Giấc mộng con của Tản Đà
VI. — Điếm-chủ
VIĐIẾM-CHỦ

Đến Washington, nhận chức-trách, công việc đã quen biết, nghiễm-nhiên một ông chủ hiệu buôn nhớn ở đất nước văn-minh. Tấm thân rầy đã nhẹ-nhàng, lắm khi ngồi nhớ Woallak, man-mác ngàn mây, ngậm-ngùi tấc dạ. Than ôi! con người ta có một chút mang ân chưa được giả mà trong bụng áy-náy có như thế; thời không biết bao nhiêu hiếu-tử trong thiên-hạ, tơ lòng đòi-đoạn ra làm sao?

Đất khách canh khuya, gối dài chăn rộng, nằm một mình không ngủ, sực tưởng khi còn học ở Quảng-Uy, ở Vĩnh-Tường, mành thưa lọt gió, ngọn đèn bóng lay, chú cháu đôi ba người, câu Quốc-phong, quẻ Chu-dịch, thời cảnh-tượng dã hoảng như giấc mộng cả. Cách năm mây bạc xa xa, đoạn-tràng lúc ấy nghĩ mà buồn tanh! Nhân gặp ngày 17 tháng giêng annam là ngày húy-nhật của anh, sửa mâm cơm cúng và làm bài văn ngắn bằng chữ nho để đọc rằng:

奮蒿蔚之才。以所及逮見。而吾兄 
焉。夏楚焉。兄也而師父焉矣。方思 
見棄。依我兄者凡二十餘年。襁褓 
者哉。克孝自三歲而後。  顯考 
豈海角天涯之一弟。所能已于情 
族中人慕其風者。思焉而弗置。而 
其孝友天性。去世之後。猶能使邦 
官。上奉  慈親。下保羣季戚族。 
改受教職者凡十有六年。冷淡一 
南州令族。以學問文章進。歷政途。 
友于之德。重於世久矣。我 兄以 
敬惟自孔教南來以來。孝養之倫 
陟彼岨矣。瞻望 兄兮。嗚呼痛哉。 
去何時歸。 
不朽也。身貌一 
星移。人生名德 
水流雲往。物換 
之長悲。已焉哉。 
衣。哭也無益。思 
魂東望。涕淚沾 
之從哉。嗚呼。斂 
聽音語。其何道 
欲重覩顏色而 
于茲六載。𨿽一 
逝矣。日月不居。 
旣已忽焉而鶴 

Từ ngày trùng lai nơi Mĩ-châu, buôn bán cũng phát đạt. Lắm khi thanh-nhàn, lấy thời giờ xem sách, học thêm chữ Anh và rộng thêm một đôi thứ chữ nước ngoài; đi lại chơi-bời với các sĩ-phu trong danh-đô, học-vấn ngày một tấn-ích. Sau được tiếp một ông quan Bác-sĩ nước ấy mà cái thang thân-thế lại bước lên một bậc cao.

Quan Bác-sĩ tuổi đã ngoại 50, cáo hiu về nhà để làm sách. Ngài với ông chủ Dravine cũng có quen biết thân. Hiếu từ khi được tiếp, lúc nhàn thường sang hầu. Một hôm, Ngài hỏi rằng:

— Từ có nhà nước Pháp sang bảo-hộ, bên Annam đến nay ra làm sao?

Hiếu. — Bẩm Quan-lớn, Annam chúng tôi tiếng rằng mở nước hơn 4000 năm nay, nhưng tiến-hóa chậm lắm. Từ có nước Pháp sang bảo-hộ, nay đã 50 năm, xem thể-thế trong nước hơn trước nhiều. Việc chính-trị chia làm 3 khu, đại-khái có khác nhau. Đường xe lửa tính tất cả được 1063 kilomètres. Có một cái cầu sắt mới làm song trong năm 1902, công-trình cũng tốn phí; còn các cầu cống đường-xá, phần nhiều đương sửa-sang. Các sở công việc to, các nhà dậy nghệ-nghiệp, các nhà máy để chế-tạo, đại-lược cũng đủ cả. Người Annam bây giờ, các sĩ-phu phần nhiều đã biết lấy thực-nghiệp làm trọng. Các thực-nghiệp đều tấn-tới hơn trước mà một việc buôn bán mạnh hơn cả: có một cái công-ty annam gần được 20 chiếc tàu nhỏ để vào việc chở khách, kể cũng đã gọi có thể cách người Thái-tây. Khi tôi còn ở nhà, hình trạng trong nước độ như thế; đến đầu năm 1916, sang bên Pháp để làm ăn và du học, mới rồi có thư riêng ở bản-quốc gửi sang, nghe nói sự tiến-hóa lại có hơn.

— Dân-tục bên ấy thế nào?

— Bẩm: dân-tục bên An-nam tôi thời còn nhiều cái mọi rợ lắm! Ngay như một sự chế đồ giấy mã làm hình người và tiền của để đốt cúng, là truyền từ ở nước Tàu sang, đến nay thành một cái hại nhớn ở trong nước. Các đàn bà quê dại gặp một sự gì cũng bói, thầy bói lắm đứa thông nhau với thầy cúng, xui ra đồng cốt cúng cấp luôn luôn, mỗi năm làm phí tổn cho dân ngu không biết mấy nghìn vạn. Còn như lệ ăn uống, nết kiện cáo, sự cả lẽ, thói chửi rủa, không thể kể cho xiết.

— Thế còn một việc học thế nào?

— Bẩm: An-nam tôi từ khi trước năm đầu lịch tây, đã có chữ Tàu truyền sang; luân-lý tẩm-bổ thực có nhiều công-phu, mà học-thức tư-tưởng chưa khá mấy. Nay nhà nước Pháp muốn mở rộng đường tây-học. hiện các nhà học dạy chữ Pháp và theo dùng cách-thức mới, tỉnh nào cũng có cả. Nhưng sự đó còn đương ở trong lúc canh-trương, vả cũng khó biết hơn, cho nên chưa dám thưa hẳn rõ

— Sự học của An-nam, sau này có nhẽ rồi khá lắm. Nho giáo truyền sang đã hai ngàn năm nay, nay lại được nước Pháp đem cái tư-tưởng Âu-châu sang hợp vào, thời xem như động-vật-học; giống lừa ở Mĩ-châu hợp với giống ngựa ở Âu-châu, sản loại sinh ra lại tốt hơn giống nguyên.

— Bẩm: tôi tưởng cái ao bé thời con cá không nhớn được đến đâu, mặt đất có bấy nhiêu thời khí-lực của giang sơn có hạn; nếu ông Montesquieu (孟 德 斯 鳩) bên nước Pháp, ông Charles Robert Darwin (達 爾 文) bên nước Anh mà sinh vào An-nam, chắc cũng không được có cái học-thức như thế.

— Nhẽ động thực-vật sinh trưởng thời thế, mà sự học của người ta có khác. Các nhà học-vấn nhớn, ở khí lực của giang sơn hoặc cũng có; nhưng suy xét pha-luyện, công-phu tự mình nhiều. Vả lại, dẫu lấy đất sinh trưởng mà nói: anh nhận mình là một người An-nam, thời là một người An-nam; nhận là một người ở xứ Đông-dương, thời là một người ở xứ Đông-dương; nhận là một người ở Á-châu, thời cũng là một người ở Á-châu. Chỗ sinh-sản gọi là có khác nhau, nhưng cũng cùng là một con người trên thế-giới, cùng hưởng thụ lý nghĩa của nhân-gian, thời cùng có thể làm một người có dấu vết ở trong một thế-kỷ. Cho nên con người ta chỉ sợ không có chí, còn như địa-vị khí-lực, không đủ hạn được mình; nếu mình trước nghĩ lấy cái đó để tự hạn, thời cái giới-hạn ấy thực tự mình làm ra.

— Bẩm: thế, An-nam tôi có nước hơn 4000 năm nay, mà sao không thấy có một người nào có cái học-nghiệp nhớn như người Âu, Mĩ và Trung-hoa?

— Ấy thế, cho nên tôi nói trọng về nghĩa pha luyện, mà là cũng nhờ nước Pháp đem thêm cái tư-tưởng Âu-châu sang. Nguyên An-nam là một nước nhỏ, ở chệnh về một mé đông-nam phương Á-châu; các nước gần láng diềng như Tiêm-la, Diến-điện, Ai-lao, Cao-man đều không có tư-ích gì cả; phía bắc được một nước Tàu là nhớn và có văn-minh khai-hóa sớm, nhưng rừng núi cách trở, khi trước tàu xe đi lại chưa thông; An-nam dẫu có lúc thuộc về sự cai-trị của nước Tàu, cũng là một cách ràng-giữ thôi, chớ nước Tàu cũng không lấy thuộc-địa làm trọng. Quan cai-trị phái sang, cẩu-thả dùng người, rồi lắm kẻ tham tàn làm theo bụng lợi riêng, thực cũng không phải chính-kiến của một nước, cho nên giao-thiệp mấy nghìn năm mà chỉ nhờ chữ nho được một sự luân-lý. Trình-độ của quốc-dân không tấn-tới như thế, thời sao được có người học-nghiệp to? Nay nước Pháp nếu đã có lòng tốt mà khai-hóa cho Đông-dương, nhân được tiếp thêm cái tư-tưởng văn-minh của Âu-châu, thời từ nay về sau, các sĩ-phu bên An-nam chắc cũng có một phần mong về giá-trị trong học-thuật. Dẫu thế, con nhà học vấn, tai mắt không rộng thời kiến-thức không sinh, kiến-thức không sinh thời sự học không tới. Phàm vật, đã không tới thời tất lui, lui thời dễ sinh chán, chán thời càng suy, suy thời đến phải kiệt. Nếu chỉ nằm yên mãi một nơi, thời dẫu cho có tư-chất, có công-phu, mà học vấn được bao nhiêu, lâu cũng co rụt lại, chỉ để mấy con vi-trùng trong bụng biết. »

Hiếu nghe song, chưa thưa lại sao, đứa hầu khác pha thêm lượt nước nữa, quan Bác-sĩ lại nói:

— Tôi thấy anh có chí về sự học, tôi cũng lấy làm tiếc. Độ một tháng nữa, tôi sắp đi xa chơi các nơi. Nếu anh có vui lòng muốn theo, thời tôi viết cho ông Dravine một bức thư để cắt người khác sang đây coi, mà cho anh đi chơi với tôi một ít lâu; giá được thế, học-nghiệp của anh sau này cũng mới có hi-vọng.

— Bẩm: Quan-lớn có bụng thương như thế, xin ngài cứ làm ơn viết cho. »

Ở Washington, thấm-thoắt gần 2 năm. Đến khi tiếp được giấy của ông chủ và có người sang thay, thời thu trỉnh hành-trang, theo hầu quan Bác-sĩ.