Chim phụng hoàng, con heo rừng và con mèo cái

     Phụng hoàng làm ổ ngọn cây,
Ở cùng con cái một bầy đã an.
     Heo rừng dưới cội đào hang,
Giữa thì mèo cái lòng gian dạ tà.
     Tại mèo đâm thọc[1] mất hòa,
Leo lên ổ phụng thốt ra lời nầy:
     “Heo rừng cứ ủi cột cây,
Đào sâu tróc gốc kíp chầy khỏi đâu.
     Thân ta, ta phải lo âu,
Non cao dễ độ, biển sâu khó lường.
     Hại ta chước đã tỏ tường,
Mình dầu chẳng nghĩ, nghĩ thương con mình.”
     Phụng hoàng tưởng thật nghe tin,
Thị phi không trải, trọng khinh chẳng từng.
     Mèo quày xuống chỗ Heo rừng,
Dỉ tai than thở dặn đừng hở môi:
     “Chớ đi đâu khỏi chị ôi!
Phụng hoàng đáp xuống một hồi khốn ta.
     Quyết ăn con chị chẳng tha,
Rủi! May hay trước; ấy là cũng may[2]!
     Tận trôn nước đến thảm thay[3]!
Khi không họa gởi tai bay bất kỳ!”
     Dưới trên lo sợ xiết chi,
Phụng hoàng giữ ổ, heo thì chẳng ra.
     Giữ con ăn uống bỏ qua,
Tai gần quên nghĩ[4], hại xa vẫn phiền.
     Đi chưa tiện, ở không yên,
Chim bèn chết đói, heo liền phải đau.
     Mèo gian đắc ý vinh râu[5],
Miệng hùm nọc rắn thế đâu dám bì!

   




Chú thích

  1. Đâm thọc: Tức đâm bị thóc thọc bị gạo, thành ngữ nói chuyện làm của kẻ nói xấu đầu nầy đầu kia cho người ta nói theo rồi đem học đi học lại để cho hai đàng gây gổ oán thù nhau, Huình Tịnh Của nói là cho sinh điều mích lòng hờn giận.
  2. Câu nầy tối nghĩa. Trương Minh Ký chỉ muốn nói: Chuyện xui thiệt tình, nhưng may mà mình biết trước.
  3. Dùng câu tục ngữ nước đến trôn mới nhảy, ý nói không lo liệu trước thì sau bị nguy khốn.
  4. Tai gần quên nghĩ: Tai nạn kế bên lại không lo.
  5. Vinh râu: Huình Tịnh Của, bộ đắc ý, lấy làm toại chí. Nay người ta nói vãnh râu.