V

Trong năm Nhâm-dần, Nguyễn Hữu-Chỉnh dương buồm ra biển rồi đi đâu, ở trên chưa kịp nói tới.

Chỉnh vào Quảng-nam theo vua Tây-sơn là Nguyễn Văn-Nhạc.

Ông đó nguyên là giòng-dõi của Hồ Quý-Ly, cùng ngành với Hồ Phi-Phúc, tổ-quán ở huyện Hưng-nguyên, trấn Nghệ-an. Khoảng năm Thịnh-đức, quân Nguyễn ra lấn Nghệ-an, lấy được bảy huyện phía nam sông Cả và bắt tất cả cư-dân đưa về Quảng-nam, cha ông Nhạc cũng bị ở trong số đó và được an-sáp tại làng Tây-sơn thuộc huyện Phù-ly. Qua hai đời, thì sinh ra Nhạc và hai người em là Bình và Lữ. Bởi vì hồi ấy thế lực họ Nguyễn đương mạnh, cho nên anh em ông ta mới đổi họ Hồ mà theo Nguyễn là họ của mẹ.

Nhà Nhạc trước đã vào bậc khá-giả. Sau vì gá bạc lại càng giàu thêm, Nhạc đã làm biện-lại ở Vân-đồn, người ta vẫn gọi là Biện Nhạc. Vì Nhạc tiêu tiền thuế của quan, mới trốn vào rừng tụ đảng ăn cướp. Hồi ấy thủ-hạ ông ta có hơn trăm người, thường thường cướp bóc các nơi châu ấp, trấn-tướng vẫn không trị nổi.

Rồi đó, ông ta tự xưng là chúa Tây-sơn, kéo quân về đóng tại làng.

Một hôm, ông ta sai đóng một cái cũi máy, tự mình ngồi vào trong cũi, cho bọn thủ-hạ khiêng đi và báo ở dọc đường rằng: bắt được chúa Tây-sơn tức Biện Nhạc, đưa đến dinh-trấn trình nộp. Trấn-tướng mừng lắm, sai người mở cửa cho vào, rồi đem giam ở trong ngục. Đêm ấy, ông ta tháo máy cũi xông ra, cướp thanh gươm của lính canh ngục, chém chết mấy tên ngục-lại, rồi phóng-hỏa đốt luôn dinh trấn. Khi ấy đồ-đảng của ông ta đã phục sẵn ở chung quanh, thừa lúc rối-loạn, họ bên kéo ùa vào thành, giết chết trấn-tướng, chiếm luôn thành ấy.

Bấy giờ chúa Nguyễn Phúc-Thuần còn bé, Thái-phó của họ Nguyễn là Trương Phúc-Loan nắm hết quyền-chính, làm nhiều việc càn-bậy, trong xứ ai cũng ta-thán, người ta đi theo Tây-sơn rất nhiều.

Nhạc lại dùng một bọn vong-mệnh người Tàu để làm thủ-túc chống lại với phe họ Nguyễn. Mấy lần giao-chiến, quân Nguyễn đều bị thua, thanh-thế Tây-sơn mỗi ngày một lớn.

Hiệu Cảnh-hưng năm Giáp-ngọ, Trịnh Sâm nhân cơ-hội đó sai Quận Việp làm Bình-nam thượng-tướng, đem quân đóng ở La-hà và nói phao rằng: sẽ vào ứng-viện cho chúa Tây-sơn. Nhạc liền sai người ra cống một thanh bảo-kiếm, một con danh-mã, và xin theo về triều-đình.

Hồi ấy quan quân mới lấy được xứ Thuận-hóa, tướng-sỹ đều sợ vất-vả, muốn để công việc Tây-sơn lui lại ít lâu, nên mới làm tờ về tâu Trịnh Sâm, xin y lời xin của Nhạc, Sâm bèn phong Nhạc làm Tuyên-úy đại-sứ, chấn-thủ Quảng-nam, tước Quận-công. Từ đó hàng năm Tây-sơn với triều-đình vẫn giữ chức cống như thường. Được ít lâu vì có điềm rồng vàng hiện ra, Nhạc bèn đóng ngai rồng, lên ngôi vua, xưng là thiên-vương, đặt niên-hiệu là Thái-đức và thôi không cống-hiến nữa. Triều-đình biết vậy, nhưng cũng bỏ đó không hỏi gì đến.

Trong khi Quận Việp đóng ở La-hà, Nguyễn Hữu-Chỉnh còn làm môn-hạ, có lần đã bị quận Việp sai làm sứ-giả, đưa tin cho chúa Tây-sơn. Thấy Chỉnh có tài biện-luận, Nhạc vẫn yêu-mến. Lại nhân khi ấy Nhạc đương muốn lấy Thuận-hóa mà vẫn thiếu người bàn tính công việc, nên khi được Chỉnh trốn nạn chạy vào với mình, thì Nhạc đã có lòng mừng. Chỉ vì chưa rõ bụng Chỉnh ra sao, cho nên chưa dám tin dùng, Chỉnh biết vậy, liền kể với Nhạc, tất cả đầu đuôi câu chuyện của mình, rồi tình-nguyện đem vợ và con làm con tin, để xin nương-tựa ở đó. Nhạc bằng lòng cho.

Nhạc đã sẵn lòng mến tài của Chỉnh, nên đối với Chỉnh càng ngày càng thân. Chỉnh cũng hết lòng với Nhạc, đã bày cho Nhạc những kế đánh lấy các nước Chiêm-thành, Xiêm-la, Bồn-man. Rồi Chỉnh lại tự cầm gươm đi ở tiền-quân, xông-pha nhiều đám tên đạn, mấy nước lân-cận lần-lượt giẫy bằng. Bởi thế, ân-tình giữa Nhạc với Chỉnh, mỗi ngày mỗi thêm đằm thắm.

Tuy vậy, trong khi ở với Tây-sơn, Chỉnh vẫn hàng ngày mong về nước cũ.

Ngoài này triều-đình mất Chỉnh cũng lấy làm lo, nên đã treo giải ai dụ được Chỉnh trở về, sẽ có trọng-thưởng.

Một người em rể của Chỉnh xin nhận việc đó, Triều-đình liền cấp cho y một đạo mật-chỉ để y lên đường.

Gặp Chỉnh, người ấy chưa kịp nói gì, liền bị Chỉnh hỏi:

— Bay lận-đận trèo đèo lội suối tới đây làm chi? Có phải định làm thuyết-khách cho Chúa Trịnh không? Bay coi mặt ta từ thủa đẻ ra đến giờ đã có khi nào nghe ai xui khôn xui dại, mà bay cả gan như vậy?

Người ấy cúi đầu nín lặng, không dám nói sao. Chỉnh lại hỏi:

— Tuy vậy, bay đã ở Bắc vào đây, chắc là biết rõ. Vậy bay hãy kể ta nghe: Sau khi Huy Quận-công bị nạn, công-chúa[1] và các cậu trốn tránh đi đâu?

Người ấy đáp:

— Bây giờ công-chúa bị Dương thái-phi giam vào hậu-cung. Hai cậu nghe tin có biến liền chạy về huyện Yên-dũng dấy quân phục-thù, cả vùng Kinh-bắc đã bị chấn-động. Chúa sai chấn-thủ chấn ấy là Mãn-trung-hầu đốc quân đi đánh. Quân Mãn-trung-hầu bày trận ở núi ba tầng. Các cậu sai viên thủ-lệnh Hoàng-Tú làm tiền-đội tiên-phong, đem quân nghênh-chiến. Hoàng-Tú chết tại trận-tiền, quân-sỹ tan-nát, hai cậu đều bị bắt sống đóng cũi đưa về kinh-sư.

Chỉnh than:

— Thiếu-niên khách-khí! bại-sự là phải! Nhưng cũng là một nghĩa-cử, dù bại cũng vinh. Vậy đưa về kinh-sư rồi sau ra sao?

— Đình-nghị hai cậu đều đáng tội chết. Vì Chúa nghĩ tình anh em con cô con cậu, nên mới giảm cho một bậc. Nhưng mà lại bị Thái-phi sai người bắt uống thuốc độc. Có kẻ báo tin với Chúa, Chúa vội cho người ngăn cản. Tới nơi cậu cả đã bị thuốc độc chết rồi, chỉ có cậu hai được thoát, hiện đương bị giam ở ngục cửa Đoài.

Chỉnh ngậm-ngùi:

— Thương thay! Phá tổ vọt trứng! Người ta có tội-tình gì! Thế còn công-chúa từ khi bị giam vào hậu-cung, những sự ăn ở ra sao?

— Chúa cũng nghĩ tình cô ruột, không muốn hành-hạ gì cả. Nhưng vì Thái-phi vẫn có hiềm cũ, nên cố tìm cách làm cho khổ cực đủ đường. Công-chúa vừa lo vừa tức thành bệnh rồi mất.

Chỉnh thở dài nói:

— Công chúa chết đi là phải. Sống làm gì nữa. Còn Đặng Tuyên-phi?

— Từ khi Chúa nhỏ bị bỏ, Thái-phi tức thì sai người đi nã Tuyên-phi đem đến trước mặt kể tội, rồi bắt Tuyên-phi phải lạy. Tuyên-phi không lạy. Thái-phi sai hai thị-nữ đứng kèm hai bên níu tóc Tuyên-phi dập đầu xuống đất. Tuyên-phi vẫn nhất-định không lạy và cũng không nói câu gì. Thái-phi giận quá, đánh đập một hồi và nhổ nước bọt vào đầu vào mặt, rồi đem giam ở Hộ-tăng-đường trong vườn sau, làm tình làm tội cực-kỳ khổ-sở. Một hôm Tuyên-phi lấy áo che mặt ra cửa Tuyên-vũ, trốn đến bến đò phố Khách. Quân lính đuổi kịp bắt về. Từ đó càng bị giam chặt. Năm sau trong nhà Tẩm-miếu trên lăng Thịnh-phúc[2], bao nhiêu đồ thờ bằng vàng, bằng gỗ tự-nhiên ròn-mủn, hễ động tay vào liền tan như tro, viên miếu-lăng vội-vàng gửi thư về kinh cáo-biến, Thái-phi sai gọi cô dí vào hỏi.

« Cô dí lên đồng rồi nói: « Chúa đối với tiên-vương có hai điều bất-hiếu: Một là Chúa vừa lên ngôi, liền ngờ Đặng-thị làm bùa yểm trong tử-cung, ngài đã cậy mở tử-cung, thay đổi quần áo đại-liệm, khiến cho ngọc-cốt không yên. Hai là Đặng-thị vốn là người mà tiên-vương vẫn yêu, bây giờ Chúa làm tủi nhục đủ đường, khiến cho vong-linh tiên-vương không thể quên được.

« Bởi hai điều đó mới có sự kia. Nếu không mau hối lỗi tạ tội, tai-biến sẽ còn nhiều nữa, không phải chỉ thế mà thôi. Thái-phi nghe nói lo sợ, lập-tức vào nói với Chúa. Chúa bèn sai quan tế tạ, phong Tuyên phi làm Thị-nội cung-tần, cho vào thờ-phụng Tẩm-miếu.

Tuyên-phi được vào hầu-hạ lăng-tẩm, đêm ngày gào khóc, chỉ xin chết theo tiên-vương. Đến ngày đại-tường tiên-vương. Tuyên-phi bèn uống thuốc độc rồi chết, Chúa sai quan chấn Thanh-huê theo lễ cung-nhân, táng ở nơi cách vọng-lăng tiên-vương một dặm.

Chỉnh khen:

— Chết « được » đấy! Ta tưởng Tuyên-phi chỉ có nhan-sắc, không ngờ lại có tiết-liệt như vậy. Nhưng không hiểu vì sao ngôi nàng lại bị giáng làm cung-tần[3]?

— Bởi vì khi Chúa lên ngôi được một năm, Thánh-mẫu lục tờ cố-mệnh làm lúc tiên-vương lâm-chung, có phê vào rằng: « Không phải long-bút của tiên-vương, không thể dùng làm bằng-cứ », Chúa đem tờ đó giao cho đình-nghị. Quan Khâm-sai là Phạm Nguyễn-Du nhận lời phê của Thánh-mẫu là « lẽ phải của nhà nước » và nói: « Ngôi Chúa Diễn-đô, sách dựng Tuyên-phi và tờ cố-mệnh ấy đều là mệnh-lệnh của tiên-vương ban ra trong khi đau yếu hốt-hoảng, nó rất trái thường, sai lý, không thể cho là phải được. Nay Thánh-mẫu lấy làm mẹ mà đổi lại ý của con, thật là một việc chính đáng. Vậy bây giờ cần phải xét lại tội-trạng của kẻ phụ-họa, chiểu theo điển-hình, trừng-trị cho thật rõ-ràng ». Vì lời bàn ấy Tuyên-phi mới bị bỏ làm thứ-nhân. Tứ-xuyên hầu vì viết tờ cố-mệnh, Khanh Quận-công vì tự-tiện viết thay long-bút, Thiêm-sai Nhữ Công-Chẩn vì tự-tiện thảo tờ sách dựng Tuyên-phi, Thùy-trung hầu vì sao tờ sách ấy đưa ra ngoại-phủ, đều phải bãi chức. Đặng-thị sau này lại phải giáng làm cung-tần là bị cớ đó.

— Ngoài mấy việc đó, còn chuyện báo ơn báo oán gì khác nữa không?

— Chúa lập hôm trước, hôm sau liền hạ lệnh nói: Tất cả ai ai đều được bao-dong. Riêng có những người tố-giác việc năm Canh-tý thì không được tha. Mấy người đó lần lượt bị bắt và bị làm tội hết thảy. Duy Ngô Thì-Nhậm không biết trốn đi đường nào. Còn những người phải chết về án Canh-tý thì, Tuân-sinh-hầu, Khê-trung-hầu và chồng dì Sáu đều được truy-tặng tước Vương, và có lập đàn siêu-độ, giải-oan cho họ.

Chỉnh nói:

— Giết kẻ vâng mệnh cha mình ở triều, nên rõ lỗi của cha mình với trong nước, đó là việc đại-bất-hiếu.

Rồi Chỉnh lại hỏi những viên tham-tụng bồi-tụng bây giờ là ai. Người ấy đáp:

— Chúa mới lập lên, Tứ-xuyên hầu liền bị bãi chức, quan bồi-tụng Bùi Huy-Bích được thay và được phong làm Kế-liệt-hầu. Hiện nay vẫn Kế-liệt hầu một mình giữ ngôi tham-tụng, bọn Trương Đăng-Quĩ Mai Thế-Uông và Nguyễn Công-Thước thay nhau lĩnh chức bồi-tụng. Đó là những bậc tai mặt cầm quyền chính-sự hiện-thời.

— Từ đó đến nay, còn có điềm lành điềm giở gì không?

— Điềm lành không có, chỉ có điềm gở thì nhiều. Ngày rằm tháng một năm Nhâm-dần, giữa trời bỗng phát một tiếng rất to và dài đến hơn một khắc, chuyển cả trời đất. Không biết là tiếng gì.

— Đó là tiếng trống trời.

— Năm Quí-mão, núi vua Hùng tự-nhiên sụt xuống hơn hai chục thước. Tháng sáu năm ấy, con sông Thiên-đức cạn hẳn một ngày một đêm. Năm Giáp-dần giữa đêm mồng một tháng sáu, hồ Thủy-quân thình-lình có tiếng dữ như tiếng sấm, nước hồ sủi lên sùng-sục, sáng mai, bao nhiêu tôm cá chết hết. Cũng trong năm ấy trên các cây cối trong phủ Chúa có đến mấy vạn con quạ ở đâu kéo đến, dập-dìu bay lượn, kêu gào suốt ngày suốt đêm, rồi ở đoạn thành phía ngoài cửa gác phủ-đường, bỗng dưng sụt hơn mười trượng. Đấy là những chuyện to lớn, ai ai cũng biết. Còn những chuyện nhỏ thì không thể nào kể hết.

Chỉnh tắc lưỡi mấy cái, rồi mới hỏi đến tình-trạng bọn kiêu-binh. Người ấy cứ theo sự thực kể hết đầu đuôi. Chỉnh bèn truyền lệnh nhà bếp làm rượu thết đãi. Sau khi người ấy no say. Chỉnh mới căn-vặn người ấy vào đây làm gì? Người ấy thưa:

— Đương-trung-hầu thấy tôi với ông có tình bà con, mới tâu với Chúa, xin giáng-chỉ sai tôi tới đây khuyên « quan » về triều, sẽ không mất ngôi phú-quí.

Chỉnh cười mà đáp:

— My là kẻ ngu, ta thật không chấp. Song ta chỉ trách cái đứa sai my tới đây nó dám khinh ta. Vậy ta kết-quả tính-mệnh cho my, nếu oan, my xuống âm-phủ mà kiện cái thằng sai my đi đó.

Rồi Chỉnh truyền lệnh thủ-hạ lôi luôn người ấy ra chém. Nguyễn Nhạc thấy Chỉnh chém người thuyết-khách, lại càng thân-tín.

  1. Vợ quận Huy, con gái Trịnh Doanh.
  2. Lăng của Trịnh-Sâm.
  3. Vì lúc Trịnh-Sâm mất, Đặng-thị làm chính-cung, nên Chỉnh mới hỏi như thế,