Con Gấu và hai bác lái

Thơ ngụ ngôn của Jean de La Fontaine, do Nguyễn Văn Vĩnh dịch
L’Ours et les deux Compagnons - Con Gấu và hai bác lái

CON GẤU VÀ HAI BÁC LÁI

     Hai bác lái tiền lưng đã cạn,
     Gạ láng-giềng, nhà bán mền lông
        — Gấu to mua giúp hay không?
Để ta đi bắt đóng gông lôi về,
     Gấu lớn kếch, gớm-ghê Chúa gấu,
     Bán bộ da đủ tậu trăm gian,
        Mặc vào thách được dao hàn;
Lót xong đôi áo hãy còn có dư,
     Bác lái đã hợm chưa, bác lái?
     Vội-vàng đâu bé cái vội vàng!
        Hai ngày tình-nguyện đem sang.
Đôi bên giá-cả sẵn-sàng đã xong.
     Rồi hai gã gia công tìm gấu;
     Thấy một con loạn tẩu trong rừng.
        Ở đâu chạy lại sau lưng;
Hai anh khiếp đảm hàm răng cập-kè,
     Đành thất ước, trở về tay trắng,
     Lẽ thiệt-thòi cũng chẳng kêu-ca.
        Một anh trèo tót ngọn đa;
Một anh sợ khiếp, sởn da rùng mình;
     Nằm xóng-xượt làm thinh tảng chết,
     Miệng ngậm hơi như hệt thây ma
        Bấy giờ lại sực nhớ ra:
Gấu tha thây chết, người ta vẫn đồn.
     Anh lái nọ khốn hồn chẳng cựa,
     Quả Hùng-công mắc lựa mưu khôn.
        Thấy người nằm đó chổng trôn.
Đã ngờ chết thật, xong còn hơi nghi,
     Bèn lấy cẳng hất đi, lật lại,
     Vẫn cứng đờ một cái xác người.
        Mõm thò vào mũi đánh hơi.
Thấy im phăng-phắc thôi thời hết nghi.
     Chết đã hẳn, ta đi xa quách:
     Kẻo thối-tha có sạch-sẽ gì!
        Gấu ta nghĩ vậy bỏ đi,
Trên cây, bác lái tức thì xuống ngay;
     Đến thăm bạn, khen ngay mẹo giỏi,
     Mừng cho nhau thoát khỏi nạn to.
        Lại còn sẽ gặng hỏi dò:
— Còn da gấu nọ ai cho bây giờ?
     Lúc ban nãy. Gấu giơ mõm hỏi.
     Nó bảo gì, anh nói em hay?
        Lái kia bèn đáp lại ngay:
— Gấu giơ mõm bảo từ nay thì chừa.
     Da gấu kia hễ chưa bắt được,
     Chớ vội đem kết-ước bán đi!


Nguồn