ĐOẠN THỨ III

Têm khẩu giầu đề thơ ghẹo khách,
Vịnh quả mít ngụ ý trêu ngươi.

Nguyên cậu viên ấy là con quan lớn, cũng đã chực khai ấm, để nhấp nhổm ra làm quan; ăn mặc đài điếm, chơi bời xành xỏi, không kém gì tay tú Xuất, khắp cả kẻ chợ ai cũng biết tiếng cậu ta; lần trước đã có đến chơi, Xuân-Hương vẫn ghét mặt không muốn ra tiếp, hôm ấy lại đến, Xuân-Hương đương tiếp khách ở nhà trong, mới têm một miếng giầu, bổ đôi quả cau thích hai câu thơ ở ngoài vỏ, rồi lại sai con-nhài bưng cơi giầu ra, dặn rằng : « Mày ra mời cậu xơi..... » Con-nhài bưng giầu ra nhà ngoài rồi đứng chắp tay thưa rằng:

— Thưa cậu, mời cậu xơi giầu.

Cậu viên ta cầm lấy miếng cau ngắm nghía, thấy đề hai câu rằng:

Mảnh tình ví xẻ làm đôi được,
Mảnh để trong nhà, mảnh đệ ra.

Cậu ta biết rằng Xuân-Hương nói lỡm không dám ăn giầu, bụng bảo dạ rằng mình đã xỏ mà lại gặp xỏ hơn, liền lủi thủi ra về, trong bụng vẫn khao-khát muốn giáp mặt Xuân-Hương. Một hôm, cậu viên ăn mặc cực sang đủng đỉnh lại đến chơi nhà, chắc hẳn hôm nay thế nào cũng được tiếp giai-nhân để trò truyện mấy câu cho thỏa; khi đến nơi, lại thấy con-nhài ra nói: « Cô tôi vửa đi chơi vắng, đến chiều mời cậu lại chơi. » Cậu viên cau mặt lại giở ra về, có ý trách cô ta là hợm mình.

Khi Xuân-Hương về, con-nhài thuật truyện lại như vậy Xuân-Hương nói:

— Để lần sau, ta thả cho mấy câu, xem có đáp họa lại được, thì ta sẽ ra tiếp; không thì chả hoài hơi mà truyện nhảm với các cậu tốt mã rẻ-cùi ấy.

Quá trưa về chiều, lại thấy cậu viên quần áo bảnh bao, tò mò đến chơi, ngồi ghế trường đợi ở nhà ngoài. Xuân-Hương ở nhà trong sai con nhài đem cháp giầu ra mời, chứ không ra tiếp. Cậu viên trông thấy miếng cau lại có thích chữ, bốn câu như sau này:

Quả cau nho nhỏ, miếng giầu hôi,
Này của Xuân-Hương mới quệt rồi.
Có phải duyên nhau, thì thắm lại,
Đừng xanh như lá, bạc như vôi.

Cậu viên xem xong, mới biết rằng cô ta có ý trách mình bạc tình, nên chỉ nói thoái thác mãi, không chịu ra tiếp, nghĩ cũng bẽn mặt, nhưng không biết đáp họa lại thế nào, phải giở ra về.

Xuân-Hương bảo con-nhài rằng:

— Ta vẫn biết các cậu chỉ tốt bộ thế thôi, chứ có mấy cậu ấm được như cậu chiêu Hổ.

Khi nhàn, Xuân-Hương thường đi dạo qua cảnh hồ Tây, ghé chơi chùa Trấn-quốc. Nguyên chùa ấy ở cạnh bờ hồ Tây, xung quanh nước hồ bao bọc, mùa hè đến thì hoa sen ngào ngạt; các triều vua Lê khi trước vẫn thường ngự ra chơi chùa để hóng mát; gần đấy lại có cung Thái-hòa của nhà Lý khi xưa, văn-nhân đi lại du thưởng cũng nhiều, nhưng bấy giờ thì cảnh chùa sầm uất vắng vẻ, Xuân-Hương qua chơi có đề bài hoài-cổ rằng:

Ngoài cửa hành-cung cỏ dãi-dầu,
Trạnh niềm cố-quốc nghĩ mà đau.
Một tòa sen tỏa hơi hương ngự,
Năm thức mây phong nếp áo chầu.
Sóng lớp phế-hưng coi vẫn rộn,
Chuông hồi kim-cổ lắng càng mau.
Người xưa cảnh cũ đâu đâu tá,
Khéo ngẩn ngơ thay, lũ trọc đầu!

Xuân-Hương đề thơ vừa xong, giời đã chiều hôm, mới giở bước ra về, gót sen lững thững, dạo qua bờ hồ. Sực đâu có năm ba thầy khóa mới dắt díu nhau đi chơi, vừa thấy hút bóng hồng ở chùa bước ra, vội vàng bước dảo lên theo sau, bập bẹ nói năm ba câu chữ và học đòi thả mấy câu thơ để trêu ghẹo, vẫn tưởng chị con gái ấy là ai kia, chứ không biết là Xuân-Hương, cứ theo sau bỡn cợt mãi.

Chị ta tức mình mới đứng lại đọc giồn cho bốn câu rằng:

Khéo! khéo! đi đâu lũ ngẩn ngơ?
Lại đây cho chị dạy làm thơ.
Ong non ngứa nọc trâm hoa rữa,
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.

Các thầy khóa kia nghe giọng thơ biết là Xuân-Hương, thế rõ là mình đánh trống qua cửa nhà sấm, mới bấm nhau lui lại, để cho Xuân-Hương đi trước.

Xuân-Hương về tới nhà, nghe thấy bên láng diềng có tiếng người khóc, hỏi ra mới biết là người chị em bạn khóc chồng. Nguyên khi nhỏ chị ta là bạn chơi với Xuân-Hương, sau đi lấy chồng, chồng được bổ làm Tri-huyện; không bao lâu chồng chết, chị ta lại về ở nhà, chiều nào cũng thương chồng than khóc. Xuân-Hương nghe tiếng khóc mới viết một bài thơ đưa sang khuyên dỗ.

Thơ rằng:

Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng,
Nín đi, kẻo thẹn với non sông.
Ai về nhắn nhủ đàn em, nhé:
Xấu máu thì khem miếng đỉnh chung.

Chị ta được thơ, từ bấy giờ cũng không dám khóc nữa, hằng ngày chị ta vẫn đi lại sang chơi với Xuân-Hương, sau lại lấy chồng là thầy lang thuốc, mới được chút con giai không bao lâu lại hóa, chị ta thương mình hẩm duyên bạc phận, đến nỗi lấy thầy lang mà cũng chết, ngày đêm thương khóc ti ti, Xuân-Hương thường sang chơi khuyên giải mãi chị ta vẫn không nghe. Sau Xuân-Hương mới viết bỡn một bài thơ đưa cho chị ta như sau này:

Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì,
Thương chồng nên nỗi khóc tỉ ti!
Ngọt bùi, thiếp nhớ mùi cam-thảo,
Cay đắng, chàng ôi! vị quế-chi.
Thạch-nhũ trần-bì sao để lại?
Qui-thân liên-nhục tẩm mang đi.
Dao cầu thiếp biết trao ai nhỉ?
Sinh ký chàng ôi! tử tắc qui.

Chị ta từ khi được thơ Xuân-Hương, mới nghĩ lại ngấm ngầm, càng lấy làm thương đau lắm, nhưng cũng nể nhời Xuân-Hương khuyên dỗ, trong bụng nghĩ cũng nguôi nguôi dần.

Trước nhà Xuân-Hương có cái vườn cảnh, trong vườn có một cây mít mới bói quả, khách lại chơi bời thường hay ra vườn xem cảnh, thấy quả mít xinh ai cũng mân mó, người nọ nói rằng: « Chị cho tôi quải mít này nhé. » Người kia hẹn rằng: « Chị để dành cho tôi. »

Xuân-Hương nói:

— Các ngài có bụng yêu thì em xin vâng, nhưng xin các ngài thử đề một bài thơ quả mít, xem thơ ai hay thì em xin hiến.

Các người khách thấy Xuân-Hương nói vậy, ai cũng đứng ngẩn ngẫm nghĩ để vịnh thơ, một hồi lâu chưa thấy ai đọc được câu nào hay. Xuân-Hương mới đọc lên một bài rằng:

Thân em như quả mít trên cây,
Vỏ nó xù xì múi nó dầy.
Quân-tử có yêu thì đóng nõ,
Xin đừng mân mó nhựa ra tay.

Các người khách đều vỗ tay cười ầm lên, rồi tay nọ xoa tay kia hình như sợ nhựa mít dính vào tay. Từ bấy giờ các người khách nói lảng, xuông tình mấy câu rồi rủ nhau ra về.

Một lát, lại thấy có hai ông cử mới đến chơi.