Hán văn độc tu 1936-1937/Bài học thứ 7
I. Học tiếng đôi (Adjectifs mượn)
sửaChữ Hán | Âm | Nghĩa |
---|---|---|
胡 馬 | Hồ mã | Ngựa mọi Hồ |
越 鳥 | Việt điểu | Chim nước Việt |
華 商 | Hoa thương | Nhà buôn Tàu |
家 禽 | Gia cầm | Chim nhà |
野 獸 | Dã thú | Thú đồng |
木 戶 | Mộc hộ | Nhà làm gỗ |
土 貨 | Thổ hóa | Hàng hóa bản xứ |
鳴 鳥 | Minh điểu | Con chim kêu |
死 鹿 | Tử lộc | Con hươu chết rồi |
笑 靣 | Tiếu diện | Bộ mặt cười |
愁 情 | Sầu tình | Cái tình sầu |
至 理 | Chí lý | Cái lý rất phải |
極 刑 | Cực hình | Sự hình phạt cùng tột |
常 識 | Thường thức | Sự biết thường |
遠 謀 | Viễn mưu | Cái mưu xa |
II. Cắt nghĩa thêm
sửaCổ thi có câu “Hồ mã tê bắc phong, Việt điểu sào nam chi”. Nghĩa là: ngựa mọi Hồ hí gió bắc, chim nước Việt làm tổ cành nam. Ý nói: mọi Hồ ở phương bắc, nên ngựa mọi Hồ lúc về phương nam rồi, nghe gió bắc mà hí; nước Việt ở phương nam, nên chim nước Việt khi sang phương bắc rồi cũng chọn cành phương nam làm tổ: giống vật còn biết nhớ xứ mình.
Thương 商 đây là 商 人 thương nhân, nghĩa là người buôn bán, mà nói tắt đi. Nếu nói đủ thì nói: 中 華 之 商 人 Trung Hoa chi thương nhân.
Cầm 禽 là loài chim; 家 禽 gia cầm như con ngan, con vịt, con ngỗng, v.v...
Thú 獸 là loài vật có bốn chân. Dã thú 野 獸 như con cọp, con heo rừng, con hươu, con mang, v.v…
Hộ 戶 có nghĩa là một famille. Đời xưa hay nói 戶 口 hộ khẩu: hộ 戶 là một gia đình, khẩu 口 là một miệng, tức một đầu người. Thường thường làm nghề gì thì cả nhà cùng làm nên những nhà rủ nhau đi đẽo gỗ kéo về mà bán, kêu bằng 木 戶 mộc hộ. Cũng như những nhà làm nghề nước mắm ở Phan Thiết, người ta kêu là 鹹 戶 hàm hộ. (鹹 hàm là mặn, tức là nước mắm).
Thổ 土 đây là 本 土 bản thổ, cũng như 本 處 bản xứ.
Bất kỳ vật gì hễ đem tiền mà mua được đều kêu là 貨 hóa, không cứ bởi tự nhiên sinh sản ra hay người ta chế tạo nên.
Đây nhẫn lên là nom propre và nom commun mượn làm adjectif.
Minh điểu 鳴 鳥 là con chim đang kêu hay đã kêu hay biết kêu, tùy câu mà hiểu. Nhưng khéo kẻo lầm với khi nói 鳥 鳴 điểu minh thì nghĩa là con chim kêu, chỉ sự con chim đang hành động.
Tử lộc 死 鹿 thì là con hươu đã chết rồi, không nên lầm với khi nói 鹿 死 lộc tử là chỉ sự hành động cuối cùng của con hươu.
Bộ mặt cười 笑 靣 tiếu diện tức là bộ mặt tươi tắn, vui vẻ; hay nói 笑 容 tiếu dung cũng được.
Sầu tình 愁 情 là cái tình sầu não, buồn bã.
Bốn chữ trên đây 鳴 minh, 死 tử, 笑 tiếu, 愁 sầu đều là verbe mà mượn làm adjectif cũng như trong tiếng Pháp, participe présent hay passé đều coi như adjectif.
Chí lý 至 理 là cái lẽ phải rất mực, đến nơi, không còn gì hơn nữa.
Cực hình 極 刑 là những hình chém bêu đầu, phân thây thuở xưa, ý nói không còn hình nào nặng hơn.
Thường thức 常 識 là sự biết thông thường, nghề nào đều có thường thức của nghề ấy.
Viễn mưu 遠 謀 là sự lo tính xa xôi, như ở bây giờ mà lo đến việc một vài trăm năm nữa.
Bốn chữ trên đây 至 chí, 極 cực, 常 thường, 遠 viễn đều là adverbe mà mượn làm adjectif.
III. Văn pháp
sửaAdjectif mượn
Ngoài những adjectif qualificatif nguyên tiếng, cũng có khi người ta mượn mấy mối tiếng khác mà làm thành nó. Những mối tiếng có thể mượn được, là nom, verbe, adverbe.
Nom propre hay nom commun đều mượn làm adjectif qualificatif được cả.
Như 胡 馬 Hồ mã, 越 鳥 Việt điểu, 華 商 Hoa thương: chữ 胡 Hồ, chữ 越 Việt, chữ 華 Hoa đều là nom propre dùng qualifier cho chữ 馬 mã, chữ 鳥 điểu, chữ 商 thương.
家 禽 Gia cầm, 野 獸 dã thú, 木 戶 mộc hộ, 土 貨 thổ hóa: chữ 家 gia, chữ 野 dã, chữ 木 mộc, chữ 土 thổ đều là nom commun dùng qualifier cho chữ 禽 cầm, chữ 獸 thú, chữ 戶 hộ, chữ 貨 hóa.
Khi dùng như thế, cái hình thức của nó không khác gì nom liên thuộc, vì mỗi hai chữ đều có thêm chữ 之 chi vào giữa để chỉ nghĩa chữ nọ thuộc về chữ kia. Như 胡 之 馬 Hồ chi mã là con ngựa của mọi Hồ; 野 之 獸 dã chi thú là loài thú của đồng nội.
Cho nên có nhiều nom liên thuộc mà một nom đứng trước có thể kể như là adjectif qualificatif.
Người ta hay mượn verbe neutre làm adjectif qualificatif. Tức như:
Dùng chữ 鳴 minh qualifier cho chữ 鳥 điểu để hình dung con chim ấy là đương kêu, hay đã kêu, hay biết kêu;
Dùng chữ 死 tử qualifier cho chữ 鹿 lộc để hình dung con hươu ấy đã chết;
Dùng chữ 笑 tiếu qualifier cho chữ 靣 diện để hình dung cái mặt tươi cười vui vẻ;
Dùng chữ 愁 sầu qualifier cho chữ 情 tình để hình dung cái tình buồn rầu.
Bốn chữ 鳴 minh, 死 tử, 笑 tiếu, 愁 sầu đều là verbe neutre.
Những chữ vốn là adverbe mà khi đem đặt trước nom, đứng sát với nom, là khi người ta đã mượn nó làm adjectif qualificatif. Như 至 理 chí lý, 極 刑 cực hình, 常 識 thường thức, 遠 謀 viễn mưu: vì 理 lý, 刑 hình, 識 thức, 謀 mưu đều là nom, cho nên chí, 極 cực, 常 thường, 遠 viễn đó vốn là adverbe mà đều kể như adjectif.
IV. Thành ngữ dùng vào Quốc văn
sửa胡 越 一 家 (Hồ Việt nhất gia) = Mọi Hồ ở phía bắc nước Tàu, nước Việt ở phía nam nước Tàu mà hợp làm một nhà được, có ý nói thống nhất cả thiên hạ, và xa lạ thành quen thuộc.
商 人 多 詐 (Thương nhân đa trá) = Người buôn bán nhiều lừa dối.
家 難 天 下 易 (Gia nan, thiên hạ dị) = Trong nhà thì khó, ra thiên hạ thì dễ. Ý nói đối với người ngoài cái gì cũng nhất thiết được, còn ở trong nhà phải lấy tình mà xử cho nên khó.
笑 中 有 刀 (Tiếu trung hữu đao) = Trong sự cười có con dao. Ý nói cái cười độc hiểm lắm.
否 極 泰 來 (Bĩ cực thái lai) = Bĩ là vận xấu; thái là vận tốt; vận xấu cùng tột rồi, vận tốt đến.
謀 事 在 人, 成 事 在 天 (Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên) = Mưu việc ở người, nên việc ở trời. Ý nói người ta làm việc gì chỉ biết hết sức mình mà thôi, chứ sự nên hư khong liệu được.
V. Tập đặt
sửaNhững nom mượn làm adjectif đem đặt trên nom thì cũng giống như nom liên thuộc đã học rồi, hôm nay không cần phải tập. Chỉ có verbe mượn làm adjectif đặt trên nom là phải tập cho biết.
Phải nhớ duy có verbe neutre thì mới mượn được. Đây thử mượn mà đặt thêm mấy chữ để tập cho quen.
1/ 歌 兒 (ca nhi) = chữ 兒 nhi nghĩa là con nít, gồm cả con gái con trai. Nhưng chữ 兒 nhi ở đây là nói về con gái. 歌 兒 ca nhi là con gái biết hát.
2/ 耕 夫 (canh phu) = chữ 夫 phu có nghĩa là đứa, là thằng trai. 耕 夫 canh phu là trai cày.
3/ 織 女 (chức nữ) = Người con gái biết dệt, hay làm nghề dệt.
4/ 食 桌 (thực trác) = Cái bàn ăn hay cái bàn để dọn ăn. 桌 trác là cái bàn.
5/ 走 狗 (tẩu cẩu) = Con chó chạy, tức là chó săn.
6/ 行 宮 (hành cung) tiếng ta cũng nói hành cung. Mười hai tỉnh Trung Kỳ, mỗi tỉnh có một cái, để khi nào vua đi ngự tới thì ở đó. Nghĩa đen là cái cung để vua ở trong lúc đi. Chữ 行 hành là verbe.
7/ 飛 機 (phi ky) = Cái máy bay. Chữ 飛 phi là verbe.
8/ 出 路 (xuất lộ) = Con đường đi ra. Chữ 出 xuất là verbe.
9/ 流 水 (lưu thủy) = Nước chảy. Chữ 流 lưu là verbe.
10/ 來 世 (lai thế) = Đời sau. Chữ 來 lai là verbe, nghĩa là đến. 來 世 lai thế nghĩa đen là đời sẽ đến, tức đời sau.
Theo như cách tập dịch đã nói trước kia, dịch những đề dưới này ra chữ Hán, những đề ấy đều là mượn một verbe neutre làm adjectif để đặt với nom.
1. Người con gái biết hát; 2. Con chim bay; 3. Thợ dệt; 4. Con ngựa chạy; 5. Con đường đi đến; 6. Con trâu cày; 7. Mưa bay; 8. Cái lòng buồn rầu; 9. Con chim chết; 10. Người đi.
Những chữ dùng trong 10 đề này đều là chữ học rồi cả, hoặc ở trong bài hôm nay, hoặc ở trong mấy bài trước, hãy nhớ lại.
Tiếng ta khi đặt câu có thể không phân biệt được adjectif hay verbe trong trường hợp dưới này. Như nói “Con chim bay” chữ “bay” ấy có thể nhận là verbe cũng được. Nhưng không, đây là adjectif. Trong chữ Hán, nếu là verbe thì nói 鳥 飛 điểu phi, nếu là adjectif thì nói 飛 鳥 phi điểu. Đây nên nói là 飛 鳥 phi điểu.