Hạnh Thục ca
CỔ VĂN VIỆT NAM
TIỀN TRIỀU LỄ-TẦN
NGUYỄN NHƯỢC THỊ
幸蜀歌
HẠNH
THỤC CA
Lệ thần TRẦN TRỌNG KIM
phiên-dịch và chú-thích
SÁCH BỔ QUỐC-SỬ
TÂN VIỆT
CỔ VĂN VIỆT NAM
TIỀN TRIỀU LỄ-TẦN
NGUYỄN NHƯỢC THỊ
HẠNH THỤC CA
幸蜀歌
Lệ thần TRẦN TRỌNG KIM
phiên-dịch và chú-thích
SÁCH BỔ QUỐC-SỬ
TÂN VIỆT
HẠNH THỤC CA của bà Lễ tần NG. NHƯỢC THỊ
do cụ TRẦN TRỌNG KIM phiên dịch và chú
thích, in lần thứ nhất do nhà TÂN-VIỆT xuất-
bản ngoài những bản thường có in riêng
mười lăm bản đẹp trên giấy trắng — ba
bản đánh dấu T.V.—T.T.K.—L.V.V.
và mười hai bản đánh dấu từ
A I. đến A XII.— những bản
nầy đều không có bán
BẢN :::::::::::::::::
TỰA
Kể từ khoảng cuối thế-kỷ XIX và đầu thế-kỷ thứ XX là khoảng thời-gian cái chủ-nghĩa thực-dân ở bên Âu-tây đang lên mạnh. Những nước ở bên Á-đông như Trung-hoa, Nhật-bản, Cao-ly, Việt-nam và Xiam đều là những nước tuy có văn-hóa tối cổ, có nền chính-trị phân-minh, có kỷ-cương, có chế-độ rõ-ràng, nhưng vì kém-hèn về đường vũ-bị, cho nên đều thành ra những miếng mồi của những nước thực-dân như nước Anh, nước Pháp, nước Đức, nước Nga, v.v...
Song mỗi một nước trong những nước suy-nhược ấy có một hoàn-cảnh, một tình-thế đặc-biệt, cho nên có nước như Nhật-bản, chóng thoát khỏi sự uy-hiếp của các nước thực-dân; có nước như Trung-hoa và Xiam tuy không đến nỗi mất nước, nhưng cũng bị uy-hiếp khá nặng; có nước như Việt-nam ta thì không những mất cả quyền tự-chủ mà còn bị người ta làm tiêu ma mất cả tinh-thần quốc-gia nữa.
Từ đó về sau nước Pháp chỉ chờ có cơ-hội thuận-tiện là vào đánh lấy đất-đai và uy-hiếp đủ mọi đường. Cái phương-sách của người Pháp là đi từ từ từng bước một, trước lấy một nửa Nam-Việt, sau lấy cả Nam-Việt. Khi công-cuộc ở Nam-Việt đã xếp-đặt đâu ra đấy rồi, bấy giờ mới tìm cách ra lấy Bắc-Việt. Lần đầu vào năm Quí-dậu (1873) quân Pháp ra lấy thành Hà-nội rồi lại trả lại, để mười năm sau là năm Nhâm-ngọ (1882) lại đánh lấy lần nữa. Qua năm Quí-vị (1883) quân Pháp xuống lấy thành Nam-định, rồi đến tháng tư năm ấy, người thống-suất quân Pháp là Hải-quân đại-tá Henri Rivière bị quân Cờ-đen giết ở gần Ô Cầu-giấy. Trong khi quân Pháp vào đánh phá, việc nước rối-loạn, thì vua Dực-tông thăng-hà ở Huế vào ngày tháng sáu. Ngài trị-vì được 36 năm.
Từ đó về sau, trong khoảng năm sáu năm, bao nhiêu những sự đau buồn xẩy ra ở đất Việt-nam. Pháp đã định đánh lấy nước ta, thì lẽ tất nhiên là ta phải đánh lại, song vì sức không đủ, phải nhờ quân Tàu sang cứu-viện, thành ra trong khoảng từ năm Quí-vị (1883) đến năm Ất-dậu (1885) đất Bắc-Việt khắp nơi bị tàn phá. Quân Pháp thấy tình-thế khó-khăn, bèn sai Hải-quân thiếu-tướng Courbet sang đánh thành Phúc-châu và vây đảo Đài-loan. Thế bất-đắc-dĩ, triều-đình nhà Thanh phải ký hòa-ước ngày 27 tháng tư năm Ất-dậu (1885) ở Thiên-tân, cam-đoan rút quân Tàu ở Bắc-Việt về và nhận để nước Pháp được quyền tổ-chức cuộc Bảo-hộ ở Việt-nam.
Bảo-hộ là một chính-sách thuộc-địa rất khôn-khéo. Khi quân Pháp đã chinh-phục được cả nước rồi, cứ để nguyên chế-độ và các danh-vị cũ, chỉ cốt đem những người thân-tín hay tôi-tớ của mình vào giữ các chức-vị để dễ sai khiến. Dần dần người Pháp thu hết cả thực quyền vào tay mình. Những việc như binh-bị, tài-chính, cai-trị và giáo-dục v.v...đều do người Pháp chủ-trương và điều-khiển. Người bản xứ từ vua quan trở xuống hoặc chỉ được giữ cái hư-vị, hoặc chỉ được làm những chức-vụ thừa-hành ở dưới quyền chỉ-huy của người Pháp. Theo cái chính-sách ấy thì dân-khí trong những xứ Bảo-hộ mỗi ngày một suy-nhược đi, lâu dần thành ra một hạng người làm tôi-tớ rất giỏi, mà không có cái tư-cách làm người tự-chủ nữa.
Đại-khái những việc ấy ta có thể xem sách vở của Tây hay của ta mà biết được, còn những việc xẩy ra ở kinh-thành Huế sau khi vua Dực-tông mất rồi, thì ít người biết được rõ. Việc triều-chính lúc ấy rối-loạn do hai người quyền-thần muốn thừa cơ mà chuyên-quyền túng-tứ. Hai người ấy là Nguyễn văn Tường và Tôn-thất Thuyết, một người coi tiền-tài và quan-lại, một người giữ hết cả binh-quyền ở trong tay. Hai người thoạt đầu tiên đổi di-chiếu của vua Dực-tông, bỏ hoàng-trừ Dục-đức, cách chức quan ngự-sử Phan đình Phùng và lập vua Hiệp-hòa. Được hơn bốn tháng sau, hai người lại bỏ vua Hiệp-hòa rồi đem giết đi, giết cả quan nguyên Phụ-chính Trần Tiễn-Thành và lập vua Kiến-phúc. Lúc bấy giờ Tôn-thất Thuyết mộ quân Phấn-nghĩa để giữ mình và thường hay tiếm dùng nghi-vệ của vua; Nguyễn văn Tường thì lấy tiền hối-lộ của lũ khách buôn, cho chúng đem một thứ tiền đúc ở bên Tàu, theo niên-hiệu Tự-đức, gọi là tiền sềnh, tiền rất xấu và rất mỏng, bắt dân ở kinh-kỳ phải tiêu.
Vua Kiến-phúc lên làm vua được sáu tháng thì mắc bệnh, mất một cách khả ngờ. Tường và Thuyết lập ông Ưng-Lịch mới 12 tuổi lên làm vua, tức là vua Hàm-nghi. Triều-đình lúc ấy việc gì cũng do hai người quyền-thần ấy quyết-định hết cả. Ông Dục-đức đã bị truất, không được làm vua, đến bấy giờ cũng bị giết. Hoàng—thân quốc—thích ai làm điều gì trái ý hai người ấy đều bị giết hay bị đày.
Những việc ấy đều là việc bí-mật ở trong Triều, người ngoài khó mà biết được rõ-ràng. May nhờ lúc ấy có bà Lễ-tần Nguyễn-nhược-thị đem những sự bà đã tai nghe mắt thấy mà kể ra trong một bài ca có 1018 câu thơ lục bát, gọi là Hạnh Thục Ca幸蜀歌.
Bà Nguyễn-nhược-thị (1830-1909) người ở Phan-rang, thuộc tỉnh Khánh-hòa, con gái quan Bố-chánh Nguyễn-nhược Sâm. Bà có khiếu thông-minh, nổi tiếng có tài văn-học, được tuyển vào trong cung ngay từ đầu đời Tự-đức, rồi được phong chức Lễ-tần là một chức nữ-quan dưới bậc phi. Sau bà được cử làm chức bí-thư hầu bà Từ-dụ Thái-hậu là mẹ đức Dực-tông. Vua Dực-tông thờ mẹ rất có hiếu, mỗi tháng cứ 15 ngày thiết triều bàn việc nước với các quan, 15 ngày sang chầu cung, tức là sang chầu mẹ, trong nước có việc gì quan-trọng cũng tâu cho mẹ biết. Bởi vậy bà Lễ-tần Nguyễn-nhược-thị có thể biết đúng những sự thực theo cái quan-điểm của người mình lúc bấy giờ, mà quyển sách của bà là quyển sách có giá-trị đặc-biệt về một đoạn lịch-sử của nước ta. Sao bà Nguyễn-nhược-thị lại đề nhan sách của bà là Hạnh-Thục ca ? Là vì bà thấy cái hoàn-cảnh triều Nguyễn lúc ấy phải bỏ kinh-thành chạy ra Quảng-trị và Quảng-bình giống như cái hoàn-cảnh triều-đình nhà Đường bên Tàu ngày xưa. Vua Minh-hoàng bị giặc An-lộc-sơn đánh, phải bỏ kinh-thành Trường-an chạy vào đất Thục để lánh nạn. Theo cái nghĩa chữ nho, khi vua đi đến đâu gọi là hạnh. Hạnh Thục là vua đi đến đất Thục. Vì có cái hoàn-cảnh hơi giống nhau như thế, cho nên bà Nguyễn-nhược-thị mới lấy hai chữ ấy mà đề nhan quyển sách của mình.
Văn của bà Nguyễn-nhược-thị viết bằng chữ nôm, văn-từ lưu-loát, nhưng có nhiều tiếng đọc theo dọng nói ở vùng Nam Trung thì đúng vần, mà đọc đúng vần quốc-ngữ, thì sai. Bởi vì những tiếng có chữ n đứng cuối-cùng thường được đọc như tiếng có chữ ng. Thí-dụ: an đọc ra ang ; ăn đọc ra ăng , xuân đọc ra xuâng , khoan đọc ra khoang , hờn đọc ra hờng , thần đọc ra thầng , đèn đọc ra đèng , quyền đọc ra quyềng v.v...
Lại có một vài câu thơ lạc vận, nhưng đó có lẽ là khi người chép lại viết sai, chứ không phải lỗi tại tác-giả.
Vả cái giá-trị quyển sách của bà Nguyễn-nhược-thị là không phải ở câu văn, mà ở những tài liệu của bà đã nhặt được để giúp nhà làm sử sau này. Cũng vì thế mà khi tôi tìm được quyển sách này ở Huế, tôi liền đưa cho trường Bác-cổ sao lấy một bản, tôi lại cho ban Văn-học ở Khai-trí-tiến-đức sao lấy một bản. Còn bản của tôi giữ, thì đem dịch ra làm mấy bản bằng quốc-ngữ, phòng khi ở chỗ này mất, thì ở chỗ khác hãy còn. Ấy cũng nhờ vậy mà sau cuộc binh lửa cuối năm Bính-tuất (1946) bao nhiêu sách vở của tôi bị đốt cháy, mà còn có người giữ được một bản bằng quốc-ngữ. Nay tôi đem chú-thích những tiếng khó bằng chữ nho và những tiếng tối nghĩa, rồi chia nguyên-văn ra từng đoạn, có đề-mục nhỏ ở cạnh rìa, để người ta xem cho dễ hiểu.
Quyển sách này tuy về đường hình-thức thì bé nhỏ, nhưng về đường lịch-sử, nó có cái giá-trị khá lớn, cho nên tôi vui lòng đem in ra để làm một sách bổ quốc sử rất tiện-lợi cho những người muốn biết những biến-cố ở kinh-thành Huế, do một người Việt-nam có địa-vị đặc-biệt đã kể lại, trong thời-kỳ người Pháp mới sang lập cuộc Bảo-hộ ở đất này.
Viết tại Hà-thành, tháng quí thu, năm Canh dần
(Octobre 1950)
Lệ-thần TRẦN TRỌNG KIM
HẠNH THỤC CA
Lời mở đầu nói sự kế truyền ở nước Việt-nam
Trải xem trị loạn lẽ thường xưa nay.
Thịnh suy thế vận lần xoay,
Non sông như cũ đổi thay không cùng.
Nước ta Nam-Việt phân phong,
Hiệu Hồng-bàng-thị vốn dòng Thần-nông.
Trị đời mười-tám vua Hùng,
Hai ngàn năm lẻ đều cùng nối noi.
Thói quen chất-phác ít-oi[1],
Nào từng biến hóa, những vui yên lành.
Đến tuần thái cực bĩ sinh[2],
Bị người Trung-quốc đánh giành lần sang.
Đều là phút dậy phút tàn,
Mấy trăm năm ấy rối loàn xiết chi.
Nổi lên Đinh, Lý, Trần, Lê,
Bởi vì phúc hậu mệnh kia trời dành.
Lại hay sửa trị chính lành,
Vậy nên đặng hưởng tôn vinh nghiệp dài.
Mục lân[3] thần phục nước người,
Giữ-gìn cương thổ mấy đời trị-an.
Đến sau chính sự đãi-hoang[4],
Ngụy Tây[5] thiết cứ[6] bạo cường ngược dân.
Vua Gia Long ra đời
Hoàng triều khải vận dẹp quân hung-tàn.
Mở-mang bờ cõi phong-cương[8],
Thay Lê diệt Trịnh sửa-sang mối giường.
Lựa bày lễ nhạc, văn-chương,
Thần truyền thánh kế muôn phương đức nhuần.
Dân vui cõi thọ đài xuân[9],
Sáu mươi năm lẻ, hưu-trưng[10] thái-bình.
Nào dè bĩ vận gần sinh,
Hoàng-kỳ-tặc tới Bắc-kinh quấy rầy[11].
Lại thêm thủy hạn thường ngày[12],
Ơn ra nhờ chúa khéo xoay khỏi nàn.
Pháp sang lấy Nam Việt
Băng ngàn vượt biển lướt sang giòm hành.
Thẳng vào Gia-định tung hoành,
Cậy nghê tàu súng phá thành như chơi.
Ngăn-ngừa không mặt hùng tài,
Cát lầm, thương bấy dân trời một phương.
Chước hòa vậy phải tạm khoan,
Ghi thù sau sẽ liệu toan rửa hờn.
Quyền nghi hết sức lo lường[13],
Sai quan đi sứ[14] trăm đường tổn hao.
Cầu hòa ba tỉnh cắt giao,
Hãy còn ba tỉnh lẻn vào cướp không[15].
Liều mình dốc vẹn niềm trung,
Nhịn ăn cho chết, Phan công hết lòng,
Tóm thu sáu tỉnh Nam Trung,
Lại đòi tiền bạc bồi cùng năm năm.
Chịu mềm chỉn đã rất căm,
Lòng tham nào khác như tằm ăn lên.
Làm cho nhọc lượng lo phiền,
Càng ngày càng thấy những thêm việc vàng.
Giặc ở Bắc-Việt
Thêm đoàn Bắc khấu quân ngoan[16] cùng dòng.
Song nhờ chế biến khéo dùng,
Chòm ong, lũ kiến đều cùng quét thanh.
Vua Tàu tuy có giúp binh,
Lấy rồi việc cũng khoe mình rằng công[17].
Giặc chưa tắt, việc chưa xong,
Biết bao tiền của cấp cung hao phiền,
Mấy năm sau mới chút yên,
Tàu vừa dẹp đặng, Tây liền lại gây.
Pháp đánh Bắc-Việt lần thứ nhất
Quyết lòng trở mặt ra tay cướp vầy.
Thình-lình lửa dậy đạn bay,
Sa cơ trí dũng tướng rày bị thương[18].
Trượng-phu trác trác[19] gan vàng,
Lăm bêu đầu giặc, sá màng thuốc hay.
Đã đành chín suối chơi mây,
Danh thần tiết liệt xưa nay cùng truyền.
Dâng công, An-nghiệp[20] tài hèn,
Bị Lưu Vĩnh-Phúc giết liền, rất ưng[21].
Sài lang thói dữ chút răn,
Đất thành giao lại, quan quân tha về.
Hiểm sâu chước quỉ khôn dè,
Miễn là đặng của kể gì ước giao.
Những người lấy đức rộng bao,
Tín thành cảm đến Mọi Lào mến ân.
Vậy nên dẹp thói lung-lăng,
Mấy mươi năm ấy dân chăng khốn nghèo.
Tới năm Nhâm-ngọ đánh liều làm hung.
Long-thành[22] pháo lửa đùng đùng,
Một gươm Hoàng Diệu gan trung ai bì.
Nghìn thu để tiếng Bắc-kỳ,
Lánh nàn trộm sống[23] kể chi những người[24].
Cướp thành thu-thập tiền tài,
Bấy giờ Tây chẳng xem ai ra gì.
Lại đòi bảo-hộ mới kỳ,
Dám làm uy phúc, khinh-khi quá chừng.
Cả triều võ tướng văn thần,
Nhìn nhau lẳng-lặng biết rằng mưu chi.
Phải lo phòng thủ cơ nghi,
Giúp lành còn cậy an nguy có trời.
Vua Dực-tông mất
Ôm lòng luống những vắn dài thở than.
Nước nhà muôn việc sửa-sang,
Chứa lo nên bệnh thuốc-thang khôn bồi.
Hóa-thành[25] đội đức dầm-dười,
Ai là ai chẳng lạy trời thương vua.
Tôi con đều dạ âu lo,
Hết lòng cầu khấn xin cho thọ trường.
Trời kia sao nỡ chẳng thương,
Xe rồng vội giục vân hương tếch vời.
Cảm thay Thánh-mẫu bảy mươi tác già.
Than ôi như cắt ruột-rà,
Thà cùng đều thác chẳng thà lòng đau.
Sụt-sùi huyết-lệ thấm bào,
Một phen vĩnh biệt muôn thâu thảm sầu.
Vâng lời di chúc để sau,
Việc nhà việc nước lo âu dặn-dò.
Ngùi trông mây tỏa Đỉnh-hồ[26],
Chúa tôi đôi ngả bảo phò ấy ai.
Than ôi đất rộng trời dài,
Từ đây nào biết sự đời làm sao.
Xót thầm vóc ngọc tuổi cao,
Nhớ chừng, thường chẳng nhãng xao bi hoài.
Tưởng khi dưới gối hôm mai,
Rất lòng thành kính chẳng sai chẳng rời.
Văn cung Thuấn mộ[27] vẹn mười,
Những mong lọn đạo, vâng vui ngày dài.
Bởi đâu vật đổi sao dời,
Tấc tình chẳng toại, mệnh trời vậy vay !
Đức-độ của vua Dực-tông
Lòng nhân tính hiếu đức tày Thuấn Nghiêu.
Tư trời học ít hay nhiều,
Vạn cơ dư-hạ[29] chăm điều bút nghiên.
Muốn cho ai cũng đều nên,
Đặt làm sách-vở để khuyên dạy người.
Chỉn là ngâm vịnh đủ tài,
Lời châu tiếng ngọc trong đời ngợi khen.
Rảnh thời dạo bắn giải phiền,
E-dè trên, những sợ kiêng mười phần[30].
Ngẫm nên lệnh chúa hiền quân,
Gặp tuần bĩ vận, gian-truân khôn nài.
Không có con nuôi cháu làm con
Cớ sao riêng chịu thiệt-thòi nối sau.
Nhân Cao nghĩa Tống (?) khác đâu,
Gót lân vắng trổ luống sâu ưu phiền.
Minh-linh[31] sớm phải chọn hiền,
Hoàng-trừ ba vị[32] nuôi khuyên bù-trì.
Sinh, nuôi nào có khác chi,
Tác thành đều đội rộng suy ơn dày.
Lượng trên há có riêng tây,
Chỉn lo tông-xã sau này vững yên.
Vậy bèn chọn kén đấng hiền,
Song mà thơ ấu chưa nên kế trì[33].
Trưởng quân vốn đã có vì,
Điều ưng vậy phải tùy nghi trao cùng.
Một thiên di-chiếu tỏ lòng,
Giữ sau răn trước đủ trong mấy lời.
Nên, hư là hệ bởi trời,
Ở sao cho vẹn đạo người ấy vay.
Lại vì lựa kẻ chân tay,
Đặt quan Phụ-chính để nay giúp phò.
Mọi điều trước dặn biểu cho,
Di-lưu[34] chẳng sót hãy lo việc đời.
Tường và Thuyết bỏ Tự-quân
Xin tôn người khác yên tình thần dân.
Gửi[38] : «Nay quốc-vận đương truân
Cầm quyền phải lựa trưởng quân mới đành.
Tùy nghi em nối nghiệp anh,
Đời xưa thường vậy, người lành ấy nên.
Lại rằng: sẵn có đấng hiền,
Quốc-công Văn-lãng đáng truyền ngôi cao[39].»
Thánh-từ kinh dị xiết bao,
Phải chăng vậy biết, làm sao bây giờ.
Sụt-sùi châu-lệ tuôn mưa,
Chẳng nghe sợ nỗi đổ thừa về sau.
Vả chăng xã tắc làm đầu,
Miễn cho yên-ổn, ai đâu[40] mà rằng.
Thảy đem ưng dạ triều-thần,
Thùy liêm[41] vậy phải trao phân tiếng vàng:
«Việc ngoài đều cậy các quan,
Làm sao cho đặng vững an nước nhà.
Ta nay vả dự đàn-bà,
Lại thêm lú-lẫn tuổi già tác cao.
Rất e những nỗi Tây Tàu,
Trong mà chẳng định, người âu quấy loàn».
Các quan vâng lĩnh lời vàng,
Xin phê y tấu truyền ban tức kỳ[42]
Tốn nhường người trước cố suy,
Nhưng lời đã định dễ từ đặng vay.
Phan đình Phùng can, bị giam
Phan đình Phùng gã thấy nay bất bình.
Trước triều ra mới nói trình :
«Tự-quân có trái lời lành, chưa can.
Bèn gia lỗi ấy sao an[43],
Ngàn thu để tiếng luận bàn về sau.
Min[44] không sợ chết cúi đầu,
Phát-minh lẽ thẳng ngõ hầu cùng nghe».
Thấy lời ai nấy sởn ghê,
Sốt gan Tường, Thuyết truyền đè xiềng ngay.
Dẫn ra ngục-thất giam vây,
Uy dường sấm sét, ai rày dám phân.
Vua Hiệp-Hòa lên ngôi
Thuận-an lại thấy người Tây quấy rầy.
Khôn nuông sức mạnh tài hay,
Thành bền lũy cứng bổ vây chạy dài,
Bởi vì ứng tiếp không ai,
Uổng lâm hoành sử[47] thương người oan thay.
Một cơn lửa dấy khói bay,
Cả đoàn tướng sĩ thoát rày không phương.
Lâm Hoành, Thúc Nhẫn[48] há thương,
Dòng quyên lai-láng túng đường liều thân.
Sa trường xót bấy quan quân,
Tấm lòng vì nước muôn xuân danh ngời[49].
Yết-hầu hiểm yếu mất rồi,
Ví như nước vỡ bờ trôi bíu bè.
Lấy ai đột pháo xông xe,
Cầu hòa phải quyết chịu bề nhận thua.
Nào là những đấng trượng-phu,
Ngày thường hay nể chẳng cho đánh bừa.
Lâm cơ mặt ngảnh tai ngơ,
Miệng hùm gan sứa bấy giờ mới hay.
Đã đành xếp mác bó tay,
Hai-mươi-bảy khoản ước rày dám sai[50].
Kinh-thành dầu đó tới lui,
Cải-canh việc nước suy đồi từ nay.
Kíp lo sắm sửa định ngày ninh lăng[51].
Bỗng đâu sinh chuyện bất bằng,
Bấm-be[52] chẳng kính dám rằng ly hoang.
Lại rằng mất cửa Thuận-an,
Bởi vì ở trước vụng toan phòng nhàn[53].
Lại truyền phô kẻ triều quan,
Chế-cân chẳng đặng lập ban đứng chầu[54].
Than thay chửa đặng bao lâu,
Nỡ nào vội đã trước sau khác lòng.
Lại nghe vu-hoặc cáo rong,
Nặng lời quở trách khiêm-cung phi tần.
Nghe ai mưu khử quyền thần,
Sự-cơ bất mật, tai truân lập tùy[55].
Đều là những sự quải phi[56],
Chẳng gìn lễ nghĩa, phúc gì đặng lâu.
Họa thai[57] bởi ấy rất mau,
Sự sinh sinh sự há đâu bởi trời,
Tưởng trông đau-đáu lòng người,
Con vua chính vị dân trời thảy ưng.
Cũng rằng vì nước, cũng rằng vì thân.
Đồng lòng ủng lập ấu quân,
Toan mưu phế trí, sớ văn tâu bày[58].
Tính vừa bốn tháng mười ngày[59],
Đặt lên cất xuống sự này tại ai ?
Chúng quan tề tập quanh ngoài,
Sớ dâng kể hết mọi lời vân-vây[60].
Bởi lòng ở chẳng biết lời,
Ngồi trên muôn cộ[61] ai vầy khứng theo.
Chỉn lo nhà nước nghiêng nghèo,
Làm tôi vậy phải quyết liều trước toan.
Chịu thời đều đặng vẹn an,
Người hay theo phép, dám can phạm gì.
Đã vầy còn hãy nói chi,
Xin cho phiên phục lại về là may[62].
Lạy xin cứu mẹ con nay,
Nghe lời người cũng xót thay những là.
Phán rằng: «Sự ấy mặc ta,
Có truyền ý-chỉ dám là chẳng vâng[63]».
Lãng-công nghe vậy, lòng mầng[64],
Soạn đồ bảo ấn giao dâng tức kỳ.
Bèn ban ý-chỉ dụ tri :
«Phụ thần nay phải tuân y lời già.
Sự này há bởi người ta,
Nay dù có lỗi cũng tha mới đành.
Huống đà chịu phép, phục tình,
Rộng dung cho đặng toàn sinh thoái hồi».
Hai quan Phụ-chính vâng lời,
Gửi: «Xin chực võng mời người kíp ra.»
Sợ e đâu dám dần-dà,
Một đoàn hầu thiếp, cùng là con dâu.
Ra vừa tới chốn thành đầu,
Phủ ông Dục-Đức, truyền hầu vào ngay.
Giết vua Hiệp-Hòa đã thoái vị và ông Trần Tiễn Thành
Sẵn dành thuốc độc ép vầy giết tươi.
Than ôi phúc họa nghĩ bài,
Cũng vì phú-quí hại người thương thay !
Quyền thần khinh mạn dường này,
Có lời truyền trước, dám rày cải sau.
Vả đồng Phụ-chính với nhau,
Trần-công chẳng thuận, đem mưu giết liền. [65]
Làm cho rõ mặt uy quyền,
Hẳn tình hiếp-chế không kiêng đã rồi.
Lập vua Kiến-phúc
Tịch-điền hãy dọn tạm ngồi một khi.
Túc-thanh[67] cung điện hộ-trì,
Mệnh quan quyên cát[68] cập kỳ đăng quang.
Trong người đều dạ hân hoan,
Gẫm xem thiên đạo tuần hoàn rất mau.
Bấy giờ đặng toại sở cầu,
Mặc-phò nhờ có trên đầu khiến xui.
Tháng mười năm ấy Quí-mùi,
Mồng-ba hiệp-cát[69] lên ngôi cầm quyền.
Hiệu xưng Kiến-phúc kỷ nguyên,
Trong ngoài yên định, dưới trên thuận tùy.
Giúp trong nhờ có mẫu nghi[70],
Ngoài thời thứ chức cơ nghi giữ-gìn.
Ý thân lại lựa đấng hiền,
Gia-hưng phụ-chính Chỉ truyền kính vâng.
Nhưng cùng Pháp-quốc giao-lân,
Cũng cho triều yết, cũng thân[71] ước điều.
Làm lễ Ninh lăng cho vua Dực-tông
Pháp sách-nhiễu mọi điều ở Huế
Pháp-lan lại tới hứng hành sách yêu.
Mấy nơi hiểm-yếu đất nhiều,
Khiến nhường đó ở, chẳng theo ắt ngầy.
Bình-đài[74] chiếm trước về tay,
Kinh-thành hai mặt đất nay cũng nhường,
Mưu sâu cứ hiểm tự cường,
Khiến ta lâm biến khôn đường giữ ngăn.
Sợ oai dám nói phải chăng,
Ôm lòng vuốt dạ ăn năn thêm sầu.
Lại hiềm tòng-phục người Tàu,
Vua Tàu phong ấn, truyền mau nộp rày.
Lửa gần rất khổ nỗi Tây,
Nước xa để đợi Tàu hay[75] còn gì.
Phải đem ấn nọ nộp đi,
Tây liền tiêu-hủy chẳng vì chẳng phân.
Quan ta ai dám nói rằng,
Mặt nhìn miệng cũng ngập-ngừng chân lui.
Quyền thần hoành-hành trong kinh
Nỗi mình lấn hiếp nghĩ thôi rất kỳ.
Chẳng qua gặp buổi suy-vi,
Hoàng thân quốc thích gian-nguy khôn cùng.
Ở đời chẳng giữ đạo trung,
Xu viêm phụ nhiệt[76] những mong sang quyền
Gặp khi đến lúc ngả nghiêng,
Người nghèo, ắt cũng lụy liên tới mình.
Lạng-công xẩy gặp bất-bình,
Quốc-công Tuy-lý thất-kinh lo lường.
Sợ rằng bầy đảng tội mang,
Tới cầu Pháp-quốc giải nàn họa may.
Nào hay Tây chẳng nạp rày,
Phải về chịu phép thoát nay không đường.
Một nhà thảy bị giam phòng[77],
Ông Phong, ông Hải cũng mang tai-nàn.
Hường Phì, Hương Giáp hai chàng,
Đều tra thuốc độc chẳng khoan nỡ lòng.
Ngạnh cường chẳng khứng phục tòng,
Kỳ-anh-Công cũng theo vòng chết oan.
Thương thay lá ngọc cành vàng,
Vì sao nên nỗi lạc ràng khổ thay ?
Bảo thân phải có chước hay,
Thời chi đến nỗi họa lây lửa thành[78].
Sợ lo ai nấy giữ mình,
Ai làm nguy khổ oan tình mặc ai.
Kêu-rêu nào dễ thấu trời,
Đã đành chậu úp khôn soi chốn mờ.
Vua thời còn hãy ấu thơ,
Mặc lòng sinh sát bắt tha uy quyền.
Tiếm dùng nghi-vệ chẳng kiêng,
Lung-lăng nghấp-nghé ý riêng đã bày.
Binh quyền trao kẻ chân tay,
Mộ quân Phấn-nghĩa để nay hộ mình.
Hường Chuyên lại với Hường Thành,
Vốn cùng mưu mật nỡ đành giết oan,
Chút hờn chẳng khứng nhiêu khoan[79]
Đãi người luống những bạo tàn nghi sai[80].
Pháp tiền[81] dân chẳng vâng lời.
Phố-phường chợ búa bời bời dậy la.
Uy hành cấm trấp hỏi tra,
Song dân chẳng phục dức la thêm ồn.
Phải dùng ý chỉ cam ngôn[82],
Khâm tuân phủ dụ biết tôn biết vì[83].
Gẫm xem việc nước suy-vi,
Cũng vì hối hóa[84] tiền kia thông đồng.
Làm tôi chẳng giữ sạch trong,
Phì gia ích kỷ thửa lòng làm sao,
Vả rằng nhà nước tổn hao,
Chưng nay tế-tự thể nào cũng nên.
Thọ-xuân-Vương cũng hòa khen,
Bên bày tân lễ giảm quyên[85] quá chừng.
Thánh xưa lời để dạy răn,
Mất dê mất lễ ấy rằng sao nên.
Đều là chính lệnh quai khiên[86],
Đứa ngu chịu tội người hiền lánh thân.
Đành lòng trông đợi ấu quân,
Lớn khôn sửa trị họa chăng sau này.
Vua Kiến-phúc mất
Trị vì sáu tháng bệnh rày lại mang.
Hết lòng khấn vái thuốc thang,
Gẫm âu số mệnh đành khôn cải trời[87].
Nương mây phút sớm tếch vời,
Năm thân tháng sáu rụng rời cành xuân[88].
Tưởng ân quyến cố truân truân[89],
Mười phân báo bổ chút phân chưa đền.
Luống làm tiện việc chẳng kiêng,
Bồi lăng nay cũng phục bên cấm thành[90].
Tường và Thuyết nói có di-chiếu lập ông Ưng Lịch
Bỗng đâu lại có sự sinh dường này.
Di ngôn cũng có lời nay,
Cũng là niên thiếu em rày dám trao.
Thật chăng dường dễ biết bao,
Nghe rằng di chúc truyền giao phụ-thần.
Kỳ-anh lại với Gia-hưng,
Đem lời phải chẳng phân trần tâu qua.
Phán rằng: «Việc có quan gia,
Để xem triều-sĩ nói ra thế nào».
Nóng lòng cạn nghĩ không nao,
Phên dày đã dễ mèo quào đặng vay.
Tiên mưu vốn đã định rày,
Luống là chác họa chẳng hay giữ mình.
Lượng trên há chẳng thấu tình,
Chỉn lo rối lọan triều-đình khôn an.
Dụ truyền: «Di-chúc có ban,
Bảo-phò phó mặc các quan lo lường».
Mừng đà quốc bính quyền đương[91],
Lăm phò thiếu chúa chi màng trưởng quân.
Ẩn-vi việc ấy khôn phân,
Cơ-quan quỉ-quyệt ai chăng lắc đầu.
Chẳng lo nghị-luận về sau,
Cành kia cỗi nọ chắp nhau là dường.
Để lòng ai dám nói bàn,
Việc Đình-Phùng đó ngay can ích gì.
Cùng nhau vâng thuận một bề,
Hãy xem việc nước yên nguy sau này.
Vua Hàm-Nghi lên ngôi
Hàm-nghi niên-hiệu ban ngay trong ngoài.
Lập triều bái hạ đủ người,
Kỳ-anh thiếu mặt khen tài cả gan.
Vậy nên đến nỗi chết oan,
Râu hùm vuốt ngược phòng toan khỏi vào.
Làm cho thiên-hạ trông vào.
Hoàng thân còn vậy, huống bao những người.
Kinh tâm ai chẳng nép oai,
Người Tây thấy trái thử chơi buông lời:
«Làm vua há chẳng có người,
Mà đem con trẻ thay ngôi cầm quyền.
Gia-hưng tác lớn đức hiền,
Chưng nay sửa trị lý nên ủng phò».
Yếm tình lời thử họa cho,
Nên hư há đó, âu lo việc mình.
Nghe rằng san sát hãi kinh,
Khéo lời ngon ngọt, khoe đành dạ thưa.
Êm tai Tây mới lấp ngơ,
Ủng phù triều yết như xưa vỗ về.
Giết ông Dục-đức và các hoàng thân
Bấy giờ mấy kẻ hiềm nghi lo trừ.
Thương ông Dục-đức Hoàng-trừ,
Đã yên thân phận chẳng nhờ khoan ân.
Vu cho bè-đảng phỉ nhân,
U-giam cấm-cố, nghiêm răn canh giờ.
Nước cơm cấm chẳng cho đưa,
Làm cho sấu-tử[92] chẳng chờ sắc ban.
Xót thầm quân lính thở than,
Giấu đem ăn uống đỡ đường khát khao.
Quyền thần sâu hiểm dường nào,
Bèn trao thuốc độc đổ vào chết mau.
Oan tình ai chẳng mày chau,
Một ngài Thái-hậu thảm sầu chi nguôi.
Rằng không kiêng-vị thì thôi,
Phải chăng phó mặc có trời với ai.
Thụy-công trước đã tính rồi,
Gia-hưng-công cũng họa lai tới tuần.
Chưa quen cậy dựa thân thần,
Làm cho biết mặt kẻo chăng kiêng dè.
Bởi người chẳng biết giữ e,
Họa sinh trước mặt sắc mê trong lòng.
Để cho đến nỗi mắc vòng,
Bắt chưng lối ấy, khôn mong khỏi nào.
Truyền thu chức tước mạo bào,
Cải tòng mậu tính ải Lao lưu hình[93].
Thánh-từ nghe rất thương tình,
Rằng: « Làm thái quá không đành lòng ta ».
Vả chăng phép trị trong nhà,
Chẳng nên bài bố người ta chê cười.
Tước quyền thảy đã cất rồi,
Khá cho giữ phận ngõ coi sửa mình.
Phiến tâu rằng: «Phép dù khinh,
Át là khôn nỗi hóa hành trị nhân.
Phải lo biết phép nghiêm răn,
Sau nhờ khoan xá lần lần cũng tha».
Luống đem pháp luật dở ra,
Dẫu lời truyền dụ ai mà khứng tuân.
Xưa nay hễ việc quyền thần,
Đã châm ắt quyết nói-năng đặng nào.
Một người đày chốn ải Lao,
Một người ngục thất đem giao giam cầm.
Thấy thôi, ai cũng kinh tâm,
Phép làm thái quá, chí lăm thương tàn.
Thà rằng một giấc cho an,
Chẳng thà chịu nhục tân toan[94] ở đời.
Phòng sau chắn trước chẳng lơi,
Việc người dường ấy, đạo trời dường bao.
Làm lễ Tấn tôn bà Từ-dụ Thái-hậu
Gửi rằng: «Di-chiếu chúc trao lời vàng.
Bấy nay quốc sự vân mang,
Để lâu chậm-trễ không an tấc lòng.»
Phán rằng: «Ấy hãy thong-dong,
Phải lo việc nước cho xong mới đành."
Vua tôi tâu gửi hết tình,
Xin cho việc ấy cử hành trước đi.
Hết lời khôn lẽ cố vi[95],
Tháng ba năm Dậu cát kỳ tấn tôn.
Dụ rằng: «Bày việc thêm buồn,
Rằng noi lề trước, nhịn tuồng đa nghi[96]
Các nơi lễ phẩm tha đi,
Lễ lòng cũng chẳng chút gì dụng đâu.»
Nghe truyền tôi chúa lo sầu,
Tái tam lạy-lục xin thâu tốn thành[97].
Lượng trên người chẳng vui tình,
Dẫu nhiều hay nhẽ chẳng đành doãn du[98].
Vì lời di-chúc phải cho,
Ân ban cứ lệ, đàm phu[99] xa gần.
Bốn phương trăm họ vui mừng,
Chúc cầu thánh thọ muôn xuân tuổi dài.
Pháp lại uy-hiếp, Tôn-thất Thuyết định chống lại
Cậy oai Tây lại dở bài mạn khinh.
Khiến mau súng dẹp trên thành,
Với nơi Mang-cá tận hành ban di[100].
Nếu mà chấp nhất chẳng nghe,
Gây ra hấn khích chỉn e nan trì.
Hiếp lần Tây đã chẳng vì,
Chọc gan Tôn-Thuyết chiến ky[101] quyết rày.
Huống chi địa chấn điềm bày,
Trời đã khiến vậy ta nay sợ gì.
Phen này phấn lực dương uy,
Truyền quân cơm gạo sắm đi sẵn-sàng.
Văn-Tường khôn nỗi khuyên can,
Nghĩ làm lời dụ xin ban giải hòa.
Dụ rằng: «Hãy chịu vậy là,
Y lời ngõ đặng thuận hòa mới an.
Bằng còn ỷ thế quá ngang,
Thời ta sẽ liệu quyết đường hơn thua».
Ân-cần dụ chỉ phân phô,
Vâng nghe tạm hãy để cho yên rày.
Riêng lo e việc chẳng may,
Đất bằng sóng dậy có ngày tai ương.
Lập đồn Tân sở
Lập nơi Tân-sở[102] tính đường vững chân.
Bao nhiêu bảo vật kim ngân,
Chất vào đài gánh dần dần đem đi.
Chỉn là thân mật cơ nghi,
Việc làm rồi mới tấu tri Thánh-từ.
Dụ : «Nay nhà nước gian nguy,
Cũng nhờ Phụ-chính trước vì lo toan.
Sao cho xã tắc điện-an[103],
Ấy là chẳng phụ Tiên-hoàng thác-cô».
Gửi rằng: «Hết sức mưu lo,
Biến thông tùy thế hãy dò lần theo.
Bằng nay rất đỗi cheo-leo,
Chống xe tay chấu nghĩ điều chắc chi».
Thống-tướng De Courcy vào Huế
Tháng năm mười-chín Bắc-kỳ Tây vô[104].
Tin truyền trước dọn lộ-đồ[105],
Lại cùng vét bến chực đò sửa-sang.
Rằng: Nay tới yết quân vương,
Đem thư tặng hiếu ngỏ tường giao lân.
Tới nơi sứ quán[106] dừng chân,
Mời hai Phụ-chính đến phân sự tình.
Văn-Tường trước tới một mình,
Trình rằng Tôn-Thuyết chưa lành bệnh nay.
Nghe lời ấy, đó đã hay,
Rằng đau phải gắng tới rày mới nghe.
Nếu mà cứ cưỡng không đi,
Quyết rày bắt quách chẳng vì chẳng tha.
Cả triều kinh hãi lo ba,
Nay mà chẳng thuận ắt ra sự rầy.
Cùng nhau kíp tới khuyên nài,
Xin vì nhà nước đặng may khỏi nghèo.
Cắt thầm, Tôn-Thuyết dấy liều nửa đêm.
Phen này may rủi thử xem,
Đã đành cô-chú[107] quyết đem đánh vầy.
Chẳng cho ai biết ai hay,
Cũng chăng tấu đạt, một tay thiện hành[108].
Chiến công đều Phấn-nghĩa binh,
Chỉn dùng những phúc tâm mình mà thôi.
Chắc gì bẻ nạng chống trời,
Hay là làm chước thoát nơi lửa thành.
Hay làm bất ý thình-lình,
Họa là may đặng công thành tiên ky.
Thất kinh ai nấy hồn phi,
Đêm khuya nào biết sự thì làm sao.
Quanh co hơ-hải cùng nhau,
Lệnh truyền thách cửa hỏi mau cho tường.
Giờ lâu mới thấy gửi sang,
Rằng nguyên ở đó thị cường bắn lên.
Ta nay không nhẽ điềm nhiên,
Phải toan cự địch, hư nên[109] nhờ trời.
Ầm ầm tiếng súng khắp vời,
Khói um mù đất, lửa ngời lòa mây.
Canh tư thắng phụ chưa hay,
Canh năm nghe báo rất may mừng lòng.
Bình-đài thu phục đã xong,
Lầu Tây đương đốt, lửa chong bốn bề.
Phen này Tây ắt phải về,
Ngửa nhờ trời đất phù-trì lắm thay[110].
Nói cười chưa kịp trở tay,
Phút liền súng nổ đạn bay kinh hồn.
Ai ngờ Tây rất quá khôn,
Để ta bắn trước thảy luồn nấp đi.
Ở ta dại chẳng biết ky[111],
Những mà hết sức dương uy bắn dồn.
Liệu chừng thuốc đạn đã mòn,
Dấy lên Tây mới thành môn bắn vào.
Dường như sấm sét ầm-ào,
Dẫu là núi cũng phải nao huống thành.
Quân ta khôn sức đua tranh,
Đem nhau trốn chạy tan tành bèo trôi.
Bấy giờ trời đã sáng rồi,
Văn-Tường liền khiến gửi lời tâu xin.
Khiêm-cung nay phải ngự lên,
Lánh nơi pháo đạn chẳng nên trễ-tràng.
Xa-giá xuất ngoại
Hỗ-phù Thánh-giá một đoàn kíp ra.
Tới nơi cửa hữu xem qua,
Hai bên lê-thứ trẻ già quá đông.
Chen nhau dìu-dắt mang bồng,
Chực theo Từ-giá[112] thoát vòng nguy nan.
Thấy người trước đón lên đường,
Gửi rằng có Nguyễn văn Tường chực đây.
Phán rằng: «Sự đã dường này,
Ngươi tua[113] ở lại ngõ rày xử phân».
Vâng lời Tường mới lui chân,
Giá[114] ra khỏi cửa, dần lần dõi theo.
Thoát trông rất đỗi nghiêng-nghèo,
Gươm huy trước mặt người xiêu bên đường.
Những mong thoát chốn tai ương,
Lần theo chẳng tưởng chạy băng đạp vầy.
Trẻ già la khóc vang rây,
Xa trông mù-mịt, khói bay lửa hồng.
Chặt cầu đốt quán tưng-bừng,
Là mưu Tôn-Thuyết dứt chừng truy binh.
Than thay dân sự tan tành,
Loạn ly mới biết thảm tình nỗi nây.
Kim-long vừa mới tới nơi,
Rốn xin dừng lại, đạo nay có lòng[115].
Song mà ai khửng tin cùng,
Chỉ đường Hồ Hiển thẳng dong giục truyền.
Kíp hầu bốn giá[116] đi liền,
Đến nơi Thiên-mỗ đò thuyền vắng tanh.
Đánh thua, Tôn-Thuyết hậu hành,
Giục truyền hầu giá lui quanh trở đường.
Trường-thi chốn ấy sẵn-sàng,
Hầu ngài tới đó tạm an sẽ bàn.
Là vì ý gã dốc toan,
Hầu ra Tân-sở liệu phương phục-thù.
Các quan những kẻ theo phò,
Sợ oai vâng mệnh dám mô cãi lời.
Xế trưa đi mới tới nơi,
Tôi đòi chạy dõi rã-rời tay chân,
Vả thêm đói khát quá chừng,
Lỡ-làng hẩm-hút cũng dâng tạm dùng.
Cơm thô chút hãy đỡ lòng,
Mới rồi lại thấy dòng dòng hối đi.
Rằng Tây đuổi tới sau kìa,
Nếu mà chậm bước khôn đi khỏi vòng.
Xẩy nghe chi xiết hãi-hùng,
Giá sau kiệu trước băng đồng ruổi mau.
Đi tuồng hơn một gìờ lâu,
Tới nơi Văn-xá xin hầu vào đây.
Từ-đường Thích-lý chốn này,
Nghỉ quân đỡ mệt một dây tạm đình.
Giám-từ vỗi-vã sắm-sanh,
Dâng cần[117] chưa kịp phỉ tình tôi con.
Lại nghe xao-xác nói ồn,
Trường thi bị đốt Tây giồn tới nơi.
Phải hầu ngự giá kíp dời,
Một đoàn tôi chúa tếch vời nhặt dong.
Mấy người yếu đuối ấu xung[118],
Thảy đều lạc hậu khôn mong tiến tiền.
Dắt dìu đói khát ngả nghiêng,
Trông theo kịp giá truân chiên[119] chi nài.
Đến làng vừa đã tối trời,
Giọn nhà Bá-hộ để ngài nghỉ-ngơi.
Dân mà có dạ hẳn-hoi,
Giọn bày cơm nước đãi mời quan quân.
Mờ mờ truyền kíp dời chân,
Đến nơi tự-quán[120] vừa chừng buổi trưa.
Nghỉ chân cơm nước một giờ,
Qua nơi huyện Hải, huyện-thừa chực nghênh.
Kính dâng mọi sắm lễ sinh,
Lựa phu cắt việc hộ-hành thẳng ra.
Mấy nơi làng xóm trải qua,
Tấm lòng cần bộc đều ra dâng thành.
Xa-giá đến Quảng-trị
Ngày hai-mươi-bốn Trị thành tới nơi.
Hành-cung giọn chốn nghỉ ngơi,
Tỉnh thần Trương Đản truyền coi canh giờ.
Mông trần[121] lao khổ tiệm thư[122],
Lần nghe tin tức kinh sư dường nào.
Văn-Tường mấy thứ sớ trao,
Thảy đều giấu-diếm chẳng tâu sự tình.
Hỗ-tòng Phan Hiểu, Đễ, Hanh,
Lại cùng Nguyễn Phổ, Lương Thành theo sau.
Luận bàn luống những lo âu,
Chẳng qua mình lại họa nhau ngoa truyền.
Gửi xin Tân-sở kíp lên,
Ở đây thế ắt chẳng nên đâu là.
Trái tai Thái-hậu tâu qua :
«Đi đâu cho nhọc chẳng thà ở đây.
Dầu mà Tây có tới nay,
Đã đành sống chết rủi may nhờ trời.
Nguồn cao nước độc xa vời,
Nỡ đem tuổi tác tới nơi hiểm nghèo».
Phán rằng: «Ta vốn đã liều,
Huống đem xách cả đi theo thêm phiền.
Hãy phò thiếu chúa cho yên,
Mặc ai ở lại chỉ truyền khá vâng».
Tôn-Thất-Thuyết để các bà ở lại và đem vua Hàm-Nghi đi
Vài ngày lại thấy băng-xăng chốn nhàn.
Rằng: « Tàu tây tới biên giang,
Xin hầu chúa thượng kíp toan tiến hành ».
Nghe lời cũng dạ hãi kinh,
Ngập-ngừng thiếu chúa bái trình xin đi.
Khôn cầm nước mắt biệt ly,
Ân-cần huấn dụ khá ghi trong lòng.
Dặn-dò lời nọ chưa cùng,
Gửi dồn xin chớ thong-dong trễ-tràng.
Tạ từ lên võng vội-vàng,
Quan quân ủng-vệ trông đường ruổi mau.
Khỏi cung đặng một giờ lâu,
Trở về các giám[123] cùng nhau tâu quỳ.
Rằng: «Tôn-Thuyết chẳng cho đi,
Khiến đều ở lại hộ tùy ba cung.
Được tin Nguyễn văn Tường
Bỗng đà có thấy sớ phong dâng vào.
Ngày hai-mươi-ba mới trao,
Văn-Tường nhắn gửi: «Xin mau phản hồi.
Chiêu-an các việc xong rồi,
Pháp quan khiến khá hầu ngài hồi loan[124].
Thành trì đều thảy giao hoàn,
Xin làm Bảo-hộ ngỏ toan giúp phò».
Phán rằng: « Lý ấy có mô,
Họa là trời xuống phúc cho chăng là.
Vả nay chúa thượng dời xa,
Phải đòi trở lại cùng ta đồng đoàn ».
Bèn sai thị-vệ băng ngàn,
Tin cho đặng biết phải toan gấp hồi.
Tiếp liền Tôn-Thuyết tư-lai,
Trách rằng: « Các gã lầm lời Nguyễn-Văn.
Đã không biết lý phải chăng,
Một lòng cùng giặc gian thần mà nghe.
Nếu mà nghe thửa lời kia,
Này gươm ba thước quyết lìa chẳng dung ».
Các quan san-sát hãi-hùng,
Tới lui hai ngả đều cùng phải e.
Kẻ theo Tôn-Thuyết một phe,
Bàn rằng việc ấy phải dè chưa tin.
Ngày ba-mươi lại tiếp liền,
Văn-Tường sớ giục kíp xin phản hoàn.
Thánh tâm quyết định mới troàn :
"Chúng ngươi tua khá liệu toan rước về[125].
Nói chi thời cũng chớ nghe,
Vâng ta ý-chỉ sợ gì đó vay.
Các quan vâng mệnh lo thay,
Một ngươi Trương Đễ gửi rày xin đi.
Ba ngày trông chẳng thấy chi,
Hẳn là có ý diên-trì mạn-khinh.
Vì người mưu sự chẳng thành,
Lại toan kiếm chước giữ mình lánh xa.
Nếu mà chờ đợi dần-dà,
Thất cơ e nỗi việc ra khó lòng.
Bèn truyền chúng thảy hội đồng,
Phải lo hộ giá lưỡng cung tiên hồi.
Nay ta về trước thử coi,
Dường nào rồi sẽ liệu bài rước vua.
Các quan nghe lệnh sợ lo,
Xin vâng thánh chỉ dám mô trễ tràng.
Nguyễn Hanh ý hãy nói bàn :
Nay về tua phải lên đường nửa đêm.
Mới là thận-mật khỏi hiềm.
Thoảng qua đã biết lòng tiềm dị mưu.
Quở rằng: « Tăm tối đi đâu ?
Hay là ngươi tính khác nhau lý nào.
Không nghe xem thử làm sao,
Lập mưu yên kiết[126] há nào lạ chi »,
Thấy lời Thái-hậu sinh nghi,
Cúi đầu chịu quở lánh đi một bề.
Xa-giá tam-cung trở về Khiêm-lăng
Đến ngày mồng bốn hội tề hồi loan.
Tỉnh thần Trương Đản hỗ hoàn,
Khuếch-thanh tất đạo[127] một đoàn thẳng vô.
Trải qua làng-mạc chỗ mô,
Trẻ già hớn-hở mừng vua lại về.
Mồng năm mới tới kinh-kỳ,
Vào nhà Thích-lý một khi tạm dừng.
Thiện[128] rồi khởi giá tiến hành,
Đoái xem phong cảnh động tình cảm thương.
Khiêm-lăng lên thẳng một đường,
Quạnh-hiu cung điện khói-hương lạnh-lùng.
Ngẫm coi chi xiết đau lòng,
Khôn cầm châu-lệ ròng ròng tuôn rơi.
Bỗng đâu bèo nổi sóng trôi,
Tan lại hợp ở trời khiến vay.
Cũng nhờ đức cả cao dày,
Cát nhân thiên tướng[129] ắt rày vững an.
Trùng phùng xiết nỗi bi-hoan,
Khang cường mừng thấy, gian-nan chi nài.
Khiêm-cung may đặng phục hồi,
Từ đây sống chết chẳng rời chẳng xa.
Nguyễn văn Tường xin Thái-hậu hãy tạm thính-chính
Còn như việc nước rồi ta sẽ bày.
Sớ dâng kể việc bấy nay,
Cầm quyền xin phải tạm rày thùy liêm.
Ngỏ cho việc nước đặng êm,
Lần-hồi sau hãy rước tìm ấu quân.
Phiến từ mọi việc đều dâng,
Dám xin ý chỉ khâm tuân thi-hành.
Quân Cần-vương nổi lên ở mọi nơi
Văn thân[131] mấy đạo tranh hành giết nhau.
Thừa cơ phá huyện cướp châu,
Làm cho lê thứ lo âu nghiêng nghèo.
Vu cho Phò Cát[132] đảng nhiều,
Lâm nghề uổng sát[133] mang điều bất công.
Giải hòa khắp dụ khuyên cùng,
Mà dân chẳng khứng thuận tùng lạ thay.
Dẹp loàn phải cậy ngườì Tây,
Sinh linh tàn hại chầy ngày chửa an.
Sai người đi tìm vua Hàm-Nghi
Ai ngờ Tôn-Thuyết đem đường lánh xa.
Quanh co tìm kiếm chẳng ra,
Thượng du non núi rất là khó đi.
Thăm dò may gặp có khi,
Giữa đường lại bị cướp đi biệt tòng.
Đồn nghe chiếu dụ tưng-bừng,
Bay tư các tỉnh lẫy-lừng cần-vương.
Huyên truyền hưởng ứng tứ phương,
Dốc toan cử nghĩa trùng quang cơ-đồ.
Pháp nhân chẳng khứng bảo phò,
Rằng tôn người khác, giao cho thành-trì.
Nguyễn hữu Độ ở Bắc vào Huế bất hòa với Nguyễn văn Tường
Tên là Hữu Độ, bôn trì vào kinh.
Trách rằng[135]: « Đến nỗi mất thành,
Làm tôi như vậy nghĩ mình phải chưa.
Quyền đương nay hãy tự cư,
Để coi sửa việc bao giờ đặng xong ».
Pháp nhân lập ước hội-đồng,
Những điều lấn hiếp khó lòng y theo.
Văn-Tường chẳng khứng thuận chiều,
Trái tình Hữu-Độ mượn điều Bắc quy.
Định lập vua khác
Đặt ai tua kíp liệu đi chớ chầy.
Văn-Tường triều yết tâu bày,
Gửi ràng: « Xử biến phải rày tùy nghi[136].
Vả nay nhà nước gian nguy,
Đều nhờ thánh đức duy-trì chủ-trương.
Nối ngôi nguyện dõi tiên hoàng,
Mới yên thửa dạ kẻo thương tâm tình ».
Phán rằng: « Sự ấy đã đành,
Kiên-giang chỉn đó một mình mà thôi.
Lớn khôn tính sửa nết rồi,
Dựng nên ấy cũng là trời phó cho.
Ngửa nhờ liệt thánh âm phò,
Họa là may lại qui-mô vững bền ».
Văn-Tường gửi ý rất nên,
Xin ban ý-chỉ về truyền Pháp nhân.
Nguyễn văn Tường bị bắt đi đày
Pháp quan đã bắt Nguyễn-Văn xuống tàu.
Thất kinh việc ấy bởi đâu,
Vừa nghe có phiến gửi tâu sự tình.
Rằng: «Nay Pháp quốc Thống-binh[137],
Trách quan Phụ-chính lệnh hành chẳng xong.
Hẹn cho hai tháng giao cùng,
Việc gì việc nấy hết lòng sửa toan.
Trong ngoài đều thảy cho an,
Nay đà quá hạn lại càng phân-vân.
Vậy nên cứ pháp nghiêm răn,
Đày ra hải-đảo tội chăng dung rằy.
Nguyễn Hữu Độ và Phan Đình Bình vào Huế giữ triều chính
Có ngươi Hữu-Độ tài hay khá dùng.
Phan đình Bình cũng tôi trung,
Giao hai người ấy đồng lòng toan đương.
Bắc-kỳ Trọng-Hợp sửa-sang,
Quyền thay kinh-lược một phương giữ-gìn.
Khâm-sứ Pháp vào yết kiến bà Thái-hậu
Tham-bô[138] khâm-sứ xin lên tâu bày.
Sự này mới thấy xưa nay,
Chẳng cho thời sợ, biết rày làm sao.
Hãy cho, thử việc thế nào,
Minh-khiêm truyền chọn để vào triều thăm.
Ỷ không biết phép nước Nam,
Rằng: «Cho thấy mặt biết cam thửa lòng.
Gửi xin tạm cuốn sáo rồng.
Yết rồi bỏ xuống ngỏ cùng hỏi han».
Lạ-lùng diện mạo y quan,
Dạ-xoa mẽ dáng[139] kinh hoàng xiết mô.
Tiếng như chim chóc líu-lo,
Nguyễn Hoành[140] thông dịch phân mô mới tường.
Rằng: « Nguyên hai nước ước thương,
Chỉn vì lợi ích bảo an lâu dài.
Vì ngươi nghịch Thuyết cãi lời,
Vậy nên đến nỗi ương-tai rối loàn.
Nhờ nay Giám-quốc[141] rộng khoan,
Thành trì đất nước giao hoàn lại cho.
Nguyễn văn Tường vụng mưu lo,
Để cho đến nỗi côn-đồ nhiễu-nhương.
Muốn mau đặng nước vững-vàng,
Phải toan cánh lập quốc-vương mới đành.
Hoàng-trừ có đó sẵn dành,
Phụ truyền tử kế, chính danh phận rồi.
Cầm quyền sửa trị có người,
Đất thành giao lại, giữ coi hộ-phù.
Hàm-nghi xa lánh nơi mô,
Dẫu về thời cũng phong cho công hầu ».
Mấy lời nghe rõ trước sau,
Dẫu quan mình ấy phép tâu dường nào.
Hai quan[142] đồng tiếng gửi vào,
« Chúng tôi cùng dạ ước ao đêm ngày.
Quí quan phân vậy rất hay,
Nghiệp lành con nối, dân rày mới an ».
Trước nhờ thánh đức chủ-trương,
Sau nhờ Thái-hậu mối giường sửa-sang.
Bảo phù lại có quí quan,
Ắt là bình trị phục hoàn như xưa».
Thoảng nghe mọi nỗi bày thưa,
Phán rằng : « Đặng vậy cũng nhờ các ngươi.
Nay ta đều thảy y lời,
Đô thành khả kíp giao lai mã[143] chầy ».
Kiều-giang-công rước về đây,
Xung-khiêm tạm trú chờ ngày hồi đô.
Vì sao cướp đặng lại cho,
Vì dân mến chúa phải lo phục người.
Nền nhân cỗi đức tẩm bồi,
Dầu mà muốn hiếp nào trời khứng cho[144].
Rước lòng Pháp quốc hộ-phù,
Trước về ngõ đặng thăm dò dường bao.
Quan minh tề tập hội triều,
Kinh thành bèn khiến bàn giao tức kỳ.
Tôn thân có dạ kính vì,
Xem tình chẳng chút man-khi lộ mầu.
Sai quan các việc rõ tâu,
Xin hầu Từ-giá khá mau ngự hồi.
Cung đền chốn cũ trùng lai,
Nhện chăng, cỏ lấp, trần-ai bốn bề.
Nhà không khói lạnh ủ-ê,
Thoạt nhìn chi xiết thảm-thê ngại-ngùng.
Vì ai gây việc tai hung,
Thịnh suy đến đỗi nghĩ lòng thảm thương.
Nhà vàng lại đặng dựa nương,
Muôn thu trường hưởng thọ khang yên lành.
Kể chi những vật trọng khinh,
Đã đành thất-thoát lưu-linh còn gì[145].
Vua Đồng-Khánh lên ngôi
Gia tôn bà Thái-hậu
Vua Đồng-khánh ra Quảng-trị
Thân chinh bình trị quan Tây hộ-tùy.
Chẳng phiền đánh dẹp ra uy,
Thấy vua dân phải hết nghi xin đầu.
Thành công mà đặng rất mau,
Ngô quân chi tử, ai hầu chẳng theo.
Tháng sáu ngự giá hồi trào,
Phong sương cảm mạo dưỡng điều mới an[150].
Ba quân tâu khúc khải hoàn,
Trung hưng công-đức dốc toan sánh bì.
Đương quyền dụng ý thi vi,
Cựu qui canh cải, tân qui ban hành,
Riêng lòng hậu sở bản sinh,
Ngưng hy ấy điện, Thiên-thành[151] ấy lăng.
Địa tàng[152] đã sẵn kim ngân,
Đủ dùng doanh phí trăm phần chi lo.
Đế vương dương trợ âm phò,
Bách linh tướng hựu[153] lý cho phúc tường.
Vua Đồng-khánh mất
Đạo trời lồng-lộng không thường khổ thay.
Ba năm lịch mới kỷ đây,
Chơi tiên rày đã xe mây tếch vời.
Lăng đền đều đã sẵn nơi,
Ngẫm hay thiên ý khiến xui chăng là.
Vua Thành-thái lên ngôi
Song còn măng sữa dễ hòa đặng vay.
Định tôn thương với quan Tây,
Cứ trong lẽ thẳng luận rày phải thay.
Thương người[154] oan khuất bấy chầy,
Con đà khôn lớn vừa nay cầm quyền.
Vốn là công đạo đương nhiên,
Giúp trì đã có chư hiền tán tương[155].
Khôn nghi[156] nhờ đức chủ-trương,
Đồng lo chấn-chỉnh mối giường sửa-sang.
Kỷ nguyên Thành-thái đăng quang,
Thần dân đẹp dạ, lân bang[157] vui lòng.
Trước lo tôn miếu tiến cung[158],
Sau lo chẩn tuất tai hung dân tình.
Lễ bát tuần bà Thái-hậu
Doãn cho cháu chắt tấc thành chút thân[159].
Vừa đương thánh thọ bát tuần,
Tôn dâng khang thọ, chúc mừng muôn xuân.
Thái-hoàng Thái-hậu đức thuần,
Gia tôn Thuận-hiếu nền nhân kế thừa.
Xa gần cảm đội ơn nhờ,
Ở-ăn buôn-bán bấy giờ đặng an.
Phụ-thần muôn việc giúp toan,
Vua còn trùng ấu văn-chương tập rèn.
Cảm lòng dân thảy chúc nguyền,
Trời cho Từ-dụ thiên niên tuổi dài.
Ngẫm suy sau trước sự đời,
Loạn rồi lại trị, chúa tôi sum vầy.
== HẾT ==
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)
Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 và tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)
- ▲ Ít-oi đây có nghĩa là thực-thà.
- ▲ Thái và bĩ là hai quẻ trong kinh Dịch. Thái là thịnh-vượng, bĩ là suy-đồi.
- ▲ Mục lân 睦鄰 là nước láng-giềng hòa-thuận, không hay sinh sự.
- ▲ Đãi-hoang 怠荒 là lười-biếng phóng-túng.
- ▲ Ngụy Tây là nói Tây-sơn
- ▲ Thiết cứ 竊據 là cướp trộm mà lấy.
- ▲ Thánh nhân là nói vua Gia-long.
- ▲ Phong-cương là bờ cõi.
- ▲ Cõi thọ đài xuân là do chữ Xuân-đài thọ vực tức là cõi người sống lâu dài và đền mát mẻ.
- ▲ Hưu-trưng 休徴 cũng như cát trưng là điềm tốt.
- ▲ Hoàng-kỳ-tặc là giặc Cờ vàng; Bắc-kinh là nói Bắc-Việt.
- ▲ Mấy năm ở Bắc-Việt bị đê vỡ nước-lụt và hạn hán luôn dân rất cực-khổ.
- ▲ tiếng hờn, người đàn trong đọc là hờng, cho nên câu dưới mới hạ vần lường.
- ▲ Bấy giờ Triều-đình sai Phan Thanh-Giản và Lâm Duy-Tiếp vào Gia-định giảng-hòa.
- ▲ Hòa-ước ký năm Nhâm-tuất (1862) Triều-đình ở Huế phải nhường ba tỉnh Biên-hòa, Gia-định và Định-tường và phải trả 4 triệu bạc tiền binh phí. Đến năm Đinh-mão (1867) là 5 năm sau, nước Pháp lấy nốt ba tỉnh Vĩnh-long, An-giang và Hà-tiên.
- ▲ Ngoan là ngoan-ngạnh. Đây nói các bọn giặc ở Bắc-Việt.
- ▲ Lấy rồi việc nghĩa là làm qua loa cho xong việc. Thủa ấy quan nhà Thanh có cho một toán quân sang Việt-nam đánh một bọn giặc Tàu.
- ▲ Đây nói Nguyễn Tri-Phương, khi Pháp đánh thành Hà-nội lần thứ nhất, ông bị thương, không chịu để buộc thuốc mà chết.
- ▲ Trác trác 卓卓 là vững bền.
- ▲ An-nghiệp là tên ta đặt để gọi Francis Garnier, hải quân sĩ-quan đánh lấy thành Hà-nội lần thứ nhất.
- ▲ Rất ưng là ý nói rất đích-đáng, rất hài-lòng.
- ▲ Long-thành tức là Thăng-long-thành hay là thành Hà-nội.
- ▲ Trộm sống là lấy nghĩa hai chữ thâu sinh, nói sống một cách không xứng đáng.
- ▲ Những người đây nói bọn án-sát Tôn thất Bá, đề-đốc Lê văn Trinh và mấy lãnh-binh bỏ trốn.
- ▲ Hóa-thành 化成 là cái kết-quả tốt của chính hóa.
- ▲ Đỉnh-hồ 鼎湖 là theo sách Sử-ký của Tư-mã Thiên, nói rằng : vua Hoàng-đế đúc cái đỉnh ở núi Kinh-sơn, đỉnh đúc xong, vua cỡi rồng lên cõi tiên. Người đời sau gọi chỗ ấy là Đỉnh-hồ và dùng tiếng ấy mà nói vua mất, tức là nói vua cỡi rồng lên tiên.
- ▲ Văn cung Thuấn mộ 文恭舜慕 là vua Văn-vương hiếu-kính với cha mẹ, vua Thuấn yêu-mến cha mẹ.
- ▲ Sáu sáu là ba mươi sáu. Vua Dực-tông làm vua được 36 năm.
- ▲ Dư-hạ 餘暇 là nhàn-hạ. Nói vua Dực-tông khi rảnh việc nước thì làm văn-thơ và sách-vở.
- ▲ Vua Dực-tông hay đi bắn chim, nhưng sợ mẹ không dám ham-mê lắm.
- ▲ Minh-linh 螟蛉 là một thứ sâu, con tò vò hay bắt đem về ổ để nuôi trứng của nó. Người ta không biết, nói rằng tò-vò nuôi sâu và gọi minh-linh là con nuôi.
- ▲ Vua Dực-tông không có con, nuôi ba người cháu là con nuôi : trưởng là ông Dục-đức, phong Thụy-quốc-công, bị Tường và Thuyết truất không cho làm vua; thứ là ông Chính-mông, phong Kiên-giang quận-công, sau là vua Đồng-khánh; ba là ông Dưỡng-thiện, sau là vua Kiến-phúc.
- ▲ Ý nói vua Dực-tông muốn lập ông Dưỡng-thiện, nhưng vì còn trẻ tuổi, cho nên không thay đổi.
- ▲ Di-lưu 彌留 là nói bệnh nặng sắp chết, mà vua Dực-tông vẫn lo nghĩ đủ mọi việc.
- ▲ Khi làm lễ đọc di-chiếu, quan Phụ-chính Trần Tiễn-Thành có đọc sai đi mấy câu, Tường và Thuyết vin lấy cớ ấy mà tâu lên bà Từ-dụ Thái-hậu, xin bỏ tự-quân và lập người khác.
- ▲ Kim-đằng 金滕 là buộc dây vàng. Lấy điển trong kinh Thư nói rằng : « vua Vũ-vương đau nặng, Chu-công viết lời khấu xin chết thay, rồi đem bỏ vào cái hộp buộc dây vàng để không ai biết, Đây nói ý : giữ kín trong bụng.
- ▲ Chẳng khứng là do chữ khẳng 肯 là chịu, ưng-thuận.
- ▲ Gửi là thưa, tâu.
- ▲ Bọn Tường và Thuyết tâu với bà Từ-dụ Thái-hậu xin lập Văn-lãng quốc-công là em vua Dực-tông lên làm vua, thay ông Hoàng-trừ Dục-đức.
- ▲ Ai đâu là nói : ai làm vua cũng là anh em trong nhà.
- ▲ Thùy liêm 垂簾 là buông mành. Lễ cổ khi người đàn bà lâm triều thì phải bỏ mành mành xuống. Đây nói bà Từ-dụ lâm triều để truyền chỉ-dụ cho các quan.
- ▲ Tức kỳ có lẽ là tức thì, nhưng vì chữ thì là tên vua Dực-tông, nên mới kiêng mà đổi ra chữ kỳ.
- ▲ Ý nói : Tự-quân là ông Dục-đức có làm điều gì không phải, chưa có ai can ngăn, chưa đủ lấy điều ấy mà bắt lỗi được.
- ▲ Min là ta đây.
- ▲ Trừ-nhị 儲貳 là Hoàng Thái-tử, đây là nói ông Dục-đức.
- ▲ Giảng-đường tức là nhà học của ông Dục-đức, lúc ấy gọi là Dục-đức giảng-đường.
- ▲ Uổng lâm hoành-tử 枉臨橫死 có nghĩa là bất đắc kỳ tử, đây nói những người đánh trận chết.
- ▲ Lúc ấy Hải-quân thiếu-tướng Courbet đi với viên Toàn-quyền Harmand vào đánh cửa Thuận-an. Thành Trấn-hải vỡ, quan ta là ông Lâm Hoành 林宏 và ông Trần Thúc Nhẫn 陳叔訒 nhảy xuống bể tự-tử.
- ▲ Ngời là sáng.
- ▲ Ký hòa-ước năm Quí-vị (1883) có 27 khoản do bên người Pháp có Harmand và de Champeaux và bên người Nam có Trần đình Túc và Nguyễn trọng Hợp ký.
- ▲ Ninh lăng là nói lo việc làm lễ táng vua Dực-tông.
- ▲ Bấm-be là chê bai. Nói vua Hiệp-hòa chê-bai vua Dực-tông.
- ▲ Phòng nhàn 防閑 là ngăn-ngừa sự ra vào.
- ▲ Vua Hiệp-hòa không cho các quan mặc đồ để tang vua Dực-tông vào chầu.
- ▲ Vua Hiệp-hòa quở trách phi tần của vua Dực-tông ở khiêm cung rồi lại mưu trừ Tường và Thuyết cho nên mới gây ra mối họa cho mình.
- ▲ Quải phi 乖非 là trái ngược.
- ▲ Họa thai là mầm họa.
- ▲ Tường và Thuyết làm sớ tâu bà Từ-dụ xin bỏ vua Hiệp-hòa.
- ▲ Vua Hiệp-hòa làm vua được có hơn bốn tháng.
- ▲ Vân-vây là lấy vần, chính chữ là vân-vi.
- ▲ Muôn cộ là dịch nghĩa chữ vạn thặng.
- ▲ Vua Hiệp-hòa xin về giữ chức làm tôi.
- ▲ Lời bà Từ-dụ nói.
- ▲ Lòng mầng: Câu này trong bản nôm để : mầng lòng, nhưng để chữ lòng ở cuối câu thì lạc vần, cho nên để là lòng mầng thì đúng vần mà cũng không sai nghĩa.
- ▲ Trần Tiễn Thành cùng với Nguyễn văn Tường và Tôn-thất Thuyết làm phụ-chính, nhưng sau vì không đồng ý làm sự phế-lập, ông thôi quan về ở nhà tư. Bấy gìờ sai người đến giết đi.
- ▲ Tự-quân lúc ấy là ông Dưỡng-thiện, con nuôi thứ ba của vua Dực-tông.
- ▲ Túc-thanh 肅淸: dọn dẹp chỉnh tề.
- ▲ Quyên cát蠲吉 là chọn ngày tốt lành.
- ▲ Hiệp-cát 協吉 là bói được ngày tốt.
- ▲ Mẫu nghi 母儀 đây là bà Từ-dụ Thái-hậu.
- ▲ Thân 申 là nhắc lại những điều ước.
- ▲ Công thoan 工竣 là công việc xong rồi.
- ▲ Bảo-thành là khiêm-cung, lăng vua Dực-tông.
- ▲ Bình-đài 平臺 là tên gọi Mang-cá ở thành Huế.
- ▲ Tác giả không biết tình thế nước Tàu lúc ấy cũng nguy-ngập lắm. Dẫu có biết tình thế nước Việt-nam, thì cũng đến ký hiệp-ước với nước Pháp ở Thiên-tân là cùng.
- ▲ Xu viêm phụ nhiệt 犓炎附熱 là chạy đến chỗ lửa nóng, nương-tựa chỗ nóng ấm, tức là nói người siểm nịnh.
- ▲ Vần phòng không hợp vận với vần đường và vần mang.
- ▲ Họa lây lửa thành: cũng như nói : cháy thành vạ lây.
- ▲ Nhiêu khoan 饒寬 cũng như khoan-dung.
- ▲ Nghi sai 疑猜 là ngờ-vực. Ý nói Tôn-thất Thuyết đa nghi hay giết người.
- ▲ Pháp tiền là tiền sềnh đúc theo niên-hiệu Tự-đức mỏng và xấu.
- ▲ Phải dùng ý chỉ nhà vua mà phủ dụ nhân-dân.
- ▲ Khâm tuân phủ dụ欽遵撫諭: kính theo người trên mà phủ dụ người dưới.
- ▲ Hối hóa 賄貨 là của cải vàng lụa v.v... Ý nói lấy hối-lộ rồi bắt dân tiêu tiền sềnh.
- ▲ Giảm quyên 減蠲 là bỏ bớt. Bỏ bớt các lễ tế-tự.
- ▲ Quai khiên 乖愆 là trái ngược, sai lầm.
- ▲ Câu này chắc là chép sai thành ra lạc vận.
- ▲ Vua Kiến-phúc mất, có một điều rất bí-ẩn, là người ta nói rằng : Ngài mắc bệnh đậu mùa, nằm trong điện, đêm nghe tiếng giày đi. Ngài hỏi ai đi đó, thì thấy Nguyễn văn Tường tâu rằng : «Tôi». Ngài quở rằng : «Đêm hôm thầy vào làm gì trong cung ?». Tường không nói gì, rồi sáng hôm sau thì vua Kiến-phúc mất. Người ta nghi là Tường cho thuốc độc giết vua. Việc này chưa rõ thực hư thế nào, nhưng cũng ghi vào đây để làm một chuyện đáng ngờ.
- ▲ Truân truân 諄諄 là săn-sóc dặn-dò.
- ▲ Nói vua Kiến-phúc mất không có lăng riêng, chỉ để bên cạnh lăng vua Dực-tông.
- ▲ Đây là nói bọn quyền-thần đắc-ý, lập thiếu chúa để được giữ quyền bính.
- ▲ Sấu-tử 瘦死 là chết mòn.
- ▲ Bắt đổi lấy họ mẹ và đày đi ải Lao-bảo.
- ▲ Tân toan 辛酸 là cay chua, khổ-sở.
- ▲ Cố vi 固違 là cố ý làm trái.
- ▲ Đa nghi 多儀 là bày vẽ lễ-nghi rườm-rà.
- ▲ Tốn thành là chút lòng thành.
- ▲ Doãn du 允俞 là cho được.
- ▲ Đàm phu 覃敖 là ơn vua mở rộng.
- ▲ Ban di 搬移 là dời dọn đi chỗ khác.
- ▲ Chính âm là ky, nhưng ta thường đọc là cơ.
- ▲ Tân-sở là cái đồn Tôn-thất Thuyết mới lập ở gần Cam-lộ thuộc tỉnh Quảng-trị, để làm căn cứ chống Pháp, nhưng chẳng được bao lâu lại bỏ chạy.
- ▲ Điện-an 奠安 là bền vững, yên ổn.
- ▲ Tướng de Courcy vào Huế.
- ▲ Lộ-đồ là đường sá.
- ▲ Sứ quán sau là dinh khâm-sứ ở Huế.
- ▲ Cô chú 孤注 là một thành-ngữ nói có bao nhiêu tiền đem đánh bạc một tiếng cuối cùng để quyết được thua.
- ▲ Thiện hành 擅行 là tự chuyên làm việc gì.
- ▲ Hư nên là thắng bại.
- ▲ Đó là một sự mơ-tưởng, đem sự mong-muốn của mình mà diễn ra như là sự thực, chứ lúc bấy giờ ban đêm Tây nấp, không ra đánh, sao mà biết là được thua ? Sáng ngày Tây tấn-công thì quân của Tôn-Thất Thuyết vỡ tan.
- ▲ Ky ta thường đọc là cơ.
- ▲ Từ-giá là xa giá bà Từ-dụ Thái-hoàng Thái-hậu.
- ▲ Tua là do chữ tu là nên đọc trệch ra.
- ▲ Giá đây nói xa-giá của các bà và vua.
- ▲ Làng Kim-long, thường gọi là Kim-luông ở gần thành Huế, dân làng ấy theo đạo Da-tô.
- ▲ Bốn giá: là : giá bà Từ-dụ Thái-hoàng Thái-hậu; giá vợ cả vua Dực-tông và mẹ nuôi ông Hoàng-trừ Dục-đức; giá bà vợ thứ vua Dực-tông và mẹ nuôi vua Kiến-phúc; giá vua Hàm-nghi.
- ▲ Dâng cần là dâng chút lễ thành.
- ▲ Ấu xung 幼沖 là trẻ thơ.
- ▲ Truân-chiên 屯邅 là khó-khăn không tiến lên được.
- ▲ Tự-quán 寺觀 là đền chùa.
- ▲ Mông trần 蒙塵 là bị long-đong vất-vả.
- ▲ Tiệm thư 漸舒 là tạm nguôi.
- ▲ Giám là các quan thị hầu vua ở trong cung.
- ▲ Hồi loan là xa-giá trở về.
- ▲ Ý nói phải tìm cách rước vua Hàm-nghi về.
- ▲ Yên kiết 邀劫 là bắt bí và dùng sức mà bắt ép.
- ▲ Khuếch-thanh tất đạo 廓淸蹕道 là dọn sạch đường vua đi.
- ▲ Thiện 膳 là tiếng ở trong cung, nói vua ăn cơm.
- ▲ Cát nhân thiên tướng 吉人天相 là người tốt trời giúp.
- ▲ Phụ-chính đây là nói Nguyễn văn Tường.
- ▲ Văn thân 文紳 là những người văn học, sĩ-phu.
- ▲ Phò Cát là phò-mã Cát.
- ▲ Uổng sát 枉殺 là giết oan.
- ▲ Tương truyền rằng khi Nguyễn Văn Tường và Tôn-thất Thuyết đang chuyên-quyền ở Huế, thấy Nguyễn Hữu Độ đang làm chức Tĩnh-biên phó-sứ ở Đoan-hùng-đạo về theo Pháp được cất lên làm Tổng-đốc ở Hà-nội, Tường và Thuyết tức lắm, bèn giáng Nguyễn Hữu Độ xuống đến chức tùng cửu-phẩm, là chức cuối cùng trong quan-chế. Song sợ Pháp mà vẫn để làm Tổng-đốc ở Hà-nội, cho nên trong tờ sắc có câu : Nguyễn Hữu Độ, tùng cửu-phẩm, lĩnh Hà-ninh Tổng-đốc. (Hà-Ninh là Hà-nội và Ninh-bình).
- ▲ Nguyễn Hữu Độ trách Nguyễn Văn Tường.
- ▲ Xử biến tùy nghi處變隨宜 là gặp biến, tùy theo phương-tiện.
- ▲ đây là nói tướng de Courcy.
- ▲ Tham-bô là tên người nước ta gọi ông Champeaux.
- ▲ Mẽ dáng là vẻ ngoài.
- ▲ Nguyễn Hoành阮宏, người Hà-tĩnh, chân thầy dòng ra làm thông-ngôn.
- ▲ Giám-quốc: nước Pháp.
- ▲ Hai quan đây là Nguyễn Hữu Độ và Phan đình Bình.
- ▲ Mã là tiếng cổ, nghĩa là chớ.
- ▲ Xem những lời ấy, đủ rõ là người mình lúc ấy không hiểu gì về cái chính sách thực-dân của Pháp.
- ▲ Nói đồ vật ở trong cung mất nhiều.
- ▲ Đăng quang登光 là lễ lên ngôi.
- ▲ Phủ tuần 撫循 là đi kinh-lý và vỗ về nhân-dân.
- ▲ Tuất niên là năm Bính-tuất (1886).
- ▲ Trang ý doãn hòa từ huy 莊懿允和慈徽 là hiệu của bà Từ-dụ Thái-hoàng Thái-hậu.
- ▲ Theo sách của người Tây viết, và có nhiều người khác nói, thì Tây đem vua Đồng-khánh ra Quảng-trị và Quảng-bình, đến chỗ nào cũng có quân Cần-vương chống-cự, sau vua phải đi tàu thủy từ Đồng-hới trở về Huế.
- ▲ Ngưng hy 凝禧 là tên điện. Thiên-thành 天成 là tên lăng.
- ▲ Địa tàng: là của chôn ở dưới đất.
- ▲ Bách linh tướng hựu百靈相祐 là trăm thần linh giúp rập.
- ▲ Thương người đây là nói thương ông Dục-đức chết oan.
- ▲ Tán tương贊襄 là giúp đỡ.
- ▲ Khôn nghi坤儀 là nói bà Thái-hậu.
- ▲ Lân bang: đây là nói nước Pháp.
- ▲ Tiến cung 薦供 là cúng lễ nhà tôn-miếu.
- ▲ Thân伸 là bày tỏ. Vua Thành-thái là chắt bà Thái-hậu.