XV

Năm trước, Chúa Tây-sơn về đến Nghệ-an; nghỉ-ngơi ở đó mười ngày. Trước khi rút quân về nước, đã giao cho Nguyễn Duệ đứng giữ Nghệ an và Đô-đốc Chiêu-viên-hầu đóng ở Hà trung.

Sau đó, Chúa Tây-sơn lại đổi Chiêu-viễn vào đóng ở châu Bố chính, Nguyễn Duệ coi dinh Kỳ-hoa, Tả-quân Vũ Văn-Nhậm cầm trọng-binh đóng tại Động-hải, để làm thanh-viện với nhau. Lúc Chỉnh đuổi kịp quân Nam, Thượng-công[1] có úy-lạo Chỉnh, để Chỉnh ở lại Nghệ-an cộng-sự với Duệ. Bấy giờ Thượng-công bề ngoài tuy vẫn đối với Chỉnh bằng lời ngon-ngọt, nhưng trong bụng thì rất nghi-ngờ, nên đã dặn riêng Duệ rằng:

— Chỉnh vốn là người Bắc-hà, trốn mạng mà về với ta. Hắn là một đứa phản-phúc, trí-trá, không thể tin cậy. Vả lại, người Bắc oán hắn tệ lắm, ta muốn bỏ hắn, để hắn tự chết. Chẳng ngờ hắn lại trốn chết cố theo. Nghệ-an là quê nhà hắn, nay để cho ngươi ở đây, ngươi nên xét kỹ lòng người xứ này ngả về mặt nào, động tĩnh của Chỉnh ra sao. Chiêu-viễn ở đó, gọi một tiếng là đến. Tả-quân cũng không cách đây xa lắm, có việc nên chăng, ngươi phải viết thư về cấp-báo và cùng thương-lượng với y. Nước địch, đất khách, cần phải quàn-tâm đề phòng, chớ có nhẹ dạ mà tin Hữu-Chỉnh, sẽ phải mắc mưu của hắn. Ngươi nên cẩn-thận đấy nhé!

Thượng-công và Chúa Tây-sơn về khỏi, Chỉnh liền được chỉ hoàng-thượng sai phải cất quân ra Bắc. Lúc đi Chỉnh để Lê Duật ở lại theo Duệ sai bảo. Khi lâm-biệt, Chỉnh hai ba lần đinh-ninh hẹn Duệ bằng ý tử-tế, Duệ cũng lấy ý tử-tế tiễn Chỉnh.

Sau khi Chỉnh đã được nắm chính-quyền, luôn luôn có thư đi lại với Duệ, biếu tặng rất hậu. Rồi Chỉnh lại mật sai người gọi Duật về kinh để hỏi tình-hình Tây-sơn và dò ý-tứ của Duệ. Khi đã biết rõ Chúa Tây-sơn và Thượng-công có sự khích-bác, đã gây ra cuộc binh-đao, lại vừa được thư của Duệ hẹn cùng ra sức đánh vào phương Nam, Chỉnh rất mừng rỡ, cho là có thể lấy được Nghệ-an, bèn sắp đủ mười lạng vàng, mười tấm đoạn, sai Duật đem vào biếu Duệ, nhân thể lấy sự họa phúc dọa Duệ, rồi xui Duệ chiếm-giữ Nghệ-an, ngăn chẹn Chiêu-viễn, đắp lại lũy cũ Hoành-sơn, rạch sông Đại-linh làm nơi biên-giới, như lệ các triều ngày xưa.

Tham-tử của Vũ Văn-Nhậm ở Nghệ, dò được việc đó, vội vàng về nói với Nhậm. Lập-tức Nhậm đưa binh-phù gọi Duệ về dinh. Duệ cự lại rằng:

— Tướng ở ngoài, dẫu đến mệnh vua có khi cũng không thể theo. Thượng-công khi về, có giao cho tôi đóng giữ đất này, nay tôi không thể tự tiện bỏ đây mà đi chỗ khác.

Nhậm nghe câu đó, liền nói:

— Duệ làm phản rồi! Quả-nhiên ta đoán không sai!

Rồi Nhậm hỏa-tốc gửi thư cáo-biến cho Thượng-công. Trong thư có nói:

« Ngày trước dùng Chỉnh, tức là « nhốt hổ gậm giường »; ngày nay để Duệ, ấy là nuôi ong tay áo. Xin kíp phát quân ra Bắc, trước hết giết Duệ ở Nghệ-an, rồi sau bắt Chỉnh ở Thăng-long. Giẹp loạn định nước ở một chuyến này!.. Cơ-hội không nên bỏ lỡ... »

Nhưng mà lúc ấy Thượng-công và Chúa Tây-sơn còn đương xích-mích, cuộc binh-tranh giữa hai anh em vẫn chưa kết-liễu. Đối với Thượng-công, việc nội-biến ở biên-thùy phía nam, còn cần-thiết hơn việc Bắc-hà. Bởi vậy, Thượng-công không muốn ra Bắc, chỉ sai người ra giục Nhậm, kéo quân ra Nghệ-an bắt Duệ. Chứa lương điểm quân chia đi đóng các nơi hiểm-yếu, rồi sẽ viết thư hỏi Chỉnh về tội thông-mưu với Duệ, xem Chỉnh trả lời ra sao. Nếu Chỉnh còn chịu nói giọng thoái-thác, thì nên để đó sau này sẽ liệu, chưa nên đánh vội. Bằng Chỉnh ra mặt chống lại, thì lấy sự đó làm cớ, cứ việc mà tiến quân ra.

Nhậm vâng mệnh tự lĩnh đại-quân gấp đường kíp đi, một ngày một đêm đến dinh Kỳ-hoa, thì Duệ không còn ở đó.

Số là mùa đông năm ngoái khi Chỉnh đem quân ra Bắc, Thượng-công sợ có biến khác xẩy ra, liền sai Nguyễn Văn-Đức đem quân giữ phủ Diễn-chân cùng lĩnh chiếc ấn trấn-thủ với Duệ để cùng nương-tựa lẫn nhau. Khi nghe biên-thùy phía nam có việc lôi thôi, Đức bèn đưa thư cho Chỉnh, khuyên Chỉnh tính việc kéo quân về Nam, thừa-cơ làm loạn, hẹn rằng sau khi đắc-thắng, sẽ trả các đất từ giải Hoành-sơn ra Bắc, Chỉnh còn lần-lữa chưa quyết, thì việc của Đức và Duệ bị Nhậm phát-giác. Hai người bèn bỏ xứ Nghệ dẫn quân theo nẻo Thượng-đạo vào Nam, Duệ về với Chúa Tây sơn. Còn Đức, vốn là một viên đại-thần của Chúa Nguyễn, bị quân Tây-sơn bắt được phải hàng. Trước đây Đức vẫn miễn-cưỡng mà theo; thật ra trong bụng vẫn không thích để cho Tây-sơn dùng mình. Lúc ấy, nhân dịp, Đức bèn lẻn vào đường núi tây-nam, trốn sang nước Xiêm-la. Đức đi đã lâu, Thượng-công được thư cáo-cấp của Nhậm, tức-khắc sai quân đón đường chờ bắt, nhưng cũng không kịp.

Nhậm đến Nghệ an điểm lại binh-lính, sửa sang khí-giới, cắt đặt lại các công việc, rồi cho đưa thư ra thành Thăng-long quở trách Hữu-Chỉnh.

Tiếp thư, Chỉnh vội dìm đi, không dám tâu với hoàng-thượng. Rồi Chỉnh viết thư cho Nhậm, bày tỏ nỗi riêng của mình. Trong thư nói rằng:

« Trước kia, tôi bỏ nước cũ, về với Chúa-công, đã được Chúa-công cho vào mạc-phủ, hầu hạ túi cung roi ngựa đến bốn năm năm. Mùa thu năm ngoái, Chúa công ở Bắc rút quân về Nam, không cho tôi hay. Tôi cũng biết rằng Chúa-công muốn dùng cách đó thử tôi, để xem đi, ở ra sao. Bấy giờ người Bắc hết sức lưu lại, nhưng tôi quả-quyết bỏ họ mà đi.

« Lòng này chỉ giốc một bề, tưởng đã được bậc cao-minh soi xét. Khi cố đuổi kịp Chúa-công và được ra mắt ở dinh Vĩnh, tôi đã xin theo đại-quân cùng đi. Bấy giờ ngài có bảo với tôi rằng: Quận Thạc, quận Nhưỡng còn làm ngang-trở, không thể không trừ. Vậy hãy ở đó, để tính công việc. Tôi đâu dám không theo mệnh? Đã đem thân mà hứa với cuộc giong-ruổi, thì còn đoái tiếc sự gì?

« Vì vậy, tôi phải tự mình xông trước mũi tên hòn đạn, để tranh-phong với Thạc và Nhưỡng. Chỉ mong trừ được hai kẻ ngang trở về phương Nam...

« ... Tháng trước đây đánh nhau ở trấn Sơn-tây, mới bắt được Thạc, còn Nhưỡng vẫn đương vùng-vẫy ở miền Hải-dương, cần phải ra công phen nữa. Bởi thế, cho nên tôi chưa về triều. Những kẻ ghét tôi, thấy tôi ở lại đất Bắc, liền đặt ra lời dèm pha. Họ không hiểu rằng: Sau khi Chúa-công đã về Phú-xuân, tôi ở Nghệ-an chỉ hơn mười ngày, rồi cũng ra Bắc, còn thì giờ nào mưu toan với Duệ? Từ đó trở đi, kẻ Bắc người Nam, ai theo công việc của nấy, tôi không đi lại với Duệ lần nào. Nếu ai xét rõ tình tôi, chắc không phải đợi tôi biện-bạch. Vả chăng, tôi với tướng-quân cộng sự với nhau cũng đã nhiều ngày. Nếu có lòng nào, hồ dễ giấu cho khỏi lộ? Tướng-quân cũng nên bày tỏ giùm tôi ở trước Chúa-công, thì tôi đội ơn nhiều lắm ».

Nhậm được thư ấy, biết Chỉnh còn có ý sợ, lại viết thư khác úy-lạo, khuyên-giải, khiến Chỉnh yên lòng, để mình được có thì giờ sắp đặt công việc của trấn Nghệ-an. Trong bức thư này, Nhậm chỉ buộc Chỉnh sớm tối giẹp yên quận Nhưỡng, thì phải thu quân về Nam, cho khỏi phụ ý của Thượng-công đã dặn.

Chỉnh không hiểu ý của Nhậm, cho Nhậm có thể mãi-lộng, chắc không phải lo về mặt Nam nữa.

Bấy giờ trong triều ngoài nội, đều kháo nhau rằng: Tướng của Tây-sơn là Tả-quân Nhậm đã kéo quân ra Nghệ-an. Hắn đương kén chọn đinh-tráng, định kỳ lên đường, bất-nhật quân Tây sẽ tới, thành Thăng-long chắc phải làm bãi chiến-trường. Vì thế trong kinh nhốn-nháo, kẻ dọn đồ-đạc, người dắt con cái, tới-tấp chạy ra ngoài thành, lính Kim-ngô ngăn cấm không nổi. Đình-thần có người đem chuyện tâu với hoàng-thượng. Hoàng-thượng liền cho đòi Chỉnh vào hỏi.

Chỉnh thưa:

— Người ta đồn nhảm, không đủ tin. Thần đã cho người do thám biết hết thật tình. Vua Tây từ khi ở Bắc về Nam, thì kéo về luôn quốc-thành, còn Thượng-công thì ở Phú-xuân, nghỉ quân mua vui hoặc là ban-bố hiệu-lệnh, sửa-sang thành-lũy. Bao nhiêu quân tướng khí giới, các vật quí-báu lấy được ở Bắc đem về, Thượng-công đều chứa một chỗ. Vua Tây cho người ra vời, Thượng-công không chịu về trầu. Rồi thì phong quan ban chức, xử-trí các việc, Thượng-công đều tự quyết-định, không hỏi gì đến vua Tây. Vua Tây cho người đem ấn ra phong Thượng-công làm Bắc-bình-vương và hỏi những thứ của báu bắt được ở phủ chúa Trịnh. Thượng-công cũng không chịu dâng lại. Vua Tây giận lắm. Vì thế anh em mới gây ra cuộc binh-đao. Hiện nay trong nhà ghét nhau hơn ghét nước giặc. Họ đương gỡ sự cấp-bách của họ chưa xong, đâu dám ra khỏi Hoành-sơn một bước, để tranh quyền với mình? Nếu việc nội-trị của mình được có qui-mô, ấy là có cơ mong được thái-bình. Còn trấn Nghệ-an, thì chỉ sai một viên sứ đem bức quốc-thư đưa họ và nói vài câu là xong. Họ với mình đã là tình-nghĩa thông-gia, mình cũng không cần lo xa làm gì...

Ngự-sử Nguyễn Đình-Giản nói:

— Xưa nay tình hiếu thông-gia đều không có thể tin cậy, Bắc-bình-vương cũng là một tay anh-hùng, coi thường ông ta không được.

Chỉnh nói:

— Tôi đã cộng-sự với ông ấy rồi, há lại không biết? Ông ta quả thật là bậc anh-hùng, nhưng mà nhân-tài Bắc-hà chúng ta, cũng không thua lắm. Vạn-nhất mà xẩy ra việc binh-qua, tôi xin chọi với ông ấy. Còn như từ Vũ Văn-Nhậm trở xuống đều không đáng kể!... Nghe như Nhậm đương chiếm giữ Nghệ-an, nhưng cứ mặc hắn đem quân ở trọ tại đó, Chẳng qua cũng như ngày xưa Chiêu-vũ. Thuận-nghĩa chiếm đóng Nghệ-an và bảy huyện Nam-hà, rồi chẳng bao lâu đất ấy lại phải về mình.

Hoàng-thượng nói:

— Nhưng mà lòng người lo sợ, nghi-ngờ, họ chỉ coi sự động tĩnh của miền Nam-thùy, để định sự khinh-trọng cho việc nước nhà. Ngươi nên tính kỹ, liệu trước, cho trẫm yên lòng.

Chỉnh thưa:

— Đó là chức phận của thần, thần há dám không hết lòng hết sức?

Ngoài mặt Chỉnh tuy nói khuếch nói khoác để hòng chấn-áp người nước, nhưng mà từ khi được thư của Nhậm, trong bụng Chỉnh rất lo sợ.

Một hôm, vào triều, Chỉnh đuổi hết người tả hữu, rồi nói ngầm với Hoàng thượng rằng:

— Vũ Văn-Nhậm tuy là một viên tả-tướng trong soái-phủ của Bắc-bình-vương, nhưng vốn là rể vua Tây. Lâu nay chỉ-huy việc quân, y vẫn tự đóng vào vai « quốc-tế ». Nay thấy anh em Tây-sơn khích-bác với nhau, Nhậm là một kẻ đứng giữa, cố-nhiên vẫn phải tuân theo tướng-lệnh, nhưng trong bụng y, lẽ nào lại không nghĩ đến bố vợ? Vừa rồi có tên thám-tử ở trong ấy về, báo rằng: Nhậm ở Động-hải có gửi thư vào Phú-xuân muốn xin về hầu. Nhưng Bắc-bình-vương không cho và bắt ra ngay Nghệ-an. Như vậy hắn nay đương ở vào chỗ nguy-nghi, chắc cũng có ý trông về bên trong. Thần xin nhân cơ-hội này cho người vào nói về việc bờ-cõi Nghệ an và tỏ vẻ mong đợi ân ý. Của nhiều nói ngọt, ngoài có Văn-Nhậm tung-hứng, trong có công-chúa giúp-đỡ, Bắc-bình-vương nếu có lòng nào, cũng phải miễn-cưỡng theo mình.

Hoàng-thượng khen phải.

Ngày mai, nhân buổi trầu sớm, hoàng-thượng bảo với quần thần:

— Nghệ-an liền với Thănh-hóa, nguyên là phụ-quận của đất « thang mộc ». Con em xứ ấy bổ ra túc-trực, vẫn làm nanh-vuốt nhà nước. Đất ấy không thể để cho người ta chiếm mãi. Trẫm muốn sai sứ vào trong Phú xuân để bàn việc đó với Bắc-bình-vương, các ngươi chọn xem người nào có thể đi được.

Trương Đăng-Quĩ thưa:

— Nguyễn Đình-Giản, Phạm Đình Dư đều là những người ngay-thẳng có thể gánh nổi việc đó.

Phan Lê Phiên nói:

— Giản, cứng thẳng có thừa, nhưng mà mềm-mỏng không đủ. Dư, bàn nói tuy nghiêm, nhưng xét việc hơi chậm. Bắc-bình-vương là người rất quyệt, hay dùng trí thuật lung-lạc người khác. Trong lúc bàn-luận, khi nén xuống khi lại nâng lên, người ta không biết đường nào mà dò Thần e sai hai người ấy tranh-biện với Bắc bình-vương, sẽ làm hỏng mất việc nước.

Đình-thần bèn cử người khác. Luôn trong mấy hôm vẫn không cử được người nào. Chỉnh bèn xin sai Trần Công-Sán.

Hoàng-thượng vừa ý và nói:

— Được đấy!

Ngài bèn cho đòi Công-Sán vào triều và bảo:

— Trẫm vẫn biết ngươi là kẻ trung-trinh, hết lòng với nước. Ngày xưa Phú-Bật sang sứ Khiết-đan, làm cho nước giặc phải kính, lại được xong công xong việc. Chuyến đi này cũng giống như thế, ngươi cố vì trâm, đem mệnh-lệnh đi, cũng là Phú-Bật của nước Nam đó. Cùng đi với ngươi có một hoàng-thân, trẫm đã định cử Duy-Án. Còn một người nữa phụ-hành, cho phép ngươi được chọn lấy.

Sán hăng-hái xin đi và nói:

— « Chúa phải lo thì tôi phải nhục », thần đâu dám tự kén chọn? Nhưng, trong bọn cộng-sự với thần mà thần đã biết, thì có Ngô Nho là người xứng-đáng.

Hoàng thượng bằng lòng. Mệnh-lệnh ban xuống, cả triều đều khen « được người ».

Vậy những người ấy lý-lịch ra sao?

Duy-Án là con thứ sáu Ý-tôn và là chú họ hoàng-thượng, tính rất cẩn-thận nhã-thật, Ngọc-Hân Công-chúa khi chưa lấy chồng vẫn thờ Án là người bậc trên. Công việc nên chăng, Công chúa vẫn phải hỏi Án. Đến khi Công-chúa lấy Bắc bình-vương, Án đã có việc phải đến ra mắt, Bắc-bình-vương cũng đã khen Án nói-năng lui tới có vẻ đứng-đắn. Lúc ấy nhân việc đi sứ, Nhà Vua lại muốn tiện thể hỏi thăm Công-chúa, cho nên phải chọn một người hoàng-thân để giao việc đó. Vì xét không ai hơn Án, hoàng-thượng mới cắt Án đi.

Trần Công-Sán người làng Yên-vỹ, huyện Đông-yên, đậu tiến-sĩ trong đời Cảnh-hưng, về khoa Nhâm thìn. Hồi Trịnh Tông làm Chúa, Sán đương ở chức Công bộ Tả-thị-lang được thăng chức Hành-tham-tụng. Gặp nạn Bính-ngọ, quân Tây gần xát kinh-thành, quân của quận Thạc bại trận tan vỡ, các quan văn võ theo nhau trốn đi ban đêm, riêng có mình Sán ở lại và cố khuyên Tông kéo quân ra thành, liều quyết một trận sống mái. Rồi Sán tự mặc nhung-phục, đeo gươm, đứng hộ-vệ Tông ở lầu Ngũ-long. Lúc Bắc-bình-vương đã vào kinh-đô, tiên-đế sai các quan triều lần-lượt sang hầu. Thấy Bắc-bình-vương thần-khí anh-nghị, ai nấy sợ hãi sám mặt, Sán vẫn tiến lui như thường, không mất phong-thể của bậc đại-thần. Bắc-bình-vương rất lấy làm lạ, đã mời vào hỏi các việc Bắc-hà. Hỏi đâu Sán đáp luôn đấy, nói như suối chẩy, không có chỗ nào ngập-ngừng ấp-úng. Bắc-bình-vương muốn thử tài Sán, vặn đi vặn lại mấy lần. Sán cũng không hề chịu thua. Bắc-bình-vương đã bảo Tả-quân Nhậm rằng: « Ta trước vẫn nghe Bắc-hà rất nhiều nhân-tài, nay đến tận nơi chỉ thấy có Trần Công-Sán còn có vẻ người mà thôi ». Bắc-bình-vương trọng Sán như vậy. Sán đã từng làm Hình-bộ thượng-thư, vào trầu tòa Kinh-diên, rồi lĩnh chức Đồng Bình-chương quân-quốc trọng-sự. Ở triều, Sán là một người cứng thẳng, gặp việc, Sán lại có tài ứng-biến và có học-vấn để giúp thêm vào. Bởi vậy người ta vẫn bảo Sán là thày Chỉnh. Mỗi khi Chỉnh có việc tâm-phúc, không thể nói với người khác, nhưng vẫn đem ra hỏi Sán, rồi mới quyết-định. Bởi Chỉnh phục Sán như vậy, nên mới cử Sán.

Ngô Nho người làng Tri-chỉ, huyện Phú-xuyên. Năm Ất-vị, Sán lĩnh chức Tri-cống-cử, đã lấy Nho đậu tiến-sĩ. Vì vậy, Nho vẫn thờ Sán là thày, thường thường tới cửa Sán. Tính Nho khảng-khái, có nhiều « tiết lớn », chẳng thèm bám vào bọn quyền-thế. Bởi là thanh khí với nhau, Sán cũng trọng Nho, nên muốn để Nho cùng đi với mình.

Khi Nho mới được tin ấy, liền vào hầu Sán. Sán bảo Nho rằng:

— Nước địch đè lấn, tin báo ngoài biên đương gấp. Ngày nay chỉ biết ra đi, chưa biết có trở về không. Tôi là đại-thần, nghĩa phải như thế, sống thác không cần tính đến. Ông mới làm quan, ngôi chức còn thấp, lại có mẹ già trong nhà. Trung hiếu không thể được cả đôi đường, ông hãy thử nghĩ cho kỹ.

Nho đáp:

— Tướng công chịu ơn dầy của nước, tôi thì chịu sự tri-ngộ của tướng-công... Đại-thần vì nước gánh việc, kẻ sĩ vì người tri-kỷ mà chết, đều là nghĩa nên như thế. Ngoài ra tôi không biết có sự gì khác.

Sán mừng mà rằng:

— Hùng lắm! Kẻ sĩ như vậy, đáng gọi là « đạt ».

Rồi Sán đưa Nho vào ra mắt vua.

Hoàng-thượng cho Nho lạy ở nội-điện và hỏi:

— Ngươi đã ôm-ấp kinh-học, từng trải việc đời, theo ý ngươi, chuyến đi này ra sao?

Nho thưa:

— Nhờ về phúc lớn của nhà nước, và mưu xa của miếu-đường, thần tưởng việc có thể xong, chứ không khó lắm. Vả lại, khi đã đến nơi, đại-thần chuyên việc ứng-đối, chắc sẽ không để nhục đến mệnh-lệnh nhà vua. Thần là một kẻ phụ-hành, chỉ biết làm hết chức-vụ.

Hoàng-thượng gật đầu, rồi ngài sai Phan-Lê-Phiên họp với Chỉnh để thảo quốc-thư. Trong thư đại-lược nói rằng:

« Nghệ an là đất căn-bản trong cuộc trung-hưng của bản-triều, và lại là quận chân tay của trấn Thanh-hóa, văn-thần võ-tướng, phần nhiều ở đó mà ra; những lính túc-vệ, cũng đều kén hạng đinh-tráng xứ ấy. Nếu như dùng người, bỏ đất, để họ cách-trở quê làng, xa lìa họ mạc, xét trong nhân-tình thật là không hợp. Đức vua quí quốc trọng điều tin, yêu láng giềng, đối-đãi bằng lòng thành-thực, tưởng sự nhỏ mọn đến đâu, ngài cũng xét thấu, huống-chi cái việc cực rõ rệt đó. Vả lại, nghĩ lại quí-vương[2] khi mới ra Bắc, vốn lấy việc tôn-phù làm nghĩa thứ nhất. Những câu tiên-đế ngồi trên sập ngự, cầm tay nói chuyện hãy còn văng-vẳng bên tai, lẽ nào đã vội quên được? Đến khi tiên-đế tựa vào chiếc ghế, dối dăng các việc về sau, ngài cũng ân-cần lo kẻ tiểu-tử này[3] tuổi còn trẻ nhỏ, muốn nhờ vào nền phúc-ấm của quí-quốc, làm chỗ nương tựa. Gần đây nghe tin sai tướng ra đóng Nghệ-an, lòng người nghi ngờ, có kẻ cho là do bọn bề tôi ngoài biên gây việc, không phải bản-ý của quí-vương. Tới lúc tiếp được bức thư đưa ra, mới biết việc đó thật bởi mệnh-lệnh của quí-vương. Trong thư vin việc mùa thu năm ngoái, kẻ tiểu-tử này tự xin cắt đất khao quân, để làm cớ cho việc đóng đất Nghệ-an. Nhưng kẻ tiểu-tử này mới nhận mệnh trời, chưa kịp xét đến chuyện cũ. Đã sai triều-thần tra lại cái ước cắt đất, thì là chỉ về hai châu Bố-chính Minh-linh, không can gì đến Nghệ-an. Vả lại, hồi ấy đã vâng dụ rằng: « Nếu là đất cát nhà Lê, một tấc cũng không lấy ». Khao quân bằng đất, không bằng khao quân bằng của ». Vậy xin tính gộp số thuế một năm của cõi đất đó, hằng năm đưa đến biên-giới, để chi vào việc khao quân. Lệ ấy cứ theo mãi mãi. Xin quí-vương lượng xét, cho trọn tình-hiếu hai nước. Thế thì một nước may lắm. »

Thảo xong đệ lên ngự lãm. Hoàng-thượng sai mở kho « nội », lấy ra một số vàng, đoạn, lụa, là, vải ta, làm đồ biếu-tặng. Rồi ngài đòi Sán đến tận trước mặt, giao cho mang đi. Luôn bữa ấy, Sán và cả bọn khởi-hành. Các quan tiễn khỏi cửa ô thì trở lại. Riêng Chỉnh đi mãi với Sán đến chùa Thịnh-liệt và cùng vào ngủ trong đó. Sán bảo Chỉnh rằng:

— Bắc-bình-vương là người hiểm bí khó lường. Chuyến này đi, chưa chắc ông ấy đã nghe. Nhưng mà tôi đã vâng mệnh nhà vua, thì phải lựa chiều bàn luận, liều chết mà cãi. Còn việc phòng-bị cơ-nghi, sau khi tôi đi, ông phải lưu ý đừng quên. Những đất miền núi trong trấn Thanh-hoa, nên kíp chia đồn đóng giữ các nơi hiểm-yếu, để phòng quân bộ. Cửa bể trong trấn Sơn-nam cũng nên đóng cọc chắn ngang giòng sông, để phòng quân thủy. Nếu họ bội-ước, kéo quân hai mặt cùng đánh ập lại, thì ta đã sẵn, có thể chống giữ, không phải hấp-tấp.

Chỉnh nói:

— Xin thày cứ đi, không phải lo xa. Lời nói của thày ai không nghe theo? Nhược bằng họ không nghe nữa, thì việc quân-trị binh-lính của con cũng không thua người. Vạn-nhất có biến, con há lại không làm nổi một trận sấm vang, sét dữ, núi đổ, bể nghiêng, cho sướng cái bụng! Họ dẫu hung-tợn, cũng chẳng làm gì.

Sán tuy không cho lời Chỉnh là phải, nhưng cũng không muốn bắt bẻ. Khi đến đầu huyện Quỳnh-lưu thì có viên tướng của Vũ Văn-Nhậm sai ra đóng đồn ở đó, cho đón vào đồn. Kiểm sát đồ vật xong rồi, viên ấy chỉ để ba viên sứ-thần và mười tám người hành-giới cùng đi, còn bao nhiêu đều bị đuổi về. Vào tới dinh trấn Nghệ an, Nhậm sai thiết tiệc khoản-đãi. Thong-thả hồi lâu, Nhậm mới hỏi Sán:

— Văn võ Bắc-hà như cụ, phỏng được mấy người? Vua Lê giao nước cho thằng giặc Chỉnh, ý ngài tự nghĩ ra sao? Tôi nay đã lĩnh binh-phù, sớm tối sẽ kéo thẳng ra Thăng-long, trước hãy chém đầu giặc Chỉnh, rồi sau này mới hỏi vua Lê sao lại bội ơn, dong đứa làm phản? và sẽ bảo rõ sĩ-dân Bắc-hà cho họ hiểu biết tại sao mà phải dùng quân? Vua Lê đã không giữ nổi nhà nước, thì đến các trấn từ xứ Thanh hóa trở ra, tôi không lấy, người khác cũng lấy. Nghệ-an là một mảnh đất cỏn con, quan-hệ gì đến sự còn mất của nước mà phải cố vào xin xỏ! Trèo non vượt suối, chẳng qua uổng công. Tôi e con chim lìa tổ, đến lúc bay về, không còn cành nào mà đậu!

Sán nín lặng. Mọi người nghe nói đều sợ. Lúc trở ra Sán bảo với Nho:

— Người Tây-sơn hành-binh như bay, xu lợi quá gấp. Coi họ đi lại chỉ vụt một cái, thật là nhanh-nhẹn vô-cùng, đánh không thể được, đuổi không thể kịp! Xưa nay chưa nghe có toán giặc nào như toán giặc ấy. Ta đã lo xa, lúc đi có dặn ông Bằng phải đề-phòng trước, không biết ông ấy có nhớ hay không? Nếu mà chậm-trễ, không khéo công việc không kịp.

Thẫn-thờ hồi lâu, rồi cả bọn cùng đi. Giữa đường, Nho bàn với Sán:

— Coi đó thì biết thày trò nhà họ vẫn cùng ngầm ngấm dình mình. Họ đã xếp đặt đâu đấy. Năm trước, cái việc tôn phù, chẳng qua là việc giả-dối. Sài lang vốn giống dã-tâm, không thể nói bằng nhân-nghĩa. Bây giờ « xe sứ » mới ra khỏi cõi, mà « thành nước » đã bị binh-đao, sự-thế qua gấp, cũng phải tính đường quyền-biến, không nên câu-nệ. Vả, xem ông Bằng từ khi đắc chí đến giờ, vàng ngọc chạt đai, vẻ mặt nghênh-ngang, không giống hồi « nhai rễ rau làm được việc » ngày xưa. Tôi e rồi đây ông ấy run rẩy ra chốn trận mạc, ắt bị Văn-Nhậm bắt được. Lúc đó vua ta còn ở hay phải đi, cũng chưa dám chắc. Chúng ta cần phải tính đi tính lại, xoay ngang then máy, ngõ hầu có thể kéo lại. Chỉ cầu cho yên nhà nước, dẫu có tự-chuyên cũng không hề chi. Nếu chỉ vâng theo nguyên-chỉ, cố tranh-biện về việc Nghệ-an, ấy là cướp đã vào nhà mà còn sửa lại phên-dào. Như vậy, không phải là một điều hay. Vậy xin chữa lại quốc-thư rồi sẽ đi.

Sán hỏi:

— Chữa lại thế nào?

Nho đáp:

— Chữa rằng: « Họ Trịnh chuyên quyền, vua Lê đã không còn nước. May sao lại được quí-vương tôn-phù. Trời nếu để còn họ Lê, xe cung[4] đã đâu đến nỗi « ngự trưa »[5]. Kẻ tự-tôn[6] nghĩ rằng tuổi còn trẻ nhỏ, cõng đội không nổi, luống để nhục cho xã-tắc. Kinh Thư có chữ « tác tân »[7], kinh Thi nói rằng: « hữu khách »[8] đều là việc cũ đời trước. Dám mong quí vương hết lòng giúp đỡ. Sao cho đời nối ngôi vua, để vâng giòng họ. Đó cũng là theo mệnh trời mà gìn-giữ, cầu phúc trời về dài-lâu vậy ».

Rồi Nho kết luận:

— Nếu hắn chỉ cốt lấy nước, không muốn hại mình, thấy nói như vậy, chắc sẽ mừng rỡ mà thả sứ-thần trở về chia đất cho ở. Nhân đó, chúng ta có thể vâng đấng hoàng-thượng đến đó tạm đậu. Họ không có lòng ngờ ta, thì không nhòm dỏ, tra hỏi, ta sẽ theo đó mà tính dần dần, như vua Thiếu-Khang ở Luân-ấp, vua Câu-Tiễn ở Cối-kê, tự-nhiên có ngày trung-hưng. Nếu không thế, hắn đã tức giận làm tàn, thì lũ ta đành chỉ làm ma khơi biển không đáng nói chi, nhưng mà vua ta sau khi siêu bạt tan nát, không còn thước đất làm vốn, dẫu đến tài như Khổng Minh cũng không có chỗ mà đặt chân tay.

Sán nói:

— Không được! ông Bằng theo việc quân từ thủa hãy còn róc tóc, nay đã già đời trong chốn hàng trận, nếu như thành nước bị nạn binh-đao, tưởng ông ấy cũng chẳng đến nỗi hoảng-hốt lật-đật. Hai nước đánh nhau chưa biết ai được ai thua. Chúng ta vâng mệnh đi sứ, mới ra khỏi cõi mà đã chữa thư mạo Chúa, chẳng những phải tội với nước mình, mà nếu bên địch khám phá chỗ lừa dối đó, chắc họ cũng không dong mình. Như thế tai-vạ lại càng lớn hơn, tiếng chê-cười không biết bao giờ cho hết! Bất-nhược mình cứ minh-bạch mà làm, việc thành hay bại, còn ở trời đất, mình không lo gì.

Từ đó Nho không dám nói nữa.

Vào đến Phú-xuân, cả bọn bày các lễ vật ra mâm, xin lên yết-kiến. Sau đem quốc-thư đệ trình. Bắc-bình-vương xem hết một lượt, ném luôn xuống đất và quát:

— Thư này ai làm? Nói toàn giọng vô-nghĩa-lý. Người Bắc quen dùng mồm mép dử người Nhưng ta không phải con nít có thể lừa dối!

Sán vẫn không đổi nét mặt và đáp một cách ung-dung:

— Hãy xin đại-vương nguôi giận, để tôi nói rõ. Nếu muốn giết tôi, tôi cũng xin nói một câu rồi chết thì chết.

Bắc-bình-vương vốn vẫn trọng Sán, liền đổi sắc mặt mà rằng:

— Ngày xưa ta vượt đại-hà ra Bắc, phá Thăng-long, diệt họ Trịnh, cả nước khiếp sợ; trong triều ngoài nội đều chịu bó tay, không ai còn dám làm gì. Bấy giờ nếu ta chiếm giữ đất nước, xưng đế xưng vương, gì mà không được? Nhưng vì ta vẫn « xa mến » đức của Tiên-đế, đem cả cõi đất mà trao nguyên-vẹn trả ngài. Cơ-đồ nhất-thống, đều do tay ta dựng lại Bắc-triều lại dùng chế-sách Thượng-công để trả ơn ta. Chẳng biết Thượng-công là danh-hiệu gì? Thêm nó ta có hơn gì? Thế rồi, Tiên-đế trầu trời, lễ cả sơn-lăng, ta sắp-sửa cho; Tự-vương nối ngôi, nghĩa cả sách-lập, ta chủ-trương cho.. Nay không ơn ta thì chớ, lại còn chứa kẻ phản ta, muốn tranh đất xứ Nghệ an với ta. Xử sự như thế, ai mà nhịn được? Ta đã phát ra hai vạn binh-mã, sai Vũ Văn Nhậm thống-lĩnh, thẳng tới Thăng-long, lấy đầu cha con giặc Chỉnh về dâng. Chắc khi Chỉnh nghe quân ta kéo ra, ắt kèm Tự-tôn cùng chạy. Không biết ở dưới gươm mác, ngọc đá lẫn lộn, Tự-tôn có giữ được yên lành không? Nếu xẩy sự chẳng lành, người nước lại qui oán vào ta?

Sán thưa:

— Xưa đức Thái-tổ nhà Lê dẹp yên giặc Ngô, công-đức như trời, đến đức Thái-tôn tự mình xây cuộc thái-bình, khiến cho đời trước vẻ-vang, đời sau rộng-rãi, tự núi Thạch-bi ra Bắc, từ dẫy Đại-lĩnh vào Nam, đâu đâu cũng là tôi dân, ai ai cũng phải tôn kính. Trải qua trăm năm, họ Mạc lấn cướp, cả nước căm-hờn. Rồi đấy Tiên-vương hội-họp đồng-chí, dựng lại họ Lê, con cháu họ Trịnh nối theo, cũng phải cố công phò giúp nhà Lê, mới sai-bảo nổi bốn phương, và được mọi người hưởng-ứng. Mấy đời gần đây, chúa Trịnh tuy là hiếp-chế vua Lê, nhưng chính-sóc[9] ở đâu, chung-cự[10] vẫn nguyên ở đó, thiên-hạ vẫn là thiên-hạ nhà Lê. Đại-vương ruổi ngựa một mạch, thẳng đến kinh-thành, tuy là oai-thanh mạnh-lớn, song cũng do ở nghĩa cả tôn phù, khiến cho lòng người tin-phục, mới được như vậy. Nếu không, cái việc vào nước người ta, đâu có dễ-dàng dường ấy! Tiên-đế thoạt thấy đại-vương, lễ-mạo đã rất long-trọng. Trước hãy dựng làm tước công, sau mới tiến lên tước vương, đó là điển-cũ của bản-triều, không phải báo-đáp. không hậu, không nên thấy thế mà cho là bạc. Cái nước hơn ba trăm năm, lòng trời chứng-giám, lòng người nương-đội. Đại-vương đem cả cõi đất trả lại nguyên-vẹn, cũng cốt để thuận ý trời, vừa lòng mong-mỏi của người, chưa thể coi là cái ơn. Tiên-đế mất đi, hoàng-thượng nối dựng, việc gì cũng phải bẩm trước Đại-vương, Đại-vương mà không làm chủ các công-việc, thì ai làm chủ? Lý đã đến vậy, thôi cũng không được. Tôi không dám khen sự tốt-đẹp để dâng điều ton-hót với đại-vương! Đại-quân về Nam, Nguyễn Hữu-Chỉnh đuổi theo, Đại-vương để lại Nghệ-an, như thế sao lại bảo hắn làm phản? Nghệ-an thủa trước vẫn của bản-triều, bản-triều muốn giữ bờ-cõi, sao lại gọi là tranh-dành? Đại-vương phái binh-mã ra, nếu để thăm hỏi, bản-triều đã sẵn có lễ nghênh-tiếp, bằng không, thì như người xưa đã nói: « Nước lớn có quân đánh-dẹp, nước nhỏ có cách chống-giữ », tôi nay đã ra khỏi cõi, việc ấy không dám biết đến. Tự-hoàng nước tôi, trời đã cho làm ông vua, thì đế-vương khác có chân-mệnh, gươm mác cũng phải lựa-chọn. Đại-vương chớ lo. Nếu như Đại-vương cứ thuận lẽ trời mà làm, gây lại cuộc suy, nối lại quãng đứt, xếp-đặt cho nước họ Lê được đâu vào đó, thì tôi dân trong nước, ai chẳng cảm-phục công-đức còn dám oán gì? Bằng không, việc đời thay-đổi, cái ngu của kẻ ngu-thần này không thể nào mà thấy trước được.

Sán cứ xoay-xỏa biện-luận, không chịu thua một điều gì. Trời sắp tối, Bắc-bình-vương bảo Sán:

— Hãy ra nhà trọ, nghĩ lại cho kỹ.

Sán thưa:

— Nghĩ lắm càng quẫn, chỉ một cái chết là xong!

Bắc-bình-vương nổi giận, sai bắt cả bọn bỏ ngục.

Sán vào trong ngục, cười nói như thường... và có viết vào sở giam hai câu:

« Đạt đức hữu tam, túng vị năng chi nguyện học;

« Tiểu tâm vô nhị, hành kỳ tố dã hà vưu[11]?

Tư-mã Ngô Văn-Sở xin đem giết Sán, nhưng Bắc-bình-vương còn tiếc tài Sán bèn bảo Trung-thư Trần Văn Kỷ và Lễ bộ Vũ Văn-Trụ rằng:

— Nhân-tài Bắc-hà, Sán cũng vào bậc tốt đấy. Ta muốn thu hắn để dùng, nhưng mà chắc hắn không chịu. Các ngươi thử ra dụ hắn xem sao.

Hai người bèn đến sở giam của Sán, thấy Sán đeo gông nằm sấp trong ngục, liền hỏi:

— Ông già cớ sao tự mình lại làm khổ mình như vậy?

Sán đáp:

— Mệnh phải như thế.

Kỷ nói:

— Quân-tử có khi không cần theo mệnh. Chế được mệnh chỉ cốt ở mình. Ví như đánh bạc, đồng tiền một sấp một ngửa. Ta theo kẻ được mà đánh, thiên-hạ sẽ khen ta giỏi đánh bạc.

Sán đáp:

— Đó là phường cờ bạc, không phải đạo người quân-tử. Ta nghe trong sách có câu « vi thần tử trung »[12]. Đấy là lời dạy của đời xưa.

Hai người biết là không cướp được bụng Sán, liền ra và bảo với nhau:

— Nhà Hán có Tô Tử-Khanh, nhà Lê có Trần Công San. Đáng thương, nhưng cũng đáng ghét.

Tình-cờ lúc đó vừa có thư của vua Tây kể các tội-trạng của Bắc-bình vương và sắp phái quân tiến đánh. Tướng sĩ của Bắc-bình-vương cũng có ít kẻ trốn đi. Bắc-bình-vương bèn bảo với Trần Văn-Kỷ:

— Nước ta nay đương có việc, lòng người cũng đang phân-vân. Cái biến trong nhà, không nên để nước láng-giềng nghe thấy Sứ Bắc ở đây tai vách mạch dừng. Họ ở xa vào cũng định dình-dò chi đó. Để họ ở đây thì tình hình trong nước bị họ hiểu biết, sợ họ nhân đó nói ra nói vào, gây ra chuyện này chuyện kia. Thả cho họ về, chắc sẽ bị họ nói hở, Bắc-hà biết được việc ấy, lại sinh hỗn-láo với ta. Bất-nhược ném cả xuống bể cho mất tích. Các ngươi cứ theo kế đó mà làm.

Rồi Bắc-bình-vương liền sai Đô-đốc Vũ Văn-Nguyệt sắp sửa mấy chiếc thuyền bể, nói phao là đưa sứ Bắc về nước.

Khi bọn Sán được vào phủ bái-biệt, Bắc-bình-vương nói:

— Các ông cứ về trước, đợi khi ta ra ngoài ấy, vời vào ra mắt, sẽ xử về việc Nghệ-an.

Và Bắc-bình-vương sai đem một trăm lạng bạc đưa cho bọn Sán và bảo:

— Đó là bạc của công-chúa gửi tặng, ông đừng chối.

Tiếng gọi là « về », thật ra, Bắc-bình vương đã dặn ngầm Nguyệt tất cả. Người ngoài không ai được biết đó thôi.

Tháng ba năm Đinh vị, thuyền của Đô-đốc Nguyệt ở cửa Tư-dung giương buồm ra đi. Không đầy mười ngày đến cửa Đan-nhai thuộc trấn Nghệ-an, Nguyệt và sứ-bộ ghé thuyền vào bờ rồi cùng lên bộ.

Lúc ấy có người môn sinh của Sán tên là Nguyễn Hiên, chân giám-sinh, quê ở Nghi-lộc, nghe tin thày đã được về, mừng-rỡ đến chào.

Thấy nét mặt Nguyệt có vẻ thất-thường, Hiên đoán chắc Nguyệt có sự gì không hay cho Sán, bèn bảo ngầm Sán xin Nguyệt cho đi đường bộ.

Nguyệt nói:

— Tôi đã vâng mệnh đưa các sứ-giả đi đường thủy, rất thuận-tiện và rất yên ổn, không nên đi bộ, trèo đèo vượt suối vất vả.

Rồi đó cả bọn lên thuyền vượt ra mặt khơi, Nguyệt sai chân sào đục thuyền dìm Sán và cả sứ bộ xuống biển. Hiên đứng trên bờ trông thấy gào khóc hồi lâu mới về. Hôm ấy nhằm ngày 11 tháng tư năm Đinh-vị. Lúc trở về, Nguyệt nói phao là khi thuyền ghé bến, bị gió đánh đắm để tránh cái tiếng giết các sứ-giả.

Từ lúc bọn Sán vào Nam, Chỉnh chắc công việc thế nào cũng xong đã công-nhiên nói ở triều rằng:

— Tình-hình Tây-sơn như ở trong con mắt tôi. Họ đương mừng rằng mình không gây việc thì họ có thể giốc sức lo việc nước họ, Hiện nay cuộc nội-biến của họ đương gấp, còn thì giờ đâu mà nghĩ tới việc bên ngoài!... Mà Vũ Văn-Nhậm trơ-vơ ở Nghệ-an, ngoảnh về bên trong, không thể có quân cứu-viện, còn làm gì được? Bắc-bình thấy thư của mình, chắc phải mừng-rỡ mà theo. Vậy thì công-việc Nam-thùy, không cần phải lo gì hết.

Bởi vậy, những lời Sán dặn trong khi ra đi, Chỉnh đều không để ý tới, chỉ tâu hoàng-thượng xin cho Lê Duật làm chức trấn-thủ Thanh-hóa mà thôi.

Khi Duật sắp đi, Chỉnh cũng dặn rằng: Chỉ nên trấn giữ bờ-cõi, chớ có sinh sự, khiến cho bên địch nghi-ngờ. Đợi đến sau khi quan Bình-chương về, thì sẽ dời vào đóng tại Nghệ-an, sửa lại lũy cũ Hoành-sơn, cho vững biên-giới. Phan Lê-Phiên nghe thấy chuyện đó, liền đến nhà Chỉnh và nói:

— Ông Trần là bậc trải nhiều việc đời, xét việc rất nhanh. Ngày thường ông ấy bàn bạc, đồ-đoán những sự sắp tới, đều không sai một ly nào. Không nên coi thường những lời ông ta đã dặn.

Chỉnh cũng không cho là phải.

Trở ra, Phiên nói với Trương Đăng-Quĩ:

— Ông Bằng có tiếng là biết việc binh, mà lại không nghe lời răn, coi thường quân giặc, sợ rằng quốc-đô vừa mới qua một cuộc tàn-phá, không thể chịu nổi một trận dầy đạp lâu nữa. Chúng ta ở ngôi tể-tướng đã lâu, nếu như « đổ mà không giữ, nguy mà không phò, thì còn dùng kẻ phụ-tướng ấy làm gì! »

Than thở hồi lâu, Phiên lại bảo Quĩ:

— Tiên-đế công-đức thật lớn, mà nay chưa có miếu-hiệu. Bây giờ không bàn ngay đến việc đó, vẫn là còn thiếu điển-lễ.

Hai người, bèn cùng bàn với các quan, xin dùng sách vàng tôn đức hoàng-tổ làm Vĩnh-hoàng-đế, miếu-hiệu Hiển-tôn, rồi tâu hoàng-thượng xin cho làm lễ cáo miếu. Chỉnh nói:

— Theo lễ, việc dựng miếu-hiệu nên đợi cuộc lễ nhập-miếu sau ngày đại-tường, làm gì phải vội như thế?

Phiên nói:

— Thế-sự chưa biết thế nào, bây giờ phải sơm sớm làm cho trọn vẹn mỹ-hiệu của tiên-đế đã!

Chỉnh không nói sao.

  1. Tức là Nguyễn-Huệ.
  2. Chỉ về Bắc-bình-vương.
  3. ua Chiêu-Thống tự xưng.
  4. Chỉ về xe của nhà vua.
  5. Chỉ việc vua Cảnh-hưng chết.
  6. Chỉ vua Chiêu-thống.
  7. Nghĩa là làm khách.
  8. Nghĩa là có khách. Hai câu này muốn nói Bắc-bình-vương là khách của nhà Lê.
  9. Tháng giêng và ngày mồng một. Hai thứ ấy chỉ riêng nhà vua có quyền thay đổi, nói chính-sóc cũng như nói quyền nhà vua.
  10. Chuông và giá khánh, đồ thờ của nhà vua.
  11. Đức thường có ba điều (tức trí, nhân, dũng), nếu chưa đủ, thì xin học; lòng mọn không hai, ấy là làm theo chí mình còn oán-hận gì.
  12. Kẻ làm tôi phải vì lòng trung mà chết.