Bả phồn hoa của không rõ, do Nhượng Tống dịch
Hồi thứ sáu

HỒI THỨ SÁU

Về quê-cũ Quan-đoàn mất tích.
Thuê trinh thám Lý-Hoa vung tiền.

Tâm-vân ra rồi, Lý-Hoa nằm ngồi không yên, vội đứng dậy về nhà để dò tung tích của vợ. Lúc ấy chính là lúc Quan-đoàn đương dậy học. Lý đi qua từng gác thứ ba, bất-thình-lình nghe có tiếng đùa cười trớt-nhả. Dừng chân lại nghe, thấy có tiếng con trai hôn-môi « chùn chụt, » và có tiếng con gái nũng nịu cố giằng mình ra. Đến đấy thì gió to dập kín cửa, không nghe thấy tiếng gì nữa. Lý tức lộn ruột, không buồn về nhà nữa, lập tức ra hiệu tìm Tâm-vân, kéo ra chỗ vắng người, mà nói,

— Lời ông nói thế mà thật! Tôi đã xét ra chứng cớ ông bảo bây giờ làm ra thế nào Tâm-vân kinh-ngạc hỏi lại, Lý thuật rõ cho nghe. Tâm-vân nói:

— Chỗ đó còn là bán tín bán nghi, không làm gì Tôi sợ còn có những việc tệ hơn thế nữa. Như bây giờ chỉ có ba kế, không biết bác có thể theo được không? Lý nói:

— Được. Tâm-vân nói:

— Làm tài trai, ai là kẻ chịu « thả-cỏ » vợ. Kế thứ nhất là cứ lờ đi như không biết, rình bắt được quả tang, đâm chết cả đôi rồi ra toà mà nhận tội. Như thế thì tội cũng nhẹ mà cũng không thẹn là mặt trượng-phu. Kế thứ hai là nên đem nhau về quê nhà, cho nó không có dịp mà đi gió về trăng. Nắng quái chiều hôm, may ra cũng kéo lại được cái hạnh-phúc, cái tình-nghĩa vợ-chồng như trước. Nhược bằng giả câm giả điếc, mặc cho chúng nó muốn làm thế nào thì làm, nuôi ong tay áo, rước voi giầy mồ. xưa nay những án giết chồng, thường thường là xẩy ra ở những nhà như thế. Kế ấy là kế thứ ba, song kỳ-thực thì không thể gọi là kế được. Có ba đường ấy, tùy bác muốn sao mặc tình. Lý-Hoa ngẫm-nghĩ một lúc, rồi rớt nước mắt mà rằng:

— Cách thứ nhất, tôi không có gan làm. Vả chăng một ngày cũng nghĩa vợ chồng, nó dẫu bất-nhân, tôi nỡ lòng nào giết nó. Còn như giả câm giả điếc, để tha hồ cho chúng nó, thì chính là như lời ông nói, tai hại không vừa. Vậy xin theo cách thứ hai là tiện hơn, song chỉ sợ nó mê những đứa kia, tôi bảo đem nó về chưa chắc nó đã chịu nghe, như thế thì làm thế nào được? Tâm-vân thản nhiên, ghé tai nói nhỏ mấy câu. Lý Hoa lẩm nhẩm gật đầu, rồi đó lại quay về nhà cũ.

Từ đó trở đi, Lý-Hoa đối với vợ lại hết sức chiều chuộng, Cách đó 5, 6 ngày, bỗng một hôm ở hiệu về. tay cầm một phong thư, thở ngắn than dài, vào bàn với mẹ. Bà mẹ rụng rời đổ đốt, luống cuống chưa kịp đáp thì Quan-đoàn bước vào, hỏi ở nhà quê có việc gì? Lý Hoa ném phong thư cho xem.

Quan-đoàn liền mở ra đọc. Thư rằng:

« Cháu Hoa,

« Bác tuổi già hiếm-hoi, lúc thàý cháu còn, có hứa để cho cháu thừa tự. Từ đấy cháu coi bác như cha, bác cũng coi cháu như con, nối rõi tôn-đường, không lo gì nữa. Không ngờ bác gái cháu mới đậy bỗng mắc chứng ho ra máu. Bác tưởng đau chóng đỡ chầy, không muốn để cháu sốt ruột nên không muốn viết thư cho cháu biết. Cho đến hôm qua, biến chứng ra mất hẳn tiếng, không ăn uống gì được hết. Chắc chỉ trong sớm tối là không thể chịu được nữa; ngong ngóng mong vợ chồng cháu về. được nhìn thấy mặt thì chết cũng cam tâm. Viết đến đây, bác không nỡ nói nữa ».

« Bác cháu: Mỗ thủ bút ».

Quan-Đoàn đọc xong, tay run lật bật. Bà mẹ nức nở dục hai con thu-xếp về. Nàng sẽ gọi chồng vào buồng, nằn-nì xin hoãn trong một hai ngày. Chàng không nghe, nàng đành phải trở vào sắm sanh hành-lý. Chàng nhân có việc bận, lại phải đi ngay, đến mãi tối mới về. Đêm ấy cả nhà lục-đục suốt đêm. Đến sáng ra, bà mẹ, vợ chồng chàng cùng con hầu, tất cả bốn người, cùng ngồi xe ra bến, đáp tầu thủ về tỉnh. Khi đã lên tầu, chàng đưa người nhà lên sà-lông, mua bốn cái vé. Các đồ hành lý điểm lại đủ cả. Nàng ngồi một lúc, bỗng giật mình quay lại chồng mà hỏi:

— Cái thìa khóa hòm của tôi, cậu có ầm đấy không? Chàng kinh-ngạc đáp:

— Không! mợ để ở đâu, tôi không biết. Nàng nói:

— Tôi cất kỹ lắm, để tôi trở về lấy. Chàng nói:

— Mợ rõ nhiễu sự quá! Tầu sắp nhổ neo rồi, về thì ra sao kịp? Nàng nói:

— Để tôi cho phu xe thêm tiền, nó cố chạy; vừa đi vừa về chỉ trong mười lăm phút. Còn kịp chán không hề chi. Chàng đành phải nghe lời, lại hỏi

— Thế mợ có cần ai đi theo không? Nàng nói:

— Sao cậu lẩn thẩn thế! một người đi còn sợ chậm, huống hồ lại thêm người nữa! Nói xong, dứt áo lên bờ.

Mười phút sau, còi tầu đã « tu-tu » báo hiệu nhổ neo. Lý-Hoa luống cuống, ngồi đứng không yên, ngong ngóng trông vợ về, song càng mong càng mất. Một lúc sau, tầu đã phá sóng chạy ra ửa bể, mà tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra Bà mẹ không thấy con dâu, lại giầy vò con trai. Chàng vừa tức vừa giận, ngồi ngây ra như tượng gỗ. Chiều hôm, tầu đã đến tỉnh. Mẹ con lên bộ rồi thuê thuyền về Tăng-giang. Về đến nhà, bà mẹ thấy chị dâu vẫn khỏe mạnh như thường thì giật mình hỏi lại Lý-Hoa. Ông bác, bà bác thấy mẹ con vô-cố đem nhau về, cũng xúm lại hỏi duyên cớ. Lý-Hoa thuật lại bức thư, và nói là tất nhiên có kẻ xỏ-lá lập mưu đánh lừa. Bà bác lại hỏi đến cháu dâu. Bà-mẹ kể đầu đuôi cho nghe. Bà-bác nói:

— Cái đó cũng chả ngại, kíp chầy rồi thế nào nó chả về đến nhà... Cùng nhau truyện vãn, hồi lâu, bà bác bảo dọn cơm ăn, song cơm nào mà nuốt cho trôi cổ được. Mãi đến tối, Lý-Hoa mới đem việc mình lập mưu lừa vợ về quê thưa rõ với mẹ. Thú thật rằng bức thư kia chính tự mình viết giả, song vẫn giấu lỗi cho vợ, chỉ nói là cách đề-phòng sẵn như thế để sau khỏi sinh ra lắm chuyện mà thôi. Hai ba hôm sau, ngày nào chàng cũng ra bến sông để đón vợ về, song con mắt đã mòn, mà người xa vẫn vắng. Hôm thứ tư chàng viết sang một bức thư, dục bảo thuê quanh lấy một người vú-già rồi cùng về, đừng nấn ná nữa. Thư đi năm ngày, cũng biệt vô âm-tín, chàng sốt ruột quá, xin phép mẹ lại sang Hương cảng xem sao.

Sang đến nơi, hỏi các người trong hiệu, hỏi vợ chồng Úy-nùng, lại hỏi hết cả những chỗ quen biết của Quan đoàn, đều không ai biết nàng ở đâu . Chàng bàng-hoàng, như ngây như dại, lại về hiệu tìm Tâm-vân. Tâm vân trông mặt chàng, giật mình mà rằng

— Tôi tưởng bác đem gia-quyến về quê, sao lại còn ở đây mà trông mặt ngơ-ngác thế! Lý-Hoa không nói, bấm ông lão ra chỗ vắng rồi thuật lại chuyện mình cho nghe. Tâm-Vân cười nhạt mà rằng:

— Tôi đoán chắc thế nào cũng có những việc quái ác như thế xẩy ra, cho nên dục bác đem bác gái về. Không ngờ nó lại tính trước được mình. Âu cũng là vận-niên bác năm nay không tốt. Thế bây giờ bác đã nghĩ có kế gì để tìm kiếm nó chưa? Chàng nói:

— Việc đó lại xin phiền ông, nhờ ông chỉ bảo. Tâm-vân ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

— Tiền! Tính việc đời phải có tiền mới được. Bác thử tính lưng xem hiện có bao nhiêu đã rồi ta sẽ bàn. Chàng nói:

— Chẳng nói giấu gì ông, nhờ ông chủ mới, làm cũng tkhá tiền. Tôi lại ăn nhịn để dành nên đã gửi nhà băng được tám-trăm đồng, chẳng hay thế có đủ không? Tâm-vân lắc đầu mà rằng:

— Không đủ đâu! Hay tôi giúp bác năm trăm, bác lại đi vay giật bà con lấy bẩy trăm nữa cho đúng hai nghìn, bấy giờ ta sẽ nói truyện. Lý-Hoa vâng lời, từ biệt Tâm vân rồi ra cửa. Hôm sau, chàng lại đến tìm Tâm-vân mà nói:

— Số tiền nói hôm qua, nay may đã thu xếp đủ. Thế nhưng vì một việc hèn mọn mà phiền ông cho vay một khoản tiền lớn như thế, lòng tôi thực áy náy không yên. Tâm-vân nói:

— Rõ chuyện đàn bà! Chết đến nơi rồi còn kiểu-cách. Tôi giúp là vì trông thấy việc bất bình nên tức mà giúp, bác đừng để tâm. Có một điều hỏi thật bác: Bác có thể giao cả cho tôi hai nghìn đồng ấy mà không hỏi gì đến không? Chàng đáp:

— Được. Tâm-vân nói:

— Trong hai tuần lễ, thế nào sẽ có tin nói với bác. Con đàn-bà kia đã bầy mẹo để hại bác thì bác cũng nên coi nó như hùm, như sói, đừng có đêm mong ngày nhớ, mất cả chí-khí bọn thanh-niên. Thiên hạ không thiếu gì con gái đẹp đâu, quí gì cái hạng hoa thơm mất nhị! Lý-Hoa vâng lời. Hôm sau thu xếp tiền đưa cả cho Tâm vân. Tâm-vân xin phép nghỉ nửa tháng để về quê. Còn chàng thì lại làm việc chăm chỉ như thường. Sợ mẹ già mong, có viết thư về tìm lời yên ủi.