Giấc mộng con của Tản Đà
V. — Toàn-phong
VTOÀN-PHONG

Người ta ở trên đời, như hột cát ở mặt bãi: có lúc quang-nhàn như giời cao giăng sáng; có lúc u-sầu như mưa dầm đêm đen; có lúc lại xoay chuyển quanh vần, như gặp cơn gió lốc. Muốn thế không được thế, không muốn thế mà phải thế, không mong thế mà được thế, không tính thế mà thế. Trước xem truyện Kiều đến câu cất mình qua ngọn tường hoa, đã dật mình thay cho những các con người khuê-các. Nhưng lối học biết về sau (知 來 之 學) chưa thành một truyên-khảo-giáo-dục, thời đã sinh trong cõi nhân-gian-thế, cũng đành chịu ở trong cơ tạo-hóa mà nổi chìm như mặc lúc nào rủi may. Cậu thư-ký ta ở New-York, quanh-quẩn đã ba tháng, tiền tiêu hết, áo mặc rách, cố-nhân xa cách, âm thư đoạn tuyệt, làm cho các đức-tính nương nhờ người từ thủa bé đến đấy không ai cắt mà đướch, mà nào cái phong-lưu, cái phong-nhã, cái phong-cách, bắt phong-trần phải phong-trần như ai! Khi ấy, trên thân còn một cái đồng-hồ con bằng vàng, tính dùng về sự ăn cũng không dài được mấy ngày nữa. Nhân gặp lúc ở San-Francisco (舊 金 山) có khai mỏ, các phu thuê người Trung-hoa từ New-York đi nhiều; cùng đường mới phải quyết đường, bán cái đồng-hồ vàng lấy tiền hành-phí, theo các bọn lũ phu thuê lên đường xe-lửa Bắc-thái-bình cùng đi. Đến nơi, làm vừa được một tháng, lương mỗi tuần lễ được 17 dollars,[1] kể cũng vừa đủ ăn; nhưng sức-vóc hèn yếu không bằng người, lại bị cai dịch ốp trị lắm, nhân thế mà đến bệnh. May được trong các bạn làm có mấy người cảm tình đồng-bệnh, thuốc thang trông nom hộ, răm bẩy hôm lại được khỏi, bỏ đi tìm việc khác. Càng ở đất văn-minh bao nhiêu, cách kiếm ăn càng khó; vơ-vẩn mãi, không xoay được việc gì. Sau tìm được một ông chủ mục-súc, người Portugais (葡 人), rồi xin theo ông ấy về Nam-Mỹ (Amérique du sud).

Đất rộng giời cao, trong cõi nhớn có đi thời mới biết; bèo chôi sóng vỗ, tấm thân hèn riêng nghĩ lại càng thêm! Theo ông chủ-nhân mới về đến nhà tại Ba-tây (Brésil), được nhận một việc chăn dê[2]. Ngày ngày đánh đàn dê theo mọi người cùng chức-nghiệp ra đồng cỏ. Có hôm ngồi ngủ gật ở trên một cái mô đất cao; lúc tỉnh dậy trông ra: một đồng cỏ non, trâu dê ăn tản-mác, chỗ năm con, chỗ ba con, có đàn có lũ; khiến cho kẻ quê người chiếc bóng thương hai chữ ly quần. Xa trông một giải núi, đầu non tuyết trắng, như duật kẻ tuổi xanh tóc mái, không bao lúc nữa mà bạc phơ. Trông lên trên từng không, thời, con chim công-đà-nhi[3] đè làn mây bạc, thẳng cánh cao bay, tưởng như ý-khí kẻ tài-nhân, xa tuyệt bụi hồng, năm Nhâm-tuất con thuyền sóng Sích-Bích. Rồi mà, bóng tà về tây, các tiếng êm lặng, giời đất tịch-mịch; cảm-tình bao nhiêu cũng lại theo tình-cảnh tự-nhiên của tạo-hóa mà sóng bằng chào lui. Trong tấc dạ khi ấy, như một hồ nước xuân lúc tan sương trong xanh không chút gợn; cả bao những cái nghĩ vui, cái nghĩ buồn, cái nghĩ mừng, cái nghĩ lo, cái nghĩ yêu, cái nghĩ ghét, cái nghĩ thương, cái nghĩ giận, cái nghĩ ham, cái nghĩ tiếc trên thế-gian lúc bình-nhật, đã như không từng đi lại quen biết với tri-giác, mà như lúc mới nhận hình nhận khí của tạo-hóa nguyên không có bẩy tình. Than ôi! con người ta xuốt đời chìm nổi trong bể khổ, nhọc hình nhọc dạ, mà nếu không được có một đôi lúc như thế ấy, thời các thần-kinh trong cơ-thể mấy lúc mà đứơch giây? Cảnh-ngộ con người ta, nhiều cái đương trải coi làm thường, hoặc có lấy làm buồn, mà lắm khi sau này tưởng nhớ lại rất có vị. Than ôi! bên giời mặt bể, kẽ nước chân mây, đã đều là những cái nhà học rất cao-đẳng không cần thầy của những người du-tử; mà đồng cỏ giời mây, sông băng núi tuyết, lại là những cái nhà hát rất to nhớn không cần phí cho các khách cao-nhân. Vậy cho nên cảm ơn con tạo-hóa khéo xoay vần, mà ngày đi tháng qua, gần quên hẳn tấm thân bảy thước từ đâu đến.

Thiên-hạ có sự rất hèn mọn, kẻ dúng mình vào lấy làm bất-đắc-dĩ, mà trong vòng đã thấy thói ghen-tuông. Lắm khi muốn khóc mà nghĩ cũng nên cười. Lạ gì thói đời, nói gì trò đời; chẳng qua các nhà học thiên-nhiên còn nhiều, ông thầy tạo-hóa cũng phải chia cho trải qua mỗi nơi một đôi chút thời-khắc. Kể từ lúc nhận việc chăn dắt, đã tạm lấy làm yên; chủ-nhân cũng có bụng yêu hơn trong cả các bọn lũ. Vì có một ông chủ-nhân yêu, mà ngoài ông chủ-nhân, dưới ông chủ-nhân, không biết bao kẻ ghét, làm cho không thể ở được nữa, lại phải bỏ việc chăn mà đi. Đến Para, nấn-ná mới một vài tuần lễ, tiền lưng lại hết, việc làm chưa có, lại phải theo nhập vào bọn phu thuê khuân đồ lên xuống tầu, để kiếm ăn cho qua ngày. Lầm-than lại có thứ này! hỡi người tri-kỷ bấy chầy biết chăng? Một hôm, chuyến tàu khuân vừa song, đến ngồi nghỉ một mình dưới gốc cây, thấy một người con gái lại trước mặt hỏi rằng; « anh không phải là người ở trong gác tối ở thành Saint Etienne như? sao luân-lạc đến thế? » Thoạt mới nhìn, hơi ngợ; nhưng mà quen. Lạ cho đất lạ gặp người quen, mà ai khiến bụng mừng thua bụng thẹn. Khi đã nhận rõ là một người ân-nhân là Woallak, mà miệng vẫn chưa nói được một tiếng, như người con gái đã lấy phải chồng hèn mà lại gặp người tình-thân. Woallak nhân cười mà hỏi rằng:

« Miếng phong-trần lắm chất gân xương, kể là một thức ăn rất ngon cho những người nam-nhi lúc thiếu-niên. Cho nên các người nam-nhi sành ở đời, có trải vị phong-trần, thường lo tiếc đến khi già cả sau này không lại hưởng-thụ được. Nay anh mới nếm biết có thế, đã lấy làm bận lòng ư? »

Nguyên Woallak đi thăm một người chú có hiệu buôn ở xứ đấy, nhân được gặp mà mới biết rằng: Việc trộm ở Saint Etienne trước, mật-thám đã xét ra; tòa án tra thẩm song, bao tang-vật bắt được đã gọi người chủ mất đến nhận lĩnh. Hiện các nhật-trình français có đăng cả, tên mình vô can. Woallak kể hết sự-tình đầu đuôi song, nhân bàn giúp phương-cách để xoay về; lại cấp cho một ít tiền làm hành-phí và may vá quần áo. Về đến France, đi ngay Lyon, tìm ông Vinailles, kêu ông ấy đưa sang xin lại với ông chủ. Ông chủ vốn là người có lượng, lại được ông Vinailles nói hộ, cho nên dẫu giận-dữ một lúc mà phần tin yêu vẫn như thường. Hiếu từ khi đã về, tự mình ngày đêm phải kiểm-thúc, sự học cũng tạm nghỉ; thỉnh-thoảng qua trước cửa ông Tru-văn-Lập, sợ thay! mà lại cười thầm với ai.

Đương trong lúc biến-ách, các tình-hình bí-mật, ngoài Kiều-Oanh, Woallak và Hiếu, không một người nào biết; nhưng các sự đi lại họp truyện ở công-viên cũng đã hở lộ và phảng-phất đến tai ông Dravine. E rằng để Hiếu ở Saint Etienne thời vì một sự tình tứ miên-man, không những công việc trong hiệu buôn còn sinh ra lắm sự bất ý, mà chí-nghiệp rồi cũng đến hoang-đãng; khi ấy, sẩy gặp có giấy ở Washington (華 盛 頓 京) đánh về, là tin người coi chủ hiệu bên ấy đã bệnh khác, Ngài nhân cho sang đấy để coi việc. Kỳ đi đã nghe rõ, cùng Kiều-Oanh lại hẹn nhau ra chỗ cũ để tạm hội. Đó là một cuộc họp sau khi cửu-biệt mà lại sắp trường-ly; mà chỗ vườn công-viên trong thành Saint Etienne từ đấy mà về sau, không lại có hai người cùng nói truyện tiếng Annam vậy.

Sáng hôm sau, đi ra ga, qua nhà ông Tru-văn-Lập, cửa còn đóng. Mối sầu từ đấy sang Mỹ-châu.


  1. Dollar là đồng bạc tiêu của nước Mỹ, mỗi dollar vào 5 f.40.
  2. Một thứ dê ở Nam-Mỹ, mình bé mà chạy nhanh, thường dùng để mang các đồ-vật đi qua núi; lông dệt làm chiên rất bóng mỡ.
  3. Thứ chim này, chữ tây là Condor, xòe cánh ra, rộng 1 trượng 4 thước, thường đậu trên các mỏm núi cao, sà xuống bắt hươu nai tha đi ăn, như con diều-hâu với con chuột vậy. — Ở Nam-Mỹ về khoảng nước Bí-lỗ (Pérou), ở các cù-lao, có nhiều chỗ cướch chim chứa cao lên thành gò, làm một thứ phân bón rất tốt; mỗi năm đem bán ra các nơi làm một thứ hàng-hóa rất trọng.