Chị cùng em của không rõ, do Nhượng Tống dịch
Chương thứ ba

CHƯƠNG THỨ BA

Sáng sớm, Ước-Hàn đã tỉnh. Khắp mình đau đớn cứng như đá, trở chiều nào cũng đau. Cố gượng dậy, mặc áo, chống cau lững thững ra hiên tây, để xem cảnh mặt trời buổi sớm. Chàng có ý xem đồng, thấy quang đãng và lại có chiều mầu mỡ. Sau nhà có cái núi nhỏ, trông hình như vầng trăng về đầu tháng. Cỏ mọc trên núi, xanh tốt um tùm. Nhà thì lát đá hoa, mầu đá vàng mà xám. Trên mái lợp tranh, lợp cỏ. Ngoài ra còn mấy cái nhà và mấy cái chuồng ngựa, tường nề vôi trắng, mái lợp sắt tây. Mặt trời rọi bóng vào, trông chói cả mắt. Trước hiên có giàn nho lớn. Dưới hiên có lối đi nhỏ, đổ đá cuội và đá con. Hai bên lối đi trồng cam, quả xanh quả chín. Đằng trước có cái vườn nhỏ, có một bức tường xây bằng đá-dợm bao quanh. Lại có một cái vườn trồng các cây ăn quả. Chuồng trâu và chuồng chim, trông chỗ nào cũng thấy. Chim đà-điểu thì cực nhiều. Bên hữu nhà, cây tốt ngất trời. Bên tả nhà lúa xanh rợp đất. Ruộng thì lấy nước ở suối trong núi, chứ không nhờ nước mưa. Ước-Hàn trông gần rồi lại trông xa, thì thấy ngay trước mặt mông mênh một giải đồng bằng, mầu lúa xanh-xanh như ruộm. Bên tả có núi Bạch-cực, đỉnh núi tuyết đóng, trông lờ mờ không rõ. Bên hữu thì lại là một cánh bình-nguyên. Chiều trời tốt, cảnh vật xinh, Ước-Hàn khoan khoái cả người, quên hẳn nỗi xa nhà xa nước. Mây vẩn sạch không, da trời xanh ngắt, gió đưa hây hẩy, một trời thu để riêng say...... Ước-Hàn tự nghĩ bụng rằng: Nước non phong cảnh, ta trải đã nhiều, song miền này không phải là không đẹp. Cái cảnh sức người gây dựng, có bao giờ bằng cảnh thiên-nhiên. Đương lúc ấy thì Phất-Thế đã đến gần. Ông lão già ngoại 70 mà đi đứng vẫn mạnh khỏe như người trai trẻ. Ước-Hàn ngảnh lại chào. Phất-Thế liền hỏi:

— Đại-úy rậy sớm. Xem phong cảnh ở đây thế nào? Làm ruộng vùng này, tưởng cũng không phải là người khờ dại. Lúc tôi mới đến đây, khác với bây giờ nhiều lắm. Tôi làm gian nhà tranh ở, bỏ ra 20 bảng, mà mua được sáu nghìn mẫu ruộng này. Sau vỡ vạc dầu, một hòn đá, một gốc cây, đều một tay tôi sắp đặt. Bây giờ già rồi, nên muốn tìm người chung vốn. Chắc ông bạn tôi đã nói với ngài câu tôi nói. Tôi nói rằng: Góp vốn với tôi tất phải là người khá. Nếu được người khá, thì tiền tôi cũng chẳng quản nhiều ít, dù một nghìn bảng tôi cũng xin làm giấy chung phần. Tôi không muốn chung với người Hà-Lan. Mà hạng hạ-lưu ở nước ta, tôi cũng ghét. Người Hà-Lan ở đây, họ đương muốn tự lập thành một dân-quốc. Họ tự nghĩ họ như trời như bể, không chịu theo quyền cai trị của ta. Thế nhưng nước ta đã tốn con người, con của mà lấy được mảnh đất này, sao có lẽ chịu nhường cho họ. Giờ ta ở, ta cứ việc ở, câu chuyện ấy, thì rồi chúng ta sẽ nói. Bây giờ hãy xin mời ngài về ăn sáng với tôi...

Cơm xong, Ước-Hàn vẫn đau chân, không đi thăm đồng được. Bối-Sắc nhân mời chàng cùng ra rửa lông con đà-điểu. Việc ấy nhẹ, Ước-Hàn bằng lòng ngay...

Hai người liền đem nhau ra sau rạng cam. Chỗ ấy đã để sẵn một chậu nước sôi và một thùng nước lã. Lông đà-điểu bỏ một đống lớn, cát bụi bám đầy. Trước hết 2 người bỏ lông chim vào trong nước sôi, lấy sà-phòng rửa sạch cát bụi đi, xong tráng qua vào thùng nước lã, rồi bỏ lên trên phên phơi cho ráo. Lúc ấy khí trời mát mẻ, Ước-Hàn tự nghĩ: Việc thiên-hạ không biết đâu mà đoán được thật. Ai ngờ cái thân hồ-hải như thân mình lại đến đây cùng rửa lông chim với một người con gái. Tuy vậy, trông vẻ đẹp của Bối-Sắc, trong lòng lại thấy vui vui... Bối-Sắc tầm người đã yểu-điệu, trạc tuổi lại đương thì. Ngồi làm việc đối diện với một người như thế, âu cũng có thú... Nàng vén ống tay áo, để phơi cánh tay trắng nõn, vừa cười vừa rửa, coi rất có vẻ tự nhiên. Giá cái cảnh ấy mà mười năm về trước, vào mắt Ước-Hàn, thì chắc chàng cũng hơi cảm động... Bấy giờ chàng tự cho là mình đã quá cái mùa lấy-vợ, song cũng không thể nhịn được mà không yêu... Mà thực thế, một người con gái dong nhan đã xinh đẹp, tình tính lại nhu mỳ, thì Ước-Hàn nào có thể cứ tự nhiên đi được... Chàng nhân tự nghĩ: Cô chị Cơ-Tư so với cô em thì kém nhiều... Nghĩ thế bèn nói rằng:

— Cô chị đi đâu vắng? Bối-Sắc nói:

— Chị Cơ-Tư ấy ư? Bây giờ thì chắc chị tôi đương ra đồng vẽ tranh hay nằm nhà đọc sách. Ngoài 2 việc ấy ra, chị tôi chả làm gì cả. Ngài nên biết, chị tôi chỉ chuyên về khoa mỹ-thuật, chứ có như tôi chỉ chuyên về việc làm ăn vất vả thôi đâu. Nói đến đấy, lại ngẩng lên mà rằng:

— Tôi nghĩ trời ăn ở thật không công. Bao nhiêu cái thông minh, chị tôi lấy phần mất cả. Ước-Hàn nói:

— Thế cô có ý oán trời sao! Nghe câu ấy má Bối-Sắc đỏ lên. Vì rằng câu nói bình thường, song tiếng nói thì ra chiều lơi-lả. Nàng liền đáp:

— Chị tôi thì thông minh ít có thật, song tính tình như lãnh đạm thế nào. Cái lai-lịch chị em tôi, chắc bác tôi đã nói với ngài. Bấy giờ tôi mới lên 8 tuổi đầu, trời vừa tối, vừa mưa, tôi vừa đói, vừa rét. Tưởng chết! Chị tôi thương tôi lắm, chịu để mình rét mà lấy cái khăn quàng khoác thêm cho tôi. Từ đó về sau, ăn ở với tôi thực là hết nghĩa chị em. Thế mà không biết sao ít lâu nay sinh ra khác với trước nhiều. Đối với ai cũng lạnh-lùng như nước-đá. Ấy thế mà yêu ai thì lại yêu quá. Tôi tuy kém lịch-duyệt, song tưởng thiên-hạ dễ không có người con gái nào lại quái lạ như chị tôi. Tôi thường nghĩ xứ này không đáng là chỗ ở của chị tôi. Người như thế nên đem mà để vào giữa kinh thành Luân-Đôn, mà làm sách, mà viết văn, nổi dauh tài-sắc một thì, như thế mới... Nói đến đấy, tay đương cầm cái lông chim bỗng bỏ rơi xuống bên mình. Ước-Hàn nhìn nàng thấy mắt đương trông ra lối đường cái mà hai bên có miễu-cây. Chàng nhìn theo thì thấy có một người trẻ tuổi, trông rất lực lưỡng, cưỡi con ngựa đen đi đến. Chàng sẽ hỏi:

— Người ấy là ai thế? Bối-Sắc sẽ dẫm chân mà nói:

— Người ấy là một người tôi ghét, tên là Mộ-Lạc, mẹ hắn cũng người nước ta. Nhà hắn giầu. Ruộng đất ở đây, quá nửa về tay hắn. Bác tôi cũng ghét hắn. Song vì là một nhà đàn-anh ở đây nên ngoài mặt vẫn phải tử-tế. Chả biết bây giờ làm gì mà lại đến đây? Lúc hai người nói thì Mộ-Lạc đã đến nơi, trước không thấy ai thì cứ việc đi, song sau thấy bóng áo Bối-Sắc phất phơ thì dừng ngựa lại. Ước-Hàn thấy hắn thân thể đẫy đà to béo, còn quần áo thì mặc rất đúng mốt của người nước Anh, vì rằng cha hắn tuy người Hà-Lan, song mẹ thì là người nước Anh vậy. Khi ấy hắn trông thấy Bối-Sắc, liền nói:

— Cô Bối-Sắc đấy ư? Cái cánh tay ngà ngọc của cô, người ta trông thấy mà mát cả mắt!... Rõ may quá! Hôm nay lại được dịp ngồi giáp với cái cánh tay ngà-ngọc ấy... Để tôi rửa giúp lông chim với nào... Thế nhưng này... Nói đến đấy Mộ-Lạc đã trông thấy Ước-Hàn, liền ngừng lại một chút, rồi đánh lảng mà nói:

— Tôi đến đây là tìm con trâu của nhà tôi nó mới xổng ra. Chẳng hay ông-bác có trông thấy nó chạy sang đây hay không? Bối-Sắc lạnh lùng mà đáp:

— Thưa ông, không! Mộ-Lạc lại nói rằng:

— Con trâu cũng chẳng làm gì! Ta hãy đứng đây nói truyện đã. Vừa nói vừa xuống ngựa, giơ tay ra chực bắt tay... Bối-Sắc vội vàng dấn tay vào trong thùng nước mà đáp rằng:

— Xin ông tha lỗi cho... Tay tôi đương ướt... Nay tôi xin giới-thiệu: đây là quan đại-úy Ước-Hàn, mới đến đây làm chung ruộng với bác tôi. Mộ-Lạc nói:

— Quan đại-úy à? Ngài có lẽ vào ngạch quân-thủy? Ước-Hàn nói:

— Thưa không! Tôi ở quân bộ. Mộ-Lạc nói:

— Thế ra về ngạch áo-đỏ à? Cứ ý tôi, thì có lẽ ngài đánh với quân người thổ ở Tô-Lỗ, xong rồi về làm ruộng ở đây?... Ước-Hàn không bằng lòng mà rằng:

Ông nói thế nào, tôi không hiểu. Mộ-Lạc nói:

— Tôi nói thế cũng không phải là nói xược. Tưởng quân áo-đỏ khi ở Tô-Lỗ không được mãn ý cho lắm, nên ngài không nhận đó thôi. Bấy giờ tôi cũng được xem, trông thấy thua chạy khốn đốn quá. Quân Tô-Lỗ chẳng khác gì con sư-tử, mà quân bên nước Anh thì thật là một đàn bò! Chỗ giặc chẳng bắn lại cứ bắn chỗ không, rõ tội quá!... Nay ngài đến đây hẳn là chán việc quan mà quay làm ruộng, đem lưỡi cầy thay cho lưỡi kiếm đấy chứ gì. Ấy, ý tôi nói là thế, tưởng không phải là vô-lễ với ngài, xin ngài đừng giận. Ước-Hàn nghe nói, chẳng khác gì có ngọn lửa đốt ở trong ngực... Tự nghĩ câu nói ấy vừa mất danh-dự mình, lẽ nào lại im đi được. Khốn nhưng nó nói thế không phải là đặt điều riễu cợt. Quân nước mình cũng có thế thật, còn trách gì ai. Nghĩ thế rồi, thẹn tức vô cùng, song cũng cố nén giận mà đáp:

— Ông Mộ-Lạc! Chuyến đánh ở Tô-Lỗ, tôi không có ở trong quân. Ngay lúc ấy, Phất-Thế đã đến nơi, hai người bèn im không nói nữa. Phất-Thế mời cả hai ông khách cùng vào phòng ăn. Ăn xong, Mộ-Lạc hình như quên cả chuyện mất trâu, cứ tán truyện tràn với Bối-Sắc. Lúc nói dùng tiếng Anh, song lại lẫn cả tiếng Hà-Lan nữa. Tiếng Hà-Lan, Ước-Hàn không hiểu. Nhìn Bối-Sắc thì thấy nàng ra chiều khó chịu, chàng liền nghĩ: Nó nói tiếng Hà-Lan, có lẽ cũng không để ý nói mình. Lại xét nhời nói và trông bộ người, chàng biết rằng hắn không phải là người tử-tế. Ngồi lâu khó chịu lắm, Cơ-Tư bỗng đứng dậy mà bảo chàng rằng:

— Xin mời ngài ra vườn chơi. Lúc đi ra, Cơ-Tư hỏi rằng:

— Tôi xem ngài hình như có ý ghét Mộ-Lạc. Ước-Hàn đáp

— Thưa phải! Thế ý cô thế nào? Cơ-Tư nói:

— Người ta, biết đâu mà lường, hắn quỉ quyệt mà nham hiểm lắm. Nói xong, Cơ-Tư nín lặng. Rồi đó bỏ lảng câu truyện trước, mà chỉ dẫn những tên các cây trong vườn cho Ước-Hàn nghe. Nửa giờ sau, hai người đã đi đến chỗ rửa lông chim lúc sáng ngày. Dưới gốc cây thấy có một tên đầy tớ đương giắt con ngựa của Mộ-Lạc. Đứa đầy tớ ấy đầu tóc bù rối, nét mặt trông rất ghê. Cứ người mà đoán thì có lẽ đến sáu mươi, mà cũng có lẽ độ hai mươi nhăm, thành-thử không rõ rằng già hay trẻ. Bấy giờ nó ra dáng tức giận. Miệng lảm nhảm chửi, hình như chửi Mộ-Lạc. Người chẳng khác con đười-ươi. Ước-Hàn nhân hỏi rằng:

— Thằng kia sao nó thế kia? Cơ-Tư mỉm cười mà đáp:

— Thằng Tán-Tắc, nó cũng ghét Mộ-Lạc, song vì sao mà nó ghét thì nó chưa nói cho tôi biết...