Giấc mộng con của Tản Đà
III. — Ách
IIIÁCH

Ông chủ Dravine có việc cần đi xa một tuần lễ. Trong hiệu Drayon, một đêm mất người thư-ký annam không thấy về. Sáng hôm sau, chủ-nhân về tới nhà, mới vỡ ra một sự mất trộm đến ức triệu.

Lạ thay! cho cậu thiếu-niên thư-ký Nguyễn-khắc-Hiếu ấy thời đi đâu?

Nguyên mấy hôm ông chủ đi vắng, Hiếu xin phép nghỉ học, nhưng tối vẫn ra họp ở công-viên, lưu-luyến thường đến hai ba giờ. Một hôm vội đi quá, các chìa-khóa trọng yếu phần mình giữ, bỏ rơi chung quanh nhà; hơn mười hai giờ đêm mới về, sực nhớ đến, tức-thời xoi riêng mấy tủ xem, nhất-thiết rỗng không cả! Sợ thay! — Nếu gặp phải sự này mà tỉnh mất thời quyển mộng của ta không thành; may được khi ấy cũng vững dạ. — Rồi suốt ngày hôm sau chưa ai biết; bẩy giờ tối, lại ra nơi công-viên để bàn sự nguy cấp. Cùng một chỗ công-viên, cùng hai người tình-nhân, cùng bảy tám giờ tối, mà phong-cảnh tiêu-sơ, tinh-thần thảm-đạm, cho biết sự vui thú trong thiên-hạ dễ mấy khi mà tròn! An, nguy, vinh, nhục trên thân Nguyễn-khắc-Hiếu lúc ấy, đã trông cả vào trong tay một người nhi-nữ là Kiều-Oanh. Cơ đến lúc vô-khả-nại-hà, mà cõi tình lại biến ra một cảnh rất bí-mật! rất gian-hùng! rất hiểm quái!

Chung một vách với hiệu buôn ông Chu-văn-Lập có cái nhà bỏ không, cũng là của ông ấy để cho thuê mà chưa có người ở. Nhà có một cửa ngang thông với hiệu thời thường vẫn có khóa. Bàn định song, Hiếu y nhời dặn, đến 12 giờ đêm, theo quanh đường ngõ hẹp lại đằng sau nhà không ấy. Đến nơi, thời đã như có người hé cánh cửa đứng đợi. « Công-viên à? — Phải. » Nhân theo vào, cùng lên từng gác trên, mở một cửa kính lấy không-khí. Từ đấy, các thức ăn dùng, Oanh cứ đêm khuya thường mang sang. Mỗi bận Oanh sang, lại cùng nhau pha trè nói chuyện chơi. Gió xuân, mặt giời hạ, nước thu mà sương đông! Tình tương thân, lễ tương trọng, lý thú tương đắc, trong các bạn cùng-giao hiệp-sĩ trong thiên-hạ dễ ai mà với ai! Một đêm Oanh cầm sang một bao trè, nói là của một người Tàu buôn bán quen mới làm quà cho được một thạp. Đem pha uống, tuyệt thanh-lương. Hiếu ta sinh-bình thích trè ngon, thích người đẹp, thích cảnh-trí thanh-tĩnh, đến bận ấy được cả ba cái hợp một; nhân hứng vui nói chuyện rằng:

« Lòng thích của người ta thật khác nhau mà nhiều cái rất vơ-vẩn; nếu không nói, chắc không ai đoán hết bụng thích ai. Như tôi, xem sử chuyện đời xưa, bao những cái công danh to, lâu đài nhớn, chơi bời sướng, quyền chức sang, đều cho là một cảnh mộng vô tình của người đời xưa. Người đời xưa có cảnh mộng của người đời xưa; mình sinh sau, có cảnh mộng của mình. Đời đã qua, người đã khuất, thời mộng cũng đã mất, như đống tiền giấy đốt thành gio, khách qua đường can chi có hệ luyến. Đã nghĩ thế, mà lại chỉ tưởng riêng một chén rượu trong màn ông Hạng-vương lúc Cai-hạ[1] và cung đàn trong hàng rượu ông Tương-Như ở Thanh-đô[2]; lấy làm: một cái trầm-hùng, một cái thanh-thú, là khí anh-hùng, điệu tài-tử, đều trong lúc cùng-quẫn mà lại đều được cái hương-phách người mỹ-nhân làm mầu, cho nên cách ngàn thu đến nay, còn như có hương rơi tiếng thừa phảng-phất ở nhân-thế.

Oanh: — Câu truyện cũng đã thú, nhưng kể chưa được sành. Nàng Ngu-Cơ nghe mấy câu bi-ca mà cầm gươm tự vẫn, thời cái hiệp-khí ấy thực đáng làm một người vợ ông Bá-vương. Nàng Văn-Quân, hai lông mày như vệt núi mùa xuân, má như hoa phù-dung, người vừa đẹp, vừa thẩm-âm, vừa chung-tình; lại nhất xem như lúc cùng nhau nấu rượu ở Thành-đô, thời hiền-đức cũng không kém gì nàng Mạnh-Quang[3]. Hai người ấy, như thế là giai-nhân, sao gọi là mỹ-nhân? Nếu mỹ-nhân thời chỉ là một người đàn bà đẹp, thời các chỗ phồn-hoa, nơi phú quí, có lấy gì làm thiếu; mà thiên-hạ anh-hùng tài-tử cũng không ít, sao không thấy điệu thừa hương sót ở nhân-gian?

H. — Phải, thế nhân hôm nay tôi mới biết hai chữ ấy lại có khác nhau. Cô cũng là một người giai-nhân, cho nên mới hiểu nghĩa chữ « giai-nhân » được như thế. Thế thời ấm trè đêm hôm nay lại được cái hương-phách người giai-nhân làm mầu. Vậy biết con người ta thích cái gì, giời tất có lúc cũng cho được.

O. cười: — Nói chi thế!

H. — Không. Xem trong áng thoa-quần, có dung-nhan, có học-thức, có chung-tình, có hiệp-khí, như Cô, kể với người các nước không dám biết, nhưng cứ trong một nước Annam, thực đáng là tuyệt-thế-giai-nhân. Nhớ bài thơ Tây-hồ-vọng-nguyệt của tôi có hai câu tam, tứ rằng:

Mảnh tình xẻ nửa ngây vì nước,
Tri-kỷ trông lên đến tận giời.

Cũng chỉ là theo nghĩa đề mà thôi, mà không ngờ đến nay chị Hằng đã quá gót bước chơi xuống trần-thế! Vậy biết con người ta tưởng cái gì, giời cũng tất có lúc cho được.

O. cười: — Có đâu dám đến thế! Nhưng dẫu thế, thời cũng bởi liên tài hóa mới thế.

H. cười: — Chữ liên (憐) thời hay! nhưng chữ tài (才) thời chị Hằng phê-điểm khí rộng quá!

O. — Không. Xem bài văn « đánh bạc », bài « cái chứa trong bụng người » và mấy đoạn về thiên thứ nhất bài « thiên-lương », kể với văn các nước không dám biết, nhưng cứ trong văn-chương quốc-âm ta, thực cũng là một áng văn có số hạn.

H. cười. — Có đâu dám đến thế! Nhưng dẫu thế, thời một bụng liên tài cũng tuyệt thế! »

Câu truyện chưa hết hứng, kim đồng-hồ đã trỏ chữ số IV, Oanh vội dậy cáo biệt. Tiêu hồn lúc ấy nào ai biết, một bước bên dường một dặm khơi!

Lạ cho! thân-thế con người ta, có khi hai cảnh-ngộ, cái lo và cái vui, trùng nhau trong một lúc hiện-tại. Gác thanh, đêm thanh, người giai-nhân, truyện tri-kỷ, tức đương khi phụ-án tại-đào. Đi trong quãng đường nắng mà được một bóng cây, thời cái râm mát xem với khi thường lại bội giá. Cho nên, mỗi gần sáng một lần tiễn biệt, mỗi sau lúc biệt một lần tiếc, tiếc cho một đời Nguyễn-khắc-Hiếu, không được cả như cảnh-tượng đêm trong gác kín ở thành Saint-Etienne! Người si-tình, lúc si-tình, có cái si-tưởng ấy; nhưng tưởng thời tưởng, sao được si mà si? Một đêm, nghe tiếng giầy lên thang như không phải một người, trong bụng đã nghi ngại. Oanh lên song, quả thấy một người nữa thời cũng chà con gái; sau lúc đã chào tiếp, nhận ra là người bạn của Kiều-Oanh là Woallak. Nguyên Woallak là người nước Mỹ, cũng có nhà tại Saint-Etienne, với Oanh từ bé cùng bạn học. Kể từ cuộc công-viên biến ra ở gác kín. Hiếu lắm lúc si-tưởng, mà Oanh vẫn ngày đêm lo nghĩ không yên lòng. Sau, liều đem ngỏ truyện với người bạn gái ấy, nhân mời đến đấy cùng định mưu để cậy đưa Hiếu về Mỹ-châu. Than ôi! đời đã có Kiều-Oanh, cũng nên có Woallak! Sự-thể đã tính song, một đêm, ba giờ sáng, ba người cùng họp từng dưới nhà, gần cửa trước. Hiếu thu hình vào một cái hòm có các khía thông hơi, trong lót nệm và để mấy bầu sữa. Gần 5 giờ, hai người con gái khẽ mở cửa cùng khiêng ra, đặt sang trước cửa hiệu. Oanh vào song, Woallak đợi xe đến liền thuê ra ga, đi Paris, rồi đi Havre. Suốt ngày hôm ấy mình nằm ở trong hòm, nghĩ về phần tự-do, không bằng các con lợn hàng-hóa khi ở nhà thường gặp trên xe lửa! Lúc đã xuống tàu thủy, có buồng thuê, đêm được ra ở ngoài. Năm canh dưới đèn sáng, ngồi đối người giai-nhân; tấm riêng kết cỏ ngậm vành, trông hoa mà lại nặng tình với hoa!

Tám ngày đến New-York (紐 約), lên nhà hàng; đêm, ở trong hòm ra, như người Đại-từ Võ-nhai vậy! Tính từ đêm hôm vào gác kín, đến đêm hôm ấy ở Mỹ-châu, không trông thấy mặt giời đã gần rắp 2 tháng. Hay cũng bởi một tính sinh-bình thích u-tịch, nên tạo-hóa cho một bữa no chán, làm cho hết ao-ước, cho xoay lòng yếm-thế mà vui lòng ăn ở với nhân-quần chăng?! Một lúc, Woallak cáo biệt đi, hỏi nhà ở về đâu thời cười mà không bảo; có đưa lại cho một món tiền là của Kiều-Oanh gửi cầm sang để làm phí lữ-ngụ.


  1. 項 羽 帳 中 杯. Ông Hạng-vương, tên là Tịch, cũng gọi là Hạng-vũ, là một người anh-hùng bên Tàu thì trước mình cao 8 thước, mỗi con mắt 2 con ngươi, sức khỏe nhắc nổi cái vạc; đánh nhau 72 trận chưa từng thua; tự xưng làm « Tây-Sở bá-vương ». Đến sau, bị vây ở Cai-hạ, đương đêm, cùng nàng phi là Ngu-cơ cùng dậy uống rượu ở trong màn, hát mấy câu khảng-khái, rồi nàng Ngu cầm gươm tự vẫn chết.
  2. 相 如 酒 肆 琴. Ông Tương-Như, tức chuyện Kiều gọi là Tràng-Khanh, họ Tư-mã, cũng là người Tàu. Người rất tài tình mà nhà nghèo, bạn thân với một quan tri-huyện Lâm-Cùng Hat Lâm-Cùng có một nhà hào-phú, họ Trác, có một người con gái hóa là Văn-Quân, người rất đẹp mà thích đàn. Một hôm. quan huyện đưa Tương-Như xuống chơi, đánh chơi một khúc đàn cầu hoàng. Văn-Quân ta ngồi trong nhà nghe, mê quá; đêm, theo về với Tương-Như. Đến nhà thời chỉ có bốn bức vách. Sau nhờ anh em được một cái vốn nhỏ, mở hàng rượu ở chợ Thành-Đô, cùng nhau nấu rượu bán. Tương-Như đong khô để cọ nồi. Văn-Quân thời vào việc đun bếp. Lúc nào nhàn lại đánh đàn cùng chơi. Hai vợ chồng đến sau rất sang-trọng.
  3. Mạnh-Quang là một người đàn bà hiền. Chồng là Lương-Hồng, có tài đức mà gặp thời loạn, ẩn náu không làm quan, đi giã gạo thuê để qua ngày. Mỗi bận chồng đi giã gạo về, đến bữa ăn, Mạnh-Quang bưng mâm cơm ngang mày.