ĐOẠN THỨ II

Tủi phận bạc khóc chàng tổng Cóc,
Giở ngón thơ, giễu cậu chiêu Hùm.

Khi cưới về rồi, Xuân-Hương bực mình tủi phận, giằn giỗi trăm chiều, anh tổng Cóc ta cũng không thể chiều đãi thế nào cho êm lòng được.

Nguyên anh tổng Cóc có tính máu mê cờ bạc. Xuân-Hương từ khi về đã can gián đôi ba lần không nghe. Anh ta lại nhân tức về cô ta còn hợm mình uốn éo, hễ tối đến thì ních chặt cửa buồng lại. Vậy anh ta đêm nào cũng cứ đi cả đêm, hết cuộc xóc-đĩa nọ, lại sang sòng xóc-đĩa kia, sáng ngày về lại nằm ngủ mê mệt. Một hôm, thấy lối bạc rền, anh ta cứ theo mãi, đã tấy lên được ba nghìn quan, sau thua một vài tiếng anh ta lảng ra bàn đèn nằm. Vừa hút được vài điếu, nhà cái cứ gọi xói: « Bán chẵn! nào ông cai, bán chẵn! » Tổng Cóc làm thinh, sau tiếng bạc nào nhà-cái cũng gọi xói, anh ta tức mình, chồm dậy: « Ừ, đắt ». Mở ra, thua; tổng Cóc cay, đánh đuối mấy tiếng nữa lại thua luôn, đã hết cả tiền được, lại hụt mất lưng nhà, bụng bảo dạ rằng ta hãy nghỉ, đợi tiếng nào thực chắc, mở một tiếng rõ to, lấy lại cả vốn mình mới được. Một lúc lâu thấy tiếng bạc đã vào khuôn, tổng Cóc bảo: « Thong thả hãy mở, nhà-cái có thừa lẻ, mua chơi ».

— « Ừ thừa lẻ, ba nghìn » — Anh tổng Cóc, vội vàng nói to « đắt » sắn tay áo, mở « sấp ba ». Tổng Cóc giật mình tỉnh dậy, mở mắt trông thấy Xuân-Hương đứng ở bên cạnh.

Xuân-Hương hỏi rằng:

— Chàng vừa rồi nói lảm nhảm gì vậy?

Tổng Cóc nói:

— Sáng rồi à! Nàng đi đâu mà đến đây?

Xuân-Hương thưa:

— Thiếp không ngờ chàng chỉ mê man về cờ bạc, không biết ngày đêm là đâu, mình nằm ở nhà mà còn tưởng là đương cuộc ăn thua, thế thì thiếp còn mong nhờ vào đâu nữa?

Tổng Cóc bấy giờ mới biết là mình nằm mơ. Vì đêm hôm trước anh ta thua canh bạc to, phải viết gán mất cả ruộng nương, vậy khi về hãy còn mê mẩn, rồi lo nghĩ tiếc của thành bệnh, một ngày một yếu dần đi, thuốc thang mãi cũng không khỏi, một hôm tự nhiên ngất đi mà chết. Xuân-Hương than khóc, có thơ như sau này:

Hỡi chàng ôi! hỡi chàng ôi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi.
Nòng nọc đứt đuôi từ đấy nhé,
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.

Xuân-Hương từ khi Tổng Cóc mất rồi, nghĩ mình duyên phận chẳng ra gì, đã phải chiều lòng mẹ bước chân ra đi lấy chồng, ngờ đâu trong mấy tháng giời, duyên chưa bén duyên, mà đã mang tiếng là hồng-nhan phận bạc. Vậy lại về nhà nuôi mẹ, để cho trọn chữ hiếu là hơn. Mẹ là Hà thị khi bấy giờ đã yếu, không được mấy năm rồi cũng đến cõi lên tiên. Xuân-Hương tang mẹ xong, các bác tổng, lý lắm người lại đưa tin đến hỏi, Xuân-Hương thấy thế lại càng bực mình phiền não, giận rằng từ xưa đến nay chửa thấy ai là văn-nhân tài-tử, mà chỉ thấy eo óc những người tổng, lý đưa hơi; vậy mới tả tình một bài thơ rằng:

Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom,
Oán hận trông ra khắp mọi chòm!
Mõ thảm không khua, mà cũng cốc,
Chuông sầu chẳng đánh, cớ sao om?
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ!
Sau giận vì duyên để mõm mòm!
Tài-tử, văn-nhân ai đó tá?
Thân này đâu đã chịu già tom.

Bài thơ ấy đưa ra, phàn nàn với chị em nhiều người truyền tụng. Xuân-Hương bắn tin rằng hễ ai họa được thì sẽ nhận nhời hỏi. Các bác tổng, lý đều lắc đầu chịu tho cả, từ bấy giờ không bác nào dám thập thò nhắn tin nữa.

Gần trên phố hàng Đường có chú khách nghe tiếng Xuấn-Hương, cũng đi lại chơi, chực muốn gạ gẫm nhân tình. Xuân-Hương nghĩ mình đâu lại có tằng tụi nhảm vậy, nếu tham vàng mà lấy thằng ngô, nhời ăn, tiếng nói xì-xồ khó nghe, mình phải liệu cách lịch sự mà khước đi mới được. Một hôm chú ta lại chơi. Xuân-Hương hỏi:

— Chú ở bên Tàu về tỉnh nào, mà họ là gì?

Chú khách đáp:

— Cái ngộ người Cảng-tống, thộc dề Hán-tộc; lấy các chú sướng cơ lơ bơ!

Xuân-Hương nói:

— Chú là Hàn-tộc thì hẳn hay chữ, hễ chú đối được câu này thì tôi mới lấy.

Chú khách tưởng là câu đối chữ mà dễ đối liền gật đầu ngay.

Xuân-Hương mới viết ra một câu như sau này:

Chân đi hài hán, tay bán bánh đường; miệng hát líu lường, ngây ngô, ngấy ngố.!

Chú khách thấy câu đối ra có chữ, Hán, Đường, Ngô, là tên các triều nước mình, còn những chữ khác không hiểu là gì hết, mới bảo rằng:

— Chào cái cô, ngộ ti dề, tể mai tôi lớ.

Chú khách về rồi. Sực đâu lại có người đưa một phong thư lại. Xuân-Hương nhận thư mở ra xem thì thấy có một câu đối rằng:

Người Cổ lại còn đeo thói Nguyệt!
Buồng Xuân chi để lạnh mùi Hương?

Xuân-Hương xem xong, tính chiết tự ra thì câu trên có chữ CổNguyệt 月 là chữ Hồ 胡, tức là họ mình; câu dưới có chữ Xuân Hương là tên mình, mà lại có ý trêu ghẹo; biết người này hẳn là người tài tình hay chữ, mới nhắn người cầm thư mời ông ấy lại chơi.

Nguyên ông ấy là ông chiêu Hổ người làng Đan-loan, phủ Bình-giang, tỉnh Hải-dương[1], dòng dõi con quan, có tiếng hay chữ, qua chơi nghe tiếng Xuân-Hương là bậc tài-nữ nổi tiếng văn thơ, không ai địch nổi, mới đưa thử câu đối để ghẹo ý xem. Thấy người cầm thư về nói Xuân-Hương nhắn mời lại chơi.

Giời gần chiều hôm, ông chiêu Hổ đánh chén say, ngất ngưởng lại chơi. Xuân-Hương chào đón vào ngồi. Chiêu Hổ hỏi sách vở đâu, nàng ấy cũng đối đáp như nước chẩy, giở đến ngón thơ, nàng ấy cũng ứng đối ngay lập tức. Chiêu Hổ thấy nàng ấy văn thơ chữ nghĩa giỏi giang, mà người lại thì mị có duyên, mới giở ra trò truyện lả lơi, ra chiều say sưa nghịch ngợm. Xuân-Hương bất-đắc-dĩ phải gắt lên, rồi liền đọc bốn câu như sau này:

Anh đồ tỉnh, anh đồ say,
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày?
Này này chị bảo cho mà biết,
Chốn ấy hang hầm chớ mó tay!

Chiêu Hổ nghe rồi, tức lắm vì tên mình là Hổ mà cô ta lại bảo hang hầm là gì của cô ta, liều cáu lên đáp họa lại rằng:

Này ông tỉnh, này ông say,
Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày!
Hang hầm ví bẵng không ai mó,
Sao có hầm con bỗng chốc tay?

Xuân-Hương bựt cười, mà rằng:

— Rõ thật! Cụ này mới liều lĩnh chứ!

Chiêu Hổ đáp:

Ừ, cũng liều lĩnh chơi đấy, sao chị dám dọa tớ là hang thầm, dễ thường người ta không dám mó hay sao?

Xuân-Hương biết ông ấy say rượu, liền gọi con nhài pha nước chè liên mời ông ấy sơi, mới tỉnh rượu giở ra về. Từ đó chiêu Hổ mới biết Xuân-Hương là giỏi, thường thường đi lại chơi bời, bàn luận văn thơ thực là tương đắc. Một hôm Xuân-Hương hẹn chiêu Hổ cho vay năm quan tiền. Chiêu Hổ ừ nhời cho vay, sau đưa đến cho vay có ba quan. Xuân-Hương mới viết thơ lại trách.

Thơ rằng:

Sao nói rằng năm, lại có ba?
Trách người quân-tử hẹn sai ra!
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt,
Nhờ hái cho xin nắm lá đa.

Chiêu Hổ được thơ xem ý câu kết, biết rằng cô ta giễu mình là thằng cuội ở cây đa, nhưng không biết nghĩ thế nào họa cho trôi được vần đa, mới liều lĩnh viết giả nhời một bài.

Xuân-Hương được thơ mở ra xem thì thấy họa lại nguyên vận.

Thơ rằng:

Rằng gián thì năm, quí có ba,
Bởi người thục-nữ tính không ra.
Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt,
Cho cả cành đa lẫn củ đa!

Xuân Hương xem xong biết rằng thơ họa có ý xỏ xiên, muốn nhân dịp khác đưa thơ hãm vận để chọc tức chơi.

Một ngày kia, chiêu Hổ chén say lại ngất ngưởng đến chơi, lăm le chỉ muốn gạ gẫm những sự nọ kia.

Xuân-Hương nói:

— Rõ khéo! Bác này mới tần mần chứ!

Chiêu Hổ bẽn lẽn, liền tảng ra sự khác mà rằng:

— Chị đã chịu vần thơ củ đa của tớ hôm nọ chưa?

Xuân-Hương nói:

— Ông chỉ tài đánh trống lảng, tôi cho vần thơ này thì hết họa.

Chiêu Hổ nói:

— Ừ, tha hồ, chị đọc lên.

Xuân-Hương liền đọc rằng:

Những bấy lâu nay luống nhắn nhe,
Nhắn nhe toan những sự gùn ghè.
Gùn ghè nhưng vẫn còn chưa dám,
Chưa dám cho nên phải rụt rè.

Chiêu Hổ thấy ba vần đều tử vận cả, không biết họa sao cho thoát, không nhẽ mình lại chịu thua, mới túng bí đáp họa lại rằng:

Hỡi, hỡi cô bay, tớ bảo nhe!
Bảo nhe, không được gậy ông ghè.
Ông ghè chẳng vỡ, ông ghè mãi,
Ghè mãi, rồi lâu cũng phải rè.

Xuân-Hương bựt cười mà nói rằng:

— Ông về ghè bà ấy ở nhà ý!

Chiêu-Hổ cười nhạt rồi giở ra về.

Xuân-Hương từ đấy lại càng nổi tiếng, văn-nhân mặc-khách thơ từ xướng họa đi lại cũng nhiều, nhiều người mon men đến chơi, nàng ấy lại thả ra cho một bài thơ, hễ tịt ngóc không họa được, thì nàng ấy không thèm ra tiếp, rồi đứng tưng hửng lại cút.

Một hôm nhân mùa nòng nực, Xuân-Hương ra nằm hóng mát ở mái hiên tây, tay cầm cái quạt, vịnh bài thơ rằng:

Mười bảy hay là mười tám đây?
Cho ta yêu giấu chẳng rời tay.
Mỏng dầy chừng ấy chành ba góc,
Rộng hẹp dường nào cắm một cay.
Càng nóng bao nhiêu, thời cang mát,
Yêu đêm chửa phỉ, lại yêu ngày.
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy.
Chúa giấu, vua yêu một cái này

Xuân-Hương vừa vịnh xong bài thơ, thì thiu thiu chợp ngủ. Sực có hai ba cậu học trò đi qua ngoài rào vườn hoa, toan muốn ngấp nghé vào chơi, dòm thấy nàng ấy đang nằm ngủ say, mới sẽ chỉ trỏ...! bảo nhau, cười khúc khích...! Xuân-Hương sực tỉnh dậy, thấy hai ba cậu học trò đang đứng cười, nàng ấy mới đọc giồn cho một bài thơ.

Thơ rằng:

Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Thiếu-nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc chải cài trên mái tóc.
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò Bồng-đảo sương còn ngậm,
Một lạch Đào-nguyên suối chửa thông.
Quân-tử dùng dằng đi chẳng đứt,
Đi thời cũng dở, ở không song.

Các cậu học trò nghe thấy nàng ấy đọc bài thơ trên này, cậu thì muốn vào họa lại, cậu thì bảo thôi đừng vào, không thể đối đáp được kịp mồm chị ta đâu, liền rủ nhau tháo lui đi về.

Xuân-Hương giở vào nhà trong, tắm gội vừa xong, lại thấy có mấy người khách tri-kỷ đến chơi, Xuân-Hương bày ra cuộc thơ xướng họa làm vui. Đương lúc họa thơ uống rượu, lại thấy con-nhài chạy vào thưa rằng:

— Thưa cô, có cậu viên hôm trước lại chơi.


  1. Hoặc truyền rằng: Ông ấy ở làng Bình-vọng, phủ Thường-tín, Hà-nội sau có ứng triệu đỗ Chế-khoa