Chương Dân thi thoại (Sông Hương)

Chương Dân thi thoại  (1936) 
của Phan Khôi

Các bài đăng trong mục "Chương Dân thi thoại" trên Sông Hương, Huế, số 1 (1 Août 1936), trang 10; số 2 (8 Août 1936), trang 10; số 3 (15 Août 1936), tr. 10; số 5 (29 Août 1936), trang 10; số 7 (12 Septembre 1936), trang 10; số 9 (26 Septembre 1936), trang 2. Đừng nhầm với sách Chương Dân thi thoại cũng của Phan Khôi do Nhà in Đắc Lập, Huế xuất bản năm 1936.

[KỲ 1]

Ông Hồng Bảo ‒ anh vua Tự Đức, theo lời sử chép, vì cớ không được lập mà âm mưu khởi nghịch làm sao đó, đã bị tội và chết rồi, thì con trai ông là Đinh Đạo (đây là tên cải tùng mẫu tánh) cũng lại bởi bọn Đoàn Trưng, Đoàn Trực ủng lập không thành mà bị bắt và hạ ngục. Ấy là việc xảy ra giữa triều Tự Đức.

Cái án Đinh Đạo, đức Dực Tôn cho là một cái biến lớn trong hoàng tộc, nên không để đình thần xử mà riêng ủy cho ngài Kiến Thoại Thái vương.

Bấy giờ trong hoàng tộc nhiều người không dám nói ra chứ vẫn biết Đinh Đạo là oan, và thấy vua đối đãi với con anh mình như thế cũng là tàn nhẫn; có lẽ chính ngài Kiến Thoại cũng nghĩ như thế.

Bởi thế khi được chiếu chỉ nhà vua ủy cho việc ấy, ngài Kiến Thoại buồn rầu lo lắng quá, ăn không được, ngủ không được, chỉ mượn rượu làm khuây; bấy giờ trong lòng ngài bối rối ở hai đường: từ chối thì sợ trái ý vua mà bị tội không chừng; còn chiều ý vua mà trị thẳng tay thì trong bụng bất nhẫn.

Cho nên ngài cứ để dùng dằng đến mấy tháng mà án không thành. Sau đức Dực Tôn giục mãi, án mới dâng lên. Đinh Đạo bị giết được vài tháng thì Kiến Thoại Thái vương cũng qua đời, vì ngài ân hận ưu phiền quá mà lâm bệnh đến chết.

Trong thời gian đó, ngài Kiến Thoại có bài thơ rằng:

Như nguyện ai ngờ nguyện chẳng như!
Lần hồi canh một đến canh tư.
Chùa thanh cảnh vắng quyên kêu rốn,
Trăng lọt sương lồng gió thổi nư.
Đoạn thảm khôn ngăn dài dặc dặc,
Mối phiền ai khéo buộc khư khư?
Buồn tình mượn rượu làm khuây vậy,
Có nói rằng say rứa cũng ừ!

Câu chuyện và bài thơ trên đó chính ông Diệp Văn Kỳ đã kể cho tôi nghe. Ông Diệp là cháu ngoại ngài Kiến Thoại thì chắc ông biết cũng chẳng đến sai đâu vậy.

C. D.

[KỲ 2]

Chức Thừa phái bây giờ mới có làm việc quan. Còn ngày xưa, Thừa phái cũng như Hành tẩu, Hậu bổ, người nào ưa hoạt động mà lại ở cái địa vị ấy thì thôi, sự bực mình không còn phải nói nữa.

Ở Bắc Kỳ, có nhiều người truyền tụng bài ca lục bát của một ông Thừa phái huyện Hoàng Nông mà không biết họ tên. Bài hay lắm, toàn bài vận dụng một chữ "thừa" để tỏ ra cái vị trí của mình là không ăn thua vào đâu cả:

Ông là Thừa phái Hoàng Nông,
Ông ngồi ông nghĩ mình ông thật "thừa".
Thế gian người đã đủ vừa,
Cớ chi giời lại lọc lừa ra ông?
Mắt thừa ông chẳng buồn trông,
Thấy gái má hồng ông liếc ông chơi.
Tai thừa ông chẳng nghe ai,
Thấy chuyện nực cười, ông ghé thoảng qua.
Miệng thừa ông chẳng nói ra,
Thấy chuyện mặn mà, ông nói đủ nghe.
Tay thừa ông chẳng muốn phê,
Thấy dấu đỏ loè, ông vẽ mực đen.
Chân thừa ông chẳng muốn chen,
Thấy bước đường liền, ông bước ông đi.
Bụng thừa ông chẳng muốn suy,
Ông cứ gan lỳ mà việc cũng xong.
Hỏi còn thừa cái gì không?
Còn thừa một cái dấu trong đũng quần.
Những ai lịch sự thanh tân,
Hỏi rằng có thiếu, muốn mần, ông cho.
Ngán cho cái bọn nhà nho,
Mất tiền mất bạc mà lo ông thừa!

Huyện Hoàng Nông, ở Bắc Kỳ hình như không nghe có cái tên huyện ấy. Người đọc cho tôi nghe là một người ở miệt Quần Phương, Hành Thiện, có lẽ là "Hoàng Long" mà đọc ra Hoàng Nông chăng. Hoàng Long là một huyện gần thành phố Hà Nội.

C. D.

[KỲ 3]

Trong quyển Chương Dân thi thoại đã in ra,[1] có một tắc nói về thơ bà Bang Nhãn, tôi sao lục bài "Vịnh Cửa Hàn" của bà ấy mà quên mất mấy câu, nay nhờ có người đọc cả cho nghe, xin chép lại toàn bài cho trọn:

Rần rần ngựa lại với xe qua,
Nhượng địa là đây có phải a?
Liếc mắt nhìn xem phong cảnh lạ;
Ôm lòng chạnh tưởng nước non ta.
Nỗi niềm tâm sự ai giờ hỏi?
Nghĩ cuộc tang thương bực lắm mà!
Tưởng đến người xưa thương đất cũ,
Căm gan riêng giận bấy Trời già!

Sau khi bổ khuyết cho tôi bài đó, người nói chuyện cùng tôi lại cho nghe thêm hai bài nữa của bà Bang.

Bài thứ nhất là "Tiễn đùa một ông phủ bị cách". Nguyên vào triều Thành Thái, ông Hồ Quý mỗ,[2] người Huế, làm tri huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam được thăng Tri phủ Điện Bàn, cũng thuộc tỉnh ấy. Giữa lúc ông mới thăng phủ thì ở huyện lỵ cũ của ông phát ra một vụ kiện hối lộ, vì vụ ấy ông bị cách, "lạc hồi dân tịch" và "vĩnh bất tư dụng". Bà Bang bèn làm bài nầy để tiễn chân ông phủ:

Hà Đông, phủ Điện bấy nhiêu lâu,
Từ giã thông, đề, đến chú câu.[3]
Nhỏng nhảnh khánh vàng khoe thí thỏ?
Lăm le ăn bạc bị đơn trâu.
Ngựa xe để lại, ông ra bộ,
Võng lọng thôi đi, lính bãi hầu.
Giao thiệp như va nghe cũng khá,
Sao cho đến nỗi sắc bằng thâu?

Bài thứ nhì là "Ăn canh bầu nhà chị em bạn". Hồi đó bà Bang như có bị việc kiện cáo gì đó phải đi hầu ở tỉnh Quảng Nam. Trọ tại nhà một người chị em bạn, trong một bữa cơm mà ăn đến nửa trái bầu, bà làm chơi bài nầy để kỷ niệm:

Một bữa ăn chơi nửa trái bầu,
Ôm lòng trối kệ kẻ heo, trâu,
Miễn cho thoát khỏi vòng truân nạn
Mặc sức rồi đây cá bỏ đầu!

Thơ tuy không hay nhưng vì là của một người đàn bà nên tôi rất lấy làm báu mà bảo tồn nó ở đây.

C. D.

[KỲ 4]

Ở ngoài Bắc có nhiều bài ca trù thật hay của danh nhân thuở xưa còn truyền lại mà các cô đầu ngày nay thường hát luôn. Như những bài của ông Nguyễn Công Trứ, của ông Yên Đổ v. v... họ đều thuộc lòng, mỗi khi ta nhắc đến là họ hát cho nghe.

Nhưng có một bài cũng hay, theo bài ấy lại có một dật sự ngộ nghĩnh nữa, vậy mà chưa hề nghe ai hát. Vì tựa hồ như nó không được truyền tụng lắm. Tôi chép lại đây là nhờ nghe ở một người bạn.

Ngày hôm nọ quở anh lính lệ:
“Nghĩ không ai mà láo bằng bay”
Lệ tréo chân lệ đứng bẩm ngay:
Kể mặt láo cũng nhiều, không một lính.
Kìa như lợn cạo ngôi, như gà cắt cánh,
Trời kia nay cũng láo vô chừng.
Đất đồng bằng sao bỗng nẩy lên rừng?
Mà sông bể dưng dưng thì nổi bãi?
Kia như nghĩa can chi, bát quái,
Ông Thánh kia chắc phải hay không?
Sao phép vua con gái có một chồng?
Mà để kẻ đàn ông thì lắm vợ?
Cũng tóc cũng đầu cũng râu một mớ,
Kém gì ông, ông quở được tôi?
Chẳng qua cũng láo mà thôi!

Người bạn đọc cho nghe và kể chuyện bài ấy là của ông Đội Văn. Đội Văn là anh ông Hoàng giáp Liêu ở Nam Định. Hai anh em đều hay chữ mà ông Văn thi không đỗ nên đã thừa văn quá võ mà ra đi lính và làm tới chức đội lệ. Người ta gọi ông là Đội cũng vì đó.

Thầy Đội lệ Văn một ngày kia đứng hầu chuyện quan trên, bị quan quở là “láo”. Văn tức mình làm bài hát ấy rồi từ chức.

Trong bài có dùng những điển tích nghe lạ lạ, tức là thời sự đã xảy ra trong lúc ấy. Đến nay còn có nhiều người nhắc lại, thuở ấy, vào đầu triều Tự Đức, ở dân gian Bắc Kỳ có lắm điềm tai quái. Như lợn ở trong chuồng, thình lình thấy trên đầu nó bị cạo một đường trắng lòi da ra như người ta cạo ngôi, nên gọi là “lợn cạo ngôi”. Còn gà ban đêm đương ngủ, bỗng dưng vùng la một tiếng rồi gãy cánh mà chết, gọi là “gà cắt cánh”.

Trong bài hát này, thấy ông Văn có cái tư tưởng hoài nghi nhất là đối với thánh hiền của Nho giáo. Ở thời ấy mà ông ôm cái tư tưởng ấy, thì tằng đắng[4] cũng là phải.

Ông Văn còn có bài phú hỏng thi nữa. Nay còn truyền một vài đoạn, nghe qua đủ thấy ông lấy sự thi hỏng làm cay lắm. Tiếc vì không nghe được cả bài nên tôi không chép.

C. D.

[KỲ 5]

Trong thơ chữ Hán có lối dùng chữ song thanh, điệp vận đối nhau. Song thanh thì đối với song thanh, điệp vận thì đối với điệp vận.

Như đinh đương, hai chữ đều do thanh đ là song thanh, thì đối với bành bái, hai chữ đều do thanh b, cũng song thanh.

Hi vị cuối chữ đều có i là điệp vận thì đối với trích lịch, cuối chữ đều có ích là điệp vận.

Đó là một cái tiểu xảo trong nghề thơ. Nhưng song thanh, điệp vận có dùng mà đối nhau nữa cũng chỉ trong một câu có hai chữ và trong một bài có một câu hay vài câu là cùng. Không ai dùng lối ấy mà làm được nhiều bao giờ.

Người ta nhắc lại, thuở xưa ở Huế có Tuy An Công đồng thời với Tuy Lý Vương hay làm lối thơ ấy lắm, mà làm đến cả một bài và đến cả một câu.

Khẩu truyền đứt sót cả, nên không có bài nào trọn như câu nầy:

Chóc xóc trời khơi lút;
Sâu đâu cạnh mảnh nhào.

Trong một câu mà đến hai cặp điệp vận, ấy là chóc xóc, trời khơi, sâu đâu, cạnh mảnh.

(Câu ấy nghĩa là: Con chim bay vụt như xóc vào chốn trời khơi, tức là giữa khoảng không, ngó như nó lút mất; con sâu đâu (bâu vào) nơi cành cây mỏng mảnh thì nó nhào xuống. Theo câu đó, ta nhận ra rằng đời xưa có gọi chóc là chim, chứ không những như ta ngày nay, nói chim chóc, chóc chỉ là tiếng đệm).

Lại một bài còn bốn câu:

Mây xây núi túi chim tìm tổ;
Khách cách đường trường nốt cột lau.
Lỏng khỏng đào cao nàng phậu xấu;
Lơ thơ liễu yếu chị đàu đau.

Trong hai câu này, mỗi câu đến ba cặp điệp vận, ấy là: Mây xây, núi túi, chim tìm; khách cách, đường trường, nốt cột; lỏng khỏng, đào cao, phậu xấu; lơ thơ, liễu yếu, đàu đau.

(Bốn câu này nghĩa là: Mây xây (xây như xây thành) làm cho núi túi đi nên chim phải tìm tổ. Khách vì cách đường trường, về không được, nên phải cột thuyền (nốt) gần khóm lau. Phậu là các nàng hầu của các ông hoàng thuở xưa, xấu như cây đào cao lỏng khỏng. Chị đàu vì đau ốm nên lơ thơ như cành liễu yếu)

Ngài Tuy An còn có nhiều bài khác nữa cũng giống như thế. Đó là một cái biệt tài về thơ của ngài. Vì cái tước của ngài cũng có chữ Tuy ở đầu, nên người ta truyền lầm mà bảo những câu trên đây là của Tuy Lý Vương; kỳ thực Tuy Lý Vương không sở trường thơ Nôm và cũng không quen có những cái tiểu xảo như thế.

Những câu trên đây nhờ ông Trần Thanh Mại đọc cho nghe.

C. D.

[KỲ 6]

Thấy trong báo Khuyến học số 25 mới vừa ra, có bài phê bình ông Nghè Ngô Đức Kế, ông Ngô Sơn viết, cuối bài phụ lục một bài thơ của ông Nghè Ngô dịch bởi bài thơ chữ Hán của Tây Hồ tiên sinh.

Thơ rằng:

Hoa nở mùa thu đã muộn rồi;
Rõ mừng mà lại hóa không vui.
Ấm no sao bác đem lòng chán?
Thù tạc nay ta cũng "thóp" đời.
Bọn cũ vẫn khen ai tốt vận,
Lũ non nào biết khách lo trời!
Gió mây gặp gỡ thôi là thế,
Ngán nỗi bao người tóc nhuộm vôi!

Thấy bài ấy tiêu đề là "Tặng người bạn", dưới có chua “là ông tiến sĩ Trần Quý Cáp”. Nhưng như thế cũng còn chưa đủ.

Bài đó nguyên của Tây Hồ tiên sinh họa vận tặng ông Trần đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn, vào năm Thành Thái thứ 17.

Số là năm ấy ông Trần đã gần 40 tuổi mới đỗ tiến sĩ. Mà ông học giỏi có tiếng sớm lắm, thi mãi, không đỗ được cử nhân, đến khoa ấy mới đỗ tiến sĩ, nên Tiên quân tôi có mừng ông hai bài thi chữ Hán, một bài thế nầy:

Lạo đảo danh trường duyệt kỷ thu,
Quan tâm thi cú tả lao sầu.
Nhất triêu lân giác thành công hão;
Thập tải kê song tố nguyện thù.
Tiêu tửu hương sinh tận quý lạc,
Trâm bằng băng thích quá thời ưu.
Bằng tha hoàng xích tuy trường sách,
Nan khiệm anh hùng đáo bạch đầu.
[5]

Bấy giờ có đến gần hai chục người họa lại. Ông Tây Hồ đương làm quan ở Huế, họa gởi về, không biết một bài hay cả hai, nhưng chỉ nghe có một bài theo vận trên đó như thế nầy:

Hoa sự đoàn viên tuế dĩ thu,
Tối như tâm xứ chuyển nhân sầu!
Quân yên hà sự vong ôn bảo;
Ngã diệc như nhân lại ứng thù,
Cố lão tranh truyền Chu đãnh quý,
Thiếu niên thùy giải Khỉ nhân ưu!
Phong vân hà tất vô tao tế,
Nhãn khán đa nhân bạch tận đầu.

Bài nầy dụng ý cao lắm. Coi sự thi đỗ chẳng ra chi. Nhất là câu kết, khinh rẻ bao nhiêu người cao khoa hiển hoạn bấy giờ đương còn sống, đều bạc đầu mà chẳng làm ra câu gì hết. Hết thảy các bài xướng họa kia không có một bài nào có ý mới như vậy. Tức như bài nguyên xướng cũng chỉ lấy sự thi đậu làm hân hạnh mà thôi.

Bài dịch của ông Nghè Ngô trên đây gần lột được cả thần tình của nguyên văn, đáng chép lại để cùng truyền với bài ông Tây Hồ.

Tôi còn nhớ Tiên quân tôi khi thấy bài họa của Tây Hồ tiên sinh rồi thì như lấy bài nguyên xướng của mình làm thẹn: trước kia hay ngâm đi ngâm lại bài của mình luôn, nhưng từ đó không ngâm nữa.

C. D.

   




Chú thích

  1. Chương Dân thi thoại của tác giả Phan Khôi, in tại nhà in Đắc Lập, Huế, 1936; sách in và phát hành trước ngày xuất bản tuần báo Sông Hương, được quảng cáo trên Sông Hương ngay từ số 1.
  2. Cách ghi họ tên Hồ Quý mỗ là cách ít nhiều phiếm chỉ: chỉ ghi chính xác họ (Hồ) và tên đệm (Quý), còn tên thì ghi phiếm chỉ (mỗ: nghĩa là tên nọ tên kia, chỉ trống, – theo H.T. Paulus Của, sđd.)
  3. Thông: tức “thông phán”, viên chức văn phòng; đề: tức “đề lại”, viên thư ký ở huyện sảnh; câu: tức “câu kê”, nhân viên kế toán, thống kê.
  4. tằng đắng: 橧 䔲 cay đắng, khốn khổ, tục gọi là “cắn đắng” (H.T. Paulus Của: sđd.)
  5. Bài thơ của Phan Trân trong bài chỉ có phần phiên âm, không in chữ Hán.