Hoàng Lê nhất thống chí/IV
IV
Nguyễn Khản lúc mới phục chức, được làm trấn-thủ Sơn-tây, đến khi vào làm tể-tướng, thì cho em ruột là Điền-nhạc-hầu Nguyễn Điều ra thay. Hôm ấy, Khản lật-đật trốn ra ngoài thành, dùng võng một đòn bắt hai người khiêng đi về con đường Sơn-tây. Tới trấn, Điều ra đón vào trong dinh và hỏi cớ sao lại chạy ra đó? Khản đáp:
— Tục-ngữ nói: « Quân bất trị » thật là đúng lắm!
Rồi Khản đem hết đầu đuôi việc ưu-binh ở kinh thuật lại cho nghe. Điều nói:
— Bây giờ việc đã như thế, anh định đối-phó ra sao?
Khản vốn là hạng người xuềnh-xoàng, vô-tâm, nghe em hỏi liền cười và đáp:
— Trừ ra có thuật quỉ-thần, hễ thấy chúng nó họp nhau, tức thì theo đến mà làm cho chúng nó đau bụng vỡ ruột, như Đại-Thánh bóp Hoàng-My, không biết đằng nào mà bắt, may ra chúng nó mới sợ. Còn sức người thì không sao được.
Điều vốn là kẻ có nhiều cơ-trí, liền bảo Khản:
— Tôi có một mẹo, có thể khiến cho chúng nó chết ráo.
Khản hỏi:
— Mẹo ra làm sao?
Điều đáp:
— Ngày nay dân trong bốn trấn đương oán chúng nó đến xương, nếu ai xướng-suất việc giết kiêu-binh, chắc không người nào mà không hưởng-ứng. Trấn này ở về thượng du, dân-tình thuần-hậu dễ bảo. Trước kia anh làm tổng-trấn Hưng-hóa, bao nhiêu tù-trưởng ở đó đều là thuộc-hạ của anh, anh bảo chắc họ phải nghe. Trên vùng Tuyên-quang, Quận-Diễn giàu có ức vạn, năm xưa có tội, anh đã cứu giúp, ông ta chắc còn nhớ ơn. Nếu viết bức thư lên rủ thế nào ông đó cũng theo. Ở trấn Sơn-nam, quận Thạc[1] là tướng đã đánh kể hàng trăm trận vẫn nổi tiếng một bậc vô-địch; ở trấn Kinh-bắc thì Thi-trung-hầu; ở trấn Hải-dương thì Đinh-phái-hầu, cũng đều là bậc trí-thuật. Nếu mà dùng mật-lệnh Nhà Chúa bảo mấy người này nuôi ngầm chiến sỹ, giữ lấy dinh trấn, theo sự điều-khiển của anh. Anh vốn là vị tể-tướng kiêm chức sư-phó, nói ra khỏi miệng chắc họ phải nghe. Bên Kinh-bắc lại có hai tên tướng giặc mới hàng là Tú Huy và Cai Hồi, đều là những tay hung tợn, hiện vẫn ở nơi Nhật-trung-hầu, nếu bảo họ khua rối hai xứ Lạng-giang, Bắc-hà, chắc cũng giúp cho mình một tay. Trên Thái-nguyên có tên giặc già Cai Gia thủa xưa đã làm môn-sinh của anh, chắc anh có thể bảo được. Cả bấy nhiêu nơi, hẹn nhau cùng ngày khởi-sự, Bao nhiêu ưu-binh Thanh-Nghệ ở các ngoại-trấn phải trừ cho hết. Đứa nào trốn thoát cho dân sở-tại cứ bắt mà giết. Rồi thì bốn phương tám mặt kéo vào trong thành, kiêu-binh sẽ không còn đường mà chạy. Đó là cái công mấy đời mới gặp, anh nên tính đi!
Khản khen là phải và nói:
— Nhưng nay Chúa đương ở trong tay chúng, ném chuột không sợ vỡ đồ hay sao?
Điều nói:
— Cái đó rất dễ. Trước hãy sai người tâu Chúa lấy hết vàng bạc của cải trong kho đưa ra các chấn, và đưa Thái phi, Vương-tử, cung-tần lẻn ra ngoài thành, hễ chỗ nào tiện thì hãy ở tạm. Rồi bảo ngầm Quận Thạc đem thuyền chở quân đến bến Thanh-trì, nói phao là đi tuần sông, sắp sẵn một chiếc đò ngang, đợi ở dưới bến Tây-long, một mặt cắt người dặn Chúa ăn bận áo thường lẻn ra, xuống thuyền, xuôi đến dinh chấn Sơn-nam, tạm đóng tại đó. Bấy giờ các viên chấn mới cùng cử sự. Như thế sẽ không ngại gì.
Khản mừng mà rằng:
— Không có ông, tôi không nghĩ tới... Nếu việc không thành cũng sướng.
Rồi Khản làm tờ mật khải đưa về cho Tông.
Tông mừng lắm, tức-thì viết đạo mật-chỉ khen ngợi mà hẹn sẵn cả các việc. Luôn đó Tông xin Thái-phi cải-trang đi ra ngoài thành đến làng Văn-giáp, huyện Thượng-phúc, ở tạm tại nhà người chồng bà dì thứ bảy của Tông. Vương-tử và các cung-tần cũng theo đến đó. Một mặt Tông sai, mở kho lấy hết vàng-bạc châu báu giao người thân-tín đưa ra bốn chấn, một mặt Tông cho hẹn với Chấn-quan Sơn-nam, đúng ngày 28 tháng ấy, thì đưa thuyền lên đón mình, đến ngày mồng một tháng sáu, các đạo nhất-tề khởi-binh.
Các nơi được lệnh, sắp-đặt đâu đó sẵn-sàng.
Tới ngày hẹn, Quận Thạc y ước đưa thuyền ngược lên.
Lúc ấy trong kinh sôi-nổi. Ai cũng nói rằng Chấn-quan kéo quân xát thành, định vào giết hết kiêu-binh. Chư-quân nghe tin cho vợ con ra thành trốn-tránh. Chỉ để những người có tên trong sổ lính ở lại trong thành.
Rồi chúng kéo nhau vào phủ xin Tông kíp ra đánh giặc. Tông bất-đắc-dĩ phải ra thâm-các úy-lạo.
Trong đám chư quân có kẻ biết mưu của Tông và các chấn-quan, liền chỉ mặt Tông và mắng:
— Chúa đừng tưởng chúng tôi không biết, cố múa đầu lưỡi bưng bít! Ở đây qua cung Tây-long theo cửa Tuyên-vũ đi ra, chẳng qua chỉ độ trăm bước, đã có thuyền của Quận Thạc ở đó chờ đón Trông trước trông sau, khi nào thấy không có người, thì bước lên thuyền cho nhanh, rồi tìm đường đi, chứ gì.
Tông tái mặt, nín lặng đi vào.
Từ đó chư-quân đêm ngày canh giữ phủ Chúa rất ngặt. Những người ra vào, hễ hơi có vẻ là-lạ, ấy là bị họ khám-xét tra-hỏi.
Bởi vậy, Tông không thể đi ra khỏi cung. Quận Thạc nghe được tin đó lại về bản-chấn.
Tông định sai người ra bảo các chấn hãy hoãn khởi-sự, nhưng chưa kịp đi. Hôm sau, các đạo y-ước nhất-tề kéo quân lên đường, thiên-hạ cực-kỳ náo-động. Hào-kiệt các nơi đồng-thời nổi dậy, ai ai cũng nói phải đánh chết hết kiêu-binh.
Bữa ấy bao nhiêu ưu-binh đóng ở các chấn đều phải trốn đi, qua các làng xóm chúng cố im lặng không dám ra tiếng. Kẻ nào buột mồm, lộ ra tiếng Thanh tiếng Nghệ, liền bị dân quê bắt giết. Vì thế bọn đó thường thường giả làm người câm ăn xin cùng đường, để lẻn về kinh-sư và báo cho các ưu-binh ở đấy biết rằng: nay mai quân của các chấn sẽ họp cả ở dưới thành.
Chư-quân tức-thì họp nhau bàn cách chống cự. Rồi họ chia ngả đi các nơi, một toán kéo sang phía đông đóng ở Đại-phòng, một toán kéo lên phía bắc đóng ở Vịnh-kiều. Nhưng cả hai toán đều bị các tay thổ-hào đánh thua, nhiều người bỏ cả khí-giới, cố đeo vết thương chạy về kinh-sư.
Lúc ấy kinh-thành rung-động, hàng phố dắt nhau ra thành chạy trốn.
Chư-quân vừa sợ vừa tức, gọi Tông là giặc. Rồi họ kéo vào phủ Chúa lấy hết binh-khí đưa cho cơ-đội các dinh, dinh nào giữ lấy dinh ấy. Trong phủ Chúa không còn một tấc sắt nào để tự-vệ.
Đêm ấy chư-quân bắt được bốn tay nghĩa-sỹ lẻn vào trong thành, bí-mật đem đến hội-sở tra-tấn. Mấy tay nghĩa-sỹ khai liều rằng: Đêm nay quân ngoài sẽ vào đánh úp. Chư-quân cả kinh, bàn nhau giới-nghiêm, súng đốt hỏa-mai, gươm tuốt nắp, suốt đêm chỉ chực ra trận, kinh-thành có lúc sắp vỡ.
Sáng mai, chư-quân đem chém cả bốn người đó, rồi họ xúm quanh phủ Chúa mà trách:
— Chúng tôi phò lên, Chúa mới được lập làm Chúa. Chẳng ơn thì chớ, bây giờ lại coi là thù. Lính Thanh lính Nghệ hai trăm năm nay vẫn làm vuốt nanh tim dạ của Nhà Chúa, ngày nay Chúa nỡ gọi quân tứ chiếng giết cả hai xứ. Tin bì-phu mà ngờ tim-dạ, dùng dao cưa để chặt vuốt nanh. Kẻ nào bày ra mưu ấy cho Chúa đều là những kẻ giết Chúa. Nếu Chúa không kíp dụ bảo bốn trấn bãi-binh, thì đừng có trách chúng tôi!
Tông một mực chối là không biết, rồi ngầm sai người đi bảo các trấn hãy thôi việc đó Chư-quân tưởng Tông vẫn không vào hùa với mình, họ bàn chuyện đại-nghịch, hẹn đến canh ba đêm sau, nổi ba tiếng súng làm hiệu, nghe thấy tiếng súng, ai nấy kéo vào phủ Chúa lấy hết của-cải đồ-vật trong phủ chia nhau, rồi dùng xe kiệu của Chúa chở hết sổ sách đưa đến Nội-điện để rước Hoàng-thượng về Thanh.
Bàn-định đâu đấy, chúng cùng kéo đến hỏi Trần Nguyễn-Nhưng. Nhưng vốn là tay từ-hàn của chư-quân, theo ý chư-quân, y liền lập bản điều-ước, cắt đặt người này làm việc này, người kia làm việc kia. Chư quân ra khỏi, Nhưng liền đem những việc ấy kể hết với Tông. Tông giật mình nói:
— Hôm qua, ta ngồi ở cung Trung-hoa, có con ác đen bay xuống trước sân nhẩy-nhót, và nhìn vào ta đến hai ba lần, giống như có ý muốn mổ. Ta sai thị-thần lấy ngọn dáo ra sua mấy cái, nó mới bay đi. Thấy cái điềm ấy, bụng ta biết chắc là có kẻ dưới đương mưu-hại ta. Nay quả như vậy. Vậy ngươi nên vì ta giảng-giải với họ, cho hợp cái triệu « sua dao » của ta.
Tông hứa sẽ cho Nhưng tiền bạc, để Nhưng phá ngầm mưu của chư-quân.
Nhưng là một người nông-nổi trống-trải, được Tông tin dùng, liền đi khoe với người khác. Chư-quân biết mưu của họ đã bị Nhưng nói hở ra, tức thì bảo nhau lùng bắt. Nhưng phải trốn vào Thanh-huê.
Tông thấy Nhưng là kẻ lắm mưu và thích bới việc, nhân Nhưng đã đi, bèn cho làm chức ký-lục ở Thuận-hóa. Sau khi Nhưng đi, các trấn bãi-binh, mưu của chư-quân cũng thôi.
- ▲ Tức Hoàng Phùng-Cơ,