Bức thư trả lời cho Lưu Mông của Tư Mã Quang
(Lưu Mông, danh sĩ nhà Tống, mới làm quen với ông Tư Mã Quang vừa một năm, liền viết thơ mượn tiền ông ấy, ông bèn trả lời bằng bức thơ nầy.
Bức thơ nầy cốt để từ chối không chịu cho mượn tiền, mà chẳng thèm dùng cách nói tránh trớ gì hết, một dùng lời nghiêm và nghĩa chánh, cái giá trị của bài văn là ở đó.
Xưa nay có nhiều bộ cổ văn có trích lục văn của ông Tư Mã Quang, nhưng không thấy bộ nào trích lục bài nầy; có lẽ người ta cho rằng không hay mấy, vì ít dùng điển cố chi, không có hoa hòe hào nháng. Nhưng thật ra là một bài văn hay, lại có ích cho sự giao tế ở đời nữa, bởi vậy tôi mới dịch ra đây.
Dịch đây là theo lối "dịch thẳng", không có dặm vào hay là bớt đi lời nào hết, mà cũng không đảo lên đảo xuống nữa, là có ý giữ cho còn cái bổn sắc của nguyên văn.
Ông Tư Mã Quang làm một bậc danh thần hồi đời nhà Tống Thần tôn[1]. Cái công trứ thuật của ông lớn nhứt là ở sự làm bộ sử Tư trị thông giám. Nhưng lúc viết bức thơ nầy thì ông còn làm một chức nhỏ ở kinh đô – P. K.).
*
* *
Xưa kia, Trương Bá Tùng có nói với Trần Mạnh Công rằng: "Mỗi người đều có tánh, dài hay vắn tùy mình ra lấy khuôn khổ, anh muốn làm như tôi cũng chẳng được, mà tôi bắt chước anh cũng hư". Lại Mã Viện gởi thơ răn sắp con anh mình, muốn chúng nó bắt chước như Long Bá Cao làm người cẩn thận khiêm và kiệm, chớ không muốn cho bắt chước Đỗ Quý Lương hay đi lo sự lo của người, vui sự vui của người. Quang nầy ngu hèn không ra chi, đâu đủ trông kịp người xưa lấy muôn một; nhưng lòng riêng riêng mến là người như Bá Tùng, Bá Cao, chớ chẳng dám làm theo Mạnh Công và Quý Lượng vậy.
Huống chi hồi nhỏ mới biết nói, thì đã đọc sách nho, tập quen sự cẩn thận kiểm thúc. Lớn ra làm quan, thì đọc luật lịnh, giữ mực thước. Lúc thúc làm con người nhỏ nhen, nghiêng bàn chưn mà đứng trong đám dung tục, chẳng được những tay hào hùng kỳ vĩ đếm xỉa đến đã lâu rồi. Cớ ngờ đâu năm ngoái túc hạ từ phía bắc sông Hà, hớn hớn mà đi đến, chơi chốn kinh đô, mang theo của báu ngàn vàng, tìm cho được tay thợ khéo, nhà buôn to mà bán. May mà đoái đến trong ngõ hẻm, nhơn đó tôi mới được đọc văn của túc hạ, dòm thấy cái chí của túc hạ. Cha chả! Văn cao làm sao! Chí lớn làm sao! Nói chuyện xưa thì rộng khắp mà nhiệm mầu, bàn chuyện nay thì rõ ràng mà lọc lõi, thật tôi không thể không khoe bằng miệng mà phục bằng lòng. Có điều đối với cái của báu ngàn vàng ấy, tôi ví cũng như thằng cha nhà nghèo, trọn ngày chỉ vò vè, ngắm nghía, khen lao, đồn đãi, chớ rọt chẳng có đồng tiền nào hòng dám hỏi giá nó là cao hay thấp, thì chung quy cũng không ích gì mà thôi.
Vậy mà nay túc hạ bỗng lấy cớ rằng cha mẹ không lấy gì nuôi, anh chết không lấy gì chôn, em trai, em gái, chị dâu, các cháu không lấy gì bù sớt, rồi viết thơ, phóng ngựa, ngàn dặm qua sông Hà, trực chỉ tới nơi tôi. Trong thơ bảo tôi rằng chỉ bớt ra cái khoản tiền mua một đứa ở gái năm chục vạn[2] là đủ xở công việc cho túc hạ. A hay! sao túc hạ kỳ vọng đối đãi tôi quá hậu đến thế, mà lại không biết tôi quá sâu đến thế? Quang nầy sao đặng chẳng kinh hãi vả lại nghi ngờ?
Hiện nay kẻ sĩ hào kiệt, trong thì đầy triều đình, ngoài thì bủa khắp quận huyện, những người sức có thừa mà nhờ nhõi được, chẳng thiếu chi. Túc hạ chẳng chịu ai hết, một xây trái lại đoái đến kẻ chẳng hiền nầy. Thế chẳng phải kỳ vọng đối đãi tôi quá hậu mà còn chi nữa!
Quang nầy trộm gá thân vào hàng bề tôi hầu cận, tuy vậy chớ lương tháng không đầy vài vạn; chụm quế nấu châu, đầu tháng tiêu không giáp cuối tháng; ở kinh đô mười năm nay, bao nhiêu vật cũ chứa trong đãy đã hết sạch rồi. Lấy đâu cho được năm chục vạn đặng quấy quá cháo rau cho tùng giả[3]? Vả chăng người quân tử dầu có vui lòng giúp đỡ, cũng phải mình có dư đã rồi mới kịp đến người. Mà cho có dư đi nữa, cũng lại phải trước kẻ thân rồi sau mới đến kẻ sơ, trước người cũ rồi sau mới tới người mới. Quang nầy được hầu túc hạ vừa giáp một năm, gặp nhau chẳng qua bốn năm lần, thế mà vội vã lấy năm chục vạn phụng cho ngài, thế còn bao nhiêu bà con, bạn cũ tràn hê ra đó, tôi sẽ lấy gì đãi họ? Tôi ở nhà, ăn chẳng dám thường ăn thịt, mặc chẳng dám thường mặc lụa; có đâu dám bỏ ra năm chục vạn mua một con tớ gái, mà túc hạ lấy điều đó trách tôi? Há chẳng phải là chẳng biết nhau sâu quá lắm?
Quang nầy, trước khi đi phải nhìn đất, trước khi đứng phải co chưn. Thế mà túc hạ một mai coi tôi như bọn Trần Mạnh Công, Đỗ Quý Lương, bảo tôi không kinh hãi sao được? Túc hạ bận áo nhà nho, nói chuyện Khổng Nhan, thế thì ăn cơm hút, uống nước trong, cũng đủ vui với hai thân vậy chớ; đai cơm bầu nước, cũng đủ tự đắc trong mình vậy chớ; thế mà lại lăng xăng lít xít lấy cớ nghèo thiếu đi cầu người ta, bảo tôi chẳng nghi ngờ sao được?
Túc hạ lại còn trách tôi phải làm như Hàn Dũ. Hay! Quang nầy là người nào mà dám trông làm như Hành Công được ư? Vả Hàn Dũ văn hay, văn của ông ta được người ta quý chuộng. Phàm những mộ bia, hạnh thuật của các nhà vương hầu quý phái đều cậy ông làm cho. Họ hậu tạ ông, ông nhận lấy của đó mà đem ban bủa cho thân bằng cố cựu. Ông hay làm nghĩa được là nhờ đó. Chớ Quang nầy là người nào mà dám mong như Hành Công?
Quang tôi từ lúc mới bới tóc đến giờ, tuy làm không ra trò gì, nhưng thiệt chưa hề lấy bậy của ai một trự kẽm. Điều đó mọi người vẫn biết cả. Hễ lấy vào mà liêm thì tiêu ra phải rít, ấy cũng lẽ thường. Nếu đã trông cho lấy vào phải liêm mà còn trách cho tiêu ra phải hậu, thì hai cái nết đó, chắc khó mà gồm cả được. Túc hạ lại còn muốn bảo tôi lấy ở người khác nữa, thì cái lại còn bậy hơn. Ngày xưa Vi Sanh Cao xin dấm của hàng xóm đem cho kẻ xin mình, đức Khổng còn cho là "chẳng ngay" thay; huống chi mình không giúp người được mà lại lấy của người làm rạnh[4], há chẳng hại cho cái lòng thứ?
Tôi đã không vâng lời túc hạ được, lại còn phải phí lời để cắt nghĩa như vầy, chắc mang lỗi với túc hạ nhiều lắm!
P. K. dịch
Chú thích
- ▲ Tống Thần tông (1068-1085). Tư Mã Quang (1019-1086): quan chức triều Tống, sử gia Trung Quốc.
- ▲ Năm chục vạn đây có lẽ là năm chục vạn đồng tiền thuở nhà Tống, bây giờ không rõ là bao nhiêu. (nguyên chú).
- ▲ Không nói giúp cho Lưu Mông mà nói cháo rau cho tùng gia là nói cách lịch sự. Tùng giả là kẻ tay chưn đi theo. (nguyên chú).
- ▲ rạnh: vén khéo, lịch sự (H.T. Paulus Của, sđd.).
Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)
Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 và tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)