III

Trong bọn thủ-hạ Quận Huy có Nguyễn Hữu-Chỉnh là tay lợi-hại hơn.

Chỉnh quê ở làng Đông-hải, huyện Chân-phúc, trấn Nghệ-an, là con một người lái buôn.

Cha Chỉnh nhờ sự buôn bán trở nên giàu có, gia-tư kể hàng vạn, đã làm môn-hạ Quận Việp.

Chỉnh hơi giống cha, vẻ người tuấn-tú. Lúc nhỏ đã học khắp các kinh sử, năm 16 tuổi thi đỗ hương-cống, vẫn theo cha nương tựa trong cửa Quận Việp.

Chỉnh rất giỏi về thơ văn quốc-âm. Vì mến công-nghiệp của Quách Tử Nghi nhà Đường, Chỉnh có làm bài « Quách lệnh-công phú », dùng toàn tiếng nôm, thiên-hạ nhiều người truyền-tụng.

Tính Chỉnh rất hào hiệp, giao du khắp nước. Trong nhà lúc nào cũng có vài chục người khách, hoặc ngâm thơ, hoặc uống rượu, tùy sự cao-hứng thù-tạc với nhau; và chừng mươi lăm con hát, Chỉnh tự đặt ra bài hát, phả vào đàn nhị, ngày đêm bắt họ múa hát mua vui. Kể hạng phong-lưu, Chỉnh đứng vào bậc thứ nhất kinh-kỳ hồi ấy.

Chỉnh lại có tài khôi-hài, mỗi khi bông đùa, ai cũng phải phục. Khi ở trong cửa Quận Việp, luôn 16 năm mới được xuất-thân coi đội Thiện-tiểu. Có người chế rằng: « Sao lại nhỏ vậy? « Chỉnh liền dùng câu của vua Chiêu-Liệt, mà đáp rằng: « Chớ cho điều thiện là nhỏ mà không làm ». Cả đám đều bật cười. Cái tài bông đùa của Chỉnh đại-khái nhanh-nhẹn như vậy.

Trong hồi Quận Việp vào đánh phương nam, Chỉnh có đi theo để giúp về việc từ hàn. Thấy Chỉnh có tài, Quận Việp rất yêu. Sau khi Quận Việp qua đời, có người giác Chỉnh ăn cắp đến mấy trăm vạn. Trong đơn tố cáo lại có dính đến Quận Huy. Đến khi bị bắt vào ngục, Chỉnh bị khảo đã gần chết, nhưng vẫn nhất định không xưng. Nhờ vậy mới được vô sự. Quận Huy thấy vậy lại càng trọng Chỉnh.

Khi vào coi trấn Nghệ-an, Quận Huy dùng Chỉnh làm Hữu-tham-quân, giao cho luyện-tập thủy-thủ để chống giặc bể.

Bấy giờ về nghề thủy-chiến, Chỉnh đã vào bậc vô-địch, ngoài bể vẫn gọi Chỉnh là con « cắt nước ».

Đến hồi Quận Huy đổi về Sơn nam, Chỉnh cũng được đổi sang đội Tiền-trung, đem quân đi tuần mặt bể. Chẳng bao lâu lại đổi coi đội Tiền-cơ, đóng ở Nghệ-an.

Bởi mả tổ nhà Chỉnh ở núi Côn-bằng, nên Chỉnh tự đặt tên hiệu là Bằng-lĩnh-hầu.

Chỉnh có một người cùng làng là Nguyễn Viết-Tuyển, vừa có sức khỏe vừa có can đảm. Năm trước nhờ Chỉnh nói với Quận Việp, Tuyển được vào coi trung-đội của đạo Hậu-kiên đóng ở Sơn-nam, cho nên vẫn cảm ơn Chỉnh. Khi ấy nghe tin vương-phủ nổi biến, tụi lính Tam-phủ ngày ngày lùng bắt những người bè-đảng Quận Huy, Tuyển phải tức-khắc vượt biển về quê. Dương buồm từ ngày 26, đến ngày 28 tới làng Đông-hải, đem hết công-việc ngoài này thuật lại với Chỉnh.

Lúc mới nghe chuyện, Chỉnh đã có vẻ sợ hãi, dây lát, Chỉnh lại trấn-tĩnh, cố giấu kín việc đó, không cho người ngoài được hay. Sau khi đã vào nhà trong dặn vợ hết các công việc, Chỉnh liền đến thẳng dinh trấn để bàn với Dao-trung-hầu.

Dao-trung-hầu nguyên là em rể Quận Việp, hiện làm trấn-thủ Nghệ-an, nghe lời Chỉnh nói, sợ lắm, liền hỏi:

— Bây giờ làm thế nào?

Chỉnh đáp:

— Trấn này giáp-giới với xứ Thuận-hóa, có thể liên-lạc với nhau. Hiện nay, phó-tướng Phú-xuân là Thể Quận-công; Đồn thủ Động-hải là Khôi-thọ-hầu, đều là một dòng trong của cụ Việp Quận-công, với chúng mình cũng là những người cùng thuyền. Quan lớn nên viết thư kín bảo Quận Thể giết viên đại-tướng Phú-xuân, chiếm lấy thành đó, rồi kíp cho người ra dụ Khôi-thọ, chắc là Khôi-thọ phải đem cả thành Động-hải vào hùa. Ngoài này quan lớn giữ lấy trấn này để làm vây cánh với hai nơi ấy. Rồi ngài thu dùng hào-kiệt, chiêu-mộ thổ-binh, lấp đường Hoàng-mai và đóng đồn lớn ở vùng Quỳnh-lưu, để làm cái thế cố-thủ. Còn về mặt bể, tôi xin đảm-đương. Trấn này địa-lợi có thể nương tựa, nhân-tâm có thể trông cậy. Năm trước Quận Siêu bị tội với đức Dụ-tổ[1], cũng giữ trấn này chống lại Nhà Chúa, về sau cũng được thoát nạn. Huống-chi sự-thế ngày nay còn dễ hơn hồi Quận Siêu, ngài làm được vậy, ấy là lấy được một nửa thiên-hạ. Chẳng những triều-đình không làm gì nổi, mà còn có thể giữ cõi giữ dân, ngồi nhìn sự thay đổi của thiên-hạ. Không những chỉ khỏi tai-vạ mà thôi, sau này còn có công lớn nữa.

Dao-trung ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

— Cái kế của ông hay lắm. Nhưng tôi tự-liệu sức không làm nổi. Vậy ông nghĩ cho cách khác.

Chỉnh đáp:

— Ngoài kế ấy ra, chỉ còn một cách bỏ nước mà đi,

Dao-trung lại hỏi:

— Nhưng mà đi đâu?

Chỉnh nói:

— Thiên-hạ vạn nước, lo gì không có chỗ đi?

Rồi Chỉnh ghé tai Dao-trung nói nhỏ mấy câu.

Dao-trung nửa muốn nghe theo, nửa lại hồ-đồ chưa quyết, liền bảo với Chỉnh:

— Sự đó cũng là việc lớn, để tôi nghĩ lại xem đã.

Chỉnh nói:

— Bây giờ sự-biến chỉ trong phút chốc. Đợi khi ngài nghĩ được lần thứ hai, có lẽ cái lệnh tróc-nã đã vào đến nơi. Vậy ngài hãy ở lại mà nghĩ, xin để cho tôi tự-tiện

Rồi Chỉnh cáo từ ra về. Bấy giờ vợ Chỉnh ở nhà sắm-sửa các việc đã đâu vào đấy. Chỉnh bèn nói là có lệnh của quan Trấn-thủ sai đi tuần tiễu mặt bể, rồi Chỉnh đưa hết người nhà từ già đến trẻ và tất cả các thứ gia sản xuống thuyền. Cả nhà đều không biết là chuyện gì.

Sau khi lên thuyền, Chỉnh mới gọi cả ba trăm lính-cơ của Chỉnh vẫn coi, bảo họ đứng ở bờ sông, rồi nói rõ ràng duyên-cớ cho nghe. Chỉnh lại để lại cho mỗi tên lính một quan tiền đen, rồi mới từ-biệt. Bấy giờ bọn lính mới hiểu công việc của Chỉnh,

Thuyền đã nhổ neo, Chỉnh bắn ba phát súng, rồi cho chèo ra giữa sông, kéo buồm chạy thẳng ra bể, chẳng ai rõ Chỉnh đi đâu.

Lúc ấy, ở ngoài kinh-kỳ, bọn lính Tam-phủ lại càng hoành-hành hơn trước. Hằng ngày họ họp nhau lại một chỗ, để cùng bàn việc triều-đình. Rồi họ viết giấy đệ vào trong triều nói thẳng việc này nên để, việc kia nên đổi. Nhiều khi những việc vô-lý, họ cũng bắt buộc triều-đình phải làm. Chẳng những thế, họ còn xin những ơn này ơn khác, không biết thế nào là đủ. Trong triều có ai bàn chuyện phải chăng, thì họ dọa sẽ phá nhà, đánh chết Những lúc xử kiện, có khi họ nhận bên nguyên là người họ, có khi họ nhận bên bị là người quen. rồi ép các người đương-sự thay đen đổi trắng. Những người quan-hệ đến họ, nếu có kiện ai, thì họ bắt luôn người ấy và tự ra xử đoán, không cần gì đến quan tư.

Các quan đều phải nhịn hơi nuốt tiếng, không dám động chạm đến họ. Trong cung động làm việc gì, họ cũng dòm nom dị nghị, lúc thì họ bẻ việc này sao làm thế này? lúc thì hỏi việc kia sao làm thế kia? Tông và Dương-phi tự thấy bị họ giàng-buộc nhiều quá, không thể chịu nổi.

Triều-đình bàn nên xét công ban thưởng, tỏ ý đền ơn cho họ, khiến họ đều được mãn-nguyện, rồi sau sẽ dùng phép vua trừng-trị dần dần. Tông cho là phải, bèn sai các quan bàn định về công « dực đái », rồi phong Bằng-Vũ là Suy-trung-Dực-vận-công-thần, tước hầu, coi đội hậu-binh của đạo Thị-nội. Quận Viêm, Quận Hoàn và bọn Nguyễn Kiêm, Gia-Thọ, Dự-Vũ đều làm Tuyên-lực công-thần và theo thứ-tự đều được thăng chức tất cả. Ba chục người nhóm họp ở chùa Khán-sơn cùng được ghi tên vào sổ trung-nghĩa và có thưởng riêng. Ngoài ra các lính thủy bộ trong ngoài đều cho thăng chức một lần và ban tiền thưởng khắp lượt. Riêng về mấy người nhóm hội lại được cấp những đạo sắc bỏ trống chỗ đề tên người, để họ ban cho kẻ khác lấy tiền.

Sau khi chư-quân nhận thưởng đâu đấy. Tông mới dụ họ ai nấy đều nên giữ theo pháp-luật để cùng hưởng phúc thái-bình.

Bấy giờ chư-quân bảo nhau:

« Chúng ta đã phò ông ấy làm Chúa; cũng nên đừng quấy nhiễu quá, để cho ông ấy biết làm Chúa là vui. Chờ xem sau này dần dần thuận cảnh, ông ấy cư xử ra sao. Nếu mà càn-dỡ thái-quá, bấy giờ mình sẽ liệu cách mà trị. Quyền mình nguyên vẫn là lính kia mà! ».

Từ đó, họ cũng bớt bậy.

Tông được hơi yên; liền đem những người thân-cựu vào chỗ trọng-yếu; Tả-tư-giảng Nguyễn Khản được làm Tham-tụng, Nguyên-cữu Dương-Khuông được quyền phủ-sự.

Khản là người làng Nghi-xuân, huyện Tiên-điền, con Xuân Quận-công Nguyễn-Nghiễm.

Từ thủa đẻ ra, Khản đã vào bậc phong-lưu công-tử, thi đỗ rất sớm. Theo Sâm từ khi còn ở tiềm-để, và rất được Sâm yêu-trọng. Khi Sâm làm Chúa lại càng tin dùng. Sâm cho phép Khản ngày đêm ra vào trong cung, y như các viên quan thị, không bị ngăn-cản gì hết.

Tính Khản hào-hoa, rất thích văn thơ đàn hát, có tiếng là bậc phong-lưu văn-thần. Trong đình Kim-âu, chỗ ở của Khản, có núi, có hồ, có cây, có đá, cảnh-trí rất thú. Có lần Sâm đã ra chơi nhà Khản, ban thưởng khá nhiều.

Trước Khản làm Tả-thị-lang sung chức Bồi-tụng, với Xuân Quận-công cùng ở chính-phủ. Sự « sang yêu » của Khản hồi ấy, so với các quan văn võ thật là có một không hai.

Sau đó, Khản được đổi làm trấn-thủ Sơn-tây kiêm trấn-thủ Hưng-hóa, lại sung chức Tả-tư-giảng của Tông. Đến khi việc án bí-mất năm Canh-tý phát-giác, Khản bị ghép vào tội chết. May được Sâm nghĩ tình người cũ, giảm cho một bậc, bắt giam ở nhà Quận Châu. lúc ấy Quận Huy và Thị-Huệ đã muốn tìm cớ để đưa Khản đến chỗ chết. Khản biết vậy, bèn làm một bài tự-tình bằng quốc-âm, kể hết những sự yêu-đương gặp-gỡ ngày xưa, rồi nhờ người đưa trộm cho Sâm. Xem bài đó Sâm có lòng thương. Nhờ vậy Khản được khỏi chết.

Bữa Tông lên ngôi, Khản liền được về ban cũ, thăng chức Thượng-thư, tước Tân-quận-công.

Bấy giờ bọn lính Nghệ-an truy oán trong hồi đánh giẹp phương nam, Khản làm Tham-trấn kiêm coi lương-hướng ở Nghệ-an, có cho người nhà quấy hại xứ ấy, họ liền nhao-nhao bảo nhau: « Lão đó là người xa-xỉ, chơi bời, năm trước đã từng làm khó với trấn ta, ta kiện nhưng không được xử. Bây giờ lại làm quốc-sư, nếu để lão ta được làm tể-tướng lần nữa, thì dân chịu sao cho nổi? Chi bằng chúng ta mỗi người tát cho một cái, cho rảnh cái đời lão ấy ».

May được trong bọn có kẻ khuyên giải, nên Khản mới được vô-sự.

Còn Khuông thì là em ruột Dương-phi, người rất ngu-hèn gàn dở, không có tài cán gì hết. Trong án Canh-tý, Khuông có dự vào. Bấy giờ, tôi tớ, họ hàng, bè đảng của Tông, đều bị tai vạ, riêng Khuông không việc gì.

Lúc Tông mới lập, Khuông liền được lên coi cơ Trung úy cùng với Dương-phi nấp đằng sau Tông quyết-định mọi việc. Chư-quân khi ấy đã mỉa rằng: « Cậu ấy có tài-cán gì? Chỉ nhờ cái bóng của người mặc váy mà được đến thế. Nay vừa khỏi vòng khốn-cùng đã muốn giàu sang! Cũng ví như kẻ nhịn đói đã lâu, gặp cơm cố ăn vội-vàng, ăn cho vỡ dạ dầy mới thôi ».

Bây giờ hai người này vào chính-phủ, lòng họ lại càng không phục. Tuy vậy, bọn họ cũng rất phức-tạp, kẻ này oán nhưng kẻ kia ơn, sau lưng họ chê, mà ở trước mặt thì họ vẫn khen.

Những nhà quyền-yếu thường thường chỉ nghe câu nói thái-bình, không nghe câu nói nguy-ngập, việc gì cũng muốn mạnh-bạo làm tới, không cần ngó đến cái lo về sau. Vì thế người ta vẫn tưởng như lúc thái-bình, mưu sâu, bàn kín, chỉ lấy việc đè-nén kiêu-hinh làm cách thứ nhất,

Tình-cờ lúc đó trong đám kiêu-binh có bốn người lính ức-hiếp một người lái buôn Đông-hà để mượn chiếc thuyền, bị người đội-trưởng phát-giác, cả bốn đều bị xử chém. Chúng đều oán là hình-phạt quá lạm. Nhưng vì việc đó tự họ trót đã bới ra, cho nên cũng im.

Khản và Khuông thấy chúng không nói, cho là uy-quyền đã lập lại rồi, hai người đều mừng và nói: « Nước vẫn có phép. Hãy cứ giữ phép vài lần như thế, dù họ có kiêu cũng không dám kiêu. »

Bấy giờ có viên tri-huyện Đông-thành là Mai Doãn-Khuê, người làng An-toàn huyện La-sơn, vốn là tay rất giảo-quyệt trong trấn Nghệ-an, quân lính ngông-nghênh làm bậy, phần nhiều do y xui-giục. Một hôm, khi sắp-sửa bảo chư quân đòi công với triều-đình, Khuê vào nói ngầm với Khản:

— Triều-đình cho rằng kiêu-binh có thể dẹp được, nhưng không biết rằng rồi đây sẽ có vạ lớn không thể nói xiết. Tôi nghe họ nói: Hoàng-tự-tôn nguyên trước do họ đón về. Nay Hoàng-thượng tuổi già, Hoàng tự-tôn đã lớn, họ muốn họp nhau xin với Hoàng-thượng truyền ngôi cho cháu, khiến cho ngôi vua ngôi Chúa đều do tay bọn quân-lính dựng lên, để cho công họ càng to. Trong bọn họ có vài ba kẻ cũng cậy có công mà bị thất-vọng. Những kẻ ấy lại muốn phò cho nhà vua nhất-thống thiên-hạ để cho quyền của nhà Chúa lớn thêm. Nếu như kế ấy mà thi-hành được, tôi sợ các ngài không còn chỗ nào mà gửi thân nữa.

Khản đem lời ấy nói lại với Tông, Tông sai Khuê tố-cáo mấy người trong bọn kiêu binh mà Khuê đã nói với Khản.

Khuê bèn vu-cáo cho Siêu-thọ-bá, cháu gọi Tứ-xuyên hầu bằng cậu, cũng có dự mưu.

Khi tra xét Siêu-thọ, không có bằng-chứng gì hết. Tuy vậy, trong triều cũng vẫn có người nói thằng, bèn đưa Siêu-thọ về giam ở quê. Khuê vì có công phát-giác, được phong làm Khuê-lĩnh-bá cai-quản toán lính Thị-hậu ở nội-điện, kiêm chức Giảng-quan của Hoàng-tự-tôn và ở luôn trong nội-điện để dình dò công việc của ông hoàng đó.

Vậy Hoàng-tự-tôn là ai?

Đó là Lê Duy-Kỳ con cố-thái-tử Lê Duy-Vỹ.

Vỹ xưa vẻ người sắc xảo, tư-chất rất thông-minh. Thấy nhà vua mất hết quyền-hành, Vỹ lấy làm tức, vẫn hăng-hái muốn thu-phục lại. Vỹ lại xem khắp kinh-sử, ưa thích học-trò, cho nên hào-kiệt trong nước, ai cũng tưởng mến. Trong lúc Trịnh-Sâm còn làm thế tử, chỉ vì ngôi thứ trên dưới, Sâm vẫn có lòng ghét Vỹ.

Bấy giờ vợ cả Trịnh Doanh không có con trai, chỉ sinh được một con gái, tức là Tiên-Dung công-chúa. Năm nàng mười tuổi, Doanh rất yêu. Vợ Doanh xin gả cho Thái-tử để sau này nàng làm hoàng-hậu, Doanh bằng lòng.

Một hôm, Vỹ và Sâm cùng vào thăm Doanh, Doanh cho ăn cơm và để rể với con cùng ngồi một mâm. Vợ Doanh nói:

— Sao chúa lại được cùng ăn với vua?

Rồi mụ bắt ngồi riêng ra. Sâm tái mặt lại, nhưng vẫn cắn răng không nói chi hết. Tan tiệc trở ra, Sâm bảo với Vỹ:

— Hai chúng ta phải một người sống, một người chết. Vua ấy cũng không nên đứng đôi với chúa này!

Đến khi Sâm lên làm Chúa, liền sai một viên quan thị là Thiều quận-công Nguyễn Kim-Đĩnh bàn mưu vu cho Vỹ thông-dâm với các cung-nhân của Doanh, rồi đem tội đó tâu lên Hoàng-thượng và xin bắt Vỹ bỏ ngục.

Trước đó, trong giếng Tam-sơn ở phía điện sau bỗng có tiếng nổ như sét, Vỹ đoán cái điềm báo mình sắp bị nạn, bèn đến nói với Hoàng-thượng. Hoàng-thượng cũng lấy làm lo, vẫn phải luôn luôn cầu-khấn cho con.

Giữa hôm bị bắt, Vỹ biết tai-nạn đã đến, liền vào ở trong tẩm-điện của Hoàng-thượng. Quận Thiều đem lính đến thẳng đông-cung, định bắt Vỹ đã rồi mới tâu vua. Nhưng tìm khắp cả đông-cung không thấy, Quận Thiều bèn vào thẳng tẩm-điện để kể tội Vỹ mà nói:

— Tôi nghe Thái-tử náu ở chỗ ngủ của bệ-hạ, xin hãy bắt đưa cho tôi.

Hoàng-thượng vẫn cố ôm Vỹ không nỡ dời ra.

Quận Thiều cứ quỳ ở giữa sân điện.

Vỹ tự biết mình không thể thoát, liền lạy trước mặt Hoàng-thượng, rồi ra cho quân lính trói.

Sau khi đưa về phủ Chúa, Vỹ bị bỏ làm thứ-nhân và bị giam vào trong ngục.

Sâm ép Hoàng-thượng phải dựng người con thứ tư là Lê Duy-Cẩn làm hoàng-thái-tử.

Cách ít lâu, Quận Thiều lại sai đầy tớ vu-cáo mấy người nho-sinh trúng-thức ở làng Đan-luân là Nguyễn Huy-Sưởng, Lương-Giản bàn nhau định cướp thái-tử ra khỏi cửa ngục, để cùng dấy quân làm loạn. Việc đó đưa xuống các quan bàn xét, người ta bắt Sưởng và Giản tra tấn. Hai người không thể chịu nổi vọt, đều phải nhận liều, Vỹ liền bị ghép vào tội thắt cổ.

Trong ngày hành-hình, bầu trời tự-nhiên tối tăm, chỉ cách gang tấc cũng không trông rõ. Chừng hơn một khắc mới lại quang-đãng, Thiên-hạ thấy thế, ai cũng phải rớt nước mắt, cho đó là việc đại-nghịch chí-thảm, xưa nay chưa có bao giờ. Hôm ấy nhằm 20 tháng chạp năm Tân-mão hiệu Cảnh-hưng (Lịch tây năm 1772).

Sau khi giết Vỹ, Sâm đã có chí thống-nhất đất nước, muốn bắt cả ba con Vỹ giam vào một chỗ. Bữa đó, Sâm tắm gội ăn chay, ngự ra hồ Tây, muốn để cầu thần báo mộng. Đương đi, chợt thấy trước mặt có một cái kiệu, trên kiệu lại có người ngồi chỉnh-chệm, nhìn kỹ thì chính là Vỹ. Sâm hỏi quân lính có ai trông thấy xe kiệu ở trước mặt không. Mọi người đều nói không thấy. Sâm cả sợ, liền quay về cung. Đêm ấy, Sâm nằm trong màn, bỗng thấy một người đầu đội khăn hồng, mình mặc áo đỏ, tay cầm một chiếc mái chèo, mở màn đứng ở đầu giường, trừng mắt nhìn mình. Sâm vội hỏi ai? Người ấy đáp:

— Ta là Duy-Vỹ.

Sâm càng kinh, biết là Vỹ thiêng, lại càng cho nã các con Vỹ rất gấp.

Ngay hôm Vỹ bị Quận Thiều đến bắt, cung-nhân họ Nguyễn đem ba anh em Duy-Kỳ chạy về phía tây, rồi vào ngủ nhờ nhà một người dân ở làng Dịch-vọng, huyện Từ-liêm.

Thì ra đêm trước, người ấy mơ thấy có ai bảo rằng: « Mày phải quét rửa sân cửa cho sạch, thiên-tử và thái-hậu sắp sửa tới nơi ». Tỉnh dậy người ấy tự nghĩ: « Mình là nhà dân, đâu được các vị chí-tôn ngự tới? Hôm đó, người ấy chắp tay đứng ở ngoài cổng, từ sáng đến quá trưa, chẳng có người nào qua lại. Gần tối, thấy người đàn bà bồng con xăm xăm tiến đến trước cổng và xin ngủ nhờ. Người ấy mời vào ngồi chiếc phản cao nhất trong nhà. Sau khi đã kể qua chuyện chiêm bao đêm trước, người ấy nói tiếp:

— Các cậu bé này hẳn là con nhà đại-quí nếu không phải họ hàng nhà Chúa, ắt là chi-phái nhà vua.

Người đàn-bà chính là cung-nhân họ Nguyễn, nghe nói có vẻ lo sợ, vội-vàng gạt đi mà rằng:

— Câu chuyện chiêm bao, không có gì là bằng-cứ. Bác đừng nói nhảm. Đó là việc chết người, không phải chuyện chơi.

Hôm sau, mẹ con cung-nhân từ-giã trốn đi nơi khác. Nhưng chẳng bao lâu, có kẻ dò-la bắt được, đưa về an-trí ở trấn Sơn-tây, rồi sau lại bị giải về kinh-đô và giam trong ngục Đề-lĩnh.

Đến khi quân-sỹ lập Tông làm Chúa, Kỳ đã 17 tuổi. Chư-quân thừa dịp đem kiệu đến tận nhà giam đón Kỳ, rồi đưa về đền.

Thấy Kỳ mặt rồng mắt phượng, tiếng nói như chuông, các quân đều khen là thiên-tử thật.

Mẹ Tông xưa nay vẫn có tình thân với Thái-tử Cẩn. Thấy Kỳ về, sợ Cẩn mất ngôi, mụ liền bảo ngầm người nhà mời Kỳ vào chơi Huỳnh-cung. Rồi mụ sai người đem võng bắt Kỳ khiêng ra, định đem dìm xuống sông Cái.

Lúc qua hồ sen, Kỳ nằm trong võng kêu gào thật lớn. Lính canh nghe tiếng, quát phải đứng lại. Phu võng và người đi theo bỏ võng chạy ra bốn phía, Kỳ được khỏi chết.

Bấy giờ ba quân nhao-nhao, muốn tra ra kẻ mưu hại Hoàng-tôn để bắt đem giết.

Thái-tử Cẩn nghe được chuyện đó, liền vào phủ Chúa hầu Tông.

Thấy kiệu Thái-tử để ở giữa phủ, chư-quân tức giận mà rằng: « Ngôi vua có thể cầu xin được à? Để chi cái này để hắn tiện đường bôn-tẩu làm việc bất đẳng. ? »

Rồi họ phá tan cái kiệu. Cẩn phải ăn mặc giả làm thường-dân, lẻn về Đông-cung.

Tông biết việc đó do ở mẹ mình gây ra, bèn dụ quân-sĩ không nên huyên-náo. Rồi sai triều-đình bàn việc lập Kỳ lên ngôi Đông-cung, cho được yên lòng ba quân.

Cẩn bị giáng làm Sùng-nhượng-công.

Kỳ đã lên làm Hoàng-tự-tôn, nhà vua lại đặt các giảng-quan, để chỉ bảo thêm về việc học-hành. Ngày qua, tháng lại, cái tiếng hiền-thánh nhân-hiếu của Hoàng-tự-tôn đồn vang khắp cả trong ngoài. Vì thế chư-quân mới có cái mưu phò cho Hoàng-tôn làm vua.

Lúc ấy Doãn-Khuê tố-cáo, tuy là không có bằng-chứng nhưng Tông vẫn ngờ.

Một hôm, chư-quân họp nhau, làm giấy kể công đã đón Hoàng-tôn ở nhà giam ra, tâu lên hoàng-thượng để cầu ân-huệ. Hoàng-thượng cho họ vào lạy ở cung Vạn-thọ, tuyên chỉ ủy-lạo cả bọn. Rồi ngài lại bắt phiên Tả-sai người đánh cá Hồ-sen, bắt lấy cá chắm làm gỏi, để thết chư-quân và lần lượt bàn cách thưởng công cho họ.

Lúc chư-quân họp ở trên điện ăn yến, có người chạy đi báo tin với Tông. Tông cho vời ngay Quốc-sư Nguyễn Khản, Quốc-cữu Dương Khuông vào phủ và bảo:

— Cái mưu tôn-phù của bọn kiêu-binh, thật là rập không thể tắt. Hiện nay chúng nó đương họp trên điện nhà vua. Bây giờ nên làm thế nào?

Khản đáp:

— Xin cho bắt mà giết đi!

Tông bèn sai Chiêm-vũ hầu đầu hiệu Nhưng-nhất đem lính Phong-vân đến bắt.

Chiêm-vũ quán làng Phú-hoa, huyện Yên-lãng, thi đỗ Tạo-sỹ, dáng người hùng-vỹ, có can-đảm, lại có sức khỏe, sau khi vâng mệnh của Tông, tức thì xách gươm ra thẳng cửa phủ, vừa đi, Chiêm-vũ vừa tuốt gươm ra, sờ vào lưỡi gươm và nói:

— Sắc! Gươm ta sắc! Gươm ta chém được đầu kiêu binh!

Rồi đó, Chiêm-vũ dẫn quân tới thẳng trên điện, vây chỗ chư-quân tụ-họp ăn yến.

Chư-quân còn đương chè-chén, nghe tin có lính đến bắt, ai nấy hỏa-tốc chạy trốn. Chiêm-vũ bắt được bảy người điệu về Vương-phủ.

Tông sai triều-thần bàn cách xử-trí, Các quan họp lại tra xét. Bảy người đều khai thực tình và nói không có mưu sự gì hết. Triều-thần ai cũng có ý che-chở cho họ. Riêng Dương Khuông hằn-học mà rằng:

— Không cần phải hỏi tội-trạng nào cả. « Chỉ quen hội-họp không chừa » cũng đáng chém rồi, còn phải bàn bạc gì nữa? Những đứa cứ cậy nhiều người mà ngông-nghênh đó không thể một lúc giết cho hết được. Nhưng hễ đứa nào phạm tội thì quyết không tha. Ví như bẻ đũa cả nắm thì không thể được, nhưng cứ rút một, hai chiếc mà bẻ dần dần, lâu rồi cũng hết. Hôm nọ chém bốn đứa đó, chẳng thấy chúng nó bắt đền vào ai!

Nguyễn Khản tán thêm:

Quốc-cữu nói rất có lý. Các quan cứ nên theo phép mà làm.

Triều-thần bèn chiểu luật « ra trộm hoàng-thành » xử cả bảy người vào tội bêu đầu.

Tờ khải đưa lên, Tông sai đem cả bảy người chém luôn bữa đó. Hôm ấy là ngày 25 tháng 2 năm Giáp-thìn hiệu cảnh-hưng[2]. Lúc ấy, trong triều, ngoài quê, đều lấy làm sướng.

Bảy người chết rồi, chư-quân hết thẩy có lòng oán-tức. Họ lại họp nhau bàn bạc. Có người nói:

— Ngày nay được có triều-đình, khiến cho vua tôi ngồi yên mà hưởng phú-quí, đều là sức của chúng mình. Thế mà... chẳng ơn thì chớ, lại còn cho là kẻ thù, động một tý là bị đè-nén. Nếu cứ nấn-ná nén-nhịn, khiến cho cái mưu « bẻ đũa » của họ được thành, thì rồi bọn mình sẽ không người nào sống sót.

Lại có người nói:

— Chúng ta không biết « bẻ », chỉ biết « đả ». Mau mau mỗi người hãy đấm cho bọn họ một cái, để họ đi theo quận Huy, thử xem họ có bẻ nổi hay không?

Rồi chúng hẹn nhau bữa sau, sau khi tan triều, thì sẽ khởi sự.

Có kẻ lại đem việc đó nói với các quan. Các quan cũng nửa ngờ nửa tin. Sáng mai, Dương-Khuông và Chiêm-vũ hầu đi lén vào phủ. Nguyễn Khản đóng cửa nằm nhà, không dám vào triều. Tan chầu, chư quân chia bọn đi vây các dinh. Vào nhà Dương-Khuông và Chiêm-vũ hầu không thấy hai người ở nhà, chư-quân tức thì hò nhau phá nhà. Chỉ trong chốc-lát, cả hai dinh đó đều thành đất bằng.

Ở nhà Nguyễn Khản vẫn có nuôi một người Tàu rất giỏi nghề kiếm. Nghe tin có biến, người Tàu tuốt gươm ra đứng giữ cổng. Chư-quân tưởng rằng ở trong còn nhiều kiếm-khách nên không dám vào. Lâu lâu họ thấy ra ra, vào vào, vẫn chỉ có một người ấy, cả đám bèn tiến đến xát trước cổng. Người Tàu múa gươm ra đánh, vừa mới đâm được vài người, quân-sĩ đã kéo ồ vào, chém y nát như bùn. Rồi họ xông vào trong dinh. Lúc ấy Khản đã thay đổi quần áo theo đường tắt chạy ra cửa ô Trường-bắn và trốn được rồi. Lập-tức quân-sĩ lại phá nhà Khản.

Tông trước nghe tin nhà Khản có người canh giữ, tưởng Khản đã có phòng bị, chắc không việc gì, liền sai một hiệu quan-quân đến để phân-giải. Nhưng lúc tới nơi, Khản đã đi trốn, dinh-thự bị phá gần hết. Chư-quân còn bảo Tông rằng: « Quốc-sư kéo quân ra ngoài làm loạn, xin cho người đi đuổi theo ».

Tông bất-đắc dĩ phải sai một viên thị-thần là Thoan-trung hầu đem quân đuổi Khản, nhưng lại dặn ngầm Thoan-trung cứ đi thong-thả cho Khản chạy thoát.

Thoan-trung ra đến cửa ô Cầu-giấy, không theo kịp Khản lại quay trở về.

Chư quân tức rằng Thoan-trung không chịu hết sức, lại đến phá nhà Thoan-trung.

Thoan-trung cũng trốn.

Chư-quân không bắt được mấy viên đó lại càng căm tức. Họ dò được tin quốc-cữu và Chiêm-vũ hầu ở trong phủ, bèn cùng chia đạo chắn kín cửa phủ, rồi cho một bọn kéo vào phủ-đường đòi Tông đưa hai người ra cho họ.

Tông nói:

— Không có ai cả.

Chư-quân đều nói:

— Hắn trốn vào phủ, đã có người thấy rõ ràng. Người ta còn nhớ cả giờ hắn đi vào nữa, thế mà Chúa còn chối à? Xưa nay có Chúa nói dối bao giờ?

Dương Thái-phi vừa khóc vừa dỗ:

— Cái thân góa bụa nhờ có ba quân phò Chúa mới được thế này! Xin chư-quân hãy tha mạng hắn cho già được vẹn tình xương thịt.

Chư-quân thét lớn:

— Tha mạng cậu ấy! Thế thì hôm nọ bảy mạng người chết, ai tha? Nếu còn cố giấu, cung khuyết sẽ hóa ra tro lập-tức.

Tông và Thái-phi cùng ngồi xuống đất, chắp tay vái lạy.

Chư-quân lại nói:

— Không nói với đàn bà. Chỉ nói chuyện với Nhà Chúa mà thôi.

Tông nói:

— Bức nhau thế này, thà rằng đừng lập làm Chúa cho rảnh!

Chư-quân đáp:

— Tưởng rằng Chúa muốn, nên mới cố lập. Không muốn thì có ai ép?

Một người hùa theo:

— Nói làm chi nữa? Hãy cứ hạ xuống dưới bệ, rồi đi mời Thụy Quận-công đến là xong.

Tông sợ quá không dám ho-he.

Bấy giờ trời đã sầm tối, chư-quân bảo nhau giải-tàn. Trước khi ra về, họ còn nói dọa:

— Bắt các hắn ví như bắt cá. Nước sâu thì cá còn lặn. Ngày mai tháo cho cạn nước, thử xem nó có mà bay lên trời?

Đêm ấy chư quân canh phòng cửa phủ rất cẩn. Tông bàn với Thái-phi rằng:

— Coi bộ chúng nó hăng quá như vậy, chắc là không thể giảng-giải bằng lời nói xuông. Phải mất nhiều của đút cho chúng nó may ra mới xong. Nếu không xong thì phải dùng kế-sách khác...

Thái-phi đáp:

— Nghe nói có tên thư-lại Nhưng-Thọ vốn là một đứa giảo-quyệt, chư-quân mưu bàn việc gì vẫn phải hỏi nó. Sáng mai, Chúa cho người ra dụ nó, rồi sẽ ngỏ ý đút lót, bảo nó hễ nhận chủ-trương việc này thì sẽ giao một vạn lạng bạc, ba vạn quan tiền, nó muốn làm gì thì làm, không cần hỏi đến.

Tông xin vâng lời. Mờ sáng hôm sau, Tông theo những lời Thái-phi đã dặn, sai người thân-tín lẻn ra nói với Nhưng-Thọ và còn hứa rằng: Nếu làm xong việc, sẽ có trọng-thưởng.

Nhưng-Thọ trong bụng đã muốn nhận lời, nhưng còn làm bộ khó-khăn mà rằng:

— Bọn họ muôn người muôn miệng, khó mà nói-năng điều gì. Vả chăng, hễ đã ngỏ-ý đút lót, ấy là họ sẽ ngờ vực. Nếu có vài người nói ngang, cơn giận của họ xung lên, thì lưng tôi phỏng chịu được mấy cái đấm!

Sứ-giả vẫn cố kèo nèo. Nhưng-Thọ ngần-ngừ và đáp:

— Nếu vậy để tôi lựa chọn lấy mấy chục người già-cả tai-quái, nói thật sự-tình với họ, bảo họ tung hứng với tôi. Giả-sử mấy chục người đó có muốn đòi thêm điều gì, thì tùy Nhà Chúa thương-lượng, tôi chỉ tự xin làm kẻ giàn-xếp mà thôi. Đến số tiền bạc công-cộng, cũng xin chờ khi quân-sĩ tề-tập, Nhà Chúa tự ngỏ ý ra, tôi và mấy chục người kia hùa vào. Như thế th việc mới thành.

Sứ-giả về nói với Tông. Tông bằng lòng, liền sai đưa riêng Nhưng-Thọ một nghìn lạng bạc để y phân phát.

Gần trưa, quân-sĩ lại họp và lại kéo xát vào tận trong phủ. Tông và Thái-phi lại ra yên ủi. Chư-quân đều nói:

— Việc gì mà phải lắm lời, cứ vào cửa cấm lùng khắp tòa phủ rồi túm búi tóc lôi ra, hỏi xem cái nằm đũa ấy hắn đã bẻ được mấy chiếc!

Tông nói:

— Chư-quân làm vậy thì có sướng gì, chẳng qua chỉ thêm bẩn tay... Nay ta có chút quà mọn một vạn lạng bạc, ba vạn quan tiền, gọi là khao thưởng chư-quân, chư-quân nên đồng lòng tha thứ cho hai mạng đó.

Chư-quân đáp:

— Chúa còn tiếc hai người đó thì cả phủ-đường sẽ không còn! Chúng tôi cần gì số tiền ấy!

Giữa lúc họ đương lao-nhao, Nhưng-Thọ ra mặt và nói:

— Nhà Chúa đã phải nói nhũn như vậy, chư-quân không nên không nể lời. Mấy chục người kia liền phụ-họa vào. Rút lại quân lính ai không tham lợi. Họ bèn dịu giọng mà rằng;

— Đã thế, thì hãy tha cho em ruột Thái-phi. Nhưng còn Chiêm-vũ là người giữa trời, chúng tôi phải xin mỗi người, một miếng thịt để nhắm rượu; rồi sẽ giải-tán tức thì!

Tông nói:

— Tha thì tha cả. Sao còn tách-bạch người nọ người kia?

Chư-quân nói:

— Nhà Chúa nếu còn quanh co che chở Chiêm-vũ, hễ mà chúng tôi điên tiết, thì cả quốc-cữu cũng không thể thoát.

Chiêm-vũ hôm trước vào phủ, lẩn trên Lân-các, vẫn có đôi kiếm giữ mình. Trong lúc chư-quân đòi giết, Chiêm-vũ bụng bảo dạ: « Nếu họ không nghe Nhà Chúa điều-đình, mà cứ xông vào bắt mình, thì mình phải đứng trên thang chém luôn dăm ba cái đầu, chứ không chịu chết một mình. »

Lúc ấy việc đã gấp lắm. Tông bèn sai người đến Chiêm-vũ mà rằng: Bây giờ xã-tắc nguy-nghèo như một sợi tóc, Nhà Chúa không thể cố giấu tướng-quân được nữa. Vậy xin tướng-quân chớ tiếc cái chết, để cho Nhà Chúa được yên, đó là công của tướng-quân để lại muôn đời.

Chiêm-vũ bất-đắc-dĩ phải trèo thang xuống ra mắt Tông và nói:

— Chết thì chết, thần xin đôi tay đôi kiếm, đánh với chúng nó một trận, giết chơi vài ba trăm đứa, cho hả cái giận của Nhà Chúa.

Tông nói:

— Như thế, chẳng qua chỉ làm cho Thái-phi kinh sợ, quả-nhân vẫn không được yên.

Chiêm-vũ liệng gươm xuống đất và nói:

— Thế thì thôi, tôi đành chết uông.

Tông khóc, rồi hứa với Chiêm-vũ rằng sau khi y chết, sẽ cấp một nghìn mẫu ruộng làm của nối đời và phong cho làm phúc-thần, bắt dân mười làng thờ cúng. Chiêm-vũ đáp:

— Tôi chỉ vì Chúa mà chết, chứ có cần gì tước-lộc? Xin Chúa phấn-phát uy quyền, xoay loạn làm trị, thì tôi dẫu chết, xương vẫn không nát.

Tông bèn tự viết sáu chữ « Trung nghĩa tráng liệt đại-vương » đưa cho Chiêm-vũ. Chiêm-vũ quì gối nhận mấy chữ đó, vê tròn mà nuốt, rồi lạy tạ Tông đi ra. Khi qua điếm Tiểu bút, Chiêm-vũ bị bọn quân-sĩ lôi kéo và hỏi:

— Gươm sắc của mày ra sao?

Chiêm-vũ trả lời:

— Ta không thể dùng thanh gươm đó chém đầu chúng bay là theo mệnh Chúa và vì xã-tắc đó thôi. Nhưng mà, chẳng lâu gì đâu!

Chư-quân toan đánh, Chiêm-vũ cản lại mà rằng:

— Đây là cấm-địa, không thể làm việc võ-phu. Hãy để tao ra cửa phủ ngồi yên, tha-hồ chúng bay muốn làm gì thì làm.

Rồi Chiêm-vũ khoan-thai bước đến bên cạnh cầu đá, ung-dung ngồi xuống mặt đường và bảo chư-quân:

— Đứa nào làm gì tao cứ việc mà làm.

Chư-quân dùng gạch và đá đập mãi vào đầu, máu chẩy đầy mặt, Chiêm-vũ ngồi yên không cựa, khẽ lấy tay áo lau mặt, vừa cười vừa nói:

— Bây giờ ta không thi võ, nhưng vân còn thi can-đảm!

Một tên quân-sĩ đứng sau dùng dao đâm thẳng vào lưng, lúc ấy Chiêm-vũ mới chết,

Chư-quân vẫn chưa hết giận, lại vào bắt Tông phải xử án trước.

Tông bất-đắc-dĩ phải giao việc đó xuống cho đình-nghị. Nguyễn Khản Dương-Khuông đều bị bãi chức làm dân. Bảy tên quân-sĩ bị chém ngày trước đều được đền mạng.

Từ đó chư-quân lại càng ngông-nghênh. Tại các đường phố, họ cứ dắt tay nhau mà đi. Các vị vương hầu gặp họ đều phải quay xe loan đi đường khác.

  1. Tức là Trịnh-Giang.
  2. Lịch tây năm 1785