Cửu mỹ kỳ duyên của không rõ, do Phạm Quang Sán dịch
Hồi thứ bẩy
HỒI THỨ BẨY

Tuấn-Sinh tránh nạn gặp oan gia,
Hồ-Đình giết vợ cứu tiểu-chủ.

Từ khi Hồ-Đình đem Hồ-Tuấn-Sinh đi trốn, đi suốt ngày đêm, khi đến địa-giới Giang-Nam, giời mưa như tầm như tã, muốn tìm chỗ trú chân, chợt thấy trong rừng có một tòa chùa, cửa chùa đóng rồi, Hồ-Đình đến gọi cửa mà nói rằng:

« Thầy-trò tôi là khách qua đường, không may gặp mưa, xin vào ngủ nhờ nhà chùa một tối. »

Lão-tăng sai tiểu-hòa-thượng mời vào, đốt lửa cho hơ áo, làm cơm khoản-đãi, dọn phòng riêng cho thầy-trò yên nghỉ, Hồ-Đình cổi bao-phục ra, tiểu-hòa-thượng nhác mắt trông thấy vàng bạc châu báu, sẽ vào nói nhỏ với lão-tăng. Lão-tăng nguyên là người bất-lương, lập mưu định giết người lấy của; chừng độ canh hai, Hồ-Đình sẽ lẻn ra ngoài, chợt nghe tiếng mài gươm, và chuyện thì thầm với nhau, giật mình kinh sợ, vội-vàng vào phòng lôi Tuấn-Sinh ra ngoài sẽ nói thầm rằng:

« Sư hổ-mang nó định làm hại ta, ta phải mau mau tháo thân mới được. »

Nói đoạn hai thầy-trò bỏ cả bao-phục mà đi trốn. Hồ-Đình đem Tuấn-Sinh ra sau chùa, thấy một cái cửa mạch, trong bụng đã mừng thầm, không ngờ ra khỏi cửa, thời thuần những chông gai, hai người cứ len vào mà đi, sây-sát da thịt, máu chẩy đầm-đìa, đi một lúc đến đám cỏ rậm, không biết lối nào mà đi, cũng không thấy ai mà hỏi thăm, chợt thấy một con hổ giơ vuốt nhe nanh, vừa gầm vừa chạy đến trước mặt, hai người sợ run cầm-cập, bỗng thấy một người ở trong bụi nhẩy tót ra, hình-dung lẫm-liệt, mười ngón tay cứng đờ như sắt, hai con mắt lóng lánh như sao, tay cầm côn đồng đánh một cái con hổ chết ngay lập-tức, người ấy liền vác lên vai đem đi.

Nguyên người ấy tên là Tiền-Hổ, phụ-thân mất sớm, cùng mẹ già ở cái lều danh bên cạnh rừng, chuyên nghề bắt hổ, người ta gọi là Trại-Vũ-Tùng, khi vác hổ đem về, ngoảnh lại thấy thầy-trò Tuấn-Sinh, giật mình hỏi rằng:

« Hai người đi đâu mà dám xông vào hang hổ như vậy? »

Hồ-Đình nói:

« Thầy trò tôi đêm qua ngủ nhờ nhà chùa, lão-tăng lập mưu làm hại, phải bỏ cả bao-phục vàng bạc mà tháo thân, không ngờ lại gặp mãnh-hổ, nếu không gặp được Tướng-quân cứu cho thời tính-mạnh thầy-trò tôi không còn. »

Tiền-Hổ nghe nói, nổi giận mà rằng:

« Hai người hãy ngồi đợi một chút, để ta vào chùa lấy bao-phục cho. »

Nói đoạn, vác côn đồng chạy thẳng vào chùa, đánh chết hai ba người hòa-thượng. Lão-tăng quì xuống đất lạy như bổ củi, Tiền-Hổ quát rằng:

« Sư-mô gì chúng bay, toan sự giết người lấy của, mau mau đưa bao-phục cho ta thời ta sinh phúc cho. »

Lão-tăng vào lấy bao-phục giao giả tận tay, Tiền-Hổ châm một mớ lửa, đốt sạch cả chùa. Đem bao-phục giả thầy-trò Tuấn-Sinh, và mời về nhà tạm ngủ một tối, hai thầy trò quì xuống lạy tạ, theo Tiền-Hổ cùng đi.

Khi về đến nhà, mời ngồi đâu đấy, hai bên cùng kể họ tên, lão-mẫu cũng ra chào hỏi, sai làm cơm khoản-đãi, uống rượu đàm tâm, mười phần tương đắc. Hồ-Đình hỏi:

« Tướng quân có tài thao-lược như vậy, sao không đi đầu quân hiệu-lực, để lập công chốn sa tràng? »

Tiền-Hổ nói:

« Tiểu-đệ cũng lập chí như vậy, chỉ vì còn chút mẹ già, nên phải ở nhà phụng-dưỡng. »

Ba người chuyện-trò suốt sáng, hôm sau cơm nước xong rồi, Tiền-Hổ đưa thầy-trò Tuấn-Sinh ra ngoài năm dặm, gạt nước mắt trở về.

Thầy-trò Tuấn-Sinh đi đến bờ sông, gọi đò sang ngang, thuyền-chủ trông thấy nặng túi, khởi bụng bất-lương; thuyền vừa chở ra đến giữa sông, liền tuốt gươm ra toan chém. Hồ-Đình van lạy rằng:

« Đại-vương tha mệnh cho thầy-trò tôi, bao nhiêu vàng bạc xin dâng nộp cả. »

Thuyền-chủ nhất-định không nghe, Hồ-Đình nói:

« Vậy Đại-vương làm phúc toàn thân-thể cho chúng tôi! »

Thuyền-chủ bèn trói hai thầy-trò lại, quăng xuống sông, lấy hết vàng bạc, chở thuyền kéo đi.

Tống-Gia-thôn có một người nhà giầu hay làm phúc, gọi là Tống viên-ngoại, phu-nhân là Phùng-thị, chỉ sinh được người con gái tên là Thụy-Anh, phu-nhân lại nuôi một người cháu là Phùng-Minh để trông nom việc nhà. Phùng-Minh vẫn ngấp-nghé Thụy-Anh chỉ chực lấy cả người lẫn của.

Một hôm phu-nhân ngồi trong thuyền, nhác thấy cái gì trôi dập-dềnh trên mặt nước hình như người chết đuối, sai thủy-thủ xuống vớt lên, quả-nhiên vớt được hai thầy trò Tuấn-Sinh, đem về thuốc thang chạy chữa, một lúc tỉnh lại, viên-ngoại hỏi rằng:

« Hai người họ tên là gì? Cớ sao mà mắc nạn làm vậy? »

Hồ-Đình khóc rằng:

« Tiểu-chủ tôi là Hồ-Tuấn-Sinh, tôi là Hồ-Đình, nhân đi qua đò, thuyền-chủ quẳng xuống sông, lấy hết cả vàng bạc, may nhờ ân-công cứu mệnh, thực là cải tử hồi sinh. »

Viên-ngoại nói:

« Nay ta hiếm-hoi muốn nuôi Tuấn-Sinh làm nghĩa-tử, có bằng lòng không? »

Hồ-Đình mừng lắm, dục Công-tử ra lạy viên-ngoại nhận làm nghĩa-phụ. Viên-ngoại sai dọn thư-phòng cho Công-tử học tập, lại đem liễu-hoàn là Hải-Đường gả cho Hồ-Đình, sau thấy Tuấn-Sinh thông-minh dĩnh-ngộ, văn vũ song toàn, vợ chồng bàn nhau đem con gái là Thụy-Anh gả cho Tuấn-Sinh.

Tối hôm thành thân, vợ chồng đưa nhau vào động phòng. chợt thấy liễu-hoàn là Quế-Hoa nắm lấy áo Tuấn-Sinh mời vào thư-phòng; khi vào đến nơi, Phùng-Minh bỏ một vò rượu ra uống, Tuấn-Sinh không biết là mưu kế, bưng chén rượu uống hết, bỗng-chốc mê-mẩn tâm-thần bất-tỉnh nhân-sự, gục xuống bàn mà ngủ. Phùng-Minh mừng lắm, sẽ lén vào phòng Tiểu-thư. Thụy-Anh giật mình hỏi rằng:

« Biểu-huynh vào đây có việc gì? »

Phùng-Minh tìm cách dỗ-dành, nhưng Tiểu-thư nhất định không chịu, toan kêu to lên, Phùng-Minh rút dao găm ra mà bảo rằng:

« Nếu kêu thời đâm chết. »

Tiểu-thư quát lên một tiếng, Phùng-Minh sợ vỡ chuyện, liền chém Tiểu-thư một nhát đứt đôi đầu ra, đem thủ cấp vùi xuống gầm giường, rồi lẻn giở ra. Sáng hôm sau thị-tỳ thấy Tiểu-thư nằm chết sóng-sượt, hồn-vía rụng-rời, vội-vàng chạy lên bẩm với viên-ngoại rằng:

« Bẩm!.. Bẩm!.. Bẩm!.. ông bà, không biết cô-nương làm sao mà mất đầu. »

Vợ chồng viên-ngoại giật mình kinh sợ, vội-vàng chạy xuống xem, thấy Tiểu-thư nằm sóng sượt dưới đất, máu chẩy đầm-đìa mà không thấy thủ-cấp đâu, chạy vào thư-phòng tìm Tuấn-Sinh, thời Tuấn-Sinh hãy còn mê-mẩn không biết chuyện gì cả. Viên-ngoại tưởng là Tuấn-Sinh giết chết Tiểu-thư, sai người đi trình quan, quan Huyện là Tiền-công thân-hành khám-nghiệm, dải Tuấn-Sinh về huyện-đường tra xét, nay kìm, mai cặp, Tuấn-Sinh bất-đắc-dĩ phải nhận liều, nhưng hỏi đến thủ-cấp thời không biết đâu mà nói, cứ năm ngày lại đem ra khảo-đả một lần, rất là khổ-sở.

Hồ-Đình thấy vậy, như dao cắt ruột, bàn với vợ là Hải-Đường rằng:

« Hồ Quốc-công bị nạn cả nhà, chỉ còn một mình tiểu-công-tử phó thác cho ta, nếu Công-tử có mệnh nào thời chung thân tuyệt giống, vậy ta phải liều mình để cứu lấy chủ-nhân, mà muốn cứu Công-tử tất phải mượn thủ-cấp hiền-thê mạo làm thủ-cấp Tiểu-thư, nhưng nghĩa vợ chồng ân-ái mới được ba năm, không thể dứt tình được. »

Hải-Đường nguyên là người hiền-đức, liền giả nhời rằng:

« Phu-quân đã liều mình cứu chủ, thời thiếp cũng không sống một mình làm chi nữa. »

Nói chửa dứt nhời, Hồ-Đình nước mắt ròng ròng, chém Hải-Đường một nhát đầu rơi xuống đất, vội-vàng nhặt lấy thủ-cấp đem thẳng vào Huyện.

Bấy giờ quan Huyện đang tra khảo Tuấn-Sinh; Hồ-Đình đem thủ-cấp vào bẩm rằng:

« Chính tay tôi giết chết Tiểu-thư, hiện có thủ-cấp làm bằng-chứng, xin đại-nhân đem tôi làm tội mà tha cho tiểu-chủ tôi. »

Quan Huyện lấy làm kinh-ngạc, sai nha khám-nghiệm thời không hợp, bèn quát rằng:

« Tên này to gan thật, dám giết người nào lấy thủ-cấp vào nhận tội, sự tình thế nào phải nói cho thực, lính đâu! kẹp. »

Dưới thềm dạ ran mấy tiếng, Hồ-Đình sợ hết vía, quay xuống bẩm rằng:

« Nguyên tiểu-chủ tôi phải tội oan, vợ chồng tôi liều mình để cứu chủ, vậy tôi lấy thủ-cấp của vợ tôi, đem vào nhận tội, không ngờ đại-nhân thần-minh thành ra tôi vẽ hổ không nên, lại thiệt mất một người vợ hiền. »

Quan Huyện nghe nói, khen là tiết-phu nghĩa-phụ, sai khám-nghiệm thi-hài Hải-Đường cho đem mai táng, còn hai thầy trò Tuấn-Sinh hãy đem tống giam rồi sau sẽ xét. Tối hôm ấy, Tiền-công tắm gội sạch-sẽ, ra miếu Thành-Hoàng nằm mộng, thấy con ngựa mọc hai sừng, một bên như hình chữ nhật, một bên như hình chữ nguyệt, sực tỉnh dậy đoán rằng: « Ngựa mọc hai sừng là chữ Phùng 馮 bên chữ nhật bên chữ nguyệt là chữ Minh 明, chắc là tên Phùng-Minh giết người. » Hôm sau cho bắt Phùng-Minh vào hỏi, trước còn chối quanh, sau thấy kìm kẹp, bèn đem sự-tình đầu đuôi thú hết một lượt, Tiền-công nghe nói sai áp-giải Phùng-Minh về lấy thủ-cấp, tha cho thầy trò Tuấn-Sinh, bắt Quế-Hoa thế mạng cho Hải-Đường, Phùng-Minh thời kết án lăng-trì. Lại cho Tuấn-Sinh cùng với con trai mình là Tiền-Cảnh-Long học tập võ-nghệ.