Bả phồn hoa/5
DỊCH GIẢ: Nhượng Tống
HỒI THỨ NĂM
Tham tiền công, Quan-đoàn dậy học.
Thương tình bạn, Tâm-vân bầy mưu.
Ú-nùng thấy hai người nói chuyện, mỗi người giữ một ý, liền cũng ngứa mồm nói góp rằng:
— Trời sinh ra con người khuynh quốc khuynh thành như thế, thế mà lúc này trạng-nguyên, lúc khác tể-tướng, tài ấy sắc ấy, ai mà chẳng phải say mê. Nếu không thì ba trăm mỹ-nữ cung-tần, nhà vua có thiếu gì mà phải lăn lóc với Mạnh-Lệ quân. Thế mới biết con gái đã được bên sắc lại được cả bên tài, thì thanh giá lên cao không biết bao nhiêu mà kể. Vừa nói vừa đưa mắt cho Quan-đoàn, hình như tỏ ý cho nàng biết rằng mình coi nàng chẳng kém gì Mạnh-Lệ quân. Nàng có ý ngượng cúi đầu vuốt tà áo. Vừa hay người đầy tớ gái đã mua bánh mua nước đem vào. Ba người cùng ăn uống qua loa, thì tấn thứ hai vừa hết Nàng thấy đêm đã khuya, nhân nói với vợ chồng Úy nùng xin về trước. Úy-nùng mời ở lại xem nốt tấn thứ ba song nàng không chịu ở thì cũng đứng rậy về nhân thể. Về đến nhà, Úy-nùng lại giữ lại ở cùng ăn cơm tối đã rồi hãy lên gác. Nàng từ chối không được, liền cho con hầu là Yến-Vân lên nói với chồng. Khi cùng ngồi vào ăn. Úy-nùng rót một cốc rượu lớn đưa lại mời nàng, rồi lả lơi mà nói:
— Tôi có một câu chuyện muốn thưa, chẳng hay mợ có cho phép không? Nàng mỉm cười mà rằng:
— Xin cứ nói. Úy-nùng nói:
— Mợ là người học thức, vợ chồng tôi rất lấy làm mến. Như nhà-tôi, chữ « nhất » là một không biết, bấy lâu vẫn muốn tìm thày xin học, nay may được gặp mợ, chỗ quen biết mong mợ làm ơn giúp cho việc ấy, có được không? Nàng mỉm cười mà rằng:
— Ông đừng nói đùa! Em chẳng qua vọc vạch được ba chữ-què, dám đâu lên mặt làm thày người khác. Mợ-Tư nói:
— Nhà đã gần, đôi bên lại là bạn thân, tưởng mợ không nên tiếc chị em mới phải, hà tất phải nói nhún như thế? Úy-nùng cũng cố nói vun vào cho được. Nàng ngần ngừ không quyết, đứng rậy cáo từ xin về.
Hôm sau, Úy-nùng tự nghĩ: Việc này phải xum họp lâu thì mới thành được. Thế mà muốn cho xum họp lâu thì không gì bằng mời nó làm cô-giáo. Thế nhưng xem ý nó cả thẹn mà cũng không có quyền tự chủ, mình nói cũng chẳng ăn thua. Nghĩ thế rồi bực dọc bước chân ra cửa. Đi được một quãng, gặp một người bạn nhà làm nghề bánh ngọt, tên là Doãn-Giác-chi. Nhân vô sự, hai người liền giắt nhau vào một tiệm thuốc gọi đem bàn đèn ra, cùng nhau nạo tẩu, mớm xe, hút mây, thở khói. Trong khi nói truyện, Úy nùng biết Giác-chi có quen với Lý-Hoa liền nhờ nói hộ về việc mời Quan-đoàn làm cô-giáo. Giác-chi cười mà rằng:
— Được! Anh thật tốt số, định thả vỏ-quýt ăn mắm ngấu phải không? Nếu nói xong thì lấy gì làm lễ tạ? Úy-nùng nói:
— Nói đùa làm chi thế, mời cô giáo là mời cô giáo, còn có ý-nghĩa gì mà phải bắt nọn nhau! Hai người lại nói chuyện một lúc nữa, rồi đó mới chia tay ra về. Một lúc sau Giác-chi đã đến cửa hàng Đào-hoa-quán, mời Lý-Hoa cùng đến một hàng cao-lâu, chén chú chén anh, tỷ mỷ hỏi đến việc nhà việc cửa. Lý Hoa thở dài mà rằng:
— Chỗ thành-thị ăn tiêu tốn lắm, khó lòng mà để dành được lấy đồng tiền. Giác-chi giả-cách ngẫm nghĩ, bỗng cất tiếng hỏi:
— Bác gái có biết thêu thùa, khâu vá, để thêm cặp vào được ít nào không? Lý nói:
— Dù biết nữa mà được mấy đồng! Vả chăng nhà-tôi trước là một cô nữ-học-sinh, yếu-ớt lắm, làm ăn gì cho được! Giác-chi như người sực nghĩ ra mà nói:
— Thế thì bác khờ quá! Ruộng tốt như thế mà không chăm cầy cấy, không trách rằng túng được. Lý không hiểu cố hỏi, Giác-chi mới nâng cốc, vừa uống vừa gật gù cười bảo Lý rằng:
— Hiện nay nữ-học đương thịnh, trường tư trường công cần đàn bà nhiều lắm. Bác gái đã biết chữ, sao chẳng tìm một nơi dậy học? Lương tháng vài ba chục, có lo chi không giúp đỡ được món tiền kinh phí trong nhà? Lý nửa ngờ nửa tin mà rằng:
— Nhà tôi ở nhà quê vẫn dậy học, song ra đây chưa chắc đã đắt nào! Giác-chi lại giả vờ ra dáng ngẫm nghĩ, một lúc mới lấy đũa gõ vào bàn mà rằng:
— Được rồi! Được rồi! Tôi có một người bạn họ Trần, làm ở một công ty kia, nhà trọ ngay cái tầng gác thứ ba nhà bác ở. Nghe nói nhà Mợ-Tư vợ bác ta muốn tìm người dậy học, đã có lần nhờ tôi tìm hộ. Bác có biết bác ta không? Lý nói:
— Có! Tôi không quen, song vì liền nhà nên nhà-tôi thường có đi lại với nhà bên ấy. Nếu vậy thì chỗ bà con cả, họ có ý mời thì cũng dễ thương-lượng. Giác-chi lại làm ra bộ rất thực-thà mà nói:
— Ví phỏng họ bằng lòng mời, bác gái bằng lòng dậy, thì lương tháng bác định lấy độ bao nhiêu? Lý đáp:
— Ít nhiều thế nào cũng được, để tôi bàn với nhà-tôi xem. Nói đến đấy, hai người lại cùng nhau ăn uống no say rồi mới trở về. Hôm sau Lý viết thư cho Giác-chi, nói rằng: « Nhà tôi trước còn không thuận, song tôi phân trần về cớ nhà túng thì đã chịu nghe lời. Còn tiền nong thì tùy nhà chủ. Định thế nào nên thế, vân vân. » Giác-chi lập tức trả lời cho Úy-nùng. Úy-nùng mừng nhẩy-chân-sáo, vội viết thư sai đầy tớ đưa lên Quan đoàn, nói rằng xin đưa mỗi tháng bốn mươi đồng, và lại đính theo mười đồng làm lễ mời thày học. Quan đoàn đắc-ý nhận ngay, chọn ngày tốt khai-trường. Trước là bè bạn, nay đã thày trò, Mợ Tư cùng nàng rất nên tâm đầu ý hợp, Cô nữ-học-sinh ngọc chuốt vàng trau thuở nọ nay đã nghiễm nhiên làm một cô nữ-giáo-sư mực điểm son tô! Giác-chi vốn là một tay nhà buôn mới nổi tán tỉnh khéo, chuyện trò vui, vì cớ giới-thiệu, có ơn riêng với nàng, nên cũng thời thường đến chơi, lại cho cả một cô vợ-bé đến học nữa. Cái giao-tình thân-thiết đối với nàng, Úy-nùng với Giác-chi, so ra cũng không ai hơn ai kém. Thế là từ khi nàng ra Thượng-Hải, những kẻ biết nàng mà đem lòng say-đắm, trước sau kể đã ba người. « Một trăng mà mấy Cuội ngồi? Một gương Tư-mã mấy người soi chung! »
Nàng ở Hương-cảng lâu, đã bạo giạn hơn trước nhiều, đối với anh em nam giới, đi lại cũng không gìn giữ lắm. Vì vậy thường thường có thơ đi giấy lại với các giáo-viên và các học sinh các trường. Tiếng lành đồn xa, tiếng rữ đồn xa, mỗi khi trăng chiều hoa sớm, cảnh đẹp trời xinh, nàng lại ăn mặc lịch-sự, đi xe dong ra các phố ngoài, ai trông thấy cũng bảo nhau rằng: Con này chính là con Hồ tinh mặt-ngọc, nó đã đem nhan sắc quyến dỗ bao nhiêu người! » Những điều tiếng đó chẳng bao lâu đã đến tai Lý-Hoa, chàng điềm nhiên cho là chúng ghen ghét đặt điều, chứ trước sau vẫn một lòng tin vợ.
Sương bạc mới sa, gió vàng vừa thổi, cành ngô rụng lá, trời đã sang thu. Một hôm Lý-Hoa ở nhà ra hàng, nằm chỗ giương cũ, đương sắp đi ngủ thì bỗng thấy ngoài cửa có tiếng ho sù-sụ và tiếng gọi tên mình. Chàng ra mở cửa thì ra người bạn già cùng làm ở trong hiệu tên là Lương-Tâm-vân Tâm-vân thường phải đi đây đi đó, không ở hiệu mấy khi. Ăn ở với Lý rất thân, có điều gì nhầm lỗi vẫn đem lời khuyên bảo Lúc ấy ngồi vào bên giường, nhìn Lý một lúc rồi nói:
— Tôi có câu này, nói ra tất trái tai bác, thế nhưng chỗ anh em thân, không nói ra thì lại không đành lòng, chẳng hay bác có muốn nghe không? Lý giật nẩy mình, trống ngực đánh thình-thình, sẽ cất tiếng nói:
— Ông cứ dậy. Tâm-vân thở dài mà nói:
— Tôi ngày trước, cũng trẻ trung như bác. Vợ chồng ăn ở với nhau, chồng đi đâu, vợ đi đấy, hôm sớm có nhau, kể cũng là một cái hạnh phúc trong đời người. Thế nhưng việc thế không thường, có khi thà phương trời cách trở như vợ chồng Ngâu, còn hơn là quấn-quít lấy nhau mà để lại bao nhiêu là khổ não. Ý tôi nói thế, bác đã hiểu chưa? Lý thấy nói chạm đến việc gia-đình, bụng lại càng nôn-nao, nhân cố-ý hỏi gặng. Tâm-vân nói:
— Tôi không biết chuyện gì hết. Thế nhưng cứ ý-ngu tôi mà xét thì bác nên cho bác gái về nhà quê ở là tiện hơn. Lý có ý kinh-ngạc, dương mắt nhìn Tâm-vân trừng-trừng. Tâm-vân cười nhạt mà rằng:
— Bác không tin tôi sao? Việc thiên-hạ, chỉ kẻ ngoài vòng nhìn mới rõ. Tôi không tiện nói nhiều, song nếu không nghe tôi thì rồi có lúc ăn-năn không kịp đấy. Lý cãi-lại rằng:
— Có lẽ ông nghe lời chúng nó đồn-nhảm, ngờ nhà-tôi có những việc không đứng-đắn đó sao? Hôm nào tôi cũng ở nhà, vợ chồng xum họp với nhau. Nhà-tôi dẫu hư, song nó có cách gì mà phân thân đi nơi khác được? Chúng nó nói láo đấy, ông đừng tin. Ông lão điềm nhiên lấy thuốc lá ra hút, rồi lại cất tiếng khẩn khoản mà nói:
— Tôi xưa nay không hay nói. Đã nói ra là bất-đắc-dĩ lắm, bác nên nghe lời tôi. Lý cười cười nói nói mà rằng:
— Ông nói chi mà úp-mở như vậy? Có gì là chứng cớ không Tâm vân nói:
— Bác mê không biết đấy thôi Người trong huyện này, còn có ai là không rõ chuyện. Tôi nói thế là đủ. Tin hay không tin tùy bác. Thôi, tôi xin ra....