Con quay  (1934) 
của Lê Văn Trương

Lấy từ tập truyện ngắn đầu tay của Lê Văn Trương với nhan đề Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích, gồm 11 tác phẩm, xuất bản bởi nhà in Trung Bắc tân văn, Hà Nội, 1934

Tôi là con vợ lẽ, anh tôi là con vợ cả. Anh tôi thì lắm đồ chơi lắm mà tôi thì chẳng có một thứ gì. Nội các thứ đồ chơi của anh tôi, nào ô tô, nào tầu hỏa, nào búp bê... tôi chẳng ưa thứ nào cả, chỉ thích nhất con quay sừng. Mỗi khi tôi thấy anh tôi quấn dây, rồi quay mình vươn vai đánh, con quay nó vùn vụt ở trong tay bay ra, quay tít thò lò, tiếng kêu vo vo. Nó chạy, nó lượn, nó mới đậu làm sao.

Tôi ước ao:

"Giá tôi cũng có một con quay sừng như của anh tôi".

Tôi đương chăm chú nhìn con quay thì ở đằng xa mẹ tôi cũng chăm chú nhìn tôi, mà có lẽ mẹ tôi đoán biết sự mong ước của tôi bởi vì chỉ có người mẹ mới thấy biết những sự bí ẩn ở trong lòng con, chỉ có người nào thương yêu nhau mới tỏ rõ tâm sự nhau.

Tôi chạy lại vồn vã bảo mẹ tôi rằng:

- Em thích con quay sừng kia quá. Chị Hai mua cho em một con nhé.

- Chị Hai làm gì có tiền, hở em?

Tiếng mẹ tôi nói có vẻ buồn rầu thất vọng: vật thử con quay sừng kia chỉ một hào bạc, mà không làm sao kiếm ra để mua cho đứa con cưng được vui lòng!

Tôi nghe mẹ tôi nói, ngoảnh nhìn con quay mà tôi cũng buồn.

Hồi ấy, tôi mới lên chín, còn đi học chữ nho. Một hôm, tôi đi học về, mẹ tôi đưa cho tôi một con quay. Con quay này không phải là con quay sừng, cũng không phải là con quay tiện, nó chỉ là một con quay đẽo, mà lại là con quay mà mẹ tôi đẽo cho tôi. Tôi đánh nó dẫu không tít, không đậu bằng con quay của anh tôi, nhưng tôi yêu quý nó hơn hết cả các con quay sừng ở trên trần thế.

Tôi có con quay thích quá, lúc nào cũng đánh, ngoài sân, sau vườn, dưới bếp, nhà ngang. Mẹ tôi nhìn tôi đánh quay, thấy tôi vui sướng mà mẹ tôi cũng vui sướng; mẹ tôi vui sướng cái vui sướng của tôi.

Một hôm ở trong bếp, tôi muốn khoe tài với mẹ tôi, tôi bảo mẹ tôi:

- "Em đánh quay giỏi lắm, để em đánh cho chị Hai coi".

Rồi tôi quấn dây, dang thẳng cánh, bổ một cái thật mạnh, thì ôi thôi! Cái dây vướng phải rổ bát, đổ úp xuống, kêu đánh ầm một tiếng, bát đĩa vỡ tung tóe. Tôi tái xanh cả mặt, sợ run lập cập.

Mẹ già[1] tôi đang quét tước ở trên nhà ngang, xồng xộc chạy xuống hỏi:

- Đứa nào đánh vỡ gì?

- Thưa bà, tôi trót nhỡ tay.

Mẹ tôi chưa nói dứt lời thì mẹ già tôi túm lấy đầu dầm xuống, sẵn cái chổi cầm tay đánh túi bụi.

Thương ôi! Mẹ tôi thấy tôi bé nhỏ, không nỡ để mẹ già tôi đánh tôi nên nhận cái lỗi của tôi làm lỗi của mình để chịu đòn thay cho tôi.

Từ đấy, tôi không đánh quay nữa mà tôi thấy ai đánh quay tôi cũng chẳng buồn nhìn.

Nhưng con quay kia mẹ tôi đẽo cho tôi, tôi không đành lòng mà vứt nó đi, tôi giữ, tôi giữ cho đến ngày nay để kỷ niệm cái đời đau đớn và hy sinh của mẹ tôi đối với tôi.

   




Chú thích

  1. Mẹ già: ở đây là từ người con gọi người vợ cả của cha, thường đã có tuổi.

 

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)