Hán văn độc tu 1936-1937/Bài học thứ 8
I. Học những tiếng về pronom
sửaChữ Hán | Âm | Nghĩa |
---|---|---|
我 | Ngã | Ba chữ nầy đều nghĩa ta hay tôi, về ngôi thứ nhứt, số một |
吾 | Ngô | |
予, 余 | Dư | |
爾 | Nhĩ | Hai chữ nầy đều nghĩa là mày, về ngôi thứ hai, số một |
汝 | Nhữ | |
彼 | Bỉ | Nó, về ngôi thứ ba, số một |
我 等 | Ngã đẳng | Bốn chữ nầy đều nghĩa là bọn ta, chúng ta, hay bọn tôi, chúng tôi, về ngôi thứ nhứt, số nhiều |
吾 輩 | Ngô bối | |
吾 儕 | Ngô sài | |
吾 曹 | Ngô tào | |
爾 曹 | Nhĩ tào | Hai chữ nầy đều nghĩa là bọn mày hay chúng bay, về ngôi thứ hai, số nhiều |
汝 等 | Nhữ đẳng | |
彼 輩 | Bỉ bối | Hai chữ nầy đều nghĩa là bọn nó hay chúng nó, về ngôi thứ ba số nhiều |
彼 等 | Bỉ đẳng | |
之 | Chi | Đó, nó |
其 | Kỳ | Của nó |
者 | Giả | Kẻ (người) |
所 | Sở | Cái điều |
己 | Kỷ | Mình |
誰 | Thùy | Ai? |
孰 | Thục | Ai? |
何 | Hà | Cái gì? |
莫 | Mạc | Chẳng có ai |
II. Cắt nghĩa thêm
sửaVề pronom personnel, chữ Hán cũng lôi thôi như tiếng Việt Nam ta, nghĩa là những tiếng dùng mà xưng mình hay xưng người không có nhất luật như tiếng Pháp. Nói rõ ra: tiếng Pháp xưng mình là moi, je, nous, xưng người là tu, vous, xưng sau lưng người là il, elle, ils, elles, bất kỳ đối với ai cũng dùng được cả. Nhưng tiếng Nam, nói với ai và nói về ai, cũng phải tùy địa vị họ và địa vị mình mà xưng hô, không nói xô bồ được, thì chữ Hán cũng vậy.
Tiện đây ta nên biết sự ấy cho rõ ràng hơn thì có ích hơn.
Hiện nay người Tàu chia chữ họ ra làm hai thứ:
1/ Văn ngôn 文 言 viết theo lối nói đời xưa chớ không theo lối nói đương thời; 2/ Bạch thoại 白 話 viết theo lối nói đương thời, nói thế nào, viết thế ấy.
Theo Bạch thoại thì pronom personnel được nhất luật. Nghĩa là về ngôi thứ nhất: số một nói 我 ngã, số nhiều nói 們 ngã môn; ngôi thứ hai: số một nói 你 nễ, số nhiều nói nễ môn; ngôi thứ ba: số một nói 他 tha, số nhiều nói tha môn. Nói rằng "được nhất luật", bởi vì đối với ai mà xưng mình và xưng người cũng cứ như vậy chớ không tùy địa vị mà thay đổi. Vậy thì pronom personnel của Bạch thoại Tàu cũng được tiện lợi như tiếng Pháp.
Nhưng Văn ngôn thì lại không như thế. Pronom personnel của văn ngôn thì lại tùy địa vị mà xưng hô như tiếng Nam ta: đáng ông kêu ông, đáng bà kêu bà, đáng quan lớn kêu quan lớn... lại còn xưng mình, khi tao, khi tôi, khi con... không đồng nhau.
Chúng ta học chữ Hán đây là không phải học Bạch thoại mà là học Văn ngôn. Đã vậy thì sự phải theo cách dùng pronom personnel của văn ngôn là sự tự nhiên lắm.
Theo Văn ngôn, khi đối với cha mẹ, con phải xưng cha mẹ là 大 人, xưng mình là 兒 (nhi, nghĩa là con); bạn hữu đối với nhau, thường xưng bạn là 兄 huynh, xưng mình là 弟 đệ. Trong những khi ấy, những tiếng pronom personnel như 吾 ngô, 我 ngã, 爾 nhĩ, 汝 nhữ như trên đây không hề dùng đến. Vậy những chữ ấy phải đợi đến lúc đáng dùng mới dùng, không phải dùng luôn luôn được đâu.
Bởi vậy, những chữ pronom học hôm nay là học cho biết đại khái, chớ không phải bao nhiêu tiếng xưng hô đã gồm hết vào trong đó.
Thật ra thì cũng duy có những chữ học hôm nay đó mới gọi được là pronom personnel chớ còn những chữ như 大 人 đại nhân, 兒 nhi, 兄 huynh, 弟 đệ vừa nói trên đó đều là nom mà mượn dùng như pronom, cho nên không kê vào đây được.
Nãy giờ nói đó là theo Văn ngôn ngang từ đời Khổng Tử về sau. Chớ truy nguyên ra, lên đời xưa nữa, trước Khổng Tử, thì pronom personnel lại vốn là nhất luật. Coi như trong kinh Thư, tôi xưng mình trước mặt vua cũng xưng là 予 dư, và xưng vua cũng bằng 爾 nhĩ, 汝 nhữ thì đủ biết. Lại hồi đó cũng không phân số một và số nhiều nữa, lắm khi dùng một chữ 爾 nhĩ hay chữ 汝 nhữ mà chỉ đông người.
予 dư và 余 dư đồng âm đồng nghĩa, muốn dùng chữ nào tùy ý mình.
等 đẳng, 輩 bối, 儕 sài, 曹 tào cũng đều là tiếng nom, nghĩa là bọn; đây đem để dưới pronom làm thành số nhiều.
Sáu chữ dùng chỉ ba ngôi số một đó (tức là 我 ngã, 吾 ngô, 予 dư, 爾 nhĩ, 汝 nhữ, 彼 bỉ), chữ nào đem để trên chữ 等 đẳng chữ 輩 bối làm thành số nhiều đều được cả. Duy chữ 儕 sài chữ 曹 tào nên dùng có hạn, như mấy chữ có trên đây mà thôi, không nên dùng lạm; nếu ai nói 君 曹 quân tào hay 彼 儕 bỉ sài là trật, vì theo thói quen, không hề nói vậy bao giờ. Chữ 之 chi hôm nay là pronom, cùng một chữ mà khác nghĩa với chữ 之 chi giống chữ de đã học hôm trước. Dưới đây sẽ cắt nghĩa nó luôn với chữ 其 kỳ.
Còn từ chữ 者 giả sấp xuống, hôm nay chỉ nên biết nó là pronom thế thôi; đợi sau sẽ học riêng từng chữ mới rõ nghĩa nó và biết cách dùng của nó được.
III. Văn pháp
sửaNhững pronom personnel này, đời xưa có phân biệt, mà từ lâu nay người ta đã làm lộn xộn hết phần nhiều, không phân biệt nữa.
Như về ngôi thứ nhất: theo sách xưa thì chữ 吾 ngô thường thường làm sujet trong câu, đứng trước verbe, và cũng làm như adjectif possessif, như những chữ mon, ma, mes, trong tiếng Pháp; còn chữ 我 ngã làm complément, đi sau verbe.
Về ngôi thứ hai: chữ 汝 nhữ làm sujet trong câu, đứng trước verbe, còn chữ 爾 nhĩ làm complément, đi sau verbe, và cũng làm như adjectif possessif, như những chữ ton, ta, tes trong tiếng Pháp.
Ấy vậy mà đã lâu rồi, người ta dùng tràn đìa đi, không còn giữ luật ấy nữa.
(Chỗ nầy đáng lẽ dẫn những câu sách xưa làm chứng, song sợ làm khó cho người học, thôi thì cứ biết vậy là đủ, đợi sau sẽ hay).
Vì cớ đã làm lộn xộn đó cho nên năm chữ (sáu mà kể năm vì hai chữ dư kể một) ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai, chữ nào công dụng (fonction) của nó cũng như nhau, nghĩa là chữ nào cũng làm sujet, làm complément, lại làm như adjectif possessif đều được cả. Bên số nhiều cũng vậy.
Duy có ngôi thứ ba, vốn có ba chữ 彼 bỉ, 之 chi, 其 kỳ công dụng khác nhau, đời xưa phân biệt cho tới đời nay, không hề lộn xộn.
Chữ 彼 bỉ làm sujet và làm complément như năm chữ trên kia được, nhưng không hề làm như adjectif possessif bao giờ.
Chữ 之 chi luôn luôn thế cho một nom nào ở trước, cũng như le, la, les (pronom) trong tiếng Pháp, nhưng không hề làm sujet bao giờ.
Chữ 其 kỳ, theo tiếng Pháp thì nó chính là adjectif possessif, nhưng ở đây cũng sắp vào pronom cho tiện hơn.
Số là Hán văn không có adjectif possessif, khi nào muốn chỉ một vật nào thuộc về của ai mà không dùng nom thì dùng một pronom personnel để lên trên, rồi để nom chỉ vật ấy ở dưới, và ở giữa nó để một chữ 之 chi (chữ 之 chi này tức chữ 之 chi giống chữ de, đã học rồi).
Như “vợ của tôi” thì nói 余 之 妻 dư chi thê; “cái áo của mày” thì nói 爾 之 衣 nhĩ chi y; “tổ tiên của chúng ta” thì nói 吾 儕 之 祖 先 ngô sài chi tổ tiên (祖 先 tổ tiên).
Tuy vậy, cũng như luật "nom liên thuộc" đã học ở một bài trước, luôn luôn người ta bỏ chữ 之 ấy đi, trừ ra khi nào có sự cần thì mới để lại.
Vậy hãy nhớ: “Vợ của tôi” thì nói 余 妻 dư thê; “áo của mày” thì nói 爾 衣 nhĩ y, v.v...
Hai ngôi thứ nhất và thứ nhì thì như vậy; nhưng đến ngôi thứ ba lại khác. Người ta không nói 彼 妻 bỉ thê (vợ của nó), 彼 衣 bỉ y (áo của nó), 彼 等 之 祖 先 bỉ đẳng chi tổ tiên (tổ tiên của chúng nó) được, mà phải nói: 其 妻 kỳ thê, 其 衣 kỳ y, 其 祖 先 kỳ tổ tiên.
Vậy thì chữ 其 kỳ là chữ để thay cho chữ 彼 之 bỉ chi.... Khi nào muốn nói 我 之 ngã chi ... thì bỏ 之 chi mà nói nội 我 ngã.... Khi nào muốn nói 爾 之 nhĩ chi.... thì bỏ 之 chi mà nói nội 爾 nhĩ... Nhưng khi nào muốn nói 彼 之 bỉ chi.... thì chẳng những bỏ 之 chi mà cũng bỏ luôn cả 彼 bỉ nữa, nói 其 kỳ...
IV. Tập đặt câu
sửaTừ hôm bắt đầu học đến nay, kể ra đã biết sơ được ba mối tiếng rồi: nom, adjectif và pronom; còn chữ thì đã thuộc được vài trăm chữ. Nội chừng ấy đó đã đủ ráp lại đặt câu rất ngắn được rồi.
Ta nên biết trước điều nầy. Theo tiếng Pháp, những câu ngắn ngắn đặt với verbe avoir hay être thì thế nào cũng phải có verbe mới được; không, thì không thành câu. Nhưng chữ Hán thì không thế. Những câu đặt với hai verbe ấy thì không có verbe cũng thành câu. Bởi vậy hôm nay chúng ta chưa học đến verbe mà cũng có thể đặt câu được.
Nay nói trước về verbe Être. Như muốn nói: “Cái áo của tao dài, cái áo của mày ngắn”, thì tiếng Pháp thế nào cũng phải có verbe Être. Nhưng chữ Hán không cần, chỉ nói: 我 之 衣 長, 爾 之 衣 短 ngã chi y trường, nhĩ chi y đoản, là đủ, (Bắt đầu tập đặt, ta khoan bỏ chữ 之 đã, để được nghĩa được rõ hơn).
Vậy hãy theo những đề sẵn dưới này mà dịch ra chữ Hán. Những đề dưới nầy đều đáng có verbe Être mà bỏ đi.
1. Vợ của tôi đẹp, vợ của bạn tôi xấu; 2. Nước sông Hương cạn, nước sông Nhĩ Hà sâu; 3. Núi cao mà gò thấp; 4. Nhà của cha tôi cao, nhà của anh tôi thấp; 5. Con dao của nó bén, con dao của em nó cùn.
Dịch xong rồi, coi lại, nếu giống như dưới nầy, ấy là dịch đúng:
1. 我 之 妻 美; 我 友 之 妻 醜.
2. 香 江 之 水 淺; 珥 河 之 水 深.
3. 高 山 而 阜 低.
4. 我 父 之 屋 高; 我 兄 之 屋 低.
5. 其 刀 利, 其 弟 之 刀 鈍.
Chữ 而 (nhi) dùng để nối hai chữ liền nhau, cũng như chữ et trong tiếng Pháp; có khi nó cũng có nghĩa là nhưng mà, có ý trái với trên, như chữ mais.