VI

Năm Bính-ngọ, khoảng cuối mùa xuân, đại-tướng Thuận-hóa là Tạo Quận-công[1] sai viên thuộc-hiệu là Dương-lĩnh bá Nguyễn Phú-Như sang bên Tây-sơn nói về công-việc biên-giới của hai xứ.

Vì có quen Chỉnh, Phú-Như mới nói với Chỉnh những lẽ có thể lấy được Thuận-hóa và kể cho Chỉnh biết hai xứ Thanh Nghệ và cả bốn trấn đường ngoài hiện đương đói kém, dân-tình cực-khổ, dân với lính không ưa gì nhau, tình-thế không thể lâu bền, nếu như lấy được Thuận-hóa thì sự giẹp-yên thiên-hạ không khó gì hết. Bởi vậy, Chỉnh mới quyết-chí về Bắc. Luôn bữa ấy, Chỉnh vào hầu Nhạc, bày các cách-thức lấy xứ Thuận-hóa và xin phát quân sai tướng đánh thẳng vào thành Phú-xuân.

Nhạc theo lời, liền cho em ruột là Nguyễn Văn-Bình[2] đốc-suất các quân thủy bộ, cho con rể là Vũ Văn-Nhậm làm Tả-quân đô-đốc, Chỉnh làm Hữu-quân đô-đốc, cùng theo hiệu-lệnh của Bình, định ngày 28 tháng tư, đại-quân trẩy đi, tiến thẳng về đường Phú-xuân.

Từ năm Giáp-ngọ, Thuận-hóa thuộc về bờ cõi nước ta, thành Phú-xuân thành ra một nơi cùng-cực của biên-giới. Bởi chỗ ấy là một trọng-trấn, cho nên triều-đình có để hơn ba vạn quân đóng giữ, và đặt một viên đại-tướng, một viên phó-tướng, một viên đốc-thị, một viên phó đốc-thị, điều-khiển mấy vạn quân đó. Các nơi trọng-yếu từ đèo Ải-vân trở ra đều có lập đồn đóng quân. Nào lấy thêm dân làm lính, nào khẩn đất hoang lấy lương, nào mở-mang công việc buôn bán, nào thâu-thái nguồn lợi dưới biển trên rừng, nào đặt khoa-mục để kén nhân-tài, nào ban danh tước để thu nhân-tâm... về cách kiềm-chế cai-trị, thật không thiếu sót điều gì. Chỉ tiếc đại-tướng Tạo Quận-công đứng đầu xứ đó vốn là một người đần-độn chậm-chạp, chỉ quen già miệng lấn-át người ta, đến việc lâm-cơ chế-biến hầu như không biết chi hết. Trước kia, một viên đốc-thị là Nguyễn Lệnh-Tân vì nhiều lần nói nếu không kíp lấy Tây-sơn, tất có sự lo về sau, không hợp với ý quận Tạo, Tạo bất-bình, Tân bèn dâng thư về triều, kể tội quận Tạo là kẻ nhút-nhát không có mưu-trí, Thuận-hóa sẽ phải mất về tay y, xin hãy bãi chức quận Tạo, nhắc phó tướng lên làm đại-tướng may ra Thuận-hóa mới có thể giữ nổi. Coi bức thư ấy, Chúa[3] cho Thuận-hóa là xứ vừa mới dẹp yên, Quận Tạo có tính ôn-hòa thận-trọng, ở đó rất hợp, bèn bãi Lệnh-Tân và cho người khác vào thay.

Bấy giờ Bảng-nhỡn Lê Quí-Đôn khảo về sấm-ký của đất Tây-sơn, đã có nói với Chúa rằng: Tây-sơn có đất thiên-tử, mười hai năm nữa, sức mạnh của họ sẽ không ai chống nổi. Đại-tướng Thuận-hóa e không phải tay địch được với họ, xin Chúa để ý. Nhưng Chúa cũng cho là lời quá đáng, không hề lưu-ý.

Rồi đó, biên-cảnh vô-sự, kẻ Nam người Bắc đều ở yên trong đất mình, Thuận-hóa thành ra một cõi thái-bình yên-vui.

Tháng tư năm ấy có chiếc tầu Khách tới bến. Người khách chủ tầu xin vào yết-kiến quận Tạo. Trong lúc nói chuyện, người ấy giở thuật tướng số khen quận Tạo hậu-vận rất tốt, phúc-lộc không thể nói xiết. Chỉ ngại hiện nay tiểu hạn gặp « xung », không khéo thì phải đau ốm. Trong mùa hè này nếu lập đàn cúng tiễn thì tốt. Quận Tạo tin lời, tức thì sai lập đàn chay rất lớn cúng luôn 7 ngày 7 đêm. Quân lính phục-dịch hết đêm đến ngày.

Thình-lình thấy có tin báo đại-quân Tây-sơn đã lấy mất đồn Ải-vân, chủ-tướng Ải-vân là Quyền-trung-hầu bị chết tại trận, các đồn khác cũng đều tan vỡ, hiện nay thủy-quân của giặc đương theo đường bể đi vào, chỉ trong sớm tối thì sẽ đến đây. Quận Tạo hốt-hoảng, không biết làm ra thế nào. Các quân vì suốt mấy hôm hầu-hạ đàn chay, sức lực đã nhược, nghe tin có giặc, ai nấy không còn hồn vía. Quận Tạo vội cho đi tìm người Khách, thì đã mất tăm không thấy đâu nữa. Bấy giờ mới biết người ấy chính là thám-tử của giặc, lập mưu để đánh lừa mình.

Trong lúc Thuận-hóa bối rối, thì quân Tây-sơn đã tới nửa đường. Nguyễn Hữu-Chỉnh vốn biết quận Tạo là kẻ nhút-nhát mà lại hay ương, dụ hàng vị-tất đã nghe, bèn làm một bức thư kín giả cách báo cho quận Thể biết rằng: Quân Tây-sơn mạnh lắm không thể địch nổi. Quận Thể với Chỉnh đều là môn-thuộc quận Huy ngày xưa, nếu chịu đem thành Phú-xuân ra hàng Chỉnh sẽ giúp đỡ cho được trọn-vẹn phú-quí. Rồi Chỉnh bảo người đưa thư cố ý đưa lầm vào dinh quận Tạo. Được bức thư ấy, quận Tạo hơi sợ, có ý muốn hàng Tây-sơn, bèn dìm luôn đi.

Chẳng bao lâu, đại binh Tây-sơn kéo đến dưới thành, lúc ấy quận Tạo mới mời quận Thể vào dinh bàn cách chống giữ.

Vòng thành Phú-xuân ở ngay bờ sông, từ mặt nước lòng sông trông lên chân thành cách nhau đến hơn hai trượng. Thuyền quân Tây-sơn ở dưới bắn ngược trở lên, không tới mặt thành. Trong thành, đóng chặt các cửa, rồi đốc tất cả quân-sĩ ở trên bắn xuống. Quân Tây-sơn phải núp cả vào trong thuyền. Trên thành chĩa súng bắn theo, các thuyền quân của Tây-sơn đều lui. Nhờ vậy, lính tráng trong thành đã hăng-hái thêm một chút. Chẳng ngờ đêm ấy nước triều lên to, tràn khắp chân thành, quân địch thừa-thế phóng thuyền tiến vào, chĩa súng bắn lên mặt thành, rồi cho quân bổ vây các cửa thành.

Quận Tạo liền sai quận Thể và các thuộc-tướng là bọn Kiên-kim-hầu[4] ra thành nghênh-chiến. Hai người con trai quận Thể theo cha ra. Cả đội dựa lưng vào thành bày trận. Đánh nhau chừng hơn một canh, thuốc đạn hết cả, quận Thể sai người vào thành xin thêm, quận Tạo ngồi trên « lâu thành » sai người đóng cửa lại và cự rằng: Cơ nào đội ấy ngoài việc cấp lương khẩu-phần, đều đã có dân « thuốc đạn » còn muốn đòi của ai nữa? Quận Thể giận lắm, liền bảo các tướng:

— Quận Tạo phản rồi! Để ta phá cửa vào thành, chặt đầu thằng giặc già trước đã, rồi sau ra đánh. Và ngảnh lại nói với các con:

— Chúng bay hãy đứng phía trước cự-địch. Ta vào một lát sẽ ra.

Rồi quận Thể liền co đầu voi quay vào. Voi vừa lui lại mặt trận tức thì lộn-sộn, quân địch thừa-thế sấn đến, hai con quận Thể phóng ngựa ra trận, múa đao chém chết chừng vài trăm người. Quân địch kéo đến càng đông, chúng xông vào chém chân ngựa của cả hai người. Ngựa ngã, hai người đều hoa đao đánh bộ. Giết được vài chục người nữa, cả hai đều bị thương nặng, sức đã yếu quá, mới cùng hô cha đến cứu.

Quận Thể vừa co đầu voi quay lại, hai người đều bị quân địch chém ở trước trận. Kiên-kim-hầu cùng bị chết ở cửa trận.

Quận Thể muốn lập trận khác, ngảnh lên trên thành, đã thấy kéo cờ trắng rồi.

Quản tượng của quận Thể liền ở đầu voi nhảy xuống, trốn vào trong đám loạn quân.

Quân địch cứ đuổi theo voi mà bắn.

Quận Thể chết trên bành voi. Quận Tạo liền mở cửa thành, xe cỗ quan-tài ra hàng.

Bình thả quân vào thành giết bừa, Đốc-thị Nguyễn Trọng-Dương chết trong trận đó. Bao nhiêu quân lính trong thành trốn ra ngoài thành đều bị thổ-dân giết cả.

Trong một trận này, mấy vạn nhân-mạng ở thành Phú-xuân không còn sống sót nửa người.

Chiếm được Phú-xuân, Bình chia quân thừa-thắng kéo ra lấy đồn Động hải.

Thủ-tướng đồn ấy là Vị-phái-hầu cùng quan Hiệp-đồng Ninh-Tốn trông thấy bóng giặc liền trốn. Thế là mất hết cả đất Thuận-hóa. Bấy giờ là ngày 14 tháng 5 năm Bính ngọ hiệu Cảnh-hưng (lịch tây năm 1786).

Lấy xong Thuận hóa, Bình họp các tướng bàn việc sửa lại địa-giới La-hà và làm tờ lộ-bố cáo tin thắng trận với vua Tây-sơn.

Chỉnh bảo với Bình:

— Ông vâng mệnh ra lấy Thuận-hóa, đánh một trận mà xong, oai-danh rung-động thiên-hạ. Trong phép dụng-binh có ba điều cốt: một là thì, hai là thế, ba là cơ, hễ gặp được ba điều đó, quyết là đi đâu thắng đấy. Nay ở Bắc-hà, tướng trễ binh kiêu, triều-đình không còn kỷ-cương gì cả, ta thừa-thế mà ra đánh lấy, đó là — như cổ-nhân đã nói: — « Chiếm kẻ yếu, đánh kẻ tối, lấy kẻ loạn, đè kẻ sắp mất ». Cơ và thì ấy không nên bỏ lỡ.

Bình đáp:

— Bắc-hà là một nước lớn, có nhiều nhân-tài. Cổ-ngữ có câu: « Con ong có nọc » không thể khinh-thường.

Chỉnh nói:

— Nhân-tài Bắc-hà có một mình tôi mà thôi. Nay tôi đi rồi, ấy là cái nước trống không, xin đừng nghi ngờ.

Bình vốn khéo dùng ngôn-ngữ vặn người, liền đùa mà rằng:

— Không ngờ ở ai, có lẽ ngờ ở ông chăng?

Chỉnh tái mặt, tạ:

— Đó là tôi cũng theo bụng ngu hèn, cực nói nước tôi không có nhân-tài đó thôi.

Bình lại an-ủi mấy câu rồi tiếp:

— Một nước đã đứng được bốn trăm năm, một chốc mình đến cướp lấy, người ta sẽ bảo việc ấy là cái gì?

Chỉnh đáp:

— Nước tôi có vua lại có cả Chúa, đó là việc cực biến xưa nay. Và Chúa Trịnh tiếng là phù Lê, kỳ thực vẫn là ăn hiếp thiên-tử, người trong nước vẫn không bằng lòng. Trước đây, những đấng anh-hùng khởi-sự, ai cũng phải vịn vào tiếng tôn Lê. Nhưng số họ Trịnh chưa hết, nên công việc của những người ấy không thành. Nay xét ở trong địa-ký của họ Trịnh có câu nói rằng: « Chẳng đế, chẳng bá, quyền nghiêng thiên-hạ, truyền hai trăm năm, buồng nhà dấy vạ », tính tự Thái-vương[5] đến Vĩnh-vương[6], vừa đúng số hai trăm năm, nếu ông lấy cớ « diệt Trịnh phò Lê » mà kéo quân ra, thiên-hạ ai cũng theo phục. Ấy là cái công-nghiệp không mấy đời có.

Bình nói:

— Đó là việc rất hay! Nhưng ta vâng mệnh đi đánh Thuận-hóa, không phải vâng mệnh đi đánh nước người. Xoay việc nọ ra việc kia thì ra làm sao?

Chỉnh đáp:

— Trong chuyện Xuân-thu có nói: « Xoay nhỏ mà công lớn, thế là có công » như thế sao gọi là « xoay »? Vả lại, ông há chẳng nghe cổ-nhân đã nói; « Tướng ở ngoài, mệnh vua có khi không cần phải theo » hay sao?

Bình là một người tinh-anh (quả-đoán, được lời Chỉnh trúng với ý mình, tức-thì ưng theo, liền sai Chỉnh đem đội tuyển-phong, vượt vào cửa biển Đại-an, đánh lấy kho lương Vị-hoàng, còn mình thì dẫn thủy-quân đi sau. Lại hẹn với Chỉnh hễ đến Vị-hoàng thì phải đốt lửa làm hiệu.

Bố-trí xong rồi, Chỉnh liền lĩnh quân ra trước. Đi qua mấy trấn Nghệ-an, Thanh-huê, Chỉnh sai nhiều toán du-binh, mỗi toán chừng vài trăm người, chia ngả đi đánh các đồn để dương thanh-thế.

Trấn-thủ Nghệ-an là Đương-trung-hầu, trấn-thủ Thanh-huê là Thùy-trung-hầu đều bỏ thành chạy.

Mồng sáu tháng sáu, Chỉnh đến Vị-hoàng. Đồn-tướng Vị hoàng thấy bóng quân Chỉnh liền trốn. Hơn một trăm vạn hộc lương ở đó đều bị Chỉnh chiếm, Chỉnh bèn đốt lửa ra hiệu,

Bình thấy hiệu lửa, lập-tức dẫn hơn một nghìn chiếc thuyền vòng theo đường biển đi ra. Thổ-dân Nghệ-an lên núi, trông bóng lâu thuyền cờ-quạt ngoài biển, đều ngậm-ngùi than: « Cõng rắn cắn gà nhà, nghỉ thật có tội. Song cũng là một việc hơn đời ».

Chỉnh ở Vị-hoàng, hợp với quân Bình, thanh-thế càng lớn. Bấy giờ trong nước, những kẻ hai lòng đều đến dinh quân của Chỉnh đem hết tình-hình nước nhà mà kể với giặc, còn như bên giặc hư thực thế nào, cả nước không ai biết.

  1. Tức Phạm Ngô-Cầu.
  2. Tức Nguyễn-Huệ.
  3. Là Trịnh-Sâm
  4. Tức Vũ Tá-Kiên.
  5. Trịnh Kiểm —
  6. Trịnh Sâm.