Hai hào  (1934) 
của Lê Văn Trương

Lấy từ tập truyện ngắn đầu tay của Lê Văn Trương với nhan đề Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích, gồm 11 tác phẩm, xuất bản bởi nhà in Trung Bắc tân văn, Hà Nội, 1934.

Ký giả thường được nghe rất nhiều lời bình phẩm quá đáng đối với dân làng Bẹp; ký giả thiển nghĩ những người bạo mồm như thế toàn là những người không biết hút thuốc phiện, hay hút chưa đến thời kỳ "đã biết khoái", hay gián hoặc chưa được mục kích cái oai quyền chí thần, chí thánh, chí đại, chí tôn của vị thần ấn Độ. Vậy ký giả xin vì các bạn làng "Cơm đen" kể một chuyện sau đây mà ký giả được mục kích mong các bạn làng "Cơm trắng" trước khi nói một câu gì có can thiệp đến việc "hút xách" hẵng nên nhớ lấy câu tục ngữ "chó ba khoanh mới nằm, người ba năm mới nói". Ký giả lại xin thú thực rằng từ ngày được mục kích tấn bi kịch này, ký giả đối với thần "ấn Độ" chỉ một lòng kính cẩn mà không dám khinh nhờn.

Chuyện thực xin kể sau đây:

"Cậu Nghĩa đi học về đến nhà mếu máo nói với mẹ:

- Mẹ ơi, thầy giáo bắt phải mua một quyển "Quốc văn" hai hào, nếu chiều nay không có thì thầy đuổi. Mẹ cho con tiền mua nhé.

Cậu Nghĩa, vừa nói vừa ôm lấy đầu mẹ hôn lấy hôn để. Bác Cả đương nằm rền rĩ ở trên giường nghe con nói, da mặt đã xanh bỗng nhợt hẳn đi, hai hàng nước mắt không biết tự đâu tuôn ra, ướt đầm gò má; bác muốn nói mà không nói được, chỉ lấy tay vuốt ve con. Cậu Nghĩa thấy mẹ khóc mà không trả lời, cậu tái hẳn người đi. Cậu hiểu, cậu hiểu là nhà cậu nghèo, mẹ cậu ốm không đi chợ, tiền thuốc, tiền gạo còn chưa có, tiền đâu mà mua sách cho cậu được. Cậu bùi ngùi nhưng có vẻ tiếc mà bảo mẹ rằng:

- Thôi thế thì thôi, mẹ nín đi, con ở nhà chơi với mẹ vậy.

Cậu vừa nói vừa lấy tay vuốt mái tóc mẹ, cậu thấy mặt mũi hốc hác, hai mắt quầng đen hõm hẳn xuống, cậu sẽ cúi đầu sát vào tận mặt mẹ cậu mà hỏi:

- Mẹ ốm lắm ư, mẹ đã ăn cơm chưa?

Trong cái óc ngây thơ của cậu, cậu tưởng tượng hễ ốm cứ ăn cơm nhiều là khỏi, mà cậu nghĩ thế vị tất đã không đúng. Những người ốm chẳng là những người rất ít ăn sao? Cậu vội vã chạy xuống bếp xúc bát cơm nguội, lấy quả cà đem lên, giục mẹ cậu ăn. Bác Cả nể lời cầm lấy bát cơm.

- Mẹ cố ăn đi để đi chợ.

Đi chợ, đi chợ. Hai chữ ấy ở trong óc cậu nó có một cái ý nghĩa khác, mẹ cậu đi chợ búa chẳng là đi mua lấy sự sung túc cho cả nhà cậu ư? Đã gần ba tháng nay, chỉ vì mẹ cậu ốm không đi chợ được mà thành ra túng bấn, bữa đói bữa no. Trước kia, lúc mẹ cậu còn quẩy gánh cháo ra chợ, dẫu chẳng được phong phú lắm, nhưng mỗi lần cậu xin tiền mua giấy bút, sách vở, mẹ cậu vẫn sẵn lòng cho ngay. Mà ngày nay... ngày nay chỉ vì mẹ cậu ốm nằm nhà nên đã ba hôm nay, cậu khẩn khoản xin hai hào mà chưa có.

Bác Cả không ăn được bèn nhường bát cơm cho con ăn. Cậu Nghĩa còn dùng dằng hai ba lần mới cầm lấy mà bảo:

- Mẹ không ăn thì con ăn vậy.

Rồi cậu cởi áo dài treo lên mắc tử tế. Sự cẩn thận ý tứ chẳng là học được trong khi nghèo nàn ru?

Cậu ăn lấy làm ngon miệng quá, khiến cậu phải tự nghĩ: "Cơm dẻo thế này, cà giòn thế này mà mẹ mình không ăn thì biết bao giờ khỏi được?" Nếu ông lang thì đã nghĩ: "Không ăn được thế này, bệnh đã nặng lắm rồi". Nhưng cậu mới tám tuổi đầu, nào đã biết thế nào là ốm nặng với ốm nhẹ.

Vui thay cái tuổi đồng ấu mà cũng may thay, trong cái tuổi "vàng" ấy, sự buồn rầu nó chỉ như gió thoảng mà thôi.

Bác Cả ngồi nhìn con ăn, thấy con kháu khỉnh, hiếu thảo, thông minh thế kia, nay vì không tiền mua sách mà phải bỏ học thì đáng tiếc, đáng thương biết bao... Bác thấy cái hy vọng một đời bác nó tiêu tan đi mà bác buồn. Bác bấm lưng trong nhà tiền đã sạch trơn. Chẳng còn một vật gì đáng tiền cả, đi vay thì biết vay ai mà thiên hạ có ai cho kẻ nghèo vay bao giờ. Nội trong xóm bác, có nhà cụ Tiên là giầu có, nhưng cụ riết róng lắm, không có vật gì đem cầm thì cụ chẳng cho vay không bao giờ. Bác nghĩ, nghĩ mãi... Sau bác cố bò dậy, mon men xuống bếp còn cái niêu bằng đồng, bác cọ rửa tử tế rồi mang đi.

Cụ Tiên nghe bác kể lể nỗi nhà cũng có vẻ ái ngại bèn bảo:

- Hôm nọ, bác giai có đem cái nồi ấy sang đây đòi cầm lấy một hào tôi không cầm, nhưng có phải bác cần tiền mua sách cho cháu thì tôi cũng làm phúc cầm giùm cho, nhưng phải giả lãi năm xu đấy.

Trong khi bác Cả gái, chân nam đá chân chiêu, thất thểu, hổn hển đi như thế, bác Cả giai ở nhà làm gì?

Bác ngồi như cú rũ ở trong buồng tối om om đối diện với ngọn đèn phù dung mờ tỏ mà nước mắt nước mũi chảy ra ròng ròng. Không phải cám cảnh nhà nghèo vợ ốm mà bác khóc đâu. Bác hết hút đã mấy hôm nay rồi. Bác cầm cái hến giơ lên đặt xuống mà bác ngao ngán. Hến không, nhẵn bóng như chùi. Bác sờ đến cái cóng sái, sái cũng hết. Bác thấy chân tay bác như dập gẫy, trong xương hình như có dòi bọ đục, buồn bã khó chịu; ruột gan bác như đứt ra từng mảnh, đau đớn như ai cầm dao rạch ra vậy. Bác hết đứng lại ngồi, hết nằm lại đứng, lúng túng quay cuồng mãi cũng chẳng nghĩ được kế gì cho ra thuốc, bác chỉ ngáp, bác ngáp mãi... Bác chỉ còn mong ả phù dung đem cái thần tài lại cho bác. Nhưng ác thay, ả phù dung chỉ là một vị hung thần đem người đẩy xuống giếng khơi rồi bỏ đó... Bác cầm cái dọc tẩu đưa lên mũi hít khan, hít vã như con chó săn đánh hơi thấy vết cầy cáo vậy. Mùi tẩu thơm tho phảng phất làm cho ruột gan bồn chồn như ai đem trăm nghìn cái kim đâm vào, muốn ngủ mà không ngủ được.

Cậu Nghĩa ăn xong, đang hí hoáy rửa bát thì nghe ở cổng có tiếng mẹ gọi. Cậu vội vã chạy ra. Bác Cả gái đứng cạnh hàng rào run đây đẩy, mặt xanh như tầu lá, nhưng vẻ vui mừng như lộ ra ở hai con mắt bác. Bác đưa cái tay xương bọc lấy da giúi cho cậu Nghĩa hai hào mà bảo:

- Đây tiền đây, con đem đi mà mua sách nhưng đi mua ngay đi, khéo thầy con biết thì lại lấy mua thuốc phiện mất.

Cậu Nghĩa mừng rỡ, cầm tiền, tất tả chạy vào nhà lấy áo mặc để ra phố. Cậu cũng chẳng nghĩ gì đến mẹ ốm, nhà nghèo, giá để hai hào kia đem mua thuốc thì có lẽ cũng giúp cho sức khỏe mẹ cậu được ít nhiều, nhưng cái tuổi cậu chưa phải cái tuổi ấy...

Cậu hấp tấp quá, chạy bay vào nhà, chẳng may vấp phải bực cửa ngã chúi xuống, hào ván ở trong túi cậu bắn ra kêu đánh keng một tiếng!!!

Bác Cả giai đang phục vị ở trong buồng, hai mắt lim dim. Như con hổ đói đã bảy ngày nay bỗng thấy tiếng hươu kêu bên cạnh, bác vội chồm dậy. Hai con mắt bác sáng quắc như hai con mắt vọ chăm chú tìm... kiếm... Đồng hào ván trắng hếu nằm tròn xoe giữa nhà. Nhanh như cái cắt, bác nhẩy lại vồ... Ngay lúc ấy, cậu Nghĩa tuy đau đã điếng cả người, nhưng thấy bộ dạng bố thế, cậu hiểu... cậu cố gượng quờ tay ra vớ lấy đồng hào cùng một lúc với cái tay "hổ đói" kia. Hai cha con giằng nhau, đồng hào văng ra. Bác Cả vội vàng giẫm chân lên. Cậu Nghĩa chồm dậy, chạy lại, du bố ra, cố đẩy chân bố để lôi lấy đồng hào, miệng thì kêu:

- Giả đây! Giả đây!

Bác Cả cứ trơ như đá vững như đồng, tưởng Từ Hải xưa kia thất trận, khí thiêng chung đúc cũng dạn dầy đến thế là cùng. Chân bác như có những bù lông sắt tán chặt xuống đất. Cậu Nghĩa lay bố chẳng chuyển vội khóc òa lên gọi mẹ. Mẹ cậu ở sân nghe tiếng vội chạy vào, trông thấy cái quang cảnh ấy bèn nói với chồng rằng:

- Nhà sao lại tệ thế? Tôi ốm mấy tháng nay, một ngụm thuốc chẳng dám uống, có đồng nào đưa nhà mua thuốc phiện cả, nhưng tiền này là tiền cho con mua sách, tôi nói khó với người ta mãi mới vay được, nhà lại lấy của con, thế nhà định không cho con đi học lấy dăm ba chữ à?

Bác Cả trai vẫn đứng trơ như bụt mọc, vợ nói gì mặc.

Nói chẳng được, bác Cả gái giận, bèn chạy lại níu lấy chồng lôi ra. Bác Cả giai như có quỷ quái gì nhập vào, chẳng nghĩ đến vợ ốm, bác chỉ lo vợ lấy mất hai hào nó là cái "nguồn sống" của bác. Bác sợ... sợ phải đeo dài cái khổ cảnh dở sống, dở chết mà bác đã phải chịu trong ba hôm nay.

Hai hào kia đối với người ta chỉ là hai hào, nhưng đối với bác nó là một phương pháp cải tử hoàn sinh có thể tìm thấy ở trong mấy điếu thuốc, mấy điếu sái, nay mà để ai cướp mất, chẳng khác cướp sống cái đời bác đi sao. Nhưng thà chết một cách khác, thà chịu đâm, chịu chém, chịu mổ, chịu xẻ mà chết, chứ phải hành hạ như ả phù dung đã hành hạ bác trong ba hôm nay thì bác không sao chịu nổi. Bác bèn dùng hết sức "thần" du vợ một cái thật mạnh, miệng thì quát:

- Ốm thì chết! Chẳng học thì đừng! Ông hút đã!

Bác gái mình yếu như sên, bị đẩy một cái quá mạnh, ngã lăn đùng ra, máu mồm, máu mũi đổ ra lênh láng. Cậu Nghĩa thấy mẹ ngã, vội chạy lại ôm chầm lấy mẹ, kêu lên một tiếng rồi ngất hẳn người đi...

Một lúc sau, người ta chỉ nghe tiếng đàn bà khóc, tiếng trẻ khóc, tiếng mẹ gọi con, con gọi mẹ não nùng ai oán mà tuyệt nhiên chẳng thấy tăm hơi bác Cả giai đâu.

Bác đi đâu...??? Bác đi mua thuốc.

Trong buồng, ngọn đèn dầu vẫn còn le lói... ả phù dung như mỉm miệng cười."

Ký giả viết đến đây, rùng mình sởn gáy, bút cầm ở tay rơi ra, muốn viết mà không sao viết được nữa.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1975. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)