Cánh tay đứa trẻ  (1934) 
của Lê Văn Trương

Lấy từ tập truyện ngắn đầu tay của Lê Văn Trương với nhan đề Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích, gồm 11 tác phẩm, xuất bản bởi nhà in Trung Bắc tân văn, Hà Nội, 1934

Canh đã khuya, hạt mưa gieo tí tách, Hà Nội đang chìm đắm trong một cảnh buồn rầu thảm đạm.

Phố xá đã vắng tanh. Lơ thơ một vài cái xe, áo tơi cánh gà bưng kín mít, ghếch càng lên bờ hè mà anh xe thì co ro ngồi ẩn mưa ở dưới hiên. Vài con mèo cắn nhau ở trước cửa một nhà kia gào lên những tiếng "mao... o" lanh lảnh ghê mình.

... Trong cái buồng giấy rất lịch sự trang hoàng theo lối mới, dưới cái ánh sáng le lói của ngọn đèn điện, Bùi Nguyên đang cắm cúi viết một bức thơ. Chắc bức thơ kia có lắm điều khó nói, nên thỉnh thoảng chàng lại cau đôi lông mày, cắn móng tay, nghĩ ngợi...

Sau nửa giờ đồng hồ nghí ngoáy, vất vả, bức thư đã viết xong, chàng ném bút xuống bàn, xoa tay có vẻ khoan khoái, nhẹ nhàng như đã cất được một gánh nặng. Chàng châm thuốc hút rồi cầm bức thơ đọc lại.

Hà Nội, ngày 14-6-1934

Thưa chú,

Khi chú nhận được bức thơ này, thì cháu đã ra người thiên cổ, chắc chú phải cho cháu là một kẻ hèn nhát không chịu nổi nỗi đau đớn ở trên đời mà phải quyên sinh. Cháu xin thú thực với chú rằng cháu không có cái can đảm chịu được những nỗi chênh lệch, éo le ở đời. Cháu không thể khoanh tay giương mắt ngồi nhìn cái cơ nghiệp của cha ông vì cháu buôn thua bán lỗ, vì cháu bất tài mà phải sa vào tay kẻ khác, cháu không thể đang tâm mục kích cái cảnh tượng tan tành của gia đình cháu được. Cháu tưởng đến ngày một ngày hai đây, bọn khách nợ tham lam và tục tằn sẽ đến đây mà xâu xé, tranh giành với nhau những đồ đạc vốn là những người bạn trong cuộc đời êm ấm xưa kia của cháu, cháu tưởng đến cái vẻ mặt buồn rầu ngơ ngác của vợ con cháu trong cảnh tan nát ấy mà cháu không thể nào sống được nữa. Cháu biết rằng, cháu chết đi thì để nỗi xót thương, thiếu thốn cho vợ con cháu, nhưng nghĩ rằng chú là người rất thương yêu cháu, chắc là sau khi cháu chết, chú sẽ đem tấm lòng giời bể kia mà đùm bọc lấy vợ con cháu, nên cháu cũng đành lòng mà nhắm mắt.

Chú ôi, "con chim lúc chết kêu thương", xin chú nghĩ đến cái tiếng gọi cuối cùng của cháu lúc sắp từ giã cõi đời này mà tha hết cả tội lỗi cho cháu cùng là che chở cho vợ con cháu, cho chúng nó khỏi bơ vơ, thì cái ơn cao dày ấy dẫu kiếp này không giả được, kiếp sau cháu cũng xin thác sinh làm thân trâu ngựa để đền bồi.

Trăm lạy chú

Bùi Nguyên

Bùi Nguyên đọc xong bức thơ, vất điếu thuốc lá, mở ngăn kéo lấy ra một con dao cạo.

Trông thấy lưỡi dao sáng quắc, lạnh lẽo kia nó sắp đưa chàng về nơi chín suối, chàng chẳng có vẻ gì rụt rè ghê sợ mà lại cảm ơn nó sắp rũ sạch cho chàng những nỗi đau thương nhục nhằn. Chàng lấy ngón tay cái vuốt khẽ lưỡi dao, xem nó có thiệt bén không. Rồi chàng giơ cổ tay trái lên, tháo cái đồng hồ tay ra. Chàng lại đứng dậy lấy thìa khóa hết các cửa lại. Chàng khóa cửa xong, về ngồi ghế, xếp ba bức thơ gửi cho chú, cho vợ, cho quan tòa vào ngăn kéo rồi cởi áo ngoài ra, vén cánh tay áo sơ mi lên, lấy ngón tay giữa bên phải tìm cái mạch máu cái, chú ý như một vị nguyên soái đang tìm địa thế để triệt hạ quân thù ở trên bức bản đồ vậy.

Trông chàng lúc bấy giờ vẻ mặt nghiêm trang, cả quyết, cử chỉ điềm đạm, chậm chạp, ta tưởng ngay đến một vị y sĩ đang đem hết cái trí thông minh suy xét để xem mạch cho một người bệnh, chứ ta không thể ngờ rằng con người kia đang đi tìm cái chết, đang đi kiếm cái huyệt hiểm yếu để cầu lấy một cái chết chắc chắn, ta không thể ngờ rằng kẻ kia đang kiếm cách để làm cho bao nhiêu máu nóng trong người sẽ trào ra hết, khiến cho cái thân thể mạnh mẽ hồng hào kia sẽ trở nên một cái thây ma lạnh lẽo xám xịt.

Tử huyệt đã tìm được rồi. Bùi Nguyên lấy ngòi bút đánh dấu mực vào cho nhớ.

Chỉ nhờ một nhát dao mạnh và nhanh là cái mạch máu kia sẽ đứt phăng ra, chàng sẽ ngồi nhìn sự sống nó từ từ rời khỏi thân thể chàng...

Các cửa đã đóng kín không còn ai có thể đến bắt chàng được nữa.

Năm phút... Mười phút...

Chàng sẽ ngã ra. Thế là thoát nợ!

Bùi Nguyên nghĩ đến đấy mỉm cười, một cái cười lạnh lẽo, ghê sợ của ông thần chết. Chàng liếc nhìn chung quanh buồng như muốn cùng các đồ vật kia vĩnh biệt. Chàng cầm lưỡi dao sáng loáng giơ lên, lạnh lùng đều đặn như một cái máy, mắt nhìn vào dấu mực ở cổ tay.

Trông chàng lúc bấy giờ điềm tĩnh quả quyết cơ hồ như không còn sức mạnh gì có thể bắt chàng sống được nữa thì bỗng chiếc đồng hồ quả lắc ở buồng bên đánh mười hai tiếng: mười hai tiếng đều đặn, thánh thót, khắc khoải, trong bầu không khí yên lặng như những tiếng gọi của trái tim vợ con chàng gọi chàng. Tiếng chuông ngân ra như có vẻ khóc than, rền rĩ bắt chàng phải lùi cái chết lại một lúc mà nghĩ đến cảnh thảm sầu đau đớn của vợ con chàng sau khi chàng chết. Chàng lấy tay khoa khoa như muốn xua đuổi những cái hình, ảnh ghê gớm, đau thương, những cái ai oán, não nùng ấy đi để cho chàng được thảnh thơi mà chết. Chàng khoa tay mạnh quá thế nào đụng phải bức ảnh của vợ con để ở góc bàn, rơi xuống sàn đánh độp một tiếng. Chàng nẩy mình, cái giật mình của một kẻ đang làm một việc gì bí mật trong chỗ kín mà bỗng có tiếng động. Không biết tại làm sao - có lẽ cái bản năng nó sai khiến- chàng vội vàng nghiêng mình lấy tay nhặt lên, rồi chàng nhìn...

Vẻ mặt xinh xắn, tươi tỉnh của vợ con chàng lồ lộ ra ở trong ảnh khiến chàng phải sửng sốt, đau đớn. Chàng tự xét mình không đủ can đảm ngồi nhìn những vẻ mặt yêu mến, xinh xắn, tươi tỉnh kia sẽ phải buồn rầu, nhăn nhó sau khi mõ tòa đến tịch biên cơ nghiệp chàng. Chàng tưởng tượng đến phải mục kích những nỗi thiếu thốn nghèo nàn mà sau này vợ con chàng phải chịu mà chàng ghê sợ. Nhất định là chàng phải chết.

Nhưng nghĩ rằng trong bao nhiêu năm giời, vợ con chàng đã đem hết một tấm lòng yêu chàng, khiến cho đời chàng trong thời hạn ấy thật đã được hoàn toàn sung sướng, chàng lại muốn trông thấy mặt một lần cuối cùng nữa.

Chàng giở bức thư viết cho vợ lúc mười giờ (nghĩa là sau một giờ khi cả quyết tự tử) ra đọc lại xem nó đã đủ để an ủi vợ chàng sau khi chàng chết chưa.

Chàng đọc xong bức thơ, lấy chìa khóa sẽ mở cửa rồi vào buồng vợ.

Ngọn đèn Philipp xanh mười lăm nến như muốn đem bọc cả đồ đạc vào trong một hào quang ấm áp, êm đềm. Bùi Nguyên sẽ rón rén đến cạnh giường mở tấm màn tuyn. Mùi hương thơm tho ở trong thoang thoảng bay ra.

Trên cái nệm trắng, người thiếu phụ đang thiêm thiếp một giấc hòe nhẹ nhàng, thú vị. Cái coocsê mầu hồng mỏng và ngắn như bó lấy khổ người óng ả hồng hào...

Bùi Nguyên đứng nhìn cái tòa ngọc thiên nhiên ấy, trông cái sắc đẹp biến thành người mà toàn thân nửa hở, nửa kín như thúc giục tấm lòng thờ cái đẹp, yêu cái đẹp mà chàng động tâm. Có lẽ lòng cả quyết muốn buộc mình vào ông thần chết đã giết sống lòng mỹ cảm của chàng chăng? Trên vẻ mặt lạnh lùng khắc khổ kia, trước cái cử chỉ điềm tĩnh ấy, ta không thấy một triệu chứng gì tỏ cho ta biết rằng con người đứng kia đã xúc động.

Về khuya, giời hơi lạnh, Bùi Nguyên sẽ lấy cái chăn gấm mỏng phủ lên bụng cho vợ, thở dài một tiếng rồi quay sang buồng con.

Thoạt mở màn chàng đã được thấy một cảnh tượng rất ngộ nghĩnh nên thơ. Thằng Tý tròn trĩnh bầu bĩnh như một con búp bê nằm ngửa tênh hênh bắc chân lên một con voi bằng cao su to gần gấp đôi nó (dễ thường tối nào nó cũng phải có con voi ngủ chung thì mới được ngon giấc). Trên cái khuôn mặt bánh dầy, đôi má hây hây đỏ phảng phất như trái đào. Dưới đôi lông mày, cặp mắt ti hí như bà mụ đang dậy nhìn những cảnh thần tiên mơ mộng ở tận đâu đâu. Đôi bàn chân nhỏ nhắn, xinh xẻo, thanh tao giời sinh ra chẳng phải là để giẫm lên chông gai, bùn lầy ở trên cõi đời nhục thế này. Hai cánh tay mềm mại, trông nung núc, như chỉ để ôm lấy cổ những người yêu quý nó mà ghì vào ngực. Toàn thể các bộ phận đại để còn là trong cái thời kỳ phôi thai, nhưng nếu giời để cho sống làm người, hay ăn chóng nhớn, thì chứa chan biết bao nhiêu là hi vọng.

Thằng Tý nằm chếch về một bên giường, tay co, tay duỗi, tóc thì bơ phờ trông mấy "ghét" làm sao! "Ghét" đến nỗi ta phải mắng yêu ngay một câu: "Thằng con chó". Mà "chó" tệ. Toàn thể cái gì trông cũng ngây thơ, dễ thương lắm.

Ai cũng phải nhận rằng cái cảnh tượng một vị giai nhân đang say giấc nồng là đẹp nhưng kể ra thì một đứa bé nằm ngủ - mà một đứa bé như thằng Tý - còn có vẻ thần tiên hơn nhiều.

Bùi Nguyên tưởng tượng sắp phải từ giã đứa con kháu khỉnh ngoan ngoãn như thế kia mà lòng chàng bồn chồn, sôi nổi. Chàng sẽ ngồi ghé xuống giường rồi cúi đầu hôn con. Có lẽ lúc ấy thằng Tý đang mê một giấc đánh nhau với ông ộp, ông Ngáo gì đó mà khi cái hôn âu yếm kia vừa đặt lên gò má lại trúng ngay với cái thời kỳ trong mộng, nó liền dang hai cánh tay yếu ớt ra ghì chặt lấy cổ Bùi Nguyên mà hét to:

- Thày đánh chết nó đi cho Tý nhé!

Rồi hình như nó đã được ẩn dưới một cái sức mạnh rất có hiệu lực của một người cha yêu nó mà che chở cho nó, cái giọng sợ hãi hớt hải đã tiêu tán đi mà nhường chỗ cho cái giọng vui vẻ đắc chí, đắc chí với kẻ thù vô hình rằng: "Tao đã gần thày tao, thì mày liệu hồn". Nó lại như có vẻ khiêu khích ú ớ nói:

- Mày dám lại đây thì thày tao đánh mày chết.

Rồi như muốn thực hành ngay cái lời dọa của nó khi nó đã chắc dạ có thày nó ở bên cạnh, nó co chân đá một cái. Khổ cho con voi vô tội, bị đá, kêu đánh "bịch" một tiếng. Có lẽ giấc mộng của thằng Tý đến đấy là hết, nên nó lại ngủ, cứ ôm cổ thày nó mà ngủ.

Bùi Nguyên thấy hai cánh tay bé bỏng của nó ghì chặt lấy cổ chàng như muốn đem da thịt nó mà nhập làm một với da thịt chàng, chàng thấy cái hơi thở thơm tho của nó như một luồng gió ở trên cung tiên đưa xuống, đánh tan những nỗi u sầu thảm khốc chứa chất ở trong lòng chàng. Nhưng câu nói rất ngây thơ của thằng Tý trong khi nằm mê khiến cho chàng nghĩ đến cái chết mà ghê sợ, không phải là ghê sợ vì phải chết, ghê sợ rằng khi chết rồi thì lấy ai làm cái bình phong đón lấy những nỗi đau thương, những sự khó khăn để che chở cho đứa con còn măng sữa kia, trên bước đường đời chông gai gió bụi này. Chàng tự hỏi chàng có quyền bắt đứa con kia phải bơ vơ, khốn khổ, đau xót, nhục nhằn về cái chết của chàng không? Nghĩ đến đây, mồ hôi đổ ra như tắm.

Bùi Nguyên sẽ lấy tay gỡ cánh tay con ra. Cái cánh tay yếu ớt mà mạnh mẽ làm sao!

Chàng sẽ đứng dậy, hai mắt đăm đăm nhìn con. Rồi hai giọt nước mắt mà ta có thể nói rằng hai giọt máu mắt đầu tiên trong đời chàng dần dần nổi lên ở khóe mắt, rồi lại từ từ rơi xuống gò má. Chàng sẽ lấy tay gạt nước mắt, cúi đầu hôn con rồi trở về buồng giấy, cầm ba bức thơ tuyệt mệnh xé nhỏ, ném vào sọt giấy...

Ngoài đường, mấy bác phu xe vẫn co ro ẩn ở dưới mái hiên mà hạt mưa gieo trên nóc nhà vẫn đều đặn tí tách như không quan tâm gì đến sự đổi thay của lòng người.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)