Con mèo mắt ngọc  (1942) 
của Nam Cao

CON MÈO MẮT NGỌC
của NAM-CAO


Sách HOA MAI số tết
CỘNG-LỰC xuất bản — 0$20

con mèo
mắt ngọc

Ngày xưa, trong một làng nhỏ gần kinh đô, có một người rất giầu, nên dân trong làng và những làng quanh đấy, quen gọi là Phú-Ông. Phú-Ông có hai người con gái: Lan, con bà vợ trước đã chết rồi, và Huệ, con bà vợ kế lấy ngay từ khi mới xong tang bà vợ trước. Lan đẻ trước Huệ đúng ba năm; mẹ nàng chết từ khi nàng còn nhỏ lắm; Phú-Ông giao nàng cho một người vú nuôi. Người vú này, hồi mẹ Lan còn sống, được bà rất yêu thương, nên săn-sóc Lan chẳng khác gì mẹ chăm con. Vì thế Lan cũng không đến nỗi khổ vì bồ côi mẹ. Nhưng từ khi người vú nuôi Lan chết thì Lan khổ lắm: bà mẹ ghẻ, thấy con riêng của chồng có phần xinh đẹp hơn con bà, nên đem lòng ghét ghen. Thật ra thì Hụê cũng không xấu lắm. Có lẽ nàng đẹp chẳng kém gì Lan mấy. Nhưng nàng kém tươi hơn. Đã hay tức tối, thù ghét, ác nghiệt thì còn tươi làm sao được? Lúc nào Hụê cũng cau có, gắt gỏng, nên mặt nàng xấu đi. Lan trái lại lúc nào cũng như hoa. Nàng bị mẹ ghẻ và em, và cả ông bố nữa, hắt hủi, đầy đọa nhưng không hề oán hận. Là vì nàng được tất cả những người làm, đầy tớ trong nhà mến yêu. Chúng yêu nàng vì nghĩ đến ơn đã chịu của mẹ nàng. Nhưng chúng cũng yêu nàng vì nàng hiền lành, hay thương người, và dịu dàng vui vẻ. Nàng không hay chửi mắng, dễ tha thứ, và còn sẵn lòng giúp đỡ chúng một phần công việc trong nhà nữa, khác hẳn với Hụê, chỉ biết ngồi mà sai, đã thế lại còn bẻ bai cái này, oẻ họe cái nọ, không chiều thế nào cho vừa lòng được. Chúng tức mình sinh bướng: Lan bảo làm gì thì vui vẻ làm ngay, còn Hụê có bảo chỉ ỳ ra đấy. Hụê tức quá khóc lóc kêu với mẹ. Bà mẹ không thể nào chịu cho chúng hỗn xược như thế, the thé trách ông chồng. Ông này, chẳng xét rõ đầu đuôi nghe lời vợ đuổi hết kẻ ăn người ở, rồi lại đánh cho Lan một trận nên thân vì tin rằng nàng xui đẩy chúng. Từ đấy, công việc bếp nước, giọn dẹp trong nhà về phần Lan. Lan phải gánh nước, thổi cơm, quét dọn nhà cửa. giặt quần áo như con ở. Và cũng như con ở, nàng ăn, cơm thừa, mặc quần áo rách, đầu bù tóc rối, và đêm đêm ngủ một mình trong bếp. Mùa bức, nàng giải một manh chiếu rách nằm ngay trên mặt đất. Mùa rét nàng rúc vào chuồng rơm. Tuy vậy, nàng không hề oán hận ai. Người vú nuôi nàng hồi nàng còn nhỏ vẫn nhắc cho nàng những lời của bà mẹ nàng: thù ghét là sâu mọt đục người ta làm người ta chóng già, chóng xấu và chóng chết; yêu thương và tha thứ là nước xuối tiên tưới vào lòng người, làm người sung sướng, xinh đẹp và trẻ giai. Vả lại sự làm việc chẳng giết chết người đâu. Trái lại, nó mài giũa cho người thành cao qúy. Nàng cứ làm lụng, cứ đầu tắt mặt tối, mà cứ tươi cười luôn luôn. Mẹ ghẻ và em, thấy thế tưởng nàng chọc tức, lại càng sinh ghét. Hai người không bỏ phí một dịp nào có thể xui Phú-Ông đánh đập nàng mà không xui.

Ngày ngày, thường có rất nhiều kẻ khó đến nhà Phú-Ông xin tiền xin gạo. Chính tay Lan đem tiền, gạo ra phân phát cho bọn họ. Thấy cô bé nhanh nhẹn, hay hỏi han thân mật trong khi bố-thí, họ đều có lòng yêu. Vì thế, bây giờ thấy cô đen đủi, rách rưới hơn xưa, họ tỏ lòng thương hại. Khi họ biết chính vì người mẹ ghẻ mà cô phải khổ sở như thế ấy thì họ đều tỏ ý tức tối, nguyền rủa người đàn bà tàn nhẫn đã đầy ải con chồng. Có lần, Huệ thấy một bà lão ăn mày nắm lấy tay Lan, giữ
lại một chút, rồi bùi ngùi bảo rằng: « Phương ngôn nói chẳng sai: mấy đời bánh đúc có xương... tội nghiệp cho cô quá, cô Lan nhỉ? » Tuy Lan đã vội vàng bảo bà lão « đừng nghĩ thế, dì tôi thương tôi lắm », mà Huệ cũng đem lòng giận, kể cho mẹ biết. Bà mẹ thấy tức đầy họng, gọi Lan vào bảo:

— Ai cho mày ngồi nói chuyện với con mụ ăn xin ấy?

Lan ôn tồn thưa:

— Con cho tiền người ta đấy thôi, chứ có dám nói gì đâu.

— Tiền đâu mà mày cho lắm thế? Tao bảo thật cái mặt mày: nó có phải là mẹ mày thì xách bị gậy đi mà theo nó. Nhà tao không có cái giống đê hèn như thế.

Rồi bà mách với ông rằng Lan ăn cắp gạo, quần áo và đồ đạc giao cho con mẹ ăn mày đi bán hộ, tiền chia đôi. Phú-Ông chẳng hỏi han gì thêm nữa, ra lôi con vào đánh, tát chán rồi giõng giạc bảo:

— Từ nay mà đi, tao cấm mày không được để một đứa nào xách-bị vào đầu ngõ nhà tao. Tao mà bắt được, thì tao đem mày trôi sông.

Từ đấy, Lan không dám làm phúc nữa. Thấy những người tàng tật lũ lượt đến ngồi xếp hàng ở ngõ nhà mình, kẻ thì trao tráo những con mắt như múi nhãn, kẻ thì há hốc cái mồm răng chiếc rụng, chiếc dài như suốt đời chưa nhai cái gì, kẻ thì ôm sách những đứa con dài lướt thướt, bẩn thỉu, chốc lở, ruồi bám đầy hai cái mắt toét dỉ... mà nàng không thể chạy ra cho họ một tí gì, nàng thấy thương vô cùng. Chúng sốt ruột, rên rẫm, gào lên; Lan phải lấy tay ra hiệu bảo chúng: không có gì; nhưng đời nào chúng chịu, chúng van lậy om xòm và kêu đói. Nàng sợ dì ghẻ trông thấy, vội vàng thụt vào trong bếp. Huệ ở trong nhà chạy ra, the thé chửi. Chúng vẫn không đi. Huệ tức mình, cổi xích, ẩy mấy con chó xông ra cắn. Chúng tức giận chửi rủa rồi kéo nhau đi. Từ đấy, chúng không vào nữa, trừ một bà lão đã già nua lắm, đi run rẩy không còn bước vững. Bà này trước kia chẳng ngày nào không được Lan cho. Thấy bà rụng hết cả răng, chân tay run rẩy, nàng có ý thương, vẫn cho cơm giẻo và canh của nàng. Như thế thành lệ: bà chẳng cần tiền, gạo gì cả, chỉ ngày ngày đến ăn cơm. Bây giờ cấm bà đến thì bà chết đói mất. Lan đành tìm lúc vắng, giặn nhỏ bà rằng từ nay cứ đi vòng quanh giậu, đến chỗ đằng sau bếp, ngồi im ắng đợi, đừng kêu van gì cả, đến lúc nàng ăn thì nàng đem phần cơm qua
giậu ra cho bà. Nhờ thế, không ai biết. Bà lão vẫn có ăn mãi mãi.

Một hôm, bà đến sớm hơn lệ thường. Lan ra lấy củi, trông thấy cái đầu gậy của bà luồn qua giậu, liền thì thầm bảo bà rằng:

— Bà cụ hôm nay đói hay sao mà đến sớm thế? Bà cụ hãy cố chờ một lát nữa, bây giờ tôi mới thổi cơm.

Nhưng bà ra hiệu cho nàng lại gần, bảo:

— Cô Lan ơi, tôi đến để từ giã cô đây.

Nàng ngạc nhiên:

— Bà cụ đã già thế còn định đi đâu vậy?

— Đi về quê tôi.

— Chết nỗi! có xa không? ai đưa cụ đi vậy? Cụ đi làm sao được?

— Tôi đi được. Nhưng, cô Lan ạ...

Bà ngập ngừng, như không dám nói. Lan nhanh nhẹn:

— Bà cụ có cần gạo để đi đường ăn không?

— Không phải thế. Tôi chịu ơn cô nhiều lắm rồi, đâu dám quấy quả cô mãi vậy. Nhưng tôi muốn biếu cô một chút gì để đền ơn.

— Ơn hụê gì. Bà cụ tuổi tác thế cũng như bà tôi.

— Cô phúc đức lắm. Giời Phật sẽ phù hộ độ trì cho. Còn già này, chẳng có gì để biếu cô, chỉ có vật này.

Bà vạch giậu đưa cho nàng một con mèo cũng gầy gò và già nua như bà. Nhưng Lan có vẻ cảm động lắm. Nàng vội ôm lấy con mèo, vuốt ve những cái lông của nó, rụng từng mảng và bẩn thỉu: nàng sợ bà cụ tủi thân vì món quà tồi tàn quá. Bà cụ nói tiếp:

— Nói rằng biếu cô cho có vẻ. Thật ra thì nhờ cô nuôi hộ. Tội nghiệp nó! Cô hãy thương lấy nó như đã thương già này. Bây giờ già đi nơi khác, không còn cơm của cô, thì lấy gì mà nuôi được mèo.

Lan cám ơn bà. Nàng giốc túi còn bao nhiêu tiền cho bà hết. Nhưng đến lúc nàng trông lên thì nàng phải ngạc-nhiên. Nét mặt bà cụ hình như vụt đổi khác đi. Bà có vẻ đỡ già nua. Một nụ cười hiền hậu làm mặt bà tươi và sáng lên:

— Con mèo này sẽ trả ơn cô thay cho già, thay cho tất cả những người nghèo được cô cho gạo, tiền.

Lan bắc nồi xuống, lấy đũa gắp miếng thịt luộc bỏ vào một cái đĩa to. Miếng thịt bốc khói thơm, cái bì căng ra như đầy ứ những chất ngon, chỉ trông thấy cũng đủ thèm chẩy rãi. Nhưng rãi chẩy ra, thì nàng lại cố nuốt nó đi. Nàng đã biết những của ngon ngọt chẳng đến lần nàng đâu. Nàng lấy giao thớt thái thịt bầy vào đĩa. Rót một tí nước mắm, vắt thêm một ít chanh, nàng đặt tất cả vào một cái khay, bỏ hai đôi đũa, bưng lên nhà. Bà mẹ ghẻ đang nằm ở giường, chống tay ngồi lên một nửa, nhíu lông mày, ra hiệu cho nàng đem lại. Bà rón một miếng, bỏ mồm nhai, và tức thì cau mặt:

— Trời ơi! khỉ ơi là khỉ! có nhà nào luộc thịt xác như thế này.

Cô con gái bà, đang ngắm gương ve vuốt, chạy vội lại như sợ người ta ăn hết. Rất tự nhiên, cô rón một miếng, bỏ mồm nhai chóp chép. Tuy chỉ thấy rất ngon, cô cũng bắt chước mẹ:

— Ừ, xác thật. Rõ mất toi tiền. Có miếng ăn ngon mà cũng chẳng được ăn ngon.

Bà mẹ lườm Lan:

— Ấy, cái giống nhà nó thì vẫn thế! Suốt đời có làm được cái gì cho ra hồn.

Ấy vậy mà đĩa thịt cũng đã hết gần một nửa. Bấy giờ hai mẹ con mới cầm lấy đũa để ăn nốt chỗ còn lại kia. Lan biết không còn phải nghe thêm câu nào nữa, lùi lũi đi xuống bếp. Nàng bốc một rúm muối bỏ vào nồi nước luộc, quấy cho tan, rồi vào chuồng rơm gọi mèo. Con mèo, nhờ nàng chăm chút, nên bây giờ béo lắm. Lông
nó lại mọc ra, mượt bóng, trắng toát như bông. Cái mũi đỏ tươi, và hai mắt xanh trong như hai hòn ngọc. Nó thong thả đi ra, meo meo những tiếng êm như tiếng đàn, đợi nàng bế lên. Nàng ôm lấy nó, vuốt ve, đặt lên vai, nghiêng nghiêng cái đầu vừa nựng vừa cọ má nàng vào cái lưng êm của nó. Rồi lại gần nồi nước luộc thịt, nàng múc một bát uống, và một bát cho con mèo. Con mèo, chẳng ưa nước lắm, nhưng cũng thè cái lưỡi nhỏ xíu và đỏ chót ra và uống. Nàng nhìn nó uống, đôi mắt dịu ướt vì cảm động như một người mẹ nhìn con ăn.

Có thể nói Lan đã thành mẹ của con mèo ấy. Nàng ngồi ăn với nó và đêm đêm ôm nó trong lòng mà ngủ. Nó khôn ngoan hơn một con mèo thường. Lắm lúc nó như hiểu tiếng của nàng. Một điều chắc chắn, là nó rất ghét mẹ ghẻ và em của nàng. Mỗi lần thấy bóng hai người ấy đâu, nó hầm hè một cách rữ tợn, rồi đến khi thấy bà mẹ hay Huệ tới gần nó vội vàng lẩn trốn. Trái lại, khi thấy Lan, nó hiền từ đến bên, cọ cọ bộ lông êm của nó vào chân, hay tay nàng. Nếu nàng bận làm gì, bảo nó vào chuồng rơm, tức thì nó ngoan ngoãn vào đấy luôn. Không bao giờ nó ăn vụng hay cắn gà. Lan lại có thể giao đàn gà cho nó canh giữ nữa. Nguyên phú-ông có một đàn gà quí, chỉ khi nào có khách sang mới giết một vài con thôi. Nhưng đàn gà thường sang cả vườn hàng xóm kiếm ăn; vì thế, thỉnh thoảng lại mất một con, bị mắc bẫy hay bị kẻ gian đập chết. Ông giận lắm, mỗi lần mất lại chửi mắng Lan về tội không coi giữ. Con mèo biết vậy, khi thấy Lan thả gà ra, tức thì ra bờ giậu ngồi. Con gà nào mon men chực chui giậu sang vườn hàng xóm bị nó xua về ngay. Từ đấy, đã lâu lắm, không thấy mất con gà nào cả. Lan được yên tâm, không cần trông coi đàn gà

Một lần Phú-ông có việc phải vắng nhà bốn năm hôm. Vừa về đến nhà, chưa kịp cởi áo ngoài, ông đã gọi đàn gà quí về kiểm lại. Là vì cái đàn gà quí ấy, ông quí nó chẳng khác gì một cụ đồ quí những cây cảnh hay một người chơi đồ cổ quí bộ đồ trà cổ của mình. Đi vắng, ông vẫn thấp thỏm sợ ở nhà có người bắt mất. Lan vừa thấy ông gọi gà, trống ngực đã rộn lên như trống hộ đê. Mấy hôm nay, nàng phải đi nom ruộng luôn, không biết con mèo có giữ đàn gà được nguyên vẹn chăng? Nàng tái hẳn mặt khi thấy ông hỏi:

— Con gà tồ đâu mất rồi?

Con gà tồ là con to nhất, đẹp nhất, ông định để lấy giống; ông quí nó hơn con và vợ. Nếu mất nó, nàng thoát sao khỏi đòn? Ông gọi thêm một lúc nữa. Ông tìm đằng trước, đằng sau. Đích là mất, Ông gọi Lan, bảo đem roi về. Bà mẹ ghẻ và Huệ cũng lăng xăng chạy đi tìm. Hai mẹ con làm thế, chỉ cốt để có thể mắng Lan cho sướng miệng:

— Đã bảo kia mà! không chịu nhìn gì đến cả. Không khéo lại cái con mèo ranh bắt đấy thôi!

Con mèo đang đứng sân nhìn tròng trọc Phú Ông, nghe thấy thế, nhe răng ra gào lên một tiếng như mắng nhiếc. Hụê tức mình đá cho một cái. Nó nhảy vọt ra, tránh được. Rồi nó vừa gào lên, vừa đi ra vườn, cứ vừa đi vừa thỉnh thoảng quay đầu lại gào, như giục người ta theo. Phú-Ông lấy làm lạ, đi theo nó. Đến một chỗ kia, nó đứng lại, lấy chân cào đất, cào rất mạnh, như giận dữ. Phú-Ông đào đống đất ấy lên, và thấy một nắm lông gà...

— Hừ! thì ra trong lúc tao đi vắng có đứa nào giết gà ăn đây!

Bà vợ vừa chạy ra, thấy thế, hầm hầm bảo:

— Còn đứa nào vào đây nữa? Quân thế thì thật là lớn mật! Đấy, con với cái! đẻ không giậy thì đẻ làm gì?

Ông giận sôi lên sùng sục. Chẳng nói chẳng rằng, ông chạy về sân, nắm cổ Lan, quật xuống đánh cho một trận đến lằn ngang lằn dọc. Con mèo chạy vào bếp, chạy cuống quýt khắp mọi xó, và gào lên như mèo phát điên. Ông không hiểu ra sao. Cả Lan bị một trận đòn oan, cũng không biết vì đâu con mèo bỗng giở chứng hung hăng thế? Thật ra, thì nó tức lây cho nàng Nó biết rõ kẻ nào đã giết con gà ấy. Nào phải ai lạ: chính là bà vợ ác của Phú-ông. Bà này phải lòng một người hàng xóm. Được dịp chồng đi vắng, bà sai Lan đi nom ruộng, rồi bắt con gà tồ giết, tìm tình-nhân đến ăn. Làm thế, bà vừa muốn tỏ ý quý tình-nhân, vừa muốn để chồng tiếc gà đánh đập Lan cho bõ ghét. Con mèo muốn thân oan cho chủ. Không ngờ nó làm chủ phải một trận đòn đau hơn. Nhưng bà vợ Phú-ông cũng sinh lo: con mèo này gớm lắm đây! phải trị nó đi mới được... Con mèo, không có thể nói ra, nhưng cũng nghĩ: rồi ta sẽ báo thù cho chủ ta cho mà xem.

Nó chưa nghĩ được kế gì thì một tai nạn khác đã xẩy đến cho chủ nó. Hôm ấy nhà có giỗ. Phú-ông giao tiền cho Lan đi sắm sanh. Nàng để tiền trên nóc chạn để thay cái áo. Nhưng thay áo xong, nàng quên khuấy đi, không kịp bỏ tiền vào túi áo mới, chạy xuống ao rủa mặt. Rủa mặt xong, nàng vào bếp tìm tiền thì đã mất tăm hơi rồi. Có gì lạ đâu: nàng vừa xuống ao, thì Huệ có việc vào bếp, thấy tiền để hớ hênh trên nóc chạn, nhặt lấy để xem Lan sẽ xoay thế nào cho ra cỗ bàn....

Nàng còn biết làm sao nữa? Tìm cuống quít một lúc không thấy, nàng sợ hãi, ngồi xệp vào một xó bếp và khóc thút tha thút thít. Con mèo nhẹ nhàng lại gần, hấc mặt lên nhìn nàng, mồm meo meo như dò hỏi. Nàng vừa khóc vừa bảo:

— Mèo ôi! mày thương tao lắm phải không? Nhưng mày thương thì thương, cũng không làm sao được. Tao có giết cả mày đi cũng không đủ làm một cỗ. Tao đánh mất tiền rồi, biết lấy gì mua thịt cá bây giờ, mèo ơi! Sao mày không ở đây canh tiền cho tao?

Con mèo có vẻ lắng tai nghe. Rồi nó vụt chạy đi, nhanh lắm. Nàng chắc nó vừa nghe tiếng chuột rúc đâu sau nhà. Nó đi rồi, nàng lại khóc. Huệ xuống bếp, thấy thế, hỏi và xít xoa vờ thương hại nàng. Nhưng thật ra, cô em quái ác ấy thích trí lắm, và vừa đến nhà trên, đã nhẩy cẫng lên, khoe với mẹ. Bà mẹ cũng thích trí, bảo:

— Mặc xác nó! cứ để trưa không có gì rồi sẽ liệu. Đừng nói gì mà bố nó lại cho nó tiền khác
đi chợ đấy.

Lan khóc lóc một lúc rồi đánh liều lên thú thực với cha. Có lỗi mà biết thú thì lỗi cũng giảm đi một nửa. Vả lại, cứ im đi, đến trưa lấy cỗ bàn đâu để cúng, và để họ hàng đến ăn? Nàng quả quyết đi tìm cha. Nhưng vừa ra khỏi cửa bếp, nàng đã thấy mèo về. Mồm nó ngậm một con chim câu lớn. Nó nhả ra rồi lại chạy đi. Nàng hiểu nó định cứu nàng, vừa lạ lùng vừa mừng rỡ. Một lúc sau, nó công về một con chim nữa. Rồi một con nữa. Một con nữa. Luôn bẩy, tám con. Rồi đến cá, ba-ba, lươn, gà, vịt và cả một miếng mỡ thật to. Lan có đủ thức để làm một bữa giỗ sang trọng. Trưa hôm ấy phú-ông vui vẻ lắm. Cả họ hàng cũng thế. Chỉ có mẹ con Huệ là cụt hứng. Bà mẹ, ngạc-nhiên vì cái tài xoay sở của con chồng, xuống hỏi Lan mua những thức ăn ấy ở đâu? Nàng ngay thật không giấu giếm, kể lại truyện con mèo giúp đỡ. Bà vô cùng tấm tức: sao con bé ấy lại cứ may mắn như thế vậy? Bà nhất định tìm cách hại con mèo quái gở đi. Nó là giống ma qủy vào đày giúp Lan để hại mẹ con bà không biết chừng. Nhưng hại nó bằng cách nào? Nó không để bà lại gần, khó lòng mà lừa đập cho nó chết. Vả lại nó có lỗi gì đâu? Nhưng để nó sống thì bà không yên lòng.

Một đêm, bà vợ phú-ông đang ngủ, bỗng nhiên vùng ngồi dậy, kêu rên ầm ỹ. Phú-ông thức dậy, châm đèn và hỏi vợ: làm sao thế? Bà vừa rên, vừa bảo:

— Tôi chết mất! Cái bệnh rức xương ngày xưa lại trở lại. Giời ơi! đau quá đi... tôi chết ngay bây giờ... Giời ơi!

Ông cuống quít:

— Khổ quá! khổ quá! làm thế nào bây giờ? Ngày xưa uống thuốc ở đâu mà khỏi?

— Chẳng thuốc gì khỏi được. Chỉ tìm đâu được một con mèo trắng lông...

Ông nhẩy bổ ra ngoài, gọi như kêu chữa cháy:

— Lan! Lan ơi! Dậy đi, mau,!

Rồi quay vào nhà, ông bảo người vợ kế:

— Con mèo của con Lan lông trắng đấy. Làm thế nào?

Bà vợ thấy chồng trúng kế, thích trí lắm, nhưng vờ nhăn nhó, bảo:

— Ông bảo em nó giết, thui thật kỹ rồi nấu với rau má-họ cho tôi.

Lan được lệnh ấy, đứng ngần ngừ, chực xin cha thư cho đến sáng mai, ra chợ tìm con mèo khác. Nhưng không để cho con kịp nói, ông tát cho một cái, quát:

— Mày còn mê ngủ hở? Có đi xuống bếp mau lên không nào? Mà phải làm nhanh nhanh!

Lan vừa khóc vừa xuống bếp. Con mèo, ngồi đợi ở cửa chuồng rơm, hếch mõm lên đơi cho nàng cắt nghĩa...

— Mèo ơi. Ta đành chết thì chết, không giết mày đâu mèo ạ...

Hai mắt nó mở to, như không hiểu. Nàng phải kể chuyện dì ghẻ muốn dùng nó chữa bệnh rức xương cho nó biết. Nó nhảy bổ ra, biến mất. Lan mỉm cười:

— Khốn nạn! Nó sợ ta giết nó. Không đời nào, mèo ơi! Lần này là lần đầu tiên ta trái lệnh cha ta... Cũng chỉ vì mày thương tao, và tao thương mày...

Nghĩ đến trận đòn nàng sắp phải chịu, nàng thấy không sợ lắm. Chịu khổ để cứu một kẻ mình yêu thương làm mình vui trong lòng... Có tiếng ở trên nhà giục:

— Con Lan, mau mau lên đấy nhé.

Nàng chưa biết đáp làm sao, thì mèo ở ngoài tối tăm nhảy vào. Mồm nó ngoạm một con chuột to gần bằng nó. Lan hiểu nó muốn nàng giết con chuột này đưa lên. Nàng vội đốt rơm thui. Thấy tiếng dép lẹp kẹp, nàng biết có cha đi xuống, nên hoảng hốt:

— Mày trốn đi, mau... ra vườn đi mèo!

Mèo bình tĩnh hơn nàng nhiều lắm. Nó thong thả lại gần chuồng rơm, nhảy vọt lên, rồi từ đấy truyền lên một cái xà, và từ xà này đi vào cái gác làm bằng mấy cái tre bắc ngang để gác thúng mủng, rổ rá và đồ đạc cũ. Chỉ một loáng nó đã nằm gọn trong một cái bồ im ắng. Lan lấy que gạt mấy cái rơm phủ kín con chuột. Sự cẩn thận của nàng thành vô ích: Phú-ông đứng ở ngoài, thấy nàng đã đốt rơm thui rồi, yên lòng quay lên nhà. Bà vợ tưởng con mèo đã chết, tự nhiên thấy bệnh rút đi quá nửa. Và đến lúc ăn hết điã thịt của Lan đem lên, thì bệnh bà khỏi như uống thuốc tiên. Lan trút nhẹ hẳn người: nàng cứ lo bà ăn thịt chuột không khỏi bệnh.

Từ đêm hôm ấy, mèo suốt ngày ẩn trong bồ. Lan phải đợi lúc thật vắng vẻ mới dám bỏ cơm, cá lên cho nó. Nó cũng đợi đến đêm khuya, khi đèn đã tắt, mọi người ngủ cả, mới xuống chuồng rơm với nàng. Nhưng nó cũng không ngủ với nàng lâu. Ít lâu nay, nàng thấy nó hay ra ngoài, đi rất lâu, có khi gần sáng mới lên bồ. Nàng đoán rằng: nó buồn, nên tìm một chốn nương thân; khi tìm được, nó sẽ bỏ nàng mà đi. Nàng nghĩ thế, mà sinh ra buồn. Rồi đây chỉ có một con mèo để mà thương, nàng cũng đành mất nốt...

Nhưng mèo không tìm cách rời nàng đâu. Nó đang đợi dịp báo thù người đàn bà đã lập mưu toan giết nó. Đêm đêm, khi thấy Lan ngủ rồi, nó rón rón ra bờ giậu, ngồi thu hình sau một gốc tre. Cách nó một chút, là một chỗ giậu trống, tuy có lá rủ lòa xòa trông như kín, nhưng thật ra thì một người chui lọt. Nó biết rằng chỗ ấy là chỗ bà mẹ kế chủ nó dùng để vận vàng bạc, châu báu ra cho nhân tình đem đi. Anh này đem về nhà, giắt lên mái tranh. Con mèo lẳng lặng theo dò và biết hết. Đến khi nó nghe thấy hai kẻ gian bàn với nhau sẽ khuân một chuyến cuối cùng nữa rồi thôi, thì nó nhất định làm thế nào cho phú-ông biết việc gian của vợ. Nó sắp đặt mưu kế rồi ngồi đợi. Đêm khuya. Im ắng cả. Con đàn bà thấy chồng ngủ rồi, rón rén ra chỗ hẹn. Nó cầm một bọc nhỏ, đựng những đồ quí vật. Nhanh như cắt, con mèo nhẩy vọt lên tay nó cào Nó rật mình đánh rơi bọc. Mèo lấy chân cời vào bụi tre. Con vợ phản chồng, không biết mình vừa bị giống gì cướp gói đồ, run rẩy gọi tình-nhân. Anh này chui giậu sang, định để tìm. Nhưng hắn vừa chui lọt cái đầu thì mèo nhẩy xổ lại, bám chặt lấy cổ hắn, vừa cào, vừa cắn, vừa gào to lên, Lan giật mình tỉnh dậy. Nàng hoảng hốt: mèo của nàng bị tai nạn gì mà gào lên
thế này. Nó vẫn im tiếng kia mà. Nếu cha nàng biết mèo còn sống, thì nàng tránh sao khỏi đòn. Nàng vội vàng chạy ra. Thằng trộm đã gỡ mèo, chạy mất. Phú-ông cũng vừa cầm đèn đi tới. Thấy thế, người đàn bà quỉ-quyệt nhanh trí nắm ngay lấy tay con chồng mà kêu lên. Lan đang hoảng hốt sẵn, càng sợ hãi. Trông mặt nàng, người cha sẵn lòng tin rằng nàng có tội ngay. Ông hỏi:

— Cái gì om lên thế?

— Trời ơi! thật là đốn mạt! có đời nhà nào con ăn trộm của bố mẹ đem chuyển qua giậu cho kẻ gian bao giờ? Thật là phúc đức!

Ông chồng tức uất người! Ông nắm lấy vai Lan mà lay đến sái vai đi được:

— Sao thế hở? Làm sao thế? làm sao thế?

Lan oà lên khóc và kêu oan. Con mèo nhẩy vọt ra, gầm ghè. Bà mẹ ghẻ chỉ con meo, lu loa:

— Nó còn kêu oan nữa! Thế con mèo... con mèo đây thì bảo sao! Mày giết nó rồi mà nó vẫn còn đây được à?

Lan chẳng biết nói sao. Ông bố tát nàng túi bụi, rồi nắm tóc nàng kéo xềnh xệch về sân Con mèo cuống quýt chạy theo. Bà vợ thấy thế quát:

— Cả cái con mèo ranh này nữa! Nó giúp con ông ăn trộm đấy.

Bà chưa nói hết câu. Mèo nhẩy vọt lên mặt bà, cào be bét. Bà đau và sợ, thét lên. Mèo cắn chặt tai bà. Lan phải quát nó bỏ ra. Nó nhảy xuống và chạy mất.

Sáng hôm sau, Lan khóc lóc ra đi. Phú-ông chịu rằng con mình không giậy được, chỉ còn cách đuổi ra khỏi nhà. Bà vợ ông lấy thế làm hả lắm. Huệ cũng cùng một lòng như mẹ. Chẳng ai nói với Lan lấy nửa nhời. Họ để nàng đi tay không, không một đồng tiền, không một cái áo quần lành lặn.

Lan định đến một làng nào xa đấy để xin làm thuê cho người ta kiếm miếng ăn. Hai tay nàng làm được, đi đến đâu thì nàng cũng không sợ đói. Nhưng nàng chỉ buồn vì không hiểu sao dì và em nàng lại có thể ghét nàng đến thế. Còn cha nàng... người có ác gì đâu? chỉ vì người cả nghe. Nàng nghĩ mà lo cho người. phải ở bên cạnh một kẻ hiểm độc như dì nàng... Nàng lại tiếc con mèo nữa. Không biết nó đi đâu rồi? Không lẽ chỉ vì nàng quát, nó một tiếng mà nó nỡ bỏ nàng hay sao? Nếu thấy nó, nàng sẽ đem theo. Tối tối, sau một ngày luật quật, nàng sẽ ôm nó mà ngủ như từ trước tới nay. Có lẽ nó không biết nàng phải đuổi đi. Nó sẽ ngơ ngác biết bao khi lúc vào chuồng rơm không thấy nàng. Nó sẽ đi tìm nàng. Nhưng biết nàng đâu mà tìm?...

Bỗng Lan kêu lên một tiếng ngạc-nhiên. Từ trong một bụi cây bên đường, vừa lăn ra một cuộn bông: con mèo! mèo có vẻ tiều-tụy quá lông nó bù xù, có chỗ dính đất hoặc vướng một sợi rác hay một cái lá khô; cái tai bên phải của nó sây ra một tí. Có lẽ nó nhọc-mệt vì cuộc săn trộm đêm qua và quãng đường chạy hôm nay; nó lăn ra đường như gần hết hơi. Lan cúi xuống ẵm nó lên. Nàng phủi bụi rác cho nó; vuốt ve nó, vừa vuốt ve vừa nói nựng nó như nói nựng một đứa em. Nó « rù rù » những tiếng sung sướng và lim dim mắt...

Nhưng đã đến ngã ba. Lan chực dẽ về tay trái, lối vào làng xóm. Mèo dãy dụa như đòi xuống. Lan thả nó xuống đường. Nó ngoảnh mặt nhìn nàng, kêu thật to, rồi đi về tay phải. Nàng hiểu nó bảo nàng đi theo...

— Nhưng lối ấy đi vào rừng, mèo ạ. Vào rừng thì làm gì mà ăn được?

Thấy Lan ngần ngại, mèo gào to hơn. Rồi nó cắn lấy vạt áo Lan mà lôi đi, Lan đành đi theo mèo.

Ở lưng chừng một ngọn núi không lấy gì làm cao lắm, có một cái nhà thiên nhiên. Đó là một cái hang sạch sẽ, ở trên có mui đá nhô ra như cái mái, dưới có một khoảng phẳng phiu tựa cái sân con, trong là một chỗ cao hơn nên dẫu nước có rỏ ở ngoài cũng không tràn vào được. Cái hang này, ở tốt đến nỗi người ta phải tưởng như đó là một cái nhà bằng đá do tay người đẽo gọt. Mèo đưa Lan đến đấy. Nó có vẻ đã quen thuộc với chốn này từ lâu. Lan thấy sẵn sàng cái ổ cỏ khô để nàng nằm, những cành cây mục để nàng làm củi, và đi vòng về phía tay trái một chút, nàng có thể kín nước rất trong của một cái suối chẩy từ trong lòng núi ra.

Ngày ngày, mèo đi bắt chim về để Lan làm thịt ăn. Còn thừa, nàng đem vào những làng gần đấy bán hay đổi lấy gạo, muối và các thức cần dùng. Người và vật sống rất êm đềm, sung sướng. Muốn có công việc làm, Lan vào rừng chặt mây, tre, hoặc cói về học đan. Nàng đan được những cái thúng, cái giỏ, và nón, giầy, rất đẹp. Nhờ vậy, mèo không cần phải giết nhiều chim, người và vật vẫn thừa thức ăn. Không những thế, nhà lại có phần dư dụng.

Mới đầu, Lan cũng có lúc thấy thoáng qua một chút buồn, vì cái cảnh khí quạnh hiu. Nhưng dần dần, những người ở quanh đấy đã để ý đến một cô gái đẹp sống một mình trên lưng đồi. Họ lấy làm lạ lắm. Người thì bảo đó là một bà chúa rừng thiêng. Người khác bảo có lẽ chính là một loài yêu quái. Có người táo bạo đi theo nàng. Hắn thấy nàng đến chợ cũng mua bán như mọi người, lại hay làm phúc cho bọn kẻ khó đi xin ngoài đường hay trong chợ thật chẳng có gì là đáng sợ. Hắn làm quen với nàng. Nàng trò chuyện với hắn rất tự nhiên, về giá gạo, giá muối, việc bán mua, như bất cứ một người đàn bà nhà quê nào. Sau cùng hắn hỏi thẳng đến truyện riêng của nàng. Nàng chẳng dám trống miệng, nên chỉ cho hắn biết qua loa: nàng ở rừng, đan rổ, rá, và các thức đem ra làng bán. Hắn đến chơi. Nàng cho hắn ăn cơm. Hắn rủ người khác đến. Người khác này biết rõ nàng không nguy-hiểm lại rủ thêm người khác. Cứ thế, về sau cả bọn dân thưa thớt của khu rừng này đều quen thuộc nàng. Thoạt tiên nàng dè dặt: một thân một mình ở chốn này, nếu gặp kẻ hung đồ, người phản trắc thì nguy cho nàng lắm. Nhưng chẳng bao lâu nàng biết nàng lo thế là hão cả. Nàng có thể sống rất yên ổn, không cần gìn giữ: chính con mèo chở che cho nàng.

Những kẻ gian tham, lợi dụng những lúc nàng vắng nhà, lẻn vào hang định vơ vét, đều bị con mèo thình lình từ một chỗ kín đáo trên cao nhẩy xuống đầu cào, cắn cho sứt tai rách mặt. Chúng sợ nên phải chừa. Vả lại tội gì mà phải thế? Nếu thật nghèo khổ, đói rét quá thì chỉ việc chạy đến Lan; nếu nàng có thể cứu giúp được thì không bao giờ nàng từ chối. Chẳng bao lâu, chúng đều coi Lan là một bà tiên, có quyền phép để mọi người phải sợ, nhưng lại hay thương người.

Bọn nghèo, khó, tàng tật ở đâu nghe tin đều luôn đến. Nàng nghĩ bụng: nếu cứ lấy tiền, gạo ra mà giúp chúng thì không tìm đâu cho đủ.. Nàng bèn bàn với chúng, dựng lều ở quanh quanh đấy, rồi bầy việc cho chúng làm. Chỉ những kẻ già yếu, tàng tật, đến không còn làm được gì thì được nàng nuôi; còn những kẻ làm được, nàng dạy cho đan rổ, rá, giầy, nón... bán lấy tiền về nuôi nhau. Trong bọn có một anh mù nghĩ cách lấy trúc về khoét ống tiêu; anh ta làm thử và làm rất khéo; thế là cái xã-hội cùng khổ ấy lại thêm một nghề Dần dần, họ bện thừng, làm điếu bằng tre, làm chổi, dễ bằng rễ cây,... sống với nhau vui vẻ và sung sướng hơn trước nhiều. Hết thẩy, chúng đều biết ơn bà chúa nhân-từ luôn luôn săn sóc chúng, luôn luôn ban cho chúng những lời an-ủi, những nụ cười hiền hậu, và cũng luôn
luôn tìm cách làm cho đời sống của chúng dễ dàng hơn.

Chiều chiều, khi bóng đêm đã trùm cả núi rừng, tiếng sáo dìu dặt của người mù bay lên, như một ý yêu thương xoa nhẹ những tâm-hồn. Lan sung sướng, nhìn lên khoảng trời sao:

— Lậy Trời, lạy Phật, xin phù hộ cho cái làng nghèo của chúng con...

Con mèo ngồi trong lòng nàng « meo » một tiếng ngân ra, như điểm một tiếng chuông vào lời cầu nguyện ấy...

Mấy năm đã qua rồi? Nàng cũng không biết nữa. Bao nhiêu lần cây rừng đổi lá... Nàng chẳng để ý gì đến những ngày qua. Đối với nàng, ngày nào cũng đầy đủ, ngày nào nàng cũng đem hết tấm lòng thương ra để săn sóc đến bọn mù, què hội họp dưới chân đồi nàng. Vì thế, những ngày qua rất êm đềm, êm đềm đến nỗi nàng không nhận thấy...

Nhưng một buổi sáng thức dậy, Lan không thấy mèo đâu cả. Nàng lên tiếng gọi cũng chẳng thấy mèo về. Nàng lo sợ lắm. Hay là nó bị thú dữ ăn thịt rồi? nhưng nó khôn ngoan lắm, đời nào bị thế. Có lẽ nó đã chán chốn này rồi, nên bỏ nàng mà đi chăng? It lâu nay, vì bận săn sóc đến bọn tàng tật đến nương nhờ nàng, nàng không chăm chút mèo được như trước nữa. Có lẽ vì thế nó giận nàng bỏ đi... Lan thở dài. Nhưng nàng lại tươi mặt lại ngay, vì nàng nghĩ: không nên vì cái buồn riêng của mình mà quên bổn-phận. Và nàng đi xuống làng.

Trong lúc ấy mèo đang thẳng đường về kinh đô.

Nguyên năm ấy, trong nước bỗng bị một tai họa từ trước đến giờ chưa từng thấy: từng đàn chuột đông hàng ức, triệu tràn lấn đi khắp chốn, tàn phá ruộng nương, qua đâu thì vùng ấy chỉ còn một cách là chết đó. Có khi chúng cắn cả người. Người ta gọi là giặc chuột, không ai có cách gì chống lại. Nhà vua lo lắm. Giặc chuột đã phá mất một phần ba thóc lúa rồi; nếu không cản nổi thì dân trong nước đều nguy hết. Vua sai sứ đi khắp nước cầu hiền. Ai có cách gì trừ hại cho dân sẽ được thương quyền cao chức trọng. Mèo nghe tin ấy, nên định vào kinh-đô...

Vì nó đã chạy nhanh, lại có thể đi tắt qua nhà cửa người ta, nên mới hơn một ngày đã tới kinh. Chẳng cần ai vào báo, nó nhẩy tót lên nóc nhà, truyền vào đến cung điện, nằm đợi đằng sau ngai rồng. Vì nó khéo lẩn trốn nên không ai trông thấy. Buổi sáng hôm ấy nó mỏi mệt đang lim dim ngủ, thì bỗng nghe có tiếng hô: « Thiên tử »; nó giật mình thức dậy, nhẩy tót ra sân rồng. Các quan phủ phục xong. qùy thẳng người lên, thấy thế đều kinh ngạc. Cả đức vua cũng vậy. Ngài còn phải lạ lùng hơn khi thấy mèo nói như người ta mà tâu rằng:

— Tâu bệ-hạ, thần là con mèo mắt ngọc, xin đi trừ giặc chuột.

Nhà vua ngẫm nghĩ một chút, rồi mừng lắm. Chắc là Giời sai xuống giúp ngài đây: nạn chuột thì cố nhiên mèo có tài trừ được; huống chi đây lại là một con mèo biết nói, con mèo thần. Ngài phán:

— Trẫm thay mặt muôn dân cảm tạ thần-miêu, vậy chẳng hay thần-miêu có cách gì để cứu muôn dân?

Mèo xin lập một cái đàn thật cao. Nhà vua truyền lệnh tuân theo. Mèo trèo lên đài, ngửa mặt lên giời gào lên những tiếng rất là ghê gớm. Tiếng mèo bay đi khắp bốn phương; chuột nghe thấy, sợ hãi lục tục kéo nhau chạy trốn hết. Chỉ trong phút chốc, trong nước không còn một con chuột nào. Nhân dân mừng rỡ. Các quan đưa tin vui ấy về triều. Nhà vua sai mời thần-miêu vào:

— Thần-miêu đã trừ nạn lớn cho dân; vậy bây giờ muốn gì trẫm xin chiều ý. Thần-miêu có muốn trẫm phong cho một chức quan cao không?

Mèo từ chối. Vua muốn cho vàng bạc; mèo không nhận. Vua nghĩ ra một điều:

— Hay là Thần-miêu ở với trẫm trong cung; trẫm sẽ ban cho cơm trắng cá ngon ăn thỏa thích.

Mèo trả lời:

— Tâu bệ-hạ, thần chỉ ưa ăn cơm, cá của chủ thần mà thôi.

Vua ngạc nhiên: mèo thần cũng có người nuôi? Ồ! nếu vậy ngài sẽ tìm cách mua lại cho bằng được. Thế nào ngài cũng phải có con mèo thần này trong cung... Ngài ngỏ ý ấy cho mèo biết. Mèo không nhận. Ngài cố ép. Mèo ngẫm nghĩ một chút rồi tâu rằng:

— Thần không thể rời chủ thần ra được. Nếu bệ-hạ nhất định muốn giữ thần lại đây hầu hạ chỉ còn một cách là rước chủ thần vào cung làm hoàng-hậu.

Mèo tâu thế, vì mèo thừa biết thiên-tử chưa ưng tuyển người nào vào cung...

Mèo vừa về tới hang, Lan mừng rú lên. Nàng nắm vội lấy nó, vừa vuốt ve vừa trách mắng. Nó ngửng mặt lên nhìn nàng:

— Mèo mừng cho cô Lan sắp được làm hoàng-hậu.

Nàng giật mình, rụt phắt ngay tay lại, mắt trố lên nhìn nó như kinh sợ...

— Mèo đã biết mà! Cho nên từ trước đến nay mèo có dám nói đâu; nói thì cô Lan sợ người ta đập chết.

Lan dụt dè:

— Ừ... thế sao mèo lại biết nói?

— Vì meo là con mèo mắt ngọc của bà tiên muốn đền công cho những kẻ nhân-từ.

Lan chợt nghĩ ra:

— Bà lão ăn mày?..,

— Chính thế, bà lão ăn mày xin cơm của cô Lan ngày xưa là bà tiên.

Rồi mèo kể lại truyện vào kinh-đô cho Lan biết, và báo tin nàng sắp được làm hoàng-hậu.

Nàng kêu lên:

— Nhưng cô rách rưới quá thế này...

— Cái ấy thì không lo.

Mèo bèn dẫn chủ đến một hốc đá ở trong hang bảo thò tay vào mà móc. Nàng lôi ra bao nhiêu là vàng ngọc châu báu:

— Trời ơi! mèo ăn cắp của ai thế này? ăn cắp là làm điều phi-nghĩa...

— Mèo có ăn cắp đâu. Của phú-ông để lại cho cô Lan đấy.

Lan không tin. Nhưng mèo cắt nghĩa cho Lan hiểu: đó là những vật quý người mẹ ghẻ Lan khuân cho anh hàng xóm. mèo leo lên mái nhà anh ta lấy lại, giấu ở đây cho chủ mình... mèo bảo Lan đem một ít vàng đi sắm là, lụa, gấm, vóc về may xiêm áo. Còn những hạt ngọc thì để lại làm đồ nữ trang...

Quần áo đủ cả rồi, Lan ra suối tắm gội. Mèo đem về cho nàng những hoa thơm của núi rừng. Trang điểm xong, Lan đổi khác hẳn đi. Nàng tươi như một bông hoa ban sáng. Mèo kêu lên:

— Cô Lan đẹp hơn tất cả các bà hoàng-hậu trên đời này.

Chẳng bao lâu đã đến ngày làm lễ tấn cung. Khắp nước mừng vui, vì ai cũng biết hoàng-hậu là chủ của con mèo thần cứu ruộng nương của nước. Người ta tuôn đến kinh-đô để xem mặt con người sung sướng ấy...

Họ đã được xem kinh thành rực rỡ những đèn hoa. Họ đã được thấy cờ, quạt, lọng, tàn sặc sỡ, những ngựa, voi rộn rập, và kiệu hoa long lanh châu ngọc cài trên nhung lụa. Nhưng họ được thấy một cảnh quí báu hơn tất cả những cái trên: ấy là sau kiệu bà hoàng-hậu đẹp như tiên, một bọn mù, đui, què, hay già
yếu, giắt díu nhau, hết thẩy đều mừng rỡ, có kẻ nói nói cười cười, có kẻ xụt xịt khóc vì cảm động... và hoàng-hậu, thỉnh thoảng quay lại mỉm cười và đưa tay vẫy họ...

Theo lời xin của Lan, đám cưới của nhà vua đã có một bọn ăn mày đưa dâu. Và dân chúng thấy thế, hết thẩy đều rơi nước mắt, rồi bỗng nhiên reo lên:

— Lạy Trời, lạy Phật các ngài hãy ban phúc cho hoàng-hậu! hãy ban phúc cho hoàng-hậu!..

Con mèo mắt ngọc, ngồi trong kiệu sung sướng quá, kêu « meo meo ».

Tuy vậy, có hai người khổ sở: ấy là Huệ và bà mẹ cô. Phú-ông đã chết rồi, chết vì uất ức. Ngay sau khi đuổi Lan đi, ông phiền não quá mà sinh ốm. Bà vợ cố gợi những truyện tủi cực để ông càng nghĩ càng ốm thêm. Đến nỗi ông phải chết. Bà chỉ mong có thế. Vì bà tưởng ông chết rồi, bà sẽ thu xếp vàng ngọc, cùng tình-nhân đem nhau đi nơi khác sống với nhau sung sướng. Ai ngờ lúc hỏi đến số vàng ngọc ăn trộm được, thì anh tình-nhân kêu mất. Đó là sự thật. Ta đã biết, chính con mèo tha đi. Nhưng bà chẳng thể tin. Bà cho là hắn quá tham định đoạt lấy một mình. Hai người thành kẻ thù từ đấy. Huệ biết truyện Nàng đay nghiến mẹ. Mẹ con thành ghét nhau. Họ ray rứt, mai mỉa, chửi bới nhau suốt ngày. Cảnh nhà thành ra địa-ngục. Bao giờ cũng vậy: những người hay ghen ghét cứ phải ghen ghét suốt đời. Và họ khổ chính vì họ phải ghen ghét, còn bao giờ được vui?...

Khi được biết truyện của Lan, hai mẹ con vụt thành ra hay làm phúc. Nhưng chỉ làm phúc cho những bà cụ già mà thôi: ta đã hiểu vì sao đây! Thì quả nhiên, cái bà cụ năm xưa lại đến. Huệ mừng rỡ, rước ngay về nhà nuôi. Nàng càng mừng rỡ khi thấy bà cụ ấy cũng ôm theo một con mèo còm rõi... Huệ không cần làm phúc cho ai nữa.

Rồi bà cụ đi. Huệ cố xin được con mèo. Huệ chiều chuộng con mèo lắm. Nó ăn rất khoẻ, càng ăn càng lớn, càng lớn càng ăn nhiều hơn lên. Cứ thế mãi, mẹ con Huệ đã phải bán ruộng đi để nuôi nó. Nó vẫn ăn, vẫn lớn, và ăn hơn nữa.., Chủ nó sinh ra nản. Huệ chửi mắng nó và không cho ăn nữa. Tức thì nó hung hăng, đập phá mọi cái, chực chồm lên cả người. Nó đã to bằng con chó to rồi. Mẹ con Huệ sợ, lại phải tìm cho nó ăn. Nó lại ăn, lại lớn... Cứ thế mãi, đến ăn hết của cải, ruộng, vườn của mẹ con Huệ. Ác một cái, không sao lừa đập chết nó được. Nó khôn lắm. Thấy nguy hiểm lại tót lên mái nhà, lên cây. Rồi hết nguy lại xuống đập, phá, đòi ăn.

Kết cục nó ăn hết cơ nghiệp của Phú-ông để lại. Mẹ con Huệ phải làm lụng chật vật và nuôi nó. Nuôi suốt đời.

HẾT

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)