CHƯƠNG THỨ HAI
Quốc-dân với gia-nô

Đau-đớn thay! Thảm-hại thay! Địa-vị mình quốc-dân mà chưa tầng một ngày nào được chịu cái ơn giáo-dục cho làm quốc-dân, thân-phận mình quốc-dân mà chưa tầng một ngày nào được hưỡng cái quyền-lợi quốc-dân. Tục ngữ có câu rằng: « dân như trùn như dế », lại có câu thường nói: « dân như gổ tròn », đều đó suốt, xưa nay khắp Đông Tây không một dân nước nào mà như dân nước ta cã. Ấy cớ làm sao? Hay là trời cách chức quốc-dân của mình rồi chăng; hay là người nước mình không đang nổi cái chức quốc-dân chăng? Trong hai lẽ đó tất có một lẽ.

Đạo trời rất công, lòng trời rất nhân-ái, người nước nào cũng là con Trời cã, Trời vẩn xem làm bình-đẳng, Trời có thương riêng gì dân nước Pháp, nước Anh, nước Mĩ, nước Nhật-Bản, Trời có ghét riêng gì dân nước ta. Cái chức quốc-dân nầy có lẽ nào Trời cho ở họ mà lại cướp ở ta. Vậy thời cái chức làm quốc-dân vẩn là Trời thưởng ban cho ta đó, nhưng tội tình thay! Trời vẩn ban cho ta mà ta không biết vâng chịu.

Xem lịch sữ nước ta từ xưa đến nay hơn ba nghìn năm, chĩ có gia-nô mà không quốc-dân thật. Quyền vua quá nặng, nặng không biết chừng nào, gia-dĩ quyền quan lại hấng-đở quyền vua mà tầng-tầng áp chế, từ cữu phẩm kể lên cho đến nhất-phẩm, chồng càng cao, ép càng nặng, đến dân là vô phẩm, thân giá lại còn gì. Thằng nầy là con ngựa, thằng nọ là con trâu, buộc cương vào thì cấm cổ cứ đi, gác ách vào thì cúi đầu cứ lũi, gặp Đinh thì làm nô với Đinh; gặp Trần thì làm nô với Trần; gặp Lê Lý thì làm nô với Lê Lý, phận con hầu thằng ở, được đôi miếng cơm thừa canh thải, thì đã lấy làm hớn hở vinh-vang; tối năm đứng đầu ruộng mới được bát cơm ăn, suốt đêm ngồi trên bàn không-cữi mới được tấm-áo mặc, mà thoạt mở miệng ra thì chỉ nói rằng “cơm-vua áo-chúa,” đồng điền nầy, sông núi nọ, mồ hôi lẩn nước mắt mà cày cấy, mỡ mang; nhưng mà “chân đạp đất vua,” lại giữ chặt một hoạt-kê vô-lý. Than ôi! cái tư-tưỡng gia-nô, cái trí-thức gia-nô! Bệnh gia-truyền làm nô đó không biết tự bao giờ để lại cho chúng ta, bắt ta phải gông đầu khóa miệng, xiềng tay xiềng chưn, mà chịu gánh gia-nô cho già đời mãn kiếp! Đau đớn thật! thảm-hại thật! Chẳng dân nước nào mà như dân nước ta nữa! Anh em ôi! “dân vi quí” là câu nói ông Mạnh-đại-hiền, “dân duy bãn ban” là câu nói ông thánh Hạ-Vũ, hai người đó có phải nói lừa ta đâu? Ta ngu, ta ngẩn, ta hèn-hạ quá chừng!

Mình ta sang trọng nhất là cái chức quốc-dân mà ta bỏ xó đi không nhắc tới, khăn-khăn chỉ ôm lấy cái phẩm-hàm gia-nô làm vinh-qui. Ôi! phẩm-hàm gì, anh em ôi! Nhà giàu phỉnh thằng ở, thì vất cho một hai đồng tiền, nhà vua phỉnh đứa dân thì vất cho một hai trương giấy. Nhưng nghĩ ra cho kỹ thì một đồng tiền của nhà giàu phỉnh ta đó mà thân-giá ta vẫn còn, đến như một trương-giấy của nhà vua phỉnh ta đó, thì thân-giá ta đã ô-hô, ai tai rồi hẳn.

Lại còn khi rủi, gặp cơn dâu bể đổi dời, tờ giấy của nhà Đinh trải qua nhà Lý, hoặc nhà Lê thì cũng không ai ngó đến; huống gì một trương-giấy đó mà quì mòn đầu gối, lạy lấm cầm râu; lại phải vất vô số máu-me, ép vô số dầu mỡ cung cấp cho nhà ai mới hủ-hỉ được một trương giấy đó thì còn gì vinh-quí nữa đâu?

Gia-nô! Gia-nô! Cái oan-kiếp đó, từ đây nên sám-hối là phải.