VII

Trong khi Phú-xuân bị vỡ, tin báo đến kinh, những người bàn bạc đều nói: Thuận-hóa vốn không phải là bờ cõi của triều-đình, tiên-triều hao phí bao nhiêu của cải trong nước, lấy được xứ ấy, lại phải đem quân đóng giữ, rút lại chẳng có ích gì. Ngày nay lại mất, cũng là việc may. Bây giờ chỉ nên nhắc lại cái lệ đóng đồn ở trấn Nghệ-an, định rõ cương-giới hai nước. Ta lấy sự mất xứ Thuận-hóa làm may, chắc họ cũng lấy sự lấn đất của ta làm điều đáng ngại. Như thế sẽ không phải lo nữa.

Thế là kẻ trên, người dưới, ai nấy đều yên lòng. Chợt nghe Nghệ-an bị vỡ, quân địch sắp sửa tới nơi. Cả triều đều hốt-hoảng thất-thố. Bấy giờ mới sai Thái-đình-hầu[1] đem 27 cơ quân vào trấn Nghệ-an chống nhau với giặc, Thái-đình vâng mệnh, sắp sửa đến hơn mười ngày chưa xong. Tới khi mới ra khỏi thành được hơn nửa ngày, quân giặc đã tới Vị-hoàng. Triều-đình sai Thái-đình xuống giữ ở vùng Sơn-nam, phái Liễn-trung-hầu[2] và Đinh Tích-Nhưỡng đốc-lĩnh các đội tướng-vệ, Tả-vệ, Hữu-vệ, Ngũ-hậu, Ngũ-thiện, Ngũ-trung, Ngũ-trạch của đạo thủy-quân cùng Thái-đình-hầu đường thủy đường bộ đều tiến. Trước kia Chỉnh còn phải giẹp các toán cướp ở vùng Hải-dương, lúc ấy những toán cướp nhỏ đã hợp cả với quân Nam, triều-đình lại cho Nhưỡng về giữ mặt Nam.

Nhưỡng là danh-tướng ở làng Hàm-đan, nhà vốn có tiếng giỏi về chiến-trận, cho nên triều-đình đem hết công việc thủy-chiến giao-phó mặc Nhưỡng.

Thuyền quân của Nhưỡng đóng ở cửa Luộc, cầm nhau với giặc. Thình-lình nổi gió đông-nam rất to, quân giặc ở hạ-lưu thả năm chiếc thuyền làm đội tuyển-phong, ngược giòng tiến lên, đại-quân từ từ theo sau. Nhưỡng thấy những thuyền tuyển-phong của giặc xông lên, tức thì đem hết binh thuyền chặn ngang lòng sông, giàn thành thế trận chữ « nhất », rồi truyền chư-quân nạp súng Bảo-long nhằm sang thuyền giặc mà bắn. Bắn một tiếng đầu, thuyền giặc đứng yên không động. Nhưỡng sai bắn phát thứ hai. Bên thuyền giặc, các buồm đều bị cuốn lại. Chư-quân đều mừng, cho là giặc có ý sợ. Nhưỡng sai bắn luôn thêm ba phát nữa. Bấy giờ bên giặc mới nổ một phát đại-bác tiếng to như sét, một chồi cổ-thụ trúng đạn, bị gẫy làm đôi.

Trướng-trung-hầu đương giàn quân ở hai bên bờ sông, thấy đạn bay lại, cả sợ, mặt trận nhốn-nháo muốn vỡ. Quân giặc thừa thế kéo ùa lên bộ. Quân của Trướng-trung chạy hết. Quân giặc đến thẳng dinh trấn, Trướng-trung và quan Đốc-thị Nguyễn Huy-Bình đều trốn lấy thân.

Quân giặc liền đánh tràn đi, quân của Thái-đình đóng ở Kim-động lại bị vỡ nốt.

Thư cáo-cấp chạy về đến kinh, các quan văn-võ, ai nấy chỉ lo chạy vợ con, cất giấu của-cải, không một người nào dám nhận việc đánh giặc.

Tông thấy Tham-tụng Bùi Huy-Bích ở ngôi tể-tướng lâu ngày đã không làm được việc gì, lại không có mưu-kế gì chống chế quân giặc, trong lòng đã chán, những người tả hữu lại đều công kích Huy-Bích rất dữ, Tông bèn bãi chức Huy-Bích bắt phải ra trận đốc-chiến.

Tể-tướng đi rồi, lòng người càng nôn-nao, Tông bèn đòi Nguyễn Công-Sán vào phủ, hỏi nên đánh giặc hay nên lánh giặc. Công-Sán thưa:

— Giặc kéo quân vào sâu xứ lạ, đó là một điều mà trong binh-pháp rất kỵ. Nên dử cho chúng tới gần, rồi đánh một trận mà giết cho hết, như thế cũng là kỳ-đạo trong việc dụng binh. Vả lại, kinh-sư là nơi căn-bản của thiên-hạ, bỏ kinh-sư thì sẽ đi đâu? Chẳng những thế, nếu như kiệu Chúa lật-đật ra thành, tất-nhiên lòng người sẽ phải lìa tan, ấy là đem nước mà trao cho giặc. Vậy thì bây giờ chỉ nên xin với Thái-phi và cả sáu cung hãy tạm lánh ra ngoài thành mà thôi.

Tông cho lời Sán là phải và tự nghĩ rằng: Trong các võ-thần chỉ Thạc quận-công[3] là tay lão-tướng có thể trông cậy, tức thì cho người ra trấn Sơn-tây, đòi luôn ông ta về triều, Được lệnh, quận Thạc liền đem năm trăm quân nghĩa-dũng vào cứu kinh-sư. Thấy bóng quận Thạc, lòng người cũng đã hơi vững. Lúc gặp quận Thạc. Tông nói:

— Ông bỏ quả-nhân hay sao? Bây giờ thế nước như vậy, thì làm thế nào?

Quận Thạc vừa khóc vừa đáp:

— Tôi chịu ơn dầy nhà nước, thề không cùng sống với giặc. Cha con tôi tất cả còn được chín người, nếu phải tựa lưng vào thành mà quyết một trận tử-chiến, tôi xin tự cầm roi ngựa theo dưới chân Chúa, Chúa không lo gì.

Tông bèn bỏ ra 5 nghìn lạng bạc giao cho quận Thạc để chi việc binh. Quận Thạc liền ra sắp sửa quân lính. Trong một ngày gọi được hơn nghìn thủ-hạ, toàn là những quân tinh-nhuệ. Theo lệnh Tông, quận Thạc đem quân ra thành và đóng tại hồ Vạn-xuân.

Bấy giờ cơn gió đông-nam đương mạnh, đường thủy rất là xung-yếu. Sau khi các đội chiến-thuyền của Liễn-trung-hầu đã bị bại trận, quân địch liền chiếm được giải trường-giang, thuận đường lên thẳng Kinh-kỳ. Tông sai bốn hiệu Thỉ-thủy đem hết quân lính xuống bến Thúy-ái chống-cự.

Chiến-thuyền của giặc đến bến Nam-dư, một toán quân giặc bỏ thuyền lên bộ, đánh úp vào bến Thúy-ái.

Trước đó, thủy-quân nghe tin quân giặc còn xa, không hề phòng-bị chi hết, thuyền bè mỗi chiếc mỗi nơi, linh-tinh khắp bãi sông. Lúc ấy quân giặc thình-lình kéo đến, lính-tráng không kịp lên thuyền, bao nhiêu thuyền bè đều bị quân địch chiếm hết. Cả đội chỉ có một viên thiên-tướng họ Ngô vác đao đứng ở đầu thuyền cự-chiến. Chừng hơn một khắc, quân Tây-sơn dùng súng lớn bắn vào đầu thuyền, viên thiên-tướng ấy trúng đạn chết liền. Một toán quân địch nữa kéo ùa lên cạn.

Quân của quận Thạc khi ấy đang ăn, chợt thấy quân địch ập tới, ai nấy bỏ cả khí-giới mà chạy. Hai đạo quân Tây-sơn ở hai phía tả hữu cùng đánh dồn lại, chém giết quân Trịnh, thây nằm khắp bến, người nhảy xuống hồ Vạn-xuân mà chết không biết bao nhiêu.

Quận Thạc bấy giờ chỉ còn hơn mười thủ-hạ và 8 người con xúm quanh chân voi của quận Thạc, tựa vào con voi mà chống với giặc. Sáu con ra sức chiến-đấu, chết ở trước voi. Quận Thạc bèn bảo quản-tượng ra hiệu cho voi quì xuống, rồi ông ta tự trên lưng voi nhảy xuống, cùng hai người con cướp đường mà chạy tháo thân.

Thủy-quân của giặc tiến thẳng đến bến Tây-long, Tông ngự trên lầu Ngũ-long giàn bày thế trận, ra lệnh ngũ-quân chia đi đóng giữ các mặt: hiệu Tả-bộ giữ mặt Tây-long, hiệu Hữu-bộ giữ mặt Tây-hổ, hiệu Tiền-bộ giữ mặt cửa thành Tiền-lâu, hiệu Hậu-bộ giữ khu hậu-lâu, bờ hồ Thủy-quân, hai hiệu Nhưng, Kiệu thì ở trong thành hộ-giá.

Trung-quân của giặc từ phía bãi sông tiến lại, Tông vẫn giữ nguyên trận-pháp nói trên, thúc hiệu Tiền-bộ chĩa súng bắn ra. Bắn một hồi lâu, quân giặc cúi mình tránh đạn xông vào. Bấy giờ Tông mới ăn-bận đồ binh ở trên lầu xuống, trèo lên mình voi, cầm lá cờ đỏ chỉ ba cái và vẫy ba cái, rồi khua trống ra hiệu cho các quân-sỹ xấn lên trước mặt. Quân-sỹ nghe theo hiệu trống, liều mạng tiến lên. Bên giặc dùng súng hỏa-mai bắn vào, các quân đều sợ mất vía, bỏ cả khí-giới, chạy thục mạng ra nẻo bờ sông.

Tông thấy quân lính tan-tác, ngó lại quanh mình cũng không còn một người nào. May sao lúc ấy quân giặc không biết là Tông, tranh nhau xông vào phủ Chúa, không ai dám đến gần chân voi. Tông vội cởi bộ nhung-phục, đội khăn chữ đinh, ngồi núp vào ngăn hòm da phía sau yên voi, co cho con voi quay vào cửa Tuyên-vũ. Bấy giờ quân giặc đã có đến vài chục người vào lọt trong phủ, và đương treo cờ ở phía ngoài phủ. Tông bèn kéo voi đi ra bờ hồ Minh-đường, trông phía cửa ô Yên-phụ mà chạy.

Bình liền kéo quân vào thành, hạ lệnh nghiêm cấm quân-sỹ không được cướp-bóc của dân, rồi vào phủ Chúa yên-nghỉ.

Mấy người cận-thần và các thân-quân của Tông biết Tông chạy ra phía tây, bèn lục-tục chạy theo. Tới ngoài cửa thành, kiểm-điểm trong bọn, hãy còn được chín con voi, hơn mười con ngựa và hơn nghìn người. Khi qua địa phận Từ-liêm, dân quê thấy bóng gươm dáo ngờ là giặc đến, vội dắt nhau chạy. Quan quân thấy đám dân chạy, cũng tưởng là giặc đón đường quá nửa bỏ cả khí-giới mà trốn. Đến huyện Yên-lãng, thì có người làng Vân-điềm tên là Nguyễn Noãn,[4] con trai Nguyễn-Thưởng, vốn là gia-thần của Tông, nghe tin Tông đến, liền ra quì ở ven đường đón Tông và tâu:

— Ngày trước tôi vâng mệnh Chúa cho đi mộ quân, hiện đã mộ được năm trăm tên, đương chờ ở phía bắc-ngạn sông này. Xin Chúa ngự-giá sang Bắc, hãy về làng tôi đóng tạm để tính công việc sau này.

Tông bèn sai người đi gọi lái đò để chở qua sông. Bao nhiêu chân sào ở bến đò ấy tức thì mỗi người trốn đi mỗi ngả. Tìm mãi mới được ba chiếc thuyền nhỏ, mỗi chiếc chỉ chở được chừng 13 hay 14 người, Tông vội lên thuyền, chỉ có năm, sáu người lính hoàng-môn và Noãn đi theo, còn quan quân và voi ngựa đều phải ở lại. Thấy Tông đã sang đến bờ bên kia, họ bèn tản đi dần dần.

Tông lên đến bờ, không thấy một tên quân nào, vội hỏi lại Noãn lính tráng ở đâu. Noãn đáp:

— Lính-tráng hiện ở làng tôi, xin Chúa thay bộ quần áo người thường đi thẳng, lên phía trước mặt, làng tôi cách đấy không xa.

Tông có ý hối bị Noãn làm lỡ, lại sợ đi nữa, không chắc giữa đường có được yên lành hay không. Bấy giờ không biết người nào đáng tin, Tông đã tính đi tính lại, chỉ có những bậc văn-thần tiến-sỹ là có thể trông-cậy, liền hỏi Noãn:

— Những làng gần đây có viên tiến-sĩ nào không?

Noãn thưa:

— Ở đây chẳng có ai là tiến-sĩ, chỉ có viên Thiêm sai là Lý Trần-Quán, trước kia phụng-mệnh đi chiêu-dụ nhân dân; vẫn đóng tạm ở làng Hạ-lôi, nhưng không biết bây giờ có còn ở đó nữa không?

Tông nói:

— Ngươi hãy cứ đi hỏi xem. Nếu còn thì nên bảo ngầm hết các tình-trạng để cho viên ấy lo tính giúp ta.

Noãn vâng mệnh tới làng Hạ-lôi tìm vào ra mắt Lý Trần-Quán kể rõ đầu đuôi và nói:

— Tôi trước vâng mệnh về quê mộ quân, hiện nay mộ được một số quân lính, đương đợi ở địa-giới huyện tôi. Quan lớn hãy liệu cách nào mượn tạm cho ít binh-lính khí-giới đưa Chúa tới đó, thế là yên-ổn.

Quan có người quen ở làng Hạ-lôi là Tuần huyện-Trang vốn là một tên tướng cướp, thuở nhỏ đã có học Quán. Quán ở Hạ-lôi cũng cậy có Trang hộ-vệ. Khi ấy nghe lời Noãn nói, Quán liền cho gọi Trang vào bảo:

— Có quan Tham-tụng là Kế-liệt-hầu tránh loạn đến đây, muốn phiền anh hộ-tống ra khỏi địa-phận.

Trang xin vâng.

Quán bèn cùng Trang theo Noãn đến yết-kiến Tông.

Hồi trước, Quán ở chính phủ, chỉ là một viên quan nhỏ, chưa từng được thấy mặt Tông. Tông cũng không hề biết Quán bao giờ. khi ấy chợt thấy Quán đến, Tông bèn hỏi bọn quan-thị:

— Đó là người nào?

Bọn quan-thị thưa:

— Đấy là Lý Trần-Quán.

Tông đương khiêm-tốn chưa biết nên nói câu gì. Quán cũng hết sức cung-kính. Khi được tiếp-kiến vẫn giữ bộ điệu rụt-rè như thể không dám đương nhận: Thành ra hai người tuy đã nói dối, mà ở giữa vua và tôi, bất-giác đều để lộ-liễu bản-tướng. Lâu lâu Tông mới nói hết tâm-sự với Quán, Quán chỉ vào Trang và thưa:

— Tôi có tên này vốn là học trò của tôi, việc đó hắn rất có thể vâng nhận.

Rồi Quán ngảnh lại bảo Trang:

— Anh phải cẩn-thận hộ-vệ quan lớn ra khỏi địa-giới đấy nhé!

Trang xin vâng.

Quán bèn từ-biệt Tông trở về nhà riêng. Trang liền đem thêm chục thủ-hạ đưa Tông. Đi qua một tòa nhà khác của Quán vẫn ở, Trang bèn hỏi Tông:

— Ông có phải là Đoan-nam-vương thì cứ nói thật với tôi. Nếu không, hễ có việc gì, ông đừng có trách!

Tông trước còn định giấu-diếm, liền đáp:

— Sao anh đoán xằng như vậy? Ta là quan Hành Tham-tụng Bùi Huy-Bách đây mà!

Trang nói:

— Ông chớ nói dối người ta! Cái ẩn-trạng của thầy-trò nhà ông, lúc nãy tôi thấy cả rồi, còn che mắt ai được nữa? Từ xưa đến nay, hưng-phế là việc rất thường, ông cũng không thể tránh khỏi, đừng có giấu diếm làm chi cho nhọc mình!

Rồi Trang dẫn Tông về nhà. Tông đổi sắc mặt và nói bằng giọng giận dữ:

— Vua Chúa phải có mệnh trời. Chính thật Đại-nguyên-súy Đoan-nam-vương là tao! Nếu có chết về tay người nước cũng là mệnh trời. Tha-hồ cho mày làm gì thì làm!

Trang bèn sai người chạy đi báo tin cho giặc. Tông và hết thảy những người đi theo đều bị bắt giữ.

Quán nghe tin đó, thân-hành đến tận chỗ Tông, rập đầu xuống đất mà nói:

— Làm cho Chúa đến nỗi này là tội tôi cả.

Tông đáp:

— Người ta ai có bụng nấy. Ngươi có dự gì?

Quán lui trở ra, bảo Trang:

— Chúa là Chúa chung thiên-hạ, mà ta thì là thày mày! Nghĩa cả vua tôi... sao mày nỡ thế?

Trang nói:

— Quan lớn không bảo tôi trước để tôi trót lỡ đến ra mắt Chúa. Nếu Chúa sổng ở tay tôi, rồi nữa quân Nam[5] đến hỏi tội tôi, quan lớn có thể cãi hộ không? Sợ thày không bằng sợ giặc, quí Chúa không bằng quí thân, tôi không thể để quan lớn làm lỡ.

Tức thì Trang quay về nhà rồi quát thủ-hạ dìu Tông ra kinh.

Quán ra đón đường, lạy Tông vừa khóc yừa kêu:

— Ới trời ơi! Tôi giết Chúa tôi, trời có biết không?

Tông vân an-ủi:

— Tấm lòng trung-thành của ngươi, « cô » đã biết rồi. Ngươi không cần tự oán mình nữa.

Quán muốn xin Tông chậm lại một chút, nhưng chưa kịp nói, thì Tông đã bị Trang đẩy đi rồi.

Tới giữa đường, Trang dẫn Tông vào nghỉ trong một hàng nước, Tông vớ được con dao con của nhà hàng, tức-thì đưa lên đâm cổ. Trang trông thấy, vội giằng được con dao đó. Cổ Tông tuy đã bị thương, nhưng mũi dao còn nông, vết thương cũng nhỏ, Tông lấy ngón tay chọc vào chỗ thương xé ra, nhưng lại bị Trang giữ lại. Một lát, Tông vật-vã đòi uống nước lạnh, Trang lấy nước cho uống, Tông bưng nước uống được vài hớp thì chết. Trang cùng thủ-hạ khiêng thi-hài Tông đến kinh. Quân giặc mừng lắm, bèn đem bêu ra ngoài cửa Tuyên-vũ để cho thiên-hạ cùng biết, rồi sai theo lễ vua chúa khâm-liệm cho Tông và dùng kiệu rồng đưa ra chôn ở làng Cung-quốc-công.

Còn Trang thì được phong làm Tráng-nghĩa-hầu, gia chức trấn-thủ Sơn-tây. Hôm ấy nhằm ngày 27 tháng sáu năm Bính-ngọ.

Lúc Trang ở làng Hạ-lôi dẫn Tông lên đường, thì Lý Trần-Quán quay về nhà trọ bảo với chủ trọ:

— Bề tôi làm cho nhỡ vua, tội đáng phải chết. Nếu ta không chết, thì cái bụng ta vẫn không tỏ được với trời đất. Vậy hãy đi sắm cho ta một cỗ quan-tài, mười thước vải trắng, để ta làm theo chí-ý của ta.

Chủ trọ hết sức khuyên-giải, Quán vẫn không nghe và nói:

— Ta chết sẽ có cách khác, sức ông không thể ngăn nổi. Nếu có yêu ta thì cứ mặc ta, làm gì thì làm.

Qua hai ngày sau, Quán càng phẫn-uất nóng-nẩy. Chủ trọ ngăn Quán không được, biết rằng lòng trung của Quán không thể lay-chuyển, bèn đi sắm-sửa theo như lời Quán đã bảo.

Quán sai đào chỗ sau nhà mình ở làm một cái huyệt, đặt chiếc quan-tài xuống đó, rồi Quán lấy tấm vải trắng xé ra làm hai, một đoạn làm khăn, một đoạn nữa thì làm giải lưng. Sau khi đội mũ mặc áo, ngảnh về phương Nam, lễ vọng hai lễ, Quán bèn bỏ mũ chít khăn trắng và thắt giải lưng trắng, vào nằm trong chiếc quan-tài và bảo chủ trọ đậy nắp quan lại.

Nắp quan vừa đặt lên, Quán ở trong quan nói ra:

— Hãy còn thiếu một câu nữa, phải nói hết đã.

Chủ trọ mở nắp quan ra, Quán đọc hai câu rằng:

« Tam niên chi hiếu dĩ hoàn,
« Thập phần chi trung vị tận »[6].

Rồi Quán bảo với chủ trọ:

— Nhờ ông đem câu ấy dặn lại con ta bảo nó sau này dán ở nhà-thờ thờ ta.

Chủ trọ chưa kịp nói sao, Quán tiếp:

— Đa tạ chủ-nhân, ta từ-biệt ông từ đây.

Chủ trọ và năm, sáu người đầy-tớ cùng sụp xuống lễ ở trước quan-tài, rồi đậy nắp quan và lấp đất lên. Hôm ấy nhằm ngày 29 tháng sáu, sau khi Tông chết hai ngày.

Quán là người làng Vân-canh, huyện Từ-liêm, đỗ tiến-sĩ khoa Bính-tuất, tính cực giản-dị, chất-phác và rất có hiếu. Trong lúc cha mẹ qua đời Quán ở nhà mồ luôn ba năm, miệng không đụng một miếng đồ mặn, thân-thể gầy-rạc, chỉ còn cái da bọc cái xương. Quán thường tự nói: « Năm nay ta đã chẵn bốn mươi tuổi, nhưng mà những việc của ta đã làm trong úc bình-sinh, chỉ có mấy năm cư-tang là gần với đạo làm người ». Bởi Quán tự-xử không còn điều gì đáng phàn-nàn như vậy, nên khi sắp chết, Quán mới tự-phụ như thế.

Sau khi Tông và Quán đã mất, thiên-hạ ai cũng thương Tông và kính-trọng Quán là bậc nghĩa-khí. Rồi, truy-nguyên đến kẻ gây ra những thảm-trạng ấy, ai cũng quy-oán cho Nguyễn Hữu-Chỉnh.

Chỉnh cũng tự biết như vậy.

Trong hồi vì nợ tiền quân, bị bắt vào ngục, Chỉnh có gặp một người là Đỗ Thế-Long, quê ở Hoàng-liệt, huyện Thanh-trì, lúc ấy vì tội gì đó, cũng cùng bị giam với Chỉnh. Long là một người giảo-hoạt, và có tài làm những bài hát quốc-âm, không kém gì Chỉnh. Lúc Chỉnh ở Tây-sơn ra, Long vẫn còn ở trong ngục. Chỉnh đến kinh-sư tức-thì sai người thả cho Long ra và đãi làm bậc thượng-tân, thường-thường hỏi-han về các công việc nhà nước. Long biết thế nào thì nói thế ấy, không hề giấu Chỉnh điều gì. Chỉnh cũng tin Long, Long nói sao thì Chỉnh nghe vậy. Hôm ấy Chỉnh thấy Tông chết, bèn bảo với Long:

— Chúa không chịu tin lòng ta, nên mới tự mình hủy-hoại đời mình. Nếu Chúa còn sống, chắc ta sẽ đặt vào một địa-vị thanh-nhàn, không để phải mất danh-lộc.

Long thấy Chỉnh còn có hậu-tình với Tông, muốn nhân dịp đó khuyên Chỉnh lập lại họ Trịnh, bèn nói khích Chỉnh:

— Cái việc của ông đã làm, tiếng là nhân-nghĩa, thật ra chỉ là tàn-tặc! Ngày nay, ông có thế nghiêng non lật biển, cố-nhiên là nhờ quí-quốc[7] giúp cho. Nhưng khi ông mới xuất-thân, nào cầm quân, nào phong hầu, cái gì không phải là ơn Nhà Chúa? Nay ông lấy tiếng phù Lê diệt Trịnh để kéo quân ra, thật là quá tệ. Nếu bảo Nhà Chúa hiếp-chế nhà vua là việc có lỗi, thì sao không nghĩ cái công tôn-phù hai trăm năm trời? Theo người mới mà phản người cũ tức là bất-nghĩa; bới cái lỗi để lấp cái công, tức là bất-nhân. Bất-nghĩa bất-nhân thì là tàn-tặc! Kẻ đại-trượng-phu lập-thân, có thể tự mình đứng vào địa-vị tàn-tặc được ư?

Chỉnh nghe nói, sắc mặt tái mét, lâu lâu mới đáp:

— Gây dựng là ơn riêng của một người, cương-thường là nghĩa lớn của thiên-hạ. Tôi vì sự tôn phù nhà Lê mà làm việc này, là để chống-đỡ cho nền cương-thường. Đó là một việc chí-nhân đại-nghĩa, vậy mà ông lại bảo là tàn-tặc, há chẳng thậm-tệ? Nếu không phải tôi nghĩ sai, thì chắc là ông nói quá!

Long nói:

— Nhà vua vốn đã tôn sẵn, cần gì đợi ông tôn-phù? Chẳng qua ông cũng chỉ mượn cớ đó để làm cho trôi cái mưu cướp bóc đó thôi. Nhưng mà nhà nước đương như bình vàng không mẻ, bỗng chốc vô-cố ông đưa người ngoài tới đây, làm hại chủ-súy, làm tàn nhân-dân, người trong thiên-hạ sẽ cho ông là beo sói diều quạ. Gọi là tàn-tặc, chưa phải quá lạm. Nay ông tựa vào thế-lực ngoại-quốc, chẳng qua cũng như « cáo mượn oai hùm » mà thôi. E rằng lòng người còn nhớ họ Trịnh, chắc phải có ngày sinh biến. Rồi nữa người ta bỏ ông mà về, ông đem cái thân cỏn con để cõng cái tội tầy trời, làm thế nào mà đứng vững được với thiên-hạ?

Chỉnh càng cắn răng tức giận, nhưng cũng vờ đổi sắc mặt và nói:

— Vậy thì ông bạn của giống beo sói diều quạ, bảo giống beo sói diều quạ nên làm thế nào?

Long đáp:

— Ông ra chuyến này, chẳng qua muốn vì ngài trấn-quan-trước[8] mà trả thù với bọn kiêu-binh. Nay tụi kiêu-binh đã diệt, ấy là chí ông đã toại. Nếu ông xoay lại những điều đã định từ trước, khéo điều-đình với quí quốc, khiến họ no-nê các sự ước-muốn mà rút quân về, rồi ông lại chọn ở trong tôn-thất họ Trịnh, kiếm một người khá lập lên làm Chúa, mà ông thì làm một vị phù tá. Đó là cái công không mấy đời có.

Chỉnh nói:

— Phải! Để tôi nghĩ xem. Bây giờ ông hãy về nhà, tìm một người nào đáng nói, sửa lại lời nói cho khéo, chờ đến khi họ thích nói, sẽ dùng lời nói mà làm con đường tiến-thân thì hơn.

Long ra khỏi, Chỉnh bảo với người chung quanh:

— Rồng[9] thì phải đưa xuống nước, không nên cho ở trên cạn, để làm mê hoặc thiên-hạ.

Rồi Chỉnh sai người chặn ở ngoài cửa, bắt Long trói lại, đem ra dìm xuống giòng sông Nhị-hà.

  1. Trịnh Tự-Quyển
  2. Bùi Thế-Dận
  3. Tức Hoàng Phùng-Cơ
  4. Theo sách « Trịnh thị thế-gia », thì Nguyễn Noãn có tên nôm là Ba Đóm, con cháu Lan quận-công Nguyễn Thực. Sau Noãn dở mặt, đồng mưu với Tuần huyện Trang, bắt Trịnh Tông đem nộp Tây-sơn. Tây-sơn cho Noãn là kẻ bất nghĩa, sai đem chém ngay.
  5. Chỉ quân Tây-sơn.
  6. Đạo hiếu ba năm đã trọn, chữ trung mười phần chưa hết.
  7. Chỉ về Tây-sơn.
  8. Chỉ vào Quận Huy.
  9. Chỉ vào Long, vì chữ Long nghĩa là rồng.