Gia Long tẩu quốc/Lời tựa của tác-giả

Gia Long tẩu quốc của Tân Dân Tử
Lời tựa của tác-giả

LỜI TỰA CỦA TÁC-GIẢ


Lấy cặp mắt quan sát mà xem cả hoàn cầu, từ Tây-Âu tới Đông-Á, từ Mỷ-Quốc tới Phi-Châu, cái trình độ các nước văn-minh lên cao chừng nào, thì cái nền lịch-sữ tiểu-thuyết lại càng vun bồi tô điểm, quí trọng thạnh-hành chừng nấy.

Mổi nước đều có một lịch-sữ riêng, mổi lịch sử lại có diển ra tiểu-thuyết đặng phổ thông cho quốc dân rỏ biết cái cơ-quan hành động cũa tiền nhơn, sự dinh hư tiêu trường của chũng tộc.

Lịch sử có hai thứ: một thứ gọi là lịch-sữ đại-lược chánh-biên, một thứ gọi là lịch-sữ tiểu-thuyết.

Lịch-sử đại-lược chỉ nói tóm tắc những sự lớn lao, mà không nói cặn kẻ những sự mảy múng. Còn lịch-sữ tiểu-thuyết thì nói đũ cả, vừa chuyện lớn lao, vừa chuyện mãy múng, đều trạng ra như một cái cãnh vật tự nhiên, hiển hiện trước mắt. Lịch-sữ đại-lược có nói nhơn vật sơn xuyên, quốc gia hưng phế, mà không tỏa trạng mạo ngử ngôn, không tỏa tánh tình phong cãnh.

Còn lịch-sử tiểu-thuyết thì tỏa đủ các nhơn vật sơn xuyên, tánh tình ngôn ngử, tỏa tới hỉ, nộ, ái, ố, trí nảo tinh thần, tỏa tới phong cãnh cỏ-hoa, cửa nhà đài các, nhành chim lá gió, nhạc suối kèn-ve, làm cho các độc giã ngồi xem quyển sách, miệng đọc câu văn, mà dường như mình đã hóa thân đi du lịch một phong-cãnh nào kia, xem thấy một nhơn-vật nào đó, khiến cho kẽ đọc ấy dễ cãm xúc vào lòng, dễ quan niệm vào trí.

Ví như đọc Tam-Quốc, thấy Quan-Công gìn lòng nghĩa khí, đốt đuốc xem thơ, tức nhiên tỏ ý kính vì, mà tôn sùng vào óc, thấy Tào-Tháo lộ thói gian hùng, lộng quyền khi chúa, tức nhiên ghét giận, mà bức rứt trong lòng. Đọc Thủy-hủ thấy Tống-giang chiếm cứ Lương-sơn-Bạc, bèn dững dửng chơn mày, đọc Hồng-Lâu thấy Đợi-Ngọc thát tại quán Tiêu-Tương, liền rưng rưng nước mắt. Đọc Les trois mousqu taires thấy Hồng-y Giáo-chũ là Richelieu phò vua vực nước, vửng đặt Triều-cương, làm tướng cho vua Louis cũng như Quản-Trọng, làm tướng cho Tề-Hoàng, chắc ai củng thầm khen trộm mến; thấy quận công Buckingham vào cung, tư tình cùng Hoàng-hậu Anne d'Autriche, thế ai cũng động tình mê hương luyến ngọc, mà rỡn ốc rùng mình. Đọc Les compagnons de Jéhu, thấy Roland một mình vào địa huyệt, thì ngại ngại lòng lo, thấy Bonaparte sấp binh về Paris, lại hừng hừng khí sắc, đọc Le comte de monte-cristo thấy Dantès bị hàm oan 14 năm trong hắc ngục, tự nhiên dàu dàu một mối thương tâm, thấy Mercedès nửa đêm ra mắ Edmond, kể lể sự tình, tức thì ngùi ngùi một lòng bi cảm.

Theo những sự kể trên đây, tiểu-thuyết thật là một thứ sách dể cảm động, dể khích thích lòng người làm cho nhiều kẽ đọc tới mà quên ăn bỏ ngũ, mê mẩn tâm thần, đọc rồi năm mười ngày hãy còn tưởng tượng trong trí.

Tiểu thuyết có nhiều thứ khác nhau, nhưng thuyết về lich-sử thì cần nhứt cho quốc dân ta trong lúc nầy hơn hết. Lịch-sữ với tiểu-thuyết phải cặp kè nhau như mẹ với con, hòa hiệp nhau như chồng với vợ, lịch-sữ mà không có tiểu-thuyết để phụ tùng thì như mẹ mà không con giúp đở, thế phãi bơ vơ; tiểu-thuyết mà không có lịch-sử làm cội nguồn, nào khác vợ mà không chồng chủ trương, ắc phải một mình hiu quạnh;

Vậy nếu muốn cho lịch-sữ nước nhà phổ thông, thì chẳng chi hay hơn là dùng tiễu-thuyết làm mai-nhơn để dẩn dắc quốc-dân vào đường lịch-sữ, đó là một phương pháp rất anh linh, và một phương châm rất công hiệu.

Nhưng tiểu thuyết có hai đều quang hệ khác nhau: Một là: tiểu thuyết nào từ nghiêm lý chánh, thì được bỗ ích cho xả-hội nhơn quần; hai là: tiểu-thuyết nào viết bạ nói xàm, chẳng kể luân lý cang thường, ắc gây một mối ác cãm trong lòng người mà phải tồi phong bại tục.

Vậy tiểu thuyết củng có thể đáng kính đáng yêu, mà củng có thể đáng kính đáng sợ.

Trong nước ta từ hai ngàn năm nay, lịch sữ đại lược thì có, mà lịch sữ tiểu-thuyết thì không.

Lịch-sữ ta như một cây kia có cội rể, mà chẳng có nhánh lá bông hoa, như một nhà kia có cột rường; mà không có ghế bàn trang sức, nếu cây mà không có nhánh lá bông hoa, thì thành ra cây khô, ngó tới thêm chán thêm buồn, có gì gọi rằng tốt tươi ngoạn mục, còn nhà mà không ghế bàn trang suất, thì thành ra nhà trống, ngó vào tường cao vách đứng, có gì đẹp đẽ mà quan chiêm. Vì vậy cái tình trạng lịch-sử của ta thuở nay cũng đâu như thế.

Trừ ra mấy nhà có học thức, có khảo cứu lịch sử mới được hiểu thông.

Kỳ dư, phần nhiều quốc dân đối với lịch-sữ nước nhà, lơ lảng như khách bàng quan. Nguội lạnh như người ngoại quốc, không biết ham mộ quí trọng lịch sử là gì, không hay sùng bái truy niệm tiền-nhơn chi hết, bao nhiêu tư tưởng, bao nhiêu kiến văn, đều đổ trúc ra nước ngoài là nước Tàu, mà quên mất tổ-tiên, không ai nhắc nhở chi tới.

Bỉ-nhơn không muốn nói tới chuyện thượng cổ, trung cổ thời đợi làm chi cho xa xuôi, mà xin nói chuyện một thời-đại gần đây, là chuyện của đức Cao-Hoàng (Gialong) mới vừa qua rồi, chẳng đầy 200 năm nay, mà hỏi lại quốc dân ta sau nầy, phần nhiều không ai rỏ biết.

Như các danh-nhơn vĩ-tích, phụ quốc công thần trong đời đức Gialong là Vỏ-Tánh, Ngô-tùng-Châu Nguyễn-huỳn-Đức, Nguyển hữu-Thoại, Châu-văn-Tiếp, mà người trong Nam ta thì ngơ ngẩn mồ hồ, xem như tuồng kẻ tha bang dị vức.

Vì có nào mà quốc dân ta không rỏ biết những sự tích ấy? vì cớ nào mà người nam ta đối với các đấng ấy như người dị vức tha bang?

Cái vấn đề nầy là một vấn đề rất quan thiết cho các đấng văn nhơn phải tự tri mà giải quyết.

Cái nguyên nhơn ấy vẫn có hai đều:

1er là bởi thuở nay trong xứ ta chưa có lịch-sữ tiểu thuyết ban hành ra nhiều, chỉ có một vài bộ ít oi, mới xuất bãn sau đây, chưa biết thọ yểu thế nào, và cũng chưa đủ cho mắt đời xem xét.

2è Các nhà văn sỉ ta bấy lâu chỉ chuyên luyện khuynh hướng về sự trường thiên đoãn cú, vịnh nguyệt ngâm phong, mà không thèm ngó ngàn tô điểm về lối tiểu-thuyết quốc văn, nên không ai chịu khó khão cứu sự-tích cũa nước nhà mà diển ra cho quốc dân rỏ biết.

Bĩ-nhơn đâu dám khoe văn múa bút trước cữa Đại-phương, song cũng mon men gỏ mỏ rung chuông trên trường tiểu thuyết.

Vì vậy chẳng nại lao tâm khổ tứ trong lúc đêm tịnh canh trường, khảo cứu các lịch sử tây nam, lượm lặt các chánh biên ngoại truyện, mà phô diển một bộ lịch-sữ tiểu thuyết nầy, nhan đề là « Gia-Long tẩu quốc » ngõ hầu cống hiến cho đồng bào xem chơi, cho biết một sự-tích nhơn-vật trong lúc Nguyển-thị-Hoàng-triều, đặng để làm một tấm gương phãn-chiếu cho người mình soi xét.


Cholon le 1er Novembre 1929.
NGUYỄN-HỮU-NGỠI
Biệt hiệu: TÂN-DÂN-TỬ CẨN TỰ