Chị cùng em của không rõ, do Nhượng Tống dịch
Chương thứ hai

CHƯƠNG THỨ HAI

Đi độ một trăm thước, Bối-Sắc nhân hỏi chuyện rằng:

— Xin ngài tha phép cho... Chẳng hay vì cớ gì mà ngài lại tìm đến chốn này mà xoay nghề làm ruộng? Ước-Hàn nói:

Cô hỏi câu ấy là ý thế nào? Bối-Sắc nói:

— Tôi tưởng rằng ngài ở đây lâu cũng không chịu được đâu. Xứ này là một xứ mọi-rợ, thực không đáng cho một người như ngài đến ở. Trừ bác cháu, chị em nhà tôi ra, còn quanh đây toàn người Hà-Lan cả. Họ thô-bỉ tục-tằn lắm. Ở gần họ, rồi ngài cũng phải bực mình. Ước-Hàn mỉm cười mà rằng:

— Những cái ấy có kể làm gì. Người nước mình đi đâu cũng là cốt kiếm ăn. Quí hồ có đồng tiền, ở đâu mà chẳng được. Nay xin nói để cô rõ. Từ khi tôi vào lính đến giờ, đã 14 năm cả thẩy. Năm nay tôi đã 34 tuổi. Bấy lâu sở-dĩ làm việc quan được mãi, là nhờ có bà-thím mỗi năm cho 120 bảng[1], thêm tiền lương vào thì cũng đủ tiêu. Bây giờ bà thím mất, gia-sản trừ ma-chay chi-phí, còn có hơn nghìn bảng, lợi tức mỗi năm chỉ được độ 50 bảng thôi. Vì thế tôi mới xin với quan đại-súy nghỉ một năm. Trong hạn nghỉ ấy nhân tiện đi du-lịch xem những phong cảnh xứ này và tập xoay ra nghề làm ruộng. Nếu xoay được nghề thì ở lại, chứ về nước bây giờ mình ít tiền thì làm ăn gì được. Những đội-lính cùng sang đây với tôi lúc trước, họ về nước cả rồi. Mới rồi tôi ở Đức-Ban, nghe một người bạn nói rằng ông-nhà muốn rủ người chung phần, mà mỗi phần tất phải một nghìn bảng. Tôi nhân nói với người bạn viết thư nói hộ, để tôi đến tập-việc làm ruộng. Nếu làm được thì sẽ bỏ tiền vào phần. Vì thế mà tôi đến đây, vừa gập lúc con chim đuổi đánh cô, may lại giúp được cô khỏi cơn nguy hiểm. Bối-Sắc mỉm cười mà nói:

— Ngài đến đây làm ruộng với chúng tôi, thì còn gì bằng... Khi ấy hai người đã đến đỉnh đồi cao, xa trông thấy một người « thổ » giắt 2 con ngựa đến. Hai con ngựa ấy chính là của Ước-Hàn và Bối-Sắc. Phía sau lại có một người con gái đi theo. Bối-Sắc chỉ mà nói:

— Kìa, ngựa của chúng ta kia! Chị Cơ-Tư tôi cho người đem đến đó. Ước-Hàn trông Cơ-Tư, thấy tầm người hơi mảnh, da mặt hơi xanh, tóc tốt mà quăn, mắt đen mà sáng, nhan sắc tuy không bằng Bối-Sắc, song nhu-mì yểu-điệu, cũng có vẻ đáng yêu. Ước-Hàn đương mải nhìn thì Cơ-Tư đã đến nơi. Nàng nhìn khách mà hỏi em rằng:

— Ông này là ai thế? Bối-Sắc vội vàng đem chuyện nói với chị. Ước-Hàn đứng đợi một bên. Lúc nói đến cách hung-ác của con đà-điểu mà Cơ-Tư vẫn điềm-nhiên. Một người con gái nghe câu chuyện nguy hiểm như thế mà chẳng chút động lòng, Ước-Hàn lấy làm lạ, nhận nhìn kỹ lại thì ra nàng nét mặt tuy không đổi, song nước mắt đã vùng quanh. Bấy giờ mới biết nàng không phải là kẻ vô-tình, song con mắt với vẻ mặt sao lại khác nhau, điều đó thực đủ khiến cho người ngờ vực... Bối-Sắc nói xong, Cơ-Tư buồn rầu mà đáp:

— May mà em được thoát nạn, song con chim nó chết, chị cũng hơi thương! Ước-Hàn nghe nói, thuận miệng mà hỏi rằng:

— Thưa cô! Cô em gặp nạn, xuýt chết vì con chim. Nay giết được nó rồi tưởng cô có lòng mừng chớ sao lại ra ý tiếc? Nàng nói:

— Con chim ấy nó mến tôi lắm. Chỉ mình tôi là đến gần và cho nó ăn được thôi. Bối-Sắc nói:

— Vâng! Con chim ấy không biết sao nó lại sán chị tôi lắm. Sự đó cũng đáng lạ. Nói xong quay lại dùng tiếng « thổ » mà bảo tên người thổ sửa sang yên ngựa và đỡ Ước-Hàn lên. Rồi đó nối gót cùng về, kẻ đi chân, người đi ngựa.

Đi một lúc, đến một con đường rộng. Hai bên đường toàn là miễu-cây cả. Người đi đã ỏng-ảnh nghe tiếng chó và thấp thoáng thấy bóng đèn, thì ra đã đến gần nhà. Hai người vội bước ở trên ngựa xuống, thì nghe thấy trong cửa có tiếng reo cười. Dưới bóng đèn treo trước cửa, một ông lão hớn-hở chạy ra. Đôi mày đen rậm, cập mắt tinh thần, sắc mặt hồng hào, tóc đầu bạc trắng, người ấy tức là Phất-Thế, là bác hai người con gái kia. Phất-Thế khi ấy đi đôi giầy cao ống, đội chiếc mũ rộng vành, trông thấy Ước-Hàn liền tươi cười mà rằng:

— Ngài chắc là quan đại-úy Ước-Hàn. Tôi được tin hôm nay ngài quá bộ đến đây, có ý mong ngài mãi... Phất-Thế vừa nói, vừa trông thấy Ước-Hàn, vì đau chân, phải nhờ tên người thổ đỡ mới xuống được ngựa, thì giật-mình mà hỏi:

— Ngài làm sao thế? Ước-Hàn nói:

— Ấy con chim nhà cụ đấy! Tôi và cô-em-nhà xuýt chết vì nó. May giết được nó rồi. Ước-Hàn nói đến đấy, Bối-Sắc bèn đem chuyện nói lại cho người-bác nghe. Vừa nói, vừa đưa khách vào trong cửa. Phất-Thế ngậm ngùi mà nói:

— Bối-Sắc! Nhờ trời con được thoát nạn, con nên tạ ơn đại-úy đã ra sức giúp-vì. Nhân lại sai tên người thổ đem xe ra xe xác con đà-điểu về để nhổ lấy lông, kẻo lại làm mồi cho giống cầy-cáo ngoài đồng, nó phí hoài đi mất.

Khi Ước-Hàn đã vào nhà khách, người nhà lấy nước rửa vết thương và buộc thuốc cho chàng. Xong đó, Ước-Hàn bước cao bước thấp, theo sang buồng ăn. Bàn ăn đã dọn sẵn sàng. Ước-Hàn vào ngồi ghế khách. Bàn ghế cùng thảm-trải-nhà, chẳng khác gì lối Âu-châu cả. Trên giá xếp rất nhiều sách, góc tường đặt một cây đàn. Ước-Hàn đoán rằng hai thứ ấy hẳn là của Cơ Tư thường dùng đến. Bữa cơm ăn vui vẻ lắm. Xong bữa, Bối-Sắc cất tiếng hát mà Cơ-Tư thì lựa ngón đàn. Phất-Thế và Ước-Hàn thì ngồi hút thuốc lá. Ước-Hàn trông Bối-Sắc nhảy múa rất nhanh nhẹn, không ra vẻ bị thương, thế mà tiếng đàn của Cơ-tư, lại u-uất như chiều buồn-bực. Phất-Thế nói:

— Con cháu nhớn nhà tôi nó hát hay lắm. Nhân bảo Cơ-Tư hát để khách nghe chơi. Cô-Tư vâng lời, theo nhịp đàn mà hát, cung đàn déo dắt, khiến người nghe như tỉnh như say, Hát xong, Ước-Hàn thấy bâng khuâng như rửa sạch lòng trần. Tâm thần khoan khoái, vẻ mặt tần ngần, ngồi ngẩn ra như một người mê ngủ. Chàng chợt ngảnh mặt lên nhìn, thấy Bối-Sắc đứng bên, cập mắt nhìn chàng, như có ý lấy làm lạ. Phất-Thế nhân nói:

— Ngài nghe cháu tôi hát thế nào? Chàng nói:

Thưa cụ! Tôi chưa từng được nghe điệu hát ấy bao giờ. Tôi khi đi lính, nghe hát cũng nhiều, song không ngờ đến đây lại được nghe điệu hát hay đến thế! Cơ-Tư nghe nói ngảnh lại, nét mặt ra chiều cảm động lắm, nhân nói rằng:

— Riêng tây nghề mọn, đại-úy chớ cười. Thôi, tôi xin phép ra ngoài, chúc ngài đêm nay được yên giấc ngủ. Nói xong, bước ra cửa. Phất-Thế lấy cái điếu hút thuốc chỉ theo người cháu, hình như có bao nhiêu truyện muốn nói với khách mà chưa kịp nói ra. Ước-Hàn không hiểu ý thế nào, song cũng không dám hỏi, Bối-Sắc bấy giờ cũng đứng dậy, đến trước mặt Ước-Hàn mà nói:

— Tôi đã dọn chỗ ngủ cho ngài rồi đấy, không biết có được vừa ý ngài không? Nếu mùi hoa có ngào ngạt quá khó chịu, thì ngài nên mở khoang cửa sổ khác để cho thoáng khí trời, còn khoang cửa sổ ra vườn hoa thì đóng lại. Nói xong, cúi đầu chào khách rồi lững thững bước ra. Ước-Hàn đưa mắt nhìn theo mãi đến khi đi khuất. Trong phòng đã vắng, Phất-Thế liền đẩy chai rượu-mạnh đến gần khách mà rằng:

— Xin ngài uống thứ rượu này. Bị thương, uống nó tốt. Ngài cứu được cháu tôi khỏi chết, tôi quên lại chưa tạ ơn. Ngài coi đấy, kể con gái như nó, thiên hạ dễ cũng chẳng có mấy người. Nó làm ăn được việc gấp ba người thường. Ấy sức đã khỏe mà người thì ngài coi, nhan sắc cũng khá đấy chứ!...

Ước-Hàn nói:

— Cứ tôi xem, thì hai cô hình như không phải chị em ruột. Phất-Thế nói;

— Ngài đoán hơi sai, chúng nó chính là chị em cùng cha cùng mẹ đấy. Con nhớn hai mươi ba tuổi, mà con bé năm nay hai mươi. Tháng ngày thấm thoát, bây giờ nhớn cả rồi. Cái thân thế chúng nó kể ra cũng quái lạ lắm...

Ước-Hàu nói:

— Cụ dậy thế nào là quái lạ? Ông lão gõ bỏ tàn thuốc, nạp điếu khác rồi thong thả mà nói:

— Ngài muốn biết thân thế chúng nó? Đã đến đây làm ruộng, thì câu chuyện cửa nhà, tôi cũng chẳng giấu chi ngài. Nay hãy nói ngay tôi. Cha tôi trước là một ông cố-đạo nghèo[2]. Năm tôi hai mươi tuổi, cha tôi cho 30 bảng để đáp tầu sang đây. Từ bấy đến giờ, kể đã 50 năm lẻ. Khi tôi đi, mẹ tôi đã mất. Lúc tôi ở Khai-phổ-đôn được tin rằng cha tôi lại lấy kế một người. Sau mẹ-kế tôi sinh được một em trai, rồi mất. Tuy anh em đấy, song không có thư từ đi lại bao giờ cả. Tôi chỉ nghe mong manh rằng em tôi là một đứa rượu chè, cờ bạc, vô-sở bất-chí mà thôi. Mười hai năm trước đây bỗng xẩy ra một việc rất kỳ. Bấy giờ tôi cũng đương ngồi chơi đây, vừa ngồi vừa hút thuốc lá. Bỗng đâu mưa xuống như trút, xa xa nghe có tiếng chó cắn ở ngoài. Tôi mắng chó gọi vào thì chợt nghe có tiếng gõ cửa. Chó cắn dộ... tôi mở cửa thì 2 con bé ấy chạy vào, khăn quàng cổ, quần áo lôi thôi. Tôi nhòm ra cửa, xem còn ai nữa không, thì chẳng thấy người nào, liền đóng cửa lại. Trông chúng nó tôi lấy làm lạ quá. Nước mưa ướt đầm trên trán, tay 2 đứa vẫn còn giắt nhau chưa buông. Con nhớn chừng 11 tức là Cơ-Tư. Con bé độ lên 8, tức là Bối-Sắc. Tôi vẫn chưa biết chúng nó, thì con chị đã bỏ khăn và bỏ mũ cho con em. Khăn và mũ đã bỏ rồi, trông đầu tóc, mày mặt nó đều thấm nước mưa ướt cả. Nó lại ngậm ngón tay cái vào mồm, không cười cũng không nói. Tôi hoảng hốt, tưởng như đâu trong lúc chiêm-bao. Con nhớn cất tiếng hỏi rằng: Thưa ông! Đây có phải nhà ông Phất-Thế không! Tôi đáp: Phải! Ta là Phất-Thế đây. Hai chúng mày ở đâu đến đây vậy? Nó đáp: Thưa bác! Chúng cháu tức là cháu bác, ở bên nước Anh mới sang. Tôi rụng rời mà hỏi rằng: Mày nói gì mà lạ thế? Nó chắp tay vào ngực mà đáp: Xin ông đừng đuổi tôi ra cửa. Con Bối-Sắc em tôi nó vừa đói, vừa ướt, mệt không thể đi được nữa rồi. Nó nói xong thì khóc òa lên, con em nó cũng cất tiếng khóc. Tôi thương quá, giắt chúng nó đến bên lò sưởi, để ngồi mỗi đứa vào một đầu gối, rồi gọi con nhài đem áo cũ ra cho chúng nó thay. Áo rộng không vừa, song cũng cho mặc tạm. Tôi lại gọi đem rượu vang cho uống, và lấy bánh mì cho ăn. Chúng nó no ấm rồi, nét mặt trông tươi hơn hớn. Tôi liền gọi: Hai cháu! Lại đây hôn bác đã nào! Các cháu sao lại sang đến đây, nói cho bác biết với... Con lớn liền thuật chuyện lại, thì ra cha chúng nó là người tàn-nhẫn lạ thường. Cả ngày chỉ mê man về rượu. Rượu say rồi lại đánh vợ, không cho vợ ăn. Sau lại hành-hạ cả hai đứa con, chực bán chúng nó vào nhà-thổ. Mẹ chúng nó cực chẳng đã, nghe tôi ở bên này làm ăn khá mới định sang nương-nhờ tôi. Thu xếp được ít vốn-liếng, nhân lúc chồng vắng mới đem hai con ở Luân-Đôn trốn ra cửa bể, rồi lấy vé hạng ba mà đáp tầu sang đây. Đến lúc ông chồng về, chắc có đi tìm, song tầu đã đi rồi nên không kịp. Tầu đi được 10 ngày thì mẹ chúng nó ốm rồi mất. Hai đứa con thành ra long đong côi cút, bơ vơ không có ai là người thân-thuộc ở giữa đường. Con nhớn bấy giờ đã biết, cho nên lại thảm thương sầu khổ bằng mấy con em. Nó tuy mới 11 tuổi đầu, song khôn ngoan lắm. May nhờ trời phù hộ, khách cùng tầu dủ lòng thương đến, mới đem chúng nó đến Đức-Ban. Đến nơi, ông chúa-tầu và hành-khách góp nhau cho kẻ ít người nhiều. May có 2 vợ chồng người Hà-Lan đi chuyến tầu ấy cũng tiện lối về đây, mới cho chúng nó đi theo với... Hai người ấy đãi cháu tôi tử tế lắm. Đi đến chỗ rẽ, tức là chỗ ngài đã đi qua cơn nẫy, họ mới chỉ lối và bảo chúng nó rằng: Đây đã đến nhà ông bác, chị em có thể đi lấy được, không cần phải ai đưa đường nữa. Chúng nó liều theo lối mà giắt nhau đến đây. Khi rẽ vào mới non trưa, mà lúc đến, tối dã 8 giờ. Từ đấy vào đây đường đất có là bao, chúng nó là cứ đi liều, cho nên lẩn quẩn đến lúc mưa, mới trông chỗ có bóng đèn sáng mà tìm đến. Nếu không thế thì vừa đói vừa rét, dầm đẫm ở trong mưa mãi, làm gì không chết ở giữa đường... Chúng nó đến được ít lâu, tôi liền gửi vào trường Khai-phổ-đôn. Trong mấy năm, vắng chúng nó, tôi ở một mình buồn lắm... Ước-Hàn nói:

— Thế về sau sao nữa? Cụ có được tin tức ông em gần đây thế nào không? Phất-Thế nổi giận mà rằng:

— Tôi còn để bụng đến nó làm chi. Ngài hãy nghe tôi nói đã: Từ khi chúng nó đến đây, tôi yêu như con-đẻ. Chừng năm rưỡi thì tôi đã biết hết cả tính-khí hai cháu. Một hôm về buổi sớm, tôi đương đứng xem bức tường-riễu mới xây lại, thì cách tường chợt thấy một người tầm vóc mảnh-khảnh, cỡi một con ngựa gầy rơ-xương ra, đi thẳng đến đây. Tôi trông mặt, biết ngay là hạng vô-lương. Sau mới biết đứa vô lương ấy chính là em tôi đó. Nó đến nơi, ngồi trên lưng ngựa mà hỏi: Ông có phải là Phất-Thế đấy không? Tôi lạnh lùng mà đáp rằng: Phải! Nó lại nói: Tôi cũng họ Phất-Thế, tức là em của anh đây. Tôi nghe nói phải phòng bị ngay, nghiêm nét mặt mà đáp rằng: Ông là em tôi ấy ư? Tôi trông ông không phải mặt lương thiện! Vả lại không quen biết bao giờ cả. Xin mời ngài quay ngựa lại thôi! Nó đáp: Ông nói thế cũng phải. Song tôi đến đây là muốn đòi lại hai đứa con gái của tôi Ở nước-nhà, chúng nó có em bé rồi. Vậy ông cho tôi xin lại. Tôi đem chúng nó đi ngay. Tôi hầm-hầm quát hỏi rằng: Mày lại dám đòi 2 đứa ấy à? Nó đáp: Phải! Chúng nó là con tôi đẻ ra, có lẽ nào lại cứ để sớm hôm hầu-hạ ông mãi được. Cứ chiểu luật ra, thì thế cũng là phải chứ sao? Nó nói xong, tôi đứng ngẩn người ra. Nghĩ nguồn cơn nó ăn ở tàn ngược với vợ, với con, mạch máu tôi nó sôi lên sùng sục. Lúc nói truyện, còn cách bức tường-riễu. Tôi liền nhẩy ra, cầm cẳng nó cố vật xuống dưới ngựa. Ngài phải biết, mười năm về trước, sức tôi còn khỏe nhiều. Khi ấy tôi thấy nó đánh rơi cái roi, liền nhặt lấy, thuận tay đánh cho một trận nên-thân, mỏi tay mới chịu bỏ. Bỏ rồi, tôi liền bảo nó: Thôi! Biết điều thì cút!... Không cút, ta bảo mấy tên người thổ, nó trói cổ lại giam xuống hầm-nhà! Ở đây là đất mọi-rợ, chẳng có luật phép gì đâu. Không như ở nước-nhà, chúng bay cứ quen cậy có luật-phép mà dễ làm bậy!... Nó nói: Được! Rồi mày sẽ biết. Mày nói ở đây không có luật phép, song sẽ có lúc mày phải hối lại cái việc mày làm hôm nay. Nói xong lên ngựa, miệng cứ lảm nhảm chửi... Tôi ném roi trả nó, bấy giờ nó mới đi. Ước-Hàn nói:

— Đi rồi ra thế nào? Phất-Thế đáp:

— Đi rồi nó vào một hàng rượu ở Tân-tạp-tô, gọi rượu uống, nói xấu tôi hết sức. Sau say quá, chửi bới rầm rĩ. Nhà hàng họ tống cổ ra. Em tôi không ra, lại sinh sự đánh nhau. Họ xúm lại đánh, nó bỗng hộc máu ra mà chết. Ấy kết-quả nó là thế Còn chuyện hai con cháu, thì tôi vừa đã kể ngài nghe... Bây giờ tôi xin về buồng ngủ. Ngày mai dậy sớm tôi sẽ dẫn ngài đi xem ruộng. Thôi, xin chúc ngài đêm nay ngủ được ngon mắt...

  1. Pound, đồng tiền vàng nước Anh, ngang giá bằng độ 19 đồng bạc ta.
  2. Theo Tân-giáo (protestantisme) thì các cố đều có vợ, có con cả.