Giấc mộng con của Tản Đà
VII. — Tiêu-diêu-du (A)
VII — TIÊU-DIÊU-DU (A)

Ngày tháng Janvier năm 1922, từ kinh-đô Washington đứng dậy đi, qua mấy tỉnh to, đến một chỗ, nước hồ mênh-mông, là đã giáp giới với thuộc-địa của nước Anh (Angleterre) là Canada (加 拿 大). Năm cái hồ nhớn chẩy thông nhau, buồm tầu ngày đêm không rướch bóng. Một hôm, tàu đi trong hồ Erié, đứng lắng tai xa nghe, có tiếng ầm ầm như thiên binh vạn mã ở mặt trước. Đi tới một ít nữa, trông về mạn đông-bắc, một làn trắng xóa, dài đến ba bốn trăm thước tây, từ trên khoảng cao buông dải xuống, tựa như thể sông Ngân-hà tức, vỡ, chẩy chút xuống nhân-gian, thời là cái chênh nước[1] Niagara cao ước 50 mètres[2]. Khi tàu đã đỗ bến, đi theo đường bộ đến tận nơi, thời giữa cái chênh nước ấy có cái đèo nhỏ bằng đá, chân cái đèo đá ấy có một cái đường hang. Đi ở trong đường hang, như sét đánh trên đầu, như bão lộng ngoài tai, như mưa táp xuống mặt, là một chỗ vừa mưa, vừa bão, vừa sấm xuốt quanh năm, kẻ hèn người yếu không thể kham, nhưng thực là một cảnh chơi riêng rất kì-thú cho những các con nhà thích mạo hiểm. Cái chênh nước nhớn ấy, không những là một cảnh-trí lạ đẹp, mà lại là một kho sức mạnh vô cùng. Người nước Mỹ (Etat Unis) có đem dựng các nhà máy gần đấy, lợi dùng sức nước để chạy các máy. Kể thực-ích về trên sự văn-minh cho một nước cũng nhiều, nhưng tình cảnh thiên-nhiên cũng có vì thế bớt một đôi phần phong-thú. Song. Qua cõi đất Canada, sang đến Alaska lại là một địa-hạt riêng của nước Mỹ. Đường đất dần thuộc về giải lạnh, khí-hậu mỗi ngày lạnh hơn. Đến mạn bắc xứ ấy, ngày đêm đều 20 giờ đồng-hồ. Ở chơi năm ba hôm, rồi theo mấy nhà thám-hiểm lên bể Bắc-băng-dương thẳng tiến về mặt bắc. Tàu đến một chỗ, băng cứng quá, không đi được, nhân cùng đeo vật-dụng lương-thực xuống đi bộ. Từ đấy mà đi, thời giờ toàn thuộc về phần ngày. Đi mệt quá, thời dải mấy lần chiên trên mặt băng, cắt canh nhau để coi lang (chó sói), rồi ngủ. Ngủ dậy, ăn song, lại đi. Mãi, đến một chỗ, xét ra thấy có đất. Mặt đất cũng toàn băng. Rét cắt da thấu xương, ống hàn-thử xuống dưới 0 độ đã hơn 40 độ. Kể từ lúc mới xuống tàu cùng đi, tất cả 23 người. Trước sau bị chết mất 7 người, đến đấy chỉ còn 16 người, đều không ai biết là nơi nào, ý tất là một cái cù-lao-mới chưa ai đến. Sau khi đã lên đất, lấy kính thiên-lý trông đằng xa, tựa như có rừng cây. Đến nơi, quả là một rừng thông, cành lá lơ-thơ, như cảnh-sắc các thứ cây về mùa đông dưới giải ấm. Đi trong rừng thông ấy, băng tuyết ít thấy, khí giời dần dần càng ấm hơn. Rừng gần hết, băng tuyết hết. Hết rừng, lộ ra một chàn hoa, trăm sắc hoa tranh tươi, cái khí-tượng mênh-mông như một cánh đồng mùa của các nhà hầu vương nước truyên-chế. Chốn ấy nếu không có người ở, chẳng cũng là một nước Hoa (花 國)?! Trong chàn hoa, thấy có nhiều cột sắt như cột giây thép dưới ta mà cao đến gấp hai. Mỗi độ trong 100 mètre carrés thời 10 cột như thế, trên có chẳng lưới thưa bằng sắt; lưới nọ thông lưới kia, truyền nhau như mạng dện. Dưới mỗi lưới, hoa chia làm mỗi khu, có đường đi. Đi ở trong đuờng hoa, khí hòa hương ngát, hồn thanh cốt nhẹ, dẫu cho bụng đầy chứa bỉ-tục, đến đấy, cũng tuyết tan băng tiêu. Đi khỏi một chàn hoa thời ruộng nương lúa mạ đủ cả; thôn lạc cũng không xa; cột sắt lưới sắt khắp mọi nơi, chỗ thấp chỗ cao. Khí-hậu toàn như ở Bắc-kỳ ta trong mấy tháng về mùa xuân. Nhớ khi ở nhà còn trẻ con, thường nghe nói nhiều truyện thần tiên. Quả có? thời tất khoảng này hẳn! Xuốt các người cùng đi đều mừng sướng ngờ lạ, phân-minh thân đến chỗ Bồng-đảo. Một lúc, thấy thôn-dân kéo nhau ra xem đông, trông như cũng về giống người trắng mà lắm người mặt mũi rất anh-tú, nghe nói cũng là tiếng anglais mà nói hơi khó nghe. Trong có một ông già, ăn mặc ra một cách tôn trọng, đứng hỏi rằng:

— Các ông từ đâu đến?

Khách[3]: — Chúng tôi từ Alaska.

— Đấy có là về đất Mỹ-châu không?

— Phải. »

Ông già nhân mời cả về chỗ ở. Đến thôn, trong thôn không có một cây gì, nhà ở theo nhau có hàng ngũ. Qua mấy thôn, đến một chỗ, dinh thự mênh-mông, lâu đài cao nhớn, có mấy người đàn bà con gái ra đứng xem, nước da trắng đẹp lạ thường, thần-thái phong-độ đều khác tuyệt trần-thế! Đến đấy, ông già mời cả vào, các người theo xem vào đông cả. Ngồi song, pha nước uống; chủ-nhân[4] nói:

— Tôi là Thống-trưởng ở nơi này, nhận chức đã hơn hai mươi năm nay.

Khách: — Chúng tôi thật chưa được biết đây là nơi nào.

— Thế các ngài là người Âu-châu? hay Mỹ-châu?

— Trong bọn chúng tôi có mấy người Âu, mấy người Mỹ, còn mấy người ở xứ khác.

Quan Bác-sĩ lại nói: — Tôi là người ở Hoa-kỳ (Etat-Unis, 合 衆 國, tức là nước Mỹ.)

Quan Thống-trưởng nghe song, tựa như không hiểu, ngây mặt nói:

— Hoa-kỳ!... Về nơi nào?

— Ở một phần phía Nam châu Bắc-Mỹ.

Ngài cũng vẫn như thể không hiểu, rồi nói:

— Chúng tôi, tổ-tích nguyên cũng là người ở Mỹ-châu. Lịch cũ, 1770, tổ tiên chúng tôi giận nước Anh xử đãi một cách hà-khắc, nhân rủ nhau hơn 100 người và đem thêm người giống đỏ hơn 200 cùng đi. Lạ thay! sự đi ấy không hướng định là đi đâu, rồi đưa nhau lên bể Bắc-băng-dương, chống nhau với khí lạnh, đánh nhau với thú dự, trăm nguy vạn khổ, mà mới tìm được đến chỗ cù lao này. Sau nhân lấy chỗ cù-lao này làm Cõi-đời-mới (新 世 界), còn các phương đất khác trong thế-gian gọi là Cõi-đời-cũ (舊 世 界). Lịch cũng theo lịch mới, tính từ năm ở Mỹ-châu đứng dậy đi đến nay là năm thứ 153. Các sự-thể công-việc trong thế-giạn, từ lịch cũ 1770 giở về trước, tổ-tiên có làm ra sử-ký để lại cả. Còn từ nửa năm ấy về sau đến nay, không biết tình-trạng Cõi-đời-cũ ra làm sao ».

Khách nghe song, cùng trông nhau lấy làm một sự rất mới lạ. Quan Bác-sĩ nhân lược kể từ khi ông Georges-Washington (華 盛 頓) đến nay, công-việc địa-vị của nước Mỹ và tình-trạng trong doanh-hoàn. Quan Thống-trưởng và đông khắp mọi người đứng xem cùng lắng tai nghe song, cũng lại đều cùng nhau ngậm-ngùi ngẩn-ngơ, như bừng qua một giấc chiêm-bao vậy! Một lúc lâu, các người xem lui tan, chủ-nhân mời khách đến buồng ăn. Trong bữa ăn, đại-lược như dưới ta. Đồ ăn thịt thời lấy một vị vịt-giời làm nhất, rồi đến cầy, dúi và mấy thứ cá; còn như gà, lợn, bò, dê, nhất thiết không có cả. Ăn song, khách mới lại hỏi rằng:

— Dưới chúng tôi vẫn cho là ở giải lạnh gần hai cực thời băng tuyết quanh năm, không có cây cỏ gì mọc được, cho nên không có người ở. Không ngờ ngày nay lên đến đây, không khác dưới kia mấy, không hiểu là vì sao?

Thống-trưởng: — Dưới các ngài cho thế, là lấy vì trên này xa mặt giời, cho nên không có khí nóng tiếp đến chăng?

— Phải.

— Phải, vẫn thế; nhưng các ngài lại phải biết rằng: phàm giống sinh-vật gì đã sinh sản ra ở đâu, thời tất tự chỗ ấy phải có đủ các nhẽ cho có thể sinh sản. Nguyên tổ tiên chúng tôi mới đến đây khi trước, tiếng rằng tìm được chỗ có đất, nhưng xuốt một cái cù lao bằng đất ấy, chỉ tuyết cùng băng. Khi ấy phải đào hầm để ở, nhờ sự săn bắn mới có ăn. Vẫn có mang nhiều thức hột giống giữ kín không-khí ở trong các hòm sắt, nhưng chưa tính được thể giồng. Đành chịu khốn-khổ hơn 20 năm, hết sức óc mà sau mới nghĩ được một cách lấy khí nóng ở tim đất. Từ lúc đã nghĩ được cách lấy khí nóng ấy, lại mất công trình 10 năm nữa mới thành hiệu. Khi đã thành hiệu thời khí hậu ấm, băng tuyết tan, gieo lúa mạ và các thứ cây quả, sinh trưởng như ý cả. Từ đấy mới xoay làm nhà lên đất ở. Sau, các thứ cây cối rau cỏ, không giồng mà tự mọc cũng nhiều. Nay những các cột sắt, lưới sắt chẳng khắp mọi nơi, đều là những vật để truyền khí nóng cả. Vậy thời trong một quả đất đã đủ hết các nhẽ cho vạn vật đủ sinh nở; trong vạn vật, giống người là chủ-tể, phải nên xét hết các nhẽ sinh nở ấy mà gây nên cõi đời. Nếu chỉ trông nhờ vào một cái mặt giời xa tuyệt ấy, thời cái mặt giời ấy hoặc lạnh đi, hoặc rơi mất, chẳng cũng nguy lắm thay?!

— Ừ, một sự lấy khí nóng ở tim đất, chúng tôi thật đã chịu. Nhưng ngài bảo muốn toàn không nhờ đến mặt giời thời ánh sáng làm sao cho đủ dùng?

— Đó là ngài đã quen một cái tính nương nhờ, cho nên nghĩ thấy thế; chớ cái ấy cũng chưa chắc đã là khó. Ở chúng tôi trên này, nửa năm về phần ngày, nửa năm về phần đêm. Nửa năm về phần ngày thời có ánh sáng của mặt giời thật; còn nửa năm về phần đêm, mặt giời đâu mà nhờ? Vì thế, phải hết lòng suy nghĩ, chế được một thứ kính, đeo lên mắt thời trông đêm như sáng giăng, nghĩa là sức sáng bằng mặt giăng. Nhân gọi là kính giăng (月 眼 鏡), trông xa rõ được 1 mille (1000m). Chẳng thế thời trong mấy tháng Nam-cực quay hướng về mặt giời, người chỗ cù-lao này dẫu có tức nữa mà kiện ai. Nay chúng tôi còn đương nghĩ một thứ kính sức sáng gấp hơn nữa, sao cho trông đêm như ban ngày, thời gọi là kính mặt giời (日 眼 鏡). Nhưng chưa biết có thể đến lúc nào xuất hiện được không? Nếu có thể đến lúc nào xuất hiện được, thời khi ấy thật không phải phiền đến mặt giời chút nào, mà một vừng thái-dương, ánh sáng và khí nóng, xin nhường cả cho người ở dưới Cõi-đời-cũ ».

Các ông khách khi còn ở nhà, dẫu không là tự-phụ, thật cũng đều để mình vào một áng người văn-minh. Nay chợt nghe mấy câu truyện của chủ-nhân, mới như Hà-bá ra đến bể! Nhân nhiều ông ngỏ ý muốn ở lại để học các sự tiến-hóa mới. Chủ-nhân nói:

— Phàm nhẽ tiến-hóa trong đàn người, sự gì một người đã nghĩ đến, tất người khác cũng có thể nghĩ đến. Nay cũng hãng để các ông phải dùng đến sức óc ít nhiều, tự mình có công phu, lúc hưởng thụ mới có vị. Vậy xin khi nào các ông về, sẽ biếu mỗi ông một đôi kính giăng, gọi là của đi chơi đem về từ noi Cõi-đời mới.

Quan Thống-trưởng nói song, thân đứng dậy đưa khách đến nhà nghỉ. Qua mấy rẫy hành-lang, đến một cái nhà lầu, thoạt mới trông, kì tuyệt! Thân nhà thuần một chất pha-lê; như một khối pha-lê tạc thành một hình động trăm sắc. Bước vào trong đi lên, có nhiều từng; mỗi từng có nhiều phòng; mỗi phòng một sắc riêng. Đúng trong một phòng nào, toàn hình hiện sắc ấy. Không không mà sắc sắc! sắc sắc hay không không! Khuất-khúc mê ly, hồn tiêu mắt loạn. Đi qua các phòng khắp một lượt, rồi lên sân đỉnh chơi; đứng trông xuống chung quanh, thu toàn cù-lao vào gương mắt. Thôn lạc ngói đỏ, ruộng nương nước bạc, cây rùng lá xanh, tròn ba vòng bọc quanh, như mặt quả dưa hấu bổ nửa. Lại lấy kính xa trông phóng ra ngoài cái cù-lao ấy, trên giòi xanh, dưới băng trắng, hết tầm mắt không chút bụi trần. Than ôi! tiếc cho các anh em nơi cố-hương, không được có cái hạnh-phúc mà cùng nhau chơi xem cảnh-trí này vậy. Đứng chơi một lúc lâu, chủ-nhân mời xuống nghỉ. Trước hết đưa cả đến một cái phòng rộng, có bàn ghế, bày toàn cốc con đủ số uống và hai chai rượu nhớn, sắc xanh.

Chủ-nhân hỏi:

— Các ngài, mỗi ngài định ngủ trong mấy giờ đồng hồ?

Khách không hiểu là sao, không một người nào giả nhời. Chủ-nhân lại nói:

— Đây là thứ thuốc ngủ. Cái cốc này 3 ngấn rưỡi, mỗi ngấn là liều cho 1 giờ. Ai định ngủ mấy giờ, thời tùy ý dùng uống bấy nhiêu ngấn.

Rồi người định ngủ 3 giờ, người 4 giờ, người 4 giờ rưỡi, mình xin 5 giờ. Uống song, chủ-nhân lui, khách đều tới mỗi người một phòng riêng. Khi đặt mình xuống thời ngủ ngay. Lúc tỉnh dậy, hoảng nhiên! dẫu chưa phải thần tiên, thật cũng đã có như câu thơ Đào-nguyên của ông Hàn Chào-châu rằng: 骨 冷 魂 清 無 夢 寐 (cốt lãnh hồn thanh vô mộng Mị)[5]! Dậy mở cửa buồng để đi ra, đã thấy một người hầu đứng bên cửa đợi sẵn. Hỏi các ông khách kia thời đã xuống trước cả dưới thềm đứng chơi đợi. Nhân theo xuống, lại cùng về nhà thường.

Bữa ăn song, ngài bảo sắp nhiều xe cùng đi chơi. Xe toàn nai kéo, đều không dùng dây cương. Đến chỗ ngã ba đường quặt nào, thấy ngài nói mấy tiếng gì (...), tự-nhiên các nai đều rẽ theo như ý. Khách lại lấy làm quái, tranh hỏi về sự không hiểu ấy. Chủ-nhân nói:

— Ở đây hiếm người lắm, mà vật súc ở trong nhà chỉ có một giống này, sai dùng đến luôn. Cho nên tổ tiên chúng tôi có xét ra tiếng của nó, rồi dậy khắp mọi người thời thấy tiện lợi lắm. Không những một sự kéo xe không dùng cương, mà muốn sai đi đâu, bảo việc gì nhất thiết được như ý. Từ đấy, các trẻ con sinh sau tự nhiên quen hiểu. Đến nay, đứa trẻ mười tuổi giở lên, tiếng nai đều biết cả. Giống súc là vật để sai khiến, nếu không thông tiếng, sao cho được tiện dùng? Cõi-đời-cũ ở về những giải đất ấm, nực, các động-vật rất nhiều, tôi tưởng chắc đã có nhiều nhà học chuyên khoa giảng về tiếng thú, súc; mà không ngờ đến nay các ngài còn lấy sự đó làm câu hỏi! »

Nghe song, khách ai nấy lại đều sợ và thẹn. Đi mãi, qua nhiều thôn. Bao ngoài các thôn là ruộng; bao ngoài ruộng là các rừng cây. Đi chơi đến một rừng. Rừng, chia làm nhiều khu; khu, giồng một thứ cây. Chỗ hai khu cách nhau đều có đường đi xe; ngã-tư đường có nhiều ghế ngồi nghỉ. Qua khu lê, một bên thời là cam, nghe có đông nhiều tiếng trẻ hát. Quan Thống-trưởng nói:

— Đây các rừng cây như nhau cả, mỗi rừng là thuộc về một thôn. Tiếng hát đấy là những các trẻ con gái ở trong thôn đem thuốc đi trừ các sâu cam.

Ngài nói song thì đi vừa đến ngã tư đấy cùng nghỉ. Khách nhân hỏi:

— À! Còn như cách dân-cư, việc coi trị, thế nào?

Thống-trưởng: — Cái cù-lao này tính tất cả phần mặt được 2400 milles carrés. Hiện số dân, giai, gái, già, trẻ, cộng 2213 người, cùng ở đông cả về phần giữa thời đều có lưới khí. Nay, các chỗ không ở đến, chưa có đặt lưới thời còn vẫn băng tuyết không kể, cứ đất ở hiện chia làm 20 khu, mỗi khu là phận của một thôn. Mỗi thôn đều từ 15 nóc nhà giở lại, đều có một người để coi sóc, là Thôn trưởng. Thống-trưởng thời coi cả trong cù-lao, cũng là tự trong hàng Thôn-trưởng bầu cử lên. Còn khi bầu Thôn-trưởng thời toàn dân trong thôn, giai 13 tuổi, gái 16 tuổi giở lên, đều có quyền được bỏ vé. Một vé chính bằng hai vé phụ. Bầu song, mời các Thôn-trưởng khác đến công nhận, rồi lên trình Thống-trưởng y định. Thống-trưởng và Thôn-trưởng, trừ phi có lỗi công, thời làm mãi xuốt đời.

— Vé chính và vé phụ là thế nào?

— Dân đây, chia 5 thời 2 phần giống người trắng, 3 phần giống người đỏ, các thôn ở san-sẻ đều nhau. Sự bầu-cử thời người giống trắng là vé chính, người giống đỏ là vé phụ. Thôn-trưởng thời hoặc người giống trắng, hoặc người giống đỏ đều có thể đứng làm, cứ theo vé bầu-cử. Thống-trưởng thời chỉ riêng người giống trắng đứng làm mà thôi. Ấy là khoản-lệ từ xưa đến nay vẫn như thế; nhưng gần nay sự hôn-giá thông-đồng, sự chủng-tộc sau này thế cũng đến đồng-hóa, thời về sự bảo-cử, vé chính vé phụ sau này có nhẽ cũng xóa bỏ. Vả như hiện nay, cũng chỉ một sự đó có phân-biệt; còn như làm ăn hằng ngày trong một thôn thời phần khó nhọc, sự vui sướng đều nhau cả.

— Như thế nào?

— Mỗi năm, các việc mùa màng, hoa quả, than củi, săn bắn,... các thôn-trưởng liệu xuất dân trong thôn ra làm, giai, gái, già, trẻ, hạng nào đi hạng ấy, tùy sức mà cắt việc. Lại như một đôi khi có việc công trong cù-lao, như làm nhà học, nhà máy, khai mỏ hay lập thêm thôn nào, các Thôn-trưởng đều phải xuất hết tráng-đinh trong thôn, dẫn lên tại sở Thống-trưởng để ứng dịch. Kể đại-lược về phần phải khó nhọc độ như thế. Còn cách ăn ở thời giản lắm; mỗi thôn có một sở bếp và nhà ăn. Đến bữa, trừ hai vợ chồng ông Thôn-trưởng, còn thời xuốt dân trong thôn, giai, gái, già, trẻ, đều đến tại nhà ăn, cũng hạng nào ngồi theo đi hạng ấy. Cho nên mỗi thôn 15 nóc, chỉ là chỗ đoàn-tụ riêng của bố mẹ, vợ chồng, con cái, mà không nhà nào có của riêng.

— Vậy thế, không có chợ búa gì cả?

— Phải. Thôn nào cũng thế cả, không có sự mua bán thời còn có chợ búa gì!

— Nếu thế, cũng không có tiền bạc gì cả?

— Phải. Chỉ bởi có học sách thời biết rằng ở Cõi-đời-cũ có đặt ra một vật gọi là tiền, dùng để mua bán. Nhưng cũng chỉ biết qua đó thôi, ở thường không nói đến Cho nên những trẻ con và một đôi người đàn bà kém học, nói đến tiền không biết là vật gì. Nhiều người dẫu có học mà giảng cho hiểu được nghĩa đồng tiền cũng khó lắm.

Hết câu truyện ấy, 16 người khách đều vỗ tay đứng dậy mà cười, lấy làm một tình-cảnh rất có thú. Rồi về.

Khi khác, nhân bữa ăn, khách lại hỏi: — ở đây xem với Cõi-đời-cũ thật hơn nhiều, nhưng động vật, thực-vật còn thiếu quá. Sao ngài không cho thông đi lại mua bán để đem các giống vật dưới ấy lên, chẳng tiện đủ hơn ư?

Thống-trưởng. — Nguyên tổ tiên chúng tôi có để lại một câu ước chung cho người sau ở cái cù-lao này rằng: « Thiết không nên tự mình giao-thông với người ở Cõi-đời-cũ mà làm mất cái tinh thần thiên-nhiên ở cái cù-lao này. » Vì thế, chúng tôi đến nay vẫn biết ở Cõi-đời-cũ nhiều các giống động, thực, mà phải giữ câu ước của tiên-tổ làm một cái then khóa rất hệ trọng, không khi nào dám buông. Cũng chỉ là tham tiếc cái tự-do trong sạch (精 潔 之 自 由), cái độc-lập thanh nhàn (清 閒 之 獨 立) là cái phúc riêng cho người ở phương Cõi-đời-mới. Kể từ ngày tổ tiên chúng tôi mới đến đây đến nay, không có sự thiên-tai, không có sự địa-biến, không có sự trộm cướp, không có sự chiến-tranh, không có sự án từ, không có sự kiện cáo, không có sự buôn danh bán lợi, không có câu thế-thái nhân-tình. Ngoài lo ăn lo dùng, chỉ chuyên ý suy cầu nhẽ tiến hóa. Lắm khi xem sử-ký của tổ tiên để lại, nói về tình-trạng Cõi-đời-cũ, thời tưởng cho các người sinh vào trong chỗ túi bụi ấy, ngày đêm hết sức óc để che chống ứng tiếp với việc đời chưa chắc đủ, còn đâu có thời giờ nhàn rỗi, tư tưởng trong sạch, mà khơi nguồn đắp nấm trong tính-linh? Cho hay, hơn cái ấy phải kém cái khác, nghĩ cũng là nhẽ thường. Vả lại phàm các vật dùng của người ta, nguyên không có thời không là thiếu. Như các ngài ngày nay mới đến đây, hoặc nhiều cái thấy thiếu; còn như thân chúng tôi sinh trưởng ở đất này, con mọt ăn cây, con run ăn đất, cũng tự lấy làm đủ, cần chi dám tham muốn những các vật xa lạ, mà bỏ nhời ước cũ, để làm mất cái thế sản truyền lại từ 153 năm nay.

— Ngài nói cái ý không muốn giao-thông với người ở Cõi-đời-cũ thời xem ra lý thế hoặc có thế; còn như bảo người ở Cõi-đời-cũ sinh vào chỗ túi-bụi mà không học-vấn được tiến-hóa, câu ấy chưa dám nhận làm phải. Dưới chúng tôi vẫn cho là có đua tranh, mới tấn tới. Cho nên so với các ngài trên này thật có thua kém nhiều, nhưng cũng không phải toàn-nhiên không tiến-hóa, thời cái công phát-minh, sức tham tán ấy của một đôi người hiền kiệt, bảo chẳng được ở trong tính-linh mà từ đâu.

Khách, một ông nói song, nhân nhiều ông cùng kể các hình tích tiến-hóa mới 150 năm giở lại, như các cái tàu bay, tàu chìm, điện không giây, ống truyền nói, và các sự chính-trị, pháp-luật, văn-học, kỹ-nghệ, canh-nông, thương-mại...

Khách kể song, lại đến chủ-nhân nói:

— Ở vào chỗ túi bụi mà không có thời-giờ nhàn, tư-tưởng sạch để khơi nguồn đắp nấm trong tính-linh, là tôi tưởng tình-thế hoặc nên có như thế; chớ có dám thật bảo là người ở Cõi-đời-củ không học-vấn được tiến-hóa đâu! Nay cứ sử cũ của tổ tiên mà xét, từ lúc mới khai tịch cho đến năm đầu lịch cũ, từ năm đầu lịch cũ cho đến năm 1770, trình-độ tiến-hóa còn trông thấy dấu vết; thời lại từ năm ấy đến nay, sử-ký dẫu không có, các ngài dẫu không nói, chúng tôi cũng đã lượng hiểu rằng tất-nhiên hơn trước nhiều. Dẫu thế, tiến-hóa có 2 thể: 1° Tiến-hóa thiên-nhiên (天 然 進 化), là sự tiến-hóa đó thuộc về nhẽ tự-nhiên của giời làm. 2° Tiến-hóa nhân-công (人 功 進 化), là sự tiến-hóa đó có công người. Nay xem ví như có hai cái trái đồi. Một trái đồi, có mít, có sấu, có sim, có giứa, có gỗ đinh, có gỗ trắc, có sa-nhân, có củ-nâu, đều ngày một sinh trưởng; lại có móc-diều, lá han, cỏ gianh, dây bìm, cũng ngày một sinh trưởng. Như thế là tiến-hóa thiên-nhiên. Một trái đồi kia cũng có đủ mít, sấu, sim, giứa, gỗ đinh, gỗ trắc, sa-nhân, củ-nâu, lại có thêm chè, cà-phê, ngô, sắn, đao, đều ngày một sinh trưởng; mà không thấy có móc-diều, không thấy có lá han, không thấy có cỏ gianh, không thấy có dây bìm. Như thế là tiến-hóa có nhân-công. Vậy mà xem như ở dưới Cõi-đời-cũ thời: sự chính-trị tiến-hóa bao nhiêu, sự tham nhũng tiến-hóa cũng bấy nhiêu; sự pháp-luật tiến-hóa bao nhiêu, sự trộm cướp tiến-hóa cũng bấy nhiêu; sự văn-học tiến-hóa bao nhiêu, sự xỏ xiên tiến-hóa cũng bấy nhiêu; sự vệ-sinh tiến-hóa bao nhiêu, sự giết người tiến hóa cũng bấy nhiêu; sự lễ-nghi tiến-hóa bao nhiêu, sự tàn-bội tiến-hóa cũng bấy nhiêu; sự công-nghệ tiến-hóa bao nhiêu, sự giả-dối tiến-hóa cũng bấy nhiêu; sự thương-mại tiến-thóa bao nhiêu, sự lừa đảo tiến-hóa cũng bấy nhiêu; sự nông tang tiến-hóa bao nhiêu, sự dâm-đãng tiến-hóa cũng bấy nhiêu. Lại trong khoảng 150 năm nay, bao cái hay càng tiến-hóa lên bao nhiêu, bao các cái không hay càng tiến-hóa lên tất cũng bấy nhiêu. Có khác chi như một trái đồi rậm, cây giứa lên một gang, cây cỏ cũng một gang; cây sim lên một thước, cây gianh cũng một thước; cây sấu cao một trượng, dây bìm cũng một trượng. Người sinh trưởng ở Cõi đời-cũ, như xuốt đời đi trong trái đồi rậm ấy, chui, luồn, chen, lách, mà không tự biết. Nếu người ở trên này bây giờ qua xuống. tất chung quanh toàn thân như chông gai. Nói tóm lại thời một sự tiến-hóa đó là tiến-hóa thiên-nhiên. Tiến-hóa thiên-nhiên, thời bao nhất-thiết các sự vật ở trong vòng tiến-hóa ấy đều theo nhẽ thiên-nhiên mà tiến-hóa. Nhất thiết các sự vật đã theo nhẽ thiên-nhiên mà tiến-hóa, mà ai là tham-tán với Hóa-công?!

Hết câu truyện ấy song mà có một sự đến sau này nghĩ lại rất buồn cười: các ông khách từ vùng xuôi lên chơi miền bắc Bắc-băng-dương, mà không biết bồ-hôi đâu từ trán, từ thái-dương hàng hàng lã-tã! Hết câu truyện ấy song mà một đôi ông khách đã có bụng nhớ nhà.

Ở chơi đấy, trước sau ước vào hai tuần lễ, xem khắp mọi nơi. Xem ra: mọt chỗ cù-lao ấy có vết chân người mới 153 năm, trừ đi 33 năm, còn vào thời-giờ ở hang; còn trong 120 năm, ngày giờ là bao, mà được thần biến quỉ hóa đến như thế?! Lại như: người giống da đỏ ở Mĩ-châu, tiêu mòn đến hết, ai ngờ một chỗ hiếm người thế mà có 3/5! Cái mắt mũi tinh-anh, cái tư-cách đĩnh-đạt, ai bảo là giống người thổ-dân phương Bắc-Mĩ khi trước! Ai hay một giống người rất thua kém trong thế-giới, mà đâu cũng trèo nhanh chen trước bước văn-minh! Sự chính-tục dưới ta, không cứ nước nào, thường chia nhân-dân làm 4 hạng, là sĩ, nông, công, thương. Nay xem như ở đấy thời ai cũng là sĩ, là nông, là công mà không có dân thương. Quan Thống-trưởng đối với các bình-dân, tình thân lễ giản, có giống như thiên Mân-phong trong kinh Thi nói khí-tượng vua và dân nước Mân. Các con gái mười bảy, mười tám tuổi, nước da và phong-cách đều tuyệt trần, mà trí khôn về trên sự tình-dục thời so với người Hà-nội ta hạng mười ba, mười bốn tuổi còn kém xa. Trong khoảng bấy nhiêu lâu, dù ngồi nhà, dù ra đường, tai không nghe thấy ai có một tiếng than buồn, mắt không trông thấy ai có một hột lệ. Ruộng không có sổ, mỗi thôn có một giới hạn riêng. Sổ đinh thời giai gái chia ra làm hai, mỗi bên lại chia làm 5 hạng: từ 12 tuổi giở xuống là một hạng, 13 đến 20 là một hạng, 21 đến 40 là một hạng, 41 đến 50 là một hạng, 51 giở lên là một hạng Chia như thế là để tiện cho lúc cắt việc, mà không hạng nào có thuế thân. Lạ thay! Muốn gọi là một nước, không phải rõ một nước; muốn gọi là một nhà, không phải rõ một nhà. Kể cũng chỉ gọi được ba tiếng Cõi-đời-mới. Nay muốn chép cho kỹ thời dẫu vài ba mươi tờ giấy không đủ; chép lược quá thời lại tiếc cho cái tinh-thần thể-cách chỗ Bồng-lai tiên-đảo ấy không toàn-nhiên hiển-hiện ở nhân-gian. Nói rút lại một câu thời là: trình-độ văn-minh đã như đến cuối quãng-đời[6] thứ 21 giở về sau, mà phong-vị uyển nhiên ngày thái-cổ. Nổi chìm bể khổ, ấy ai cánh bèo, yêu nhau cũng muốn mà theo, nợ trần lụy thế còn nhiều chưa song!

Khi sắp về, quan Thống-trưởng lấy cho mỗi người một đôi kính và tự nói mấy câu truyện rằng:

— Kể từ tổ tôn chúng tôi lên ở đây, con cháu đến nay không được biết chỗ quê cha đất tổ ra làm sao; dẫu ăn yên ở vui, cũng lắm khi trông đầu về phương Nam, tấc lòng ngùi nhớ! Nay không ngờ lại được các ngài từ đất nước cũ lên chơi như thế này, thật là một sự đoàn-tụ cùng nhau trong giấc mộng! Duy hơi e lệ cho một phương cù-lao này từ nay mà về sau, chắc không lại giữ được cái tinh-thần cảnh-tượng như từ nay giở về trước. Nhưng thôi cũng là cơ giời đến lúc đã mở ngỏ, thời ý người cũng khó thể lại che đạy, thời tôi cũng dám phiền dặn các ông đừng đem nói truyện vòi người ngoài.

Lúc đúng dậy ra đi, ngài đã bảo trước sắp nhiều xe cùng ra tiễn. Quan Thống-trưởng, các ông Thôn-trưởng, các bình-dân, người giống trắng, người giống đỏ, đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con, cùng đi đông. Số xe không biết là bao nhiêu. Đi hết cánh rừng thông, chủ-nhân giở lại cả. Từ đấy, Lưu Nguyễn về trần, Thai Bồng xa cách, chẳng hay du khách, sau này có ai?


  1. 大 瀑 布 La cataracte.
  2. Bởi chỗ đó hai cái hồ, hồ trên là Ontario, hồ dưới là Erié, chẩy thông nhau, mặt nước cao thấp cách nhau như thế.
  3. Đây giở xuống chép chữ Khách, hoặc là quan Bác-sĩ, hoặc là người khác trong bọn đi, hoặc là cả bọn.
  4. Đây về sau chép Chủ-nhân, hoặc Thống-trưởng, đều tức là ông già ấy.
  5. Xương mát lạnh, hồn thanh không, không mơ-màng chút đỉnh.
  6. Người tây lấy 100 năm làm một siècle, tính từ năm ông Jésus-Christ giáng sinh, chữ Tàu dịch là 世 紀, đây tạm dịch là quãng đời. Theo lịch tây thời thế-giới nay hiện đương ở quãng-đời thứ 20e.