Giấc mộng con của Tản Đà
IV. — Sầu-thành
IV – SẦU-THÀNH

Bốn phương non nước quê người,
Chân mây mặt bể bên giời một ai!
Ngọn trào lên xuống hôm mai,
Sớm khuya ai cũng đầy vơi dạ sầu!

Từ lúc lên nhà hàng, rồi ở chọ luôn đấy. Ngày mười hai giờ đồng-hồ, đêm mười hai giờ đồng-hồ, phần nhớ nhà, phần nhớ bạn, nhớ người ở Saint-Etienne, nhớ người quanh-quất ở Mỹ-châu. Lại thương nỗi sơ tình vô ý, mang tội ngờ mà đi, tên tuổi đăng tại các nhật-trình; chỗ chọ hàng cơm ở Mỹ-châu, chậu cá lồng chim, thế cũng không được mấy ngày tháng. Con đường thân-thế, hoặc đến thế là hết? mà nào người đưa tiễn ở ga Hàng-Cỏ mấy năm trước, những mòn con mắt phương giời đăm-đăm! Tấc lòng trăm mối, hai hàng khôn ngăn, nào phải đâu giọt lệ anh-hùng mà từ đâu đầm-địa tuôn rơi mãi?! Một hôm, cơm sáng song, thơ-thẩn đi ra chơi, không định rằng đi đâu, theo con đường râm bước chân mãi. Đến một chỗ, mặt tường chạy thẳng 200 thước, các cây hoa cao bên trong tường, muôn tử ngàn hồng, tranh tươi đua nở; mà trên đầu cổng sây có hai chữ đề nhớn, nghĩa dịch là Sầu-thành (là một cái thành sầu). Đứng một lúc lâu, lấy làm quái. Sau hỏi một người ở bên trong đi ra, thời đó là một sự rất văn-minh: mà cũng là trong lúc mình đương sầu, cho nên lại xui ra đi gặp chỗ sầu-thành thế.

Nguyên các thanh-lâu trong xứ ấy thuộc cả về một người chủ chưng. Các bạn lũ son phấn cùng ở một chỗ khác, gọi là Phong-nguyệt thành (風 月 城). Trong Phong-nguyệt-thành, ai đến 30 tuổi thời lại thiên ra chỗ đó ở; giá mua cười dẻ hơn, các làng chơi ít su thường hay vào đấy thưởng. Tình cảnh không được vui vẻ lắm, cho nên đề hiệu là Sầu-thành. Thoạt mới nghe thời buồn cười, sau nghĩ mà thương ai, rồi mà cảm. Đương lúc cũng ít su mà sầu, nhân vào chơi Sầu-thành.

Trong thành ở chia làm nhiều khu, lấy vé song, vào rạo qua một đôi chỗ, quả toàn những người từ 30 giở lên cả! Có người ngồi một mình đánh đàn, có người nằm ngâm, có người đứng tựa cửa thổi sáo, cũng có chỗ ba bốn người cùng đánh bài không tiền. Khách chơi cũng vắng-vẻ. Thấy có một ông lão, ước ngoài 50 tuổi, đương ngồi gục lưng cho một cô đấm hộ, rồi ho loặng-khoặng mãi. Trông không biết là người nước nào. Nhân hỏi một cô ở bên cạnh thời ông cụ là người Tây-ấn-độ (Antilles), hình như mê cô kia, thường hay đi lại luôn, mà bận nào đến cũng chỉ thế rồi về, Lạ cho thiên-hạ có sự không tham được mà tham! Người trong cuộc lấy làm thích ý, mà tự mắt người ngoài coi thấy, nỗi thê-thảm là nhường bao! Quanh-quẩn một lúc lâu, rồi vào chơi một cô để uống nước, nhân hỏi truyện rằng:

« Các cô ở trong này, trừ những khi có khách đến chơi, tiếng cười câu truyện, được đôi lúc vui-vẻ; còn những lúc như mưa phùn chiều hôm, giăng thanh tiếng dế, thời nỗi sầu biết tỏ cùng ai?

Đáp. — Tự các ngài xem ra thời tưởng hình như thế; nhưng người ở trong Sầu-thành này, thực tình-cảnh tâm sự lại có khác. Có lúc sầu mà sầu; nhiều lúc vui mà là sầu. Trong lúc vui mà sầu thì thực là thái-sầu. Mưa phùn chiều hôm, giăng thanh tiếng dế mà sầu, thời còn được phát-tiết ra ngâm vịnh; nhất những lúc trong bụng đương nghĩ nỗi gia-hương, tình cốt-nhục, sự thân-thế, mà có khách đến chơi, dở câu truyện hoa-nguyệt, thời trong một lúc ấy, bụng nghĩ một nơi, tai nghe đi một chiều, miệng có câu muốn nói không được nói, câu không muốn nói mà phải nói, cho nên cũng mặt phấn son, nhời hoa nguyệt, mà ruột tầm đã thắt như ngày ươm tơ! Nói tóm lại thời chẳng lúc nào không sầu, cho nên gọi là Sầu-thành cũng là phải.

— Dẫu thế nữa, nhưng các người đến chơi miền thanh sắc là đi cầu lấy vui, mà trên cổng đề hai chữ như thế, chẳng làm cho người ta tiêu hứng ư?

— Thế thời ngài cũng lại chưa xét kỹ. Nhân-tình trong lúc vui, thường thích chơi chỗ vui; trong lúc buồn cũng thích chơi chỗ buồn. Cầu chỗ chơi vui, dễ; cầu chỗ chơi buồn, khó. Nếu ngài có lúc nào trong bụng sầu thương, nỗi riêng không tỏ cùng ai được mà ngẫu nhiên tìm đến chỗ Sầu-thành này, thời mới biết là thú. »

Nghe đến câu truyện ấy, như bắn hột nước đá vào bụng. Lại thêm trọng trình-độ người nước nhớn, dẫu trong bạn hương phấn, câu nói cũng có ý-vị hay. Nhân cầu cho nghe một khúc hát. Ngón tay trắng bắt đàn thời môi đào cất tiếng, trong cao ai oán như giọng ve sầu trong gió thu. Hát rằng:

(Nguyên khúc điệu và từ ý rất hay; nay dịch ra tiếng nước ta, theo điệu hát sẩm, mười phần may còn được một hai)

Bên thì giời, chị em ai lẫn-đẫn bên thì giời; non cao nước chẩy ấy ai người tri-âm? Lúc đêm thanh ngồi dậy () ôm cầm; lòng tơ tơ-tưởng âm-thầm tiếng tơ. Khúc đàn này vẫn khúc ngày xưa, mà người đoái khúc[1] bây giờ đâu xa? Nhớ đầu xanh còn đương độ mười ba, cười giăng bóng xế, thương hoa thu tàn. Thế mà cái phận hồng-nhan!...

Nghe hết khúc hát song, tiêu hồn, vội đứng dậy cáo biệt.

Từ lúc vào Sầu-thành, tất cả ước trong bốn năm giờ; lúc sắp ra, đến gương soi để rẽ tóc, trông thấy nhan-sắc ở trong gương đã như già mất một đôi phân. Rồi bước trong thành ra, đi độ một cột giây, ngoảnh lại cảnh-sắc chung-quanh thành: bóng tà-dương soi ngang, gió chiều hiu hiu thổi, trên mấy cành cây thưa, đàn chim con réo-rắt, đìu-hiu thảm-đạm, thực hai chữ « Sầu-thành ». Sực tưởng như các bạn đàn-ông ở trong nước An-nam ta, tuổi đã ngoại 30, râu ria đứng-đắn, mà chân không từng bước ra đến ngoại-quốc; con đường thân-thế như giời chiều tối, cánh đồng chiêm. Như thế mà cùng ở chung nhau lại một chỗ, cũng đề chữ là Sầu-thành, thời không biết thành nào sầu hơn?


  1. Ông Chu-Du, sành nghe đàn, ngồi nghe ai đánh lỗi một tiếng nào, tất ngoảnh mặt trông lại, chữ rằng: 周 郎 顧 曲. Nhiều người muốn được ông ấy ngoảnh mặt lại, thời giả-cách đánh nhầm. Cho nên đây dùng chữ (đoái khúc), tức là nghĩa tri-âm.