Họa ký
của Hàn Dũ, do Phan Khôi dịch

Bản dịch đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 176 (10. 11. 1932)

Ghi các nhân vật của một quyển vẽ của HÀN DŨ

Hàn Dũ là một bực đại văn hào ở nhà Đường. Nguyên bên Tàu, sau khi nhà Hán mất rồi, trải qua Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần, Tùy, rồi đến Đường, kể cả thảy tám đời, hơn năm trăm năm, người ta quen chuộng lối văn biền ngẫu, tranh đua nhau về sự phù hoa mà bỏ mất thiệt dụng, ấy là một thời đợi mà văn học suy đồi lắm. Vào khoảng nhà Đường lập quốc chừng hai trăm năm thì Hàn Dũ sanh ra. Ông công kích lối văn biền ngẫu mà lập lại cái nền tản văn theo như nhà Hán về trước. Từ đó sĩ phu hóa theo mà cái văn thể biến đổi đi; họ đặt tên cái văn thể của ông là "cổ văn", và lối cổ văn ấy được trọng dụng từ đó cho đến đời gần đây, càng ngày càng thạnh.

Hàn Dũ, bởi có cái thành tích về văn học lớn lao rực rỡ như vậy cho nên được nhiều lời khen ngợi tốt lắm. Học giả đương thời thì coi ông như "núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu"; người đời sau cũng công nhận rằng "cái văn của ông đã dấy lại sự suy kém của tám đời" (văn khỉ bát đợi chi suy).

Thi của ông cũng có đặc sắc. Xưa nay hễ làm văn gia thì thường hay kém về thi, thi gia thì thường hay kém về văn; mà ông Hàn Dũ thì gồm hai mặt đều giỏi hết, cho nên xưng ông bằng đại văn hào, thật là xứng đáng lắm.

Họ Hàn có văn tập truyền lại. Tập nhiều đến mấy chục cuốn, trong đó lấy hàng ngàn bài mà kể. Có mấy bài được danh tiếng nhứt, là như "Bình Hoài tây bia", "Gián nghinh phật cốt biểu", "Nguyên đạo".... là những bài mà nhiều sách Cổ văn hay trích ra để làm khuôn làm mẫu.

Bài "Họa ký" sẽ dịch đây là một bài vắn vắn trong Hàn tập, đầu đuôi chừng chỗ bốn trăm chữ, chép chuyện tầm thường, lâu nay ít ai kể tới; nó mới được thưởng thức chừng hơn mười năm nay bởi ông Lương Khải Siêu.

Họ Lương nói rằng: "Tôi cho bài Họa ký là bài văn kiệt tác thứ nhứt trong tập Xương Lê".

Vả trong hàng ngàn bài của nhà đại văn hào, họ Lương không lựa lấy những bài người ta thường đem ra làm khuôn làm mẫu, mà lại cho một bài bấy lâu bị xem thường, là kiệt tác, điều đó có phải là có ý thiên khích chăng?

Họ Lương có vì bài ấy làm một đoạn giảng nghĩa, chỉ ra cái chỗ tại sao mà cho là hay, tại sao mà cho là kiệt tác thứ nhứt.

Vậy chúng tôi dịch bài Họa ký của họ Hàn ra đây rồi dịch luôn đoạn giảng nghĩa của họ Lương. Chắc hẳn độc giả những người ưa văn phải lấy làm vui mà xem vậy. – P.K.

*

* *

Đóng lộn những bức vẽ nhỏ về người và vật xưa nay chung làm một quyển. Cỡi mà đứng: năm người; cỡi mà mặc giáp, cầm binh khí và đứng: mười người. Một người cỡi và cầm cây cờ đứng trước. Cỡi mà mặc giáp, cầm binh khí, đi và dắt: mười người; cỡi và có mang đồ: hai người; cỡi mà cầm đồ: hai người; cỡi và ẵm con chó săn: một người; vừa cỡi vừa dắt: hai người; vừa cỡi vừa lùa: ba người; cầm cái dàm cái khớp mà đứng: hai người; cỡi mà xuống, nương mình ngựa, đứng để con khướu trên cánh tay: một người; vừa cỡi vừa lùa cho lội: hai người; đi chưn mà lùa như kẻ chăn: hai người; ngồi mà chỉ vẽ: một người; mặc giáp, đội mão trụ, tay cầm cung, tên, phủ, việt, và đứng như trồng: bảy người; mặc giáp, đội mão trụ, cầm cờ, đứng như trồng: mười người; mang đồ trên vai: bảy người; nằm ngủ và nghỉ: hai người; mặc giáp, đội mão trụ, ngồi mà ngủ: một người; đương lội: một người; ngồi mà trật chưn ra: một người; ngó bộ lạnh, đương sưởi lửa: một người; cầm những đồ đạc đương làm việc: tám người; bưng cái hồ và tên: một người; đương dọn ăn: mười một người; múc cái nầy rót qua cái kia: bốn người; dắt bò: hai người; lùa lừa: bốn người. Một người chống gậy mà có mang đồ. Đàn bà bồng con ngồi trên xe mà ngó thấy được là: sáu người; hoặc lên xe, hoặc xuống xe là: ba người. Con nít đương dỡn với nhau: chín đứa. Hết thảy việc của người là ba mươi hai việc, người vừa kẻ lớn vừa con nít là một trăm hai mươi ba, mà chẳng có việc nào hay người nào giống nhau.

Ngựa, con lớn: chín con. Trong đám ngựa lại có: con trên, con dưới, con đi, con dắt, con lội, con đứng trên bờ, con ngóng cổ, con ngó ngoái đằng sau, con hí, con nằm, con nghỉ, con đứng, con đứng hai chưn, con nhai, con uống, con đái, con lên, con xuống, con ngứa cà vào cây, con khịt, con ngửi, con vui mà dỡn nhau, con giận mà cắn đá nhau, con đương có người bỏ cỏ, con đương có người cỡi, con tế nước lớn, con phóng, con chở đồ, con chở chồn và thỏ. Hết thảy việc của ngựa là hai mươi bảy, ngựa vừa lớn vừa nhỏ là tám mươi ba con, mà chẳng có việc nào con nào giống nhau.

Bò vừa lớn vừa nhỏ mười một con. Thác đà ba con. Lừa bằng số thác đà mà thêm một. Khướu một con. Chó, dê, chồn, thỏ, hươu, nai, cọng ba chục con.

Xe ba cỗ. Binh khí là những đồ như cung, tên, cờ, dao, gươm, xà mâu, thuẫn, áo cung, bao tên, giáp, trụ, lại những đồ vặt như bình, vò, tơi, nón, giỏ, oi, nồi, chảo, là những đồ dùng vào việc ăn, uống, mặc, đựng, với đồ chơi như là hồ, tên, bàn cờ vây, hết thảy là hai trăm năm mươi mốt cái, cái nào cũng khéo hết chỗ nói.

Niên hiệu Trinh Nguyên, năm giáp tuất, tôi ở kinh đô, nhàn rỗi không có việc gì hết, có người ở chung kêu là Độc Cô Thân Thúc mới được quyển vẽ nầy, đánh cờ với tôi, may tôi ăn được. Đối với quyển vẽ nầy, ý tôi rất lấy làm báu xót; tôi cho là không phải một người thợ xuất tứ mà vẽ ra được, đó có lẽ là nhóm hết bao nhiêu cái sở trường của nhiều người, cho nên dầu có ai mua bạc trăm tôi cũng không bằng lòng bán.

Năm sau, ra khỏi kinh đô, đến Hà Dương, tôi cùng vài ba người bạn luận cái phẩm cách của sự vẽ, nhơn đem quyển vẽ nầy ra xem. Ngồi đó có quan Thị ngự họ Triệu, là người quân tử, thấy thì buồn thiu, dường như có cảm xúc gì. Một chốc chi rồi ông ta nói rằng: "Ê! cái nầy là bởi chính tay tôi đã rập ra đây. Nó bị mất, đã gần hai mươi năm nay rồi. Tôi hồi nhỏ vốn có chí về nghề vẽ, khi được bổn chánh, tôi bỏ cả công việc mà rập được ra nó đó. Lúc đi chơi trong đất Mân làm mất đi. Mỗi khi ở một mình vô sự, tôi lại cứ nhớ đến nó". Tôi đã tiếc nó lắm, lại cảm cái việc ông Triệu, nhơn đưa tặng ông, mà ghi cái hình trạng và cái số của người và vật, hầu mỗi khi xem lại để giải khuây.

*

* *

Ông Lương Khải Siêu có một bài "Dạy phép làm văn cho học trò trung học trở lên", một đoạn nói về lối văn ghi chép, nói như vầy:

Lối văn ghi chép có khi đem trọn cả sự thiệt về khách quan ra mà ghi chép. Lệ như bài Họa ký của Hàn Dũ, trong đó ghi chép người và vật về sự săn bắn của một quyển vẽ. Dùng hơn bốn trăm chữ mà đem trọn cả người và vật và khí cụ trong một quyền vẽ ghi vào; làm cho bây giờ chúng ta đọc đến, phảng phất như là thấy bức vẽ nguyên ấy. Tôi thường cho bài đó là bài kiệt tác thứ nhứt trong văn tập Xương Lê. Cái bài kiệt tác ấy thật đã tốn công phu tổ chức nhiều lắm mới làm được như vậy.

Tác giả trước hết đem người và vật trong cả quyển vẽ chia làm bốn bộ phận lớn: một là người; hai là ngựa; ba là giống động vật khác; bốn là các đồ khí cụ.

Bộ phận thứ nhứt và thứ nhì thì dùng phép kể nẻ nóc; bộ phận thứ ba thứ tư thì dùng phép kể tóm tắt. Cách tổ chức và thống hệ, đã lập định trước như vậy rồi, khi ấy mới lại sắp đặt những tài liệu trong quyển vẽ cho đâu ra đó. Tả trạng thái người ta thì nên tả thật kỹ: tác giả bèn kể ra thật nẻ nóc, trước tả người lớn, sau tả đàn bà con nít; trong đám người lớn lại tả người cỡi ngựa trước, tả các việc khác sau; trong đám cỡi ngựa lại chia ra từng loại; trong các việc khác, lại cũng chia ra từng loại; nói rõ làm cái trạng thái kia là bao nhiêu người, làm cái trạng thái nọ là bao nhiêu người; rồi tổng kết bằng: "Hết thảy việc của người là ba mươi hai, người vừa kẻ lớn vừa con nít là một trăm hai mươi ba, mà chẳng có việc nào người nào giống nhau".

Thứ đến kể ngựa, cũng kể nẻ nóc cái trạng thái chúng nó, mà không kể rõ số ngựa làm cái trạng thái kia mấy con, làm cái trạng thái nọ mấy con; tuy vậy chỗ tổng kết cũng dùng một bút pháp như trên, nói rằng: "Hết thảy việc của ngựa là hai mươi bảy, ngựa vừa lớn vừa nhỏ tám mươi ba con, mà chẳng có việc nào con nào giống nhau".

Thứ đến kể các động vật khác thì chỉ nói: "Bò lớn nhỏ mười một con, thác đà ba con..." Chỉ nói số mục mà thôi, chớ không tả đến trạng thái.

Thứ đến kể các đồ khí vật, thì chia ra đồ binh khí, đồ ăn, uống, mặc, đựng, đồ chơi ba loại, rồi kể gồm cả là hai trăm năm mươi mốt cái, không tách ra mỗi thứ đồ là có mấy cái nữa.

Bài văn ấy không có mấy chữ mà tả được những cái trạng thái tế toái và phức tạp, làm cho người ta xem vào, liền thấy rõ ràng, rồi cũng phát sanh ra cái mỹ cảm về văn chương nữa. Hỏi chớ họ Hàn sao mà làm được cái bài như thế ư? Đáp rằng: Cái công phu cốt yếu nhứt là ở sự chia từng loại ra mà quan sát bằng một cách có thống hệ. Trước hết nhận thấy phần chánh, phần phụ, cái khinh, cái trọng cho minh bạch; rồi thì đem những bộ phận chánh và trọng đó theo từ từng nẻ nóc mà tả ra, thì tự nhiên không phí lời mà sự mình muốn tả được rõ ràng vậy. Văn ghi chép thì dùng bài nầy làm mẫu mực là tốt hơn hết.

C. D. dịch

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)