày mai đại-quân sang sông, người dám đánh nhau thì nên bày trận chờ đợi. Bằng không, thì nên mau mau xuống đầu.

Lúc này Nhậm đóng phía nam Trình-giang, sai Ngô Văn Sở lĩnh quân men núi đi về phía tây, cất lẻn qua sông Tất-mã, đánh úp phía sau của Duật. Duật không biết vậy, đêm ấy thu quân rút lui, hôm sau, tới Cao-lũng, đã thấy quân Sở ở đó. Quân lính sợ hãi, tán-tác chạy ra tứ phía. Duật bị loạn-quân giết chết. Khí giới lương thực cũng bị quân giặc lấy cả.

Nguyễn Như Thái đi đến Châu-cầu, nghe tin Duật đã thua chết, vội gọi Ninh-Tốn vào bàn. Tốn nói:

— Binh pháp có nói: « Tranh được núi thì thắng, giữ chỗ hiểm thì vững. » Thanh-hoa nội và Thanh-hoa ngoại có núi Tam-điệp ngăn cách, ấy là một chỗ trời xây đất dựng cực-kỳ hiểm yếu. Nên gấp tiến quân giữ lấy, chớ để quân giặc chiếm trước, thì từ Trường-an ra Bắc còn là của mình. Nếu núi Tam-điệp mà mất, thì trấn Sơn-nam đường lối thênh-thang, đồng bằng, nội rộng, khó mà tranh nhau với giặc. Đến thế, việc nước không thể nào mà làm được nữa.

Thái cho là phải, tức thì chỉnh đốn đội ngũ, luôn đêm gấp đường tiến lên.

Mờ sáng, sang bến Giản-khẩu, nghe tin quân Nhậm đã vượt qua núi Tam-điệp, Phan-Văn-Lân đã dẫn toán-quân « tuyển-phong » đóng ở Hàm-mai, cách đó chỉ có vài dặm, Thái vỗ bụng kêu to mấy tiếng, rồi đem quân chắn bờ sông Giản bày trận.

Quân giặc đến nơi, chia đạo lại đánh. Thái cô quân không có viện-binh, giao-chiến từ sáng đến trưa, tên đạn hết cả. Biết là không thể chống nổi, Thái cùng vài chục thủ hạ phi ngựa chạy về phía bắc, quân giặc đuổi theo bắn chết, Ninh-Tốn nấp trong nhà dân được thoát nạn.

Văn-Nhậm thắng trận, tức-thì dẫn quân thẳng tiến.

Tin báo đến nơi, Chỉnh đương ăn cơm, lập tức ném đũa đứng dậy chạy vào nhà trong, gọi Nguyễn Hữu Du và bảo:

— Chiến-tướng của ta chỉ có 4 người, Thái và Duật chẳng may chết rồi. Tuyển ở Sơn-nam, Thước[6] ở Kinh-bắc, gọi về không kịp. Tình-thế gấp lắm, ta phải tự ra làm tướng. Con nên sắp đủ binh-lính lương-thực, cùng đi với ta. Quân cha quân con đều giốc một lòng may ra mới nên việc được.

Du thưa:

— Trong sách đã nói: « Sự phụ năng kiệt kỳ lực, sự quân năng trí kỳ thân », con xin đi trước, đại-chiến với giặc một trận, không dám để giặc làm cho vua, cha phải lo. Cha cứ đốc chiến, coi con lấy đầu thằng Vũ-Văn-Nhậm đem về...!

Chỉnh đứng dậy đi ra, một người nàng hầu của Chỉnh nắm vạt áo Chỉnh và nói:

— Tôi nghe các quan trong trào đều đem vợ con đi trốn trước rồi, đài sảnh bỏ không tất cả Quan lớn lại ra đánh giặc, tướng-sỹ cũng đều theo đi, còn tôi ở đây một mình, chịu làm sao nổi? Vậy xin cho tôi một chiếc song-loan để tôi đi theo quan lớn.

Chỉnh nói:

— Những nơi tên đạn không phải là nơi đàn bà nên đi, đừng làm người ta thêm rối ruột nữa!.,

Rồi Chỉnh tự vào cửa khuyết, tâu với hoàng-thượng xin trẩy quân đi.

Hoàng-thượng ra điện Cần-chính tuyên chỉ ban cờ tiết-mao, lưỡi phủ-việt cho Chỉnh và dụ rằng:

— Trẫm coi ông như bức trường-thành. Chuyến này ông đi, rất có quan-hệ đến sự yên, nguy của nhà nước. Chớ có khinh giặc đánh tràn, phải nên tùy-cơ mà làm. Mau mau đưa tin thắng trận về đây, cho yên lòng trẫm.

Chỉnh thưa:

— Thần đã biết rõ tình-hình của giặc. Vũ Văn-Nhậm hữu-dũng mà vô-mưu, làm tỳ-tướng thì có dư sức, nhưng làm chủ-tướng thì không đủ tài. Mọi ngày hắn vẫn sợ thần, nay thấy thần đến, chắc là không dám chống chọi. Thần chỉ lấy « khí » mà đè, không cần phải đánh mới được. Chuyến này thần đi chẳng quá năm ngày, sẽ có thư trạm tâu tin thắng-trận. Dám xin bệ-hạ vững lòng.

Rồi Chỉnh bái-từ trở ra, hoàng-thượng tự đi đưa Chỉnh tới ngoài Đoan-môn và truyền hoàng-thân, các quan tiễn Chỉnh ra khỏi cửa ô.

Chỉnh đem quân đến trạm Hoàng-mai, sai Nguyễn Hữu-Du lĩnh cơ Ngũ-quang đi trước.

Du vào đến sông Thanh quyết, liền theo bờ sông đắp lũy đất, chia đồn cố giữ.

Bấy giờ tiết trời rá rét, quân-sĩ ngủ ở giữa trời, rét quá, họ phải đốt củi để sưởi cho ấm. Du-binh của giặc, nhờ có ánh lửa, thấy rõ mồn-một, liền về báo với Văn-Nhậm

Nhậm sai chia quân cưỡi bè sang thẳng bên sông, lẻn lên đào thủng lũy đất, chĩa súng vào, nhằm chỗ ánh lửa mà bắn. Bắn phát nào trúng phát ấy. Trong lũy hoảng-sợ bối-rối, tự-nhiên tan vỡ Du phải lui về giữ ở Châu-cầu, quân-sỹ mười phần chỉ còn hai ba, không dám đánh, cũng không dám chạy, Du phải vừa lùi vừa dừng, để đợi hậu-quân của Chỉnh.

Hôm ấy, Chỉnh đi đến đồn Bình-vọng, cho quân nghỉ tạm. Chợt thấy gió nam nổi lên đùng đùng, rồi thì một đám mây đen chạy dài suốt phía tây-nam từ từ kéo lại, Chỉnh ngồi trong cầu mở sách ra xem, lời quẻ có câu « quốc hữu đại địch, nguyên-nhung bại tích »[7], mặt Chỉnh rầu-rầu. Đương lúc lo nghĩ, thình lình lại có một đàn ong lạc lở-tở bay đến, đậu vào cổ Chỉnh mà đốt, làm Chỉnh giật mình đứng dậy, trượt chân, ngã xuống sàn cầu.

Chỉnh thấy toàn là điềm gở, ngần-ngại không dám tiến quân. Dây lát có bọn bại-binh của Du tản-tác chạy về nói rằng: Quân ta đã vỡ, quân giặc đuổi theo sắp sửa đến nơi. Bấy giờ Chỉnh mất cả thần-sắc, không biết nên tiến nên lui. Tướng-sỹ bộ-hạ cũng đều hết vía, ai nấy đều nói: thế giặc rất mạnh không thể tranh phong, kinh-thành ít quân khó mà giữ nổi. Chẳng bằng dẫn quân lùi sang Kinh-bắc, chắn ngang lấy sông Nhị-hà cho vững, rồi sẽ từ từ tính cách công thủ thế là tiện hơn. Chỉnh cũng cho thế là phải. Một lúc sau, Hữu-Du vừa đến, Chỉnh bèn vẫy quân về kinh, luôn đêm kéo vào trong thành, gọi quan Tham-tri chính-sự Nguyễn-Khuê bảo vào tâu với hoàng-thượng, xin đến ngày mai, xa-giá ngự sang Kinh-bắc. Rồi Chỉnh vào thẳng Lượng phủ là chỗ Chỉnh ở, sắm sửa hành-trang, sai người hộ-vệ vợ con gia-thuộc sang sông.

Kim-Ngô vệ sỹ biết được tin ấy liền chạy vào điện tâu hoàng-thượng rằng: Gia quyến ông Bằng đi rồi!

Hoàng-thượng vội-vàng đi đến nhà Chỉnh xem sao. Lúc ấy Chỉnh đương chạy đi chạy lại trên nhà, dặn dò người nhà các việc. Hoàng-thượng cầm lấy tay Chỉnh và hỏi:

— Sự-thế đã đến thế này, thì làm thế nào?

Chỉnh thấy hoàng-thượng, vừa thẹn vừa sợ, vội lạy và tạ:

— Bệ-hạ giao nước cho thần, thần không xứng với chức-vị, làm lỡ việc nước, tội không thể chối. Nay ở hai mặt tây-nam, không còn gì có thể nương tựa, thành-trì cũng chưa đào đắp, chỉ có cửa ô mà thôi. Quân giặc thừa-thắng tràn ra, mình không có gì chắn đỡ, đánh thì không được, giữ cũng không vững, không thể nào mà chu-toàn được!... Vậy xin bệ-hạ hãy ngự sang Bắc, để tính chuyến sau. Quân giặc ở xa đi lại, đã vất-vả lại bị sông Cái ngăn trở, chắc là không dám đuổi ta. Trong khoảng mươi ngày, hơi được khoan-thư, nếu ta lo sâu tính xa, há không có một dịp tốt cho việc khôi-phục? Bệ-hạ hãy ngự về cung tâu bạch Hoàng-thái-hậu, xin đưa từ-giá đi trước, thần sẽ thân-hành đem lính và voi đợi ở bến đò.

Dứt lời, Chỉnh lại nhìn tả nhìn hữu, rồi đi chỗ khác. Hoàng-thượng đi bộ trở về. Trên đường đã thấy dân-chúng cùng nhau dắt-díu chạy. Những kẻ vô-lại thừa-cơ đón đường bóc lột, tiếng kêu tiếng gọi ầm-ỹ. Hoàng-thượng cũng bị một người nắm lại, sờ nắn trong lưng không thấy có gì, mới thả cho đi. Ngài vội đi về phía cửa Chu-tước, rồi vào trong cửa Tả khúc. Vừa tới nơi, đã nghe Thái-hậu và các phi-tần tìm ngài không thấy, đương xôn xao hỏi: « Thừa-dư ở đâu »? Hoàng-thượng vội thưa: « ở đây! ở đây! ». Lập tức ngài cho đòi lính hộ-vệ, nhưng chỉ được chừng 17, 18 người thôi, còn thì đều trốn không đến.

Luôn đó, ngài cho dùng võng đòn tre, võng Hoàng-thái-hậu và nguyên-tử đi, tôn-thất và các phi-tần đều phải đi bộ chạy theo sau. Những đồ ngự-dụng, chỉ mang đi được bốn hòm, còn đều phải bỏ lại trong điện. Những người nội-thị có được bao nhiêu tư-trang quần áo, của báu, của quý, cũng phải bỏ cả trên đường. Ra đến bến đò, hàng xứ đương tranh đò túi-bụi. Bất-cứ người sang, người hèn, ai khỏe chen thì được lên trước. Ở trong bãi cát, người nọ séo lên người kia, lắm kẻ bị ngã chết bẹp. Và ngoài lòng sông, những chiếc đò to chở ra không kịp, hành-khách nhảy lên nhiều quá, lắm chiếc phải chìm. Tiếng kêu khóc kinh trời động đất. Kinh-thành cực-kỳ rối loạn. Lúc đó những kẻ vô-lại, vào bừa các cung, các phủ, tha-hồ ăn cướp ăn trộm. Nhưng mà những của lấy được, chúng cũng không dám đem ra ngoài thành, phải giấu vào trong các phố.

Gần tối, Nhậm tới, đem quân vào thành, bấy giờ cung-điện kho-đụn chỉ còn là những nhà không, Nhậm nói:

— Vào chợ còn được cái kim, huống-chi là vào một nước. Ta nghe Bắc-hà giàu lắm, sao lại sạch ngoét thế này? Ở xa đến đây, nếu không được tiền đem về, con nít cũng không nghe được.

Sáng mai, Nhậm bèn thả lính lùng khắp kho phố nhà dân, lấy được rất nhiều vật báu, cho đến của riêng của người ta, Nhậm cũng cho quân lấy cả.

Có kẻ đến tận cửa quân kêu xin, nói rằng:

— Đời xưa hành quân, không hề phạm tới mảy-may của ai. Có người lấy một cái nón của dân để đậy áo giáp của quan, cũng không dong-thứ. Sao nay dân-gian bị hại đến vậy? Nhậm quát:

— Những của quân ta lùng lấy, đều là của trong cung-phủ nhà Lê, đâu phải của nhà dân? Chẳng qua chúng bay nhân lúc rối loạn, tranh nhau ăn trộm, đại-quân vừa đến, không kịp chôn cất đó thôi!... Thằng này chính là đồ-đảng của bọn lẩn trốn, không thể tha!

Lập-tức Nhậm sai điệu luôn người ấy ra chém. Kinh-thành rất sợ, từ đó không ai dám kêu ca gì.

Hôm trước, khi Nhậm chưa tới, cha con Nguyễn Hữu Chỉnh và các văn-thần cùng theo hoàng-thượng chạy sang bên Bắc. Vì sợ quân giặc đuổi kịp, ai nấy chạy sấp chạy ngửa, người nọ nắm lấy vạt áo người kia, chẳng còn đội ngũ nào cả.

Vừa tối, thì đến dinh trấn Kinh-bắc. Chẳng may lại gặp trấn-thủ ở đó là Nguyễn Cảnh-Thược có ý làm phản, cáo bệnh không chầu vua. Chỉnh phải thân-hành đến nơi, quở trách một cách thống-thiết, Thược mới miễn-cưỡng ra mặt.

Lúc ấy, quân-sĩ đã trốn quá nửa từ khi đi ở giọc đường, Chỉnh rất lo, liền điểm số lính còn lại, tất cả ưu-binh, nhất-binh, mới được hơn bốn trăm người, ngựa chừng hơn sáu chục con. Chỉnh đem cả đội đi trước sang sông Như-nguyệt, đóng đồn ở núi Ba-tầng, và tự đốc-thúc quân lính đắp lũy cắm rào, rồi sai Cảnh-Thược hộ-giá sang sau. Nhưng Chỉnh đi khỏi, hoàng-thượng và Hoàng-thái-hậu chờ ở bờ sông lầu lắm không thấy có đò, hoàng-thượng liền cho vời Thược đến hỏi, Thược thưa:

— Các thuyền đều không ở đây, bệ-hạ muốn gấp sang sông, xin hãy cho thần ít nhiều vàng lụa thì mới thuê được. Nếu không, dẫu đến sáng mai cũng vẫn ở đây. Giá như quân giặc đuổi đến, thần xin dùng cái chum gỗ để đưa bệ-hạ qua sông, chỉ e rằng những đồ ngự dụng không thể giữ được mà thôi.

Hoàng-thượng nói:

— Trẫm có cả nước, cũng không giữ nổi, còn tiếc cái gì?

Tức-thì ngài sai mở hòm cho xem. Trong đó chỉ có một chiếc truyền-quốc ngọc-tỷ, bốn mươi lạng vàng mà thôi.

Ngài bảo Cảnh-Thược:

— Đấy, ngươi muốn lấy gì thì lấy!

Thược thưa:

— Mông ơn bệ-hạ ban cho, thần xin chia lấy một nửa?

Nhưng mà hoàng-thượng cho cả. Thược bèn gọi lái đò đến bến, chở hoàng-thượng và hoàng-hậu sang. Khi thuyền đến bờ, Thược lại cho người đuổi theo, lột tấm ngự-bào của hoàng thượng đương mặc. Ngài ứa nước mắt, cởi ra mà trao cho hắn.

Rồi đó cả bọn cùng chạy lên núi Như-thiết. Hoàng-thượng xin với Hoàng-thái-hậu rằng:

— Con tài hèn đức kém, không thể làm chủ thần khí, lại không biết người, bị Nguyễn Hữu-Chỉnh làm lỡ, đến nỗi đô thành thất-thủ, siêu-bạt ra ngoài, để cho thánh-mẫu phải lo. Bây giờ gập ghềnh ở chốn hang núi, nay đây mai đó bất-thường, không thể xum-họp một nhà. Mà lúc đi lại, dắt-díu nhiều người, lại sợ quân giặc dò biết, thì sẽ có sự bất-trắc xẩy ra. Con đã nghĩ đi nghĩ lại, chỉ có Đốc-đồng Cao-bằng Nguyễn Huy-Túc là người trung-hậu, có thể nương-cậy. Vậy xin thánh mâu tạm lên Cao-bằng, nơi đó, đường đất khá xa, quân giặc chưa thể phút chốc đi tới. Ở đó, công việc nên chăng thế nào, con xin viết bức thủ-thư giao-phó mặc Túc. Đến như những việc sớm khuya hầu-hạ, đã có em con thay con. Dám xin thánh-mẫu yên lòng, để con ở đây, tính ngầm về kế khôi-phục, ngõ-hầu có thể chuộc được tội-lỗi.

Thái-hậu nói:

— Trời đã không giúp xã-tắc, cái thân già này thà chết ở đây, lấy khe núi này làm chỗ vùi xương, chẳng nên trèo đèo vượt suối đi đâu cho khổ.

Hoàng-thượng rập đầu xuống đất, máu chẩy chan hòa, nhất định không dậy. Quần-thần nhiều người cũng cố khuyên-giải. Thái-hậu mới chịu nghe lời.

Luôn trong bữa ấy, hoàng-đệ Quang, thị-thần Lê Quýnh, hơn ba chục người tôn-thất đều theo thái-hậu đi lên Cao-bằng.

Hôm sau, hoàng-thượng sang huyện Yên-dũng. Văn-thần cùng đi với ngài có Nguyễn-Đình-Giản Nguyễn Đình-Dư, Chu Doãn-Lệ, Vũ-Chinh, Trương Đăng-Quĩ, tất cả độ năm sáu người mà thôi.

Giữa lúc ấy, thì có bộ-tướng của Nhậm sai đi đuổi Chỉnh, là Nguyễn Văn-Hòa đã đuổi đến núi Ba-tầng. Trong lúc giao-chiến, Hữu-Du múa đao xông lên, chém chết chừng vài chục người của giặc. Hòa sai một toán kỳ-kinh lẻn ra sau núi đánh úp. Quân Chỉnh rối-loạn, tự-nhiên tan vỡ. Hữu Du chống cự không nổi, chết ở trận-tiền. Nguyễn-Khuê cũng bị quân giặc giết chết, Chỉnh phải lên ngựa lật đật chạy lên mạn bắc, chẳng may ngựa ngã, bị bọn quân giặc đuổi kịp, tranh nhau chĩa dáo chực đâm. Chỉnh vội kêu to:

— Xin cứ bắt sống đem dâng.

Lập tức quân giặc trói luôn Chỉnh lại, rồi họ đóng cũi đưa về kinh-sư. Chỉnh xin vào trước mặt Văn-Nhậm để nói một câu. Văn-Nhậm không cho, sai người đến kể tội Chỉnh rằng:

— Mày vốn là tôi chúa Trịnh, phản chủ mà về với ta, để lập mưu kế tru diệt họ Trịnh, rồi lại phản ta về bắc lừa dối vua Lê, chiếm lấy ngôi cả, làm oai làm phúc, ngấm-ngầm toan cướp ngôi vua, để tranh dành với chủ ta. Xem đời mày toàn học thói cũ của quân đạo-tặc. Nay phải phanh gan phanh ruột mày ra, bỏ hết những cái dơ bẩn, để người Bắc-hà lấy mày làm gương!

Rồi Nhậm hạ lệnh đem phanh thây Chỉnh, thả cho chó đến ăn thịt.

Toán quân của Nguyễn Văn Hòa tuy bắt được Chỉnh, nhưng chưa bắt được hoàng-thượng, Hòa bèn thả quân đi lùng khắp nơi, và ngầm sai người dò xem hoàng-thượng ở đâu. Hoàng-thượng nghe tin sợ quá, liều chạy vào núi Bảo-lộc.

Lân dương-Hầu Phạm Văn-Lân khi trước đi theo Trịnh Bồng ra vùng Yên-quảng, rồi vì có việc cáo từ về nhà, nhân thể cũng toan tính việc chiêu-dụ nhân-dân, về sau không biết Bồng đi đằng nào, phải trốn lên huyện Yên-dũng, nương nhờ một người thổ hào ở đó là Nguyễn Trọng Linh. Lúc ấy nghe tin hoàng-thượng ở núi Bảo-lộc, Lân bèn bảo Linh cùng đi đón ngài với mình. Linh nghe lời. Hai người bèn cùng vào núi Bảo-lộc, xin rước hoàng-thượng về đó, rồi họ đốc dân bảy tổng, đắp lũy ở phía bắc sông Nguyệt-đức, chống nhau với Hòa.

Hòa đánh mấy trận không được, Nhậm phải tự đốc đại-quân lên đó, đêm ngày đại-chiến.

Quân Linh bại trận. Linh dắt hoàng-thượng chạy thoát.

Em Linh là Nguyễn Trọng-Lung bị Nhậm bắt sống. Nhưng Nhậm không giết, ép Lung đưa một bức thư cho Linh, dỗ Linh nên đưa hoàng-thượng ra nộp. Trong thư đại ý nói rằng:

« Vâng mệnh ra Bắc, chỉ giết giặc Chỉnh, không việc gì đến đấng Tự-hoàng nhà Lê. Đấng Tự-hoàng là người của chúa-thượng dựng lên, bị Chỉnh kèm đi cùng chạy, rồi thì cứ mê không tỉnh. Con cáo vốn hay ngờ vực, bọ ngựa dám chống bánh xe, vì thế mà dụng binh. Nếu nay biết hối mà về, thì còn có thể chuộc được lỗi trước. Nhược bằng không thế, sẽ tìm người khác coi nước, tức là Tự-hoàng không còn ngày nào hồi giá, mà lũ các ngươi cũng bị vạ lây. »

Linh được thư ấy, dùng dằng chưa quyết, lại sai Lung về bảo Nhậm rằng: « Sau khi bị thua, cả đám tản-tác mỗi người chạy đi một nơi, thật không biết rõ vua Lê ở đâu. Xin thư cho mươi ngày nữa, để có thì giờ dò tìm. Nếu được, sẽ tự đến ngay. »

Đình-Giản biết chuyện liền bảo vua rằng:

— Anh em nhà Linh nay đã hai lòng, không thể tin được. Đình-Dư, Doãn-Lệ, Vũ-Chinh đều người Kinh-bắc, nên kíp sai đi chiêu-dụ lấy quân tự vệ. Nay xin bệ hạ tạm dời xa-giá xuống phủ Thuận-an[8]. Còn Trương-Đăng Quỹ và Phạm Văn-Lân thì đều là người Sơn-nam, cũng nên cho về bản-quán mộ quân để đó, đợi khi gọi đến.

Hoàng-thượng theo lời, liền cho mấy người chia ngả cùng đi. Chỉ để mình Nguyễn Đình-Giản theo mình về huyện Gia-bình mà thôi, Tới nơi, ngài liền cho đòi tiến-sỹ Trần-Danh-Án, hỏi về tình-hình vùng đó, Án thưa;

— Ở đây có Trần Quang-Châu nguyên là xã-trưởng xã Kênh-than, vừa can-đảm vừa có dũng-lực. Trước đây, nhân thấy loạn-lạc, Châu có họp tập đinh-tráng để giữ làng xóm. Trong huyện hoặc có làng nào bị cướp đánh phá, Châu liền đem quân lại cứu. Trộm giặc không dám động tới, cả huyện được yên, họ cùng bầu Châu làm chức « trưởng huyện » Thường thường Châu vẫn vác cày vác cuốc, ăn mặc như người thợ cày đi đồng, hễ gặp quân Tây là đánh kỳ chết. Quân Tây bị giết đã nhiều, chúng phải bảo nhau không dám bạ men đến đất huyện này. Văn-Nhậm nghe tin, tức lắm, định đem quân đến bắt Châu, Châu phải trốn sang vùng Chí-linh, Phượng-nhỡn, chiêu-mộ dũng-sỹ, chống nhau với giặc. Người ở hai xứ Đông, Bắc theo về với Châu mỗi ngày một nhiều, Châu vẫn cho người dò la hễ thấy quân Tây ở đâu, thì cứ ban đêm, kéo thẳng đến đó đánh úp. Vì Châu xuất nhập như thần, nên đánh trận nào cũng đắc-chí, quân Tây không làm gì nổi. Châu vẫn có ý xướng việc khởi-nghĩa, nhưng chưa có ai làm chủ. Vậy xin bệ-hạ cho thần vài chữ để thần đi dụ, chắc là Châu sẽ đến ngay.

Hoàng-thượng nói:

— Ngươi hãy sai người đi trước xem sao đã!

Án vâng lời, liền cho người đi báo tin với Châu, Châu mừng và nói:

— Quân ta nay có tên rồi!

Tức thì Châu dẫn quân đến đón hoàng-thượng, trong lúc gặp nhau, vua tôi vui mừng. Hoàng-thượng bảo Châu:

— Nghe nói ngươi rất hăng-hái về việc hành binh. Nay quân giặc ở làng Bảo khám, chừng hai trăm đứa, nếu ngươi có thể đánh phá được nó, ta sẽ cho ngươi làm chức trấn-thủ Kinh-bắc.

Châu thưa:

— Việc đó rất dễ, chỉ e khi nó kéo hết quân đến, thần có ít quân, không ai cứu-viện, không thể chống nhau với nó, và cũng không thể giấu kín tung-tích tránh đi nơi khác. Lâu nay thần vẫn làm những việc ấy, chẳng qua chỉ để hả cơn tức-giận, không đứng vững được cũng vì cớ đó. May nhờ oai-linh của bệ-hạ, lại được các tướng hiệp sức, thần xin tự chống một mặt, gặp giặc là đánh, hễ chết thì thôi, không chạy!

Hoàng-thượng khen rằng:

— Hay lắm, thật đáng làm tướng. Ngài liền phong Châu làm chức Thự trấn thủ, tước Dao-quận-công.

Tức-thì Châu mở cuộc « diệu võ » ở núi Vạn-kiếp, kéo cờ đại-tướng ở đỉnh núi ấy, rồi sai người đón hoàng-thượng tới đó duyệt binh.

  1. Tức Lăng-vân-đài, Hán Quang-Vũ vẽ tượng công-thần ở đó.
  2. Sông Truy. Hán Cao-tổ bị thua ở đó.
  3. Sông Ô-đà. Hán Quang-Vũ thua ở đó.
  4. Thơ Thử-ly trong kinh Thi than những cung-điện nhà Chu, sau khi kinh-đô thiên đi nơi khác, đều thành ra chỗ cấy lúa.
  5. Bài hát của ông Cơ-tử cảm vì sau khi nhà Thương mất nước, cung-miếu thành ruộng cấy lúa mạch, mà làm ra. Câu này muốn chỉ về cảnh tang-thương của nhà Trịnh.
  6. Tức Nguyễn Cảnh-Thước.
  7. Nước có giặc lớn, quan tướng bại trận.
  8. Tức phủ Thuận-thành bây giờ.